Thế sự cong queo
Tương Lai
8-1-2018
Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 28
Đang mệt vì vừa từ bệnh viện về, cần thư dãn, thì ông bạn thân đến chơi tặng tập thơ “Cõi riêng tư” vừa mới in còn thơm mùi mực. Quả là buồn ngủ gặp chiếu manh. Bạn ra về, tôi ngả lưng ra ghế đọc thơ của bạn. Dừng lâu ở bài “Trang lão đi câu”, nhắm mắt nhấm nháp mấy dòng thơ:
Thả vào bom lửa
Cần câu không lưỡi
Câu thời yên hàn
Thả vào thời cuộc
Dây câu không cần
Cong queo thế sự
Ông già lọm khọm
Câu nỗi đời đắng chat
Nhai sự đời móm mém
Giữa u u minh minh
Dây câu không có lưỡi câu thì liệu có câu được nỗi đời đắng chát giữa u u minh minh này không nhỉ? Trong cái thế sự cong qoeo này thì rồi ra cái gì cũng có thể. Mà cong queo thế sự đâu là chuyện mới.
Ai công hỏi Khổng Tử về thuật trị nước: “Làm thế nào thì dân phục tòng”. Khổng Tử đáp: “đề cử người ngay thẳng lên trên hạng cong queo thì dân phục tòng, đề cử người cong queo lên trên người ngay thẳng thì dân không phục tòng” [“Cử trực, thố chư uổng, tắc dân phục. Cử uổng thổ chư trực, tắc dân bất phục”. Còn có thể hiểu câu này là “dùng người ngay thẳng, bỏ hết những người cong queo” vì chữ thố có nghĩa là bỏ, chữ chư là hết thảy. Mà cong queo không chỉ ở việc dùng người, còn một thứ cong queo đang kéo lùi lịch sử, dẫm đạp lên thành tựu của văn minh nhân loại, đi ngược lại với thế giới tiến bộ vừa được phơi bày. Đó là những văn bản của Bộ Chính trị do ông Nguyễn Phú Trọng ký với Quy định 105 vô hiệu hóa Quốc hội sau khi bằng quy định 102 đã vứt bỏ cái nôi dung cốt lõi của Nhà nước pháp quyền. Đây là việc công khai phơi bày tính độc tài toàn trị dùng “đảng trị nước” theo mô hình của Tập Cận Bình.
Thế rồi người ta nói dối cứ y như thật. Trên tivi đang oang oang bài của bà Chủ tịch Quốc hội nhân kỷ niệm 72 năm ngày Tổng tuyển cử bầu ra quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập “là dịp để chúng ta ôn lại, tự hào về những thành tựu của Quốc Hội đã đạt được trong những chặng đường vừa qua”. Lật trang báo “Đại biểu Nhân dân”, đọc thấy thành tích nổi bật “QH đã kịp thời ban hành các bản Hiến pháp 1992, Hiến pháp năm 2013 và hàng trăm đạo luật, pháp lệnh để tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế”.
Nếu căn cứ theo quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì Quy định số 105-NĐ/TW [*], do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ban hành và hiệu lực ngay ngày ký là ngày 19-12-2017, thì các nội dung quy định này hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Còn nếu “quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử” có giá trị thi hành Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014 không còn có ý nghĩa.
Cùng với quy định số 105, đã có cái văn bản quái gỡ “Quy định Xử lý đảng viên vi phạm” số 102 ngày15 tháng 11 năm 2017. Quy định 102 này sẽ khai trừ những đảng viên: “đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”. Đành rằng đây là quy định của đảng đối với đảng viên, nhưng sức tác động của nó là toàn xã hội sẽ phải gánh chịu. Đơn giản là vì gần 96% đại biểu QH là đảng viên, Chỉ 21 đại biểu trong số 496 đại biểu là người ngoài đảng (chiếm 4,2%), Quốc hội Khóa XIV có tỷ lệ đảng viên cao nhất từ trước đến nay. Toàn bộ bộ máy hoạt đông của QH nằm trong tay đảng viên. Mà đâu chỉ ở QH, tất tật mọi quan chức ở trung ương đến các địa phương, đến tận xã, thôn đều nằm trong tay các đảng viên.
