Thế giới 2018 : Bắc Triều Tiên, điểm nóng số một
TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM
Tú Anh – RFI
Phát Thứ Năm, ngày 04 tháng 1 năm 2018
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đến một viện nghiên cứu quốc phòng. Ảnh do hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA cung cấp ngày 23/08/2017.REUTERS
Với Donald Trump tâm cơ khó lường, với Vladimir Putin tiếp tục khẳng định uy thế trên bàn cờ quốc tế, và ở châu Á, một cách tự tin, Trung Quốc của Tập Cận Bình vươn mình muốn chia đôi thiên hạ, đủ làm cho tình hình thế giới 2018 đáng lo ngại. Chưa hết, tại Trung Đông, thời hậu Daech không đồng nghĩa với hoà bình, tương lai Syria vẫn mù mịt, Iran rơi vào khủng hoảng. Trong khi đó ở châu Á, Kim Jong Un, cho dù mới độ 30 tuổi, chứng tỏ là một tay « xì phé » chuyên nghiệp, trong canh bạc hạt nhân sống còn với Donald Trump, đưa nhân loại đến gần bờ vực thẳm.
Tạp chí Tiêu Điểm mở đầu năm 2018 xin tập trung vào « cuộc đọ sức pha lẫn đấu trí » giữa Kim và Trump. Liệu có một giải pháp khả thi để giúp lý trí chiến thắng ?
Hơn nửa thế kỷ sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1960, cuộc chạy đua vũ trang lần này giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên làm dấy lên mối lo ngại thế giới trong năm 2018 đang tiến dần đến bờ vực thẳm. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân rất lớn nếu một bên hoặc cả hai bên tính toán sai lầm. Nhà phân tích Dominic Ziegler của The Economist nhắc lại : từ Donald Trump cho đến hàng loạt chuyên gia đã từng cho rằng lãnh đạo Bắc Triều Tiên chỉ « thấu cáy », chứ Bình Nhưỡng không có khả năng chế tạo tên lửa liên lục địa. Thực tế là mọi người đã đánh giá thấp Kim Jong Un.
Bắc Triều Tiên muốn chứng tỏ khả năng chế tạo được tên lửa liên lục địa. Bằng chứng của Bình Nhưỡng là hồi cuối tháng 11/2017, phóng một tên lửa đạn đạo ra một địa điểm nào đó trong Thái Bình Dương bao la, nhưng tầm bay có thể đánh tới Los Angeles và San Francisco. Kim Jong Un cũng khoe khoang là đã làm được bom hạt nhân và thu nhỏ thành đầu đạn tên lửa. Nhưng để lời tuyên bố tự xưng là « cường quốc hạt nhân » đáng tin là có thật, lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ phải cho nổ một quả bom trên không Thái Bình Dương. Hành động này, nếu xẩy ra trong năm nay, sẽ là cuộc khiêu khích cuối cùng và cũng là khởi điểm của một canh bạc bịp hay nói một cách nghiêm túc hơn, một cuộc đấu trí căng thẳng và đầy bất trắc : Hoa Kỳ không thể giả vờ tin vào hiệu năng của biện pháp cấm vận và áp lực ngoại giao để buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí. Những hành động thăm dò, đánh nhử để « đọc » là bài úp của đối phương sẽ đưa thế giới tiến gần hơn một cuộc chiến tranh nguyên tử cho dù ngoài mặt, tổng thống Donald Trump vẫn xem Kim Jong Un là một đứa trẻ quen thói được nuông chiều.
Cách nay 60 năm, thế giới cũng đã một lần chạm bờ vực thẳm chiến tranh hạt nhân, cũng trong hoàn cảnh tương tự.
Công luận muốn tin cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên năm 2018 chỉ là một kịch bản mới của vụ khủng hoảng Cuba (đã từng đưa nhân loại vào một cuộc chiến diệt vong). Tuy nhiên, khác với thời kỳ 1962, tình thế hiện nay nguy hiểm hơn nhiều. Bởi vì trong cuộc khủng hoảng Cuba, « nút bấm » phóng tên lửa không phải nằm trong tay chủ tịch Cuba Fidel Castro mà là của Nikita Khroutchev, lãnh đạo Liên Bang Xô Viết.
Vào lúc tình hình căng đến cao độ, thái độ quyết liệt của tổng thống Kennedy làm lãnh đạo Liên Xô Khroutchev phải tìm cách xuống thang. Chủ nhân điện Kremlin kinh hoàng trước trách nhiệm đưa Liên Bang Sô Viết vào cuộc chiến diệt vong để bảo vệ …. Cuba chống Mỹ.
Trái lại, năm 2018 này, lãnh đạo ngạo mạn Kim Jong Un là kẻ cầm bài trong tay. Nga và Trung Quốc, được xem là « bạn » không có ảnh hưởng gì nhiều đối với Bình Nhưỡng. Đã vậy, Donald Trump, « đối thủ đồng nhiệm » của họ Kim cũng nóng nảy, bốc đồng như ông ta. Do đó, thế trận hiện nay rất nguy hiểm. Chỉ cần một trong hai nhà lãnh đạo này, trong khi diệu võ dương oai, suy đoán lầm, rơi vào chiếc bẫy của chính mình… ra tay bấm nút trước.
