Bản tin tối 1-1-2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bản tin tối 1-1-2018

Tin Trong Nước

Tin Biển Đông
TS. Trần Công Trục, bình luận về Ứng xử của “bên thắng kiện” và tác động tới cục diện Biển Đông. “Bên thắng kiện” ở đây là Philippines, sau khi Toà Trọng tài quyết địnhbác bỏ yêu sách của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Đã xuất hiện 2 luồng quan điểm đối lập trong giới lãnh đạo và dư luận Philippines: 1 – quan điểm “đấu tranh không khoan nhượng với Trung Quốc, nhưng bằng lý lẽ ôn hòa”, 2 – quan điểm nhượng bộ, thoả hiệp với Bắc Kinh.
Theo tác giả, các lãnh đạo Philippines đã “thể hiện một cách xuất sắc kế sách của nhóm quan điểm thứ nhất”. Philippines vẫn giữ thể diện cho Trung Quốc, nhưng cho phép các nước ASEAN tiếp tục đặt vấn đề phán quyết của Toà Trọng tài. “Việt Nam và Philippines là hai thành viên của Cộng đồng ASEAN,… Đặc biệt, hai nước có khá nhiều điểm tương đồng, cùng chung hoạn nạn trước tham vong của Trung Quốc độc chiếm Biển Đông”.
Báo Thanh Niên bình luận về biến động tiềm ẩn ở Biển Đông. TS. Trần Thăng Long cho rằng, quá trình quân sự hoá Biển Đông của Bắc Kinh “đi ngược lại tinh thần các cam kết chính trị của Trung Quốc… giữ nguyên hiện trạng, không làm xấu đi tình hình”. Chuyện đồng ý hướng tới đàm phán COC chỉ là mưu đồ của Trung Quốc nhằm “xoa dịu sự phản ứng quyết liệt của cộng đồng quốc tế, nhằm đánh lạc hướng dư luận”. Tham vọng bá quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông chưa bao giờ thay đổi.
GS. Alexander Vuving cho rằng, quá trình bồi đắp và triển khai vũ khí trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng “hoàn toàn nằm trong chiến lược nhất quán của họ tại Biển Đông. Một chủ trương lớn trong chiến lược này là biến các vị trí chiếm đóng thành căn cứ hậu cần và căn cứ quân sự tiền phương”. Để rồi hệ thống căn cứ ấy trở thành “bàn đạp cho các phương tiện như máy bay, tàu nổi, tàu ngầm của Trung Quốc tỏa ra thống lĩnh vùng trời và vùng biển ở Biển Đông”.
Nhìn lại năm 2017
Nhà báo Song Chi viết: Nhìn lại năm 2017-những dấu hiệu lạc quan. Năm 2017 khép lại với nhiều nỗi bi quan cho những người Việt hiểu được hiện tình đất nước. Tình hình chính trị – xã hội ở Việt Nam càng lúc càng đi xuống, “cái xấu cái ác ngày càng gia tăng, … Người ta chứng kiến một xã hội đang bị hủy hoại về mặt đạo đức”. Chế độ toàn trị ở Việt Nam đã tới thời điểm công khai nắm chặt mọi nhánh quyền lực, tăng cường đàn áp nhân quyền, và “ngày càng bám chặt lấy Trung Cộng, hèn hạ bạc nhược hết mức trước Bắc Kinh để tồn tại”.
Tuy nhiên, giữa một năm tăm tối vẫn có không ít điểm sáng: chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư đang tới hồi cao trào, người dân có hy vọng không phải vì Đảng muốn “chống tham nhũng”, mà bởi xung đột giữa các nhóm lợi ích với “phe nhóm lò” “nhiều khi cũng không lường trước và kiểm soát được”. Trong khi đó, cuộc đấu tranh ở xã Đồng Tâm và BOT Cai Lậy cho thấy người dân đang “bước qua sự sợ hãi, dám khôn ngoan đối đầu với nhà nước”.
Phía lãnh đạo đánh giá: Thế và lực đang lên, nhưng đất nước vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Chủ tịch nước không nói chi tiết chuyện “Ðất nước còn nhiều khó khăn”, và nói rất nhiều về “những thành tựu to lớn đã đạt được”, để kết luận “thế và lực, sức mạnh tổng hợp, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra”.
