Bản tin ngày 27-12-2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bản tin ngày 27-12-2017

Tin trong nước

Tin Biển Đông
Năm 2017 trôi qua, với những những tin tức căng thẳng trên Biển Đông, báo Người Lao Động có bài bình luận: Biển Đông – điểm nóng không dễ quên. Trong tình hình thế giới đổ dồn sự chú ý vào Bắc Hàn, qua những vụ thử hạt nhân, Trung Quốc đã tranh thủ xây dựng, củng cố các cơ sở hạ tầng, hệ thống căn cứ tiền phương, tăng cường đưa các loại máy bay, khí tài ra thử nghiệm khả năng tác chiến trên Biển Đông.
Theo ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), “những hình ảnh gây sốc về việc Trung Quốc xây dựng đảo trái phép ở biển Đông đã trở nên bình thường sau 3 năm diễn ra”. Nói cách khác, chiến thuật tiến từng bước chậm nhưng chắc, kết hợp với thao tác tranh thủ thời cơ “tạo tình thế đã rồi” của Trung Quốc đang phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, chính chiến thuật này cho thấy, Trung Quốc sẽ không từ bỏ tham vọng bá quyền ở Biển Đông, bởi lộ trình này đòi hỏi người sử dụng phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, nhân lực và vật lực, cùng với lập trường rất chắc chắn. Những bãi đá ngầm trên Biển Đông đã được mở rộng diện tích nổi lên hàng trăm lần, trở thành những căn cứ với đầy đủ cơ sở hạ tầng và khí tài phục vụ không chiến và hải chiến.
Biển Đông - điểm nóng không dễ quên - Ảnh 1.
Hình chụp từ vệ tinh cho thấy hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông trong năm 2017 Ảnh: AMTI/NLĐ
Trong khi Trung Quốc ngày càng tiến xa hơn trên Biển Đông, các quan chức Việt Nam trên bờ cũng đạt được thành tựu về công tác thông tin, tuyên truyền biển đảo năm 2017. Các lãnh đạo của Bộ Ngoại giao ghi nhận: “Công tác thông tin tuyên truyền biển, đảo và phân giới, cắm mốc cũng là một bộ phận quan trọng, tiếp tục được triển khai tích cực, có những chuyển biến mới”. Tuyên truyền cho người dân trong nước chưa đủ, họ còn đẩy mạnh thông tin đối ngoại bằng tiếng nước ngoài.
Các nước không ngừng đề phòng với Trung Quốc, còn các lãnh đạo phía Việt Nam tự hào đã “thúc đẩy được hợp tác với Trung Quốc và các nước. Trong nước không để các thế lực cơ hội chính trị lợi dụng đẩy nóng vấn đề, tập hợp lực lượng chống phá”. Các quan chức Đảng thực sự tin rằng các “lực lượng chống phá” là những người lên tiếng về chủ quyền biển, đảo, đáng lo ngại hơn, đáng đề phòng hơn là lộ trình quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.
Hôm 23/12, báo Một Thế Giới điểm danh cuốn sách lịch sử với các chi tiết sai trái về chủ quyền Biển Đông, do ông Cát Kiếm Hùng, một người Trung Quốc chủ biên và dịch. Hôm 25/12, báo này cũng đã cập nhật tin: Các nhà sách vẫn rao bán cuốn sách sai trái về chủ quyền Biển Đông, hôm 26/12, báo MTG cho biết: Cục xuất bản chính thức thu hồi cuốn sách đưa thông tin sai trái về biển Đông.
Bài báo đưa tin: “Các Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố cần kiểm tra, rà soát cụ thể, thu hồi và tiêu huỷ cuốn sách vi phạm nêu trên. Các thư viện trên toàn quốc cũng không lưu trữ và luân chuyển , phục vụ bạn đọc cuốn sách sai phạm trên“.
Quyết định thu hồi và tiêu huỷ sách của Cục xuất bản gửi tới các Sở 4T các tỉnh, thành phố trên cả nước về cuốn sách. Ảnh: báo MTG
Cuộc chiến trên mặt trận thông tin
Nhân sự kiện tướng Nguyễn Trọng Nghĩa tuyên bố, quân đội vừa thành lập “lực lượng 47” với 10.000 “chiến sĩ”, ông Vũ Thạch có bài đánh giá: Chiến trường mạng ngày càng khốc liệt. Điều đáng nói ở đây là, 10.000 người này không phải để góp phần hiện đại hóa quân đội, chuẩn bị cho chiến tranh điện tử, mà chỉ để bổ sung vào lực lượng dư luận viên phía Đảng vốn đã đông tới hàng vạn người, để chống lại dân.
Lực lượng tuyên truyền viên này không phải của tuyên giáo hay công an, mà là lực lượng có biên chế trong quân đội. Số tiền đủ để duy trì “nghiệp vụ” cho chừng ấy dư luận viên chắc chắn không thua kém những dự án tiền tỷ, đã làm giàu cho các quan chức tham nhũng. “Đây là một chiến trường béo bở!”
