Bản tin ngày 28-12-2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bản tin ngày 28-12-2017

Tin Trong Nước

Tin Biển Đông
Với tham vọng bành trướng trên Biển Đông, sau quá trình quân sự hóa các đảo nhân tạo, Trung Quốc đã bắt đầu màn hai của vở kịch lấn chiếm trên Biển Đông. Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của ĐCS TQ, đã công khai kế hoạch tăng “kích thước của một số đảo… trong tương lai”, và tuyên bố: “Trung Quốc đã mở rộng một cách vừa phải khu vực quần đảo Nam Hải để tăng cường khả năng phòng thủ quân sự trong phạm vi có chủ quyền và cải thiện cuộc sống của người dân sống trên đảo”.
Lý giải về hành động bồi đắp đảo nhân tạo trái phép và những cuộc tuần tra bằng máy bay, tàu chiến trên Biển Đông, Thời Báo Hoàn Cầu cho rằng: “Việc Trung Quốc có thiết bị phòng thủ là một động thái cần thiết” do “phải đối mặt với những đe dọa từ phía Mỹ cùng các nước do lẽ các máy bay chiến đấu thường xuyên ‘thăm viếng’ khu vực này”.
Blogger Phương Thơ đánh giá“Bất kể khi nào ở VN có mâu thuẫn nội bộ ‘đả hỗ diệt ruồi’ phiên bản Trung Quốc mà cụ Tổng Trọng đang thi hành thì vế bên kia là ở Biển Đông thì Trung Quốc nhân cơ hội gặm nhắm dần dần”. Có lẽ đó cũng là một phương diện khác trong “thời cơ bằng vàng” mà Thời Báo Hoàn Cầu đã nhắc đến.
RFI đặt câu hỏi: Tạm lắng năm 2017, liệu Biển Đông sẽ lại dậy sóng trong năm tới?Tình hình chung của Biển Đông năm 2017 quả là “tương đối yên tĩnh”. Tuy nhiên, một loạt hành động quân sự của Trung Quốc trong 2 tháng cuối năm 2017, cho thấy, “tình hình trong năm tới có thể khác đi nếu Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động bành trướng, đe dọa quyền tự do hàng hải”.
Về chuyện Bắc Kinh tranh thủ lúc thế giới chú ý vào khủng hoảng hạt nhân ở Bình Nhưỡng, để thúc đẩy quá trình quân sự hóa Biển Đông, chuyên gia Greg Poling, thuộc trung tâm AMTI, đánh giá: “Trung Quốc được cho là đã thành công, và các hành động lấn lướt của Bắc Kinh trong năm 2017 hầu như không bị ai tố cáo”.
Trang VOV đưa tin: Hơn 200 đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông. Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” lần thứ 9 được tổ chức sáng 27/12/2017 ở Sài Gòn, do Học viện Ngoại giao, phối hợp với Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức.
Trong số hơn 200 đại biểu đến dự hội thảo này, có các chuyên gia, học giả từ các nước liên quan trực tiếp đến tình hình Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, các nước ASEAN, và các quan chức, học giả quốc tế quan tâm đến vấn đề Biển Đông, như các vị đại sứ, đại diện ngoại giao ở Việt Nam.
Tổng Bí thư không muốn lo cả việc Đảng và Chính phủ
Sắp đến ngày Tổng Bí thư dự họp và phát biểu chỉ đạo, báo Chính phủ đánh giá: Sự kiện Tổng Bí thư dự Hội nghị Chính phủ có ý nghĩa lớn. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định: “Đây là sự kiện đặc biệt cho thấy sự nhất quán về quan điểm của Đảng, Nhà nước và trực tiếp là Chính phủ về cách thức tổ chức điều hành, phát triển nền kinh tế”.
Facebooker Nguyễn Anh Tuấn từng đặt câu hỏi: Tổng Bí thư dự họp Chính phủ có phạm luật? Và xác nhận luôn đó là hành vi lạm quyền, không khác gì cách làm việc của “khúc củi” Đinh La Thăng thời còn làm lãnh đạo PVN mà TBT đang đốt trong lò. Chẳng lẽ tất cả các quan chức chính phủ không thấy, hay thấy mà không thể nói, rằng chuyện một lãnh đạo đảng tham dự và chỉ đạo cuộc họp chính phủ là bất thường? Còn nếu xem chuyện này bình thường thì sao còn tách rời Đảng với Chính phủ để làm gì?
Nhân dịp bác Tổng nhặt một loạt củi về đốt lò, báo Zing có bài: Quyết tâm “chỉnh đốn Đảng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong cuộc họp về phòng chống tham nhũng tháng 4/2017, bác Tổng quả thực đã rất quyết tâm “chỉnh đốn Đảng” và ra lệnh “truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước phục vụ điều tra, xử lý vụ án”. Lực lượng an ninh đã “quyết tâm” hoàn thành nhiệm vụ, bất chấp vi phạm luật pháp Đức.
Tác giả ghi nhận: “Tại cuộc họp vào tháng 4/2017, Tổng bí thư hoan nghênh Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng VKSND Tối cao và TAND Tối cao khi phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương”. Vậy là nhờ có chiến dịch chống tham nhũng này, bác Tổng đã nắm chặt cả ba nhánh quyền lực: lập pháp, tư pháp, hành pháp, lẫn Quân ủy Trung ương.
