Tin khắp nơi – 28/12/2017
Cây mộc lan nổi tiếng ở Nhà Trắng sắp bị chặt
Cây mộc lan sắp bị chặt được xem là biểu tượng của Nhà Trắng, có tên gọi “Jackson”, do Tổng thống Hoa Kỳ thứ bảy Andrew Jackson trồng để tưởng nhớ người vợ mới qua đời khi đó.
Cây mộc lan này từng làm nền cho các buổi lễ lịch sử và thậm chí còn xuất hiện trên tờ tiền mệnh giá 20 đôla trong khoảng thời gian từ năm 1928 đến 1988.
Tuy nhiên các chuyên gia cho biết cây bị sâu mục và không an toàn.
Nhà Trắng đệ đơn lên tòa về lệnh cấm đi lại
Người VN trèo rào Nhà Trắng ‘được tại ngoại’
Obama chào đón Trump đến Nhà Trắng
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Stephanie Grisham cho hay bà Trump yêu cầu giữ hạt giống để trồng lại trong vườn.
Bà Stephanie nói bà Trump đưa ra quyết định chặt cây do nó đe dọa sự an toàn của khách và các phóng viên, những người thường đứng ngay trước cây khi trực thăng của tổng thống cất cánh.
Đây là cây mộc lan được ưa thích nhất của bà Rachel Jackson, được lấy từ trang trại Tennessee của gia đình.
Sự cố đầu tiên xảy ra với cây mộc lan bắt đầu từ những năm 1970 khi một phần gốc của nó bị chặt bỏ và phần sâu mục được trám lại bằng xi măng. Đây là cách làm theo chuẩn của thời bấy giờ, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng việc này sẽ khiến cây bị hư hại không thể cứu vãn.
Năm 1981, phần xi măng đã được loại bỏ và thay thế bằng hệ thống cột và cáp để giúp cây đứng vững.
CNN dẫn báo cáo của Vườn ươm Quốc gia Hoa Kỳ rằng thoạt nhìn cây có vẻ bình thường, nhưng thực ra “cây bị tổn thương nặng nề” và “hoàn toàn phụ thuộc vào sự trợ giúp nhân tạo”.
Cây mộc lan nổi tiếng đã tồn tại qua 39 đời tổng thống, cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ và hai thế chiến.
Chelsea Clinton, con gái cựu Tổng thống Bill Clinton, viết lên Tweeter lời cảm ơn những người đã chăm sóc cây nhiều năm qua và tới bà Trump cho kế hoạch trồng lại cây mới.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42499789
Không kích Mỹ phá hủy xe bom gần thủ đô Somalia,
giết 4 phần tử al-Shabab
Các cuộc không kích của Mỹ đã giết 4 phần tử thuộc nhóm cực đoan Hồi giáo al-Shabab, đồng thời làm nổ tung một chiếc xe chứa đầy chất nổ ở gần Mogadishu, thủ đô của Somalia, Bộ Tư Lệnh của Hoa Kỳ đặc trách Châu Phi cho biết.
Vụ không kích thực hiện vào chiều tối thứ Tư 27/12 xảy ra cách Mogadishu 25 km, đã chặn lại được “thiết bị nổ tự chế dùng xe gài bom”, theo thông báo của Bộ Tư Lệnh của Hoa Kỳ đặc trách Châu Phi.
Bộ Tư Lệnh Châu Phi cho biết là không có thường dân nào bị thiệt mạng trong cuộc tấn công được phối hợp với chính phủ liên bang Somalia.
Hoa Kỳ đã thực hiện hơn 30 cuộc không kích như thế này nhắm vào nhóm khủng bố al-Shabab và các chiến binh có liên hệ với Nhà Nước Hồi giáo khác. Con số các phần tử IS tuy ít ỏi nhưng đang tăng trong năm qua.
Hôm thứ Tư 27/12, Ngũ Giác Đài nói một cuộc không kích hôm 24/12 ở miền Nam Somalia đã tiêu diệt được 13 phần tử al-Shabab ở thành phố duyên hải Kismayo ở vùng tây-bắc Somalia.
Một chỉ huy quân sự Somalia nói với VOA:
“Cuộc tấn công nhắm vào các phần tử chủ chiến giữa lúc chúng đang được huy động để tiến hành một cuộc tấn công vào căn cứ của chúng tôi. Rất may là quân đội của nước bạn đã vô hiệu hóa chúng với một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, giết chết 13 phần tử chủ chiến.”
Trước đây trong năm, chính quyền của Tổng thống Trump phê chuẩn việc nới rộng phạm vi của các hoạt động quân sự của Mỹ tại Somalia, một quốc gia ở vùng Sừng Phi Châu nơi mà nhóm al-Shabab -vốn có liên hệ với al-Qaida, đang tìm cách lật đổ chính phủ Somalia để áp đặt một hình thức khắc nghiệt của luật Hồi giáo.
American Airlines xin lỗi hai cầu thủ bị vu oan ăn cắp
Hãng American Airlines xin lỗi hai cầu thủ bóng rổ bị yêu cầu rời khỏi máy bay vì nghi ăn cắp trong lúc họ bị oan.
Marquis Teague và Trahson Burrell lên chuyến bay đêm Giáng sinh đến nơi thi đấu.
Nhưng trước giờ cất cánh, một tiếp viên hàng không cáo buộc hai người này đã lấy chăn từ khoang hạng nhất, và họ bị đuổi khỏi máy bay.
Sau đó, có tin là các hành khách khác đưa chăn cho họ.
Vụ United Airlines: Hàng không có quyền gì?
Khi nào có thể chuyển chỗ ngồi trên máy bay?
Bị lôi khỏi máy bay ‘tệ hơn vượt biên’
Đài Loan cử máy bay theo dõi tàu Liêu Ninh của TQ
Teague và Burrell đều là người Mỹ gốc Phi giống như người tiếp viên hàng không trong vụ này.
Cả hai cầu thủ đang chơi cho đội Memphis Hustle thi đấu giải NBA chưa bình luận về vụ việc.
David Đào nộp đơn lên tòa về vụ United Airlines
Sếp United Airlines sẽ không từ chức
Tuy nhiên, trợ lý huấn luyện viên của đội, ông Darnell Lazere viết trên Twitter rằng ông tin vụ việc này có động cơ phân biệt chủng tộc. Ông kể rằng tiếp viên nhìn thấy “hai thanh niên da đen cầm chăn từ khoang hạng nhất” và nói liền: “Mấy anh ăn cắp chăn à?”.
