Tin khắp nơi – 07/01/2018
Đức: Bà Merkel khởi động đàm phán liên minh với SPD
Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt đầu một vòng đàm phán mới về liên minh trong một nỗ lực nhằm chấm dứt bế tắc chính trị của đất nước.
Hơn ba tháng sau khi cuộc bầu cử toàn quốc, nước Đức vẫn chưa có một chính phủ mới.
VN ‘chặn luật sư Đức của Trịnh Xuân Thanh’
Vụ ông ‘Vũ Nhôm’ nói gì về chính trị VN?
Đức chuyển biến và người Việt cần lên tiếng
Không có bất cứ lằn ranh đỏ nào và thời điểm mới kêu gọi chính trị mớiLãnh đạo đảng SPD, Martin Schulz
Cuộc sống và hội nhập của người Việt tại Đức
Di dân Việt ‘ít hội nhập’ với nước Đức?
Các cuộc đàm phán kéo dài năm ngày sẽ bao gồm đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Merkel, đảng ‘anh em’ là Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) và Đảng Dân chủ Xã hội (SPD).
Nhiều người coi đây là cơ hội cuối cùng của bà Merkel để thành lập một liên minh ổn định.
Đảng SPD trung tả liên minh lãnh đạo đất nước cùng với đảng trung hữu của Thủ tướng Merkel trong 8 trên 12 năm năm qua. Nhưng, sau khi kết quả nghèo nàn của một cuộc thăm dò lịch sử vào tháng 9/2017, lãnh đạo SPD Martin Schulz đã tuyên bố đưa đảng của ông vào vị trí đối lập.
Áp lực gia tăng lên đảng SPD kể từ tháng 11/2017, khi bà Merkel thất bại trong việc lập ra một liên minh cùng với đảng tự do FDP và đảng Xanh.
Thủ tướng bây giờ phải thuyết phục ban lãnh đạo đảng SPD rằng hai bên có đủ mục tiêu chung để bắt đầu cuộc đàm phán liên minh chính thức vào tháng Ba hay tháng Tư năm 2018.
Khi bước vào các cuộc đàm phán, bà Merkel nói bà lạc quan sẽ đạt được một thỏa thuận. Trong khi đó, ông Schulz nói ông sẽ không vạch ra bất cứ lằn ranh đỏ nào và rằng “thời điểm mới kêu gọi chính trị mới”.
‘Hy vọng thành công’
Đức trục xuất thêm một nhà ngoại giao VN
Vận mệnh chính trị của bà Merkel ra sao?
Bầu cử Đức: Merkel giành thắng lợi
Các đồng minh của Đức ở Liên minh châu Âu, như Pháp, xem Đức như một trụ cột của sự ổn định trong khối EU và hy vọng bà Merkel sẽ thành công.
Các cơ sở, nền tảng phải được đặt ra cho một sự thịnh vượng lâu năm, để người Đức có thể sống trong an toàn và dân chủThủ tướng Angela Merkel
Tuy nhiên, theo một thăm dò dư luận vào ngày Chủ Nhật 07/01/2018, một trong ba cử tri nghĩ rằng cuộc đàm phán hôm Chủ Nhật sẽ thất bại, mặc dù 54% nói một “liên minh lớn” giữa các đảng chính trị lớn được hồi sinh sẽ có tính chất tích cực với nước Đức.
Được biết, di trú, Châu Âu, thuế, và y tế – chăm sóc sức khỏe, có thể sẽ là các điểm bất đồng.
Trong đảng SPD, người ta lo ngại việc tái tham gia một liên minh lớn sẽ gây tổn hại cho đảng này hơn là nhận được thêm sự ủng hộ. Xếp hạng bình chọn của đảng này đang xuống thấp và một số nhà chỉ trích trung tả nói rằng đảng SPD đã từ bỏ những nguyên tắc cốt lõi để bám víu lấy quyền lực cùng với bà Merkel.