Một khi mà ông Trọng đã dại dột nói toẹt ra trong cuộc gặp mặt cử tri ở hai quận Tây Hồ và Hoàn kiếm ngày 28.7.2017: “Hiếp pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng” thì sự ra đời của chỉ thị 102 rồi chỉ thị 105 là sản phẩm tất yếu, đúng “quy trình” của chế độ độc tài được gia cố trong cái thể chế toàn trị phản dân chủ đang đối diện với cơn bão tố của lòng dân. Đây cũng chính là vận dụng cái tư tưởng Tập Cận Bình sau đại hội 11 của Tàu trong tinh thần “hai đảng cùng chung vận mệnh” đang đầu độc tinh thần của xã hội cần phải thật tỉnh táo để gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Cái “thế sự cong queo” này đang là thảm trạng đập vào mắt của những ai đang ưu tư về vận nước. Nó đòi phải gióng lên hồi chuông thức tỉnh những ai đang còn mơ hồ trong trạng huống u u minh minh.
Hãy chỉ lẩy ra một ý trong cái chỉ thị 102 khai trừ những đảng viên nào “đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”. Đây là sự bác bỏ một thành tựu của văn minh mà loài người đạt được trên con đường dài dằng dặc nhằm giải quyết cái nghịch lý của việc dân trao quyền rồi bị chiếm đoạt quyền, trở thành kẻ bị trị mất hết quyền. “Con người sinh ra đã là tự do, vậy mà ở khắp mọi nơi, con người lại đang bị cùm kẹp”. Đây là lời mở đầu “Khế ước xã hội” của J.J Rousseau [1712-1778], ra đời năm 1762, đánh dấu một cột mốc lớn trong tư duy của con người tự nhận thức về quyền làm người của mình. Để thoát khỏi nghịch lý ấy, Montesquieu [1689-1755], nhà khai sáng Pháp với lý thuyết tam quyền phân lập trong “Bàn về tinh thần pháp luật” đã đưa ra những ý tưởng về nhà nước pháp quyền.
Chính ở đây, cái nan đề làm thế nào để dân trao quyền mà không mất quyền, các cơ quan Nhà nước được giao quyền mà không tiếm quyền của dân được đặt một nền móng ban đầu để giải quyết. Đây là vấn đề quyết định nhất và cũng là cam go nhất trong việc xây dựng Nhà nước, một vấn đề đã được tìm tòi tranh cãi triền miên trên hành trình đi tìm dân chủ và tự do cho con người.
Trong toàn bộ lịch sử của loài người, “nhà nước chỉ là một dấu ngoặc đơn của lịch sử” như tên gọi của một cuốn sách. Xã hội loài người đã trải qua hàng triệu năm, song Nhà nước thì mới xuất hiện chỉ có 6000 năm. Sự ra đời của Nhà nước Aten được đánh giá là nhà nước dân chủ nhất thời kỳ cổ đại, thậm chí đây còn là hình thức dân chủ sơ khai nhất trong lịch sử từ khi có nhà nước và pháp luật, tính chất dân chủ của nó đặt cơ sở cho nền văn minh Hy La cổ đại và cho toàn bộ nền văn minh Châu Âu thời kỳ cận hiện đại. Thành quả rõ nét nhất của nhà nước Aten chính là xây dựng được một nhà nước dân chủ chủ nô đầu tiên trong lịch sử nhân loại, là nhà nước đầu tiên vận dụng hình thức dân chủ trực tiếp, khai sinh ra hình thức chính thể Cộng hoà.
Thế nhưng, trong tiến trình lịch sử tiếp theo, người ta nhận ra rằng không thể vận dụng hình thức dân chủ trực tiếp của nhà nước Aten trong quy mô rộng lớn của các quốc gia hiện đại. Phải có hình thức dân chủ đại diện mới đảm bảo được cái nan đề dân trao quyền mà không mất quyền do bị tiếm quyền nói ở trên. Vì vây đã hình thành những mô hình nhà nước với nền dân chủ đại diện mà mô hình nước Anh được Hobes và Locke đúc kết, Montesquieu và Rousseau đã tiếp nhận và bổ sung, Tocqueville phát triển thêm khi nghiên cứu về nước Mỹ được nói đến nhiều nhất. Vắn tắt vài dòng trên đây nhằm dẫn tới chủ đề “tam quyền phân lập” để chỉ ra học thuyết về “Nhà nước pháp quyền” của Montesquieu có một đóng góp rất lớn trong quá trình hình thành và phát triển của nhà nước.
Vấn đề cơ bản nhất, cũng là tư tưởng chủ đạo của nhà nước pháp quyền là pháp quyền ở trên nhà nước. Theo nguyên lý của tư tưởng pháp quyền đó, nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc “tam quyền phân lập”. Mục đích của nguyên tắc đó là tạo ra một cơ cấu quyền lực có sự kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau nhằm tránh sự độc quyền, lạm quyền. Nhà nước và công chức chỉ làm được những điều luật pháp cho phép còn dân thì được phép làm tất cả những điều gì mà luật pháp không cấm. Để đảm bảo dân uỷ quyền mà không mất quyền thì công việc của nhà nước và các cơ quan công quyền phải công khai và minh bạch trước dân, dân có quyền tham gia vào việc hoạch định pháp luật, giám sát và kiểm soát.
