Tin Việt Nam – 02/01/2017
Singapore xác nhận đã bắt ông Anh Vũ
Giới chức Singapore lần đầu tiên xác nhận với BBC Tiếng Việt họ đã ‘bắt giữ’ ông Phan Văn Anh Vũ vì ‘vi phạm Luật Di trú’.
Trong thư hồi âm tối ngày 2/1 giờ Singapore, Cục Di trú Singapore (ICA) chính thức nói với BBC rằng ông Anh Vũ “bị bắt ngày 28/12/2017 vì có vi phạm theo Luật Di trú”.
Trong khi đó, đang có câu hỏi về sức nặng của yêu cầu dẫn độ ông Anh Vũ về Việt Nam dựa trên tội danh “lộ bí mật” mà Việt Nam không nói là bí mật gì.
Luật sư của Anh Vũ nói gì?
Trao đổi với BBC qua email ngày 2/1, luật sư Remy Choo xác nhận thông tin ông Phan Văn Anh Vũ đã đăng ký tỵ nạn tại Đức.
Luật sư người Singapore khẳng định ông Vũ “nhôm” xin ‘tỵ nạn chính trị.’
Ông cũng xác nhận thông tin các luật sư tại Đức của ông Anh Vũ đã nộp đơn cho Đại sứ quán Đức tại Singapore yêu cầu xét đơn xin tỵ nạn của ông Anh Vũ.
Phan Văn Anh Vũ ‘xin đi châu Âu tỵ nạn’
Truyền thông nói gì vụ Phan Văn Anh Vũ?
Trịnh Xuân Thanh trốn bằng cách nào?
Trịnh Xuân Thanh được ‘cơ cấu làm thứ trưởng’
Ông Remy Choo nói nhóm luật sư tại Singapore chưa được gặp gỡ hay nói chuyện với thân chủ của mình.
Ông Choo cho biết ông đã đệ đơn lên tòa án nước này ngày 2/1 đề nghị ông Anh Vũ được nói chuyện với nhóm luật sư đại diện.
“Hôm nay, tôi đã thay mặt ông Anh Vũ đệ đơn lên tòa án đề nghị cho ông Vũ được phép nói chuyện với luật sự đại diện do gia đình yêu cầu, bao gồm cá nhân tôi. Tôi hi vọng sẽ có buổi điều trần của tòa án vào sáng sớm mai [ngày 3/1], ” luật sư Remy Choo nói.
Luật sư Remy Choo cho hay trong nhóm luật sư đại diện cho ông Anh Vũ tại Singapore còn có luật sư Foo Chow Ming.
Ông Remy Choo không cung cấp thông tin về gia đình ông Anh Vũ.
Trong sáng cùng ngày, BBC liên lạc với Đại sứ quán Đức tại Hà Nội để xác nhận thông tin xin tỵ nạn của ông Anh Vũ, nhưng đại diện báo chí của cơ quan này cho biết Đại sứ quán từ chối trả lời.
Trong khi đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore nói với BBC qua điện thoại ngày 2/1 rằng họ không hay tin gì về vụ việc ông Anh Vũ bị bắt giữ và tạm giam tại nước này.
‘Cửa rộng hay hẹp tùy quan hệ’
Trả lời BBC từ Hà Nội hôm 2/1/2018, Luật sư Nguyễn Hà Luân, Trưởng văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long, nói:
“Tôi không biết thực tế là có truy nã quốc tế đối với ông Phan Văn Anh Vũ hay không.”
“Tôi chưa nắm bắt được thông tin này.”
“Hơn nữa thông tin đó không được công khai, trong lúc tôi cũng không được tiếp cận hồ sơ nên cũng khó đưa ra bình luận.”
“Tuy nhiên theo như tôi biết đã có lệnh truy nã ông Anh Vũ tại Việt Nam của cơ quan tố tụng.”
“Tôi biết đã có một vài trường hợp dẫn độ quan chức bỏ trốn ra nước ngoài nhưng tin về các vụ này không được công khai, đầy đủ.”
Đề cập về tội danh “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước” mà ông Anh Vũ đang bị cáo buộc, luật sư Hà Luân nói:
“Ở Việt Nam, có nhiều trường hợp khi bắt đầu khởi tố thì tội danh này nhưng trong quá trình điều tra thì có thể bổ sung hoặc thay đổi tội danh.”