Sự kiện nước Đức chấm dứt quan hệ đối tác chiến lược với phía Việt Nam, rồi châu Âu trì hoãn Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA) phải chăng là “thành tựu to lớn” để “uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao” như ông Chủ tịch nước khẳng định? Chuyện Vũ “nhôm” làm lộ ra bao nhiêu vết nhơ của ngành an ninh và nội bộ lãnh đạo Cộng sản có phải là một trong “những tiền đề quan trọng để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ”?
Truyền thông nhà nước khẳng định: Niềm vui của dân và nỗi buồn của Thủ tướng. Vẫn là giọng không nói thẳng được vấn đề: “có người nhân vụ Trịnh Xuân Thanh làm rùm beng về quan hệ đối ngoại của Việt Nam với một quốc gia nào đó”. Không phải chỉ “có người”, mà chính “quốc gia nào đó” đã “làm rùm beng” rồi. Thông qua truyền thông, Đảng khẳng định chiến dịch “đốt lò” đã trở thành ưu tiên hàng đầu, bất chấp mọi hậu quả ngoại giao.
Nỗi buồn của ông Thủ tướng xoay quanh chuyện “GDP bình quân đầu người 2.385 USD”, một mức thấp ngay cả trong tương quan với các nước ASEAN. Thực tế, các bức tranh kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường của Việt Nam năm 2017 đều ảm đạm chứ không chỉ chuyện tiền lương. Riêng chuyện tiền lương, giải pháp là những thay đổi từ gốc rễ trong chính sách với những con số cụ thể, chứ không phải chuyện “thời thế sẽ tạo anh hùng” để làm mờ vấn đề.
Chuyện lạ năm 2017: ‘Cái nghề buôn chổi đót là tiềm năng lắm chứ đùa’. Nhờ có nghề “buôn chổi đót”, một ông quan ở hạ giới đã tích luỹ đủ tài sản để xây biệt phủ, và thậm chí cả “uy tín” để tai qua nạn khỏi sau khi biệt phủ “dừng chân trước lò củi” suốt 4 tháng. Cùng với nghề “buôn chổi đót”, nghề nuôi tôm và chạy xe ôm đều có “tiềm năng” ngành mũi nhọn để “vực dậy” kinh tế của người dân!
Mời đọc thêm: Táo quân 2018: Táo Giao thông nói gì về ‘điểm nóng’ BOT? (P1) — Táo quân 2018: ‘Bão chồng bão, lũ chồng lũ, Hoa hậu chồng hoa hậu’ – Khâm thử!!! (P2) (TTVN). – TS. Lê Đăng Doanh: Những được mất của kinh tế Việt Nam trong năm 2017 (TL). – Năm 2017: Những chuyện vui buồn (1). – Năm 2017: Những chuyện vui buồn (2). – Năm 2017: Những chuyện vui buồn (cuối) (GDVN). – Những ấn tượng ngành thông tin truyền thông Việt Nam trong năm 2017. – Nhìn lại nợ công: ‘Bây giờ ta đủ bản lĩnh từ chối vay nợ lãi suất cao (TTXVN). – Thành tựu đối ngoại 2017: Vị thế mới, khí thế mới (VOV). – Những cán bộ cấp cao luân chuyển trong năm 2017 (Infonet).
Lời chào năm 2018
Chiến dịch “đốt lò” bước vào năm mới: Năm 2018, xử lý các vụ tham nhũng lớn với tinh thần không có vùng cấm. Sau khi Tổng Bí thư dự và chỉ đạo hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ, giọng của Chính phủ giờ hầu như đồng nhất với giọng của bác Tổng và Bộ Chính trị: “Yêu cầu tập trung chỉ đạo điều tra các vụ án tham nhũng lớn để truy tố, xử lý nghiêm minh trước pháp luật theo tinh thần không có vùng cấm, tất cả hành vi vi phạm để phải được xử lý đúng pháp luật”.
Những sai phạm và toà biệt phủ vẫn đứng vững ở Yên Bái cho thấy khái niệm “không có vùng cấm” cần được hiểu trong ngữ cảnh đặt biệt. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều vết nhơ của nội bộ Đảng và an ninh để bác Tổng tiếp tục chiến dịch “lò và củi”.