Hơn thế nữa, trong bối cảnh khủng hoảng cực độ, một quyết định hay một hành động quân sự chỉ có tính phòng thủ cũng có thể bị đối phương hiểu lầm là dấu hiệu tấn công. Chưa hết, hàng loạt « tweet » của tổng thống Doanld Trump chọc tức « thằng bé tên lửa » có thể đổ dầu vào lửa. Từ sau vụ thử tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên hồi tháng 11, ngay những tướng lãnh Mỹ có chủ trương chừng mực nhất, cũng đã nói đến biện pháp đánh phủ đầu các cơ sở quân sự của Bắc Triều Tiên.
Vậy phải làm cách nào để tránh một cuộc chiến tranh hạt nhân ? Theo Dominic Ziegler, có hai cách : một là các cố vấn của tổng thống Mỹ phải thuyết phục Donald Trump là giải pháp « tấn công chính xác » là chuyện bất khả.
Oanh kích « giải phẫu » rất khó thực hiện vì các cơ sở quân sự, tên lửa, hạt nhân của Bắc Triều Tiên đều nằm sâu trong hang núi, trong lòng đất. Bản thân Kim Jong Un cũng ẩn náu ở những nơi bí mật làm cho kế hoạch « triệt hạ đầu não », nếu có, cũng không có cơ may thành công. Xung đột sẽ kéo dài và Bắc Triều Tiên có thời giờ phản công bằng vũ khí qui ước, vũ khí hóa học, vi trùng vào thủ đô Hàn Quốc, chỉ cách giới tuyến có 60 cây số. Chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên sẽ gây thiệt hại nhân mạng khủng khiếp cho thường dân địa phương mà còn tác động đến động lực kinh tế thế giới. Do vậy, Hoa Kỳ cần phải thận trọng.
« Kho vũ khí hạt nhân nguy hiểm khi được giấu kín »
Thứ hai là tổng thống Trump phải đặt mình vào chỗ của Kim Jong Un, phải đọc được tư tưởng của Kim, tâm thế tuy cuồng tín, nhưng không « điên ».
Cho dù lãnh đạo đời thứ ba của triều đại họ Kim phô trương như một anh hùng, một tinh tú giáng trần, sẵn sàng hy sinh « vì chủ nghĩa và dân tộc » nhưng trên thực tế Kim Jong Un không chế tạo bom nguyên tử để tự sát.
Kim Jong Un đã thấy số phận hai nhà độc tài Trung Đông là Saddam Hussein của Irak và đại tá Kadhafi của Libya đã kết liễu như thế nào, cho dù đã bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Sự kiện Donald Trump xé hiệp định hạt nhân mà người tiền nhiệm ký với Iran càng làm cho Kim bất an.
Nhưng Kim Jong Un cũng biết lựa chọn nào, không dùng vũ khí hạt nhân hay sử dụng hạt nhân, đều không tránh được đại họa chế độ độc tài bị diệt vong.
Nhà độc tài trẻ tuổi này tuy là kẻ nguy hiểm nhưng không điên. Kim Jong Un biết rõ là « vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên chỉ có sức răn đe nếu được giấu kín trong các hầm bí mật và kiên cố ».
Vấn đề then chốt là phải dùng đối sách nào với Kim Jong Un. Cuba của Fidel Castro trước đây có đàn anh Matxcơva, cho phép Kennedy dùng đối sách gây sức ép với Khroutchev. Còn với Bắc Triều Tiên ? Đánh là hạ sách, đàm phán cũng không xong. Phải làm sao ?
Theo nhà phân tích Anh Dominic Ziegler, giải pháp hay nhất vẫn là chiến thuật cổ điển nhưng thực hiện linh động. Thay vì đe dọa quân sự, Washington nên tiến hành chính sách đê điều bao vây đã gặt hái thành công trong thời chiến tranh lạnh : tăng cường hệ thống lá chắn chống tên lửa đạn đạo, ngăn cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và xây dựng một hệ thống trừng phạt khắt khe những nước vi phạm.
Một khi Bắc Triều Tiên, và Mỹ thấy rõ là nếu vi phạm luật chơi sẽ bị khinh bỉ thì lúc đó lý trí sẽ thắng và tự động hai bên sẽ thiết lập bang giao hoặc mở kênh liên lạc trực tiếp như « đường điện thoại nóng ».
Hoa Kỳ có thể kiên nhẫn ngồi chờ kết quả : chế độ Bình Nhưỡng sẽ sụp đổ. Liên Xô chịu còn không nổi thì Bắc Triều Tiên cầm cự đến bao giờ ?
Nhưng tình hình hiện nay quá nguy hiểm và do vậy cần phải có những sáng kiến táo bạo. Chẳng hạn như tính đến một giải pháp ngoại giao bốn bên : Mỹ, Trung, Hàn và Bắc Triều Tiên để bán đảo Triều Tiên không rơi vào chiến tranh. Thỏa ước bảo đảm an toàn cho chế độ Bình Nhưỡng, đổi lại hai miền nam bắc phải chính thức hóa hiệp định đình chiến 1953 thành hiệp ước hoà bình. Seoul sẽ giúp Bình Nhưỡng chấn hưng kinh tế, cải thiện đời sống, theo hy vọng của tuần báo The Economist.
Câu hỏi đặt ra là liệu Donald Trump có dùng 3 hay 7 năm để « đặt mình » vào vị trí của Kim Jong Un ? Cần phải đặt thêm một câu hỏi thứ hai là khi nào lãnh đạo Bắc Triều Tiên biết nhìn thấy và tôn trọng khát vọng của người dân miền bắc, ước mơ có cuộc sống tự do và trù phú của miền nam, như thân phụ của ông là Kim Jong Il, lúc tiếp tổng thống Kim Dae Jung, năm 2000, gián tiếp nhìn nhận ?