Tin khắp nơi – 04/01/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi  – 04/01/2018

Trạm vũ trụ 8,6 tấn của TQ

rơi “mất kiểm soát” xuống trái đất

Các nhà khoa học lo lắng theo dõi đường đi của một trạm vũ trụ Trung Quốc nặng hơn 8,6 tấn vì nó di chuyển mất kiểm soát dẫn đến không thể tính toán ra nơi nó sẽ rơi xuống trái đất, theo tường thuật của CBS Denver.

Trạm vũ trụ không người lái có tên Thiên cung-1 dự kiến sẽ rơi xuống trái đất vào thời điểm nào đó trong tháng 3.

Có tin Trung Quốc đã mất kiểm soát với trạm này gần hai năm trước đây, vào tháng 6/2016. Chính phủ Trung Quốc sau đó công bố ước đoán rằng Thiên cung-1 sẽ rơi xuống vào cuối năm 2017.

Dự đoán không rõ ràng đã khiến các chuyên gia kết luận rằng cơ quan không gian Trung Quốc đã hoàn toàn mất khả năng điều khiển đường đi của trạm vũ trụ đang rơi cũng như không biết nơi nó sẽ lao xuống.

Theo một phân tích của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), điều bất khả kháng là trạm vũ trụ sẽ rời khỏi quỹ đạo trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2018, khi đó nó sẽ rơi trở lại trái đất mà không kiểm soát được.

Mặc dù phần lớn trạm vũ trụ này có thể sẽ cháy rụi trong bầu khí quyển, song các chuyên gia của ESA nói rằng vẫn có những phần còn sót lại và rơi xuống bề mặt trái đất.

Theo các báo cáo, chỉ có xác suất 1/10.000 là trạm vũ trụ lớn đó sẽ thực sự rơi vào một khu vực đông người và phá hủy các tòa nhà.

Không chắc chắn lắm, song các nhà khoa học cố gắng khoanh vùng đâm xuống là giữa các đường vĩ tuyến 43 độ bắc và 43 độ nam; một dải rộng vẫn bao gồm nhiều nơi có người ở trên các lục địa của trái đất.

(Tin tức CBS, Techtimes.com)

https://www.voatiengviet.com/a/tram-vu-tru-8-phay-6-tan-cua-tq-roi-mat-kiem-soat-xuong-trai-dat/4192100.html

 

Blair bác bỏ cáo buộc liên quan đến nhà Trump

Cựu thủ tướng Anh, Tony Blair bác bỏ hoàn toàn cáo buộc rằng ông từng cảnh báo cho gia đình Donald Trump rằng tình báo Anh Quốc “có thể theo dõi ông ta”.

Đây là đoạn được nêu ra trong một cuốn sách đang gây sóng gió cho quan hệ của ông Trump và cựu cố vấn cao cấp Steve Bannon.

Trong sách, ông Blair được trích lời “chia sẻ một lời đồn hấp dẫn” với con rể của Tổng thống Trump là Jared Kushner, rằng các nhân viên trong bộ tham mưu tranh cử, vào “có thể thậm chí cả chính ông Trump” bị theo dõi.

Steve Bannon rời khỏi vị trí cố vấn Nhà Trắng

Thượng viện Mỹ phê chuẩn Jeff Sessions

Con rể Trump bị thẩm vấn về Trump-Nga

Con rể Trump ‘bàn liên lạc bí mật với Nga’

Văn phòng của ông Blair nay bác bỏ các cáo buộc, cho rằng đó là chuyện “phi lý” và “hoàn toàn không thật”.

Trả lời kênh radio BBC 4 ở Anh, ông Blair nói:

“Tôi chưa hề có cuộc nói chuyện nào như thế ở trong hay ngoài Tòa Bạch ốc, với Jared Kushner hay bất cứ ai khác.”

Ông Blair xác nhận ông có gặp ông Kushner và thảo luận về tiến trình hòa bình Trung Đông nhưng “không cầu cạnh việc làm”.

5 điều cần biết về con gái tổng thống Mỹ

Cựu phản gián Liên Xô ‘gặp con cả Trump’

Tại sao Tổng thống Trump công nhận Jerusalem

Jared Kushner, chồng của Ivana, con gái ông Trump hiện là một trong những trợ lý hàng đầu của Donald Trump và được trao đóng vai trò kiến trúc sư cho chính sách Trung Đông của Hoa Kỳ.

Cuốn sách nhiều nội dung ‘gây chấn động’

Cáo buộc nêu ra cho rằng ông Blair tìm cách nhờ vả vị thế của ông Kushner để có một việc làm liên quan đến Trung Đông.

Cuốn sách của Michael Wolff “Fire and Fury: Inside the Trump White House” (Lửa và Cáu giận bên trong Tòa Bạch ốc), nói cuộc gặp giữa ông Blair và ông Kushner cùng một cố vấn cao cấp diễn ra trong Tòa Bạch ốc vào tháng 2/2017, một tháng sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống.

Nhiều điều nêu ra trong cuốn sách được thu thập từ 200 cuộc phỏng vấn của nhà báo Wolff khiến ông Trump nổi giận.

Ông gọi cựu cố vấn Steve Bannon là “kẻ đã mất trí” sau khi mất chức ở Tòa Bạch ốc.

Theo cuốn sách, ông Steve Bannon tin rằng một cuộc gặp giữa con trai lớn của Tổng thống Donald Trump và một nhóm người Nga là ‘có tính phản quốc” (treasonous).

Luật sư của ông Donald Trump đã viết cho ông Bannon, người từng giữ vai trò ‘nhà chiến lược’ của Phủ Tổng thống, nói ông ta đã ‘vi phạm thỏa thuận không phát biểu’ ràng buộc người hết hợp đồng công việc.

Nhóm luật sư làm việc cho ông Trump đe dọa sẽ kiện ông Bannon vì tội bôi nhọ.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42566593

 

Bà Park Geun-hye bị truy tố với tội danh mới

Cơ quan công tố Hàn Quốc truy tố cựu Tổng thống Park Geun-hye với những cáo buộc mới về tội nhận hối lộ, theo đó nói bà đã nhận bất hợp pháp hơn 3 triệu đô-la Mỹ từ cơ quan tình báo quốc gia trong thời gian cầm quyền.

Bà Park đã bác bỏ các cáo buộc tham nhũng được đưa ra đối với bà trước đó.

Bà Park bị buộc tội hồi tháng 5 năm ngoái và đang đối diện phiên tòa liên quan tới một bê bối tham nhũng phức tạp dính dáng tới giới tinh hoa tại Hàn Quốc.

Nam Hàn: Phiên tòa xử bà Park bắt đầu

Cựu TT Nam Hàn chính thức bị buộc tội

Cựu tổng thống Park bị bắt

Cơ quan công tố viên nay nói bà Park đã nhận những khoản chi thường xuyên từ cơ quan tình báo để sử dụng với mục đích cá nhân.

Họ cáo buộc bà đã dành khoản tiền này cho các hoạt động như chi trả cho các dịch vụ trị liệu thẩm mỹ đắt tiền và dùng một điện thoại bí mật để liên hệ với một người bạn thân trong tâm điểm của bê bối tham nhũng, bà Choi Soon Sil.

Bà Choi đã bị kết tội thay mặt bà Park nhận hối lộ nhằm đổi lấy những đặc ân chính trị.

Đệ nhất tiểu thư thành Tổng thống

Ở tuổi 22, bà Park đã bắt đầu xuất hiện cạnh cha, Tổng thống Park Chung-hee ở vị trí đệ nhất tiểu thư Nam Hàn khi thân mẫu bà bị chết hồi năm 1974 trong vụ ám sát do Bắc Hàn thực hiện, nhắm vào cha bà.