Ông Schulz nói hôm 07/01 rằng ông muốn đem lại cho nước Đức một chính sách ‘cập nhật, hiện đại’ về giáo dục, đầu tư nhà ở và cơ sở hạ tầng.
Về phần mình, Thủ tướng Merkel tập trung vào an ninh nội bộ và bên ngoài cũng như gắn kết xã hội. Bà nói rằng các cơ sở, nền tảng phải được đặt ra cho một sự thịnh vượng lâu năm, để người Đức có thể sống trong an toàn và dân chủ.
Tuy nhiên, bà Merkel đang đối mặt với áp lực từ phe bảo thủ, bên cho rằng bà đã từ bỏ các giá trị truyền thống và đẩy các cử tri về phía AfD, đảng cực hữu lần đầu tiên có đại diện trong nghị viện liên bang.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42596600
Peru: cựu tổng thống Fujimori kêu gọi đoàn kết
Chỉ vài ngày sau khi được ân xá, cựu tổng thống gây tranh cãi Alberto Fujimori, kêu gọi đoàn kết chống tội phạm và bạo lực.
“Chúng tôi sẽ ở trong một quốc gia nơi an ninh được giành lại và bạo lực bị triệt tiêu,” ông viết trên Twitter.
Fujimori được trả tự do hôm 4/1 do phải đi điều trị bệnh, sau khi đã ngồi tù một thập kỷ với án tù 25 năm vì tội lạm dụng quyền lực và tham nhũng.
Peru: Cựu ‘Tổng thống độc tài’ nhập viện từ nhà tù
Tổng thống Peru tuyên bố không từ chức
Cựu tổng thống Brazil bị thẩm vấn
Lệnh ân xá do Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski ký dẫn đến những cuộc biểu tình.
Sau khi được thả tại bệnh viện nơi ông đang điều trị bệnh tim, ông Fujimori lên tiếng kêu gọi những người phe cánh hữu trên Twitter.
“Chúng ta cần bỏ qua một bên những nhóm lợi ích và chủ nghĩa cơ hội.@
‘Chia rẽ sâu sắc’
Ông mô tả mong ước xây dựng một quốc gia không có “thù hận”.
Không rõ liệu ông Fujimori có thể đóng vai trò gì hợp pháp trên chính trường Peru và các chuyên gia đang xem xét vấn đề này.
Một số người cho rằng vì lệnh ân xá được ký do điều kiện bệnh tật, ông Fujimori không được phép tiếp tục sự nghiệp chính trị. Nhưng những người khác thấy không có trở ngại pháp lý nào nếu ông quay lại con đường chính trị.
Các bác sĩ của Fujimori nói rằng cựu tổng thống bị suy tim nặng và cần theo chế độ chăm sóc nghiêm ngặt.
Tổng thống Kuczynski bị chỉ trích vì ký lệnh ân xá ngày 24/12.
Đảng Lực lượng Nhân dân (FP), do bà Keiko, con gái ông Alberto Fujimori, lãnh đạo, đã kiểm soát Quốc hội và tìm cách luận tội ông Kuczynski về vụ bê bối tham nhũng.
Tuy nhiên, người anh trai Kenji chia rẽ cuộc bỏ phiếu của FP, cho phép tổng thống tiếp tục tại vị và dấy lên cáo buộc rằng ông Fujimori được ân xá để đổi lại. Ông Kuczynski bác cáo buộc này.
Fujimori là nhân vật gây chia rẽ sâu sắc ở Peru, được một số người tôn trọng và bị những người khác công kích vì ông ra lệnh đàn áp hai cuộc nổi dậy trong nhiệm kỳ 1990-2000.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42594840
Tập Cận Bình Ra Lệnh: Sẵn Sàng Chiến Đấu
BEIJING – Trong lúc “Quân Giải Phóng – PLA” mở tập trận muà đông khắp nước lần đầu tiên, lãnh tụ Tập Cận Bình phát lệnh sẵn sàng chiến đấu, hôm Thứ Tư – báo Hong Kong cho biết ông Tập cùng các viên chức của quân ủy trung ương đến thị sát Bộ chỉ huy trung ương, là 1 trong 5 quân khu khi các đơn vị tại 4000 địa điểm khắp nước đồng loạt tập trận đầu năm.
