Tin Việt Nam – 27/12/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 27/12/2017

Bị cáo khủng bố nói sẽ tiếp tục đấu tranh

Bị cáo cầm đầu nhóm khủng bố mới bị xét xử ở Việt Nam nói rằng sẽ vẫn tiếp tục đấu tranh nhưng chọn phương pháp đấu tranh khác. Một người chứng kiến phiên tòa giấu tên cho đài Á Châu Tự Do biết thông tin này qua thư điện tử (email).

Bị cáo Đặng Hoàng Thiện, 26 tuổi, người được cho là cầm đầu nhóm 15 người bị xét xử tội khủng bố, nói lời cuối cùng trước tòa rằng bị cáo đã chọn sai phương pháp đấu tranh, và bị cáo làm thì bị cáo chịu, không xin giảm nhẹ hình phạt.

Đặng Hoàng Thiện bị tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hôm 27 tháng 12 tuyên phạt 16 năm tù và 5 năm quản chế với tội khủng bố. 14 bị cáo khác bị án tù từ 5 năm đến 14 năm. Bạn gái của Thiện là Lê Thị Thu Phương bị 18 tháng tù treo về tội không tố giác tội phạm

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cáo buộc các bị cáo này đã cấu kết với tổ chức phản động bên ngoài tiến hành các hoạt động khủng bố, điển hình là vụ là dùng bom xăng tấn công sân bay Tân Sơn Nhất, và phóng hỏa đốt kho xe tang vật ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hồi tháng 4 vừa qua.

Có 4 bị cáo không nhận tội, hoặc phản cung trước tòa. Tất cả những bị cáo này đều bị hình phạt nặng theo đề nghị của Viện Kiểm sát. Người chứng kiến phiên tòa không cho biết tên cụ thể những người này là gì. Tuy nhiên, theo tuyên án của tòa, những người bị án nặng nhất là Đặng Hoàng Thiện 16 năm tù, Thái Hàn Phong 14 năm tù, Nguyễn Thị Chung 12 năm tù, Ngô Thụy Tường Vy và Nguyễn Ngọc Tiền mỗi người 11 năm tù và Nguyễn Đức Sinh 10 năm tù.

Các luật sư bào chữa theo hướng giảm nhẹ hình phạt.

Bằng chứng chống lại các bị cáo được đưa ra trước tòa bao gồm các đoạn chat trên mạng. Một số tài khoản facebook được đưa ra làm bằng chứng đã bị các bị cáo bác bỏ không nhận nhưng không được tòa chấp nhận.

Theo lời khai trước tòa được người chứng kiến thuật lại, có 2 vụ đốt kho xe của nhóm gây tiếng vang là ở sân bay Tân Sơn Nhất và kho xe tang vật ở Biên Hòa, Đồng Nai. Thiệt hại ở vụ phóng hỏa kho xe tang vật ở Biên Hòa được ước tính là khoảng 1,3 tỷ đồng. 6 vụ còn lại được đưa ra trước tòa thực chất chỉ là những ‘chém gió’ trên facebook.

Cáo trạng cũng cáo buộc nhóm đã câu kết với ông Đào Minh Quân, người cầm đầu tổ chức chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời tại Mỹ và Lisa Phạm, cùng nhiều đối tượng khác thông qua mạng xã hội nhằm lôi kéo nhiều người trong nước thành lập các ‘nhóm hành động’ với chủ trương được nêu ra là ‘giết sạch, đốt sạch, phá sạch’.

Bà Lisa Phạm hôm 25/12 đã lên tiếng phủ nhận mọi liên quan của bà với nhóm này. Bà Lisa Phạm nói với Đài ACTD qua điện thoại: ‘Vấn đề là tôi không biết. Nhà cầm quyền cộng sản họ chụp mũ như vậy thôi chứ tôi hoàn toàn không biết mấy người. Tôi không biết họ là ai cả…. Những người này nghe nói là họ chỉ có lên trên mạng coi các thông tin nhưng vấn đề là nhà cầm quyền cộng sản ghép tội như vậy. Họ nói họ khủng bố mà khủng bố gì họ.’

Sau khi tòa tuyên án, một vài bị cáo dã la lớn: phiên tòa bất công. Một bị cáo đã khi bị áp giải ra xe đã nói với luật sư là mình bị oan.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/terrorism-defendant-vows-to-continue-fighting-12272017105546.html

 

Truyền thông quốc tế nói về ‘Lực lượng 47’

Đội ngũ an ninh mạng ‘hùng hậu’ của Việt Nam mang tên Lực lượng 47 đã được truyền thông nước ngoài đưa tin và bình luận trong vài ngày qua.

Lực lượng 47, gồm 10.000 người, sẽ ‘là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng’, ‘vừa hồng vừa chuyên, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao’, truyền thông trong nước dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ tịch Tổng cục Chính trị hôm 25/12.

Hãng tin Anh Reuters ngày 26/12 có bài bình luận về lực lượng an ninh mạng với nhiệm vụ “chống lại quan điểm ‘sai trái'” trên internet này trong bối cảnh “cuộc đàn áp những người chỉ trích nhà nước độc đảng ngày càng lan rộng”.

“Nhà nước Cộng sản Việt Nam tăng cường nỗ lực kiểm soát Internet, kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn các mạng xã hội và xóa bỏ nội dung có vẻ mang tính công kích, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy những nỗ lực này khiến sự chỉ trích lắng xuống trong bối cảnh các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội là công ty toàn cầu”, bài báo của Reuters viết.

Kiểm soát mạng: VN học Trung Quốc được không?