Trong vòng năm năm, bà đã đón tiếp các nguyên thủ quốc gia nước ngoài tại Dinh tổng thống Nam Hàn.

Cha bà, người lên nắm quyền trong cuộc đảo chính quân sự hồi 1961, đã lãnh đạo đất nước cho tới khi bị chính giám đốc tình báo của mình ám sát chết năm 1979.

Tổng thống Nam Hàn Park Geun-hye bị phế truất

Bà Park Geun-hye rời khỏi dinh Tổng thống

Tình báo Hàn Quốc thừa nhận thao túng bầu cử

Một số người nói sự liên hệ giữa bà với người cha, và những gì bà đã trải qua khi làm đệ nhất tiểu thư, đã giúp bà vượt qua được một số những thiên kiến trong một phần các cử tri nam.

Tuy nhiên, trong khi được ghi nhận là có công thúc đẩy nền kinh tế của Nam Hàn thì ông Park cũng đã bị cáo buộc là đã tàn nhẫn đè nát phe bất đồng chính kiến và trì hoãn phát triển dân chủ.

Trở thành ‘đệ nhất tù nhân’

Hồi tháng 5/2017, Các công tố viên Nam Hàn xin lệnh bắt cựu Tổng thống Park Geun-hye, vì vai trò của bà trong vụ bê bối tham nhũng liên quan đến bà Choi.

Trước đó, vào đầu tháng 3/2017, bà Park mất quyền miễn trừ truy tố và bị cách chức sau khi tòa án hiến pháp ủng hộ quyết định của Quốc hội luận tội bà.

Bà Park bị buộc tội về việc cho phép bạn thân Choi Soon-sil tống tiền các công ty lớn.

Ngoài ra, ở cương vị tổng thống bà còn bị cáo buộc để bà Choi có quyền tiếp cận các văn bản chính thức của chính phủ.

Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu luận tội bà Park hồi tháng 2016.

Ngày 10/3/2017, Toà án Hiến pháp ra phán quyết rằng hành động của bà Park “làm suy yếu nghiêm trọng tinh thần dân chủ và pháp quyền”.

Các thẩm phán cho biết bà đã phạm luật khi cho phép bà Choi can thiệp vào công việc chính phủ và vi phạm nguyên tắc bảo mật khi rò rỉ nhiều tài liệu.

Bà Park đã “che giấu hoàn toàn sự can thiệp của Choi và phủ nhận việc này mỗi khi có nghi ngờ và thậm chí còn chỉ trích những người nêu nghi vấn”, phán quyết của tòa cho hay.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42565373

 

Cục trưởng bắn bí thư và thị trưởng

Một vụ xả súng xảy ra vào sáng ngày 4 tháng giêng tại Trung tâm Triển Lãm thành phố Phàn Chi Hoa, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Tin từ Tân Hoa Xã nói rõ người xả súng là ông Trần Trung Thứ, Cục Trưởng Tài Nguyên- Đất Đai thành phố Phàn Chi Hoa. Ông này xông vào phòng họp bắn bí thư và thị trưởng thành phố là hai ông Trương Diệm và Lý Kiến Cần khiến cả hai bị thương.

Sau đó, ông Trần Trung Thứ được phát hiện tự tử tại tầng hai của Trung Tâm Triển Lãm thành phố Phàn Chi Hoa.

Bản tin của Tân Hoa Xã không cho biết động cơ của vụ nổ súng và tự tử như vừa nêu là gì.

Bản thân hung thủ Trần Trung Thứ, 55 tuổi, từng đảm nhiệm chức Cục Trưởng Cục Quản lý Thành phố Phàn Chi Hoa. Kể từ tháng 5 năm 2013, ông trở thành cục trưởng Cục Tài Nguyên- Đất Đai tại thành phố này.

Việc thủ đắc súng tại Trung Quốc khá khó khăn nên tình trạng bạo lực bằng súng hiếm khi xảy ra ở Hoa Lục. Trong khi đó thì nhiều vụ hung thủ sử dụng dao để gây án từng xảy ra nhiều nơi tại Trung Quốc.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/department-chief-fired-at-city-party-chief-and-chairman-01042018102837.html

 

Đài Loan yêu cầu Trung Quốc

ngưng lập đường bay mới sát đảo quốc này

Đài Loan vào ngày 4 tháng giêng yêu cầu Trung Quốc phải đóng ngay những đường bay mới sát với đảo quốc này.

Yêu cầu của Đài Bắc được đưa ra sau khi Cục Hàng Không Dân Dụng Trung Quốc công bố cho mở thêm 4 đường tuyến bay mới nhằm giảm tải không lưu tại Eo Biển Đài Loan.

Đài Bắc cho rằng việc mở đường bay mới như thế chưa hề có tham vấn với Đài Loan, bỏ qua vấn đề an toàn bay và không tôn trọng Đài Loan.

Hội Đồng Hoa Lục Sự Vụ của Đài Loan ra thông cáo nói rõ với việc cho mở đường bay mới, Trung Quốc có chủ ý sử dụng ngành hàng không dân sự để che đậy những ý đồ không đúng đắn liên quan đến vấn đề chính trị và quân sự.

Một đường bay đang gây tranh cãi giữa đôi bên qua Eo Biển Đài Loan có ký hiệu M503. Đài Bắc cho rằng đường bay này quá sát với không phận của đảo quốc. Vào năm 2015, Bắc Kinh nổ lực muốn mở đường bay này; thế nhưng bị phản đối dữ dội nên phải dịch chuyển sát vào Hoa Lục và chỉ dùng cho những chuyến bay bắc- xuống- nam mà thôi.

Cục Hàng Không Dân Dụng Trung Quốc vào ngày 4 tháng giêng thông báo nay đường bay M503 cũng có thể dùng cho các chuyến bay từ nam lên bắc Trung Quốc. Ngoài ra Bắc Kinh cho mở thêm 4 đường bay mới.

Từ tháng 5 năm ngoái sau khi tổng thống Thái Anh Văn lên nắm quyền tại Đài Loan, Trung Quốc cắt đứt mọi liên lạc chính thức với Đài Bắc vì cho rằng bà này ủng hộ quan điểm đòi độc lập của Đảng Dân Tiến.

Trong năm qua, Bắc Kinh gây áp lực bằng cách tiến hành nhiều cuộc diễn tập quân sự quanh Đài Loan.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/taiwan-demands-immediate-halt-to-new-china-routes-01042018103628.html

 

Tổng thống Trump cho rằng

hòa đàm giữa hai miền Triều Tiên là điều tốt

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào ngày 4 tháng giêng đưa ra trên Twitter ý kiến rằng vòng đàm phán cấp cao sắp đến giữa hài miền Triều Tiên là một điều tốt.

Quan điểm này khác hẳn với những phát biểu từ phía Hoa Kỳ về khả năng đối thoại giữa hai miền nam- bắc Hàn.

Mới hồi đầu tuần này, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, tỏ ra khá dè dặt đối với vấn đề đàm phán liên Triều.

Cũng trong ngày 4 tháng giêng, người đứng đầu lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc, tướng Vincent Brooks được thông tấn xã Yonhap dẫn lời là đừng quá hy vọng vào những tuyên bố mới nhất của Bắc Hàn.

Theo trích dẫn của Yonhap thì ông này cho rằng chiến lược của Bình Nhưỡng khi có những động thái trong đầu năm 2018 là chiến lược nhằm chia rẽ 5 quốc gia tham gia vòng đàm phán 6 bên về giải trừ chương trình vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn. Đó là Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, và Nga. Mục tiêu chiến lược của Bình Nhưỡng là buộc các nước phải chấp nhận Bắc Hàn là một quốc gia có khả năng nguyên tử.

