TBT Nguyễn Phú Trọng cần nêu gương công khai tài sản để nghị quyết đảng đi vào cuộc sống
Vì sao yêu cầu công khai tài sản lãnh đạo của Ban bí thư bị phớt lờ?
Gần 3 tháng đã trôi qua từ ngày Ban Bí thư TW Đảng ban hành Quyết định 99, yêu cầu phải CÔNG KHAI các bản kê tài sản của cán bộ các cấp trên báo chí, Internet để nhân dân giám sát, vẫn là một sự im lặng khó hiểu trong toàn đảng như thể Quyết định này không tồn tại trên đời và nguyên tắc “tập trung dân chủ” chỉ là một trò đùa.
TBT Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: internet |
Điều này cho thấy, tư duy ‘ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau’ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, nhất là đảng viên lãnh đạo các cấp. Không cán bộ lãnh đạo nào xung phong thực hiện yêu cầu trên của Ban Bí thư, cho thấy sức chiến đấu của nhiều đảng viên, nhiều tổ chức đảng vẫn chưa đạt yêu cầu.
Ở đây xuất hiện câu hỏi, có hay không hiện tượng, cán bộ lãnh đạo cấp xã phường chưa công khai vì còn nhìn lên cán bộ cấp quận huyện. Cấp quận huyện nhìn lên tỉnh thành. Cấp tỉnh thành nhìn lên trung ương?
Mà trung ương thì đang nhìn vào người đứng đầu – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Rõ ràng, nút thắt của một trong những chỉ đạo đột phá nhất về chống tham nhũng chính là Tổng Bí thư.
Nếu Tổng Bí thư gương mẫu công khai bản kê tài sản của ông thì chắc chắn cán bộ đảng viên các cấp (trong diện kê khai) cũng sẽ công khai để toàn dân tham gia giám sát.
Ngược lại, nếu Tổng Bí thư vẫn giữ im lặng như trong suốt 3 tháng qua, thì thật khó lòng trách cán bộ lãnh đạo các cấp đồng loạt phớt lờ chỉ đạo này của Ban Bí thư.
PS: Theo Quy định 90 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn cán bộ cấp cao, vị trí Tổng Bí thư phải “tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng”. Toàn đảng, toàn quân, toàn dân đang chờ đợi quyết định của Tổng Bí thư.
(FB Nguyễn Anh Tuấn)
_____
FB Nguyễn Anh Tuấn – TBT Nguyễn Phú Trọng cần nêu gương công khai tài sản để nghị quyết đảng đi vào cuộc sống
Ngày 3 tháng 10, Ban Bí thư TW Đảng ban hành Quyết định 99 về việc phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’. Điểm đặc biệt của Quyết định 99 là lần đầu tiên có yêu cầu phải CÔNG KHAI các bản kê tài sản của cán bộ các cấp.
Các bản kê tài sản này, theo Quyết định 99, sẽ phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử…giúp người dân có cơ sở thực hiện quyền giám sát, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. [1]
Tuy nhiên, tính tới giờ đã gần 3 tháng, song chỉ đạo này của Ban Bí thư vẫn chưa được thực hiện. Bằng chứng là vẫn chưa có bản kê khai tài sản nào của các lãnh đạo được chính thức công khai trên báo chí, Internet. Điều này không khỏi khiến dư luận băn khoăn, bởi lẽ các bản kê tài sản đã có sẵn trong hồ sơ cán bộ nên việc công khai lẽ ra phải rất đơn giản, chẳng hề tốn nhiều thời gian đến thế.
Việc chậm trễ thực thi Quyết định 99 đang đặt dấu hỏi lớn về sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, cũng như việc tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ trong toàn đảng. Vấn đề đặt ra là có hay không việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, giấu diếm khuyết điểm, xa dân, sợ quần chúng, ‘ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau’.
Bởi vậy, để nghị quyết đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống, Tổng Bí thư nên làm gương công khai bản kê tài sản trên báo chí đầu tiên. Hành động của TBT chắc chắn sẽ truyền cảm hứng sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị, dẫn đến việc công khai hàng loạt các bản kê tài sản của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành TW, Chính phủ, Quốc Hội… theo đúng tinh thần Quyết định 99. Cán bộ các cấp, do đó, cũng không thể viện dẫn lý do vì người đứng đầu toàn đảng chưa công khai để trì hoãn việc thực hiện yêu cầu của Ban Bí thư được.
Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần chỉ đạo “không có vùng cấm trong chống tham nhũng” lâu nay của chính Tổng Bí thư: “Trước người ta bảo chỉ đánh từ vai đánh xuống, bây giờ thì ngay trên đầu làm mạnh hơn, tức là trung ương còn nghiêm hơn cả địa phương.” [2] Rõ ràng, Trung ương cần làm gương cho địa phương, và người đứng đầu Trung ương không ai khác chính là Tổng Bí thư.
Nguyễn Anh Tuấn
PS: Việc các lãnh đạo phải công khai tài sản là chuyện bình thường ở các nước. Không cần nhìn đâu xa, Philippines ngay cạnh bên, Tổng thống Duterte cùng toàn thể Nội các Chính phủ cũng như các Dân biểu, Thượng nghị sĩ nước này hàng năm đều phải công khai tài sản, và giải trình các biến động tài sản, theo luật định. Chẳng hạn, dễ dàng tìm thấy trên mặt báo Philippines tổng tài sản của TT Duterte tính tới cuối năm ngoái là 27,428,862.44 peso (~550,000 USD ~ 12 tỷ VND), tăng thêm 60,000 USD so với năm ngoái.
(FB Nguyễn Anh Tuấn)
http://www.tintuchangngayonline.com/2017/12/tbt-nguyen-phu-trong-can-neu-guong-cong.html