VN chủ trì ‘diễn tập chống sự cố an ninh mạng’ ASEAN

Số nhân lực 10.000 người của Lực lượng 47 được so sánh với con số 6.000 nhân viên của Bắc Hàn. Tuy nhiên, ý kiến của Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa gợi ý rằng lực lượng này tập trung chủ yếu vào người sử dụng internet trong nước, trong khi Bắc Hàn tập trung vào trên phạm vi quốc tế vì internet không được phổ biến cho người dân nước này, vẫn theo Reuters.

Việt Nam, một trong 10 quốc gia hàng đầu về số người sử dụng Facebook, vừa qua đã soạn thảo một dự luật về an ninh mạng, yêu cầu đặt các máy chủ của Facebook và Google tại Việt Nam. Dự luật này được bàn luận sôi nổi tại Quốc hội và vẫn đang chờ được thông qua.

Chủ tịch Quang kêu gọi quản lý chặt internet

FireEye: Tin tặc từ VN ‘tấn công Philippines’

Công ty an ninh mạng Hoa Kỳ FireEye cho Reuters biết Việt Nam đã “xây dựng được các chức năng gián điệp trên mạng đáng kể trong một khu vực có hệ thống phòng thủ tương đối yếu”.

Phát ngôn viên của FireEye, người yêu cầu giấu tên, nói với Reuters rằng: “Việt Nam chắc chắn không đơn độc. FireEye đã quan sát sự gia tăng các khả năng tấn công … Sự gia tăng này có ý nghĩa đối với nhiều bên, bao gồm các chính phủ, nhà báo, nhà hoạt động và thậm chí cả các công ty đa quốc gia”.

Ông nói thêm: “Hoạt động gián điệp qua mạng đang ngày càng hấp dẫn các quốc gia, một phần bởi nó có thể cung cấp quyền truy cập một số lượng thông tin đáng kể với đầu tư khiêm tốn, khả năng phủ nhận hợp lý và rủi ro thấp”.

Reuters cũng nhắc lại việc Việt Nam tháng trước bỏ tù một blogger bất đồng chính kiến với thời hạn mười năm và vài tháng trước đó tuyên án bảy năm tù một blogger khác vì tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’.

Hãng tin Bloomberg hôm 27/12 nhân thông tin về Lực lượng 47, cho biết thêm trong những năm gần đây, Việt Nam đã mở cửa cho Thung lũng Silicon, trong đó có Tập đoàn Alphabet Inc. Không giống như Trung Quốc chặn Facebook, Google và Twitter, chỉ mở đường cho các dịch vụ mạng xã hội nội địa như WeChat, QQ, Baidu và Weibo.

Bloomberg cũng trích dẫn thông tin từ một website của chính phủ cho hay Facebook, vốn có quy chế cho chính phủ các nước thông tin về các hoạt động bất hợp pháp, đã gỡ bỏ các tài khoản giả mạo và các nội dung phát ngôn vi phạm chính sách. Chủ tịch điều hành Alphabet Inc, ông Eric Schmidt, cũng hứa trong cuộc gặp hồi tháng Năm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hà Nội sẽ cùng Việt Nam chống lại các nội dung “xấu” trên YouTube.

Mô hình “đội quân 50 xu” của Trung Quốc

Từ năm 2010, Trung Quốc đã có một đội ngũ các “bình luận viên” được nhà nước trả lương để tung các bài viết và bình luận theo đường lối chính quyền lên mạng.

Những người này, mà con số ước tính ở thời điểm 2010 là 300.000, được mệnh danh là “đội quân 50 xu” vì cứ mỗi comment mà họ tung lên mạng, họ được trả công 50 xu. Thế nhưng dần dần ngay cả những người này cũng tỏ ra hoài nghi về hiệu quả công việc của họ.

Internet: Kẻ thù của chính thể?

Đội tin tặc APT32 tung hoành ở VN?

Gián điệp mạng TQ ‘gia tăng tấn công VN’

Không chỉ nhắm vào người sử dụng mạng trong nước, chính phủ Trung Quốc được cho là còn có đội ngũ gián điệp mạng chuyên tấn công vào các quan chức và doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Hồi tháng 9/2017, FireEye nói với Reuters rằng các cuộc tấn công xảy ra trong những tuần cuối tháng tám cho thấy Trung Quốc bắt đầu nhắm vào lĩnh vực thương mại đầy tiềm năng ở Việt Nam và cố gắng thu thập nguồn thông tin rộng lớn ở đó.

Theo Bộ Công an Việt Nam, chỉ trong nửa đầu 2017, cả nước có hơn 4600 trang thông tin có tên miền quốc gia bị tin tặc tấn công hoặc chiếm quyền điều khiển, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2016.

Cuối tháng 7/2017, hãng Vietnam Airlines bị tấn công tin tặc với màn hình ở các sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị mất quyền điều khiển giao diện và hiển thị nội dung đả kích Việt nam và Phillipines.

Mạng xã hội nói gì về ‘lực lượng 47’?

Thông tin về đội quân 10.000 người của lực lượng 47 được bình luận rộng rãi trên các trang mạng xã hội Việt Nam.

Nhà văn Đoàn Bảo Châu viết trên trang Facebook của ông hôm 26/12: “Tôi tự hỏi lực lượng này có khác gì với đội ngũ dư luận viên (DLV) lương tháng 3 triệu mà sứ mệnh cao cả nhất của họ là chửi bới cục cằn, ngôn ngữ hạ cấp, lý luận cùn, thiếu não và có thể nói là ngu một cách “kiên định” và “bền vững” trong thời gian qua không?