Hiện Hoa Kỳ có 28500 quân tại Hàn Quốc.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/trump-calls-talks-between-north-and-south-korea-a-good-thing-01042018102041.html

 

Trung Quốc, Nam Hàn sẽ gặp để bàn vấn đề Bắc Hàn

Trung Quốc sẽ cử một đặc sứ sang thủ đô Nam Hàn để thảo luận về tình hình bán đảo Triều Tiên trước khi hai miền nam- bắc Hàn đàm phán theo như đề nghị đưa ra.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc loan tin vào ngày 4 tháng giêng nói rõ trong hai ngày 5 và 6 tháng giêng này, thứ trưởng ngoại giao Khổng Huyễn Hựu có cuộc làm việc với đặc sứ hòa đàm vấn đề Bán đảo Triều Tiên của Hàn Quốc, Lee Do-Hoon.

Cuộc gặp của hai ông Khổng Huyễn Hựu và Lee Do-Hoon diễn ra vào khi Seoul đang chuẩn bị cho vòng hội đàm cấp cao với Bắc Hàn dự kiến vào ngày 9 tháng giêng tới đây. Phía Bình Nhưỡng vừa qua đề nghị gặp gỡ với Seoul nhằm bàn thảo các vấn đề vì lợi ích chung, trong đó có việc đoàn Bắc Hàn tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang tại miền nam.

Trong những tháng cuối năm 2017, Bắc Hàn khuấy động thế giới với nhiều cuộc phóng hỏa tiễn và một vụ thử hạt nhân thứ sáu được đánh giá là mạnh nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, sang đầu năm 2018 một số động thái được cho là tích cực được thực hiện. Vào ngày 3 tháng giêng hai miền cho mở lại đường dây nóng qua biên giới, sau khi chủ tịch Kim Jong-Un đưa ra đề nghị cử một đoàn vận động viên xuống miền nam tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông vào tháng hai tới đây.

Ngay sau đó Seoul đề nghị hai miền đàm phán vào ngày 9 tháng giêng. Đây là vòng đàm phán đầu tiên giữa hai miền kể từ năm 2015.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/chinese-south-korean-envoys-to-discuss-north-in-seoul-01042018101622.html

 

Bão tuyết hoành hành miền Đông Hoa Kỳ

Bốn mươi triệu người dân sống dọc theo bờ biển phía Đông Hoa Kỳ đang chật vật xoay xở trong bão tuyết.

Từ tối ngày 3/1 đến sáng ngày 4/1, băng tuyết đầu tiên bắt đầu di chuyển qua khu vực trung Đại Tây Dương thuộc miền Đông Hoa Kỳ.

Dự kiến bão tuyết sẽ gây ảnh hưởng lớn đến vùng đông bắc Hoa Kỳ, có thể có hơn 20 cm tuyết ở thành phố Boston, bang Massachusetts, buộc các trường học phải đóng cửa vào Thứ Năm 4/1.

Ngoài ra gió mạnh gây lốc xoáy dự kiến sẽ tràn vào bờ biển bang New England và Canada. Khu vực ven biển từ bang Virginia đến bang Maine đã ra cảnh báo bão tuyết.

Các nhà khí tượng ví cơn bão tuyết này như một quả bom do áp lực không khí giảm mạnh chỉ trong vòng 24 giờ, nên tạo ra những cơn gió mạnh.

Trong khi đó, hiện tượng tuyết rơi, đóng băng đã xảy ra tại nhiều khu vực của Hoa Kỳ mà từ trước đến nay rất hiếm thấy.

Tuyết đã phủ kín mặt đất ở thành phố

, bang Florida lần đầu tiên trong gần 30 năm qua. Hiện tượng đóng băng đã làm cho các tuyến đường cao tốc ở bang Georgia và bang Carolina trơn trợt và nguy hiểm.

Ở những nơi khác, không khí lạnh dữ dội đang bao phủ phần lớn nước Mỹ từ vùng Trung Tây đến phía Đông và tận đến phía Nam.

Nhiệt độ cao ở khu vực International Falls, bang Minnesota hôm thứ Tư 4/1 là -19 độ C.

Các nhà dự báo nói rằng không khí lạnh và nguy hiểm sẽ kéo dài đến cuối tuần này ở phần lớn các vùng trên nước Mỹ, sau đó nhiệt độ sẽ tăng lên chút ít.

https://www.voatiengviet.com/a/bao-tuyet-hoanh-hanh-mien-dong-hoa-ky/4192232.html

 

Iran: Hoa Kỳ ủng hộ ‘lộ liễu’ người biểu tình

Hôm 3/1 ở Iran đã diễn các cuộc biểu tình phản đối và ủng hộ chính phủ. Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ người dân Iran, còn đại diện của Iran tại LHQ lên án Mỹ có “hành động can thiệp lộ liễu.”

Trong tuần qua, tình trạng bất nổi lên tại Iran khi người biểu tình phản đối các vấn đề kinh tế và kêu gọi cải cách chính phủ. Ít nhất 21 người đã chết và nhà chức trách đã bắt giữ hàng trăm người.

Truyền thông nhà nước Iran phát hình các cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ hôm thứ Tư, trong khi người biểu tình loan truyền các video biểu tình phản đối chính phủ ở nhiều thành phố.

Ông Mohammad Ali Jafari, Tư lệnh Vệ binh Cách mạng, thông báo trên website: “Hôm nay chúng tôi thông báo rằng cuộc nổi loạn năm 2018 đã chấm dứt, và nói thêm rằng số người biểu tình “không vượt quá 15.000 người trên toàn quốc”. Ông nói rằng lực lượng của ông đã triển khai tại các thành phố Isfahan, Larestan và Hamadan.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump viết trên Twitter bày tỏ ủng hộ những người bất mãn với chính phủ Iran.

Ông Trump viết: “Với những người dân Iran cố gắng giành lại chính phủ đã bị hủ hóa, qúy vị sẽ nhận được sự ủng hộ to lớn từ Hoa Kỳ vào thời điểm thích hợp!” Tuy nhiên, ông Trump không nói rõ những sự hỗ trợ đó là gì.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Iran, bao gồm cả lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, đổ lỗi cho các chính phủ nước ngoài đã khuấy động các cuộc biểu tình này.

Đại sứ Iran tại LHQ, ông Gholamali Khoshroo, hôm Thứ Tư đã gửi công văn lên Hội đồng Bảo an LHQ và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nói rằng trong “trong vô số những tin ngớ ngẩn đăng lên Twitter”, ông Trump và phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã “kích động người Iran tham gia vào các hành động phá hoại.”

Đại diện Hoa Kỳ tại LHQ đã yêu cầu Hội đồng Bảo an tổ chức một cuộc họp khẩn để thảo luận về các cuộc biểu tình, nhưng cho đến nay cuộc họp này vẫn chưa được dàn xếp.

Đức, cùng với Hoa Kỳ và bốn quốc gia khác tham gia thoả thuận với Iran vào năm 2015 để hạn chế chương trình hạt nhân của Iran, bày tỏ quan ngại về tình hình ở Iran, trong khi nói rằng người dân phải có cơ hội để phản đối chính phủ một cách ôn hòa .