Về con số 10.000 dư luận viên của “lực lượng 47” phía quân đội, cộng thêm lực lượng tuyên truyền viên có từ trước, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh đặt câu hỏi: 100.000 chiến sĩ tuyên truyền chống lại ai? Tổng số 100.000 ở đây là do tác giả ước tính từ lực lượng tuyên truyền viên khoảng 80.000 người mà phía tuyên giáo xác nhận từ năm 2013, cộng thêm con số 10.000 mà phía quân đội vừa thừa nhận, cộng với “quân số” tuyên truyền viên bên công an mà tác giả cho rằng quy mô không kém quân đội.
Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Chênh cho rằng “thế lực thù địch” mà 10 vạn dư luận viên phía Đảng phải “ngăn chặn” chính là 45 triệu người dùng mạng ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế phát triển của báo chí phía dân những năm gần đây cho thấy rằng, lực lượng dư luận viên này chỉ “thành công” trong nhiệm vụ… tạo thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Facebooker Ngô Thanh Tú viết: “Nhìn vào những con số trên mới thấy rằng, chỉ để che đậy sự thật, chính quyền CSVN mỗi năm tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền thuế của dân. Với ngần ấy tiền hoang phí vào những chuyện vớ vẩn thì lấy đâu tiền của để phát triển, kiến thiết quốc gia. Đó cũng chính nguyên nhân vì sao VN ngày càng lụn bại, còn thua cả Lào và Cambodge“.
Nhân dịp ông Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ nỗi lo lắng cán bộ, đảng viên tìm thông tin xấu, TS Chu Mộng Long viết: Tôi cũng thật sự lo lắng. Tác giả “hiến kế”: cách duy nhất để không tiếp nhận “thông tin xấu” là gấp lại mọi tờ báo, tắt hết các trang mạng, dù là báo phía đảng hay phía dân. “Rõ khổ cho đảng viên. Nếu không đọc tin xấu thì không có gì để đọc”.
Khi chỉ làm nhiệm vụ của tuyên giáo, thay vì cung cấp thông tin đúng, đầy đủ và kịp thời cho người dân, thì ‘báo chí có nguy cơ bị mạng xã hội dẫn dắt’. Đó là nỗi lo của ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ 4T, “báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội vượt mặt trong việc cung cấp thông tin đến đọc giả. Thậm chí, có lúc mạng xã hội lấn át về độ nhanh nhạy, cập nhật thông tin trong các vấn đề nhạy cảm, phức tạp“.
Hiện tượng các trang mạng xã hội hoặc các blogger, Facebooker nắm thông tin trước cả báo chí lề đảng, như vụ Trịnh Xuân Thanh “về nước”, vụ bắt và xử Đinh La Thăng, biến cố chính trị liên quan tới các phe, nhóm trong Đảng, cho thấy, nỗi lo của Thứ trưởng Bảo đã trở thành sự thực, chứ không còn là “nguy cơ” nữa.
Tuy nhiên, thay vì thừa nhận yếu tố “bẻ cong ngòi bút” đã khiến hầu hết báo chí “lề phải” không còn quyền tự do báo chí, ông Bảo lại đổ thừa “nguy cơ bị mạng xã hội dẫn dắt bởi các thông tin giả mạo”. Hầu hết quan chức làm nhiệm vụ tuyên truyền cho Đảng thường đánh tráo khái niệm giữa “thông tin giả mạo” với “thông tin thật nhưng bất lợi cho Đảng”.
Chuyện “củi mạ nhôm” và những rạn nứt trong Đảng
Nhân sự kiện Vũ “nhôm” lọt lưới do lộ thông tin mật từ nội bộ Đảng, TS Chu Mộng Long viết: Tự diễn biến, tự chuyển hóa qua hiện tượng Vũ “nhôm”. Chuyện Vũ “nhôm” nắm được nội tình của phía công an điều tra cho thấy hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không những rất thực, mà còn đang phát triển theo hướng có hại cho cả nhân dân.
Trong thời điểm một bộ máy chính trị trở nên quá tải và càng lúc càng gặp nhiều lỗi hệ thống, hiện tượng “tự diễn biến” trở thành quy luật có tính lịch sử, nhưng “có những diễn biến, chuyển hóa tiêu cực đẩy cả dân tộc xuống vực thẳm”. Trong trường hợp Vũ “nhôm”, đó là sự “tự chuyển biến” “theo cách tư hữu hóa toàn bộ tài sản của nhà nước và nhân dân như các thế lực tài phiệt đang làm”.
Theo ông Long, hướng “diễn biến” như vậy thực sự là thảm họa với dân Việt, vì “bên trong chúng âm thầm thực hiện triệt để một thứ thị trường mafia, lũng đoạn từ kinh tế đến chính trị… chỉ trong một thời gian ngắn, gần như toàn bộ tài sản của nhà nước và nhân dân bị thôn tính và rơi hết vào tay tư sản mafia”.
Về hiện tượng mâu thuẫn nội bộ Đảng thể hiện qua sự kiện Trịnh Xuân Thanh và Vũ “nhôm”, báo Tiếng Dân có bài của tác giả Thạch Đạt Lang: Từ Trịnh Xuân Thanh đến Vũ “nhôm”. Sau sự kiện Vũ “nhôm” lọt lưới an ninh, cựu Đại tá công an Lê Công Thạnh đặt câu hỏi: “Tại sao trước nay đã biết có nhiều thông tin liên quan Vũ ‘nhôm’ như thế lại không có biện pháp quản thúc, để Vũ trốn mất?”. Đấy là nghi vấn mà ngay cả bác Tổng cũng chưa thể công khai câu trả lời.