Báo Người Việt bình luận: ‘Người ta tưởng mình người Trung Quốc’. Trong bài có đoạn: “Ở nước ta hiện giờ chỉ có ông Nguyễn Phú Trọng đang lo chống tham nhũng theo lối Tập Cận Bình: Đả hổ trước! Đả Đinh Cao La Thăng, đả Nguyễn Văn Bình, vân vân, giống như Tập Cận Bình đã diệt Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu! Sẽ có ngày anh Ba Ếch phải khuyên Nguyễn Phú Trọng bằng cách ghé tai nói nhỏ: ‘Đừng đả hổ nữa! Người ta lại tưởng anh người Trung Quốc’!”.
Chiến dịch của ông Tập đến giờ đã rõ: chống tham nhũng không phải là chính, tập trung quyền lực vào một cá nhân mới là trọng điểm. Hy vọng bác Tổng không quá mải mê học tập “bạn vàng, bạn tốt”.
Báo Đảng vs mạng xã hội
Trong hội nghị báo chí toàn quốc, tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 tổ chức ngày 26/12/2017 ở TP HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ 4T, Hội Nhà báo Việt Nam đã xác định nhiệm vụ: Tập trung chấn chỉnh báo chí. Thứ trưởng bộ 4T Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, “sự phát triển của mạng xã hội tác động tiêu cực đến hoạt động báo chí”.
Các quan chức lo việc thông tin, tuyên truyền đã bàn đến một số giải pháp như “dành nhiều nguồn lực hơn cho báo chí điều tra”, “xây dựng những “liên minh báo chí” để bảo vệ bản quyền”, “nâng cao chất lượng thông tin báo chí”. Họ vẫn làm ngơ giải pháp có thể chữa vấn đề từ gốc, đó là ngưng giới hạn quyền tự do báo chí, chấm dứt hiện tượng “có hàng trăm tờ báo nhưng chỉ một tổng biên tập”.
Đánh giá công tác thông tin trong hoạt động tuyên truyền năm 2017, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng BTG Trung ương tuyên bố: “Mọi thông tin quan trọng về đất nước đều là thông tin đối ngoại“. Ông Thưởng nói rằng “thành tựu” mà bộ máy tuyên truyền của Đảng đã đạt được trong lĩnh vực đối ngoại, biển đảo, biên giới đất liền đã góp phần “tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước,… phản bác thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch”.
Dường như ông Thưởng đang bị mộng du. “Thành tựu” kiểu gì mà lãnh thổ, lãnh hải ngày càng teo tóp, ngư dân ngày càng bị mất ngư trường truyền thống, phải mò qua các nước láng giềng như Malaysia; qua Philippines đánh cá rồi bị bắn chết, tới vùng biển giáp ranh với indonesia đánh cá và bị bắt ra tòa, hay qua tận Thái Bình Dương đánh bắt trộm?
TS Chu Mộng Long giải thích: Thế nào là thông tin xấu? Theo ông Long, thông tin xấu là thông tin hoặc “dối trá cả hai mặt”, hoặc “kích động bạo lực”, hoặc “tuyên truyền, khuếch trương” văn hóa phản dân chủ và dân trí. Theo các nghĩa này, đa phần các bài viết phổ biến quan điểm, tư tưởng của truyền thông nhà nước lại là thông tin xấu, vì nội dung tuyên truyền cho thể chế chính trị độc đảng, “kìm hãm sự phát triển của đất nước”, điển hình là lời nói dối của truyền thông nhà nước về “đường về” của Trịnh Xuân Thanh.
Ông Long viết, “thông tin tốt là thông tin có lợi cho dân, cho nước chứ không phải có lợi cho một nhóm lợi ích nào đó”. Nói cách khác, các trang mạng xã hội và báo độc lập, phần lớn cung cấp thông tin đúng và đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu của người dân, muốn biết hiện tình đất nước Việt Nam.
Về “lực lượng 47” với 10.000 thành viên chuyên làm nhiệm vụ tuyên truyền, TS Chu Mộng Long đặt câu hỏi: Dư luận viên hay đội quân đi chửi lộn? Tác giả cho rằng, nếu những “chiến sĩ” tuyên truyền này chỉ có thể “tranh luận” bằng ngôn ngữ không đúng đắn, thì đấy là chuyện rất phản cảm, “đội quân do lực lượng chuyên chính nuôi không thể là đội quân làm nghề chửi thuê, đe dọa một cách vô học, du côn. Điều ấy nếu có thật thì chỉ có thể là sự tự bôi nhọ vào tư cách của chính mình”.
Đường dây củi tẩm dầu trong lò
Sau khi an ninh hoàn tất kết luận điều tra và ra quyết định khởi tố trong thời gian chưa đầy 2 tuần, đến lượt phía tòa án công bố: Ông Đinh La Thăng sẽ bị xét xử vào ngày 8/1. Đó cũng là ngày “định mệnh” của 21 bị cáo còn lại trong đường dây “củi vào lò”, chịu trách nhiệm về những sai phạm trong đại án chính trị – kinh tế ở PVN và PVC.
Theo thông tin từ Tòa án và Việt kiểm sát ND Hà Nội, “ông Thăng có bốn luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Ông Trịnh Xuân Thanh… có bảy luật sư”. Tòa sẽ làm việc về hành vi vượt quyền, lạm quyền của ông Thăng, ông Thanh và những đồng phạm gây thất thoát tài sản công ở PVN và PVC.