Các cầu thủ bay từ sân bay quốc tế Dallas-Fort Worth đến Sioux Falls, bang South Dakota trên chuyến bay do Envoy Air, chi nhánh của American Airlines khai thác.
Người phát ngôn Joshua Freed cho biết hãng hiện đang xem xét vụ việc.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42490522
Đánh bom tự sát ở Kabul: hơn 40 người thiệt mạng
Ít nhất 41 người thiệt mạng và 80 người khác bị thương trong một vụ tấn công tự sát tại thủ đô Kabul của Afghanistan.
Một trung tâm văn hóa và tôn giáo của người Shia, và các văn phòng của hãng tin Afghan Voice (Tiếng nói Afghan) bị đánh bom trong ngày đánh dấu 38 năm Nga đưa quân vào Afghanistan.
Bộ Nội vụ Afghanistan cho BBC hay có hai vụ nổ khác diễn ra ngay sau vụ đánh bom tự sát đầu tiên ở khu vực này. Cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) nhận họ đứng sau vụ tấn công này.
Trong vài tháng qua, IS đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào người Shia trên khắp quốc gia này.
Nga: Bài học gì từ vết sẹo Afghanistan?
Mỹ ‘không kích nhầm’ cảnh sát Afghanistan
Chúng ta biết gì về vụ tấn công?
Cả trung tâm văn hóa Tabayan và các văn phòng của Afghan Voice đều thuộc địa điểm của vụ tấn công này.
Nhiều người, trong đó có các sinh viên, tới trung tâm văn hóa để dự một diễn đàn thảo luận.
Bộ Nội vụ nói sự kiện này là để đánh dấu 38 năm ngày Liên Xô xâm lược Afghanistan.
Sau vụ nổ đầu tiên, có hai vụ nổ khác dường như nhắm vào những người đang giúp đỡ các nạn nhân. Hình ảnh trên các mạng xã hội cho thấy nhiều xác người nằm trên sân sau các vụ nổ.
Sinh viên Mohammad Hasan Rezayee nói với hãng Tolo News: “Sau vụ nổ, có lửa và khói trong tòa nhà và tất cả mọi người đều xin trợ giúp.”
Sayed Abbas Hussaini, một nhà báo của Afghan Voice, nói với Reuters rằng một phóng viên của hãng này đã bị giết và hai người bị thương.
Các bệnh viện địa phương đang điều trị cho hàng chục người bị thương.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42502650
Khủng hoảng Rohingya:
hai phóng viên Reuters vẫn bị giam
Hai phóng viên Reuters đang tường thuật về cuộc khủng hoảng Rohingya ở miền bắc Myanmar bị tạm giam thêm hai tuần.
Wa Lone và Kyaw Soe Oo bị bắt ngày 12/12 sau khi gặp các cảnh sát cung cấp tin cho họ.
Hai phóng viên bị buộc tội lấy tin bất hợp pháp, nhưng Reuters đã kêu gọi trả tự do cho những người này và nói rằng họ chỉ đơn giản là đang hành nghề báo.
Hai người này sẽ bị giam tại nhà tù Insein ở Yangon.
‘6.700 người Rohingya bị giết trong một tháng’
Myanmar bắt phóng viên nước ngoài
Wa Lone, 31 tuổi, và Kyaw Soe Oo, 27 tuổi, trước đó bị giam trong đồn cảnh sát.
Họ đã bị buộc tội theo Luật Bí mật Chính thống, được đưa ra từ thời thực dân Anh. Người phạm luật có thể bị phạt tù đến 14 năm.
Chính phủ Myanmar cho biết hai phóng viên “lấy tin trái phép với ý định chia sẻ với truyền thông nước ngoài”. Họ đã được cảnh sát mời ăn tối.
LHQ: Khủng hoảng Rohingya là ‘thảm họa nhân đạo’
Suu Kyi không sợ ‘giám sát’ của quốc tế
LHQ cảnh báo ‘ác mộng nhân đạo’ với Rohingya
Mỹ gây sức ép với Myanmar vì khủng hoảng Rohingya
Xuất hiện tại tòa án Mingaladon, các nhà báo được phép gặp gia đình và luật sư của họ lần đầu tiên.
Cuộc khủng hoảng Rohingya khiến khoảng 665.000 người Rohingya chạy trốn khỏi bang Rakhine. Quân đội nói rằng họ đang chiến đấu với chiến binh người Rohingya và phủ nhận việc nhắm mục tiêu là dân thường.
Nhưng Liên Hiệp Quốc mô tả cuộc xung đột là “vụ thanh lọc sắc tộc”.
Nhà chức trách xem những người Hồi giáo Rohingya là những người nhập cư bất hợp pháp đến từ Bangladesh và từ chối quyền công dân của họ.
Phóng viên BBC tại Đông Nam Á Jonathan Head cho biết việc tiếp cận vào bang Rakhine bị kiểm soát chặt chẽ và các nhà báo buộc phải tìm thông tin từ các nguồn khác.
Dù quân đội đã nới lỏng sự kiểm soát của họ và truyền thông tại Myanmar đã có sự tự do nhất định, các nhà báo vẫn tiếp tục bị truy tố hình sự, với hơn một chục người bị bắt trong hai năm qua, ông Head cho biết thêm.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42490521
Trung Quốc sẽ tài trợ cuộc bầu cử cho Campuchia
Trung Quốc sẽ cung cấp các thiết bị phục vụ cho cuộc bầu cử ở Campuchia vào năm tới.
Hãng Reuters hôm 28/12 dẫn lời phát ngôn nhân Ủy ban Bầu cử Quốc gia Camupuchia, ông Hang Puthea cho biết là Trung Quốc sẽ cung cấp 30 loại thiết bị khác nhau cho cuộc bầu cử, nói thêm rằng đây là những dụng cụ quan trọng để có thể tiến hành một cuộc bầu cử.
Trong một thông cáo của Ủy ban Bầu cử Quốc gia Camupuchia loan đi cùng ngày cũng nói rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ các loại máy tính, thùng phiếu và nhiều thiết bị khác cho Phnom Penh. Thông cáo cũng nêu rõ là Bắc Kinh hứa hẹn sẽ hỗ trợ Ủy ban Bầu cử nhiều hơn nữa để tiến hành một cuộc bầu cử chính xác, minh bạch và đáng tin cậy.