Trường hợp Trịnh Xuân Thanh và Vũ “nhôm” bỏ trốn trước khi an ninh kịp khép vòng vây, cho thấy một hiện tượng nguy hiểm khác, những thông tin nội bộ về an ninh lại có thể được tiết lộ thông qua các kênh mờ ám của các “nhóm lợi ích”. Tác giả viết: “Vấn đề trị an của một đất nước với hơn 93 triệu dân bị thao túng, mua chuộc đơn giản như thế thì sinh mạng của người dân quả thật đã nằm trong tay của ngoại bang từ lâu”.
Không bắt được Vũ, nên giờ lực lượng an ninh chỉ còn cách truy nã và phong tỏa tài sản của Vũ “nhôm”. Chiều 26/12/2017, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng, đã ký văn bản “yêu cầu tạm dừng giao dịch, chuyển đổi chủ sở hữu tài sản đối với 4 cá nhân, trong đó có Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm)”.
Văn bản của UBND TP Đà Nẵng cũng thừa nhận rằng, hành động này nhằm phục vụ “công tác điều tra xử lý vụ án làm lộ bí mật nhà nước theo chỉ đạo của Cơ quan An ninh điều tra  – Bộ Công an”.
Báo Thanh Niên đưa tin: Chưa rõ tung tích Vũ ‘nhôm’. Đại tá Trần Phước Hương cho biết, sau cuộc khám xét nhà riêng Vũ “nhôm” ngày 24/12/2017, công an quận Hải Châu, TP Đà Nẵng đã lập 6 tổ kiểm tra, “rà soát toàn bộ khu vực ở địa bàn và những nơi thân quen của ông Vũ nhưng hiện vẫn chưa rõ tung tích”.
Báo GDVN vs Dương Hằng Nga, Huỳnh Đức Thơ và Sở 4T Đà Nẵng
Báo GDVN đặt câu hỏi: Dương Hằng Nga, “nữ anh hùng” hay đơn giản chỉ là “ăn cơm chúa, múa tối ngày?”. Tác giả đặt câu hỏi: “Bà Dương Hằng Nga lấy gì để nói một mình ‘chiến thắng’ Vũ ‘nhôm’, trực tiếp bênh vực ông Huỳnh Đức Thơ, người bị hai kỷ luật cảnh cáo; và xúc phạm đồng nghiệp?” Rồi sau đó khẳng định: “Chính bà Dương Hằng Nga đã tự chỉ ra rằng, mình có bóng dáng là một phần tử của nhóm lợi ích mà thôi”.
Bài viết này là loạt bài tranh luận/ đáp trả giữa báo GDVN với nhà báo Dương Hằng Nga. Sau khi bà Nga viết bài “Gửi lời chào anh Vũ Nhôm” hôm 22/12, ngày 24/12 báo GDVN có bài của tác giả Trần Phương: Ai để doanh nghiệp “sỉ nhục chính quyền”?
Cũng trong ngày 24/12, bà Nga dẫn link bài báo đó và viết: “Trần Phương viết bài như thế này thì một là chẳng biết gì về chính quyền Đà Nẵng hiện nay mà người đứng đầu là Chủ tịch UBND TPĐN Huỳnh Đức Thơ”. Trong bài viết này, bà Nga cho rằng ông Huỳnh Đức Thơ là người liêm khiết, mà Vũ ‘nhôm’ không thể mua chuộc được và rằng, “ít ra ông Thơ là người đàng hoàng, có tư cách, có lập trường rõ ràng“.
Tác giả kết luận: “Bà Hằng Nga biết một mà không biết mười khi trực tiếp vu khống báo và phóng viên của báo khi cho rằng vì lợi ích mà bênh bên này, ‘đánh’ bên kia… Cha ông ta đã dạy, ‘ăn cơm chúa, múa tối ngày’ quả là chí lý. Cho dù bây giờ có người đã rút lời, tìm cách thanh minh, nhưng ai cũng hiểu, nếu không nhận ân huệ, nếu chẳng cùng phe cùng băng thì sao phải làm như thế?
Liên quan tới bài của báo GDVN nói trên, Sở Truyền thông Thông tin Đà Nẵng phản hồi bài báo “Ai để doanh nghiệp “sỉ nhục chính quyền”?”. Theo Sở 4T Đà Nẵng, trong khi vụ án Vũ “nhôm” vẫn “chưa được các cơ quan chức năng kết luận”, bài báo này đã suy diễn khi “đặt vấn đề về mối quan hệ giữa Chủ tịch Đà Nẵng với ông Vũ ‘nhôm’” và cho rằng, chính ông Huỳnh Đức Thơ đã hỗ trợ cho “mafia đỏ” Vũ “nhôm”.
