Tin Việt Nam – 08/01/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 08/01/2018

Phiên xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh

và cán bộ PVN bắt đầu

Sáng ngày 8/1, tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội bắt đầu xét xử cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng và 21 đồng phạm về tội gây thiệt hại và làm thất thoát nhiều ngàn tỷ đồng tiền vốn và tài sản của nhà nước, trong thời gian từ 2005 đến 2011, lúc các bị cáo đang điều hành guồng máy lãnh đạo Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam, được gọi tắt là PVN, và Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam, tức PVC.

Ông Đinh La Thăng, 57 tuổi, bị truy tố với tội danh cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, có thể lãnh bản án từ 10 đến 20 năm tù.

Trước khi bị truy tố, ông Thăng từng giữ những vai trò quan trọng trong đảng cũng như trong chính phủ, như ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Trong số 21 bị cáo cùng bị xét xử chung với ông Thăng, được chú ý đến nhiều nhất là ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, nguyên chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam PVC, nguyên phó chủ tịch Tỉnh Hậu Giang.

Ông Thanh bị truy tố 2 tội danh cố ý làm trài quy định của nhà nước và tội tham ô tài sản. Nếu bị tòa xác nhận có tội tham ô tài sản, ông có thể đối mặt với án tử hình.

Ông Thanh được thế giới biết đến vì hồi 2016 khi đang làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, ông bất ngờ bỏ trốn sang Đức xin tỵ nạn chính trị. Một năm sau đó, chính quyền Việt Nam cho biết ông Thanh tự ý quay về Hà Nội và ra đầu thú, trong khi chính phủ Đức khẳng định ông này bị công an từ Việt Nam sang bắt cóc đưa về nước.

Vụ việc vừa nêu khiến quan hệ Berlin-Hà Nội trở nên khó khăn. Chính phủ Đức đã ban hành một loạt quyết định cứng rắn như trục xuất nhân viên sứ quán Việt Nam về nước, và đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Theo trang Thông Tin Chính phủ, phiên tòa dự kiến kéo dài 2 tuần lễ, đến ngày 21 tháng Giêng 2018 mới kết thúc.

Tổng cộng có tới 44 luật sư bào chữa cho các bị cáo, trong đó có 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng và 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Đáng lý ra số luật sư đại diện cho ông Thanh còn đông hơn nữa, nhưng trước ngày phiên tòa diễn ra, có hai luật sư trong danh sách những luật sư bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh quyết định rút lui.

Một trong hai người này nói với đài BBC rằng đây là một vụ án quan trọng, nhưng vì không có đủ thì giờ nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, nên không thể nào bào chữa tốt nhất cho bị cáo.

Một điểm đáng chú ý khác là mới hôm thứ Năm tuần trước, tức ngày mùng 4 tháng Giêng 2018, luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức là bà Petra Isabel Schlagenhauf vào Việt Nam với mục đích theo dõi phiên tòa, nhưng bị cấm nhập cảnh ngay tại phi trường Hà Nội, buộc bà phải rời Việt Nam chí ít giờ đồng hồ sau đó.

Bà Petra Isabel Schlagenhauf nói với báo chí rằng việc chính quyền Việt Nam không cho bà nhập cảnh là một hành động bất hợp pháp, xem đó là bằng chứng xác nhận thân chủ của bà sẽ không được xét xử đúng luật, pháp quyền không được tôn trọng.

Các bản tin chúng tôi ghi nhận được cho hay trong phiên tòa bắt đầu ngày hôm nay, tòa chấp thuận cho đại diện của EU và đại sứ quán Đức tham dự. Tuy nhiên Công chúng không được tham dự phiên tòa và an ninh được bảo vệ rất chặt chẽ.

Truyền thông Việt Nam đưa tin nói điểm đáng chú ý về mặt luật pháp là Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hà Nội áp dụng quy định mới trong việc điều hành, điều khiển quá trình xét xử theo đúng Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự mới, có hiệu lực kể từ ngày mùng 1 tháng Giêng 2018.

Nhờ áp dụng những quy định mới này nên tất cả các bị cáo không phải đứng trước vành móng ngựa, các đại diện của Viện Kiểm Sát giữ quyền công tố ngồi dối diện với các luật sư biện hộ cho những bị cáo.

Một nhà báo Việt Nam được cắt cử săn tin ở tòa nói với chúng tôi rằng khi ban hành Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự mới, Việt Nam muốn thực hiện đúng nguyên tắc pháp lý quốc tế là bị cáo không có tội cho đến khi tòa xác nhận là có tội, và phía công tố lẫn phía luật sư biện hộ được đối xử ngàng hàng, bình đẳng với nhau.

Cũng về mặt pháp lý, luật pháp Việt Nam quy định những người bị truy tố về tội tham ô tài sản có thể lãnh án tử hình, nhưng sẽ thoát bản án này nều tự ý nộp trả ít nhất ba phần tư số tiền bị cáo buộc tham nhũng và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn .

3 ngày trước khi phiên tòa bắt đầu, thân nhân của bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã đến Cục Thi Hành Án Dân Sự Thành Phố Hà Nội để nộp 2 tỷ đồng, được gọi là tiền nộp “khắc phục hậu quả”.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-starts-high-profile-trial-over-oil-firm-losses-01082018080903.html

 

Luật sư Đức của ông Thanh nêu đích danh Tổng bí thư Trọng

Viễn Đông

Nữ luật sư người Đức của ông Trịnh Xuân Thanh lo ngại thân chủ của mình “không được xét xử công bằng” vì các phát ngôn trước đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sau khi trở về Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf cho biết rằng bà tới sân bay Nội Bài ở Hà Nội tối 4/1, nhưng không được cho nhập cảnh, và “sau nhiều lần yêu cầu, bà được trao một văn bản nói về Điều 21”.

Tôi nghĩ rằng chính quyền Việt Nam không hiểu rằng nhiệm vụ chính đáng của một luật sư là bảo vệ quyền lợi của thân chủ của mình, và có lẽ họ sợ sự hiện diện của luật sư người Đức của ông Thanh ở Việt Nam. Trên cương vị luật sư, rõ ràng tôi luôn phải tuân thủ luật pháp.