Trung Quốc hiện là nhà tài trợ nước ngoài lớn nhất của Camupuchia và luôn hỗ trợ các cuộc tổng tuyển cử ở Campuchia kể từ năm 1993. Năm ngoái, Bắc Kinh tài trợ cho Phnom Penh các thiết bị và phương tiện trị giá khoảng 11 triệu đô la.
Trong khi đó, Liên minh Châu Âu EU và Mỹ thời gian gần đây đã cho ngưng một số chương trình trợ giúp cho Campuchia với lý do là chính phủ Xứ Chùa Tháp gia tăng đàn áp đối lập, đặc biệt là vụ việc Đảng Cứu Quốc CNRP bị buộc giải thể và lãnh đạo của Đảng này bị bắt với cáo buộc phản quốc.
Nhà làm phim Tây Tạng trốn khỏi Trung Quốc đến Mỹ
Cựu tù chính trị- nhà làm phim người Tây Tạng, ông Dhondup Wangchen, đã trốn khỏi Trung Quốc và vừa đến Mỹ.
Reuters dẫn nguồn từ một nhóm hoạt động nhân quyền có tên ‘Filming for Tibet’ cho biết tin vừa nêu vào ngày 28 tháng 12.
Ông Dhondup Wangchen bị Trung Quốc tuyên án 6 năm tù hồi cuối năm 2009 vì ông đã làm một bộ phim tài liệu, với tựa đề “Leaving Fear Bihind” (tạm dịch “Bỏ sự sợ hãi lại đằng sau”), nói về người dân Tây Tạng ca ngợi Đức Đạt Lai Lạt Ma và Trung Quốc thôn tính nền văn hóa Tây Tạng cũng như suy nghĩ của dân chúng Tây Tạng hy vọng cuộc sống của họ sẽ được cải thiện qua sự kiện Olympic Bắc Kinh 2008.
Bộ phim được chiếu một cách bí mật cho một nhóm phóng viên nước ngoài xem, trong thời gian Olympic Bắc Kinh 2008 diễn ra.
Ông Wangchen được trả tự do hồi tháng 6 năm 2014 ở tỉnh Thanh Hải, nhưng ông bị kiểm soát chặt chẽ trong việc đi lại và bị theo dõi trong giao tiếp.
Trong một thông báo của nhóm Filming for Tibet, được phổ biến vào ngày 27 tháng 12 ở Bắc Kinh, cho biết ông Wangcheng vừa đến San Francisco, Hoa Kỳ trong cùng ngày.
Nhóm này trích lời chia sẻ của ông Wangcheng sau khi đặt chân đến Mỹ rằng đây là lần đầu tiên sau nhiều năm ông mới cảm nhận được sự an toàn và tự do.
Liên quan việc ông Wangcheng vừa đến Mỹ, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo thường nhật rằng không có thông tin gì về việc đó.
Liên hiệp quốc gây sức ép với Trung Quốc và Nga
về vấn đề Myanmar
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về vấn đề nhân quyền Myanmar hôm 28/12/2017 kêu gọi quốc tế gây sức ép lên Trung Quốc và Nga nhằm phản đối việc lạm dụng nhân quyền ở quốc gia này.
Trả lời phỏng vấn Reuters, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, Yanghee Lee cho biết bà kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục thuyết phục Trung Quốc và Nga quan tâm về vấn đề nhân quyền tại Myanmar.
Bà Yanghee Lee, người đã bị chính phủ Miến ngăn cấm, không cho đến thăm đất nước này, lên tiếng chỉ đích danh Trung Quốc và Nga đã thất bại trong việc tác động đến Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn chặn cuộc đàn áp của quân đội Miến đối với cộng đồng người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine.
Đáp lại lời kêu gọi của bà Lee, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, nói rằng “các nhà hoạt động bên ngoài” gây sức ép lên nhân quyền sẽ không giúp giải quyết vấn đề và có thể làm cho vấn đề phức tạp hơn.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh hôm thứ Năm, bà Hoa Xuân Oánh nói điều này không có lợi cho Myanmar, các nước láng giềng hay cộng đồng quốc tế. Bà nói thêm rằng Trung Quốc hy vọng các nước hoặc những cá nhân bên ngoài có thể tạo ra một môi trường tích cực thuận lợi hơn cho Myanmar trong việc giải quyết vấn đề cho họ.
Về phía Bộ Ngoại giao Nga, cho đến nay vẫn chưa đưa ra phản hồi về yêu cầu của báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Myanmar như vừa nêu.
Tin từ Reuters cho biết Chính phủ Nga trước đây đã cảnh báo về việc can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar. Đại sứ Nga tại Miến Điện, Nikolay Listopadov đã nói rằng lập trường của Nga là chống lại sự can thiệp quá mức, bởi vì nó sẽ không dẫn đến kết quả xây dựng nào.
Trong một diễn biến khác liên quan đến Myanmar, tòa án Miến Điện đã bãi bỏ cáo buộc đối với hai nhà báo nước ngoài và nhân viên địa phương của họ. Số này bị bắt vào tháng 10 với cáo buộc cho thiết bị không người lái điều khiển từ xa bay qua quốc hội nước này.
Theo luật sư thì nhà báo Lau Hon Meng, người Singapore, và Mok Choy Lin, công dân Malaysia, làm việc cho đài phát thanh TRT của Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ được trả tự do cùng với hai nhân viên địa phương vào ngày 5/1/2018 sau khi bị tạm giam 2 tháng về tội danh vừa nêu. Hai nhà báo nước ngoài này còn bị cáo buộc liên quan việc nhập thiết bị cấm và vi phạm luật nhập cư của Myanmar.
Ngoài ra vào ngày thứ Tư 27/12/2017, một tòa án tại Myanmar gia hạn thời gian tạm giữ hai nhà báo của Reuters và định ngày xét xử vào ngày 10 tháng 1 với cáo buộc vi phạm bí mật nhà nước.