Tại Geneva, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, Ủy viên Cao ủy Nhân quyền LHQ, nhấn mạnh quyền khiếu nại của người dân Iran và yêu cầu điều tra tất cả các trường hợp thương vong trong các cuộc biểu tình.

https://www.voatiengviet.com/a/iran-hoa-ky-ung-ho-lo-lieu-nguoi-bieu-tinh/4191886.html

 

TT Trump tái cam kết sẽ hậu thuẫn nhân dân Iran

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những cam kết mới, hứa sẽ hậu thuẫn nhân dân Iran hôm thứ Tư 3/1, bất chấp tin của truyền thông nhà nước Iran tường thuật rằng hàng chục ngàn người biểu tình ủng hộ chính phủ Iran đã mở các cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ trên khắp nước sau nhiều ngày biểu tình chống chính phủ.

Ông Trump viết trên trang Twitter cá nhân:

“Vô cùng kính trọng nhân dân Iran giữa lúc họ đang quay lưng lại với chính phủ tham nhũng của họ.”

Truyền hình Iran chiếu các đoạn video chiếu cảnh các đám đông vẫy cờ Iran và hô vang các khẩu hiệu hoan hô Lãnh tụ tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei.

Trễ hơn trong cùng ngày, các binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran nói các cuộc biểu tình chống chính phủ đã bùng phát trong mấy ngày vừa qua đã đến hồi kết thúc.

Ông Mohammad Ali Jafari, Chỉ huy trưởng Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, viết trên trang mạng của lực lượng này, nói:

“Hôm nay, chúng tôi loan báo sự chấm dứt của cuộc biểu tình phá rối năm 2018.”

Ông này nói thêm rằng con số những người tham gia biểu tình “không vượt quá 15.000 người trên toàn quốc.”

Ông còn cho biết là lực lượng vệ binh đã triển khai một con số binh sĩ có giới hạn tại Isfahan, Larestan và Hamadan.

Truyền thông nhà nước và các cơ sở truyền thông bán chính thức không tường trình về các diễn biến mới trong các cuộc biểu tình chống chế độ cầm quyền Iran, trong đó 21 người đã tử vong nội trong tuần qua.

Trong một cuộc điện đàm với Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng Thống Iran Hassan Rouhani bày tỏ hy vọng rằng các cuộc biểu tình sẽ “sớm chấm dứt trong một vài ngày tới”, một nguồn tin từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Ông Khamenei đổ lỗi cho các chính phủ nước ngoài kích động các cuộc biểu tình chống chính phủ đã bắt đầu từ hôm thứ Năm tuần trước.

Trước đó, Hoa Kỳ kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mở một phiên họp khẩn để thảo luận về các cuộc biểu tình ở Iran.

https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-tai-cam-ket-se-hau-thuan-nhan-dan-iran/4190983.html

 

Hàn Quốc: vận động cấm thịt chó

trước Thế vận hội mùa đông

Một nhóm các nhà hoạt động về quyền động vật ở Hàn Quốc đang kêu gọi chính phủ ban hành lệnh cấm bán và ăn thịt chó trước Thế vận hội mùa đông Pyeongchang khai mạc vào tháng tới.

Tờ Time cho biết Hiệp hội Bảo vệ Động vật Hàn Quốc đã đưa ra lời kêu gọi này, nói rằng du khách quốc tế có thể phẫn nộ trước thói quen ăn thịt chó của người Hàn.

Hiệp hội cho biết tại một cuộc họp báo vào ngày 3/1: “Chúng tôi muốn chấm dứt thói quen ăn thịt chó của Hàn Quốc. Chó là người bạn tốt nhất của con người và chúng ta không nên ăn chúng.”

Bà Lola Webber, quản lý chiến dịch của tổ chức cứu trợ Human Society International nói với tờ Korea Herald: “Có người cho rằng có hai loại chó khác nhau – chó nuôi làm thú cưng và chó thịt. Nhưng qua nhiều năm điều tra, chúng tôi biết rằng biện luận này chẳng qua là một sự lấp liếm.”

Trong tháng 7 vừa rồi, có 149 con chó đã được tổ chức Human Society International giải cứu trước lễ hội Bok Nal hàng năm, hội người dân ăn thịt chó theo truyền thống.

Trong khi hầu hết người Hàn Quốc không thường xuyên ăn thịt chó, nhưng thịt chó lại là món phổ biến trong các thực đơn của nhà hàng và một thành phần quan trọng trong một số công thức nấu ăn truyền thống và các ứng dụng y học, theo tổ chức Trợ giúp Quốc tế cho Động vật Hàn Quốc (IAKA).

https://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-van-dong-cam-thit-cho-truoc-the-van-hoi-mua-dong/4192258.html

 

Iran : Biểu tình đầu 2018

phơi bày ”các rạn nứt” của chế độ

Trọng Thành

Đợt biểu tình chống chính quyền bất ngờ bùng phát tại nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran tạm lắng hôm thứ Ba, 02/01/2018. Tuần hành ủng hộ chế độ diễn ra trên khắp cả nước ngày hôm sau. Sau khi giáo chủ Iran lên tiếng lần đầu tiên, giới cầm quyền đồng loạt lên án tổng thống Mỹ can thiệp. Tuy nhiên, đằng sau phản ứng có vẻ thống nhất nói trên là « các mâu thuẫn », « phân hóa » sâu sắc của chế độ Hồi Giáo Iran, lộ ra dưới ánh mặt trời, sau các biến động vừa qua.

Bài « Sự chia rẽ trong nội bộ Nhà nước Iran lộ rõ » của báo Le Monde số ra hôm nay, 04/01/2018, nhấn mạnh trước hết đến các phản ứng khác nhau từ phía chính quyền Iran về cách xử lý những người bị bắt.

« Trong khi chánh án tòa án cách mạng Teheran tuyên bố những kẻ kích động biểu tình có thể bị phạt đến án tử hình… Về phía chính phủ ôn hòa Rohani, bộ trưởng Đại Học khẳng định sẽ tiến hành các thủ tục để các sinh viên đang bị câu lưu – mà không bị các cáo buộc nghiêm trọng – được trả tự do, để họ có thể tham dự các kỳ thi cuối năm, sắp diễn ra trong vài ngày tới ».

Trên thực tế, hai phe « cải cách » và « bảo thủ » đối đầu ngày càng quyết liệt hơn từ nhiều tháng nay. Ít ngày trước biểu tình đầu tiên tại thành phố miền đông Machhad, trong phát biểu về ngân sách cho năm mới 2018, trước Quốc Hội Iran, tổng thống Rohani đã « khẩn thiết » yêu cầu các nghị sĩ giúp ông « làm minh bạch » và « cắt giảm » chi tiêu của nhiều định chế Nhà nước, tôn giáo. Phe « bảo thủ » và một bộ phận giới giáo sĩ không chấp nhận được việc tổng thống Iran « trực tiếp cáo buộc họ ăn cướp tiền công quỹ ».

Biểu tình bùng lên từ căn cứ địa của phe « bảo thủ »

Cuộc biểu tình « chống chính phủ » đầu tiên ngày 28/12/2017 bùng lên chính tại Machhad, thành phố được coi là một căn cứ địa của phe bảo thủ.

Một lãnh đạo tôn giáo của thành phố – người thân của cựu ứng cử viên tổng thống Ebrahim Raisi, đối thủ của tổng thống cải cách Rohani trong cuộc bầu cử tháng 5/2017 – bị Hội Đồng An Ninh Quốc Gia triệu tập để giải trình về vai trò của mình trong các cuộc xuống đường. Nhân vật này đã công khai cổ vũ biểu tình, thông qua các phương tiện truyền thông siêu bảo thủ, trước khi phong trào lan ra khắp cả nước, vượt khỏi tầm kiểm soát của một phe phái (1).