Bà Schlagenhauf nói.

Theo ghi nhận của VOA tiếng Việt, một trong các mục trong Điều 21 về những trường hợp chưa cho nhập cảnh thuộc Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam có “vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

Nữ luật sư người Đức nói rằng có lẽ Việt Nam “sợ” sự hiện diện của bà tại Hà Nội đúng dịp diễn ra phiên xử cựu quan chức tỉnh Hậu Giang.

Bà nói thêm: “Tôi nghĩ rằng chính quyền Việt Nam không hiểu rằng nhiệm vụ chính đáng của một luật sư là bảo vệ quyền lợi của thân chủ của mình, và có lẽ họ sợ sự hiện diện của luật sư người Đức của ông Thanh ở Việt Nam. Trên cương vị luật sư, rõ ràng tôi luôn phải tuân thủ luật pháp”.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh để hỏi về trường hợp của bà Schlagenhauf.

Nữ luật sư cho hay rằng mục đích chuyến đi của bà tới Việt Nam là để “trao đổi với các đồng nghiệp tại đó về hiện trạng thực tế” của ông Thanh.

“Rõ ràng, hành động trái pháp luật của chính phủ Việt Nam một lần nữa là bằng chứng cho thấy rằng thân chủ của tôi sẽ không được xử một cách công bằng theo đúng pháp luật và pháp quyền”, bà Schlagenhauf nói.

Cùng với hơn hai chục người khác, trong đó có cả cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, ông Thanh được đưa ra tòa xét xử hôm 8/1 về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”.

Tôi không kỳ vọng sẽ có một phiên tòa công bằng vì thân chủ của tôi đã bị ông Trọng (Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) công khai tuyên có tội từ lâu.

Bà Schlagenhauf nói.

Bà Schlagenhauf nói thêm rằng bà “lo ngại thân chủ của mình sẽ phải nhận hình phạt nặng” và bà “không kỳ vọng sẽ có một phiên tòa công bằng vì thân chủ của tôi đã bị ông Trọng (Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam) công khai tuyên có tội từ lâu”.

Nữ luật sư cũng cho rằng “công việc của các luật sư trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam rất khó khăn do hệ thống [chính trị] của Việt Nam”.

VOA Việt Ngữ không thể liên lạc được với ông Trọng về quan điểm của bà Schlagenhauf.

Tổng bí thư kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, năm ngoái từng nói rằng ông Thanh “ghê gớm, móc ngoặc, dây dợ rồi bỏ trốn đi nước ngoài, nhưng không trốn được đâu”.

Sau khi ông này “tái xuất hiện” ở Việt Nam, ông Trọng yêu cầu “khẩn trương” đưa vụ Trịnh Xuân Thanh ra “xét xử công khai trước Tết”, tức trước tháng Hai năm nay.

Nữ luật sư người Đức cho biết rằng thân chủ của mình nói với bà rằng ông “lo ngại cho tính mạng” và sợ “không được đảm bảo về luật pháp”.

Quan hệ Việt – Đức sóng gió suốt nhiều tháng qua sau khi Berlin cáo buộc Hà Nội “bắt cóc” ông Thanh trên đất nước mình, trong khi phía Việt Nam nói ông “tự thú”.

 

Về vụ xử hôm 8/1, nhiều tờ báo của Đức đã đăng tin với những hàng tít như “Phiên xử giám đốc điều hành dầu khí bị bắt cóc ở Đức bắt đầu ở Hà Nội” hay “Giám đốc điều hành dầu khí Việt Nam bị bắt cóc ở Đức ra tòa”.

Trong khi đó, truyền thông trong nước dường như “quên” không nhắc tới cáo buộc của phía Berlin.

Khi được hỏi muốn gửi thông điệp gì cho phía Việt Nam, bà Schlagenhauf nói: “Chính phủ Việt Nam nên tìm cách khôi phục quan hệ bình thường với Đức, và điều đó đồng nghĩa với việc tìm ra một giải pháp cho thân chủ của tôi. Chính phủ Đức đã nhiều lần tuyên bố rằng Việt Nam biết rõ cần phải làm gì. Tôi ủng hộ bất cứ điều gì chính phủ Đức đã làm và sẽ làm trong tương lai về vấn đề này”.

https://www.voatiengviet.com/a/luat-su-cua-ong-thanh-neu-dich-danh-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong/4197955.html

 

Người đánh nhau với tài xế tại BOT Sóc Trăng là công an

TTO – Vụ đánh nhau xảy ra khi một người ghi biển số xe của tài xế xưng là nhà báo nhưng không trình được thẻ. Sau đó xác định được người này là công an xã. Hiện giao thông trên tuyến đường này tê liệt hoàn toàn

Trạm BOT Sóc Trăng thu phí trở lại

Xe giường nằm dàn hàng ở BOT Sóc Trăng, đã có xô xát

Xô xát tại BOT Sóc Trăng 

Sau khi xả trạm được khoảng 10 phút, lúc 9h25 sáng 8-1, trạm BOT Sóc Trăng (xã An Hiệp, huyện Châu Thành) thu phí trở lại.

Ngay sau đó, nhiều xe khách tiếp tục dừng tại các làn thu phí nhấn còi, đòi xả trạm.

Kẹt xe ở 2 chiều, lãnh đạo BOT Sóc Trăng xả trạm, nhưng tài xế vẫn đậu xe, không chịu qua trạm.

Theo một tài xế, khoảng 10h, xuất một thanh niên mặc áo đỏ ghi biển số từng chiếc xe. Thấy vậy, tài xế hỏi ghi làm gì thì người thanh niên này tự xưng là nhà báo. Các tài xế hỏi công tác ở báo nào, xin xem giấy giới thiệu thì bị người thanh niên này nhào tới đánh vào mặt.

Một số tài xế khác vào can cũng bị đánh.