Nếu là một lực lượng mới thì đây là một tin rất buồn cho đất nước vốn đã xơ xác bởi nạn tham nhũng kinh hoàng, bởi môi trường ô nhiễm, giáo dục càng cải cách càng lạc hậu…

Tôi nghĩ với tư tưởng lãnh đạo sáng suốt, con đường đi đúng đắn thì chừng 800 tờ báo đã là quá đủ cho công tác tuyên truyền rồi, tại sao lại khoác thêm một gánh nặng cho ngân sách vốn đã rất hạn hẹp?”

Nhà báo Trương Huy San thì bình luận ngắn gọn trên Facebook: “Lâu nay, cứ đọc những tin nhắn tục tĩu, những cmts khiên cưỡng, ngờ nghệch mà không biết ở đâu ra.”

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42490249

 

VN áp dụng nghe lén trong điều tra hình sự

LS Ngô Ngọc Trai

Từ đầu năm 2018 luật hình sự mới của Việt Nam có hiệu lực quy định về các biện pháp điều tra đặc biệt.

Theo đó các biện pháp điều tra đặc biệt bao gồm ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật và thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Truyền thông quốc tế nói về ‘Lực lượng 47’

VN: ‘Xử pháp nhân thương mại là tiến bộ’

Luật sư phải tố giác là ‘tín hiệu đáng sợ’

Là một luật sư đã có hơn mười năm kinh nghiệm bào chữa hình sự, tôi cho rằng những hoạt động điều tra bí mật như này xưa nay có thể đã làm rồi nhưng chỉ để xác định phương hướng đường lối phá án.

Sau khi đã điều tra bí mật và nắm được một số thông tin về tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ thực hiện thêm các biện pháp nghiệp vụ khác để xử lý phá án và chuyển hóa thông tin thành chứng cứ.

Nhưng giờ đây các dữ liệu được thu thập bí mật có thể được sử dụng trực tiếp để kết tội.

Theo luật, chỉ các tội sau mới có thể bị áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, gồm: Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền. Và các tội phạm có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.

Ngoài những tội kể trên, luật không quy định cho phép áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt đối với các tội danh còn lại trong Bộ luật hình sự.

Về thẩm quyền thì Thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên (cơ quan điều tra trong quân đội) có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt.

Nhưng trước khi thực hiện phải được sự phê chuẩn đồng ý của Viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp.

Hoặc Viện trưởng viện kiểm sát cùng cấp nêu trên có quyền yêu cầu thủ trưởng cơ quan điều tra phải thực hiện biện pháp điều tra đặc biệt.

Đúng ra khi cơ quan tố tụng nhận được đơn thư tố giác hoặc thông tin về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì cần phải áp dụng điều tra bí mật ngay, chứ sao lại để khởi tố rồi mới làm?LS Ngô Ngọc Trai

Có một điểm đáng lưu ý là các biện pháp điều tra bí mật chỉ được thực hiện sau khi đã khởi tố vụ án, còn thì khi sự việc mới có đơn thư tố cáo hoặc dấu hiệu nghi vấn mà chưa khởi tố vụ án thì không áp dụng biện pháp điều tra bí mật.

Đây là một điểm hạn chế của chế định pháp lý này, bởi khi đã khởi tố vụ án rồi thì đã ‘rút dây động rừng’. Đối tượng đã đề phòng rồi thì việc điều tra bí mật sẽ cho hiệu quả ra sao?

Đúng ra khi cơ quan tố tụng nhận được đơn thư tố giác hoặc thông tin về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì cần phải áp dụng điều tra bí mật ngay, chứ sao lại để khởi tố rồi mới làm?

Tôi cho rằng lý do có thể vì đây là một vấn đề mới, lợi hại của nó chưa biết thế nào nên các nhà làm luật mới tìm cách giảm bớt sự sắc bén của ‘công vụ vũ khí mới’ này trong điều tra hình sự.

Song cũng cần lưu ý tiếp là có những khi vụ án đã khởi tố rồi nhưng lại chưa khởi tố bị can, do vậy nhiều người không biết mình đã dính đến một vụ án đã bị khởi tố rồi và đang bị điều tra bí mật.

Dữ liệu điện tử

Cùng với quy định về các biện pháp điều tra đặc biệt thì luật cũng ràng buộc chặt chẽ thêm vào đó bằng điều luật về dữ liệu điện tử.

Theo đó Bộ luật tố tụng hình sự quy định ‘Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử’.

‘Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác’.

‘Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác’.

Kiểm soát mạng: VN học Trung Quốc được không?

Gián điệp mạng TQ ‘gia tăng tấn công VN’

Với quy định mới này (trước đây chưa có) thì những đoạn ghi âm, video ghi hình… sẽ được đánh giá là chứng cứ và sử dụng trực tiếp để xử lý hình sự, thay vì bị coi là để tham khảo hoặc giá trị chứng cứ không rõ ràng như trước đây.

Do vậy trong quan hệ giao dịch làm ăn người dân cần cẩn trọng, đặc biệt trong bối cảnh các thiết bị ghi âm ghi hình ngày một dễ kiếm giá rẻ và sử dụng thông dụng. Với quy định mới này của luật thì những lời nói hứa hẹn, cam kết hớ hênh, hoặc những hành vi dấm dúi khuất tất sẽ tăng khả năng bị phát hiện xử lý

Người ghi âm ghi hình thì lưu ý, để được dùng làm chứng cứ thì dữ liệu cần nguyên bản đừng chỉnh sửa cắt xén (vì sẽ được giám định), bằng cách đó gia tăng tối đa giá trị sử dụng của dữ liệu điện tử được sử dụng làm chứng cứ.

Xâm nhập máy tính, email

Luật mới cho phép cơ quan điều tra được thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Điều này đồng nghĩa với việc máy tính cá nhân và thư điện tử có thể bị xâm nhập và bị lấy đi dữ liệu.

