Tin Việt Nam – 28/12/2017
Hành trình Biển Hồ 1:
Kampong Chhnang Bấp bênh với sóng gió
Thùy LinhBBC Tiếng Việt
Kể từ khi trở lại Campuchia vào những năm đầu thập niên 1980, nhiều bà con Việt kiều vẫn chưa có mẩu giấy tùy thân hợp pháp nào. Thêm vào đó, những năm gần đây, người dân còn cáo buộc tình trạng bị “ức hiếp, lừa gạt” bởi chính tỉnh hội người gốc Việt.
Sau hai tiếng lái xe từ thủ đô Phnom Penh, đến tầm trưa hôm 8/12, phóng viên BBC có mặt tại xã Phsa Chhnang, tỉnh Kampong Chhnang, một tỉnh nhỏ ở Biền Hồ, nơi có một số lượng lớn người gốc Việt sinh sống.
Tôi gặp với ông Nguyễn Văn Nam, một người dân có chút hiểu biết về luật pháp và thông thạo cả tiếng Khmer và tiếng Việt.
Như nhiều người Việt sinh sống ở đây, ông Nam và gia đình đã sinh sống ở Campuchia qua nhiều thế hệ. Chỉ có một khoảng thời gian ngắn trở về Việt Nam để chạy nạn Khmer Đỏ.
Campuchia: Chuyện ‘tước quốc tịch’ dân gốc Việt
VN muốn Campuchia ‘đảm bảo quyền lợi người gốc Việt’
Campuchia bắt đầu thu hồi giấy tờ người gốc Việt
Đóng nhiều loại phí, nhiều loại giấy tờ mà không có kết quả
Và cũng như hầu hết người dân ở đây đều, sau khi chạy nạn thì đã mất hết giấy tờ tùy thân cũ và cứ liên tục phải làm nhiều giờ khác nhau.
Ông Nam cho biết: “Trong thời gian đó tôi sống ở đây thì có nhiều vấn đề phức tạp về vấn đề giấy tờ vì người Việt ở đây mỗi năm cứ làm giấy mãi làm giấy hoài, cứ đóng mỗi năm vậy đó không nhiều thì ít có lúc 5000, 10.000, 15.000 Riel..
Người dân cứ đóng các khoản phí “bí ẩn” từ khoảng 20 năm nay nhưng không rõ giấy tờ thủ tục đi đến đâu.
Nhưng khi có người ý kiến tại buổi họp chi hội để xin tiền để hỗ trợ người dân khoản phí trên thì bị “giật mic”.
Tuy nhiên, người dân sau đó cùng nhau làm một số lá đơn kiến nghị, xin nhờ giúp đỡ, gửi lên nhiều cơ quan chính phủ Campuchia.
“Sau đó thì tiền về,” ông Nam cho biết. “Có quan chức Campuchia xuống đưa tiền cho người dân đóng, sau đó thu lại.” Tuy nhiên ông Nam nói không biết số tiền này đến từ đâu.
Khi BBC hỏi về vấn đề xích mích, kỳ thị với người Khmer bản địa, thì ông Mạnh nói theo ông được biết thì ở Kampong Chhnang không có vấn đề gì.
“Mình sống ở đất nước người ta thì sao mà mình xích mích gì với người ta,” ông Mạnh nói.
Tuy nhiên, ông Mạnh kể lại một trường hợp khi con dâu là người Khmer sinh cháu, nhưng vì chồng là người Việt, phía chính quyền Campuchia “không chịu làm giấy khai sinh”. Phải nhờ đến bà ngoại là người Khmer lên làm giấy thì mới được cấp.
Hiện không rõ những gia đình thuần Việt thì có giấy tờ bằng cách nào.
Cáo buộc tỉnh hội ‘lừa đảo bán đất lấy tiền’
Đồng thời vào năm 2015, người dân được thông tin phải di dời rồi vùng Chợ Nồi ở trung tâm tỉnh Kampong Chhnang.
Ông Nam cho biết khi đó “đuổi là tự đi, không ai giúp đất hay tiền để dỡ nhà, số tiên nho nhỏ để cắt nhà chòi tranh cũng không có, là tự mình lên, tự lo.”