Lời mở đầu chiến dịch “lò và củi” năm 2018: Siết chặt kỷ cương, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Tuy nhiên, ông Mai Tiến Dũng không giải thích rõ thế nào là “trên nóng, dưới lạnh”, mà chỉ nói: “Năm 2018 tiếp tục đặt vấn đề kỷ cương, kỷ luật, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “trên chuyển dưới chưa chuyển”. Bác Tổng thì nói về chuyện “trên nóng dưới lạnh” theo nghĩa mọi cơ quan cấp dưới đều phải chuyển động theo ý bác.
Năm 2018 tiếp tục là năm “bán lúa giống”: 2018 – năm bản lề cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Nhân sự kiện thoái vốn thành công ở Vinamilk và Sabeco, năm 2018 trở thành “năm bản lề trong quá trình “tái thiết” doanh nghiệp nhà nước. Những đơn vị nằm trong danh sách cổ phần hóa, thoái vốn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017 bắt buộc phải thực hiện trong năm 2018, nên áp lực cổ phần hóa, thoái vốn năm 2018 là rất lớn”.
Áp lực “bán lúa giống” để cứu nguy ngân sách vẫn tồn tại, thậm chí càng nặng nề hơn. Thực tế, từ năm 2017, nhà nước đã đặt ra kế hoạch “phải thoái vốn nhà nước tại 181 doanh nghiệp”, nhưng “chỉ có 10 đơn vị thực hiện thoái vốn”. Bất chấp những nỗ lực tuyên truyền của phía truyền thông nhà nước về “thành tựu” của năm 2017, hiện tượng gấp rút bán “gà đẻ trứng vàng” cho thấy kết quả của quá trình xây dựng “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Yêu cầu bán gấp “gà đẻ trứng vàng” xuất hiện cả trong Nghị quyết phát triển KT-XH năm 2018 của Chính phủ. Dù chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng đấy vẫn là ý quan trọng trong văn bản nghị quyết: “Đẩy mạnh cổ phần hóa… và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo các nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch”. Ngân sách có vấn đề nên lãnh đạo cũng không dám tiêu tiền mạnh tay nữa, “triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách”.
Chính trường Việt Nam
Báo Thanh Niên có bài: Không thể chấp nhận mỗi năm lên một chức là ‘đúng quy trình’. Tác giả ghi nhận hiện tượng, các lãnh đạo liên quan đến chuyện “bổ nhiệm thần tốc” các “thái tử Đảng” vẫn tiếp tục nguỵ biện chứ không thừa nhận sai phạm. Về chuyện “thái tử Đảng” Huỳnh Thanh Phong, “theo tôi, địa phương này đã có ý bao biện khá rõ mà không chịu nhìn ra cái “gót chân Asin” của mình”.
Các lãnh đạo chịu trách nhiệm về mặt nhân sự liên tục khẳng định “đúng quy trình”, nhưng bản chất vấn đề vẫn là, các “thái tử Đảng” dựa vào người thân để thăng tiến, tước bỏ cơ hội của rất nhiều người tài giỏi nhưng không có “lý lịch đỏ”. “Thăng chức mà không kịp… thở, không kịp thể hiện năng lực ở mỗi cương vị mình đảm trách thì thật tai hại cho đất nước. Đó không phải là thứ cống hiến lành mạnh mà là sự tham nhũng quyền lực đến mức thái quá”.
Về hiện tượng Vũ “nhôm”, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh bình luận: “Vũ “nhôm” gần như một hiện tượng “bố già” ở TP.Đà Nẵng”. Từ chỗ toàn trị, thể chế này lại tạo điều kiện cho những doanh nhân trở thành “mafia đỏ”, có thể sử dụng đồng tiền để thao túng quan chức và can thiệp vào chuyện nội bộ nhà nước. “Mafia không phải chỉ là côn đồ, chém giết mà đó là khi chính quyền dung túng cho doanh nghiệp, làm méo mó chính sách, bị doanh nghiệp khống chế”.