Thông cáo báo chí của Sở 4T Đà Nẵng, có đoạn: “Bài báo đã cố tình đưa thông tin của một vài ‘cá nhân’ để lập luận cho rằng đó là ‘người dân Đà Nẵng’ làm sai lệch vấn đề: ‘Đến nay, việc thi hành kỷ luật đối với ông Thơ, người dân Đà Nẵng vẫn không cảm thấy hài lòng’.” Tựu trung, Sở 4T Đà Nẵng cho rằng, bài báo “Ai để doanh nghiệp “sỉ nhục chính quyền”?” đã vi phạm khoản 8 điều 9, Luật Báo chí.
Một trong những “thành quả” từ sự dung túng của quan chức cấp cao trong Đảng dành cho Vũ “nhôm”: Công ty 79 của Vũ “nhôm” xẻ nát Sơn Trà ngay trên giấy? Tháng 11/2012, Thanh tra Chính phủ khẳng định: “Khu đất 149.687m2 thuộc dự án mở rộng Khu du lịch sinh thái – biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn – Bãi Đa của ông Vũ ‘nhôm’ nằm trong danh mục 22 trường hợp sai phạm về xác định giá thu tiền sử dụng đất”.
Tuy nhiên, giới chức Đà Nẵng lúc ấy có lẽ sợ Vũ “nhôm” hơn Thanh tra Chính phủ, nên “vẫn giải quyết các thủ tục giao đất, cho thuê đất” đối với dự án này.
Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và những khúc củi tẩm dầu
Sau khi có kết luận điều tra trong khoảng thời gian “thần tốc” chỉ 12 ngày, 6 ngày sau, Viện KSND Tối cao đã có cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tội cố ý làm trái, tham ô tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam.
Theo cáo trạng, tội của các ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh chủ yếu liên quan đến những sai phạm ở PVN, PVC và dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, chứ không nhắc đến 11.000 tỉ đồng ông Thăng làm thất thoát khi đầu tư dầu khí ở Venezuela. Có lẽ do 11.000 tỉ đồng ấy liên quan đến nhiều cựu lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước.
VnExpress có bài: Ông Đinh La Thăng đối mặt án phạt cao nhất tới 20 năm tù. Ông Thăng bị truy tố theo khoản 3, Điều 165, với khung hình phạt cao nhất tới 20 năm tù. Riêng Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc phạm tội hai điều: điều 165 và 278, một tội có khung hình phạt cao nhất là 20 năm và tội kia có thể nhận án tử.
Trang VOA đưa tin: Việt Nam ra cáo trạng đối với ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh. Bên cạnh các thông tin đã nêu trên báo “lề phải”, VOA lưu ý một chi tiết: “Báo chí Việt Nam dẫn lời giới thẩm quyền, nói rằng trong quá trình điều tra, ông Thanh ‘khai báo không thành khẩn, quanh co, chối tội’, và sau khi phạm tội ‘đã bỏ trốn gây khó khăn, cản trở điều tra’.”. Đây là tình tiết khiến Trịnh Xuân Thanh khó thoát được khung hình phạt ở mức cao nhất.
Tác giả cho biết: “Hãng tin DPA của Đức tường thuật rằng chính phủ Đức và sứ quán Đức đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến tiếp theo trong vụ xử ông Trịnh Xuân Thanh”. Kết quả phiên xử Trịnh Xuân Thanh sẽ làm cơ sở để chính phủ Đức đưa ra các quyết định tiếp theo, sau khi đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Nhân những khúc củi PVN cháy to trong lò bác Tổng, nhà báo Bùi Tín bình luận: Hai vấn đề nóng bỏng trong hai vụ đại án. Không tính đến yếu tố chính trị thì đây vẫn là vụ án kinh tế nghiêm trọng, vì 2 bị cáo chính – ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh – từng “giữ vị trí cao nhất trong Tổng công ty dầu khí PVN một thời gian dài, Tổng công ty to lớn nhất, từng mang lại cho ngân sách những khoản tiền lớn nhất trong một thời gian dài”.
Theo ông Bùi Tín, trong vụ trọng án này, có 2 vấn đề “then chốt nhất”. Thứ nhất là số tiền thất thoát từ tài sản công “thực tế lên đến bao nhiêu, có thể thu hồi về bao nhiêu? Và số tiền tham nhũng đã chia cho những ai, bao nhiêu? mất chục nghìn tỷ hay mất trăm nghìn tỷ đồng?”. Thứ hai, chính quyền Việt Nam cần công khai thông tin về con đường trốn thoát của Trịnh Xuân Thanh và con đường đưa Trịnh Xuân Thanh về lại Việt Nam.
Vấn đề thứ hai liên quan đến vụ bê bối ngoại giao lớn nhất mà Việt Nam gặp phải sau Chiến tranh Lạnh, và phải được bạch hóa vì mối liên quan trực tiếp đến số phận của “Hiệp ước tự do buôn bán với Liên Âu” (EVFTA), một trong những cứu cánh quan trọng nhất của tình hình ngân sách Việt Nam hiện tại.
Báo Người Đưa Tin bình luận: Vụ án Đinh La Thăng: Cần truy trách nhiệm của các đoàn thanh, kiểm tra trước đây. Tác giả khẳng định, một điểm chung của các sai phạm trong đại án chính trị – kinh tế ở PVN là các quan chức có thể “rút khống hàng chục tỷ đồng cứ như lục túi quần lấy tiền lẻ ra ăn sáng vậy”. Sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng đã tiếp tay cho các lãnh đạo PVN và PVC làm thất thoát tài sản công.