Một người dân khác là ông Nguyễn Văn Mạnh thì nói, “Cuộc sống hồi đó không khó khăn đâu, do tỉnh hội của ông Bé làm khó khăn 8 năm nay. Năm 2000 có ông Bảy Tân là dân bầu. Ông đó ổng lo cho dân sau ổng chết thì Bùi Văn Bé lên làm, cấu kết với chính quyền làm khó dân, ức hiếp dân,” ông Mạnh nói.
Ông Bùi Văn Bé mà ông Mạnh đề cập là chi hội trưởng Hội người gốc Việt ở tỉnh Kampong Chhnang.
Năm 2015, người dân bị yêu cầu di dời khỏi khu Chợ Nồi, vùng trung tâm của tỉnh và phải chuyển lên bờ sinh sống.
Người dân cáo buộc khi đó ông Bé nói con trai bán đất cho người dân và ông Bé đứng ra làm chứng với tư cách chủ tịch tỉnh hội.
“Nói ông Bé làm giấy chủ quyền [đất] ông Bé không làm, đòi tiền cũng không trả, nói nặng thì ông Bé đe dọa sẽ cho công an bắt bỏ tù,” ông Mạnh cho biết, nói rằng người dân còn bị đe dọa sẽ bị “công an bắt giữ” nếu “tiếp tục có ý kiến”.
“Bà con phàn nàn dữ lắm, đòi ông Bé trả tiền. Chi hội gì mà toàn kinh doanh gia đình chứ không lo cho bà con,” ông Mạnh nói.
“Đất đó là đất ngập nước là đất không được giấy chứng quyền mà ổng nói con trai là Bùi Minh Tâm, thừa nhận ký bán đất rừng bán. Tôi không hiểu làm sao ổng là người Việt lấy đất Campuchia đem bán được, mà nhiều bà con tin tưởng rốt cuộc đưa tiền, rồi giờ nhà nước lấy lại hết trơn,” ông Nam giải thích.
Theo luật Campuchia, nếu không có quốc tịch Campuchia thì không thể mua đất. Việc ‘mua đất’ không thành nên từ 2015 đến nay, người dân vẫn sinh sống trong những căn nhà nổi ở một khu hẻo lánh.
Chúng tôi sau đó đã tìm cách liên lạc với ông Bùi Văn Bé nhưng ông từ chối trả lời phỏng vấn, nói rằng chỉ ông Châu Văn Chi, chủ tịch Tổng hội mới có quyền phát ngôn với báo chí.
‘Chỉ mong sống ở mé sông, không chống luật pháp Campuchia’
Nếu khổ vậy thì ông có khi nào nghĩ sẽ về Việt Nam không? Phóng viên BBC hỏi ông Mạnh.
“Muốn về thì phải làm đơn xin về bển, mà mỗi đơn là 200 đôla. Tiền đâu mà chúng tôi làm. Mà đây là tiền chi hội đòi đóng. Về [Việt Nam] mà không có giấy tờ của chi hội thì họ không nhận,” ông Mạnh nói.
Campuchia ‘tước quyền công dân 70.000 người gốc Việt’
“Chi hội kèm cặp quá rất là tội cho dân, tất cả bà con chúng tôi. Anh em chúng tôi không biết sao thoát được cảnh khổ.”
“Về chuyện bị đuổi lên bờ, đa số chúng tôi làm ăn nghề chài lưới, không quen cuộc sống trên bờ, nên mong cô bác các hội trong ngoài nước ủng hộ, bà con không chống luật pháp Campuchia, chỉ xin được ở gần mé sông để quản lý xuồng ghe, tài sản, tiếp tục làm nghề chài lưới, đánh bắt cá,” ông Mạnh phân trần.
Xin mời quý vị và các bạn đón đọc phần 2 về chuyến đi đến Siem Reap và phần 3 về cuộc phỏng vấn với chủ tịch Hội người gốc Việt ở Phnom Penh của phóng viên Thùy Linh.
Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42483066
Tổng bí thư đảng họp chính phủ
Ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng, vào ngày 28 tháng 12 lần đầu tiên dự hội nghị trực tuyến do chính phủ Hà Nội tổ chức với các địa phương.
Đây được cho là hội nghị thường niên lớn nhất của chính phủ nhằm tập trung thảo luận giải pháp triển khai những nghị quyết của đảng, quốc hội về kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách cho năm 2018.
Việc ông tổng bí thư đảng dự phiên họp chính phủ như vừa nêu từng được thông báo trước đây và gây nhiều quan tâm trong dư luận về sự can thiệp ngày càng rõ ràng của đảng đối với công tác điều hành của chính phủ.