Tất nhiên theo luật thì điều đó chỉ xảy ra trong phạm vị các đối tượng phạm tội theo các điều luật nêu trên.

Nhưng quy định mới này vẫn đem lại nguy cơ xấu trong bối cảnh tình hình xã hội Việt Nam hiện nay.

Nhiều hành vi chỉ đơn thuần là phát biểu ý kiến về các chính sách, đánh giá về các hoạt động của cơ quan nhà nước cũng bị quy cho là xâm phạm an ninh quốc gia.LS Ngô Ngọc Trai

Hiện nay luật hình sự Việt Nam đang quy định một danh mục các tội về xâm phạm an ninh quốc gia rất ngặt nghèo và rộng rãi.

Nhiều hành vi chỉ đơn thuần là phát biểu ý kiến về các chính sách, đánh giá về các hoạt động của cơ quan nhà nước cũng bị quy cho là xâm phạm an ninh quốc gia.

Việc đòi hỏi thực thi các quyền công dân theo Hiến pháp và các quyền đã được ấn định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam đã ký kết tham gia, như quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền tự do báo chí… cũng bị quy cho là chống đối nhà nước.

Khi đó một số lượng lớn các nhà hoạt động xã hội, những người bất đồng chính kiến sẽ đứng trước mối nguy của các biện pháp điều tra đặc biệt.

Máy tính cá nhân, điện thoại thông minh và địa chỉ email của họ sẽ có thể bị xâm nhập một cách hợp pháp, và các thông tin từ đó có thể được sử dụng trực tiếp để kết tội họ.

Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, trưởng văn phòng luật sư Công Chính ở Hà Nội.

http://www.bbc.com/vietnamese/forum-42494174

 

Vụ xử ông Đinh La Thăng “càng nhanh càng không hay”?

Một luật sư bình luận với BBC rằng việc ra bản kết luận điều tra dùng để truy tố ông Đinh La Thăng “càng nhanh càng không hay”.

Phiên xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh được ấn định hôm 8/1/2018.

Hôm 27/12, Tòa án Nhân dân Hà Nội loan báo đưa ra xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm, trong đó có ông Trịnh Xuân Thanh trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) vào ngày 8/1/2018.

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến hôm 21/1/2018, trang Thông tin Chính Phủ cho hay.

Vụ Đinh La Thăng: Đảng không cho ‘hạ cánh an toàn’?

VN: Ông Đinh La Thăng bị truy tố tội ‘cố ý làm trái’

PVN: Sau Phùng Đình Thực và Đinh La Thăng đến ai?

‘Không bảo đảm’

Hôm 27/12, trả lời BBC từ Tuy Hòa, Luật sư Nguyễn Khả Thành, trưởng Văn phòng luật sư cùng tên, bình luận: “Các luật sư bảo vệ hai ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh sẽ rất căng.”

“Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, người ta sẽ bỏ tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 từ ngày 1/1/2018.”

“Từ đây đến đó rồi sau đó xử sơ thẩm, xử phúc thẩm vụ này thì người ta sẽ xử lý thế nào các bị can bị truy tố điều này.”

“Việc thay thế Điều 165 bằng những điều nào thì tôi chưa thấy hướng dẫn nào của Tòa án Nhân dân tối cao.”

“Thường thì mỗi khi thay đổi, Tòa án Nhân dân tối cao hoặc Quốc hội phải ra văn bản.”

‘Luật sư có tiếng’ bào chữa cho ông Đinh La Thăng

Báo VN: ‘Trịnh Xuân Thanh nhận vali tiền’

Đức ‘khẩn trương’ điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh

Đề cập về việc bản kết luận điều tra dùng để truy tố ông Đinh La Thăng được lập tính từ ngày bắt giam ông vào 8/12/2017 đến 20/12/2017 tổng cộng là 12 ngày, bao gồm cả bốn ngày nghỉ cuối tuần, Luật sư Nguyễn Khả Thành nói thêm: “Tôi không rõ liệu có áp lực nào để đẩy quy trình tố tụng đối với ông Đinh La Thăng lên nhanh cho kịp ngày xử 8/1 hay không.”

“Thường theo việc hoàn tất bản kết luận điều tra càng nhanh càng tốt.”

“Tuy vậy, thực tế thì tôi thấy việc này làm càng nhanh thì không bảo đảm lắm, không hay.”

“Vụ này dự kiến xử 14 ngày, có lẽ tòa sẽ phải làm việc rất khẩn trương.”

“Theo tôi, chỉ có tòa án mới có thể đánh giá hành vi phạm tội của hai ông Thăng, ông Thanh đến đâu, chứ việc các báo Việt Nam đăng những bản tin kết tội hai ông này trước phiên tòa là không nên.”

Cùng ngày, nhà báo Huy Đức viết trên trang cá nhân: “Cho dù, tham nhũng là cướp ngày, tôi vẫn không nghĩ rằng cần phải áp dụng mức án cao nhất cho những người như ông Đinh La Thăng. Vấn đề là phải truy thu hết tài sản mà họ tham nhũng và phần tiền bạc mà do hành vi phạm tội của họ đã làm thất thoát của dân, của nước.”

“Cho dù, cứ mỗi tội danh tòa cho Đinh La Thăng hưởng mức án nhẹ nhất thì tổng hợp các hình phạt áp dụng cho các hành vi mà ông đã phạm phải, số năm tù của Thăng sẽ không dưới 30 năm. Nếu ông thực sự đi tù thay vì chỉ lên trại Vĩnh Quang hay vào Viện 198 “an dưỡng” một số năm tượng trưng rồi về với rượu Macallan 30 thì hình phạt với ông như thế là thỏa đáng.”