Sau đó xuất hiện thêm một thanh niên chạy đến đánh các tài xế khác. Bị phản ứng dữ dội, người thanh niên này chạy vào văn phòng trạm BOT để trốn.

Bức xúc, tài xế kéo nhau đến cổng của trạm, yêu cầu người thanh niên này phải ra xin lỗi, nếu không sẽ nằm lì, không cho xe qua trạm.

Theo tài xế, trạm BOT Sóc Trăng đã thuê giang hồ làm chuyện này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngay khi đó, ông Nguyễn Duy Dương – phó giám đốc Công ty TNHH BOT quốc lộ 1 Sóc Trăng – khẳng định người đánh tài xế không phải là nhân viên của trạm, trạm cũng không thuê ai làm chuyện này.

Sau đó, Tuổi Trẻ Online đã liên hệ được với người thanh niên trong vụ xô xát đang tránh mặt trong nhà điều hành.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, người thanh niên này là công an viên của xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Sóc Trăng.

Trao đổi trực tiếp với Tuổi Trẻ Online, thanh niên này cho biết sau khi ghi biển số, có lời qua tiếng lại, anh bị đánh trước nên mới dẫn đến xô xát.

“Tôi nhanh chóng chạy về hướng nhà điều hành, may mà có người mở cửa” – thanh niên này nói.

Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ vụ xô xát.

Sau vụ vô xát xảy ra vào lúc 9h25, các tài xế chiếm hoàn toàn khu vực làn thu phí. Giao thông qua BOT Sóc Trăng tê liệt hoàn toàn.

Các tài xế bỏ trống xe, tụ tập phản đối kín trạm. Một số xe phải len qua trạm bằng làn dành cho xe máy.

Dòng xe kẹt ngày càng kéo dài.

Giao thông qua BOT Sóc Trăng tê liệt hoàn toàn sau vụ xô xát

KHẮC TÂM – SƠN LÂM

https://tuoitre.vn/nguoi-danh-nhau-voi-tai-xe-tai-bot-soc-trang-la-cong-an-20180108111936522.htm

 

Việt Nam thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng

TTO – Chiều 8-1, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng.

Hơn 10.000 người trong ‘Lực lượng 47’ đấu tranh trên mạng

Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng được thành lập theo Quyết định số 1198/QĐ-TTg ngày 15-8-2017 của Thủ tướng Chính phủ

Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng là đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, giúp Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và công nghệ thông tin trong toàn quân.

Theo TTXVN, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tư lệnh Tác chiến không giạn mạng sau khi được thành lập sẽ đóng vai trò nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; là lực lượng quan trọng tham gia bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia, đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao và “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc cả trên đất liền, trên không, trên biển và không gian mạng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là với làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự phát triển của internet trên tất cả các lĩnh vực, không gian mạng đã và đang trở thành vùng lãnh thổ mới có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của mỗi quốc gia.

Hiện nay, nhiều nước đã thành lập lực lượng tác chiến không gian mạng để bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Thủ tướng đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Bộ Tư lệnh và lực lượng tác chiến không gian mạng thực sự trung thành, kỷ luật, trí tuệ, nhạy bén, hiệu quả để đủ sức mạnh chiến đấu và chiến thắng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Biên chế phải tinh gọn, trang bị vũ khí phải đồng bộ, hiện đại nhất.

Phối hợp chặt chẽ với các quân, binh chủng trong quân đội, các lực lượng liên quan như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để bảo vệ hệ thống thông tin quân sự, quốc phòng và tham gia bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và nghệ thuật quân sự vào thực hiện hoạt động tác chiến trên không gian mạng. Tích cực nghiên cứu, phát triển, ứng dụng những thành tựu tiên tiến, mới nhất của thế giới về công nghệ thông tin, về vũ khí công nghệ cao; chủ động, có kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào tác chiến không gian mạng.

Chủ động hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành, chuyên môn sâu, ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tăng cường công tác hợp tác đào tạo quốc tế.

Hơn 10.000 người trong ‘Lực lượng 47’ đấu tranh trên mạng

TTO – Hiện nhân sự Lực lượng 47 đã có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, “vừa hồng vừa chuyên”, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao.

Theo TTXVN – Chinhphu.vn

https://congnghe.tuoitre.vn/viet-nam-thanh-lap-bo-tu-lenh-tac-chien-khong-gian-mang-20180108174336159.htm

 

Hai học giả nói về ‘chân dung Quang Trung’

Hai học giả nước ngoài, một từ Malaysia, một từ Mỹ nói với BBC về tranh cãi quanh tính chân thực của ‘bức chân dung vua Quang Trung’ nêu ra ở Việt Nam gần đây.

Trong mấy tuần trước, ở Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính được dẫn thuật khẳng định tính chân thực của “chân dung vua Càn Long đã ra lệnh cho hoạ gia trong cung vẽ tại Bắc Kinh năm 1790 khi vua Quang Trung cầm đầu một phái đoàn sang chúc thọ”.

Bài viết của ông Duy Chính đã khá lâu nhưng chỉ gây ồn ào sau bài tường thuật của báo Tuổi Trẻ ngày 31/12/2017.

‘Chưa thuyết phục’

Bình luận với BBC, Tiến sĩ Ku Boon Dar, nghiên cứu về nhà Tây Sơn ở Universiti Sains Malaysia (USM), nói ông không cảm thấy được thuyết phục.

Tiến sĩ Ku Boon Dar dẫn lại các nguồn lịch sử từng mô tả vua Quang Trung (1753 – 1792) là người “có giọng nói vang to, tóc quăn, da dày, mắt sáng”.

“Ông ấy được mô tả là khỏe tới mức có thể nâng cả tấn lúa trên vai.”

Bài viết của ông Nguyễn Duy Chính dựa vào một công bố của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức trên mạng.

Theo ông Đức, “một người bạn Trung Quốc gửi cho tôi bức tranh chân dung Quang Trung, hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. Bức tranh này có ghi rõ An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của Quang Trung khi ở bên nhà Thanh)”.