Toàn bộ những ý tưởng lớn đó được xác lập từ sự phân biệt giữa “nhà nước pháp quyền” với tất cả các kiểu loại nhà nước trước đó trong lịch sử loài người. Mà nền tảng được xác lập để phân biệt thật rạch ròi chỉ ở một điểm: với nhà nước pháp quyền, quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Đây là xuất phát điểm để xác lập sự khác biệt căn bản giữa nhà nước pháp quyền với các kiểu loại nhà nước không pháp quyền.
Ở các kiểu loại nhà nước không pháp quyền, mệnh lệnh được ban ra trực tiếp từ chủ thể nắm giữ quyền lực dưới các hình thức như chiếu chỉ, sắc dụ, sắc lệnh, nghị quyết…thành văn bản hay mệnh lệnh được phát ngôn, đều là những mệnh lệnh tuyệt đối một chiều từ trên xuống, không có sự phản hồi, càng không thể có sự phản biện xã hội dưới bất cứ hình thức nào, hoặc nếu có thì chỉ là hình thức mị dân. Ở đó, quyền lực được tập trung vào độc quyền cá nhân (nhà vua) hay một nhóm người [mà Bộ Chính trị của ông Trọng là một ví dụ rất điển hình về một nhóm người không hề do dân bầu ra, nhưng lại định đoạt mọi vấn đề của đất nước]. Đồng thời, sự chuyển giao quyền lực giữa các chủ thể quyền lực là cơ chế nối truyền (gia đình, dòng tộc, các nhóm qu yền lực cùng lợi ích), quần chúng nhân đứng ngoài tiến trình này [mà hiện trạng đất nước ta hiện nay là một điển hình quá nổi bật về việc dân đứng ngoài những quyết định của đảng, mà đảng ấy đứng trên dân, dân không có quyền gì với đảng vì thế mà “ở khắp mọi nơi, con người lại đang bị cùm kẹp” mà có lẽ Rousseau, người phẫn nộ cảnh báo từ ba thế kỷ trước cũng bất ngờ.
Hoàn toàn ngược lại với những điều ấy, với nhà nước pháp quyền, quyền lực là của nhân dân và chỉ ở nhân dân mà thôi. Hồ Chí Minh từng diễn đạt ý tưởng ấy một cách dễ hiều là “quyền hành và lực lượng đều nơi dân”.
Montesquieu đã chuẩn bị về mặt lý luận cho một cuộc cách mạng xã hội khởi nguồn từ hệ thống triết học chính trị về quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước, đáp ứng được nhu cầu bức thiết phải phế bỏ quyền lực chuyên chế để đi đến một quyền lực chính trị mới, phi chuyên chế.
Vì thế, có thể nói nền, dân chủ pháp trị là sự kết tinh toàn bộ tư tưởng về bình đẳng, tự do, dân chủ của Montesquieu. Dễ hiểu tại sao cái nhà nước của thể chế toàn trị phản dân chủ đang ngày càng quy về một mối nhằm xác định uy quyền tuyệt đối của người đứng đầu đảng cộng sản hiện nay, một đảng chịu sự thao túng nặng nề của một nhóm lợi ích do Nguyễn Phú Trọng đứng đầu phải cấm nói đến “tam quyền phân lập”.
Cho nên, nói về nhà nước pháp quyền, về dân chủ pháp trị, mà điểm quy tụ nổi bật dễ thấy nhất của nó là tam quyền phân lập tất yếu không thể bỏ qua những gì, mà bằng lý luận, Montesquieu đã xây dựng nên. Một minh chứng sống động cho sức mạnh của học thuyết về “Nhà nước pháp quyền” của Montesquieu là “Lời mở đầu của Hiến pháp Hoa Kỳ”. “Lời mở đầu” này khi nêu ra lý do lập hiến đã liệt kê 5 mục đích của Hiến pháp: thể hiện một cách trung thành Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776, thể hiện tinh thần khoa học, tiến bộ và nhân bản trong việc xây dựng một nhà nước cộng hòa đầu tiên trên thế giới trong lịch sử cận đại. Biết như thế, chúng ta sẽ hiểu thêm vì sao khi viết Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh lại mở đầu bằng trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ.