Về hiện tượng vụ án tham nhũng ở PVN diễn ra với tiến độ “thần tốc” từ khâu điều tra đến khởi tố và xét xử, trang BBC bình luận Vụ xử ông Đinh La Thăng “càng nhanh càng không hay”? Trả lời phỏng vấn BBC, LS Nguyễn Khả Thành cho rằng: “Tuy vậy, thực tế thì tôi thấy việc này làm càng nhanh thì không bảo đảm lắm, không hay”, bởi vì tòa sẽ phải làm việc rất khẩn trương.
Truyền thông trong nước những ngày gần đây liên tục đưa tin chi tiết về các tội danh của ông Thăng và 21 bị cáo còn lại trong vụ án tham nhũng ở PVN, luật sư Thành nhận định, “chỉ có tòa án mới có thể đánh giá hành vi phạm tội của hai ông Thăng, ông Thanh đến đâu, chứ việc các báo Việt Nam đăng những bản tin kết tội hai ông này trước phiên tòa là không nên”.
Thông Tấn Xã VN đưa tin, phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh: 45 luật sư đăng ký bào chữa. Trong phiên tòa sắp diễn ra đầu năm 2018, ông Đinh La Thăng sẽ có 3 luật sư bào chữa, ông Trịnh Xuân Thanh có 9 luật sư bào chữa. “Tham dự phiên tòa có hai nguyên đơn dân sự là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), sáu giám định viên và 60 người tham gia tố tụng”.
VOA đưa tin: Việt Nam sẽ xử ông Đinh La Thăng vào ngày 8/1. VOA dẫn nguồn từ hãng tin AP: “Ông Thăng là cựu Ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị đề nghị truy tố trong nhiều thập niên qua. Trước đó vào năm 1980, ông Hoàng Văn Hoan, cựu ủy viên Bộ Chính trị và cựu Phó Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, đã bị kết án tử hình vắng mặt về tội phản bội sau khi đào thoát ra nước ngoài”.
Truy tố ông Đinh La Thăng - Ảnh 1.
“Củi mạ nhôm” và chuyện bất thường của ngành an ninh
Về hiện tượng Vũ “nhôm” chạy thoát trước khi an ninh kịp giăng lưới, nhà báo Trân Văn nhận định: Khi an ninh, tình báo được mang đi … bán lẻ. Tác giả nói thẳng, chuyện Vũ “nhôm” lọt lưới là “hồi chuông báo tử cho tương lai quốc gia và vận mệnh dân tộc khi an ninh, quốc phòng được đem ra bọc những thương vụ đặc biệt”. Những vụ bê bối an ninh như trường hợp Vũ “nhôm” cho thấy công an, quân đội đã để chuyện kinh tế làm sao lãng nghiệp vụ bảo mật thông tin nội bộ.
Trong khi các tướng tá cố sức bảo vệ chuyện quân đội làm kinh tế, Bộ Quốc phòng đã phải bắt Thượng tá Út “trọc”, tức Đinh Ngọc HệSự tha hóa trong quân đội đã diễn ra từ các thập niên trước, khi “hàng loạt công thần của hệ thống công quyền Việt Nam, trong đó có hàng chục ông tướng, kể cả ông Võ Nguyên Giáp, liên tục đòi xử lý Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng vì những sai phạm tương tự, song kết quả cuối cùng chỉ là tướng Nguyễn Chí Vịnh thôi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo quân đội để đảm nhận vai trò… Thứ trưởng Quốc phòng.
Báo Người Lao Động đưa tin: Ai đã đồng ý bán nhiều nhà, đất công sản về tay Vũ “nhôm”? Tác giả cho biết, “nhà, đất công sản mà UBND TP Đà Nẵng bán cho Vũ ‘nhôm’ trải qua các đời chủ tịch, nhưng bán nhiều nhất là thời kỳ ông Trần Văn Minh làm chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, từ 2006 đến tháng 7-2011”.
Lò của bác Tổng cũng có lúc “giơ cao đánh khẽ”
Về chuyện “thái tử Đảng” Lê Phước Hoài Bảo, Bộ Nội vụ chưa trả lời việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo “đúng quy trình”. Gần một tuần sau ngày lãnh đạo Bộ Nội vụ yêu cầu Vụ Công chức – Viên chức báo cáo về trường hợp ông Hoài Bảo, đến nay người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ ông Bảo được bổ nhiệm “đúng quy trình” làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam.
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, “ngay sau khi có thông tin báo chí phản ánh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã chỉ đạo Vụ Công chức – Viên chức báo cáo lại Bộ trưởng việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nội vụ làm việc với tỉnh Quảng Nam vào thời gian đầu tháng 10/2015 đối với trường hợp bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo”. Nghĩa là hơn 2 năm sau khi vấn đề ông Hoài Bảo được dư luận chú ý, Bộ Nội vụ vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Báo Dân Trí đưa tin về “chuyện lạ” ở Bắc Giang:  Sau sai phạm nghiêm trọng, cán bộ lãnh đạo huyện cùng thăng chức! Một nhóm quan chức ở UBND huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã cùng nhau “ ‘hợp thức hóa’ hành vi khai thác khoáng sản trái phép”.
Sau sai phạm, họ đã phải chịu trách nhiệm bằng cách… cùng được thăng chức! “Tuy nhiên, sau những sai phạm nghiêm trọng trên, ông La Văn Nam từ Phó Chủ tịch UBND huyện đã được bổ nhiệm làm Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Ngạn, ông Cao Văn Hoàn từ Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch thường trực huyện Lục Ngạn”.