Tuy tác giả Trần Quang Đức dè dặt không khẳng định nhưng ông Duy Chính “tin tưởng” đây chính là một trong ba bức chân dung được vẽ tại Bắc Kinh năm 1790 “khi vua Quang Trung cầm đầu một phái đoàn sang chúc thọ”.

Nhiều người phản ứng sau tin này, vì cho rằng nhân vật trong tranh có “tướng mạo tiểu nhân”.

Cũng cần nói thêm rằng nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính, trong các sách đã in tại Việt Nam, cho rằng người cầm đầu phái đoàn sang Trung Hoa năm 1790 chính là vua Quang Trung, tuy các nguồn sử Việt trước đây đều nói đó chỉ là “giả vương”.

Ví dụ, Hoàng Lê nhất thông chí cho rằng giả vương tên là Nguyễn Quang Thực. Còn Đại Nam chính biên liệt truyện nói người đó tên là Phạm Công Trị.

Bình luận với BBC, Tiến sĩ Ku Boon Dar cho rằng giả vương là Nguyễn Quang Thực, người Nghệ An.

“Vì thế, tôi cũng nghi ngờ liệu bức hình này có phải vẽ Quang Trung không,” ông nói khi được BBC Tiếng Việt gửi cho xem tấm hình trên.

Tiến sĩ Ku Boon Dar giải thích thêm rằng trong thế kỷ 19, Trung Quốc “thường vẽ chân dung người nước ngoài không chính xác”.

Ông chỉ ra rằng Quang Trung trước đó đã thắng đạo quân nhà Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789).

“Nhiều bức chân dung chỉ nhằm khẳng định cảm giác tự tin của họ, khẳng định cảm giác mình đứng cao hơn ở Đông Á.”

Chân dung Càn Long?

Trong khi đó, trên blog của mình, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện từ Hà Nội, chuyên ngành Hán Nôm, phản bác bài viết của ông Nguyễn Duy Chính.

Chỉ vào bức tranh “đen trắng nhòe nhoẹt này”, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nói ông Nguyễn Duy Chính đã “bỏ qua, không dịch và lý giải tiêu đề của bức tranh”.

Theo ông Diện, bức tranh có tiêu đề chữ Hán, và ông dịch ra là: “Bài thơ Ngự chế để ban cho An Nam Quốc Vương Nguyễn Quang Bình đến bệ kiến tại Tị Thử Sơn trang.”

Bức tranh này, nếu có thật, thì là tranh vẽ bên cạnh bài thơ để ban/tặng cho Quang Trung.Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện

Từ đó, ông Diện nói: “Bức tranh này, nếu có thật, thì là tranh vẽ bên cạnh bài thơ để ban/tặng cho Quang Trung.”

“Và người trên bức tranh đó, chính là Vua Càn Long nhà Đại Thanh, chứ không thể là Quang Trung của Đại Việt được. Bức tranh vẽ hình Càn Long để ban tặng cho Quang Trung (giả – hoặc thật) đưa về nước treo.”

Về điểm này, BBC hỏi thêm ý kiến của ông Joshua Herr vừa hoàn tất luận văn tiến sĩ năm 2017 về quan hệ Việt – Trung thế kỷ 17 – 18 tại Đại học California, Los Angeles (UCLA).

Ông Joshua Herr tỏ ra nghi ngờ đây là chân dung vua Càn Long.

“Bức hình này trông không giống hình nào còn sót lại về vua Càn Long.”

Bức hình này trông không giống hình nào còn sót lại về vua Càn LongJoshua Herr

Theo ông, đây là chân dung một người còn trẻ hoặc trung niên, còn vua Càn Long khi đó đã 80.

“Những biểu chương và bộ quần áo của người trong hình không phải của một hoàng đế Mãn Thanh.”

Ông Joshua Herr cũng đồng ý với các nguồn sử Việt trước đây, nghi ngờ không phải Quang Trung đích thân đến Bắc Kinh năm 1790.

“Trong các nguồn sử Trung Quốc, họ ghi chính Nguyễn Huệ – Quang Trung đến Bắc Kinh mừng thọ vua Càn Long.”

“Nhưng các hồ sơ Việt Nam nói rằng Nguyễn Huệ chỉ gửi giả vương.”

Ông Joshua Herr kết luận:

“Dù bức tranh này có phải là vẽ ông vua Việt Nam hay không, thì vẫn còn tranh luận liệu người ngồi đó là Nguyễn Huệ hay chỉ là người giả.”

Tranh cãi mới nhất cho thấy mặc dù triều đại Tây Sơn ngắn ngủi, bản thân Quang Trung chỉ ở ngôi 5 năm, qua đời ở tuổi 40, Quang Trung tiếp tục là chủ đề hấp dẫn, và cũng nhiều bí ẩn, cho giới sử học.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42609113

 

Ông Đoàn Ngọc Hải nộp đơn từ chức

Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, TP.HCM bất ngờ nộp đơn xin từ chức, theo truyền thông Việt Nam hôm 8/1.

Vụ ‘Vũ nhôm’ và cuộc chiến không vùng cấm

Chính trị VN ra sao nếu ông Anh Vũ bị bắt về?

“Nhìn lại, tôi thấy mình không thực hiện được lời hứa trước nhân dân và kỳ vọng của đồng chí lão thành cách mạng là sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề này [công tác lập lại trật tự lòng lề đường Q.1, TP Hồ Chí Minh]”, ông Đoàn Ngọc Hải nêu lý do từ chức trong lá đơn dài gần hai trang giấy ký ngày 8/1.

Ông cũng trình bày quá trình phụ trách lĩnh vực đô thị lòng lề đường Q.1, TP Hồ Chí Minh từ 1/7/2017 đã “tạo hiệu ứng lớn cho cả nước” và được “Thủ tướng chính phủ đánh giá tốt”.

Ông Hải cho rằng công việc này “động chạm đến lợi ích rất to lớn – hàng ngàn tỉ đồng của các bãi ô tô, xe gắn máy, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền…” “và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó.”