TQ quả quyết
không vi phạm lệnh cấm bán dầu cho Triều Tiên
Trung Quốc hôm 28/12 nói không có chuyện tàu Trung Quốc bán dầu cho Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm của LHQ, sau khi một tờ báo Hàn Quốc tường thuật rằng các tàu của Trung Quốc và tàu Triều Tiên đã lén lút kết nối với nhau trên biển để chuyển dầu cho Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tuần trước đã thống nhất áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên để đáp lại một cuộc thử tên lửa đạn đạo liên lục địa gần đây, nhằm hạn chế nước này tiếp cận các sản phẩm dầu tinh lọc và dầu thô.
Nghị quyết của LHQ nhắm đến việc cấm gần 90% lượng xuất khẩu xăng dầu tinh lọc tới Triều Tiên bằng cách đặt ra mức trần là 500.000 thùng mỗi năm.
Nghị quyết do Mỹ thảo ra cũng đặt mức trần đối với lượng cung dầu thô cho Triều Tiên là 4 triệu thùng mỗi năm. Ngoài ra theo nghị quyết này, Hội đồng Bảo an cam kết sẽ tiếp tục cắt giảm nếu Tiều Tiên tiến hành một cuộc thử hạt nhân nữa hoặc phóng một tên lửa liên lục địa khác nữa.
Trung Quốc từ trước tới giờ vẫn khẳng định họ tuân thủ đầy đủ các nghị quyết cưỡng hành đối với Triều Tiên, bất chấp sự hoài nghi củaWashington, Seoul và Tokyo, cho rằng vẫn tồn tại các lỗ hổng trong việc Trung Quốc thực thi nghị quyết LHQ.
Được hỏi tại một cuộc họp báo thường kỳ rằng liệu các tàu Trung Quốc có cung cấp dầu bất hợp pháp cho các tàu của Triều Tiên? Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Nhậm Quốc Cường, tái khẳng định rằng Trung Quốc, kể cả quân đội, nghiêm chỉnh cưỡng hành các nghị quyết của LHQ về Triều Tiên.
“Tình trạng mà quý vị đã đề cập đến hoàn toàn không tồn tại”, ông Nhậm nói, nhưng ông không cung cấp thêm chi tiết.
TT Putin: vụ nổ ở St. Petersburg là khủng bố
Vụ nổ tại một siêu thị ở thành phố lớn thứ hai của Nga là một cuộc tấn công khủng bố, Tổng thống Vladimir Putin nói hôm 28/12. Ông cho biết thêm rằng một cuộc tấn công khác đã bị ngăn chặn.
Ít nhất 13 người bị thương hôm 27/12 khi một thiết bị nổ đã nổ tung ở nơi gửi túi xách của khách hàng tại siêu thị ở St. Petersburg. Các nhà điều tra cho hay, thiết bị này chứa 200 gram chất nổ và được nhét thêm các mảnh sắc để gây thiệt hại nhiều hơn.
Chưa có ai nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Ông Putin đã đưa ra nhận định hôm 28/12 tại lễ khen thưởng ở điện Kremlin dành cho các quân nhận tham gia chiến dịch của Nga ở Syria, nhưng ông không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào.
Ông cũng nói rằng một cuộc tấn công khủng bố khác đã bị ngăn chặn ở St. Petersburg, nhưng nói cụ thể hơn nữa.
Đầu tháng này, ông Putin đã gọi điện cho Tổng thống Mỹ Donald Trump để cảm ơn về tin báo của CIA đã giúp ngăn chặn hàng loạt vụ đánh bom ở Sy. Petersburg, thành phố quê hương của ông Putin.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết bảy nghi can có mối liên hệ với đến nhóm Hồi giáo Nhà nước đã bị bắt do liên quan đến âm mưu đánh bom kể trên.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-putin-vu-no-o-st-petersburg-la-khung-bo/4182595.html
Nga cáo buộc Mỹ huấn luyện cựu chiến binh IS ở Syria
Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga cáo buộc Mỹ huấn luyện các cựu chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở Syria để tìm cách gây bất ổn ở đất nước này.
Các cáo buộc của Tướng Valery Gerasimov, được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn trên báo, tập trung vào một căn cứ quân sự của Mỹ tại Tanf, một cửa khẩu biên giới xa lộ chiến lược ở Syria giáp với Iraq ở phía nam Syria.
Nga nói rằng căn cứ của Mỹ là bất hợp pháp và nó và khu vực xung quanh nó đã trở thành một “lỗ đen” nơi những kẻ chủ chiến hoạt động không bị cản trở.
Nhà nước Hồi giáo năm nay đã mất gần như toàn bộ lãnh thổ mà họ chiếm giữ ở Syria và Iraq. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết phần chính của cuộc chiến với Nhà nước Hồi giáo ở Syria đã kết thúc, theo thông tấn xã nhà nước RIA.
Mỹ nói rằng cơ sở ở Tanf là một căn cứ tạm thời được sử dụng để huấn luyện lực lượng đối tác chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi giáo. Mỹ đã bác bỏ những cáo buộc tương tự của Nga trong quá khứ, nói rằng Washington vẫn quyết tâm tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo và từ chối nơi ẩn náu an toàn cho nhóm này.
Nhưng ông Gerasimov nói với nhật báo Komsomolskaya Pravda hôm thứ Tư rằng Mỹ đang huấn luyện những chiến binh từng là những kẻ chủ chiến Nhà nước Hồi giáo nhưng giờ tự gọi mình là Đạo quân Syria Mới hoặc sử dụng những cái tên khác.
Ông nói các vệ tinh và máy bay không người lái của Nga đã phát hiện các lữ đoàn chiến binh tại căn cứ này của Mỹ.
“Thực tế là bọn họ đang được huấn luyện ở đó,” ông Gerasimov cho biết, nói rằng cũng có một số lượng lớn những kẻ chủ chiến và cựu chiến binh Nhà nước Hồi giáo tại Shadadi, nơi ông nói cũng có một căn cứ của Mỹ.
“Họ thực ra là Nhà nước Hồi giáo,” ông nói. “Nhưng sau khi họ được cộng tác, họ thay đổi vị trí của mình và lấy tên khác. Nhiệm vụ của họ là gây mất ổn định tình hình.”