“Nhưng, tòa không thể cho Thăng hưởng lượng khoan hồng mà lại giữ mức án tử hình với Nguyễn Xuân Sơn – người chỉ làm theo lệnh của chủ mưu Đinh La Thăng. Từ đầu Sơn cũng đã “thật thà khai báo” không những nhận tội mà còn tố giác các hành vi phạm tội của Đinh La Thăng.”

Hành vi của các bị cáo đã gây bức xúc trong dư luận, mất lòng tin của nhân dân, cần được xét xử nghiêm minh trước pháp luật.trang Thông tin Chính Phủ

Báo Tuổi Trẻ hôm 27/12 viết: “Với nhiều chỉ đạo sai trái và tham ô 14 tỷ đồng, ông Trịnh Xuân Thanh bị truy tố tội tham ô theo khung hình phạt có mức án cao nhất là tử hình, cố ý làm trái với mức phạt lên tới 20 năm tù,”

Tờ này cũng cho hay ông Đinh La Thăng đối diện bản án 10-20 năm tù.

Tổng cộng 22 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này. Trong số 12 bị cáo bị truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 có ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN); Phùng Đình Thực (cựu Tổng giám đốc PVN); Nguyễn Quốc Khánh (cựu Phó tổng giám đốc PVN); Nguyễn Xuân Sơn (cựu Phó tổng giám đốc PVN)…

Có tám bị cáo bị truy tố tội “Tham ô tài sản” theo Điều 278.

Riêng hai ông Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc PVC) và Vũ Đức Thuận (cựu Tổng giám đốc PVC) bị truy tố về cả hai tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản”.

“Hành vi của các bị cáo đã gây bức xúc trong dư luận, mất lòng tin của nhân dân, cần được xét xử nghiêm minh trước pháp luật,” trang Thông tin Chính Phủ viết.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42490519

 

VN: Ông Đinh La Thăng bị truy tố tội ‘cố ý làm trái’

Cựu ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh và cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) ông Đinh La Thăng bị truy tố tội ‘cố ý làm trái’ và có thể ‘đối diện mức án 20 năm’, theo truyền thông Việt Nam.

Hôm thứ Ba, báo Zing của Việt Nam cho hay Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao của Việt Nam đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng tội ‘cố ý làm trái’ và một người khác, ông Trịnh Xuân Thanh tội tham ô tài sản và cố ý làm trái liên quan vụ án xảy ra tại PVN và PVC.

Ông Thăng bị VKSND truy tố theo khoản 3, Điều 165 với khung hình phạt cao nhất tới 20 năm tù. Cho rằng ông Thăng đã thừa nhận sai phạm, từng có nhiều thành tích trong công tác nên VKSND đề nghị cơ quan xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạtVnExpress

Bình luận thêm về vụ ông ‘Vũ Nhôm’ và ông Đinh La Thăng

VN: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia có tân lãnh đạo

VN 2017: Từ ông ‘Vũ Nhôm’ đến những ‘Bộ tứ quyền lực’

Bàn tròn thứ Năm: Sự kiện nổi bật VN năm 2017

Đối nội, đối ngoại VN 2017 có gì đáng nói?

“Ngày 25/12, VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố các bị can Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC),” Zing viết.

“Theo cáo trạng, ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐTV PVN cùng 11 người liên quan bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. 8 bị can khác bị truy tố về tội Tham ô tài sản. Riêng 2 bị can Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận (cựu Tổng giám đốc PVC) bị truy tố cả 2 tội danh trên,” vẫn theo Zing.

Cũng hôm 26/12/2017, một báo mạng khác của Việt Nam là VnExpress cho hay ông Đinh La Thăng có thể ‘đối mặt án phạt cao nhất tới 20 năm tù’, tuy nhiên ông cũng có thể được ‘xem xét giảm hình phạt’, báo này viết:

“Các sai phạm bị cáo buộc xảy ra trong thời gian ông Thăng làm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Ông Thăng bị VKSND truy tố theo khoản 3, Điều 165 với khung hình phạt cao nhất tới 20 năm tù. Cho rằng ông Thăng đã thừa nhận sai phạm, từng có nhiều thành tích trong công tác nên VKSND đề nghị cơ quan xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.”

Đảng tăng kỷ luật và ‘tham nhũng quyền lực’

Không rõ ông Phan Văn Anh Vũ ‘đang ở đâu’?

Sức khỏe nền kinh tế và vụ bắt ông Đinh La Thăng

Lãnh đạo ngành cao su Việt Nam bị khởi tố

24 sếp PVN bị khởi tố tạo ‘chuyện không vui’?

Vụ ông Thăng: TBT Trọng ‘chọn đúng đối tượng’

Trong một diễn biến liên quan Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đơn vị đang gặp sóng gió thời gian qua với nhiều cựu lãnh đạo bị truy tố, kỷ luật, vừa có tân lãnh đạo, theo truyền thông nhà nước.

Hôm Chủ Nhật, nhiều báo Việt Nam cho hay ông Trần Sỹ Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, địa phương thuộc miền Bắc Việt Nam, được Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam phân công nhiệm vụ làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí PVN.

“Sáng 24/12, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã trao quyết định của Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ cho ông Trần Sỹ Thanh và bà Lâm Thị Phương Thanh,” báo VnEconomy hôm 24/12/2017 cho hay.