Chủ tịch Tập nhắc nhở tăng cường khả năng phối hợp quân binh chủng – ông tuyên bố “Chúng ta trui luyện 1 quân đội mạnh sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu và chiến thắng”.
Trong 1 phát biểu khác, ông Tập khuyến cáo thúc đẩy công cuộc nghiên cứu kỹ thuật số như là kế hoạch chuẩn bị rộng lớn hơn cho chiến tranh. Ông nhấn mạnh: mọi nỗ lực phải hướng tới chiến tranh.
Tại Bộ chỉ huy trung ương, Tập theo dõi cuộc tập trận qua video nối mạng. Cựu đại tá Yue Gang từng phục vị Bộ tổng tham mưu, cho hay: đây là lần đầu tiên tổng tư lệnh tối cao phát lệnh thao luyện sẵn sàng chiến đấu, là cấp cao nhất và quy mô nhất.
Bình luận gia Ni Lexiong làm việc tại Shanghai nói: trọng tâm của Trung Cộng là 1 phần trong định hướng tái cấu trúc PLA của Tập, cũng là thông điệp khẳng định với thế giới “Trung Cộng luôn sẵn sàng”.
https://vietbao.com/a276211/tap-can-binh-ra-lenh-san-sang-chien-dau
Nữ danh ca Pháp France Gall qua đời
Nữ danh ca Pháp France Gall vừa qua đời sáng 07/01/2018, do một căn bệnh ung thư, thọ 70 tuổi, theo thông báo người đặc trách truyền thông của bà.
Nổi tiếng nhất với ca khúc Poupée de cire, poupée de son, France Gall đã được đưa vào Bệnh viện Mỹ Neuilly, gần Paris, từ giữa tháng 12/2017, với lý do chính thức là nhiễm trùng nặng. Thật ra bà đã bị ung thư vú từ năm 1993, tức là chỉ một năm sau khi chồng bà là ca sĩ – nhạc sĩ Michel Berger qua đời bất ngờ vào năm 1992 ở tuổi 44. Bệnh ung thư này đã tái phát từ cách đây 2 năm.
Sinh năm 1947 tại Paris trong một gia đình ca nhạc sĩ, France Gall, tên thật là Isabelle Gall, đã đoạt giải thưởng lớn Eurovision năm 1965 với bài hát Poupée de cire, poupée de son, do Serge Gainsbourg sáng tác. Đến năm 1974, ca khúc La déclaration d’amour (Lời tỏ tình) đánh dấu sự hợp tác giữa France Gall với ca – nhạc sĩ Michel Berger. Từ đó, France Gall nổi danh thêm nhờ các sáng tác của Michel Berger như Musique, Si maman si, Il jouait du piano debout…Cặp Gall-Berger đã cho ra đời tổng cộng 7 album và hai ngôi sao ca nhạc này đã trình diễn rất nhiều lần.
France Gall đã rời sân khấu sau khi con gái của bà là Pauline chết vì bệnh mucovisidose (bệnh nhầy nhớt, chủ yếu ở trẻ em, gây suy hô hấp và rối loạn tiêu hoá thường xuyên) vào năm 1997. Tuy nhiên, đến năm 2015, France Gall trở lại sân khấu với tư cách người dàn dựng một vở nhạc kịch đang rất ăn khách lúc đó, vở Résiste để vinh danh người chồng quá cố.
http://vi.rfi.fr/phap/20180107-nu-danh-ca-phap-france-gall-qua-doi
Pháp tưởng niệm
nạn nhân vụ khủng bố Charlie Hebdo và Hyper Cacher
Ngày 07/01/2017, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đô trưởng Paris Anne Hidalgo chủ trì buổi lễ tưởng niệm 11 người bị sát hại tại tòa soạn của tờ báo trào phúng Charlie Hebdo. Từ chiều hôm trước và cho đến hết hôm nay, một loạt các cuộc tuần hành, lễ tưởng niệm diễn ra tại thủ đô Paris.