Nga đã rút quân một phần khỏi Syria, nhưng ông Gerasimov nói việc Moscow đang giữ một căn cứ không quân và cơ sở hải quân ở đó có nghĩa là Nga có vị thế vững vàng để đối phó với những cụm bất ổn nếu và khi chúng bùng lên.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-cao-buoc-my-huan-luyen-cuu-chien-binh-is-o-syria/4182217.html
Ukraine, phiến quân thân Nga bắt đầu trao đổi tù nhân
Nhà chức trách Ukraine và phiến quân ly khai thân Nga đã bắt đầu trao đổi tù nhân ở miền đông Ukraine hôm thứ Tư. Đây là vụ trao đổi lớn đầu tiên trong mấy tháng qua và là vụ trao đổi lớn nhất kể từ khi cuộc nổi dậy của thành phần thân Nga bùng ra vào năm 2014 tại nước cộng hòa Soviet cũ này.
Thỏa thuận này yêu cầu Kiev trao trả 306 tù nhân cho phiến quân và nhận lại 74 tù nhân.
Xung đột ở miền đông Ukraine nổ ra vào tháng 4 năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea một tháng trước đó. Một số thỏa thuận ngừng bắn đã giúp xuống thang bạo lực, nhưng các vụ giết người vẫn tiếp tục. Xung đột đang diễn tiến giữa thành phần ly khai thân Nga và binh lính chính phủ đã làm hơn 10.000 người thiệt mạng. Một thỏa thuận ngừng bắn được ký vào năm 2015 kêu gọi trao đổi tất cả các tù nhân, nhưng cả hai bên bị nghi là đã cầm giữ hàng chục người, và có thể là hàng trăm người, để dùng làm công cụ mặc cả.
Một quan chức chính phủ Ukraine và các thủ lĩnh ly khai đã đồng ý trao đổi các tù nhân vào tuần trước, với nhà lãnh đạo của Giáo hội Chính thống giáo Nga đứng ra làm trung gian điều giải.
“Tôi hy vọng tiến trình đã bắt đầu sẽ tiếp tục và sẽ bảo đảm thiết lập một nền hòa bình chính đáng và trường tồn,” Đức Thượng phụ Kirill của Giáo hội Chính thống giáo Nga nói hôm thứ Hai.
Ukraine và các đồng minh phương Tây đã cáo buộc Nga đưa quân đội và vũ khí qua biên giới, điều mà Moscow phủ nhận.
https://www.voatiengviet.com/a/ukraine-phien-quan-than-nga-bat-dau-trao-doi-tu-nhan/4181825.html
Syria : Phe nổi dậy
rút khỏi các căn cứ cuối cùng sát biên giới với Liban
Quân đội chính phủ Syria và lực lượng nổi dậy vừa đạt thêm một thỏa thuận mới, theo đó các chiến binh nổi dậy sẽ từ bỏ các vị trí cuối cùng tại khu vực biên giới Liban-Syria.
Từ Beyrouth, sáng hôm nay, 28/12/2017, thông tín viên Paul Khalifeh cho biết cụ thể:
Kết thúc chiến dịch khởi sự từ ngày 28/09, quân đội Syria đã lấy lại được một phần lớn vùng, vốn do quân nổi dậy và thánh chiến kiểm soát, ở phía tây nam thủ đô Damas, tại tam giác chiến lược nằm giữa tỉnh miền nam Quneitra, biên giới Liban và cao nguyên Golan của Syria, bị Israel chiếm giữ.
Quân đội chính phủ đã chiếm lại được từ 80 đến 120 cây số vuông, nằm trong tay các lực lượng nổi dậy, và thánh chiến từ năm 2012. Các nguồn tin từ đối lập thừa nhận bước tiến của quân đội Syria, trong những ngày gần đây, đã kiểm soát được thêm một loạt ngọn đồi. Quân đội Damas đã đẩy lùi phe nổi dậy tại căn cứ địa cuối cùng của họ tại Beit-Jin, trên sườn núi Hermon, ngọn núi cao 2.800 mét, nằm ở vùng biên giới giữa Liban và Syria. Phần cực nam của dãy núi này nằm dưới sự kiểm soát của Israel kể từ năm 1967.
Bị mất đất và nhiều tuyến đường tiếp liệu, phe nổi dậy cuối cùng đã chấp nhận đề nghị sơ tán, mà quân đội Syria đưa ra. Các chiến binh nổi dậy sẽ dời đến tỉnh Idleb, phía bắc, và tỉnh Deraa, phía nam.
Nếu cuộc sơ tán nói trên diễn ra như dự kiến, phe nổi dậy sẽ không còn một vị trí nào tại vùng biên giới Syria và Liban. Dự án của Israel tạo một vùng đệm dọc cao nguyên Golan, để đẩy lùi lực lượng vũ trang Hezbolah của Liban, sẽ không thể trở thành hiện thực ».
Trên thực địa, liên quan đến lực lượng thánh chiến Hồi Giáo đang tiếp tục bị đẩy lùi ở khắp nơi, tướng Anh Felix Gedney – một chỉ huy của liên minh quốc tế do Hoa Kỳ đứng đầu – tối qua tuyên bố liên quân « không có ý định » tấn công vào tàn quân Daech hiện diện tại các khu vực do chính quyền Damas kiểm soát. Theo liên quân, hiện Daech còn khoảng 1.000 chiến binh ở Irak và Syria.
Còn tại Matxcơva, tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay tham dự lễ trao tặng huân huy chương cho hàng trăm quân nhân, tham gia chiến dịch quân sự tại Syria. Ông Putin biểu dương vai trò « đặc biệt quan trọng » của nước Nga trong cuộc chiến chống Daech tại Syria, kết thúc với thắng lợi. Giữa tháng 12, Nga thông báo rút một phần lớn các lực lượng, được triển khai tại Syria từ tháng 9/2015, để hậu thuẫn chế độ Damas.
Pháp kêu gọi Ả Rập Xê Út ngừng phong tỏa Yemen
Trong lúc chiến sự lắng xuống tại Syria, bạo lực tiếp tục dữ dội ở nước láng giềng Yemen. Hôm qua, thêm gần 70 thường dân thiệt mạng trong một cuộc không kích của liên quân quốc tế – do Ả Rập Xê Út đứng đầu – chống lại quân nổi dậy Houthi, theo một điều phối viên nhân đạo Liên Hiệp Quốc có mặt tại chỗ.