Quí vị có thể bấm vào đường dẫn này hoặc nhấn chuột vào đây để theo dõi các Bàn tròn của BBC Việt ngữ về một số chủ đề thời sự Việt Nam trong năm có liên quan.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42485239

 

“Nhà nước không giải tỏa đền bù

cho người dân khu bãi rác Đa Phước 10 năm qua”

Hòa Ái, phóng viên RFA

Chỉ Công ty VWS bị quy trách nhiệm

Dân chúng sinh sống quanh khu vực bãi rác Đa Phước, huyện bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục than phiền chính quyền và doanh nghiệp không giải quyết phản ảnh về đời sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khu xử lý rác thải này.

Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xử lý Chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solution-VWS), ông David Dương, cho biết công ty VWS đã làm những gì trước phản ảnh của người dân địa phương:

Ông David Dương: Trong năm 2016, thông tin đưa ra là có mùi hôi. Việc đó thì chúng đã phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường và thành phố cũng như các ban ngành của thành phố xuống kiểm tra. Thực ra, thành phố có một số ý kiến rằng trong quá trình một ngày có đến 400-500 xe rác vào đổ, với mật độ cao như thế thì khi gió thổi mạnh quá và sẽ đẩy mùi hôi lan ra trong thời điểm mà xử lý khống chế mùi hôi không kỹ hoặc không tốt. Chúng tôi đã phối hợp với thành phố liên quan vấn đề này, cũng như chúng tôi đã mời chuyên gia từ Hoa Kỳ về để đánh giá tất cả các công đoạn trong hệ thống vận hành của công ty, bao gồm cách thức khử mùi hay hóa chất sử dụng có đúng hay không. Chúng ta đã thực hiện theo ý kiến của chuyên gia và thực hành rất tốt cho đến giờ phút này.

Hòa Ái: Trong diễn tiến liên quan, mới đây nhất vào trung tuần tháng 12, người dân ở khu vực bãi rác Đa Phước phản ánh với RFA về việc chính quyền và doanh nghiệp vẫn không có động thái nào xử lý mùi hôi, đồng thời cứ trì hoãn việc đền bù giải tỏa để người dân tái định cư. Ông có giải thích nào nếu như được trao đổi trực tiếp với người dân địa phương?

Những người dân này đúng ra là đã được đền bù giải tỏa, bởi vì chúng quanh chúng tôi đã quy hoạch vùng cây xanh cách ly, theo luật của Việt Nam. Tuy nhiên, việc này là việc của Nhà nước phải đền bù giải tỏa cho những người dân đó. Nhưng cả chục năm nay nhà nước đã không thực hiện được việc này
-Ông David Dương

Ông David Dương: Có một vấn đề là tôi đồng cảm với một số người dân đang sống sát cạnh với chúng tôi. Những người dân này đúng ra là đã được đền bù giải tỏa, bởi vì chung quanh chúng tôi đã quy hoạch vùng cây xanh cách ly, theo luật của Việt Nam. Tuy nhiên, việc này là việc của Nhà nước phải đền bù giải tỏa cho những người dân đó. Nhưng cả chục năm nay Nhà nước đã không thực hiện được việc này. Thành ra, tôi đồng cảm với họ vì khi đã quy hoạch rồi thì người ta không thể mua bán miếng đất của người ta được nên họ không làm được gì khác, thứ hai nữa là những người sinh sống sát với công ty thì chắc chắn ít nhiều sẽ có những ảnh hưởng. Biết đâu họ sẽ rất bực và chính bản thân chúng tôi cũng đã nhiều lần gửi văn bản nhắc nhở thành phố rằng ngay từ đầu để công ty chúng tôi làm công việc này khi dự án bắt đầu, nhưng các sở ngành của thành phố muốn thực hiện việc giải tỏa đền bù, không cho công ty làm. Việc này đã trôi qua 10 năm nay nhưng vẫn chưa thực hiện.

Hòa Ái: Chúng tôi cũng được biết trong khu Liên hợp Xử lý Chất thải Đa Phước gồm nhiều công ty khác nhau, trong đó có công ty Xử lý Chất thải Việt Nam. Các ông ty trong thời gian qua có cùng làm việc với nhau liên quan phản ảnh của người dân để tìm giải pháp xử lý?

Ông David Dương: Việc này chúng tôi cũng đã nói rất nhiều với thành phố, bởi vì trong khu vực này bao gồm cả xử lý phân hầm cầu, sản xuất phân, xử lý bùn cống rảnh, nghĩa trang, nào là khu thiêu-đốt xác…Tất cả nằm chung trong phạm vi 875 héc-ta, mà công ty của chúng tôi chỉ có 128 héc-ta. Ngoài ra, các công ty khác thì chúng tôi không thể kiểm soát được. Chúng tôi thể biết công nghệ thực hiện của họ như thế nào, họ xử lý có tốt hay không? Ví dụ như họ xử lý phân hầm cầu mà xử lý bằng các hồ mở lộ thiên và lắng đọng từ hồ này chảy qua hồ kia rồi chảy qua hồ nọ…Những hình ảnh này có thể thấy được hết bằng flycam.

Tuy nhiên, không thể nào tất cả các công ty có thể ngồi xuống làm việc cùng nhau. Về phía chúng tôi thì chúng tôi sẵn sàng mời các công ty trong khu Liên hợp tham quan công nghệ xử lý của công ty chúng tôi. Và ngược lại, các công ty đó cần phải mở cửa để cho chúng tôi tham quan. Như vậy mới có thể cùng ngồi lại để nhìn nhận làm sao có thể làm tốt hơn cho cả khu vực. Việc này chưa được các công ty phối hợp mà tôi nghĩ việc này là của Nhà nước, bởi vì các cơ quan ban ngành kiểm tra từng dự án, từng nhà đầu tư. Các công ty khác có làm tốt hay không thì thực tình tôi không muốn đề cập đến, nhưng chúng tôi chỉ biết là dự án của công ty chúng tôi vô hình chung nổi bật vì có đến 400-500 xe tải chở rác ra vào mỗi ngày và mỗi lần có vấn đề gì xảy ra thì người ta cứ quy trách nhiệm khu xử lý rác Đa Phước của chúng tôi.