Ông Hoàng Ngọc Hải đồng thời xin thôi Ủy viên Quận ủy Q.1, Ủy viên BCH Đảng bộ Q.1, và Đại biểu HĐND Q.1.

Kết đơn, ông nói “khi được trở về làm công dân bình thường” ông sẽ có nhiều thời gian hơn để “suy nghĩ về các giải pháp “căn cơ”, “nhân văn”, “không làm ảnh hưởng đến mưu sinh của người nghèo.”

Hồi đầu năm 2017, ông Đoàn Ngọc Hải từng nổi tiếng với tuyên bố: “Từ đây đến cuối năm không làm được, tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa, chứ không làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi, để nổi tiếng”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42584515

 

Hiến kế kịch bản phiên tòa Trịnh Xuân Thanh:

Lối thoát?

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Trước tình hình bất lợi cho Trịnh Xuân Thanh thì ít, mà bất lợi cho “đảng vĩ đại và nhà nước Pháp quyền XHCN quang vinh” thì nhiều. Có lẽ vấn đề đau đầu nhất cho các nhà lãnh đạo vụ bắt cóc này là tìm một lối thoát khả dĩ có thể cho vụ án để mong bước ra khỏi cái hố do chính họ đào chôn mình.

Có thể nhiều phương án sẽ được vạch ra. Thậm chí đã có nhiều tiếng nói rất tâm huyết được đưa ra với hy vọng rằng đảng cộng sản Việt Nam vi lợi ích dân tộc, đất nước mà xử lý vụ việc càng nhanh, càng tốt. Tuy nhiên, những phương án và những lời kêu gọi đó đều chỉ là hy vọng hão huyền. Dù nước Đức có đưa bom nguyên tử ném xuống Hà Nội đi nữa, thì đảng vẫn “kiên định lập trường” vững như bàn thạch không hề thay đổi.

Bởi đơn giản là nếu có ném bom Hà Nội đi nữa, chỉ chết thằng dân, còn đảng bất cứ khi nào cũng bình an vô sự.

Đã từng quan sát nhiều vụ việc, chúng tôi vẫn nghĩ rằng việc bắt đảng Cộng sản Việt Nam nhận sai lầm là chuyện hoang tưởng. Dù trước đây, đảng cũng có nhận sai lầm trong cuộc Cải cách ruộng đất, nhưng cách nhận sai lầm để sai lầm tiếp như một sự khôi hài, diễu cợt thì điều đó chỉ làm cho nạn nhân những sai lầm đó đau đớn hơn, tủi hổ hơn mà thôi.

Do vậy, chúng tôi dự đoán rằng, trong vụ việc này, vẫn sẽ là ứng dụng câu Kiều xưa kia:

Ma đưa lối, quỷ dẫn đường

Lại lần theo bước đoạn trường mà đi.

Và kịch bản sẽ lại tiếp tục được công diễn bằng màn sử dụng chính Trịnh Xuân Thanh để tấn công lại Cộng Hòa Liên bang Đức.

Hiến kế một kịch bản!

Thử hình dung một đoạn đối đáp sẽ được sử dụng tại phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh như sau:
– Tòa: Bị cáo có biết vì sao bị cáo bị đưa ra tòa không?

– Trịnh Xuân Thanh (TXT): Thưa tòa, bị cáo biết, vì đi xe biển trắng gắn biển xanh ạ.

– Tòa: Không phải, nhưng bị cáo đã khai thì bị cáo giải thích việc đi xe biển số giả trước Tòa.

– TXT: Thưa tòa, bị cáo không đi xe biển số giả mà đó là biển số thật do Công an cấp. Còn vì sao họ cấp thì hỏi công an ạ. Mà bị cáo thấy nhiều trường hợp vậy cũng đâu có sao. Đại tá Lê Ngọc – Trưởng phòng CSGT Đà Nẵng – cho biết hai xe có biển giống hệt nhau về chữ số đều là biển thật vì còn khác… màu sơn. Đâu có sao ạ.

– Tòa: Nhưng, ngoài việc cái xe, bị cáo còn tội gì nữa biết không?

– TXT: Thưa tòa, bị cáo biết cái xe chỉ là cái cớ như chuyện “hai bao cao su đã qua sử dụng” thôi ạ. Mà còn vì bị cáo tham nhũng ạ.

– Tòa: Bị cáo là cán bộ cao cấp, là đảng viên cộng sản được rèn luyện từ nhỏ, là con lãnh đạo làm lãnh đạo, mà theo đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm thì đó là hồng phúc cho đất nước. Vậy tại sao lại tham nhũng của công?

– TXT: Thưa tòa, bị cáo chỉ học tập và làm theo thôi ạ. Đảng ta đã phát động cuộc vận động học tập và làm theo từ lâu ạ, là cán bộ lãnh đạo, bị cáo kiêm luôn là Trưởng ban cuộc vận động đó ở cơ quan dầu khí và các nơi khác bị cáo đã làm lãnh đạo ạ.

– Tòa: Bị cáo cần thành khẩn khai rõ bị cáo nói như vậy là ý gì? Bị cáo học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại sao lại tham nhũng.

– TXT: Thưa tòa, thực ra nói là tham nhũng là oan cho bị cáo. Bị cáo không tham nhũng mà tiền bạc, của cải đó chỉ do cấp dưới đem cho, biếu, tặng…

– Tòa: Nhưng đó là tiền bạc của nhân dân. Bị cáo có thấy ai dám lấy tiền của dân làm giàu cho mình mà không gọi là tham nhũng không?