11 giờ sáng 07/01, tổng thống Macron cùng phu nhân, và 4 bộ trưởng cùng đô trưởng Paris đến đặt vòng hoa tại số 10 đường Nicolas Appert, trụ sở cũ của tờ báo Charlie Hebdo. Cùng với gia đình các nạn nhân và trong bầu không khí trang nghiêm, tên 11 người ngã xuống dưới làn đạn của hai anh em nhà Kouachi đã được xướng lên.
Đúng ngày này ba năm trước, vào lúc 11 giờ rưỡi sáng, hai anh em nhà Kouachi đột nhập vào trụ sở báo Charlie Hebdo ở quận 11 Paris, nổ súng trong 10 phút. Mười trong số các thành viên ban biên tập và một nhân viên kỹ thuật bị sát hại, 38 người bị thương. Vài phút sau, một nhân viên cảnh sát bị Chérif và Saïd Kouachi sát hại chỉ cách tòa soạn Charlie Hebdo vài chục mét.
Hai ngày sau, hai kẻ khủng bố này đột nhập vào một nhà máy in tại Dammartin-en-Goel, gần phi trường Charles-de-Gaulle, ngoại ô phía bắc Paris. Tại đây, hai kẻ khủng bố bị hạ sát. Cùng ngày, siêu thị của người Do Thái tại Vincennes, sát cạnh quận 12 Paris, bị một tay khủng bố thứ ba là Amédy Coulibaly tấn công : 4 người và hung thủ bị chết.
Cũng ngày 07/01/2018, trước khi lên đường công du Trung Quốc, tổng thống Macron sẽ đến nghiêng mình tại siêu thị Hyper Cacher, nơi 4 người Do Thái thiệt mạng. Ngày 08/01, bộ trưởng Nội Vụ Pháp sẽ chủ trì lễ tưởng niệm một nữ cảnh sát bị Coulibaly bắn hạ tại Montrouge, phía nam Paris, vào buổi sáng ngày 08/01/2015.
Các nạn nhân của tờ báo Charlie Hebdo, tại siêu thị Hyper Cacher và Montrouge là những nạn nhân đầu tiên trong số hơn 241 người thiệt mạng trong các vụ khủng bố tại Pháp từ ba năm qua.
http://vi.rfi.fr/phap/20180107-phap-tuong-niem-nan-nhan-vu-khung-bo-charlie-hebdo-va-hyper-cacher
Phiến quân Rohingya tấn công quân đội Miến Điện
Ngày 07/01/2018, lực lượng phiến quân Rohingya mang tên Quân đội Cứu nguy người Rohingya bang Rakhine ra thông cáo khẳng định đã tấn công vào một xe tải của quân đội Miến Điện ở bang Rakhine, khiến nhiều binh lính bị thương. Trong bản thông cáo, họ tuyên bố « không có sự lựa chọn nào khác là phải chiến đấu » chống quân đội Miến Điện.
Từ Rangun, thông tín viên Elisa Hunt gởi về bài tường trình :
« Vẫn còn những vụ hãm hiếp, những làng mạc bị đốt sạch, những người chết vì đói. Theo Quân đội Cứu nguy người Rohingya ở bang Rakhine, quân đội Miến Điện tiếp tục đàn áp thiểu số người Hồi Giáo này.
Trong một thông cáo công bố ngày 07/01, lực lượng phiến quân Rohingya khẳng định họ « không có lựa chọn nào khác là phải chiến đấu ». Lực lượng này tuyên bố đã tấn công vào quân đội Miến Điện hôm thứ Sáu vừa qua (05/01), nhưng không cho biết chi tiết. Theo phía quân đội, có khoảng một chục người Rohingya tham gia vào cuộc phục kích. Trong vụ tấn công này, nhiều binh lính Miến Điện đã bị thương.