Luật sư bên Đức của ông Anh Vũ có thể làm đơn kiến nghị để ông được hưởng qui chế nhân đạo với lý do ông ta có khả năng bị tử hình ở Việt Nam, hoặc chính quyền Đức muốn ông Anh Vũ là người cung cấp thông tin cho ĐứcMột nhà báo ở Berlin
“Còn tại sao ông Anh Vũ được biết đến là doanh nhân mà có “tài liệu mật” để làm lộ thì tôi không thể biết được.”
“Khó có thể đánh giá cánh cửa dành cho quan chức Việt Nam đào thoát là hẹp hay rộng, vì nó tùy thuộc cánh cửa đó nằm ở vị trí nào.”
“Ví như tôi mà muốn đào thoát thì cánh cửa sẽ rất hẹp.”
Khả năng dẫn độ có cao?
Cùng ngày 2/01/2018, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với BBC từ TP. Hồ Chí Minh:
“Dẫn độ tội phạm được đặt trên nền tảng các quốc gia tôn trọng chủ quyền của nhau. Do đó, cơ sở để dẫn độ tội phạm là điều ước quốc tế (song phương hoặc đa phương) hoặc dựa vào nguyên tắc có đi có lại giữa các quốc gia với nhau và pháp luật quốc gia nơi tội phạm cư trú.”
“Thường khi tham gia các điều ước quốc tế, các quốc gia đều thừa nhận nếu có sự khác biệt giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia thì sẽ ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế.”
“Do đó, đối với quốc gia có ký kết hoặc tham gia điều ước quốc tế thì việc dẫn độ tội phạm sẽ được thực hiện căn cứ trên điều ước quốc tế đó. Mà không phải loại tội phạm nào cũng được dẫn độ mà chỉ những loại tội phạm mà điều ước quốc tế cho phép dẫn độ mà thôi.”
“Đối với những loại tội phạm không được đề cập trong các điều ước quốc tế hoặc giữa các quốc gia không ký kết/tham gia điều ước quốc tế thì việc dẫn độ tội phạm sẽ được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại.”
“Khi thực hiện dẫn độ trên nguyên tắc có đi có lại vẫn phải đảm bảo được nguyên tắc chủ quyền quốc gia của nước nơi tội phạm cư trú. Nghĩa là phải được căn cứ vào luật quốc gia nơi tội phạm cư trú.”
“Chỉ những loại tội phạm mà pháp luật quốc gia đó cho phép dẫn độ thì mới được dẫn độ.”
“Các tội phạm về kinh tế, chức vụ thường là những tội phạm có trình độ, có hiểu biết nên trước khi trốn ra nước ngoài họ thường né các quốc gia có ký hoặc tham gia các điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm với Việt Nam.”
Đức ngưng miễn visa cho hộ chiếu ngoại giao VN
Đức chuyển biến và người Việt cần lên tiếng
“Quốc khánh VN tại Đức năm nay kém vui”
“Thường họ chọn các quốc gia không có ký hoặc tham gia các điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm với Việt Nam. Đối với những quốc gia này thì việc dẫn độ tội phạm chỉ có thể được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại. Và mức độ thành công dẫn độ tội phạm theo nguyên tắc này thường phụ thuộc vào vị thế của Việt Nam đối với quốc gia đó.”
“Theo nhận định chủ quan của tôi, vị thế kinh tế lẫn chính trị của Việt Nam đang ở top dưới của thế giới và thuộc top trung của khu vực Đông Nam Á nên khả năng dẫn độ tội phạm thành công trên nguyên tắc có đi có lại là không cao, đặc biệt khi tội phạm đang cư trú tại quốc gia có vị thế kinh tế lẫn chính trị cao hơn Việt Nam.”
Cùng ngày 2/01, một nhà báo tự do tại Berlin, Đức cho BBC hay dù Đức chỉ chấp nhận đơn tỵ nạn “nộp từ người đã có mặt tại Đức”, vẫn còn khả năng ông Phan Văn Anh Vũ được tới Đức:
“Luật sư bên Đức của ông Anh Vũ có thể làm đơn kiến nghị để ông được hưởng qui chế nhân đạo với lý do ông ta có khả năng gặp nguy hiểm khi về Việt Nam, hoặc chính quyền Đức muốn ông Anh Vũ là người cung cấp thông tin cho Đức.”