Theo tác giả, không chỉ ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, mà các đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán liên quan đến PVN cũng phải chịu trách nhiệm về hàng ngàn tỉ bị thất thoát, lãng phí.
Lò và chuyện củi to, củi nhỏ
Về Quyết định 99 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Facebooker Nguyễn Anh Tuấn đánh giá: Vì sao yêu cầu công khai tài sản lãnh đạo của Ban bí thư bị phớt lờ? Cụ thể, quyết định 99 yêu cầu các quan chức phải công khai tài sản trên báo giấy và báo mạng để người dân trực tiếp giám sát. Nhưng sau 3 tháng công bố Quyết định 99, vẫn chưa có lãnh đạo nào kê khai tài sản,“như thể Quyết định này không tồn tại trên đời và nguyên tắc ‘tập trung dân chủ’ chỉ là một trò đùa”.
Theo tác giả, ông Trọng đang là người đứng đầu phong trào chống tham nhũng, nên ông ta phải làm gương và tự giác kê khai tài sản của chính mình. “Ngược lại, nếu Tổng Bí thư vẫn giữ im lặng như trong suốt 3 tháng qua, thì thật khó lòng trách cán bộ lãnh đạo các cấp đồng loạt phớt lờ chỉ đạo này của Ban Bí thư”.
Báo Lao Động có bài tổng hợp: 10 vụ nổi bật trong công tác xử lý cán bộ cấp cao vi phạm: Khẳng định quyết tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tác giả điểm mặt 10 khúc củi to vừa bị cho vào lò của bác Tổng: Phạm Văn Vọng, Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh, Huỳnh Đức Thơ, Nguyễn Phong Quang, Hồ Thị Kim Thoa, Phan Thị Mỹ Thanh, Phùng Đình Thực, Nguyễn Minh Quang, Lương Duy Hanh.
Tuy nhiên, 10 khúc củi này cũng cho thấy tính chất “nhận mặt người quen” của lò củi bác Tổng, bởi bác hầu như không đụng gì đến các sai phạm trong đất đai, môi trường ở Yên Bái, nơi mà dự luận cho rằng đó là một “sân sau” điển hình của phe bác.
Khi Đảng bán dần “gà đẻ trứng vàng”
Báo Người Lao Động đưa tin: Sẽ bán 36% vốn nhà nước còn lại ở Sabeco. Thông tin này được xác nhận bởi ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN – Bộ Tài chính, trong cuộc họp báo ngày 25/12/2017 về cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2018, nhà nước sẽ tiếp tục thoái vốn ở 3 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, là Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Power, PVOil, với “tổng vốn gần 100.000 tỉ đồng”. Danh sách “bán lúa giống” sẽ không dừng lại ở đấy mà còn được nối dài bởi một số doanh nghiệp lớn khác như “Tập đoàn Cao su Việt Nam vốn điều lệ khoảng 50.000 tỉ đồng”.
Về mục đích sử dụng 100.000 tỉ đồng thu được từ thương vụ bán vốn Sabeco, ông Tiến trả lời dài dòng, cố gắng lý tưởng hóa vấn đề theo kiểu hành ngôn quen thuộc của quan chức, nhưng ý chính vẫn là: bù đắp cho các khoản chi ngân sách đang thiếu hụt.
Trước hiện tượng nhà nước liên tục thoái vốn ở các “thương hiệu một thời” như Vinamilk rồi Sabeco, Facebooker Ngô Trường An viết: Hãy trả lời tôi! Theo tác giả, sự kiện nhà nước bán một loạt “gà đẻ trứng vàng” để bù đắp ngân sách đang ảm đạm, cho thấy “con đường quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội đã hoàn toàn sụp đổ!”.
“Không giữ được và không phát triển được doanh nghiệp nhà nước thì làm sao xây dựng được mô hình ‘Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu’?”. Như vậy, một trong những yếu tố xác lập lý tưởng và tính chính danh để cầm quyền của Đảng Cộng sản cũng đang biến mất dần theo tình hình “bán lúa giống”. Còn lại là câu hỏi mà dư luận đã đặt ra từ lâu: hàng triệu người dân VN đã hy sinh trong cuộc chiến vì lý tưởng cộng sản để được gì.
Chính phủ lừa Đào Minh Quân
Truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin: Xét xử nhóm khủng bố sân bay Tân Sơn Nhất. Trong nhóm này có Đặng Hoàng Thiện (24 tuổi), Nguyễn Đức Sinh (32 tuổi) cùng 13 đồng phạm, “bị truy tố về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”; Lê Thị Thu Phương (21 tuổi, bạn gái Thiện) “bị truy tố về tội không tố giác tội phạm”.
Thông tin từ cáo trạng của Viện KSND Tối cao cho biết, thông qua mạng xã hội, “Thủ tướng tự phong” ở hải ngoại, ông Đào Minh Quân, đã cùng với cô Phạm Lisa lôi kéo 15 người này. Họ đã thành lập các “nhóm hành động” để thực hiện các vụ bạo động.
Trang BBC có bài: Xử 15 người bị cáo buộc ‘khủng bố sân bay Tân Sơn Nhất’. Bên cạnh những thông tin đã được công khai trên báo đài trong nước, bài viết trên BBC dẫn thêm nội dung trao đổi với Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp.