Trong bản thông cáo, lực lượng phiến quân yêu cầu là người Rohingya phải được tham khảo ý kiến về những quyết định liên quan đến họ. Nhưng theo chính phủ Miến Điện, mục đích của phiến quân chính là làm chậm trễ việc hồi hương người tị nạn về Miến Điện. Hơn 650 ngàn người Rohingya đã vượt biên sang Bangladesh do bị quân đội Miến Điện đàn áp để trả đũa các vụ tấn công của Quân đội Cứu nguy người Rohingya bang Rakhine vào các đồn cảnh sát ngày 25/08/2017.
Play Video
Chương trình hồi hương người tị nạn Rohingya trên nguyên tắc sẽ bắt đầu từ ngày 23/01, nhưng những chi tiết của chương trình này vẫn còn mơ hồ. Tuần trước, Bangladesh thông báo đã gởi một danh sách gồm tên của 100 ngàn người cho Miến Điện, nhưng danh sách còn chờ được chính quyền nước này thông qua ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180107-phien-quan-rohingya-tan-cong-quan-doi-mien-dien
Đụng tàu trên Biển Hoa Đông : 32 người mất tích
Theo thông báo của bộ Giao Thông Trung Quốc ngày 07/01/2017, 32 thủy thủ, gồm 30 người Iran và 2 người Bangladesh, đã mất tích sau một vụ va chạm trên vùng Biển Hoa Đông giữa một tàu chở hàng và một tàu chở dầu. Chiếc tàu chở dầu đã bốc cháy sau tai nạn.
Từ Thượng Hải, thông tín viên Angélique Forget gởi về bài tường trình :
« Một bức ảnh được chiếu trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN cho thấy một màn khói đen dày đặc bốc lên từ chiếc tàu chở dầu. Chiếc tàu này mang cờ Panama, nhưng hoạt động cho một công ty Iran và chở hàng đến giao tại Hàn Quốc.
Tổng cộng có 32 thủy thủ, gồm 30 người Iran và 2 người Bangladesh, vẫn được coi là mất tích. Trên bức ảnh, người ta thấy những chiếc tàu khác đang cố ứng cứu chiếc tàu gặp nạn và ngăn chận các lớp dầu đang tràn ra và tiếp tục bốc cháy trên biển. Theo bộ Giao Thông Trung Quốc, chiếc tàu dài 274 mét này chở theo gần một triệu thùng dầu.
Chiếc tàu kia là một chiếc tàu chở hàng của Trung Quốc, xuất phát từ Hoa Kỳ, chở theo các mặt hàng thực phẩm. Toàn bộ thủy thủ đoàn của tàu này, gồm 21 người Trung Quốc, đã được cứu thoát.
Hàn Quốc đã điều động một tàu tuần duyên và một phi cơ để tham gia tìm kiếm các nạn nhân. Hiện giờ, người ta vẫn chưa biết nguyên nhân của vụ đụng tàu, nhưng những tai nạn như vậy không phải là hiếm tại vùng biển Trung Quốc, nơi có rất nhiều tàu bè qua lại và là nơi trung chuyển 1/3 lượng hàng hóa của thế giới vận chuyển qua đường biển ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180107-dung-tau-tren-bien-hoa-dong-32-nguoi-mat-tich
Mỹ nghiên cứu khả năng Pakistan trả đũa
Sau khi thông báo kế hoạch cúp viện trợ cho Pakistan, quân đội Hoa Kỳ xem xét các khả năng Islamabad trả đũa, đóng cửa biên giới với Afghanistan và cảng Karachi.
Hai ngày sau khi bộ Ngoại Giao Mỹ dọa cắt viện trợ cho Islamabad, lãnh đạo phe đối lập Pakistan, Imran Khan ngày 07/01/2018 yêu cầu chính phủ “trả đũa”, không chấp nhận để “quân đội Mỹ sử dụng miễn phí cơ sở hạ tầng của Pakistan”.