– TXT: Thưa tòa, bị cáo học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngày trước bác Hồ cũng không tham nhũng, nhưng cấp dưới tự làm biếu bác ngôi nhà sàn gỗ quý, biếu bác cả khu vực đất vàng tiền tỉ, cấp dưới tự động lấy hàng bao nhiêu đất đai xây lăng, xây tượng đài, xây đài lưu niệm, xây bảo tàng, xây nơi kỷ niệm bác đến, bác đứng nói chuyện và không khéo là cả nơi đi đái… hàng trăm nơi và bây giờ còn 58 dự án tượng đài bác, mỗi cái cả ngàn tỉ đồng. Thậm chí biếu bác hai chiếc xe ô tô thời đó chứ không chỉ như một chiếc bị cáo mượn của bạn từ Hà Nội vào dùng… Bây giờ bác Hồ là người giàu nhất nước, đất đai, tài sản bạt ngàn, giờ chẳng ai giàu bằng bác Hồ đâu ạ.

– Tòa: Bị cáo nói vậy là không được. Những công trình bị cáo kể trên, đó là vì cấp dưới của bác “thể theo nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân” nên đó không phải là bác tham nhũng. Đó không phải là ý của bác.

– TXT: Thưa tòa. Bị cáo cũng tương tự nên không thể ghép vào tội tham nhũng được ạ. Người ta đưa của cải cho bị cáo cũng “thể theo nguyện vọng của tuyệt đại đa số” cán bộ công nhân viên dưới quyền thôi ạ. Đó cũng không phải ý của bị cáo ạ.

– Tòa: Tại sao bị cáo không trả lại ngay khi không phải là của mình?

– TXT: Thư tòa, vì bị cáo học tập theo gương đạo đức Hồ Chí Minh ạ, bác ngày xưa cũng có trả lại nhà sàn và ô tô cũng như các thứ khác đâu ạ.

– Tòa: Bị cáo so sánh vậy là hỗn láo và không được phép. Ngoài bác Hồ, từ trước đến nay, sau bác thì có lãnh đạo nào dám lấy của công cho riêng mình đâu.

– TXT: Thưa tòa, bị cáo thấy muốn giàu, phải có tiền, của. Muốn làm nhà to, cung điện phải có đất đẹp, tiền, vàng nhiều. Thế nên bị cáo thấy các lãnh đạo đảng, nhà nước đều giàu có thì bị cáo cũng phải kiếm tiền, của để học cách làm giàu như vậy. Đó chính là học tập làm theo ạ. Vấn đề chính là bị cáo chưa biết chính xác họ lấy cách nào thôi vì không ai đi điều tra họ ạ.

– Tòa: Yêu cầu bị cáo không nói chung chung và quy kết cho lãnh đạo. Lãnh đạo ta sáng suốt, đạo đức, là lương tâm thời đại, là trí tuệ nhân loại, xuất phát từ giai cấp công nhân, nông dân, của cải cha ông để lại không có gì. Làm sao có chuyện giàu có như bị cáo nói. Các đồng chí của chúng ta luôn thanh bạch, đời sống rất thanh tịnh, về hưu làm người tử tế rất thanh thản, nên chết rất thanh thoát. Bị cáo không được vu cáo mà không có chứng cứ.

– TXT: Thưa tòa, bị cáo học tập các bậc lãnh đạo tiền bối thôi ạ.

Bị cáo thấy lãnh đạo lương ba cọc ba đồng nhưng bận rộn họp hành, chỉ đạo suốt ngày nên không thể buôn chổi đót, chạy xe ôm. Nhưng vẫn giàu có, điển hình như đồng chí Nông Đức Mạnh, có cả cung điện vàng chới, lấy vợ trẻ, xinh xắn, mũm mĩm lại là chủ một doanh nghiệp sắp phá sản và đi tù thì được đồng chí Đinh La Thăng ở bên cạnh đây “thể theo nguyện vọng của tuyệt đại đa số cán bộ công nhân viên dưới quyền” tặng cho cái BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, thế là sống ngon, có cung điện nguy nga…

Hoặc như đồng chí Lê Khả Phiêu kính mến, tuy xấu trai vậy nhưng trong nhà đầy ngà voi, trống đồng là những bảo vật quốc gia và động vật hoang dã bị cấm. Vậy thì phải có tiền, hoặc tham nhũng, hoặc do cấp dưới biếu “thể theo nguyện vọng của tuyệt đại đa số cán bộ công nhân viên dưới quyền” thôi ạ.

– Tòa: Bị cáo có biết là việc làm thất thoát tài sản nhà nước, của nhân dân sẽ bị trị tội không?

– TXT: Thưa tòa, bị cáo thấy có nhiều người tội nặng hơn mà chẳng bị sao cả nên cũng tranh thủ chút thôi ạ.

– Tòa: Tại sao bị cáo nói như vậy?

– TXT: Thưa tòa, bởi vì bị cáo thấy nhiều người tội nặng hơn nhiều đâu có bị trị tội ạ. Chẳng hạn đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội đã làm thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng thuế nhà nước chỉ riêng ở Ciputra, rồi đồng chí Nguyễn Kim Cự rước tai họa về đầu độc không chỉ Miền Trung mà cả nước và nhiều đồng chí khác nữa… nhưng đâu có bị sao đâu ạ.

– Tòa: Vậy bây giờ pháp luật đã đưa bị cáo đến đây, bị cáo suy nghĩ gì?

– TXT: Thưa tòa, bây giờ thì bị cáo nghĩ rằng thôi thì “Tổng bí thư kêu ai, nấy dạ” thôi ạ. Bị cáo tiếc rằng không ở trong đường dây của Tổng bí thư ạ.

Tòa nghỉ hội ý.

– Tòa: Bị cáo cho biết, tại sao bị cáo lại trốn ra nước ngoài?

– TXT: Thưa tòa, tôi có chốn đâu ạ. Tôi đi bằng hộ chiếu hẳn hoi, qua cửa khẩu đàng hoàng chứ sao chốn được.

– Tòa: Tại sao khi biết có lệnh truy nã lại không về để bị bắt?

– TXT: Thưa tòa, tôi đã điên đâu ạ. Thằng nào có tội mà chẳng muốn chốn nếu chốn được.

– Tòa: Vậy tại sao bị cáo lại có mặt ở đây?

– TXT: Thưa tòa, tôi về tự thú ạ.

– Tòa: Tại sao bị cáo về tự thú?