Khi người Thái chiếm hữu hàng Việt
Nhân dịp Nhà nước Việt Nam “bán lúa giống” ở Sabeco để có tiền bù đắp ngân sách, trang Zing có bài tổng hợp: Người Thái đã mua những gì ở Việt Nam? Đến giờ, tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã sở hữu 53,59% cổ phần của Sabeco và 19,06% vốn của Vinamilk, “2 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất Việt Nam”.
Từ năm 2013 đến năm 2015, Tập đoàn Berli Jucker (cũng do tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi sở hữu gián tiếp) lần lượt thâu tóm Phú Thái Group (từ tay Công ty cổ phần Thái An Việt Nam) và hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam (từ Tập đoàn Metro của Đức), và trở thành ông chủ của 2 hệ thống bán lẻ ở Việt Nam. Năm 2016, đến lượt tập đoàn Central Group (thuộc sở hữu của gia tộc tỷ phú Thái Lan Chirathivat) mua lại toàn bộ hệ thống 33 siêu thị, trung tâm thương mại BigC Việt Nam.
Về thương vụ Sabeco, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Sài Gòn bình luận, “Sabeco là thâu tóm doanh nghiệp, nên 5 tỷ USD chưa là gì cả”. Khác với truyền thông nhà nước thường tuyên bố “không lo mất thương hiệu”, ông Hưng đã nói thẳng bản chất của vấn đề: thương hiệu của một doanh nghiệp sở hữu 50% thị trường bia Việt Nam đã về tay người Thái.
Nhân quyền ở Việt Nam
Dân Làm Báo đưa tin: Blogger Nguyễn Ngọc Già ra tù. Blogger Nguyễn Ngọc Già, tức Nguyễn Đình Ngọc, bị bắt ngày 27/12/2014, với cáo buộc vi phạm điều 88, tội “tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Phiên toà sơ thẩm cuối tháng 3/2016 kết án ông 4 năm tù giam, 3 năm quản chế, phiên phúc thẩm vào ngày 5/10/2016 đã giảm án xuống còn 3 năm tù giam, 3 năm quản chế. Ông Nguyễn Ngọc Già ra tù vào sáng 27/12/2017.
Một người dân ở Đồng Nai trắng tay vì bị cưỡng chế lúc cận Tết. Đó là ông Nguyễn Quốc Doanh ở phường Tam Hiệp, TP. Biên Hòa, Đồng Nai. Năm 1988, ông tin vào chủ trương “trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc” của Chính phủ nên đã cùng gia đình và một số quân dân khai phá một mảnh đất ở phường Long Bình, TP. Biên Hòa.
Ngày 9/10/2014, đơn vị thi công Công trường Amata đưa người đến cắm mốc trong khu đất của ông và các hộ dân đang canh tác. Ông Doanh và các hộ dân đã làm đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng. Gần 3 năm trôi qua, chính quyền không những không xem xét giải quyết thỏa đáng, mà còn đưa lực lượng cưỡng chế đến tịch thu tài sản, hoa màu trên đất của ông Doanh vào ngày 16/1/2017.
Ông Doanh cho biết, “tổng giá trị thiệt hại mà gia đình ông gánh chịu trong lần cưỡng chế này tới gần 10 tỉ đồng”. Và từ đó đến nay, “ông Doanh và các hộ dân đã làm đơn khiếu nại gửi nhiều các cơ quan chức năng của Đồng Nai”, nhưng các cơ quan hữu trách vẫn làm ngơ.
LS Lê Văn Luân đánh giá, đây là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng“Vụ việc cực kỳ nghiêm trọng, có dấu hiệu lạm dụng quyền hạn và huỷ hoại tài sản (có giá trị rất lớn, khoảng 10 tỷ đồng) của người dân. Hãy thực hiện luôn từ lúc này nếu không thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính (01 năm) sẽ hết (còn rất ít, tính từ tháng 01/2017)”.
“Chú phỉnh” Đào Minh Quân
Tiếp tục phiên xử 16 thành viên nhóm bạo động của “Thủ tướng tự phong” Đào Minh Quân. Sau phiên xử chóng vánh, diễn ra chưa tới hai ngày: Nhóm đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất lãnh án nặng. Tổng số án đã tuyên: 129 năm tù, 51 năm quản chế và 18 tháng tù treo, trong đó, Đặng Hoàng Thiện lãnh án cao nhất: 16 năm tù và 5 năm quản chế.
Ảnh tại phiên tòa xét xử ngày 27/12/2017. Nguồn: Zing
VOV dẫn nguồn tin từ phía tòa án và VKS cho biết, các bị cáo phải bồi thường cho Công an thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai “số tiền gần 1,3 tỉ đồng do đốt kho xe vi phạm, gây huỷ hoại 320 chiếc xe các loại”. Trong phần xét hỏi, các bị cáo vẫn khẳng định họ không “khủng bố chính quyền nhân dân”.
Không có văn bản thay thế tự động nào.