Hiện tượng một dạng tội phạm kinh tế – chính trị có thể “cấu kết với chính quyền để thao túng, gần như một hiện tượng “bố già” ở TP. Đà Nẵng” cho thấy, bản thân chính quyền ấy cũng có vấn đề. Các lãnh đạo liên tục tuyên truyền về những “lý tưởng” tốt đẹp, nhưng hành động thực tế của họ có thể thấy rằng, “lý tưởng” ấy không qua khỏi đồng tiền.
Câu chuyện giáo dục đầu năm
Báo Giáo Dục Việt Nam kêu gọi: Xin Bộ hãy bỏ chỉ tiêu, đừng chỉ có ra công văn nhắc nữa! Về công văn của Bộ Giáo Dục yêu cầu khắc phục bệnh thành tích“nêu rõ việc rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy định, yêu cầu dễ dẫn tới bệnh thành tích trong giáo dục”. Tác giả cho rằng, chính những chỉ tiêu do Bộ Giáo Dục đề ra đã “nuôi dưỡng” bệnh thành tích, tạo áp lực cho giáo viên và học sinh.
Bộ Giáo Dục càng đề ra chỉ tiêu và văn bản, thì Bộ càng tạo thêm vấn đề. Tác giả viết“thay vì liên tục ra công văn chấn chỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bãi bỏ hết những chỉ tiêu khống chế như hiện nay, tạo cơ hội cho giáo viên được dạy thật, học sinh được học thật. Được như vậy, giáo dục mới mong được khởi sắc”.
Hành trình của nền giáo dục Việt Nam năm 2018: Giáo dục trên đường tìm lại ý nghĩa đích thực. Ngành giáo dục năm 2017 cho thấy nhiều nỗi buồn hơn niềm vui: “Nạn lạm thu ở trường công, bạo lực học đường giữa học sinh với nhau, và bạo hành trẻ mầm non”. Các trường học đang dần trở thành nơi khởi đầu cho sự tha hoá của tâm hồn. “Điểm đầu vào ngành sư phạm tuột dốc, cử nhân sư phạm thất nghiệp, giáo viên mất việc, tình trạng “chạy” việc tiếp diễn”.
Một giải pháp từ các nước láng giềng: “Nhiều nước Đông Á đã lựa chọn tập trung ngân sách cho giáo dục phổ thông, còn giáo dục ĐH thì chủ yếu dựa vào khu vực tư”. Tuy nhiên, nền giáo dục Việt Nam cần được “chữa bệnh” bởi một giải pháp sâu rộng và toàn diện hơn rất nhiều, để các sinh viên không còn phải mất thời gian học Marx – Lenin trong khi nhà tuyển dụng không cần, để người giáo viên có thể thoải mái truyền đạt kiến thức bên ngoài sách giáo khoa.
Thêm một số tin trong nước: Kẹt xe kéo dài, BOT Ninh An phải xả trạm (TN). – Hình ảnh “nhìn thôi đã mệt”: Thanh niên say bét nhè nằm lăn ra giữa phố đi bộ, trẻ con đi theo bố mẹ vạ vật chờ giao thừa (TĐ/Soha). – Cửa ngõ thủ đô ùn tắc sau nghỉ Tết Dương lịch (VNE). Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng ở TP.HCM đã hoàn thành 65%. – Cao tốc TP.HCM – Trung Lương ‘tê liệt’ vì tai nạn (TN). – Chủ tịch huyện Quốc Oai bỏ nhiệm sở nhiều ngày, không liên lạc được – Ba ngày nghỉ tết Dương lịch: 67 người chết vì tai nạn giao thông (TT). – Vườn hoa hồ Gươm bị ‘san phẳng’ sau đêm giao thừa. – Bất ngờ hoãn phiên xét xử ‘siêu lừa’ Huyền Như(VNN).

Tin quốc tế

Điểm nóng Triều Tiên
Triều Tiên tiếp tục đe dọa Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, VOV đưa tin: Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un luôn có sẵn nút bấm hạt nhân trên bàn. Lãnh đạo Triều Tiên đưa ra lời đe dọa đó trong bài phát biểu năm mới. Kim Chủ tịch nói, “toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm bắn của các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và ‘đây là thực tế chứ không phải lời đe dọa‘”.
