Blogger nổi tiếng nhất Việt Nam Bùi Thanh Hiếu: “Hệ thống cai trị Việt Nam phải bị vứt bỏ”
Ông đã khuyên người bạn của mình nhiều lần thuê vệ sĩ để bảo vệ. Ông Bùi Thanh Hiếu đã kể như vậy ngay khi bắt đầu cuộc trò chuyện. Ông cảm nhận được rằng những người đàn ông đầy quyền lực đã truy đuổi khiến bạn của ông phải trốn chạy khỏi quê hương Việt Nam của họ cũng sẽ tìm kiếm anh ta ở Berlin. Và ông đã nói đúng. Theo các nhà điều tra người Đức, một cuộc đột kích của cơ quan mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, bạn của ông, vào ngày 23 tháng 7 năm ngoái ở công viên Tiergarten và lôi ông ta về Hà Nội.
Ông ta đang ngồi tù ở đó, vào hôm thứ Hai này, sẽ bắt đầu phiên tòa xét xử ông ta. Ông bị cáo buộc với cương vị là người đứng đầu Tập đoàn dầu khí quốc doanh Petrovietnam về quản lý yếu kém và nhận tiền hối lộ. “Thanh chắc chắn sẽ không có cơ hội để bào chữa cho mình,” ông Bùi Thanh Hiếu dự đoán. Người đàn ông 46 tuổi này là một trong những blogger nổi tiếng nhất của Việt Nam – và đã sống ở Berlin hơn ba năm vì ông cũng bị bắt và bị trả thù bằng cách tống xuất khỏi quê nhà. Một thông dịch viên đã đi cùng với ông ta đến cuộc gặp mặt tại ở tiệm Cafe in Mitte.
Bùi Thanh Hiếu đã viết xong ba cuốn sách ở Đức trong thời gian ba năm qua, một trong những cuốn đó là viết về cuộc hành trình của mình từ Hà Nội sang Đức. Anh: Gerd Engelsmann |
Nguyên do là tham nhũng
Ông Hiếu nghi ngờ về một mối hiềm thù chính trị chống lại bạn mình, người mà trước đây từng giữ một chức vụ trong Đảng Cộng sản cầm quyền Việt Nam. “Bản phán quyết đã có sẵn: tôi cho rằng đó là án tử hình”. Theo các nhà phê bình, dưới chiêu bài chống tham nhũng, chính quyền Việt Nam đã cho bắt giữ những cựu cán bộ, các quan chức và ngân hàng vào năm ngoái – để bài trừ họ.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), đàn áp bằng bạo lực ngày càng gia tăng ở Việt Nam ngay cả với những người vận động dân chủ hoặc tố cáo tham nhũng. Mặc dù đất nước đang trải qua một sự phát triển về kinh tế, nhưng các cấu trúc chính trị vẫn trơ trơ bám giữ chế độ độc đảng. Trong bảng chỉ số xếp hạng về tự do báo chí Việt Nam đứng ở vị trí 175/180 các quốc gia được xếp hạng.
Blogger chống tham nhũng
“Tôi không biết họ đã bắt tôi bao nhiêu lần”. Ông Bùi Thanh Hiếu nói, đó là một người đàn ông nghiêm túc, vẫn thường hay sử dụng những từ ngữ rõ ràng và mang một vết sẹo đáng kể trên mũi của mình, “Khi thì hai ngày, đôi khi trong hai tuần. Họ không đánh hay tra tấn tôi, nhưng trong khi nghỉ giữa giờ thẩm vấn họ đã cho tôi xem các đoạn video bí mật quay con trai tôi để gây áp lực cho tôi. “. Hãy nhìn xem, chúng ta gần gũi với con trai bạn đến thế nào, các clip dường như muốn nói.
Hiểu theo một khía cạnh nào đó, con trai ông cũng là người khiến cho Bùi Thanh Hiếu, một người học nghề thiết kế nội thất, đã trở thành một người viết Blog. “Hôm con trai tôi chào đời, vào năm 2005, đã có những biến chứng. Các bác sĩ tại phòng khám muốn được nhận hối lộ – nếu không họ sẽ không điều trị cho vợ tôi và đứa bé. “, thời đó ông Hiếu không giàu có, nhưng ông đã cố phải gom góp từng đồng.
“Sau đó, vợ tôi cần phải nghỉ ngơi tại phòng hồi sức, nhưng chỉ được nếu chịu trả một khoản tiền hối lộ”. Tệ nạn tham nhũng trong bệnh viện của nhà nước đã gây sốc cho người vừa mới được làm bố đến mức ông phải lập một blog và viết về nó. “Các tờ báo chịu sự chỉ đạo của nhà nước, phủ nhận không có chuyện như vậy.”