Kết quả phiên tòa xét xử nhóm “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”. Ảnh: LS Nguyễn Văn Miếng
Bất cập chuyện dự án giao thông ở Việt Nam
Trang Người Lao Động đưa tin: Gần 3 năm, làm không xong 1 km đường! Đó là đoạn đường Hoàng Văn Thái, nối đường Phạm Như Xương ở TP Đà Nẵng. Dự án thi công đoạn đường này có tổng kinh phí đầu tư hơn 30 tỉ đồng, trải qua 3 năm triển khai, vẫn “dở dang và chưa biết khi nào hoàn thành”. Trong khi đó, dân địa phương và sinh viên Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng “hằng ngày phải đi lại trên đường cũ đã xuống cấp”.
Một người dân địa phương chia sẻ, gia đình ông đã hiến 50% giá trị đất đai sau khi kiểm kê để chính quyền mở rộng đường từ năm 2015, đến nay dự án vẫn chưa xong. “Đoạn đường từ khu vực chợ Hòa Khánh Nam đến đầu đường Hoàng Văn Thái vẫn nham nhở ổ voi, ổ gà vì xuống cấp nghiêm trọng”.
Ôi Cát Linh – Hà Đông!
Lao Động có bài: 3 tỷ USD smartcity và hiện thực 135 phút cho quãng đường 3km. Mất hơn hai tiếng đồng hồ để di chuyển trên quảng đường 3km, vì dự án dường sắt Cát Linh – Hà Đông nằm trên đường phố như những đống rác, thì những bức vẽ bậy graffiti dường như để nhắc nhở lãnh đạo Hà Nội rằng, không thể biến một “thành phố rác” như Hà Nội thành một TP thông minh!
Tác giả viết: “Nhưng muốn một TP thông minh, nó ít nhất phải… bình thường đã. Cũng như muốn không có những bức graffiti nổi loạn, muốn không có rác đô thị thì phải bắt đầu bằng việc dẹp bỏ, hay lắc đầu với những bức tường rác, những đoàn tàu rác, những công trình rác“.
Trang Một Thế Giới có bài: Đừng để mất bò mới lo… Một vị lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, phân trần: “Ga Cát Linh hằng ngày được bố trí lực lượng bảo vệ đoàn tàu và các thiết bị của nhà ga. Tuy nhiên chúng tôi chưa rõ việc vẽ bậy đã diễn ra như thế nào”. Thế thì đừng có mơ biến Hà Nội thành TP thông minh hay hiện đại như Paris nữa.
Bất cập trong cách tính lương hưu mới
Ngày 25/12/2017, báo Người Lao Động đưa tin: Lao động nữ vẫn sẽ bị giảm lương hưu từ 1-1-2018? Từ đó đến nay vẫn không có chuyển biến gì mới, một số người trong cuộc bày tỏ tâm trạng hy vọng rồi thất vọng. Một phụ nữ đang làm tại một bệnh viện ở quận 5, chia sẻ: “Tôi tham gia Bảo hiểm xã hội từ năm 1995, tại sao lại bắt buộc phải thực hiện quy định của điều luật ban hành sau thời điểm ấy hơn 20 năm? Nếu được quyền lựa chọn, tôi sẽ không tham gia BHXH vì có cảm giác mình bị lừa”.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng chỉ có khoảng 21.000 lao động nữ bị ảnh hưởng bởi cách tính lương hưu mới. Đó là sự ngụy biện, bởi “ngay cả những người đóng đủ 30 năm trở lên vẫn bị thiệt thòi vì khoản trợ cấp BHXH một lần cho thời gian đóng BHXH dư ra đã bị giảm sút”. Khi chính sách lương hưu mới có hiệu lực vào ngày đầu tiên của năm 2018, ít nhất 50.000 lao động nữ sẽ bị ảnh hưởng ngay tức khắc, sau đó mọi người lao động nữ đều phải chịu sự bất công này.
Kiếp làm nông ở Việt Nam
Báo Pháp Luật TP HCM đánh giá: Một năm buồn với nhiều nông sản Việt. Theo thông tin từ Bộ NN & PTNT, trong năm 2017, giá cà phê nội địa có xu hướng giảm dần, giá hạt tiêu cũng biến động theo hướng giảm, giá thịt heo không chỉ thấp mà còn khiến người chăn nuôi “vẫn lỗ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/con, nhiều trang trại phải treo chuồng, giảm đàn nhưng vẫn thua lỗ vì giá heo không phục hồi”.
VOV đưa tin: Hàng tấn trái mãng cầu ở Hậu Giang tới kỳ thu hoạch chưa được thu mua. Đó là nghịch lý đang diễn ra ở Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Bão số 16 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới đã gây mưa lớn trên diện rộng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của địa phương này, nên Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Tiến Thịnh tạm dừng hoạt động, không thu mua nông sản của người dân. Trước đó, công ty này đã ký hợp đồng bao tiêu trái mãng cầu với giá 15 ngàn đồng/kg đối với các thành viên Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hòa Mỹ.
Đề xuất cải tiến chữ “Tiếw Việt”
Báo Người Việt đưa tin Ông Bùi Hiền hoàn thiện tiếng Việt ‘hoàn chỉnh nhất’. Trước đấy, ông Hiền cải tiến “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt”, giờ ông hoàn thiện thành “Tiếw Việt”. Ông từng nói sẽ công bố công trình với giới ngôn ngữ học tại hội nghị khoa học vào tháng 3/ 2018, nhưng mới đến ngày 26/12/2017, ông Hiền đã công bố toàn văn nghiên cứu cải tiến chữ tiếng Việt mà theo ông sẽ giúp mọi người “dễ học”, “dễ đọc”.