Tại hội nghị được cho biết kéo dài trong một ngày rưỡi từ ngày 28 sang ngày 29 tháng 12, ông Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu và truyền thông trong nước loan đi rộng rãi.
Theo lời của ông tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam thì các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng/phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cấp cao của đảng, cán bộ đương chức và cả cán bộ đã nghỉ hưu.
Người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam nêu lại những con số về các vụ việc mà cơ quan phụ trách kỷ luật của đảng này thực hiện được trong thời gian qua. Đó là ngành thanh tra triển khai hơn 6800 cuộc thanh tra hành chính, gần 260 ngàn cuộc thanh tra/kiểm tra chuyên ngành. Từ đó phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý 68 vụ, 107 đối tượng tham nhũng.
Cơ quan điều tra trên cả nước ra kết luận đối với gần 200 vụ, 467 bị can. Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp truy tố 219 vụ, 481 bị can. Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 205 vụ, 433 bị can về các tội tham nhũng.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu tại hội nghị chính phủ, thừa nhận tình trạng ‘trên nóng/dưới lạnh’, ‘trên bảo/dưới không nghe’, kỷ cương phép nước bị buông lỏng vẫn còn diễn ra nhiều nơi trên cả nước.
Trong buổi họp trực tuyến chính phủ với các địa phương có sự tham dự của tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam như vừa nêu, chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng, Huỳnh Đức Thơ, lên tiếng kiến nghị Thủ tướng chính phủ, Bộ Công an tăng cường chỉ đạo, khẩn trương truy nã, bắt đối tượng Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ ‘nhôm’.
Hiện ông Vũ ‘nhôm’ đang bỏ trốn và bị khởi tố, truy nã về tội cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước. Tuy nhiên theo lời ông Huỳnh Đức Thơ thì tại thành phố Đà Nẵng có dư luận ông Vũ ‘Nhôm’ liên quan chủ yếu đến vấn đề tham nhũng đất đai.
Ông chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phát biểu thêm tại hội nghị trực tuyến chính phủ rằng theo lãnh đạo thành phồ thì hiện có một số lượng lớn nhà đất liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ. Tuy vậy, trong khi các cơ quan chức năng đang điều tra thì ông Vũ đã rút vốn ra khỏi 5 công ty và nhiều công ty khác; cũng như chuyển nhượng các tài sản cá nhân.
Lý do đề nghị khẩn trương truy nã ông Vũ ‘Nhôm’ mà chủ tịch thành phố Đà Nẵng nêu ra như nguyên văn ‘không để kẻ xấu, kể cả một số nhà báo lợi dụng, xuyên tạc bản chất sự thật, bôi xấu các lãnh đạo trung ương, thành phố, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận’.
Bản thân ông Huỳnh Đức Thơ vừa qua bị trung ương đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật cảnh cáo cùng đợt với ông Nguyễn Xuân Anh, cựu bí thư thành phố. Ông Anh bị cách chức nhưng ông Thơ vẫn tại vị.
Lao động nữ nghỉ hưu sẽ mất 10% lương
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, kể từ ngày 1/1/2018, lao động nữ nghỉ hưu sẽ bị mất 10% lương.
Ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó trưởng ban chính sách Bảo hiểm xã hội thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết việc chi trả lương hưu cho lao động nữ vào năm 2018 vẫn tuân theo luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo đó, lao động nữ phải đóng bảo hiểm xã hội 15 năm mới được hưởng lương hưu 45%, đóng 30 năm được hưởng 75%, trong khi vào năm 2017 chỉ cần đóng 25 năm.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy là dự trù năm 2018 sẽ có khoảng 3.000 lao động nữ nghỉ hưu.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết cơ quan này đã có kiến nghị sửa đổi một số luật về bảo hiểm xã hội cho nữ lao động với các cấp cao hơn nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Tổng Công Ty Điện lực Việt Nam hạch toán sai,
bị truy thu thuế
Bộ Tài chính Việt Nam vừa có quyết định truy thu hơn 1900 tỷ đồng của Tập đoàn Điện Lực Việt Nam- EVN. Đây là khoản mà EVN phải nộp lại cho ngân sách nhà nước sau khi Thanh tra Bộ Tài Chính phát hiện hạch toán sai của tập đoàn này trong thời gian dài vừa qua.