“Nếu một lá đơn như vậy được cứu xét thì ông Anh Vũ vẫn có thể được phép tới Đức trong thời gian tới,” theo nhà báo trả lời trong điều kiện ẩn danh.
Bí mật và bất thường
Trả lời BBC hôm 26/12/2017, nhà phân tích Hà Hoàng Hợp từ Singapore nói câu hỏi nay là ông Phan Văn Anh Vũ “làm lộ bí mật cho ai, bí mật gì”, và điều đó cũng vẫn đang “nằm trong vòng bí mật”.
chính ông Trương Quang Nghĩa mới là người lộ bí mật vì ông ấy nói với các cán bộ hưu trí rằng “ông Vũ là thượng tá công anTS Hà Hoàng Hợp
Ông Hà Hoàng Hợp nói trên kênh BBC Vietnamese YouTube của BBC rằng vấn đề là ở chỗ “tin tức trên báo chí Việt Nam cho rằng ông Vũ đe nạt người này, người kia, để mua tài sản công, để kinh doanh, thì những điều này lại không thấy nói đến trong quyết định khởi tố”.
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cũng nói, dư luận thì nghĩ có thể có “tham nhũng chính sách, thậm chí tham nhũng chính trị” nhưng ông không muốn bình luận việc này.
Đây là câu chuyện hơi ly kỳ, theo ông Hà Hoàng Hợp, và chính ông Trương Quang Nghĩa (tân Bí thư Đà Nẵng) mới là người “lộ bí mật” vì ông ấy nói với các cán bộ hưu trí rằng “ông Vũ là thượng tá công an”.
Trung Quốc vẫn ‘giận’ Thủ tướng Singapore?
Blogger Singapore được Mỹ cho tị nạn
Ông Lý Hiển Long thăm Việt Nam
Trở lại câu chuyện bằng cách nào ông Phan Văn Anh Vũ ra khỏi Việt Nam, Luật sư Phùng Thanh Sơn bình luận:
“Nếu ông Phan Văn Anh Vũ đi đường “tiểu ngạch” thì giới chức Việt Nam không biết hiện nay Phan Văn Anh Vũ đang ở đâu cũng là điều bình thường.”
“Còn nếu ông Anh Vũ đi đường “chính ngạch” mà giới chức Việt Nam không biết ông Anh Vũ ở đâu mới là bất thường.”
“Không loại trừ giới chức Việt Nam biết nhưng cố tình không xác nhận để gây rắc rối cho Phan Văn Anh Vũ tại nước mà ông này đang cư trú. Khi đó, quốc gia mà Phan Văn Anh Vũ có quyền nghi ngờ hộ chiếu Việt Nam của Phan Văn Anh Vũ là hộ chiếu giả vì nếu là hộ chiếu thật thì giới chức Việt Nam sẽ biết rõ và xác nhận được ông đã xuất cảnh đến quốc gia nào.”
Tin mới nhất từ văn phòng BBC News tại Singapore cho hay luật sư đại diện cho ông Phan Văn Anh Vũ đã nộp đơn lên toà án xin lệnh cấm (injunction) để ngăn không cho Cục Di trú trục xuất ông ta về Việt Nam.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42542330
Việc phong tướng, và bổ nhiệm cán bộ cấp cao, dường như
được Đảng Cộng sản Việt Nam siết chặt lại
với một quy định mới nhất.
Quy định số 105-QĐ/TW của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký hôm 19/12/2017.
Việt Nam: Diễn biến nhân sự cấp cao cuối năm
Ông Trọng nhắc đảng viên ‘tránh đi vào vết xe đổ’
Ông Trọng ‘tả xung hữu đột’, đảng viên thờ ơ?
Tổng Bí thư Trọng dự họp chính phủ và câu hỏi thủ tục
Đáng chú ý, quy định mới ghi rõ với việc phong, thăng quân hàm Đại tướng, Thượng tướng, Đô đốc Hải quân, phải xin chủ trương của Bộ Chính trị trước khi làm quy trình.