Cũng hôm qua, theo phủ tổng thống Pháp, tổng thống Emmanuel Macron đã kêu gọi quốc vương Ả Rập Xê Út Salmane « dỡ bỏ hoàn toàn phong tỏa » đối với Yemen, quốc gia hơn 26 triệu dân, hiện đang nằm trong « tình trạng khủng hoảng nhân đạo » nghiêm trọng nhất thế giới, theo nhiều cơ quan Liên Hiệp Quốc. 80% dân thường nước này phụ thuộc vào trợ giúp quốc tế về y tế, nước và thực phẩm. Hơn một triệu người là nạn nhân của dịch tả.
Tổng thống Pháp nhấn mạnh là « không có giải pháp quân sự cho xung đột tại Yemen » và kêu gọi hai bên xung đột trở lại bàn đàm phán.
Pháp: Chính sách châu Á của tân tổng thống Macron
sẽ ra sao ?
Một câu hỏi thường được đặt ra từ ngày tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhậm chức : Đó là chính sách châu Á của Pháp sẽ ra sao ? Chuyên san Pháp Asialyst ngày 18/05/2017 đã thử trả lời trong bài phân tích của chuyên gia về Trung Quốc và các vấn đề quốc tế Philippe Le Corre mang tựa đề « Từ Hollande đến Macron, chính sách nào cho Pháp ở châu Á – De Hollande à Macron, quelle politique pour la France en Asie ? ».
Đối với chuyên gia Philippe Le Corre, cả tổng thống Macron lẫn thủ tướng Édouard Philippe đều thuộc một thế hệ lãnh đạo trẻ, đã có dịp biết đến châu Á trong công việc trước đây của mình. Bên cạnh đó, trong chính phủ mới được thành lập, vai trò của tân ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, một người thường xuyên tiếp cận với châu Á trong suốt 5 năm làm bộ trưởng Quốc Phòng của cựu tổng thống François Hollande tiền nhiệm cũng sẽ rất cần thiết.
Thủ tướng Edouard Philippe có kinh nghiệm về Trung Quốc
Thủ tướng Edouard Philippe là người có kinh nghiệm thực tế về châu Á, cụ thể là về Trung Quốc. Trong tư cách thị trưởng của thành phố cảng Le Havre, lãnh đạo mới của chính phủ Pháp đã có dịp phát triển các mối quan hệ cấp cao với Trung Quốc. Le Havre đã năm lần tổ chức diễn đàn thương mại Trung Quốc-Europa, một sự kiện vốn từ năm 2006 đến năm 2014, đã trở thành một trong những cuộc hẹn tại châu Âu rất được doanh nghiệp Trung Quốc ưa chuộng.
Ông Philippe, trong tư cách thị trưởng Le Havre, đã nhiều lần đi thăm Trung Quốc, đặc biệt là để gặp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (11/2013) nhân một hội nghị Trung Quốc-Liên Hiệp Châu Âu về các vấn đề đô thị, và đồng chủ trì phiên bản Trung Quốc của diễn đàn Trung Quốc-Europa tại thành phố Thẩm Dương (09/2014).
Cặp đôi đứng đầu ngành hành pháp nước Pháp Macron-Philippe như vậy sẽ tiếp tục công việc của cựu tổng thống François Hollande, một người ngay từ năm 2012, đã hoạch định một chính sách châu Á tinh tế nhờ cố vấn ngoại giao của ông, nhà Hán học Paul Jean-Ortiz.
Được cử làm cố vấn chỉ đạo (sherpa) về những vấn đề quốc tế, “PJO” người đã hầu như trải qua toàn bộ sự nghiệp của mình ở châu Á, đã có một cộng sự đồng hành tại điện Elysee mang tên Emmanuel Macron, phó tổng thư ký phủ tổng thống, phụ trách các vấn đề kinh tế.
Trong số những thành tựu của Paul Jean-Ortiz (qua đời tháng 07/2014), có thể kể đến việc Pháp đã xây dựng thành công những quan hệ tin cậy với hầu hết các nước châu Á, không riêng gì với Trung Quốc (từng gặp rắc rối với tổng thống Nicolas Sarkozy) và Nhật Bản.
Đông Nam Á được đặc biệt quan tâm từ năm 2012
Kể từ năm 2012, khu vực Đông Nam Á trở thành một mục tiêu quan trọng đối với điện Elysee. Trong nhiệm kỳ của mình, François Hollande đã đích thân đi thăm nhiều quốc gia vùng châu Á Thái Bình Dương : từ Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, đến Malaysia, Philippines, Lào, Singapore, Việt Nam, Indonesia và Úc; chưa kể đến rất nhiều các chuyến thăm cấp thủ tướng hay bộ trưởng từ giữa năm 2012 đến năm 2017.
Ngành công nghiệp quốc phòng Pháp từ lâu đã có mối quan hệ chặt chẽ với khu vực. Malaysia, Indonesia và Singapore là khách hàng lâu năm của các tập đoàn vũ khí Pháp Thales và DCNS. Trong năm 2016, Úc đã đặt 40 tỷ đô la tàu ngầm do DCNS chế tạo. Còn Ấn Độ thì đã đặt mua 36 máy bay Rafale của Dassault Aviation với giá 8,8 tỷ đô la, cũng vào năm ngoái.
Trong bối cảnh đó, việc bổ nhiệm cựu bộ trưởng Quốc Phòng rất được tôn trọng là ông Jean-Yves Le Drian làm ngoại trưởng rất được châu Á chú ý, vì bản thân ông là một bộ trưởng Quốc Phòng rất quan tâm đến châu Á.
Tân ngoại trưởng Pháp từng đề nghị Liên Hiệp Châu Âu tuần tra Biển Đông
Vào tháng 06/2016, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore (cuộc họp thường niên của các chuyên gia quốc phòng ở châu Á), ông đã làm cử tọa ngạc nhiên khi đề xuất việc Liên Hiệp Châu Âu tiến hành những chiến dịch tuần tra Hải Quân tại Biển Đông. Bên cạnh sáng kiến đó, chính trong thời gian ông làm bộ trưởng Quốc Phòng mà các thỏa thuận quốc phòng với Đông Nam Á hay Ấn Độ được tăng cường.