PGS. TS. Bùi Hiền tự tin tuyên bố với báo giới trong nước: “Tôi vẫn kiên định với công trình của mình, vì những gì tôi nghiên cứu sẽ giúp cho tiếng Việt trở nên hoàn chỉnh nhất. Theo đó, mỗi chữ cái chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái biểu đạt, không còn tình trạng nhầm lẫn khi viết, khó khi học”.
Về quá trình biến đổi “Tiếq Việt” thành “Tiếw Việt”, báo Người Lao Động bình luận: Ga-li-lê, Bùi Hiền và “Tiếw Việt”. Tác giả mượn chuyện Ga-li-lê không phải để đề cao sự “kiên trì” của ông Bùi Hiền, mà để chứng minh lập trường không nhất quán đã khiến công trình ngôn ngữ của ông không có tính khả tín.
“Ga-li-lê kiên định, đến chết vẫn bảo lưu học thuyết của mình. Còn ông Bùi Hiền, sau khi đề xuất (phần 1) bị công chúng phản ứng, ở phần 2 đầy đủ hơn lần này, ông đổi ngay “Tiếq Việt” thành “Tiếw Việt””. Ông Hiền đổi như vậy vì “trong một văn bản có quá nhiều chữ q đứng cuối thì nhìn sẽ… chướng mắt”.

Tin Quốc Tế

Các vấn đề Bắc Hàn
Trang Đời Sống & Pháp Luật có bài: Linh kiện sản xuất tên lửa được Triều Tiên mua từ đâu? Bài viết có đoạn, “những cơ sở sản xuất thiết bị quân sự của Bình Nhưỡng đã sử dụng các công ty đăng ký trên giấy tờ ở Hong Kong để mua thiết bị định vị toàn cầu GPS, ăng ten và các linh kiện tên lửa khác của các doanh nghiệp Trung Quốc”.
Bài báo phân tích các dữ kiện được Nam Hàn và Mỹ đưa ra và các bằng chứng khác để đi đến kết quả: Các công ty của Trung Quốc đứng sau việc cung cấp các thiết bị như: GPS, ăng ten, các linh kiện tên lửa, linh kiện cho công nghệ hạt nhân của Bắc Hàn…
Lâu nay thế giới vẫn nghi ngờ Triều Tiên vì với một đất nước nghèo đói, lạc hậu và thiếu thốn như vậy, làm sao có thể phát triển các công nghệ “tốn kém” như công nghệ tên lửa, vũ khí hạt nhân? Đặc biệt trong bối cảnh Bắc Hàn liên tục đối mặt với các lệnh trừng phạt liên tiếp của Mỹ và LHQ. Câu trả lời đã phần nào được hé mở: Nhờ Trung Quốc và các công ty Trung Quốc.
Cũng bàn tay Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, báo Tuổi Trẻ có bài: Mỹ phát hiện 30 lần tàu Trung Quốc bán dầu cho Triều Tiên. Còn trên VTC cho biết: Báo Hàn trưng ảnh vệ tinh cho thấy tàu Trung Quốc bán dầu trái phép cho Triều Tiên. Cả 2 bài viết đều tập trung vào những hình ảnh, bằng chứng cho thấy: Từ tháng 10/2017 đến nay, các tàu của Trung Quốc đã 30 lần bán dầu cho các tàu chở dầu của Bắc Hàn.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc thì: Trung Quốc đã không xuất dầu sang Triều Tiên trong 2 tháng trở lại đây. Với những bằng chứng, hình ảnh được Mỹ và Nam Hàn đưa ra trong 2 bài viết nói trên, rất có thể sẽ bị Bắc Kinh chối bỏ: Đó là buôn lậu. Trung Quốc và Nga, lâu nay vẫn bị cho là âm thầm bằng cách này hay cách khác “hỗ trợ”, giúp Triều Tiên sống sót và quậy phá.
Xin trích đoạn từ 2 bài viết vừa nêu để cùng làm sáng tỏ vấn đề: “Tuy nhiên những vi phạm nghị quyết này rất khó phát hiện, nếu không muốn nói là không thể, trừ khi chính quyền Trung Quốc kiên quyết ngăn chặn” Và “những cấm vận bổ sung đối với Triều Tiên nhằm đáp trả các khiêu khích nếu có sau này sẽ trở thành vô ích nếu hoạt động buôn lậu trái phép tiếp tục”.
Liên quan đến chuyện người Bắc Hàn chạy trốn sang Nam Hàn, VOA có bài: Người đào tị Triều Tiên bị phơi nhiễm phóng xạ? Tác giả cho hay, “Chính phủ Hàn Quốc hôm thứ Tư 27/12 nói rằng ít nhất có 4 người đào thoát từ Triều Tiên sang Hàn Quốc có dấu hiệu bị phơi nhiễm phóng xạ”. Phía Nam Hàn cho biết, cả 4 người Bắc Hàn bị phơi nhiễm phóng xạ đều sống gần khu vực Punggye-ri, nơi Bắc Hàn tiến hành các thử nghiệm hạt nhân.
Tin nước Mỹ
Trang Một Thế Giới có bài phân tích: Donald Trump bị trách làm Mỹ mất ngôi bá chủ thế giới. Bài viết thống kê những hành động, phát biểu, chính sách của ông Trump làm mất uy tín của nước Mỹ và qua đó mất đi vị thế “bá chủ thế giới”. Những chỉ trích này do ông Nicholas Burns, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ thời TT George W. Bush, cùng đảng Cộng Hòa với ông Trump, đưa ra dịp cuối năm.