Tin cho hay Thanh Tra Bộ Tài Chính Việt Nam cho rằng EVN cố tình hạch toán sai một số khoản vào hai năm 2015, 2016. Từ đó dẫn đến giảm lợi nhuận và thuế phải nộp.
Cụ thể vào năm 2015, EVN hạch toán vào chi phí hơn 1341 tỷ đồng khoản chênh lệch cước phí vận chuyển dự án đường ống dẫn khí Phú Mỹ- Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 2012-2015). Theo Bộ Tài Chính Việt Nam thì việc hạch toán sai giúp EVN giảm lợi nhuận năm 2015 với khoản tương đương 1341 tỷ đồng.
Ngoài ra EVN bị cho là quên hạch toán hơn 4847 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính năm 2016. Tại cuộc họp báo công bố về chi phí giá thành điện năm 2016 và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hôm ngày 1 tháng 12 vừa qua, EVN chủ trì cùng Bộ Công Thương nhưng không hề đưa thông tin về khoản lãi tỉ giá như thế.
Một số chuyên gia cho rằng nếu EVN hạch toán đúng quy định thì chắc chắn lợi nhuận tăng lên, và tập đoàn này không thể nại lý do lỗ để đòi tăng giá. Nếu có tăng không thể ở mức 6,08% vừa được thông qua.
Bắt tạm giam hai nguyên cán bộ ngân hàng
Nhân vật Vũ ‘Nhôm’ tiếp tục được truyền thông trong nước loan tin. Theo tin của mạng báo Tuổi Trẻ vào ngày 27 tháng 12 thì ông Phan Văn Anh Vũ và doanh nghiệp của ông này là Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 đang sở hữu vốn điều lệ và cổ phần khá lớn tại Ngân Hàng Đông Á- DongABank.
Theo xác nhận của Ngân hàng Đông Á thì Công ty Xây Dựng Bắc Nam 79 đang sở hữu 50 triệu cổ phần, tương ứng 10% vốn điều lệ (giá trị theo mệnh giá là 500 tỷ đồng) của ngân hành này.
Còn cá nhân ông Phan Văn Anh Vũ sở hữu 2,73% vốn điều lệ, tương đương gần 137 tỷ đồng (theo mệnh giá) góp vốn tại Ngân hàng Đông Á.
Ngân Hàng Đông Á ra thông báo nói rõ dù là cổ đông lớn của ngân hàng, nhưng ông Phan Văn Anh Vũ không tham gia Hội Đồng Quản trị, Ban Kiểm soát, Ban Điều Hành hay giữ bất kỳ vị trí nào tại ngân hàng. Do đó các sự việc liên quan đến cá nhân ông Vũ ‘Nhôm’ và Công ty Xây Dựng Bắc Nam 79 không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh của Ngân Hàng Đông Á.
Vào ngày 28 tháng 12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công An Việt Nam thi hành lệnh khởi tố bị can, khám xét chỗ ở của hai người nguyên lãnh đạo của Hội sở Ngân hàng Đông Á.
Hai bị can gồm nguyên giám đốc khối kinh doanh nguồn vốn, bà Nguyễn thị Kim Loan, và nguyên giám đốc phòng quản lý tài sản nợ, bà Nguyễn thị Ái Lan, bị khởi tối tội cố ý làm trái các qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tin nói hai bà Loan bà Lan bị khởi tố vì có liên quan đến những hành vi sai trái của nguyên Phó chủ tịch Hội Đồng Quản Trị, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, ông Trần Phương Bình.
Vào ngày 10 tháng 12 vừa qua, Bộ Công an Việt Nam đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Phương Bình cũng về tội cố ý làm trái các qui định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; và thêm tội vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Chiến dịch ‘đốt lò’ của TBT Trọng “mạnh hơn bao giờ hết”
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại một hội nghị của chính phủ hôm 28/12 tại Hà Nội, rằng việc chỉnh đốn Đảng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng “được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.”
Truyền thông trong nướcnói đây là lần đầu tiên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến dự một hội nghị trực tuyến của chính phủ.
Ông Trọng lần đầu tiên tham dự một cuộc họp của chính phủ và thực hiện một việc mà các đời tổng bí thư trước đây cũng như các đời chủ tịch nước trước đây chưa hề làm được.
Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nói sự có mặt của ông Trọng tại cuộc họp chính phủ cho thấy chủ trương “Đảng lãnh đạo toàn diện và chỉ đạo toàn diện” và “nhất thể hóa các chức danh Đảng và Nhà nước.”
“Ông Trọng lần đầu tiên tham dự một cuộc họp của chính phủ và thực hiện một việc mà các đời tổng bí thư trước đây cũng như các đời chủ tịch nước trước đây chưa hề làm được,” nhà báo Dũng nhận định. “Điều đó cho thấy ông Trọng ngày càng tự tin và rất tự tin và có thể nói, không những thể hiện vai trò lãnh đạo độc tôn không những của Đảng mà của cả cá nhân ông Trọng.”
Theo chủ tịch Hội nhà báo độc lập, ông Trọng trở nên tự tin sau khi bắt được Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo ngành dầu khí bị cáo buộc làm thất thoát 3.300 tỷ đồng, về Việt Nam và “tự tin hơn nữa” sau khi bắt Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị. Cả ông Thăng và Thanh đều từng làm lãnh đạo trong tập đoàn dầu khí PetroVietnam (PVN) và sẽ bị đưa ra tòa xử vào tháng sau.
Trong bài phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Trọng ca ngợi các nỗ lực chống tham nhũng, ông nói cuộc “đấu tranh phòng chống tham nhũng bước đầu đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.”
Cuộc chiến chống tham nhũng mà Tổng bí thư Trọng phát động, theo nhận định của nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Trần Quốc Thuận với VOA, đã “đến hồi quyết liệt,” đến giai đoạn “sống còn” nên cần được ủng hộ rộng rãi.
“Tổng bí thư đến họp chính phủ không những nhấn mạnh ý chí lãnh đạo của Đảng quyết đấu tranh chống tham nhũng mà cũng cần có sự tập hợp ủng hộ cả từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương và tất cả các bộ ngành hữu quan,” theo ông Thuận.
Cuộc chiến chống tham nhũng của TBT Nguyễn Phú Trọng đã “đến hồi quyết liệt,” đến giai đoạn “sống còn,” đã đụng đến “vùng cấm.”
Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Theo các chuyên gia thì cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí Thư Trọng lãnh đạo đã đụng đến “những nơi nhạy cảm” từng được coi là “vùng cấm” với các vụ đại án đánh vào các quan chức cấp cao và các nhóm lợi ích đầy quyền lực.
Lần đầu tiên một ủy viên bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, bị tống giam và truy tố trong cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Trọng ví von là “đốt lò.”
ZingNews trích lời ông Trọng nói tại hội nghị hôm 28/12: “Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu”.
Hơn 20 lãnh đạo của PVN bị điều tra, trong đó có ông Thanh, người mà chính phủ Đức nói đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Berlin. Ông Thăng, Thanh và các lãnh đạo khác của PVN sẽ được đưa ra xét xử bắt đầu từ ngày 8/1/2018.
Cũng trong cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng, hồi tháng 9 nguyên tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn bị kết án tử hình, trong khi cựu chủ tịch Hà Văn Thắm lãnh án tù chung thân.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hồi năm ngoái từng thừa nhận rằng đạo đức trong Đảng đang xuống cấp, làm mất lòng tin của dân, và đe dọa sự tồn vong của Đảng.
Nói với VNExpress, một nhà quan sát chính tình Việt Nam, giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales nói mỗi vụ án tham nhũng được xử không những dựa trên thất thoát về tài chính, mà còn dựa trên mức độ ảnh hưởng tới sự ổn định về chính trị. Theo nhận định của giáo sư Thayer trên tờ Asia Times, các vụ đại án được tiến hành và những mức án nặng được đưa ra là nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng đối với nạn tham nhũng đang tràn lan ở Việt Nam.
Theo chỉ số tham nhũng của Transparency International, Việt Nam đứng thứ 113 trên 176 quốc gia được khảo sát.
https://www.voatiengviet.com/a/chien-dich-dot-lo-cua-tbt-trong-manh-hon-bao-gio-het/4182848.html
Đại sứ Mỹ Kritenbrink gặp TT Nguyễn Xuân Phúc
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink chiều ngày 26/12 đã có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhằm tăng cường quan hệ đối tác toàn diện.