– TXT: Thưa tòa, tôi đã ghi trong Đơn xin tự thú rồi ạ. Đó là do “trong thời gian chốn chánh tôi có cuộc sống bấp bênh luôn lo sợ, được sự động viên của gia đình và bạn bè”. Mặt khác tôi là đảng viên cộng sản, là con cháu bác hồ, nên học tập gương dũng cảm là về chấp nhận chịu tội chứ không chốn chánh như ở hang nữa ạ.

– Tòa: Thôi, bị cáo chỉ nói việc của bị cáo thôi, không được nhắc đến đồng phạm.

Bị cáo cho biết về việc tự thú. Bị cáo phải trả lời rõ điều này.

– TXT: Thưa tòa, bị cáo sẽ khai rõ ạ. Mong tòa xem xét để bị cáo về làm cán bộ chức vụ cũ để có cơ hội khác, sửa chữa khuyết điểm ạ.

– Tòa: Bị cáo có biết việc bị cáo bỏ trốn rồi về tự thú đã bị thế lực thù địch dùng làm cái cớ để chống phá Việt Nam không?

– TXT: Thưa tòa, không biết ạ. Tôi bị đưa vào nhà tù ngay, không gặp được ai, chỉ được đọc báo Nhân Dân nên chỉ biết nhà nước “lấy làm tiếc” thôi ạ.

– Tòa: Bị cáo từ nước ngoài về Việt Nam, tại sao nước Đức bảo rằng bị cáo bị bắt cóc? Bị cáo có bị bắt cóc không?

– TXT: Thưa tòa, không ạ. Bị cáo tự nguyện về nước bằng biện pháp bảo đảm an toàn bằng xe và máy bay do Đại sứ quán ta bố trí thôi ạ.

– Tòa: Bị cáo có liên hệ với ĐSQ ta tại Đức không?

– TXT: Thưa tòa, có ạ. Bị cáo lên xe, rồi vào đó uống rượu với anh em, xong mới về ạ.

– Tòa: Tại sao bị cáo lại vào đó để nhà nước mang tiếng là bắt cóc trên đất Đức?

– TXT: Thưa tòa, vì bị cáo sợ không về đến nơi đã bị bắt, dẫn giải đi nộp công an theo lệnh truy nã ạ. Mà đã bị bắt kiểu đó thì rất nguy hiểm trong khi bị cáo hoàn toàn không muốn vào đồn để tự tử ngồi đâu ạ.

– Tòa: Vậy nếu bị cáo không bị bắt cóc, thì bị cáo đã nghĩ gì khi tự nguyện về tự thú.

– TXT: Thưa tòa, vì khi về đến Việt Nam, không tự thú không được ạ. Cũng giống như những người đấu tranh bị bắt trong đợt vừa qua được công an giam giữ riêng và tự nguyện viết đơn từ chối luật sư mới đây ạ. Bị cáo và tòa cũng thừa biết không ai lại ngu như thế, nói gì đến những người đấu tranh ạ.

– Tòa: Bị cáo không được nhắc đến những nhân vật đó, đó là bí mật nhà nước Pháp quyền XHCN.

– TXT: Vâng ạ, xin lỗi ạ.

– Tòa: Tại sao bị cáo không nhận là tham nhũng, mà gia đình bị cáo lại đưa tiền nộp lại mấy tỷ đồng?

– TXT: Thưa tòa, vì biết đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn ạ. Chắc mẹ bị cáo nghĩ rằng số tiền đó chẳng bõ bèn gì mà giữ trong nhà nên mới làm vậy ạ.

– Tòa: Cho bị cáo nói lời sau cùng.

– TXT: Thưa tòa, kính thưa các đồng chí bị lộ và chưa bị lộ:

Bị cáo chỉ là một cán bộ lèm nhèm cỡ phó chủ tịch tỉnh chứ chưa đến chân trung ương. Cả nước có 64 tỉnh thành, mà như Nghệ An có đến 6 phó chủ tịch thì tính sơ sơ cũng hơn 300 phó Chủ tịch tỉnh, 64 chủ tịch, 64 bí thư Tỉnh ủy, rồi hàng loạt phó bí thư Tỉnh ủy… Rồi Cục, vụ, viện, bộ, ngành, biết bao nhiêu thứ trưởng, bộ trưởng… nên nếu bắt tất cả vào tù thì bị cáo lo ngại nhà nước sẽ rất vất vả vì không đủ chỗ nhốt các đồng chí ấy.

Bởi vì Tòa biết thừa rằng cả hệ thống đảng, nhà nước của chúng ta tuy trong sạch, vững mạnh đấy nhưng đố tìm ra ai không tham nhũng. Con số tham nhũng, làm thất thoát của công mà bị cáo phạm phải, chỉ là con muỗi trên lưng con voi trong số các đồng chí của chúng ta.

Bị cáo muốn tòa lượng thứ vì bị cáo là con cán bộ lãnh đạo, gia đình có công với nhà nước, bố bị cáo là bạn thân của hàng ngũ lãnh đạo đảng và nhà nước nên rất hiểu nhau.

Bị cáo có tiền sử tốt, luôn luôn là đảng viên gương mẫu xuất sắc, được tặng Huân chương lao động hạng ba. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của bị cáo, Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhì… Chẳng lẽ những cái huân chương đó đều là sai lầm? Nếu bị cáo bị tù, thì những người đã tặng huân chương cũng bị tù theo. Bởi vì những huân chương đó đã làm cho bị cáo thấy rằng mình làm việc tốt.

Xin tòa tha tội để bị cáo tiếp tục làm việc và cống hiến như Bộ trưởng Trần Kim Tiến, sau khi Bộ y tế nát bét, thì kiên quyết không từ chức để ở lại sửa chữa sai lầm.

Nếu tòa tuyên tội tù thì tôi “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Nếu tòa tuyên tội chết thì “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

– Tòa: Bị cáo không được đọc di chúc của bác hồ ở đây.

– TXT: Thưa tòa, tôi xin lỗi vì quen mồm và thuộc lòng qua các đợt học tập và làm theo di chúc ạ.