LS Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói: “Không phải cứ nhận tiền tài trợ từ các thế lực ‘phản động’ là phản động. Vấn đề mấu chốt là anh sử dụng tiền tài trợ đó cho mục đích gì, có hợp pháp hay không mới là quan trọng chứ không phải anh nhận tiền từ ai. Chúng ta không thể cấm một kẻ cướp làm từ thiện được“.
Vấn đề không chỉ là “nhận tiền từ các tổ chức ở nước ngoài”, mục đích sử dụng những số tiền như vậy mới quan trọng và xác định rằng hành vi có thể cấu thành tội hay không. Trường hợp nhóm bạo động của Thiện và Sinh rõ ràng đã dùng tiền sai mục đích. Tuy nhiên, vẫn có những tổ chức đấu tranh ôn hòa nhận tài trợ từ đồng bào ở hải ngoại hoàn toàn vì mục đích giúp VN có những thay đổi tích cực.
Về hướng đi sai lệch của nhóm thanh niên đấu tranh bằng bạo động, nhà báo Phạm Đoan Trang đánh giá: Chết vì “chú phỉnh” Đào Minh Quân. Tác giả ghi nhận một hiện tượng đáng lo ngại, không ít bạn trẻ có tư duy muốn thay đổi hiện tình đất nước, nhưng không nghe những người đi trước có kinh nghiệm đấu tranh ôn hòa, mà lại tin vào những video của một số nhân vật ở hải ngoại có khuynh hướng kích động bạo lực.
Nhà báo Đoan Trang cho rằng, nếu âm mưu bạo động của nhóm Thiện, Sinh thành công, thì họ cũng không khác gì những tay biệt động Sài Gòn ngày xưa.
Facebooker Phạm Lê Vương Các viết: Trả giá vì “gã hề chính trị”. Ông Các khẳng định: “Nói một cách sỗ sàng thì có thể gọi đây là ‘đám người thần kinh, ảo tưởng chính trị’. Nhìn những gì ông ‘thủ tướng’ Đào Minh Quân thể hiện, nhiều người cho rằng ông ấy là một kẻ bịp bợm chính trị, nhưng đối với tôi thì ông ta chỉ là một ‘gã hề chính trị’.”
Thật ra, không khó để nhận ra bộ mặt của “Thủ tướng chính phủ” lừa Đào Minh Quân, thế nhưng “thật khó hiểu khi vẫn có người chui vào sân khấu của ‘gã hề chính trị’, tham gia vào vai diễn phụ quần chúng nhưng đã phải trả giá thật sự bằng bi kịch của cuộc đời“.
Nhân quyền ở Việt Nam
Về chuyện một người phải ngồi tù oan 16 năm chỉ vì cung cấp thông tin kẻ giết người, LS Lê Văn Luân đánh giá lực lượng điều tra viên, an ninh của vụ này là những con dã thú. Họ đã “đánh đập dã man, ép người khác nhận tội và chỉ cách cho người bị tình nghi phải thực nghiệm hiện trường theo mới thả những người khác ra”.
Luật sư Luân cho rằng, chính “quy trình” điều tra khép kín ở Việt Nam đã tạo điều kiện cho những tình huống oan sai kéo dài đến hàng chục năm, thậm chí là những cái chết bất thường trong đồn công an. “Đó là lý do để luôn cần phải có sự hiện diện của luật sư khi cơ quan điều tra triệu tập nghi can, người bị mời làm việc, và đó cũng là lý do để thay đổi luật tố tụng về trình tự, thủ tục chứng minh tội phạm”.
Đối với tiêu chuẩn của các nước dân chủ văn minh, hành vi ép cung, làm giả hiện trường, lập lời khai khống, mà lực lượng an ninh Việt Nam đã quen làm, chính là hành vi của tội phạm.

Tin quốc tế

Bóng ma Bắc Hàn
Những diễn biến mới ở Bắc Hàn được báo VnExpress đưa tin: Triều Tiên có thể sắp phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Dẫn nguồn tin từ Chính phủ Nam Hàn, cho biết, “chúng tôi biết Triều Tiên đã hoàn thiện vệ tinh mới và đặt tên Kwangmyongsong-5″. Các vụ phóng vệ tinh lên quỹ đạo đã được Bắc Hàn thực hiện vào năm 2012 với vệ tinh Kwangmyongsong-3 và năm 2016 với Kwangmyongsong-4.
Nguồn tin từ Nam Hàn cũng cho biết thêm: “Kế hoạch của họ là đưa một vệ tinh có máy ảnh và thiết bị liên lạc lên quỹ đạo“. Về phản ứng của Nam Hàn, bài viết nhấn mạnh “Seoul đang đề phòng những động thái khiêu khích của Bình Nhưỡng, bao gồm ‘thử tên lửa tầm xa được ngụy trang là phóng vệ tinh’.“.
Liên quan đến việc áp dụng trừng phạt mới với Bình Nhưỡng, báo VnExpress tiếp tục có bài viết: Trung Quốc ngừng xuất xăng dầu sang Triều Tiên. Theo tác giả, trong tháng 11 vừa qua, Bắc Kinh đã không xuất khẩu (chính ngạch) dầu diesel cho Bắc Hàn. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp, Bắc Kinh ngừng cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng.