Quy định 105 liệt kê một loạt chức danh cán bộ do Bộ Chính trị quyết định, ví dụ Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ngoài ra còn có Phó Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch Quốc hội; Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng…
Bộ Chính trị cũng quyết định nhân sự cao cấp của quân đội, công an, gồm Ủy viên Quân ủy Trung ương, ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội.
Trước đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 2014 chỉ ghi: “Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, Chuẩn Đô đốc, Phó Đô đốc, Đô đốc Hải quân.”
Năm 2007, Quyết định 68 của Bộ Chính trị khóa X – bị quy định 105 thay thế – chỉ ghi chung chung là đối với nhân sự phong, thăng hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang, Ban Tổ chức Trung ương gửi xin ý kiến của Ban cán sự đảng Chính phủ.
Trên có Bộ Chính trị, dưới có Ban Bí thư
Thấp hơn Bộ Chính trị, Ban Bí thư, theo quy định 105, sẽ quyết định các chức danh thấp hơn, gồm cả cấp Thứ trưởng ngành quân đội, công an.
Ban Bí thư cũng xem xét, quyết định việc phong hoặc thăng quân hàm Trung tướng, Thiếu tướng…
Hồi 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam còn ghi: “Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức” các cấp như Thứ trưởng; Phó Tổng Tham mưu trưởng…
Về hưu vẫn do Bộ Chính trị quản lý
Quy định 105 nêu rõ các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì khi đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu vẫn phải được Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, cho ý kiến trong nhiều vấn đề.
Những cán bộ trong diện này gồm cả những người từng là ủy viên Bộ Chính trị.
Những người này phải xin ý kiến trong những việc như tham gia ứng cử quốc hội, lập hội.
Muốn tiếp khách và trả lời đài báo nước ngoài, nhận giải thưởng của nước ngoài, những người này – kể cả cựu ủy viên Bộ Chính trị – cũng phải xin phép.
Dường như họ không phải xin phép nếu tự túc đi nước ngoài vì quy định 105 chỉ ghi trường hợp “đi nước ngoài có sử dụng ngân sách nhà nước”.
Tiêu chuẩn sức khỏe
Theo quy định 105, những cán bộ “sức khỏe không đảm bảo, uy tín giảm sút…” thì có thể bị thay thế, không chờ hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm.
Điều kiện xem xét, bổ nhiệm lại có ghi họ phải đủ sức khỏe để tiếp tục đảm nhiệm chức vụ cũ.
Có vẻ như quy định 105 đã nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư đối với chủ trương, chính sách về cán bộ và công tác cán bộ.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42542490
Vũ ‘nhôm’ tìm đường sang Đức
Ông Phan Văn Anh vũ, một đại gia địa ốc và cũng là một thượng tá an ninh Việt Nam, bỏ trốn và hiện đang bị tạm giữ tại Singapore, muốn xin tị nạn tại Đức. Các luật sư đại diện của ông tại Singapore và Đức cho Reuters biết như vừa nêu vào ngày thứ ba 2 tháng giêng.
Ông Phan Văn Anh Vũ bị giữ lại Singapore từ hôm 28/12 vừa qua khi ông đang tìm cách qua Malaysia.
Luật sư Remy Choo, người được gia đình ông Vũ liên lạc mời tham gia vụ việc ông này, chỉ cho biết ông Vũ muốn xin tị nạn tại Đức nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Còn ông Victor Pfaff, luật sư của ông Vũ ở Đức thì nói đã liên hệ với Đại sứ quán Đức ở Singapore hôm 31/12 nhưng tới nay vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ cơ quan đại diện ngoại giao này.
Một luật sư khác của ông Vũ là luật sư Foo Cheow Ming xác nhận việc ông Anh Vũ bị bắt ở Singapore nhưng ông cũng chưa được phép gặp thân chủ của ông.
Trong khi đó luật sư Schlagenhauf, người đại diện cho một vụ khác là trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, nói với Đài Á Châu Tự Do là thường một người muốn xin tỵ nạn tại Đức phải nội đơn khi ở trên đất nước này. Ngoại lệ theo luật di trú của Đức chỉ có thể áp dụng trong trường hợp có chứng thực liên quan nhân quyền.