Vai trò của một lãnh đạo bảo thủ quan trọng khác trong cuộc đối đầu hiện nay cũng Le Monde nhắc đến, cho dù nhân vật này không trực tiếp lên tiếng kể từ khi bùng phát biểu tình. Đó là cựu tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, từng nắm quyền trong 9 năm (2005-2013).

Bị các đồng minh cũ thuộc thành phần « siêu bảo thủ » bỏ rơi, bị nằm trong tầm ngắm của tư pháp, trong những tháng gần đây cựu tổng thống Ahmadinejad liên tục tấn công vào « giới tinh hoa », trước hết là gia tộc Larijani, một trong các gia tộc hùng mạnh nhất Iran, mà một thành viên của gia tộc này – đồng minh của tổng thống Rohani – là chủ tịch Quốc Hội, một người khác được giáo chủ Iran bổ nhiệm đứng đầu cơ quan tư pháp.

« Giải pháp Rohani » bất thành

Cũng Le Monde hôm nay giới thiệu phân tích của chuyên gia về Trung Đông Clément Therme, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc Tế (IISS). Bài « Chế độ Iran đối diện với các mâu thuẫn của chính mình » trước hết chỉ ra « các nguyên do trực tiếp » dẫn đến biểu tình, như giá cả tăng vọt, chế độ trợ giá hàng tháng cho người nghèo sẽ chấm dứt.

Về lý do trực tiếp thúc đẩy hàng nghìn người dân nghèo và một bộ phận giới trung lưu Iran xuống đường trong những ngày qua, nhà nghiên cứu IISS lưu ý : Người dân không còn tin tưởng là đời sống sẽ được cải thiện, một viễn cảnh từng mở ra sau khi Teheran đạt được thỏa thuận hạt nhân với phương Tây năm 2015. Những người biểu tình lên án việc chính quyền Iran đã chi rất nhiều tiền cho các đồng minh khu vực tại Irak và đặc biệt là ở Syria, để duy trì ảnh hưởng, thay vì đầu tư trong nước, để cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, bài phân tích còn đi xa hơn khi chỉ ra các nguyên nhân sâu xa của các cuộc phản kháng, mà ông gọi là « các nguyên do mang tính cấu trúc ». Chuyên gia IISS nhận xét : có một sự phẫn nộ trước « thực trạng bất công vô cùng lớn » tại Iran.

Chính quyền mang danh là « cách mạng » nhưng trên thực tế chỉ là một « tầng lớp đặc quyền, đặc lợi » (khodi), sống dựa vào các nguồn dầu mỏ, và không làm gì để phân phối lại một phần nguồn lợi này cho những người nghèo khó, sống bên lề xã hội (gheyr-e-khodi).

Giải pháp một chính phủ được gọi là « cải cách » cho Iran hiện nay – mà tác giả gọi là « giải pháp Rohani » – đã không vận hành. Bằng chứng rõ ràng là sự đối đầu giữa các phe phái, với các cuộc tuần hành phản đối chính phủ, và các cuộc phản biểu tình để ủng hộ chế độ sau đó.

Mâu thuẫn sâu xa của chế độ

Theo nhà nghiên cứu Clément Therme, mâu thuẫn bắt rễ sâu xa trong phương thức vận hành của chế độ Hồi Giáo Iran. Các nhà sáng lập chế độ này đã xây dựng nên cả một hệ thống chính trị, được đánh là « rất tinh vi », có thể gọi tên là « chế độ độc tài dựa trên bầu cử » (régime autoritaire électif).

Cụ thể là chế độ Hồi Giáo Iran chủ trương chấp nhận một nguyên tắc đa nguyên có giới hạn, trong nội bộ (gọi là nezâm), thông qua các cuộc bầu cử nằm trong vòng kiểm soát, nơi các ứng cử viên « cải cách » hay « ôn hòa » có thể tranh cử, hứa hẹn cải thiện các quyền dân sự. Tuy nhiên, để mô hình này vận hành, Iran phải có được một tỉ lệ tăng trưởng cao, để đời sống tầng lớp trung lưu được cải thiện, bên cạnh đó, tầng lớp dân nghèo, và xã hội dân sự Iran nói chung phải chấp nhận « tính chất độc đoán của hệ thống chính trị hiện hành ».

Trên thực tế dự án này đã không thể thành công, bởi Iran từng có một truyền thống « tự do » (libéralisme) lâu đời, bắt nguồn từ cuộc cánh mạng Hiến pháp 1906.

Bên cạnh đó, « chính sách kinh tế khắc khổ tân tự do », mà chính quyền Iran thực thi, theo khuyến cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế lại mâu thuẫn hoàn toàn với các hứa hẹn của cách mạng, vốn đặt lợi ích của tầng lớp dân chúng nghèo khó lên hàng đầu. « Các cải cách cấu trúc » đối với nền kinh tế Iran chỉ thực hiện được, khi các lý tưởng cách mạng theo quan điểm công lý Hồi Giáo bị hy sinh.

Theo chuyên gia IISS, chế độ Iran hiện tại đang bị giằng xé giữa hai thế lực, một bên muốn cải cách theo hướng hiện đại hóa (với những mâu thuẫn như nói ở trên) với bên kia chủ trương phân phối các nguồn lợi dầu mỏ, theo chủ trương cách mạng trước đây. Nếu thế lực này thắng thế, cái giá phải trả cũng sẽ rất lớn, « các nền tảng vĩ mô » của kinh tế Iran chắc chắn sẽ lâm nguy, đồng thời với nạn lạm phát phi mã.

Tổng thống « cải cách » Rohani liệu có thể làm gì trước tình thế bế tắc hiện nay ? Nhà nghiên cứu ghi nhận, trong bối cảnh phân cực xã hội gia tăng, để xoa dịu tình hình chỉ còn cách đưa Hoa Kỳ làm « vật tế thần » để bào chữa cho « sự phá sản các chính sách kinh tế » của một chế độ, vốn luôn tỏ ra khinh miệt các vấn đề kinh tế. Giáo chủ Iran Khomeyni trước đây chẳng từng nói : « kinh tế chỉ là chuyện của những con lừa ».

(1) Trong các cuộc biểu tình tiếp theo, người tuần hành không những lên án chính phủ, mà còn đả đảo cả chế độ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180104-iran-bieu-tinh-dau-2018-phoi-bay-cac-ran-nut-cua-che-do

 

Matxcơva bác bỏ tin máy bay Nga bị phá hủy ở Syria

Trọng Nghĩa

Không đầy 24 tiếng đồng hồ sau khi sau khi một tờ báo Nga tiết lộ thông tin về vụ 7 chiếc máy bay chiến đấu của Nga bị phiến quân chống chính quyền Damas tại Syria phá hủy ngày 31/12/2017 vừa qua, bộ Quốc Phòng Nga vào hôm nay, 04/01/2018 đã lên tiếng bác bỏ thông tin này.

Theo hãng thông tấn Nga TASS, được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, chính bộ Quốc Phòng Nga đã lên tiếng phủ nhận thông tin được nhật báo Nga Kommersant đưa ra hôm qua, theo đó, đã có bảy máy bay của Nga bị phá hủy trong một vụ pháo kích của phiến quân Syria nhắm vào căn cứ không quân Hmeymim tại Syria vào ngày 31 tháng 12 vừa qua.

Đối với bộ Quốc Phòng Nga, « thông tin của báo Kommersant về cái gọi là « sự phá hủy » của bảy chiếc máy bay chiến đấu của Nga tại căn cứ không quân Hmeymim là sai lạc ». Theo bộ Quốc Phòng Nga, đơn vị Không Quân Nga tại Syria vẫn « sẵn sàng chiến đấu ».