Vậy là, chiếu theo quy định 102 thì đảng viên Hồ Chí Minh là người mà Tổng Trọng phải khai trừ trước tiên. Và rồi, trong bài “Đóng góp ý kiến vào báo cáo tổng kết lý luận và thực tiễn hai mươi năm đổi mới”, Võ Văn Kiệt từng viết: “Về công thức Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, chúng ta cũng đã từng đưa ra từ rất lâu, ngày nay vẫn được nhắc lại như cũ. Nếu không làm rõ nội hàm của những mối quan hệ đó thì vẫn lâm vào tình trạng nói một đường, làm một nẻo… Thực chất nội dung của công thức đó chính là đảm bảo được dân chủ trong Đảng, xây dựng được Nhà nước pháp quyền vững mạnh, phát huy quyền tự do dân chủ của mọi công dân đã được quy định trong Hiến pháp”. Đảng viên Võ Văn Kiệt, cũng như những người hiện nay vẫn hay dẫn ra, viết ra mệnh đề “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” phải khai trừ tuốt luột và ngay tắp lự.
Khai trừ vì câu này là của Abraham Lincoln viết trong diễn văn Gettysburg lịch sử, một trong những bài diễn văn được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như trong những văn bản liên quan đến nhà nước, hiến pháp và pháp luật của những nước đạt được trình độ văn minh của thế giới hiện nay.
Vậy là, khi khai trừ những đảng viên nào nói đến “tam quyền phân lập” được ghi rành rẽ trên giấy trắng mực đen của Chỉ thị 102 mà Nguyễn Phú Trọng ký ban hành là sự xác định giữa thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi cái đảng bị Trọng thao túng đã tự phơi bày sự tha hóa đến mức đi ngược lại với thế giới văn minh và tiến bộ. Chưa lúc nào mà tiếng than ai oán, phẫn nộ của các cụ ta trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX mà người đang viết những dòng này đã nhiều lần dẫn ra
“Văn minh là thế giới nào
Mà ta chìm đắm dười hào dã man”
lại có sức lay động mãnh liệt đến tâm can mỗi người Việt Nam yêu nước với sự tỉnh táo của lương tri bằng lúc này.
Vậy là tôi đã đi quá xa cái tứ thơ của bạn tôi trong “Trang lão đi câu”. Nhưng chính cái tứ thơ ấy lại giục giã phải viết ra một sự thật đắng cay cần phải nói to lên trong cái buổi u u minh minh này. Vậy mà “Người chẳng soi ở nước chảy, mà soi ở nước dừng”. Nhân mạc giám ư lưu thủy, nhi giám ư chỉ thủy [“Minh kính chỉ thủy”]. Trang lão lọm khọm câu cái nỗi đời đắng chát giữa u u minh minh lại chính là một thức giả độc đáo của văn minh cổ đại, nhà tư tưởng lớn về đạo học trong triết học cổ Trung Quốc.
Trang Tử “thà chịu kéo lê cái đuôi trong bùn” để giữ nhân cách và bản lĩnh, tâm hồn thanh sạch của mình giữa vô vàn tạp loạn xã hội. Với ông “Đạo trời xoay chuyển mà không bế tắc, cho nên vạn vật sinh thành”. [Thiên đạo vận nhi vô sở tích, cố vạn vật thành]. Ông đã thấy “Nước không đủ thì không đẩy được chiếc thuyền lớn, gió không đủ thì không dang nổi đôi cánh to”. Vậy thì cần nước đủ mạnh để đẩy thuyền, phải có gió đủ lớn để dang được đôi cánh to làm thay đổi cái thế cuộc cong queo này. Vả chăng, “Đạo trời xoay chuyển mà không bế tắc, cho nên vạn vật sinh thành”.
Cái thế sự cong queo này rồi sẽ buộc phải thay đổi thôi.
Mời đọc lại: Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 10: Thật đáng xấu hổ! — Số 11: Tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng — Số 12: Thế Sự Du Du — Số 13: Chân lý là cụ thể — Số 14: Những bục vỡ khó tránh khỏi — Số 15: Đôi điều ngẫu hứng về “ngày Người Cao Tuổi” — Số 16: Những lời tâm huyết gửi cho ai — Số 17: Lan man về chuyện trích dẫn văn chương — Số 18: Thiên tài liền với thiên tai một vần — Số 19: Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng — Số 20: Giải khát bằng thuốc độc — Số 21: Chịu thua dân ư, chịu sao thấu! — Số 22: Hãy nghe và hãy nhìn vào người dân trên đường phố — Số 23: Giá lúc này có được tầm nhìn và bản lĩnh Sáu Dân — Số 24: Lịch sử sẽ phán xét bản án mà chúng đang quàng vào cổ dân ta, dìm chết tuổi trẻ chúng ta — Số 25: Chuyện cũ viết lại — Số 26: Chuyện cũ viết tiếp — Số 27: “Suối đã đục dòng, chỉ lệ còn trong”