Bộ Công an Việt Nam hôm 22/12 đã phát lệnh truy nã ông Phan Văn Anh Vũ, rồi sau đó khởi tố bị can về tội “cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”. Phía Bộ Công an cũng công bố quyết định truy nã ông Vũ do ông không có mặt khi công an tiến hành khám xét nhà riêng của ông.
Còn vào tháng 7 vừa qua, một quan chức cao cấp của Việt Nam bỏ trốn tại Đức là ông Trịnh Xuân Thanh được phía Đức cho là bị mật vụ Việt Nam bắt cóc đưa về nước. Hành động đó khiến quan hệ ngoại giao giữa Đức và Việt Nam bị tổn hại nghiêm trọng. Bộ Ngoại Giao Đức ra thông cáo cho biết Đức tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Trong khi đó chính phủ Hà Nội nói ông Trịnh Xuân Thanh tự ý về Việt Nam đầu thú.
Theo AFP, cách thức tiêu diệt các quan chức tham nhũng mà chính quyền Việt Nam đang thực hiện giống cách thức của Trung Quốc.
Trong khi đó, nguyên đại biểu Quốc Hội Lê Như Tiến, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh Thiếu Niên và Nhi Đồng, vào ngày 2 tháng giêng lên tiếng chỉ trích sơ hở trong quá trình tố tụng tại Việt Nam.
Theo ông Lê Như Tiến do không có biện pháp ngăn chặn kịp thời nên khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì bị can đã ‘cao xa, bay chạy, tài sản lên đến hằng nghìn tỷ cũng đã kịp tẩu tán bằng nhiều cách thức.
Ông Lê Như Tiến nói rằng tài sản tham nhũng mà có đâu phải chỉ bằng cây kim, sợi chỉ mà không biết. Vấn đề có làm quyết liệt hay không mà thôi.
Truyền thông nói gì vụ Phan Văn Anh Vũ?
Tin ông Phan Văn Anh Vũ, doanh nhân đang bị công an Việt Nam truy nã, đã bị tạm giữ ở Singapore đang gây chú ý của truyền thông quốc tế và trong nước, sau khi BBC có bài hôm 1/1/2018.
Phan Văn Anh Vũ ‘bị giữ’ ở Singapore
Phan Văn Anh Vũ ‘xin đi châu Âu tỵ nạn’
VN 2017: Từ ông ‘Vũ Nhôm’ đến những ‘bộ tứ quyền lực’
Tại sao quan chức trốn ‘đi nước ngoài’?
Hãng tin Anh Reuters hôm 2/1 đăng bài viết có tựa đề “Gia đình lo sợ cho doanh nhân Việt Nam đào tẩu bị bắt giữ tại Singapore.”
Ông Anh Vũ, 42 tuổi, đã bị giữ tại Singapore hôm thứ Năm 28/12 tại cửa khẩu Tuas khi ông đang tìm cách sang Malaysia, Reuters dẫn lời ông Remy Choo, luật sư được gia đình ông Vũ thuê đại diện cho ông ở Singapore.
Luật sư Remy Choo, người cho tới giờ vẫn chưa liên hệ được với thân chủ của mình, được Reuters dẫn lời: “Gia đình của thân chủ lo ngại có rủi ro nhãn tiền nếu ông Anh Vũ về Việt Nam.”
Trang Straits Times bản tiếng Anh của Singapore hôm 1/1 cũng có bài trích lại tin của BBC về vụ một luật sư đang làm việc để đại diện cho ông Phan Văn Anh Vũ.
Trước đó, hôm 31/12/2017, trang web của Đài châu Á Tự do (RFA) bản tiếng Việt có bài blog nói vụ ‘Vũ Nhôm’ chạy khỏi Việt Nam và cho rằng vụ việc liên quan đến đấu đá chính trị và làm ăn nội bộ ở Việt Nam.
Theo Reuters, mặc dù Singapore không có hiệp ước dẫn độ với Việt Nam, cơ quan xuất nhập cảnh của nước này có quyền trả người về nước theo những hoàn cảnh đặc biệt, theo Luật Di trú của Singapore.
Một luật sư khác cũng được gia đình thuê cho ông Vũ, ông Foo Chow Ming, cho Reuters biết ông đang xin phép được tiếp cận với ông Vũ, hiện đang bị tạm giam.