Trên trang web của mình, tờ báo Nga Kommersant đã trích dẫn hai nguồn tin « ngoại giao – quân sự » cho biết là trong một vụ pháo kích vào sân bay Hmeymim hôm 31/12 vừa qua, đã có ít nhất bốn máy bay ném bom Su-24, hai chiến đấu cơ đa năng Su-35S, và một phi cơ vận tải An-72, bị phá hủy cùng với kho đạn dược.

Theo tờ Kommersant, đây là một tổn thất chưa từng thấy về thiết bị của Không Quân Nga ở Syria, kể từ khi Mátxcơva khởi động chiến dịch không kích ở Syria vào mùa thu năm 2015.

Bên cạnh đó, bản tin của tờ báo Nga còn cho biết thêm là đã có 10 người Nga bị thương trong cuộc tấn công nói trên của các phần tử « Hồi Giáo cực đoan ».

Bộ Quốc Phòng Nga vào hôm nay chỉ xác nhận rằng đã có hai người Nga bị thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng súng cối của một « nhóm phá hoại di động ».

Theo Reuters, Nga đã bắt đầu hiện diện thường trực tại căn cứ Không Quân Hmeymim và căn cứ Hải Quân Tartous ở Syria kể từ tháng 12 vừa qua, cho dù tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh rút « đáng kể » lực lượng Nga ra khỏi Syria, tuyên bố rằng phần lớn nhiệm vụ đã được hoàn thành.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180104-bo-quoc-phong-nga-bac-bo-tin-may-bay-nga-bi-pha-huy-o-syria

 

Mỹ : Cựu giám đốc tranh cử của TT Trump

kiện thẩm phán Mueller

Thùy Dương

Ông Paul Manafort, cựu giám đốc ban vận động tranh cử của ông Donald Trump, người bị tố cáo dính dáng tới nghi án Nga can thiệp vào chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ 2016, mới đây đã kiện thẩm phán đặc biệt phụ trách điều tra vụ việc – ông Robert Mueller – ra trước tư pháp. Theo Paul Manafort, thẩm phán đặc biệt Robert Mueller « đã đi quá xa ».

Ông Paul Manafort hiện đang bị ban điều tra nhắm tới với 12 cáo buộc, trong đó có âm mưu chống lại nước Mỹ, rửa tiền và khai sai sự thật. Cho rằng các cáo buộc trên là quá đáng, cựu giám đốc ban vận động tranh cử của ông Donald Trump đã quyết định kiện chưởng lý Robert Mueller.

Theo thông tín viên RFI Anne Corpet từ Washington, ông Paul Manaford cho rằng khi điều tra về mối liên hệ của ông với nhóm nổi dậy thân Nga ở Ukraina, thẩm phán Robert Mueller đã vượt quá « đặc quyền ».

Trong đơn kiện dài 18 trang, cựu giám đốc ban vận động tranh cử của ông Donald Trump viết : « Các hành động của bộ Tư Pháp và chưởng lý Robert Mueller không khách quan và trái pháp luật, đi quá xa khuôn khổ ban đầu của cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào kỳ bầu cử tổng thống ». Paul Manafort cho rằng cuộc điều tra đã làm tổn hại danh tiếng, đời tư của ông và khiến ông phải chi rất nhiều tiền để tự bảo vệ mình.

Văn phòng chưởng lý Robert Mueller chưa có phản ứng, nhưng một phát ngôn viên của bộ Tư Pháp bình luận ngắn gọn : «Đó là một hành động khiếu kiện ngông cuồng, nhưng ông ấy có quyền đệ đơn».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180104-my-cuu-giam-doc-van-dong-tranh-cu-cua-donald-trump-kien-tham-phan-dac-biet-robert-m

 

Teheran gửi thư lên Liên Hiệp Quốc

phản đối Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ Iran

Duy Anh

Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc, ông Gholamali Khoshroo, hôm qua 03/01/2017, đã cáo buộc Hoa Kỳ can dự vào công việc nội bộ của Iran, sau khi tổng thống Donald Trump tuyên bố ủng hộ phe đối lập chống chính phủ.

Trong bức thư gửi tới Hội Đồng Bảo An và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, đại diện của chính quyền Teheran cho rằng, Washington đã «gia tăng can thiệp một cách vô lý vào công việc nội bộ của Iran ». Theo ông, các tuyên bố của tổng thống Donald Trump và phó tổng thống Mike Pence trên mạng xã hội Twitter đã kích động người dân Iran tham gia vào các vụ gây rối. Ông nhấn mạnh, Mỹ « đã đi quá xa » khi lên tiếng thừa nhận việc ủng hộ những người chống đối chính quyền ở Iran. Đại sứ Iran cáo buộc Hoa Kỳ vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế cùng lên án hành động này của Washington.

Phản ứng mạnh mẽ này là đòn đáp trả tức thì của Teheran, sau khi tổng thống Donald Trump, cũng trong ngày hôm qua, đã bày tỏ trên mạng xã hội Twitter, « sự tôn trọng » đối với việc người dân Iran chống lại « chính phủ suy đồi của họ ». Đồng thời, chủ nhân Nhà Trắng khẳng định, người dân Iran « sẽ thấy sự hỗ trợ to lớn từ phía Hoa Kỳ trong thời gian thích hợp ».

Trước những khó khăn về kinh tế, giá lương thực tăng cao, và những bất mãn âm ỉ đối với chính quyền, hôm 28/12/2017, một cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra tại thành phố Mashhad, thành phố lớn thứ hai của Iran. Trong những ngày tiếp theo, các cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều thành phố khác. Có ít nhất đã có 21 người chết trong các vụ bạo động. Đây là làn sóng biểu tình lớn nhất tại Iran kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2009.

Nhà Trắng sau đó đã gia tăng lệnh trừng phạt lên những người có liên quan đến việc đàn áp người biểu tình. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, hôm 02/01/2018, cho biết Washington muốn tổ chức một cuộc họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để thảo luận về vấn đề bạo lực tại Iran. Tuy nhiên, hôm qua, các nhà ngoại giao tuyên bố, tại thời điểm hiện tại không có cuộc họp nào về vấn đề này nằm trong kế hoạch. Họ cho rằng, Nga và Trung Quốc sẽ là những quốc gia phản đối hành động can thiệp của Liên Hiệp Quốc tại Iran.

Trái ngược với những khẳng định của Hoa Kỳ, các nước châu Âu phản ứng một cách thận trọng. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu, bà Federica Mogherini, hôm 02/01/2018, đã lấy làm tiếc trước những « mất mát về nhân mạng không thể chấp nhận được », đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế.

Cùng ngày, tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự quan ngại trước số nạn nhân thương vong, và kêu gọi « kiềm chế và làm lắng dịu » tình hình. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết, Luân Đôn theo dõi sát tình hình tại Iran, trong khi Berlin kêu gọi Téhéran « tôn trọng quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp » và giải quyết mâu thuẫn « bằng đối thoại ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180104-thai-do-trai-nguoc-giua-my-va-chau-au-ve-van-de-bao-luc-tai-iran

 

Syria : Tăng viện quân sự tại Ghouta

Duy Anh

Những cuộc giao tranh quyết liệt diễn ra tại khu Ghouta phía đông Damas đã khiến hàng chục người thiệt mạng. Lực lượng nổi loạn đã chiếm đóng một phần căn cứ quân sự Harasta của chính phủ Syria. Với sự hậu thuẫn của không quân Nga, quân đội Syria đang cố gắng giành lại quyền kiểm soát căn cứ quân sự này. Hôm nay 04/01/2017, không quân Nga bị tình nghi đã ném bom vào hai tòa chung cư phía đông thủ đô Damas, làm ít nhất 20 dân thường thiệt mạng và khoảng 12 người khác bị thương.

Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh cho biết chi tiết :

Quân nổi dậy đã chiếm được một phần căn cứ Harasta, phía bắc thủ đô Damas, nơi có khoảng 200 binh sĩ bị bao vây từ 3 tháng qua. Cuộc tiến quân này cho phép các nhóm nổi dậy vũ trang tiến thêm vào trung tâm thủ đô Syria, vì thế, chính phủ phải gửi thêm lực lượng tăng viện, trong số đó có các đơn vị thuộc lực lượng Vệ binh cộng hòa.

Quân đội chính phủ, hôm thứ Tư 03/01/2017, đã phát động một cuộc phản công nhằm nỗ lực phá thế cô lập của căn cứ, nơi có các tổ hợp pháo. Những kẻ nổi dậy đã đáp trả bằng những cuộc phản công nhằm hướng trụ sở của chính quyền thành phố. Các trận chiến diễn ra từ nhà này sang nhà khác, trong khi không quân Nga và Syria tăng cường không kích, nỗ lực đẩy lui những quân nổi dậy và cắt đường viện trợ.

Harasta là một cứ điểm quan trọng vì nó nằm trên đường cao tốc Damas-Homs. Theo thỏa thuận Astana, được Nga đứng ra dàn xếp và được Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cam kết thực hiện, khu vực này nằm trong vùng giảm leo thang được thiết lập trong vùng Ghouta phía đông Damas. Nhưng những cuộc giao tranh vẫn chưa thực sự ngưng trong khu vực rộng lớn này, trải dài từ phía bắc đến phía đông thủ đô của Syria. Quân nổi dậy chiếm giữ Harasta chủ yếu thuộc nhóm Hồi Giáo cực đoan Ahrar al-Cham.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180104-tang-vien-quan-su-tai-ghouta-syria

 

Thế giới 2018 : Bắc Triều Tiên, điểm nóng số một

Tú Anh

Với Donald Trump tâm cơ khó lường, với Vladimir Putin tiếp tục khẳng định uy thế trên bàn cờ quốc tế, và ở châu Á, một cách tự tin, Trung Quốc của Tập Cận Bình vươn mình muốn chia đôi thiên hạ, đủ làm cho tình hình thế giới 2018 đáng lo ngại. Chưa hết, tại Trung Đông, thời hậu Daech không đồng nghĩa với hoà bình, tương lai Syria vẫn mù mịt, Iran rơi vào khủng hoảng. Trong khi đó ở châu Á, Kim Jong Un, cho dù mới độ 30 tuổi, chứng tỏ là một tay « xì phé » chuyên nghiệp, trong canh bạc hạt nhân sống còn với Donald Trump, đưa nhân loại đến gần bờ vực thẳm.

Tạp chí Tiêu Điểm mở đầu năm 2018 xin tập trung vào « cuộc đọ sức pha lẫn đấu trí » giữa Kim và Trump. Liệu có một giải pháp khả thi để giúp lý trí chiến thắng ?

Hơn nửa thế kỷ sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1960, cuộc chạy đua vũ trang lần này giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên làm dấy lên mối lo ngại thế giới trong năm 2018 đang tiến dần đến bờ vực thẳm. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân rất lớn nếu một bên hoặc cả hai bên tính toán sai lầm. Nhà phân tích Dominic Ziegler của The Economist nhắc lại : từ Donald Trump cho đến hàng loạt chuyên gia đã từng cho rằng lãnh đạo Bắc Triều Tiên chỉ « thấu cáy », chứ Bình Nhưỡng không có khả năng chế tạo tên lửa liên lục địa. Thực tế là mọi người đã đánh giá thấp Kim Jong Un.

Bắc Triều Tiên muốn chứng tỏ khả năng chế tạo được tên lửa liên lục địa. Bằng chứng của Bình Nhưỡng là hồi cuối tháng 11/2017, phóng một tên lửa đạn đạo ra một địa điểm nào đó trong Thái Bình Dương bao la, nhưng tầm bay có thể đánh tới Los Angeles và San Francisco. Kim Jong Un cũng khoe khoang là đã làm được bom hạt nhân và thu nhỏ thành đầu đạn tên lửa. Nhưng để lời tuyên bố tự xưng là « cường quốc hạt nhân » đáng tin là có thật, lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ phải cho nổ một quả bom trên không Thái Bình Dương. Hành động này, nếu xẩy ra trong năm nay, sẽ là cuộc khiêu khích cuối cùng và cũng là khởi điểm của một canh bạc bịp hay nói một cách nghiêm túc hơn, một cuộc đấu trí căng thẳng và đầy bất trắc : Hoa Kỳ không thể giả vờ tin vào hiệu năng của biện pháp cấm vận và áp lực ngoại giao để buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí. Những hành động thăm dò, đánh nhử để « đọc » là bài úp của đối phương sẽ đưa thế giới tiến gần hơn một cuộc chiến tranh nguyên tử cho dù ngoài mặt, tổng thống Donald Trump vẫn xem Kim Jong Un là một đứa trẻ quen thói được nuông chiều.

Cách nay 60 năm, thế giới cũng đã một lần chạm bờ vực thẳm chiến tranh hạt nhân, cũng trong hoàn cảnh tương tự.

Công luận muốn tin cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên năm 2018 chỉ là một kịch bản mới của vụ khủng hoảng Cuba (đã từng đưa nhân loại vào một cuộc chiến diệt vong). Tuy nhiên, khác với thời kỳ 1962, tình thế hiện nay nguy hiểm hơn nhiều. Bởi vì trong cuộc khủng hoảng Cuba, « nút bấm » phóng tên lửa không phải nằm trong tay chủ tịch Cuba Fidel Castro mà là của Nikita Khroutchev, lãnh đạo Liên Bang Xô Viết.

Vào lúc tình hình căng đến cao độ, thái độ quyết liệt của tổng thống Kennedy làm lãnh đạo Liên Xô Khroutchev phải tìm cách xuống thang. Chủ nhân điện Kremlin kinh hoàng trước trách nhiệm đưa Liên Bang Sô Viết vào cuộc chiến diệt vong để bảo vệ …. Cuba chống Mỹ.

Trái lại, năm 2018 này, lãnh đạo ngạo mạn Kim Jong Un là kẻ cầm bài trong tay. Nga và Trung Quốc, được xem là « bạn » không có ảnh hưởng gì nhiều đối với Bình Nhưỡng. Đã vậy, Donald Trump, « đối thủ đồng nhiệm » của họ Kim cũng nóng nảy, bốc đồng như ông ta. Do đó, thế trận hiện nay rất nguy hiểm. Chỉ cần một trong hai nhà lãnh đạo này, trong khi diệu võ dương oai, suy đoán lầm, rơi vào chiếc bẫy của chính mình… ra tay bấm nút trước.

Hơn thế nữa, trong bối cảnh khủng hoảng cực độ, một quyết định hay một hành động quân sự chỉ có tính phòng thủ cũng có thể bị đối phương hiểu lầm là dấu hiệu tấn công. Chưa hết, hàng loạt « tweet » của tổng thống Doanld Trump chọc tức « thằng bé tên lửa » có thể đổ dầu vào lửa. Từ sau vụ thử tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên hồi tháng 11, ngay những tướng lãnh Mỹ có chủ trương chừng mực nhất, cũng đã nói đến biện pháp đánh phủ đầu các cơ sở quân sự của Bắc Triều Tiên.