Thông Tấn Xã Việt Nam hôm 27/12 dẫn lời ông Phúc nói hai nước đã “trao đổi, thống nhất nhiều biện pháp” để tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, trong đó có việc cân bằng cán cân thương mại song phương.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã có những động thái quyết liệt nhằm làm rõ nguyên nhân thâm hụt thương mại với các nước đối tác, trong đó Việt Nam, và định hình lại chính sách mà ông gọi là “thương mại công bằng.”
Truyền thông Việt Nam cho biết phía Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các biện pháp mà lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận, trong đó có việc cân bằng cán cân thương mại song phương. Cho rằng đẩy mạnh trao đổi thương mại có lợi cho người dân hai nước, Thủ tướng Phúc mong muốn hai bên sẽ tiếp tục tăng cường thương mại song phương.
Phía Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các biện pháp mà lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận, trong đó có việc cân bằng cán cân thương mại song phương.
Thông Tấn Xã Việt Nam
Vào giữa năm nay, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer bày tỏ quan ngại về tốc độ tăng thâm hụt thương mại nhanh chóng của Mỹ với Việt Nam. Ông nói đây là thách thức mới cho cả hai nước và trông đợi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giúp giải quyết vấn đề này.
Trang Chinhphu.vn trích lời Đại sứ Daniel Kritenbrink cho biết, đối với Hoa Kỳ, Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng không chỉ trong khu vực mà trên thế giới. Đại sứ Mỹ nhấn mạnh nhiệm vụ của ông là tăng cường và mở rộng phạm vi hợp tác giữa hai nước.
Trang mạng này nói, đây là cuộc chào xã giao đầu tiên với giới lãnh đạo Hà Nội kể khi ông Kritenbrink nhậm chức đại sứ tại Việt Nam vào tháng trước.
Trước đó, khi điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ, ông Kritenbrink nói các ưu tiên của ông khi đảm nhận vai trò đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là: hợp tác an ninh hàng hải, tăng cường thương mại và đầu tư, thúc đẩy nhân quyền, xúc tiến ngoại giao nhân dân, hỗ trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Vào tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, dân biểu Ed Royce, gửi thư cho đại sứ Kritenbrink, thúc giục ông nêu quan ngại với Hà Nội về Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng dự kiến có hiệu lực thực thi từ ngày 1/1/18, phía Mỹ lo ngại rằng các điều khoản trong Luật này sẽ cho phép nhà cầm quyền Việt Nam giới hạn hoạt động tôn giáo một cách tùy tiện.
Tôi kêu gọi ông nêu rõ với nhà nước Việt Nam rằng hợp tác an ninh giữa Mỹ với Việt Nam không thể thăng tiến, nếu an ninh quốc gia được viện làm một cái cớ để đàn áp tôn giáo.
Trích thư Dân biểu Ed Royce gửi Đại sứ Kritenbrink, ngày 21/12/2017.
Nghị sĩ kêu gọi đại sứ Mỹ nêu vấn đề tự do tôn giáo Việt Nam
Bức thư đề ngày 21/12 của dân biểu Ed Royce có đoạn:
“Thưa Ông Đại sứ, khi nêu lên quan ngại về luật mới này…tôi kêu gọi ông nêu rõ với nhà nước Việt Nam rằng hợp tác an ninh giữa Mỹ với Việt Nam không thể thăng tiến, nếu an ninh quốc gia được viện làm một cái cớ để đàn áp tôn giáo.”
Hôm 28/12 trên trang Facebook, đại sứ Kritenbrink trích công bố về Chính sách An ninh Quốc gia mới của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết:
“Nước Mỹ sẽ tìm kiếm quan hệ đối tác với các quốc gia có cùng quan điểm để thúc đẩy nền kinh tế thị trường tự do, tăng trưởng của khu vực tư nhân, ổn định chính trị và và hòa bình.”
Bộ 4T lo ngại truyền thông xã hội ‘vượt mặt’ báo chí
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo nói hôm 26/12 rằng báo chí đang đứng trước nguy cơ bị truyền thông xã hội “vượt mặt” trong việc cung cấp thông tin đến độc giả.
… truyền thông xã hội rất là nhanh nhạy bởi vì nói không bị ai điều khiển cả … Báo chí chính thống không nhanh nhạy bởi cái gì họ cũng tự kiểm duyệt, sợ trách nhiệm thế này thế kia.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, tại một hội nghị về báo chí ở thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bảo lưu ý đến thực tế là mạng xã hội ngày càng có khả năng truyền thông tốt hơn, nhờ liên tục có các công cụ, tính năng công nghệ mới. Điều đó đã khiến cho báo chí mất dần vị thế “độc quyền” trên phương diện này, ông Bảo nói.