“Hàng chục quan chức và doanh nhân Việt Nam đã bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng đang có đà từ sau khi cơ quan an ninh có vai trò lớn hơn trong Đảng Cộng sản cầm quyền năm từ 2016”, Reuters viết.
“Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam được thế giới chú ý đến hồi năm ngoái khi Đức cáo buộc Việt Nam đã bắt cóc một cựu lãnh đạo ngành dầu khí để đưa ông ta về nước xét xử”.
Tờ Taz.de của Đức hôm 1/1/2018 cũng có bài “Nhân viên an ninh bị bắt giữ tại Singapore”, trong đó có đoạn:
“Trong lá thư được cho là của Luật sư Singapore có viết rằng ông ta (luật sư) đã đặt đơn xin tị nạn cho ông Vũ ở Đại sứ quán một nước thuộc EU nằm tại Singapore. Thế nhưng: đơn xin tị nạn chỉ có thể được tự đặt trực tiếp tại các nước người xin tị nạn muốn đến, không phải tại các cơ quan đại diện của các nước đó ở nước ngoài”.
Muốn đặt đơn xin tị nạn tại Đức, bạn phải có mặt tại Đức. Đơn tị nạn không thể đặt tại cơ quan đại diện của Đức ở nước ngoài. Bạn phải trực tiếp tới nộp đơnLuật Di trú Đức
Điều này đúng với Luật Di trú của Đức, có quy định không thể nộp đơn tỵ nạn vào Đức khi đang ở bên ngoài lãnh thổ Đức:
“Muốn đặt đơn xin tị nạn tại Đức, bạn phải có mặt tại Đức. Đơn tị nạn không thể đặt tại cơ quan đại diện của Đức ở nước ngoài. Bạn phải trực tiếp tới nộp đơn”.
Điều đáng chú ý là trang Taz.de kết nối hai vụ Trịnh Xuân Thanh và vụ Phan Văn Anh Vũ trong bài của họ.
Bộ Công an ‘chưa có thông tin’
Trong khi đó, báo Đất Việt, trong bài “Sự thật Vũ nhôm bị giữ ở Singapore” hôm 2/1, dẫn lời Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an: “Bộ Công an chưa nhận được thông tin này”.
Bộ Công an chưa nhận được thông tin này.Thiếu tướng Lương Tam Quang
Hôm 20/12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Anh Vũ về tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước”.
Sau khi phát hiện ông Phan Văn Anh Vũ không có mặt tại nhà riêng ở số 82 Trần Quốc Toản, (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng), Bộ Công an đã quyết định truy nã đối với Phan Văn Anh Vũ.
Tin ông Vũ bị bắt ở Singapore cũng gây xôn xao trên mạng xã hội Việt Nam trong mấy ngày qua.
Nhà báo Trương Huy San viết hôm 31/12 trên trang Facebook cá nhân:
“Tôi không nghĩ Vũ Nhôm nắm giữ “bí mật quốc gia”; có chăng, anh ấy chỉ nm “bí mật của những người đã và đang nắm quyền cao chức trọng đối với quốc gia”; “bỏ trốn” chưa hẳn là kịch bản tự nguyện của anh Phan Văn Anh Vũ.”
Bình luận về dòng trạng thái này, facebooker có tên Trần như Vân đặt câu hỏi: “tội làm lộ bí mật quốc gia chớ không phải tội tham ô để nước khác không trả về? Để dân không thể biết ai thật sự tham ô? Chế độ do những kẻ tham ô xây dựng nên không bao giờ tốt, hy vọng vào họ chỉ để thất vọng mà thôi!”.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42540723
Xử vụ nổ súng tranh chấp đất ở Đắk Nông
Toà án nhân dân tỉnh Đắk Nông sáng ngày 2/1/2018 tiến hành phiên tòa xét xử những người bị cáo buộc liên quan vụ nổ súng tranh chấp đất ở tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức vào tháng 10 năm 2016, khiến 3 người chết và hơn 10 người khác bị thương.
Các bị cáo bị cáo buộc các tội giết người, che giấu tội phạm và cố ý làm hư hỏng tài sản.