Cũng trong bài phát biểu dịp năm mới, Chủ tịch Triều Tiên bất ngờ thân thiện với Hàn Quốc. Trong khi vẫn giữ thái độ hung hăng và hiếu chiến với Mỹ, khi đe dọa “bàn làm việc luôn đặt nút khởi động vũ khí hạt nhân“, thì đối với Hàn Quốc, Kim Jong-un lại có những phát biểu khá thân thiện.
Theo lời ông Kim, Bắc Hàn sẵn sàng đối thoại với Nam Hàn và đối với Thế vận hội mùa đông ở  PyeongChang, Nam Hàn, Bắc Hàn sẵn sàng tham dự. “Chúng tôi đang chuẩn bị để thực hiện các bước, bao gồm cả việc gửi phái đoàn”, ông Kim phát biểu. Những phát biểu hạ nhiệt này sẽ làm tình hình bán đảo Triều Tiên bớt căng thẳng trong thời gian tới. Nhưng ai mà biết được tính khí và những hành động thất thường của Kim Jong-un?
Đối với lời đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, các chuyên gia Mỹ cho rằng:  ICBM của Triều Tiên chưa thể vươn tới đại lục Mỹ. Thông tin này được TTXVN trích dẫn lời ông Robert Manning, thành viên Hội đồng Atlantic ở Washington cho biết: Thời điểm hiện tại, Bắc Hàn vẫn chưa có ICBM mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn đến lục địa Mỹ. Để có thể tấn công Mỹ, Triều Tiên cần khoảng vài năm nữa để phát triển các công nghệ.
Mời đọc thêm: Cảnh báo khủng khiếp của cựu Tướng Mỹ về chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên (NĐT). – Mỹ- Triều Tiên to tiếng ngay đầu năm 2018 (BĐV). – Lãnh đạo Kim Jong-un: vũ khí hạt nhân sẽ ngăn Mỹ gây chiến — Danh sách điện mừng cho thấy Triều Tiên lạnh nhạt với Trung Quốc? (TN). – Tuyên bố “ớn lạnh” ngày đầu năm của Kim Jong-un nhằm vào Mỹ (ĐS&PL). – Nhật Bản nghiên cứu 4 kịch bản chiến tranh với Triều Tiên (TP). – Triều Tiên đặt lãnh đạo Nga lên trước Trung Quốc trong danh sách chúc mừng năm mới (SGGP). – Triều Tiên ‘lách’ lệnh cấm vận quốc tế như thế nào (Zing). – Hàn Quốc phản ứng trái chiều về thông điệp năm mới của ông Kim Jong-un (TTXVN).
Tình hình Trung Đông – Biểu tình ở Iran
TTXVN đưa tin: Palestine triệu hồi đại diện ngoại giao tại Mỹ liên quan đến vấn đề JerusalemThông tin cho biết, ngày 31/12, chính quyền Palestin đã triệu hồi đại diện ngoại giao của họ tại Mỹ Hossam Zomlot để tham vấn. Thông tin trên không cho biết thêm chi tiết về việc này.
Trên VOV có bài phân tích với tựa đề: Điểm nóng Trung Đông thay đổi ra sao sau 1 năm ông Trump cầm quyền?. Bài viết đưa ra vài vấn đề trong chính sách của Mỹ thời TT Trump ở Trung Đông như: Chính sách cứng rắn với Iran; Quyết định công nhận Jerusalem; Những thay đổi nhanh chóng của Saudi Arabia; Những hành động, việc làm của Nga và Mỹ ở Syria.
Tựu chung lại, với các chính sách và giải pháp của chính quyền TT Trump đưa ra ở Trung Đông là “thất sách”, theo đại ý bài viết. Tác giả kết luận “Trong bầu không khí chính trị hỗn loạn và chia rẽ trong nước, Washington đã vội vã “lao đầu” vào tình hình Trung Đông nếu nói nhẹ là “không hề đúng lúc” còn nói nặng hơn là ‘thảm họa’ đối với Mỹ“.