Ông Burns chỉ trích ông Trump quanh các sự kiện và hành động như: Rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu 2015, rút khỏi TPP, buộc các nước trong NATO đóng góp ngân sách nhiều hơn, “gây hấn” với Iran, và mới đây nhất là việc Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Những chỉ trích nhắm vào Donald Trump còn liên quan đến chuyện khoảng 60% các đại sứ Mỹ đã nghỉ làm trong năm 2017 và còn 74 đại sứ chưa có người nắm giữ. Tỉ lệ ủng hộ Donald Trump cũng giảm sút đáng kể. Theo bài viết, “chỉ có 36% cử tri nói họ sẽ dứt khoát hoặc có thể bỏ phiếu cho ông, nếu ông tái tranh cử; 52% nói sẽ bỏ phiếu cho một ứng viên đảng Dân chủ”. 
Tuổi Trẻ giật tít: Ông Trump bật đèn xanh, doanh nghiệp Mỹ hăng hái kiện tụng. Bài viết đề cập đến trào lưu kiện đối thủ nước ngoài của các công ty Mỹ, do ông Trump bật đèn xanh qua chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Bài viết tổng kết: Tần suất kiện tụng cao nhất trong 15 năm qua.
Tác giả cho biết, hiện các doanh nghiệp Mỹ đang kiện tụng 29 quốc gia (gồm cả Việt Nam), trong các tranh chấp thương mại. Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, “chúng tôi đã thông báo đến các doanh nghiệp Mỹ rằng chúng tôi sẽ cứng rắn hơn bất cứ chính quyền nào trước đây” và “mọi người biết chúng tôi sẽ đứng về phía người lao động Mỹ chống lại thương mại bất công”.
Cũng là chuyện kiện tụng ở Mỹ, nhưng lần này bị đơn là Lầu Năm Góc, thông tin này được VnExpress chạy tiêu đề: Ba thành phố Mỹ kiện Lầu Năm Góc. Vụ kiện từ New York, Philadelphia và San Francisco nhằm vào Bộ Quốc phòng Mỹ vì “nhiều quân nhân không đủ điều kiện sở hữu súng lọt qua hệ thống kiểm tra lý lịch quốc gia”. Bộ Quốc Phòng Mỹ bị cho là đã không báo cáo về việc kết án các binh sĩ cho FBI và cơ sở kiểm tra lý lịch quốc gia.
Những vụ kiện này nhắm đến Bộ Quốc phòng Mỹ trong làn sóng phản đối chuyện quản lý súng đạn, sau hàng loạt các vụ xả súng có liên quan đến cựu quân nhân Mỹ. Theo các nguyên đơn, Bộ Quốc phòng phải chịu trách nhiệm một phần về các vụ xả súng gần đây.
Chuyện nước Nga
Chuyện khôi hài: Moscow cáo buộc Mỹ can thiệp bầu cử Nga, báo Đời Sống & Pháp Luật đưa tin. Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại khi Uỷ ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) loại bỏ ứng viên độc lập Alexei Navalny, trong cuộc bầu cử tổng thống ở Nga sắp tới.
Dẫn nguồn từ Facebook của bà Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, nói rằng: “Lời tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ là sự can thiệp trực tiếp vào quá trình bầu cử cũng như trong công việc nội bộ của nhà nước Nga“.
Cũng xin nói thêm, Nga đang bị cơ quan FBI và công tố viên độc lập Robert Mueller điều tra về chuyện can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, bằng cách tung tin giả, giúp ông Donald Trump thắng cử.
Tình hình Trung Đông
Tình hình Trung Đông, đáng chú nhất là việc Ngoại trưởng Nhật Bản, ông Taro Kono thăm Jerusalem. Trên VOV có 2 bài viết về sự kiện này với nhan đề: Nhật Bản sẽ không chuyển Đại sứ quán tại Isael tới Jerusalem và Nhật Bản công bố gói viện trợ 40 triệu USD cho Palestine.
Trong chuyến thăm thị trấn Jericho, Bờ Tây, ông Kono đã công bố gói viện trợ 40 triệu USD cho Palestine. Trong khi đó, tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Jordan, Ayman Safadi, Ngoại trưởng Nhật Bản cam kết sẽ không chuyển đại sứ quán nước này tới Jerusalem. Hành động này của Nhật Bản phần nào làm dịu bớt những căng thẳng trong khu vực chưa bao giờ yên ổn này.
Báo Pháp Luật TPHCM có bài tổng hợp: Lực lượng thân Iran áp sát biên giới Israel, Lebanon. Bài viết cho hay, các lực lượng quân sự thân Iran và của Hezbollah đang kiểm soát dần khu vực rộng lớn, sát biên giới với Israel, Lebanon ở cao nguyên Golan phía Syria.
Syria đang là nơi hiện diện của nhiều lực lượng: Phong trào đòi dân chủ và Mỹ một bên, bên còn lại gồm Nga, quân đội của Chính phủ của Bashar al-Assad, Hezbollah cùng các lực lượng quân sự thân Iran. Israel không muốn các lực lượng do Iran hậu thuẫn và Hezbollah áp sát biên giới của họ, vì thái độ thù địch của 2 lực lượng này đối với nhà nước Do Thái sẽ gây ra những tiềm ẩn an ninh cho Israel.