Vào lúc Bắc Kinh liên tục đẩy mạnh các sáng kiến của họ ở Đông Nam Á, phát biểu năm 2016 của nguyên bộ trưởng Quốc Phòng đã được hiểu như là một mong muốn của Pháp, muốn ảnh hưởng đến cuộc tranh luận chiến lược trong khu vực. Pháp, tương tự như hầu hết các nước châu Âu, đã hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye ngày 12 tháng 7 năm 2016 về Biển Đông – một phán quyết tố cáo Trung Quốc tăng cường hiện diện trên nhiều hòn đảo đang tranh chấp. Ông Le Drian cho rằng : « Nếu muốn giảm nguy cơ xung đột, chúng ta cần phải bảo vệ pháp luật của biển ».
Về mặt chiến lược, Hải quân Pháp có một sự hiện diện đáng kể ở Thái Bình Dương, tại vùng Nouvelles Calédonies, Polynésie và Wallis và Futuna (chưa kể đến Ấn Độ Dương). Là quốc gia có vùng biển lớn thứ hai trên thế giới, Pháp cũng đang hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, Úc và New Zealand – cường quốc hàng hải khu vực khác – thông qua nhóm phối hợp bốn bên về an toàn hàng hải ở Thái Bình Dương.
Pháp cũng là một trong những nước ủng hộ chính sách của Liên Hiệp Châu Âu tại Biển Đông, được đại diện cao cấp Liên Hiệp Châu Âu về đối ngoại Federica Mogherini chủ xướng. Tân bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Sylvie Goulard chắc chắn sẽ nhấn mạnh đến hợp tác châu Âu trong lĩnh vực quan trọng này.
Emmanuel Macron: Châu Âu cần đoàn kết trước Trung Quốc
Vấn đề lớn khác liên quan đến châu Á mà chính quyền Macron phải đối mặt là đà vươn lên về kinh tế của Trung Quốc.
Giống như những gì họ đã làm thông qua hội nghị thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa Mới, vừa được tổ chức tại Bắc Kinh với sự hiện diện của khoảng ba mươi nguyên thủ quốc gia hay thủ tướng chính phủ – nhưng không có Pháp vị bận bầu cử, Trung Quốc tiếp tục tiến quân vào châu Âu về mặt kinh tế.
Trong năm 2016, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đạt 35 tỷ, tăng 77% so với năm trước. Một số nước châu Âu, trong đó có Pháp, Anh, Đức, Ba Lan và Ý, đã tham gia với tư cách thành viên sáng lập vào Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á, một sáng kiến Bắc Kinh đưa ra vào năm 2015. Không ai có thể dửng dưng trước các sự kiện như công trình xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc Beograd-Budapest được giao cho một tập đoàn Trung Quốc, hoặc việc quản lý cảng Pirée ở Hy Lạp lọt vào tay một nhóm Trung Quốc.
Trong toàn cảnh đó, đề nghị của tổng thống Emmanuel Macron về việc tăng cường đoàn kết châu Âu để đối phó với Trung Quốc, một cường quốc thương mại và đầu tư toàn cầu, có vẻ rất hợp lý.
Tổng thống mới của nước Pháp đã thấy được rằng Trung Quốc là một tác nhân kinh tế chủ chốt thời ông còn ở bộ Kinh Tế từ năm 2014 đến năm 2016, và theo dõi chặt chẽ chuyến thăm chính thức của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (nhân dịp kỷ niệm lần thứ 50 quan hệ ngoại giao Pháp-Trung) vào tháng tư năm 2014.
Chương trình hành động của ông Macron nói rõ là cần phải hợp tác với Trung Quốc (và Ấn Độ) về các vấn đề khí hậu, phù hợp với Thỏa Thuận Khí Hậu COP21 tại Paris. Về vấn đề đầu tư của Trung Quốc, tân tổng thống phân biệt rõ : Không thể đòi hỏi Trung Quốc mua máy bay Airbus mà lại từ chối không cho họ đầu tư vào sân bay Toulouse.
Vị cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp Macron cũng đã đến thăm Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, những nước đã từng tạo dựng các quan hệ chặt chẽ với Pháp thời ông François Hollande làm tổng thống.
(Bài đăng lần đầu ngày 25/05/2017)
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171228-phap-chinh-sach-chau-a-cua-tan-tong-thong-macron-se-ra-sao
Năm 2017: Biến đổi khí hậu tác hại đến Mỹ,
nhưng TT Trump vẫn thờ ơ
Trong năm 2017 sắp kết thúc, cả thế giới và đặc biệt là nước Mỹ đã phải gánh chịu các trận bão khủng khiếp, các vụ lũ lụt và cháy rừng với sức tàn phá ghê gớm. Theo giới khoa học, các sự kiện càng lúc càng dữ dội và thường xuyên hơn đó, là hệ quả rõ rệt của sự biến đổi khí hậu do hoạt động của con người gây ra.
Thế nhưng, tại Hoa Kỳ, một trong những nước góp phần lớn nhất vào sư biến đổi khí hậu của hành tinh, tổng thống Trump trong năm 2017 lại quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris 2015, được cho là một phương tiện tốt để chống lại sự biến đổi khí hậu.
Phải nói là trong năm 2017, thiên tại đã không ngừng ập xuống nước Mỹ. Vào cuối tháng Tám, Houston, thành phố lớn thứ tư ở Mỹ đã bất ngờ bị chìm trong biển nước sau cơn bão Harvey, khiến cho hàng chục người chết, hàng trăm ngàn người phải sơ tán, gây nên hàng tỷ đô la thiệt hại vật chất.
Một tuần sau đó, đến lượt cơn bão Irma với sức gió gần 300 km/giờ quét qua một số hòn đảo vùng Caribê và đe dọa bang Florida ở Mỹ, buộc hàng triệu cư dân phải tản cư… Tiếp theo đó là trận bão Maria đã gieo rắc tàn phá trên đảo Dominica và Puerto Rico, một vùng lãnh thổ thuộc Hoa Kỳ.
Gần đây hơn, tại California, các vụ hỏa hoạn nghiệm trọng chưa từng thấy đã thiêu hủy những vườn nho ở khu vực San Francisco và một số khu phố ở Los Angeles.
Đối với ông Jerry Brown, thống đốc bang California, những đám cháy đó – thuộc diện lớn nhất trong hơn 80 năm nay – là một ví dụ về những gì sắp xảy ra do việc trái đất bị hâm nóng kéo theo nạn hạn hán. Jerry Brown nằm trong số thống đốc tiểu bang và thị trưởng của các thành phố lớn tại Mỹ, muốn tiếp tục đấu tranh chống lại đà nóng lên của Trái Đất, bất chấp quyết định của tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris.