“Gió là một biểu tượng của tự do”
Ông kể: Bài viết của ông có tiếng vang đi rất xa, những nạn nhân tương tự đã tiếp tay truyền tải nội dung bài viết, ông nhận được thư – và được khuyến khích, động viên để tiếp tục. Vì vậy, ông đặt cho mình cái bút danh Người Buôn Gió, “Gió là một biểu tượng của sự tự do, nó cần được lan rộng và thâm nhập vào khắp mọi nơi” Người viết blog giải thích. Ông ta đã nghiên cứu, viết về những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực trong đảng, về các vụ xì căng đan trong xây dựng, về chiếm đoạt tài sản và kiểm duyệt. Ông cũng mở một quán cà phê internet tại quê nhà Hà Nội. Nhưng cũng không kéo dài được bao lâu, ông kể, lúc đó ông Bùi Thanh Hiếu đã có 15.000 độc giả mỗi ngày.
Những rắc rối bắt đầu xuất hiện. “Đột nhiên blog của tôi đã bị khóa hoặc tài khoản Facebook của tôi đã bị xóa.” Sau đó, cảnh sát đã rút giấy phép hành nghề quán cà phê, “bởi những tuyên truyền phản động được phát tán từ nơi đó.” Việc bắt giữ đầu tiên làm gia tăng nỗi sợ hãi cho bản thân và gia đình.
Liên lạc đầu tiên của Thanh
Khi thị trưởng thành phố Weimar của tiểu bang Thüringen chú ý tới một bài viết được dịch sang tiếng Đức của Hiếu, ông bèn mời ông sang – và Bùi Thanh Hiếu đã có thể rời khỏi VN vào năm 2013 cùng gia đình tới Đức. Một thời gian sau, ông nhận được học bổng ba năm từ Trung tâm Văn Bút Quốc Tế PEN, một hiệp hội các nhà văn và chuyển đến Quận Lichtenberg – Berlin.
“Tôi là người đầu tiên mà Trịnh Xuân Thành liên lạc sau khi bị thất sủng vào năm 2016 và phải chạy trốn vào nước Đức”, ông Hiếu kể. Trong nhiều ngày họ đã ngồi lại với nhau, blogger đã công bố các bằng chứng, để chứng minh sự vô tội của ông Thanh. Ông chỉ ra cho thấy những mâu thuẫn trong các bằng chứng buộc tội ông Thanh, “Khi thì vì tội quản lý yếu kém, khi thì tội tham nhũng và khi thì tội biển thủ tài sản,” ông Hiếu nói. “Một khoản tiền bị cáo buộc là tiền hối lộ chỉ vì Thanh đã bán cho ai đó một chiếc xe hơi.”
Giấc mơ về Hà Nội
Những mô tả như thế này và các tài liệu mà ông Bùi Thanh Hiếu trưng dẫn, tất nhiên, rất khó xác minh. Trong các dữ kiện khác, ông đã chứng tỏ có rất nhiều hiểu biết. Hiện thời, ông Hiếu muốn trưng dẫn những bằng chứng cho thấy rằng bạn mình bị đánh đập trong tù và anh ta bị lấy gối chèn đến nghẹt thở. Những bài viết của ông có thể khiến cho ông phải trả giá đắt như Trịnh Xuân Thành, ông hoàn toàn có lý để lo sợ về điều đó “Nhưng tôi không thể chỉ đứng nhìn và không làm gì cả. Hệ thống cai trị của Việt Nam phải bị vứt bỏ.”
Nếu một ngày nào đó có đầy đủ điều kiện, ông muốn trở về Việt Nam. Ông không đặc biệt yêu thích Berlin, nó quá lộn xộn – “đường phố, tàu điện ngầm” – và những bất trắc không thể đoán trước. Ông hầu như không có liên lạc với đồng bào của mình trong thành phố. Họ có mối quan hệ quá gần với đại sứ quán và đảng Cộng sản. Trong giấc mơ, Hiếu thấy mình ngồi trong một quán cà phê ở một ngõ nhỏ Hà Nội và viết truyện. Và khi đó, blog của ông không còn cần thiết nữa – ông sẽ viết về phong tục và truyền thống đầy sắc màu của quê hương.
Silvia Perdoni
Biên tập viên báo Berliner Zeitung
Theo báo Berliner Zeitung
(Dân Luận)
http://www.tintuchangngayonline.com/2018/01/blogger-noi-tieng-nhat-viet-nam-bui.html