Từ 16 năm qua, Hoa Kỳ can thiệp vào Afghanistan và theo giới phân tích, trong trường hợp Islamabad đóng cửa biên giới với nước láng giềng hay hải cảng ở Karachi, Mỹ không thể tiếp vận cho liên quân quốc tế tại Afghanistan.
Kịch bản này từng xảy ra hồi năm 2011, sau một loạt sự cố ngoại giao giữa Washington và Islamabad. Nghiêm trọng nhất là vụ Mỹ bí mật mở chiến dịch triệt hạ trùm khủng bố Oussama ben Laden tại thị trấn Abbottabad mà không thông báo cho chính quyền Pakistan. Khi đó, liên quân quốc tế, được đặt dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ, đã phải sử dụng căn cứ không quân tại Kirghizistan và đường bộ xuyên qua lãnh thổ Nga và nhiều nước Trung Á.
Chuyên gia về khu vực Trung Á thuộc đại học Georgetown Hoa Kỳ, bà Christine Fair, nhận định : Vấn đề đặt ra là, nếu như Pakistan đóng cửa không phận, liên quân quốc tế không còn có thể sử dụng căn cứ quân sự tại Kirghizistan, vì cơ sở này đã đóng cửa từ 2014. Tiếp vận qua ngả Trung Á cũng trở nên phiêu lưu hơn trong bối cảnh quan hệ Nga – Mỹ đang xuống cấp một cách tệ hại.
Trước mắt, quân đội Hoa Kỳ không mấy lo ngại trước kịch bản bị Pakistan trả đũa việc Washington cúp viện trợ cho Islamabad.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180107-my-nghien-cuu-kha-nang-pakistan-tra-dua
Mỹ – Bắc Triều Tiên : Đối thoại Trump – Kim Jong Un ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 06/01/2017 tuyên bố sẵn sàng đối thoại với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un. Washington hy vọng căng thẳng Liên Triều giảm thiểu qua việc Bình Nhưỡng gửi một phái đoàn dự Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeonchang vào tháng 02/2018.
Họp báo tại khu nhà nghỉ của tổng thống Hoa Kỳ Camp Davis – bang Maryland, khi được hỏi về khả năng điện đàm với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, ông Trump nhấn mạnh “luôn tin tưởng vào đối thoại”. Chủ nhân Nhà Trắng nói thêm, cần phải có một số điều kiện tiên quyết để mở ra cuộc đối thoại đó.
Ngoài ra, ông Trump hài lòng trước viễn cảnh Seoul và Bình Nhưỡng nối lại đối thoại vào ngày 09/01/2018 tại Bàn Môn Điếm. Đây là lần đầu tiên phái đoàn hai nước gặp lại nhau từ tháng 12/2015. Trong mắt tổng thống Hoa Kỳ, nếu cuộc đàm phán Liên Triều lần nay đem lại kết quả mong muốn, thì đây sẽ là một “điều kỳ diệu đối với nhân loại”.
Báo chí ngạc nhiên trước giọng điệu hòa hoãn hơn hẳn của tổng thống Trump so với những tuyên bố trong nhiều tuần qua.
Đàm phán Liên Triều tại Bàn Môn Điếm
Bình Nhưỡng vừa thông báo với Seoul một danh sách gồm 5 thành viên trong phái đoàn Bắc Triều Tiên sẽ tham dự cuộc họp ở Bàn Môn Điếm mở ra ngày 09/01/2018. Trong số này có một vài quan chức đặc trách về hồ sơ thể thao tháp tùng ông Ri Son Gwon, người đứng đầu Ủy Ban Liên Triều dẫn đầu phái đoàn Bình Nhưỡng. Cuộc họp chủ yếu tập trung vào những điều kiện để Bắc Triều Tiên tham dự Thế Vận Hội Pyeongchang.