Bài viết có đoạn, “Trung Quốc không xuất khẩu xăng, nhiên liệu máy bay, dầu diesel sang Triều tiên trong tháng 11, Reuters dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm nay. Trung Quốc là nguồn cung nhiên liệu chính cho Triều Tiên“. Nếu Bắc Kinh tuân thủ nghiêm việc trừng phạt, Bắc Hàn sẽ rất khó sống vì phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu ngoại tệ qua hoạt động thương mại với Trung Quốc.
Còn RFA chạy tít: Nam Hàn hy vọng Bắc Hàn sẽ tìm cách đàm phán với Mỹ. Bài viết đưa ra đánh giá từ Bộ Thống Nhất Đất Nước của chính phủ Nam Hàn, “Bắc Hàn sẽ tìm cách đàm phán với Hoa Kỳ, đồng thời tiếp tục theo đuổi nỗ lực để được công nhận là một quốc gia hạt nhân“.
Những căng thẳng giữa Mỹ và Bắc Hàn được đẩy lên mức rất nguy hiểm khi Triều Tiên liên tục phóng tên lửa, thử vũ khí hạt nhân và đe dọa tấn công hủy diệt Mỹ và đồng minh. Để đáp trả, Hoa Kỳ đã vận động LHQ thông qua nghị quyết trừng phạt mới, nhằm “siết cổ” những tham vọng cực đoan của Bình Nhưỡng.
Lò lửa Trung Đông
Hành động mới nhất ở Jerusalem đó là, Israel liên lạc với hơn 10 nước về việc dời sứ quán về Jerusalem, thông tin trên được RFI loan tải. Bài viết dẫn lời giới chức ngoại giao Israel cho biết, nước này đang liên lạc với nhiều quốc gia để dời sứ quán của họ về Jerusalem.
Một ngày sau khi Guatemala thông báo dời ĐSQ tới Jerusalem, ông Tzipi Hotovely, thứ trưởng Ngoại Giao Israel phát biểu: “Chúng tôi đang liên lạc với ít nhất là 10 nước, trong đó có một số nước châu Âu, để bàn về việc dời đại sứ quán của các nước này về Jerusalem”. Ông Tzipi Hotovely không đưa danh sách các nước được liên lạc, cũng như các nước nào sẽ tiếp nối Guatemala dời sứ quán về Jerusalem.
Trang Dân Trí có bài phân tích: Đằng sau quyết định của 7 nước ủng hộ Mỹ tại Liên Hợp Quốc về Jerusalem. Bài viết cho hay, những nước ủng hộ Mỹ và Israel đều là các nước nhỏ và đều nhận viện trợ của Mỹ hàng năm.
Phân tích của Washington Post được tác giả dẫn lại, “hầu hết các quốc gia này thường có xu hướng ủng hộ có lợi cho Israel hoặc bỏ phiếu trắng. Nếu không phải vấn đề quá quan trọng, hay gây tranh cãi lớn trong nước, các quốc gia này thường lựa chọn giải pháp an toàn là ‘không chọc giận’ Mỹ để không ảnh hưởng đến nguồn viện trợ”.
Trung Quốc và giấc mộng bá quyền
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan gần đây cũng được đẩy lên liên tục, RFA đưa tin: Trung Quốc diễn tập gần Đài Loan nhiều lần. Về thái độ của Đài Loan, RFI có bài: Đài Loan: Các cuộc tập trận của Trung Quốc là “mối đe dọa lớn”. Cả 2 bài viết đều tổng hợp lại 16 lần tập trận trong năm 2017 của không quân Trung Quốc tại vùng biển sát Đài Loan.
Các cuộc tập trận của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan đang ngày càng mở rộng cả về số lượng, lẫn quy mô. Các cuộc tập trận của Trung Quốc, theo Đài Loan là “mối đe dọa lớn” đối với an ninh của họ, còn phía Bắc Kinh cho rằng, “các cuộc diễn tập này là bình thường“. Theo các số liệu thống kê, Trung Quốc hiện có hơn 2 triệu lính còn phía Đài Loan có khoảng 1/10 con số đó.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan được đẩy lên cao từ năm 2016, sau khi bà Thái Anh Văn, là người có quan điểm đưa Đài Loan trở thành độc lập, đắc cử Tổng thống. Phía Bắc Kinh liên tục hầm hè, đe dọa tấn công phủ đầu Đài Loan, với giọng điệu bành trướng, kẻ cả quen thuộc. Trung Quốc cũng gia tăng liên tục các cuộc tập trận nhằm “thị uy, bắt nạt” tại eo biển Đài Loan từ đó.
RFI có phân tích: Quyền lực “sắc”: Đường lối ngoại giao mới của Bắc Kinh. Bài viết cho biết: Do quá nôn nóng trong việc tách các quốc gia ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc đã dùng đến “quyền lực mềm” một cách quá thô bạo và nó biến thành một thứ quyền lực “sắc” (sắc nhọn).