Hòa Ái: Có thể nói công ty của ông là một trong những công ty hoạt động thành công trong lãnh vực xử lý rác thải tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, kể từ khi công ty Xử lý Chất thải Việt Nam vào thị trường Việt Nam gặp không ít khó khăn trong suốt thời gian vận hành 10 năm qua. Các nguyên nhân chính nào gây ra những trở ngại như thế, bên cạnh yếu tố mà ông từng cho rằng có một thế lực ngầm đánh phá do cạnh tranh không lành mạnh?

Vẫn tiếp tục các dự án tâm huyết của VWS

Ông David Dương: Thoạt đầu chúng tôi vào làm thì sự đánh phá là không lớn. Song song với việc đó, chúng tôi cũng gặp các trở ngại. Ví dụ, như tôi nói có nhiều công ty trong khu vực 875 héc-ta nhưng chưa có công ty nào bị nêu tên hết, hoàn toàn công ty chúng tôi gánh chịu hết trước phản ánh của người dân địa phương. Thậm chí nhiều lúc các đoàn xuống kiểm tra công ty, chúng tôi lên tiếng có những dự án khác đang làm xung quanh nên cần phải kiểm tra cho chặt chẽ vì càng về lâu dài thì sự ô nhiễm sẽ vây quanh các con sông và bầu không khí ở đây và sẽ đổ lỗi cho chúng tôi. Những việc này Nhà nước cần phải kiểm soát.

Sau năm 2015 đến nay, chúng tôi đối mặt với khủng hỏang truyền thông ngày một nặng hơn.

Chúng tôi hy vọng rằng trong tháng này chúng tôi sẽ được thành phố cũng như Nhà nước chấp thuận, bởi vì chúng tôi nghĩ đó là một niềm vui mà chúng tôi có thể mang lại trong ngành xử lý rác
-Ông David Dương

Bên cạnh đó, chúng tôi đang dự kiến đầu tư một dự án lớn hơn ở tại Long An, gọi là khu công nghệ môi trường xanh. Đây là dự án tâm huyết của chúng tôi, đầu tư gần 700-800 triệu đô la Mỹ để xử lý tất cả những loại rác đang rất nguy hiểm cho cuộc sống và sức khỏe của người dân. Chưa có công ty nào xử lý hoặc xử lý đến nơi đến chốn các loại rác này tại Việt Nam. Tôi mong ước rằng với đầu tư đó thì chúng tôi sẽ xử lý tất cả các loại rác được hiệu quả tốt hơn. Nhưng đây có thể là một mũi dùi để người ta đánh phá vì khi dự án này thành hình sẽ có công nghệ tiên tiến nhất nước, có thể so sánh với các quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Và ngược lại, khi đã làm tốt như vậy, thì tất cả các thành phần rác sẽ được di chuyển về cho chúng tôi hết. Đây sẽ là khó khăn cho chúng tôi, bởi vì nhiều người có những động thái cạnh tranh làm mất uy tín của chúng tôi để dự án ở Long An của chúng tôi không thể thực hiện được.

Chúng tôi đang rà soát lại và chúng tôi vẫn tiến hành những việc của mình làm với tâm huyết sẽ thực hiện được dự án khu công nghiệp môi trường xanh ở Long An.

Hòa Ái: Ông có thể chia sẻ một trong những thông tin lạc quan từ chính quyền và doanh nghiệp thông báo cho dân chúng sinh sống quanh bãi rác Đa Phước trong thời gian gần sắp tới, đó là thông tin gì, thưa ông?

Ông David Dương: Trong năm 2016 vừa qua, thành phố đã yêu cầu chúng tôi thay đổi một số công nghệ để giảm đi phần chôn lấp rác và dự kiến sẽ chôn lấp rác còn 15%. Chúng tôi đang thực hiện dự án đó và nộp trình thành phố trong tháng này, để thành phố duyệt cho chúng tôi thay đổi một số công nghệ bằng cách biến hóa rác trở thành khí nén lỏng để 500-600 xe rác chạy bằng khí nén lỏng sẽ không có khói thải, giảm được ô nhiễm môi trường. Thứ hai, sẽ sản xuất ra đất sạch (soil amendment) để góp phần trong việc có đất sạch sử dụng cho nông sản. Thứ ba, chúng tôi sẽ sản xuất ra điện. Thứ tư, chúng tôi sản xuất ra phân hữu cơ dạng lỏng. Và, sau cùng những gì không thể làm thành sản phẩm thì chúng tôi sẽ đốt. Cho nên, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ để làm sao làm tốt hơn trong vấn đề môi trường. Chúng tôi hy vọng rằng trong tháng này chúng tôi sẽ được thành phố cũng như Nhà nước chấp thuận, bởi vì chúng tôi nghĩ đó là một niềm vui mà chúng tôi có thể mang lại trong ngành xử lý rác.

Hòa Ái: Cảm ơn thời gian của ông David Dương dành cho Đài Á Châu Tự Do.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/government-not-paid-relocating-compensation-to-residents-at-da-phuoc-for-10-years-12262017133027.html

 

Hai cựu quan chức dầu khí ra tòa vào tháng 1 năm 2018

Toà án Nhân dân Hà Nội hôm thứ Tư, 27 tháng 12 cho biết ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm trong vụ đại án tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) sẽ ra toà vào ngày 8 tháng 1 năm 2018.