Trước viễn cảnh Bắc Triều Tiên gửi một phái đoàn tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông sang Hàn Quốc vào tháng 02/2018, tổng thống Donald Trump kỳ vọng, đây là một dấu hiệu hòa hoãn mang “ý nghĩa vượt ngoài khuôn khổ thể thao”. Tổng thống Mỹ không quên tự khen mình đã phần nào đóng góp vào nỗ lực làm hạ nhiệt trên bán đảo Triều Tiên. Theo ông, những “tuyên bố mạnh mẽ” nhắm vào Kim Jong Un đã đem lại kết quả.
Trái ngược với thái độ phấn khởi của tổng thống Trump, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thận trọng hơn khi cho rằng “Thế Vận Hội là một sự kiện vì hòa bình”, và ông mong muốn điều đó được thể hiện qua sự thay đổi thái độ của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, thủ tướng Abe vẫn quan niệm rằng quốc tế cần “gia tăng áp lực” với chế độ Bình Nhưỡng, buộc chính quyền Kim Jong Un từ bỏ tham vọng tên lửa và hạt nhân.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180107-my-bac-trieu-tien-doi-thoai-trump-kim-jong-un
Tổng thống Pháp Macron thăm Trung Quốc
để thắt chặt quan hệ song phương
Ngày 07/01/2017, tổng thống Pháp Emmanuel Macron rời Paris để đi thăm Trung Quốc trong 3 ngày nhằm xác lập quan hệ cá nhân với chủ tịch Tập Cận Bình và kiến tạo một liên minh giữa Paris với Bắc Kinh trên các hồ sơ như môi trường, chống khủng bố, Bắc Triều Tiên hay Syria.
Đây sẽ là chuyến viếng thăm Trung Quốc đầu tiên của một lãnh đạo châu Âu kể từ sau Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc tháng 10/2017, củng cố thêm thế lực của ông Tập Cận Bình. Còn đối với tổng thống Pháp, đây là chuyến công du đầu tiên của ông ở châu Á. Tháp tùng ông Macron trong chuyến viếng thăm Trung Quốc bắt đầu từ ngày 08/01 sẽ có phu nhân tổng thống Pháp Brigitte và hơn 50 lãnh đạo doanh nghiệp.
Theo hãng tin AFP, tổng thống Macron được dân Trung Quốc biết đến nhiều qua chuyện tình của ông với bà Brigitte Macron. Sự chênh lệch gần 25 tuổi giữa hai người gây ấn tượng rất mạnh tại một quốc gia mà đàn ông thường lấy vợ trẻ hơn rất nhiều.
Một trong những hồ sơ sẽ được đề cập đến trong chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của tổng thống Pháp sẽ là chống biến đổi khí hậu. Là quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, nhưng cũng là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào các năng lượng sạch, Trung Quốc nay đóng một vai trò trọng yếu kể từ khi Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định Paris về khí hậu. Paris muốn cùng với Bắc Kinh thúc đẩy thế giới trên hồ sơ này. Tổng thống Macron cũng sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về khủng hoảng Bắc Triều Tiên, hồ sơ mà Pháp có thể đóng vai trò trung gian hòa giải.
Về kinh tế, ông Macron muốn cân bằng lại quan hệ thương mại Pháp – Trung vì mức thâm thủng mậu dịch lớn nhất của Pháp chính là với Trung Quốc, khoảng 30 tỷ euro. Nhưng vấn đề nhạy cảm nhất chính là việc Liên Hiệp Châu Âu nay muốn gia tăng kiểm soát các dự án đầu tư chiến lược của các tập đoàn không thuộc châu Âu, mà chủ yếu là của Trung Quốc. Về phần mình, Bắc Kinh muốn tổng thống Macron nêu rõ lập trường của châu Âu về dự án các Con đường Tơ lụa mới, tức là các dự án cơ sở hạ tầng đại quy mô giữa Trung Quốc với châu Âu.
Về mặt chiến lược, tổng thống Emmanuel Macron hy vọng có được sự yểm trợ của Trung Quốc cho lực lượng quân sự của nhóm G5 (gồm 5 nước châu Phi Mauritanie, Mali, Burkina Faso, Niger và Tchad) chống khủng bố ở khu vực Sahel.