Tòa nghị án 2 phút.

– Tòa: Tuyên án:

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tuy có nhiều hành động gian dối, tham nhũng với số tài sản rất lớn, nhưng xét rằng đó là tình hình chung của cách mạng Việt Nam. Những điều này lỗi ở Cơ chế là chính.

Tòa khiển trách đồng chí Cơ chế đã gây ra tình trạng hiện nay trong đảng và nhà nước.

Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như khai báo trung thực. Là con của cán bộ lãnh đạo có công với đảng và nhà nước, là cán bộ có năng lực và được tặng thưởng nhiều huân chương, có công lao phát triển Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam. Tiền sự và tiền án không…

Bị cáo và gia đình đã nộp lại một số tiền để khắc phục hậu quả, chứng tỏ thiện chí.

Bên cạnh đó, xét về những khó khăn của nhà nước hiện nay, việc bắt số cán bộ như thế này vào tù thì lượng tù nhân sẽ khó kiểm soát.

Tòa tuyên án: 1 năm tù, cho hưởng án treo, thử thách 1 năm trước khi đảm nhiệm vị trí cũ.

Ngày 7/1/2018, ngày trước khi xét xử Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/a-scenario-of-thanh-trial-01082018070929.html

 

Việt Nam- Trung Quốc hợp tác trong lĩnh vực văn hoá

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, người dẫn đầu Đoàn công tác Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam vào chiều ngày 7 tháng giêng tại Bắc Kiinh có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Văn hoá Trung Quốc, ông Lạc Thụ Cương, nhân chuyến thăm kéo dài từ ngày 7 đến ngày 9/1/2018.

Tin cho biết tại cuộc gặp, hai phía cùng điểm lại tình hình hợp tác, triển khai Kế hoạch thực thi Hiệp định văn hoá hai nước giai đoạn 2016-2018. Trong đó, năm 2017 được Hà Nội và Bắc Kinh đánh giá là năm đỉnh cao trong quan hệ giao lưu hợp tác văn hoá Việt-Trung.

Cũng tại buổi hội đàm, cả haivị  bộ trưởng đồng ý tiếp tục tăng cường hợp tác, lấy văn hoá làm cầu nối hữu nghị giữa hai nước. Đặc biệt, hai bên đã thống nhất thiết lập cơ chế gặp gỡ định kỳ hàng năm giữa lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hoá Trung Quốc giai đoạn 2019-2021, với trọng tâm thúc đẩy các hoạt động bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, đào tạo nghệ thuật.

Hai phía vào dịp  này ký kết “Bản ghi nhớ hợp tác công nghiệp văn hoá”.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Vietnam-and-china-give-strength-to-cooperate-in-the-field-of-culture-01082018080750.html

 

Máy bay Mỹ chuyển hướng vì một thanh niên Việt

Một chuyến bay của hãng hàng không United Airlines từ Chicago tới Hong Kong mới đây phải chuyển hướng bay tới Alaska, sau khi một người đàn ông gốc Việt bôi phân lên phòng vệ sinh của máy bay.

Reuters dẫn lời cảnh sát sân bay Anchorage cho biết đã nhận được thông báo về một hành khách bôi phân mình lên hai toilet trên máy bay.

Người thanh niên 22 tuổi mang hộ chiếu Việt Nam nhưng có thẻ thường trú nhân tại Hoa Kỳ.

Anh ta đã được giải khỏi máy bay trong khi tay đeo còng số tám hôm 4/1 đồng thời phải gặp giới hữu trách tại sân bay ở Alaska.

Sau khi trả lời các câu hỏi thẩm vấn qua người phiên dịch, người thanh niên này đã được đưa tới một bệnh viện ở Anchorage để được thẩm định về sức khỏe tâm thần.

Reuters dẫn lời chính quyền cho hay rằng người đàn ông không gây ra bất kỳ đe dọa nào và không gây rối với phi hành đoàn.

Tin cho hay, người đàn ông Việt chưa phải đối mặt với cáo trạng nào.

Hãng United Airlines cho biết có 245 hành khách trên chuyến bay phải đổi hướng và nói thêm rằng hãng này đã cung cấp chỗ ở tạm cho họ.

https://www.voatiengviet.com/a/may-bay-my-chuyen-huong-bay-vi-thanh-nien-viet-pha-hoai-toilet/4196907.html

 

Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp tăng cao tại Việt Nam

Đó là báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế – xã hội trong quý III năm ngoái, và đã được tờ báo mạng VnExpress trích đăng lại.  Cũng theo bản theo báo cáo này, có hơn 55% trong tổng số 1.1 triệu người thất nghiệp ở Việt Nam độ tuổi 15-24.

Nhiều chuyên gia cho rằng các sinh viên mới ra trường khó tìm được việc làm vì không có kinh nghiệm. Nhiều sinh viên ra trường đã nhiều năm cuối cùng phải tự làm bánh và bán trái cây trên mạng để kiếm sống. Trường hợp điển hình là của cô  Nguyễn Bích Thủy, 28 tuổi. Cô cho biết cô tốt nghiệp trường đại học thương mại vài năm trước, nhưng không thể tìm được một việc làm về nghành kế toán, cuối cùng phải tự làm bánh bán.

Một vài chuyên gia còn nhận định rằng vấn đề sĩ diện cũng là một yếu tố quan trọng làm cho giới sinh viên thất nghiệp cao.  Nhiều sinh viên thà chấp nhận thất nghiệp còn hơn làm việc lao động chân tay. Giới sinh viên này coi công việc tại các nhà máy là thấp cấp và không muốn làm, chỉ muốn tìm các việc làm trong văn phòng.

Các con số thống kê ở Việt Nam được cho là kém chính xác, không đầy đủ. Ngay con số thống kê tỷ lệ 2% thất nghiệp ở Việt Nam cũng là một dấu chấm hỏi lớn.

Tường Thắng / SBTN

http://www.sbtn.tv/ty-le-nguoi-tre-that-nghiep-tang-cao-tai-viet-nam/