Nhiều chuyên gia và giới phân tích đánh giá, Trung Quốc đang sử dụng một lượng tiền, được mệnh danh là “nguồn tài chính chưa từng có trên thế giới” để mua ảnh hưởng mềm rất thô bạo. Úc, New Zealand đang phải hứng chịu thứ “quyền lực mềm” mang đậm mùi vị Trung Hoa trong thời gian qua. Đặc biệt, sự thô bạo của Trung Quốc còn đẩy họ và Úc vào một thời kỳ như đang trong Chiến tranh lạnh.
Theo bài viết phân tích, Trung Quốc đang “mua quyền lực mềm” bằng mọi thủ đoạn, nhằm mục đích xóa đi hình ảnh một quốc gia khổng lồ về kinh tế và diện tích nhưng lại quá nhỏ bé về những đóng góp, quá nhỏ bé về thể diện quốc gia. Chuyện tăng cường ảnh hưởng bằng mọi giá của Bắc Kinh đối với các nước khác nhằm “tránh không chỉ trích Bắc Kinh trên các vấn đề như nhân quyền hay yêu sách chủ quyền lãnh thổ, cũng như tránh đề cập đến những chủ đề úy kỵ như vụ thảm sát Thiên An Môn hay quy chế của đức Đạt Lai Lạt Ma”.
Thành tích tệ hại về nhân quyền Trung Quốc một lần nữa bị bêu riếu qua bài viết trên RFA với nhan đề: Trung Quốc kết án nhà hoạt động internet 8 năm tù. Ông Ngũ Cán (Wu Gan) vừa bị Bắc Kinh kết án 8 năm tù với tội danh “lật đổ chính quyền”. Ông Cán là nhà hoạt động mạng, là người thường xuyên chỉ trích rất gay gắt những vi phạm nhân quyền và nền tảng chính trị xã hội Trung Quốc hiện nay.
Bài viết có đoạn, “ông Ngũ Cán không nhận tội tại tòa và bản án nặng được luật sư của ông này xem là tín hiệu mà chính phủ Bắc Kinh nhắn đến những ai dám thách thức quyền lực của đảng“. Chiến dịch trấn áp nặng nề người bất đồng hiện nay, do đảng cộng sản tiến hành ở Trung Quốc và Việt Nam có nhiều nét rất tương đồng: Với những điều luật mơ hồ, những phiên tòa bỏ túi, những bản án nặng nề nhắm vào giới đấu tranh ôn hòa.
Nga: Những gian manh của Đại đế
Liên quan đến chiêu trò của Putin và bộ sậu, VOA có bài: Điện Kremlin: Kêu gọi tẩy chay bầu cử có thể trái luật. Đây là chiêu trò mới của Putin nhằm khống chế phe đối lập, không cho họ tẩy chay bầu cử tổng thống vào tháng 3/2018 tại Nga. Nhà chính trị đối lập Alexei Navalny đang hối thúc những người ủng hộ ông tẩy chay bầu cử vào năm tới.
Trước đó, blogger chống tham nhũng Alexei Navalny đã bị Điện Kremlin cấm ra tranh cử tổng thống, với lý do, ông đã từng bị kết án hình sự vì chống tham nhũng. Việc cấm tranh cử đối với ông Alexei Navalny nhằm bảo đảm sự thắng lợi của Putin, là người đã lãnh đạo nước Nga một mình với vai trò một Siêu Đại đế không ngai.
Mối quan hệ Nga – Mỹ cũng đang khá căng thẳng xung quanh nhiều vấn đề như Syria, Ucraine, Bắc Âu, Đông Âu… Trên Infonet có bài: Điện Kremlin: Quan hệ Nga – Mỹ sẽ càng nguội lạnh vì lệnh cấm vận về chủ đề này. Theo bài viết, “Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov đã phát biểu rằng việc lệnh trừng phạt nhằm vào Nga được tăng cường sẽ là ‘nguy cơ quá lớn’ có thể tổn hại đến quan hệ giữa Moscow và Washington”. 
Lệnh trừng phạt Nga của Mỹ và EU nhắm vào Nga sau khi quốc gia này thôn tính bán đảo Crimea, một vùng lãnh thổ của Ucraine, năm 2014. Lệnh trừng phạt này cùng với việc giá dầu lao dốc đã khiến Nga trở thành “chú gấu bệnh xác xơ” và tưởng chừng đã kết thúc triều đại Putin trong năm 2015.

 

Các tin vắn quốc tế khác: Năm 2017, Donald Trump làm thế giới choáng váng (RFI). – Ngoại trưởng Đức: Cả Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đều “không có cửa” vào EU (Infonet). – Dân Peru phẫn nộ về lệnh đặc xá cho Fujimori (RFI). – Canada trục xuất Đại sứ Venezuela trả đũa (VOA).  – Liên quân Arab không kích khiến hơn 40 người Yemen thiệt mạng (SGGP). – Quân đội Ukraine liên tục bắn phá Donbass, nhiều dân thường thiệt mạng (Viet Times). – Hà Lan bắt giữ bốn người đàn ông có liên quan đến khủng bố (TTXVN). – Marốc bắt giữ 190 nghi phạm khủng bố trong năm nay — Philippines tiêu diệt 4 tay súng vụ tấn công trong ngày Giáng sinh (VOV).

Bản tin ngày 27-12-2017