Báo chí dẫn lời ông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng thậm chí có những lúc mạng xã hội “lấn át” báo chí về độ nhanh nhạy, cập nhật thông tin và cả sự quan tâm của độc giả, đặc biệt trong các vấn đề, vụ việc nhạy cảm, phức tạp.
Việt Nam có hơn 1000 cơ quan báo chí in và điện tử, tất cả đều phải gắn với một cơ quan hay tổ chức nhà nước. Về lý thuyết, ở Việt Nam không có báo chí tư nhân.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động vì dân chủ, nói với VOA ông không thấy “lạ” về tình trạng báo nhà nước đang mất dần tầm ảnh hưởng so với mạng xã hội:
“Có một mảng gọi là truyền thông xã hội rất là nhanh nhạy bởi vì nói không bị ai điều khiển cả. Cho nên nó càng có sức mạnh hơn trong thị trường cung cấp tin. Báo chí chính thống không nhanh nhạy bởi cái gì họ cũng tự kiểm duyệt, sợ trách nhiệm thế này thế kia”.
… người dân đói sự thật, đã bị lừa dối rất lâu rồi, và bây giờ người ta nhận được cái sự thật đấy bằng truyền thông xã hội, thì tác động của nó còn mạnh hơn rất là nhiều.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Một lý do khác làm cho mạng xã hội thu hút hơn đối với công chúng, theo tiến sĩ Quang A, là phần lớn thông tin không bị “bóp méo theo định hướng” như trên báo chí nằm dưới quyền kiểm soát của các cơ quan nhà nước Việt Nam. Ông nói:
“Do một đảng độc quyền, cho nên nó phải xuyên tạc sự thật, bóp méo sự thật. Thực sự là người dân đói sự thật, đã bị lừa dối rất lâu rồi, và bây giờ người ta nhận được cái sự thật đấy bằng truyền thông xã hội, thì tác động của nó còn mạnh hơn rất là nhiều”.
Tuy nhiên, một vấn đề của truyền thông xã hội mà cả tiến sĩ Quang A lẫn Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cùng cảnh báo là “tin tức giả mạo”, hay ở một cấp độ khác là “thông tin thiếu kiểm chứng”.
Tại hội nghị về báo chí, Thứ trưởng Bảo nhận định rằng thông tin trên mạng xã hội có những lúc được đưa lên với “mục đích không rõ ràng”, thậm chí là với mục đích “xuyên tạc, lừa đảo”, tung tin giả để “lôi kéo sự chú ý”. Theo ông, báo chí không kiểm chứng thông tin sẽ dẫn đến thông tin sai sự thật.
Ông Lê Quốc Minh, Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, được báo chí dẫn lại lời phát biểu tại hội nghị rằng tin giả đã có từ lâu, như một dịch bệnh khủng khiếp, nhờ mạng xã hội lan truyền nhanh hơn nhiều lần.
Gợi ý về giải pháp cho vấn đề này, tiến sĩ Quang A nói:
“Người dân phải ý thức được chuyện đấy, và các tổ chức xã hội dân sự phải vận động, nêu gương để cho người ta kiểm chứng thông tin. Tôi nghĩ có thể tổ chức khá dễ dàng ở trên mạng một sự cộng tác với nhau để mà phân biệt cái nào là giả cái nào là thực, và tìm mọi cách để bảo nhau loại bỏ tin giả”.
Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nói sự phổ cập mạng internet đến nay đã và đang tạo thành cuộc cách mạng thông tin thật sự ở Việt Nam. Trên internet, mạng xã hội đã và đang phát triển nhanh chóng, theo vị thứ trưởng, và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại.
Các con số thống kê cho thấy Việt Nam đã có trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, đây là tỉ lệ cao hơn mức trung bình của thế giới.
Mạng xã hội được cho là phổ biến nhất ở Việt Nam là Facebook. Tính đến mùa thu năm 2017, 64 triệu người có tài khoản Facebook ở Việt Nam, chiếm 3% tổng số tài khoản Facebook toàn cầu, đưa Việt Nam xếp thứ 7 trên toàn cầu về lượng người dùng mạng xã hội này.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-4t-lo-ngai-truyen-thong-xh-vuot-mat-bao-chi/4181294.html