Theo cáo trạng, các bị cáo gồm: Đặng Văn Hiến, sinh năm 1977, Hà Văn Trường, sinh năm 1985, Ninh Viết Bình, sinh năm 1982 bị truy tố tội giết người. Bị cáo Đoàn Văn Diện sinh năm 1980 bị truy tố tội che dấu tội phạm.
Ngoài ra, bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu, sinh năm 1962 và Phạm Công Thiện sinh năm 1977 bị truy tố tội huỷ hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản.
Vụ tranh chấp đất dẫn đến nổ súng năm 2016 diễn ra giữa công ty TNHH Thương mại – đầu tư Long Sơn do ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu làm Phó giám đốc, ông Phạm Công Thiện là trưởng quản lý công ty và các hộ dân trồng điều, cà phê, cao su ở địa phương.
Sự việc dẫn đến hành vi nổ súng của ông Đặng Văn Hiến khiến 3 người tử vong tại chỗ và 13 người khác bị thương.
Vụ việc tại Dak Nong là một trong những trường hợp mà người dân cho rằng họ bị lấy đất một cách phi pháp, bồi thường quá thấp so với giá thị trường. Từ đó dẫn đến biện pháp phản kháng gây đổ máu, và thậm chí chết người.
Hơn 36 ngàn máy tính Việt Nam nhiễm mã độc đào Bitcoin
Hơn 36 ngàn máy tính tại Việt Nam bị nhiễm mã độc đào tiền ảo, tính đến ngày 2 tháng Giêng năm 2018. Số liệu vừa nêu được hệ thống giám sát virus của Công ty Bkav ghi nhận được.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách lãnh vực chống mã độc của Bkav cho biết mã độc đào tiền ảo lây qua Facebook Messenger, kể từ ngày 19 tháng 12 năm 2017, nhằm chiếm quyền điều khiển máy tính của nạn nhân để đào tiền ảo, khiến cho máy tính bị chậm và không sử dụng được.
Ông Vũ Ngọc Sơn còn cho biết cứ mỗi 10 phút thì hacker gia tăng các biến thể virus mã độc đào tiền ảo. Tính đến thời điểm chiều ngày 21 tháng 12 năm 2017, đã có hơn 500 biến thể loại mã độc này được tung lên mạng và tiếp tục gia tăng.
Biến thể virus mã độc đào tiền ảo mới nhất còn được kèm vào các nội dung đăng tải của Nhóm (Group) qua các video liên quan đến khiêu dâm cùng lời mời gọi như “woow hot video” hay “sex_video”…
Phó Chủ tịch phụ trách lãnh vực chống mã độc của Bkav nhấn mạnh mã độc đào tiền ảo còn có chức năng lấy cắp mật khẩu Facebook của nạn nhân và có xu hướng tiếp tục bùng nổ trong năm 2018 qua Facebook, email, USB và lỗ hổng của hệ điều hành.
Áp thấp nhiệt đới hướng đến miền nam Việt Nam
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy Văn Việt Nam cho biết vào lúc 14:30 phút chiều ngày 2 tháng giêng, một áp thấp nhiệt đới đang di chuyển vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão.
Theo Trung tâm Dự Báo Khí tượng Thủy văn Việt Nam thì vào lúc 13 giờ ngày 2 tháng giêng, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách miền trung đảo Palawan của Philippines chừng 240 kilomet về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 đến cấp 7; tức từ 40 đến 60 kilomet một giờ, giật cấp 9.
Trong 12 đến 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây- Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30-35 kilomet. Vào trưa ngày 3 tháng giêng, áp thấp nhiệt đới có xu hướng mạnh lên thành bão. Lúc đó vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa chừng 110 kilomet về phía Nam- Tây Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão ở cấp 8 (từ 60-75 kiloemt/giờ), giật cấp 9.
Vào sáng ngày 2/1, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai ra công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố cần thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền trên biển biết diễn biến của áp thấp nhiệt đới, để di chuyển tới vùng an toàn.
Thiệt hại do áp thấp nhiệt đới ở Philippines
Trong khi đó, tại Philippines, có ít nhất hai người thiệt mạng và hằng ngàn người phải đi sơ tán tránh gió lớn và nước lụt khi áp thấp nhiệt đới gây ảnh hưởng tại miền trung nước này trong ngày thứ ba 2 tháng giêng.