Các cuộc biểu tình làm nhà nước thần quyền Iran khá lo lắng, về chủ đề này Thanh Niên có bài: Căng thẳng leo thang ở IranTheo bài viết, đụng độ giữa những người biểu tình chống chính phủ và những người ủng hộ chính phủ đã xảy ra. Trước đó có tin 2 người biểu tình chống chính phủ đã bị cảnh sát bắn chết và ít nhất 80 người đã bị bắt giữ.
Bộ trưởng Nội vụ Iran Abdolrahman Rahmani Fazli  cảnh báo “Chính phủ sẽ đương đầu với mọi hành động gieo rắc bạo lực, sợ hãi và khủng bố”. Bài viết cũng cho biết thêm, nếu bất ổn kéo dài, Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran cảnh báo sẽ can thiệp.
Năm mới với các nguyên thủ, lãnh đạo thế giới
Trên VOV có bài tổng hợp: Thông điệp “đoàn kết” và “đối thoại” của các lãnh đạo thế giới. Bài viết tổng hợp nhiều phát biểu, lời chúc mừng năm mới của các lãnh đạo thế giới như: Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres; TT Nga Putin; Tổng thống Iran Hassan Rouhani; của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Theo bài viết, tất cả các nhà lãnh đạo trên đều truyền tải thông điệp “đoàn kết” và “đối thoại“.
Trừ Tổng thư ký LHQ Guterres, các nhà lãnh đạo được VOV nêu lên trong bài viết “đều có vấn đề” về chuyện đoàn kết hay đối thoại. Và 3 nhà lãnh đạo của Nga, Iran, Bắc Hàn đều là “chủ nhân” của những điểm nóng nhất hiện nay trên thế giới. Một điều khá hài hước là TT Mỹ và lãnh đạo Trung Quốc không được nhắc đến trong bài tổng hợp này.
Như tin đã đưa, tối qua TT Donald Trum đã gửi thông điệp mừng năm mới, hôm nay trên báo VTC có bài viết chi tiết hơn về chuyện này với nhan đề: Ông Trump chúc mừng năm mới cả kẻ thù và những hãng truyền thông giả mạo.
Vẫn với phong cách lập dị ông Trump tweet: “Khi đất nước chúng ta đang lớn mạnh hơn và thông minh hơn, tôi xin chúc cho tất cả bạn bè tôi, những người ủng hộ tôi, kẻ thù của tôi, những người không thích tôi và thậm chí cả truyền thông giả mạo, một năm mới hạnh phúc và nhiều sức khỏe. 2018 sẽ là năm vĩ đại cho nước Mỹ”.
Trong khi đó, Soha có bài phân tích về thông điệp năm mới của ông Tập Cận Bình với tựa đề: Thông điệp năm mới “bóng bẩy” của ông Tập: Trung Quốc sẽ luôn là nước kiến tạo hòa bình. Bài viết đưa ra những nhận xét, phân tích khá sát  về bài phát biểu của ông Tập. Trích thông điệp của ông Tập Cận Bình “[Trung Quốc] trước sau luôn là nước xây dựng hòa bình thế giới, cống hiến cho phát triển toàn cầu và bảo vệ trật tự quốc tế“.
Theo tác giả, thông điệp của ông tập được đánh giá là “bóng bẩy” và chỉ là “Bảng liệt kê thành tích đơn điệu”. Bài viết đưa ra những bằng chứng, các ý kiến của báo chí và chuyên gia quốc tế quanh các vấn đề đối nội và đối ngoại của Trung Quốc như: Khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tư tưởng Đại Hán, thành tựu kinh tế hay đưa ra những thành tích của Trung Quốc trong vấn đề đối ngoại…
Tuy nhiên, bài viết không quên đưa ra các sự thật phía sau lời phát biểu đó như: Những bất ổn tiềm tàng đối với nền kinh tế Trung Quốc, các chính sách ngoại giao bành trướng với dự án “Vành đai- Con đường”, tranh chấp biên giới với Ấn Độ. Ngoài ra, bài phát biểu của ông Tập còn khá kệch cỡm khi đặt cạnh vấn đề Trung Quốc khai thác, vơ vét và biến Châu Phi thành “thuộc địa kiểu cũ”. Đó là chưa kể sự bành trướng liên tục ở Biển Đông, dùng tiền để gây ảnh hưởng và mua chuộc khắp nơi trên thế giới.

Bản tin tối 1-1-2018