Trung Quốc và những biến động
Trên VnExpress có bài viết đáng chú ý với nhan đề: Trung Quốc sắp sửa hiến pháp, định hướng chống tham nhũng. Theo bài viết: “Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ họp vào tháng 1/2018 để thảo luận về sửa đổi hiến pháp và cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra”. Khoan bàn tới câu chuyện ngược đời “đảng thảo luận sửa đổi hiến pháp“, mà hãy nhìn vào những sửa đổi nhằm “chống tham nhũng” rầm rộ ở Trung Quốc và mới đây Việt Nam cũng học tập, làm theo.
Theo bài viết, Bắc Kinh muốn thành lập các ủy ban giám sát và cấp cơ chế, quyền lực cho nó vận hành. Ủy ban Giám sát Quốc gia sẽ là một siêu cơ quan (có lẽ chỉ dưới Tập Cận Bình), Ủy ban này sẽ tiếp quản Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và hợp nhất nhiều đơn vị chống tham nhũng trước đây. Việc hợp nhất này sẽ cho phép siêu cơ quan này có thể điều tra tham nhũng cả bên nhà nước và bên đảng.
Công cuộc chống tham nhũng được làm quyết liệt từ năm 2012 tại Trung Quốc, Việt Nam học làm theo từ năm 2017, được giới phân tích đánh giá là có chống tham nhũng nhưng mục đích lớn nhất vẫn là thanh trừng nội bộ và củng cố quyền lực, quyền lợi của đảng cộng sản cùng với các cá nhân trong đảng.
Một bước đi khác nhằm củng cố ngai vị độc tôn của ông Tập Cận Bình được VOA đưa tin: Quân ủy Trung ương Trung Quốc kiểm soát Lực lượng Vũ trang. Theo bài viết, từ ngày 1/1/2018 Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của Quân ủy Trung ương, chứ không do Chính phủ hay Quốc hội nắm giữ nữa.
Quân ủy Trung ương là cơ quan của đảng cộng sản Trung Quốc, hiện ông Tập đang là  người đứng đầu Quân ủy Trung ương trong cương vị Chỉ huy trưởng Lực lượng vũ trang và là Tổng tư lệnh. Vốn trước đây chỉ nắm quân đội, nhưng có lẽ nhằm bảo vệ ngai vàng của mình, “Tập hoàng đế” đã phải kiểm soát luôn lực lượng, công cụ chuyên dùng đàn áp trong nước này.
Bài viết cho biết, “lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân vẫn giữ chức năng riêng biệt, và không sáp nhập vào Quân đội Giải phóng Nhân dân”. Qua hành động nắm mọi công cụ, quyền lực bạo lực trong tay, ông Tập sẽ bảo vệ vững vàng ngai vị của mình và quyền lợi phe phái mình một thời gian dài nữa. Câu hỏi đặt ra là bao giờ Đảng Cộng sản Việt Nam bắt chước việc này?
Trung Quốc tiếp tục đe dọa Đài Loan, VOA có bài: Trung Quốc bảo Đài Loan hãy quen dần với các cuộc diễn tập quân sự. Thái độ thù địch, ngang ngược và quá hung hăng của Bắc Kinh được bài viết trích dẫn: “Trung Quốc hôm thứ Tư nói Đài Loan sẽ quen dần với những cuộc diễn tập của không quân Trung Quốc bao quanh hòn đảo này”.
Các cuộc tập trận “bao vây đảo” được truyền thông nhà nước Trung Quốc phát đi rộng rãi. Nhật Bản, Nam Hàn, Mỹ cũng đang theo dõi rất sát các cuộc tập trận không quân liên tục của Trung Quốc, nhằm đe dọa Đài Loan thời gian qua. Bài viết có đoạn, “Trung Quốc xem Đài Loan là lãnh thổ thiêng liêng của mình và chưa bao giờ từ bỏ ý định sử dụng vũ lực để quy phục hòn đảo”.

 

Các tin quốc tế khác: Sau tất cả, Thủ tướng Angela Merkel sẽ bước qua “lời nguyền 10 năm”? (NĐT). – Thủ tướng Hun Sen nói sẽ tại vị thêm 10 năm nữa(RFA). – Chẳng có gì vĩnh viễn (TN). – Khủng hoảng người tị nạn Rohingya còn kéo dài (VOA). – Myanmar đưa nhà báo Reuters ra tòa (RFA).  – Tố cáo Tổng thống Argentina phản quốc, công tố viên bị giết (MTG). – Achentina : Tư pháp nghiêng theo hướng thẩm phán Nisman bị sát hại (RFI).  – Tây Ban Nha rút dần cảnh sát khỏi Catalonia    Căng thẳng leo thang ở biên giới Ấn Độ – Pakistan (TN).  – Peru: Đương kim tổng thống bị cô lập sau khi ân xá người tiền nhiệm (RFI). – Chính phủ Ukraina và phe ly khai bắt đầu đợt trao đổi tù binh lớn nhất (LĐ). – IS kêu gọi tấn công hộp đêm, nhà thờ trong dịp đón năm mới (ĐS&PL). – 12 nghi can IS bị bắt giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ (GT). – Đụng độ đẫm máu tại Nam Sudan làm gần 40 người thương vong (TTXVN). – Nổ đường ống dẫn dầu tại Libya, giá dầu thế giới tăng nhanh (TT).

Bản tin ngày 28-12-2017