Hãng AFP loan tin hai nạn nhân thiệt mạng là cư dân đảo Cebu. Còn Cơ quan Khí tượng Philippines cho biết đến chiều áp thấp nhiệt đới trực tiếp ảnh hưởng đến đảo Palawan.
Đảo này là nơi phải chịu thiệt hại nhân mạng do trận bão Tembin gây nên vừa qua với 37 nạn nhân chết và 60 người mất tích.
Ngoài ra Mindanao ở miền nam Phillippines là nơi có số nạn nhân thiệt mạng do bão Tembin lên đến 240 người. Ngay trước đó, bão Kai-Tak cũng làm cho 47 người chết tại Philippines.
Hằng năm trung bình có 20 trận bão lớn thổi qua Philippines.
BOT Ninh An xả trạm 2 lần trong một buổi
Trạm thu phí BOT Ninh An tại xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa sáng ngày 2/1 đã phải xả trạm hai lần vì tài xế dừng xe ngay trước cửa trạm yêu cầu miễn giảm giá vé.
Ông Vũ Hải Long, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Đèo Cả Khánh Hòa cho biết vụ việc bắt đầu vào khoảng 9h sáng cùng ngày. Nhiều tài xế dừng xe ngay trạm thu phí để đòi miễn giá vé 100%. Hoạt động đó khiến giao thông ùn tắc và cơ quan chức năng buộc phải xả trạm. Sau đó, nhiều tài xế tiếp tục dừng xe trước cửa trạm yêu cầu phải trả lại tiền vé tháng cho họ nếu xả trạm. Họ nói rằng không có chuyện người được miễn phí, người phải trả tiền.
Trước đó vào ngày 1/1, BOT Ninh An cũng buộc phải xả trạm vì tài xế dùng tiền lẻ để mua vé.
BOT Ninh An thuộc dự án mở rộng quốc lộ 1, đoạn chạy qua huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa với chiều dài 37,7 km. Dự án được hoàn thành vào tháng 9/2013 và bắt đầu thu phí vào đầu năm 2016, dự tính thu phí hơn 14 năm. Tuy nhiên, các tài xế liên tục phản đối vì cho rằng trạm Ninh An được đặt ở vị trí không hợp lý, trong khi giá vé quá cao.
Tình trạng giới tài xế và người dân phản đối các trạm BOT bị cho bất hợp lý về mức phí cũng như địa điểm diễn ra nhiều nơi trên cả nước gần đây. Cơ quan chức năng và chủ đầu tư tạm thời phải đáp ứng yêu cầu trước làn sóng phản đối như tại BOT Cai Lậy, Bến Thủy… Tuy nhiên biện pháp giải quyết thỏa đáng, rốt ráo vấn đề đến nay vẫn chưa có.
Vẫn liên quan đến các dự án BOT, ngày 2/1 đại diện Bộ Giao thông- Vận tải đã lên tiếng phủ nhận thông tin cho rằng Bộ này đã lật kèo khi không giảm giá vé tại trạm BOT Nam Bình Định như đã thống nhất.
Trước đó ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói với báo chí rằng lãnh đạo của tỉnh này đã họp với đại diện Tổng cục Đường bộ cùng nhà đầu tư và thống nhất giảm 10.000 đồng đối với giá vé các phương tiện thuộc loại 1. Tuy nhiên sau đó, Bộ GTVT đã đưa ra văn bản với nội dụng chỉ giảm 5.000 đồng cho những phương tiện này. Theo ông Dũng, việc này đã gây bức xúc trong dân chúng.
Vào chiều ngày 2/1, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Huyện nói với báo chí rằng việc UBND tỉnh Bình Định kiến nghị là việc của chính quyền địa phương, còn việc có chấp thuận giảm giá vé theo kiến nghị đó hay không là việc của Bộ GTVT. Ông Huyện cũng nói rằng chuyện giảm phí phải căn cứ vào việc tính toán tài chính của dự án để thỏa thuận với nhà đầu tư dự án. Người đứng đầu ngành đường bộ Việt Nam nêu rõ rằng nếu tỉnh Bình Định gửi văn bản về việc giảm phí này thì Bộ Giao thông sẽ trả lời chính thức.