TC: Huấn luyện thêm phi công chiến đấu cho hàng không mẫu hạm — Tăng cường kiểm soát đại dương bằng mạng lưới ngầm dưới biển

Cac Bai Khac

No sub-categories

TC: Huấn luyện thêm phi công chiến đấu cho hàng không mẫu hạm — Tăng cường kiểm soát đại dương bằng mạng lưới ngầm dưới biển

Hải quân TC hôm thứ Ba 2/1 cho biết đã đẩy mạnh việc đào tạo phi công chiến đấu gần Biển Bột Hải trong mùa đông năm nay, để chuẩn bị mở rộng đội tàu sân bay.

Từ năm ngoái tại cơ sở chính của Đại học Hàng Không Hàng Hải ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Binh chủng Hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đã bắt đầu đào tạo phi công lấy – chứ không tuyển dụng binh lính từ lực lượng không quân. Các ứng viên phi công chiến đấu được sử dụng máy bay huấn luyện tiên tiến nhất tại cơ sở này và tại ba cơ sở khác ở các tỉnh Liêu Ninh, Hà Bắc và Sơn Tây.

Hải quân TC không công bố con số ước tính cần có bao nhiêu phi công chiến đấu cho các tàu sân bay của họ, nhưng các chuyên gia quân sự vạch ra nhu cầu mà họ cho là cấp thiết trong việc huấn luyện phi công cho các hàng không mẫu hạm TC.

Hải quân TC có kế hoạch thành lập một đội 4 tàu sân bay trong tương lai.

Cho đến nay TC chỉ có một tàu sân bay là Liêu Ninh, nhưng tàu sân bay Type 001A đang được thiết kế và đóng tại TC – dự kiến sẽ vận hành đầy đủ trễ hơn trong năm 2018.

Hải quân TC cần thêm phi công chiến đấu cho cả hai tàu sân bay này, cùng với phi hành đoàn hỗ trợ.

Theo tờ Quân đội Giải phóng Nhân dân Nhật báo, các học viên phi công tại trường đại học mới đã bay ngang không phận Biển Hoa Đông cũng như trên không phận nội địa, nơi các máy bay cất cánh và hạ cánh, các học viên còn thực hành kỹ năng cất cánh và đáp trên tàu sân bay sử dụng mô hình điện toán, và tham gia các hoạt động đào tạo khác.

Bắc Kinh trong thời gian qua đã cố gắng xây dựng một lực lượng hải quân có thể hoạt động trên phạm vi toàn cầu, có khả năng hỗ trợ lực lượng an ninh biển, kể cả đưa vào hoạt động tàu Liêu Ninh vào năm 2012, và tàu 001A trong năm nay. – Theo VOA

***

Nhật báo South China Morning Post hôm 31/12/2017 cho hay, TC đã cho triển khai một dự án kiểm soát đại dương bằng mạng lưới theo dõi ngầm dưới biển. Đây là dự án được Viện Hải Dương Học Nam Hải ấp ủ và phát triển trong nhiều năm, dưới sự giám sát của Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Hoa.

Hồi tháng 11/2017, Viện Hải Dương Học Nam Hải ra thông báo cho biết, sau nhiều năm thiết kế, lắp đặt và thử nghiệm, hệ thống theo dõi ngầm dưới biển hoạt động tốt và được bàn giao cho hải quân TC.

Đây là một phần trong kế hoạch bành trướng quân sự chưa từng có mà Bắc Kinh kỳ vọng có thể trở thành đối trọng với Hoa Kỳ trên lĩnh vực hàng hải quốc tế, theo nhật báo Hồng Kông.

Hệ thống giám sát này đã đi vào hoạt động thu thập thông tin môi trường dưới biển, không chỉ cho phép đo lường, mà còn có thể dự đoán nhiệt độ và độ mặn nước biển ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào và ở mọi độ sâu. Những thông tin này cho phép hải quân TC có thể phát hiện tàu mục tiêu chính xác hơn, đồng thời tăng cường khả năng tuần tra biển và định vị.

Du Vĩnh Cường (Yu Yongqiang), chuyên gia tại Viện Vật lý khí quyển trực thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Hoa (CAS), thành viên của nhóm chuyên gia tư vấn cho dự án, nhấn mạnh, việc thu thập thông tin về vận tốc và hướng truyền đi của sóng âm bị ảnh hưởng rất lớn bởi nhiệt độ và độ mặn của nước biển.

Nếu việc thu nhận dữ liệu thất bại, khả năng phát hiện và tấn công mục tiêu sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Ngoài việc cải thiện khả năng nhận diện mục tiêu, hệ thống giám sát này còn gúp cho tàu ngầm di chuyển an toàn hơn trong vùng biển phức tạp.

Theo bản mô tả tóm tắt kỹ thuật đăng tải trên trang web của Viện Hải Dương Học Nam Hải, hệ thống này được xây dựng dựa trên một mạng lưới các trang thiết bị đa dạng, như phao, tàu trên mặt biển, vệ tinh, thiết bị lặn dưới nước… Tất cả đều nhằm thu thập dữ liệu trong vùng Biển Đông, Tây Thái Bình Dương và Ấn Đô Dương. Các thông tin này sau đó sẽ được truyền về 3 trung tâm xử lý và phân tích thông tin tình báo được đặt tại quần đảo Hoàng Sa, tỉnh Quảng Đông và vùng Nam Á.

Tuy nhiên, Du cũng nói thêm, dù Biển Đông vốn được xem như «ao nhà» của TC, nhưng với kinh nghiệm nhiều thập kỷ nghiên cứu vùng biển này, các tàu ngầm của Mỹ vẫn chiếm ưu thế, với khả năng thích nghi với nhiệt độ và độ mặn nước biển tốt hơn tàu ngầm TC.

Chuyên gia này nhận định, kế hoạch phát triển một mạng lưới giám sát dưới biển có quy mô toàn cầu của Bắc Kinh cho thấy tiến bộ rõ ràng của TC trong lĩnh vực quân sự dưới biển, song mặt khác, dự án này cũng bị cản trở bởi các hệ thống tương tự do Mỹ vận hành trên khắp thế giới.

Công nghệ cao thực sự góp phần giúp Bắc Kinh bảo vệ được lợi ích quốc gia trên biển cũng như trong lòng đại dương, dọc theo con đường tơ lụa trên biển, bắt đầu từ bán đảo Triều Tiên trải dài tới tận bờ biển Đông Phi.

Hệ thống kiểm soát đại dương này của chính quyền Bắc Kinh góp phần hiện thực hóa «Giấc mơ Trung Hoa», đồng thời củng cố về mặt quân sự cho kế hoạch «Nhất Đới Nhất Lộ» – tham vọng bành trướng ảnh hưởng kinh tế tới hơn 60 quốc gia trên toàn cầu.

Đã có khoảng 12 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nằm trong khuôn khổ của siêu dự án này được triển khai, từ làm đường cao tốc tới xây dựng các trạm năng lượng và khai mỏ. Tuy nhiên, «Nhất Đới Nhất Lộ» cũng đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều của các quốc gia trong khu vực có tranh chấp về chủ quyền trên biển với TC. – Theo RFI