Vậy phải làm cách nào để tránh một cuộc chiến tranh hạt nhân ? Theo Dominic Ziegler, có hai cách : một là các cố vấn của tổng thống Mỹ phải thuyết phục Donald Trump là giải pháp « tấn công chính xác » là chuyện bất khả.

Oanh kích « giải phẫu » rất khó thực hiện vì các cơ sở quân sự, tên lửa, hạt nhân của Bắc Triều Tiên đều nằm sâu trong hang núi, trong lòng đất. Bản thân Kim Jong Un cũng ẩn náu ở những nơi bí mật làm cho kế hoạch « triệt hạ đầu não », nếu có, cũng không có cơ may thành công. Xung đột sẽ kéo dài và Bắc Triều Tiên có thời giờ phản công bằng vũ khí qui ước, vũ khí hóa học, vi trùng vào thủ đô Hàn Quốc, chỉ cách giới tuyến có 60 cây số. Chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên sẽ gây thiệt hại nhân mạng khủng khiếp cho thường dân địa phương mà còn tác động đến động lực kinh tế thế giới. Do vậy, Hoa Kỳ cần phải thận trọng.

« Kho vũ khí hạt nhân nguy hiểm khi được giấu kín »

Thứ hai là tổng thống Trump phải đặt mình vào chỗ của Kim Jong Un, phải đọc được tư tưởng của Kim, tâm thế tuy cuồng tín, nhưng không « điên ».

Cho dù lãnh đạo đời thứ ba của triều đại họ Kim phô trương như một anh hùng, một tinh tú giáng trần, sẵn sàng hy sinh « vì chủ nghĩa và dân tộc » nhưng trên thực tế Kim Jong Un không chế tạo bom nguyên tử để tự sát.

Kim Jong Un đã thấy số phận hai nhà độc tài Trung Đông là Saddam Hussein của Irak và đại tá Kadhafi của Libya đã kết liễu như thế nào, cho dù đã bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Sự kiện Donald Trump xé hiệp định hạt nhân mà người tiền nhiệm ký với Iran càng làm cho Kim bất an.

Nhưng Kim Jong Un cũng biết lựa chọn nào, không dùng vũ khí hạt nhân hay sử dụng hạt nhân, đều không tránh được đại họa chế độ độc tài bị diệt vong.

Nhà độc tài trẻ tuổi này tuy là kẻ nguy hiểm nhưng không điên. Kim Jong Un biết rõ là « vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên chỉ có sức răn đe nếu được giấu kín trong các hầm bí mật và kiên cố ».

Vấn đề then chốt là phải dùng đối sách nào với Kim Jong Un. Cuba của Fidel Castro trước đây có đàn anh Matxcơva, cho phép Kennedy dùng đối sách gây sức ép với Khroutchev. Còn với Bắc Triều Tiên ? Đánh là hạ sách, đàm phán cũng không xong. Phải làm sao ?

Theo nhà phân tích Anh Dominic Ziegler, giải pháp hay nhất vẫn là chiến thuật cổ điển nhưng thực hiện linh động. Thay vì đe dọa quân sự, Washington nên tiến hành chính sách đê điều bao vây đã gặt hái thành công trong thời chiến tranh lạnh : tăng cường hệ thống lá chắn chống tên lửa đạn đạo, ngăn cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và xây dựng một hệ thống trừng phạt khắt khe những nước vi phạm.

Một khi Bắc Triều Tiên, và Mỹ thấy rõ là nếu vi phạm luật chơi sẽ bị khinh bỉ thì lúc đó lý trí sẽ thắng và tự động hai bên sẽ thiết lập bang giao hoặc mở kênh liên lạc trực tiếp như « đường điện thoại nóng ».

Hoa Kỳ có thể kiên nhẫn ngồi chờ kết quả : chế độ Bình Nhưỡng sẽ sụp đổ. Liên Xô chịu còn không nổi thì Bắc Triều Tiên cầm cự đến bao giờ ?

Nhưng tình hình hiện nay quá nguy hiểm và do vậy cần phải có những sáng kiến táo bạo. Chẳng hạn như tính đến một giải pháp ngoại giao bốn bên : Mỹ, Trung, Hàn và Bắc Triều Tiên để bán đảo Triều Tiên không rơi vào chiến tranh. Thỏa ước bảo đảm an toàn cho chế độ Bình Nhưỡng, đổi lại hai miền nam bắc phải chính thức hóa hiệp định đình chiến 1953 thành hiệp ước hoà bình. Seoul sẽ giúp Bình Nhưỡng chấn hưng kinh tế, cải thiện đời sống, theo hy vọng của tuần báo The Economist.

Câu hỏi đặt ra là liệu Donald Trump có dùng 3 hay 7 năm để « đặt mình » vào vị trí của Kim Jong Un ? Cần phải đặt thêm một câu hỏi thứ hai là khi nào lãnh đạo Bắc Triều Tiên biết nhìn thấy và tôn trọng khát vọng của người dân miền bắc, ước mơ có cuộc sống tự do và trù phú của miền nam, như thân phụ của ông là Kim Jong Il, lúc tiếp tổng thống Kim Dae Jung, năm 2000, gián tiếp nhìn nhận ?

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180104-the-gioi-2018-bac-trieu-tien-diem-nong-so-mot

 

Bắt được nữ chiến binh Daech người Pháp “quan trọng”

Trọng Thành

Emilie König, 33 tuổi, bị lực lượng Kurdistan bắt giữ tại Syria, theo mẹ của đương sự, theo nhật báo Pháp Ouest-France hôm qua, 02/01/2018. Đây là nữ chiến binh Daech bị an ninh Pháp truy lùng gắt gao nhất.

Nữ chiến binh Daech nói trên được coi là một trong những nhân vật quan trọng của Daech trong lĩnh vực tuyên truyền, tuyển mộ tân binh cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo qua các mạng xã hội. Năm 2014, Liên Hiệp Quốc từng xếp nhân vật này vào danh sách đen những phần tử Daech nguy hiểm nhất.

Emilie Konig đến với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo năm 2010, thông qua người chồng đầu tiên, vào thời điểm đương sự nghiện ma túy. Kể từ năm 2012, nhân vật này bắt đầu tuyển quân cho Daech.

Cuối năm 2012, bỏ lại hai con nhỏ ở Pháp, người phụ nữ trẻ đã tới thành phố Aleppo, với mục tiêu chiến đấu trong hàng ngũ Daech. Tuy nhiên, hoạt động chủ yếu của Emilie Konig vẫn là tuyển mộ tân binh. Tổng cộng khoảng 200 người Pháp đã nghe theo tiếng gọi của Emilie Konig. Nhân vật này cũng kêu gọi tấn công chống lại các cơ sở của Pháp và vợ con binh sĩ Pháp triển khai tại Mali.

Trong một bài trả lời phỏng vấn báo Ouest-France, mẹ của Emilie Konig cho biết đã viết thư cho ngoại trưởng Pháp để đề nghị vận động cho con mình và ba người cháu – ra đời tại Syria – được « hồi hương ». Bà cho biết con gái mình tỏ ra hối hận và xin được về Pháp, để chuộc tội.

Một người phát ngôn của đảng cánh hữu Pháp Những Người Cộng Hòa phản đối đề nghị cho đương sự hồi hương, và yêu cầu xử Emilie König ngay tại Syria. Vấn đề nữ chiến binh Daech cùng con cái bị giam giữ tại Irak hoặc Syria là chuyện gai góc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hứa hẹn sẽ xem xét « từng trường hợp một ».

http://vi.rfi.fr/phap/20180103-nu-chien-binh-daech-goc-phap-%C2%AB-co-co-%C2%BB-bi-bat