Là một người thuộc diện không tin là hoạt động sản xuất của con người làm cho khí hậu biến đổi, trong suốt thời gian tranh cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã đòi rút Mỹ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris để khỏi bị ràng buộc bằng những cam kết chống ô nhiễm, và sau khi nhậm chức tổng thống, ngày 01/06 vừa qua, ông chính thức làm việc này, nhân danh quyền lợi nước Mỹ. Đối với ông, Hoa Kỳ đã bị thiệt hại lớn khi tham gia vào hiệp định này, một văn kiện chỉ có lợi cho Trung Quốc.
Và đến cuối năm, trong báo cáo đầu tiên của mình về Chiến Lược An Ninh Quốc Gia, tổng thống Trump đã xóa bỏ sự kiện khí hậu trái đất bị hâm nóng ra khỏi danh sách các “mối đe dọa” đối với nước Mỹ.
Trung thành với đường lối trên, trong hành động của mình, ông Donald Trump đã xóa bỏ dần dần các quy định hiện hành tại Mỹ liên quan đến việc hạn chế hiện tượng biến đổi khí hậu, từ việc cử một người không tin vào biến đổi khí hậu lên nắm cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ EPA, cho đến việc khuyến khích tăng gia sản xuất các nguồn nhiên liệu hóa thạch, từ than đá đến dầu khí.
Những sắc lệnh nhằm đưa Mỹ trở thành nước xuất khẩu nhiên liệu vào năm 2026, bằng cách khôi phục việc khai thác than đá cũng như đẩy mạnh việc khai thác dầu khí và khí đá phiến đã được dồn dập ban hành.
Theo Michael Mann, một nhà khí hậu học thuộc Đại Học Bang Pennsylvania, thì trong không đầy một năm, số quy định chống lại sự ấm lên toàn cầu mà chính quyền của ông Trump đã xóa bỏ còn cao hơn cả con số mà các chính quyền tiền nhiệm đã xóa trong hai nhiệm kỳ, ám chỉ đến công việc làm của tổng thống George W. Bush.
Tổng thống Trump như vậy đã thể hiện rõ đường lối “America First” trong lãnh vực khí hậu, không cần chú ý đến trách nhiệm của Mỹ trong hiện tượng trái đất bị hâm nóng. Quốc Hội Mỹ, vào tháng 11 vừa qua, trong bản Đánh Giá Khí Hậu Quốc Gia lần thứ tư, đã ghi nhận: “Khí hậu của Hoa Kỳ có mối liên hệ chặt chẽ với biến đổi khí hậu trên toàn trái đất”.
Hàn Quốc : Không có bằng chứng về việc Bình Nhưỡng
bớt lương công nhân ở Kaesong để phát triển vũ khí
Bộ Thống Nhất Hàn Quốc, hôm nay 28/12/2017, bày tỏ thái độ “khiêm nhường chấp nhận” là không có bằng chứng về việc Bắc Triều Tiên bớt lương công nhân làm việc cho các doanh nghiệp Hàn Quốc ở khu công nghiệp Kaesong, nhằm tài trợ cho chương trình phát triển vũ khí.
Thông báo này được đưa ra sau khi một nhóm chuyên gia phản bác cáo buộc cho rằng tiền lương công nhân đã bị sử dụng sai mục đích, nhằm tài trợ cho chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa của chính quyền Kim Jong Un. Theo ông Kim Jong Soo, người đứng đầu nhóm chuyên gia, thì các cáo buộc của văn phòng tổng thống hồi năm ngoái là thiếu cơ sở, khi chưa có thông tin cụ thể, chưa có bằng chứng đầy đủ, cũng như không tham khảo các cơ quan có liên quan, chủ yếu trích dẫn các chứng cứ sai lệch, thiếu khách quan và khả tín.
Tuy nhiên, bộ Thống Nhất Hàn Quốc khẳng định sẽ tiếp tục tiến hành các bước đi tiếp theo nhằm tăng tính minh bạch và niềm tin của dân chúng vào chính sách của Seoul đối với Bình Nhưỡng.
Hồi năm ngoái, Hàn Quốc cáo buộc phần lớn số tiền mà nước này đổ vào khu công nghiệp Liên Triều Kaesong đã bị sử dụng sai mục đích. Nhằm đáp trả lại vụ phóng tên lửa tầm xa của chính quyền Bình Nhưỡng, Seoul đã quyết định rút hoạt động sản xuất công nghiệp khỏi khu công nghiệp này. Có khoảng 55000 công nhân Bắc Triều Tiên được 120 công ty Hàn Quốc tuyển dụng làm việc tại Kaesong, và được trả lương gấp đôi mức lương tối thiểu ở Bắc Triều Tiên là 70 đôla/người/tháng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
tìm cách cải thiện quan hệ với châu Âu
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ căng thẳng với một số quốc gia châu Âu. Ông nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ phải “thêm bạn bớt thù”.
Trên tờ báo Hurriyet số ra hôm nay 28/12/2017, nhà lãnh đạo chính quyền Ankara mô tả các vị nguyên thủ Đức, Hà Lan và Bỉ là “những người bạn cũ”, đánh giá mối quan hệ gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia này là “khá tốt đẹp”, đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng, phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ có chung quan điểm về hồ sơ Jerusalem.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước phương Tây bắt đầu xấu đi khi chính quyền Ankara hồi đầu năm 2017, tiến hành chiến dịch vận động cho cuộc trưng cầu dân ý (được tổ chức vào tháng 04/2017) nhằm ghi vào Hiến Pháp việc chuyển đổi từ chế độ nghị viện sang chế độ tổng thống. Nhiều nước châu Âu, như Đức, Hà Lan, không cho phép các bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức các cuộc mít tinh chính trị nhằm thu hút lá phiếu của cộng đồng người Thổ ở hải ngoại.
Tổng thống Erdogan đã công kích các đồng minh phương Tây, cáo buộc các quan chức châu Âu phân biệt chủng tộc, bao che khủng bố và hành xử như “phát xít”. Đáp lại, các quốc gia phương Tây cũng lên tiếng chỉ trích tình hình nhân quyền xuống cấp và sự suy thoái của các thiết chế dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171228-tong-thong-tho-nhi-ky-tim-cach-cai-thien-quan-he-voi-chau-au