Vụ án này có 22 bị cáo, trong đó 12 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165, khoản 3 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999. Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN bị truy tố theo tội danh này.

8 bị cáo còn lại bị truy tố về tội “Tham ô tài sản”, theo quy định tại Điều 278, khoản 4 – BLHS năm 1999.

Riêng ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị, Tổng Giám đốc PVC và Vũ Đức Thuận – nguyên Tổng Giám đốc PVC bị truy tố cùng lúc về cả 2 tội danh là “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản”.

Phiên toà được cho biết dự tính sẽ diễn ra trong hai tuần. Tính đến lúc này có 45 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích được cho là hợp pháp của các bị cáo.

Theo hồ sơ vụ án do cơ quan tố tụng thành lập, bị cáo Đinh La Thăng có liên quan trực tiếp đến quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và chỉ định PVC ký những hợp đồng trái quy định, gây thiệt hại cho nhà nước gần 120 tỷ đồng.

Hãng tin AP cho biết nếu bị kết án, bị cáo Đinh La Thăng có thể đối diện án 20 năm tù.

Cũng liên quan đến Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Trịnh Xuân Thanh trong vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC đã sử dụng số tiền do PVC ký hợp đồng vào những mục đích khác, gây thiệt hại cho nhà nước trên 119 tỷ đồng.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân dân, Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc tội danh tham ô tài sản với khung hình phạt cao nhất là tử hình và tội cố ý làm trái với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù.

Trước khi đại án PVC được đem ra xét xử, truyền thông trong nước cho biết từ ngày 1 tháng 1 năm 2018, Bộ Luật Hình sự 2015 bắt đầu có hiệu lực với những thay đổi quan trọng, trong đó có quy định người bị kết án tử hình tội tham ô, nhận hối lộ nếu chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản phạm tội thì có thể được xem xét không thi hành án.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-to-try-former-oil-executives-in-widened-crackdown-12272017093225.html

 

Chưa đầy 10% du khách ngoại quốc trở lại Việt Nam

Chưa đến 10% khách du lịch nước ngoài quay trở lại thăm Việt Nam. Đây là con số thống kê được Tổng Cục Du Lịch Việt Nam đưa ra trong báo cáo tổng kết năm nay và được truyền thông trong nước dẫn lại vào ngày 27 tháng 12.

Hiệp Hội Du lịch Châu Á- Thái Bình Dương vừa qua cũng nêu rõ số khách du lịch quay trở lại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6% mà thôi.

Theo báo cáo tổng kết của Tổng Cục Du Lịch thì trong năm 2017 Việt Nam ước đạt 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, số trở lại Việt Nam là chưa đến 10%. Trong khi đó tỷ lệ khách du lịch quay trở lại Thái Lan trên 2 lần là 82% và đối với Singapore là 89%.

Nguyên nhân chính khiến khách du lịch nước ngoài sau khi đến thăm Việt Nam một lần rồi thôi không trở lại nữa/ được Phó Giáo Sư- Tiến Sĩ Phạm Trung Lương, thuộc Hiệp Hội Đào Tạo Du Lịch Việt Nam nhận định là bởi sự nghèo nàn về sản phẩm cũng như giải trí.

Vị chuyên gia này cho rằng Việt Nam có nhiều danh lam- thắng cảnh, di tích lịch sử đặc sắc; thế nhưng chỉ mới dừng lại ở mức độ khai thác tự nhiên, chưa đầu tư xây dựng hấp dẫn.

Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội Đồng Tư Vấn Du Lịch, nêu thêm là Việt Nam có nhiều địa danh chiến tranh nổi tiếng thế giới, những trận đánh được nói đến trong các tài liệu nghiên cứu lịch sử, văn học, điện ảnh quốc tế; nhưng các địa danh được khai thác du lịch còn ít, chất lượng dịch vụ yếu, chưa chuyên nghiệp.

Ông Vũ Đức Đam, phó thủ tướng Việt Nam, vào chiều ngày 26 tháng 12 lên tiếng tại cuộc họp Ban chỉ đạo Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai công tác năm 2018 thừa nhận chất lượng du lịch là vấn đề mà Việt Nam cần phải giải quyết.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/less-than-10-percent-foreign-visitors-return-vietnam-12272017092039.html

 

Chuyên gia kinh tế: vụ Sabeco ‘lộ’ ra nhiều nguy cơ

Các chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại về việc hơn 50% cổ phần của Công ty Sabeco, tức Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, rơi vào tay của một nhà đầu tư nước ngoài. Họ cho rằng không nên vì cần tiền trả nợ mà làm lợi cho tư nhân nước ngoài, phá hỏng thương hiệu Việt.

Từ thành phố New York, Tiến sĩ kinh tế Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê LHQ, nói với VOA rằng việc bán cổ phần Sabeco cho nhà đầu tư nước ngoài, đi ngược lại với chính sách phát triển kinh tế tư nhân mà Việt Nam từng hô hào:

Chiến lược đi bán cho nước ngoài không phải là chiến lược phát triển tư nhân trong nước mà là phát triển kinh tế tư nhân nước ngoài.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt

“Chiến lược đi bán cho nước ngoài không phải là chiến lược phát triển tư nhân trong nước mà là phát triển kinh tế tư nhân nước ngoài. Bây giờ hướng họ giải quyết là ngược lại. Họ bán những công ty này cho nước ngoài. Sabeco là công ty có nhiều người trong nước biết và có lợi nhuận rất cao.

“Tôi nhìn lại thống kê của Việt Nam và thấy rằng kinh tế tư nhân trong nước có chiều hướng giảm, năm 2005, GDP của khu vực tư nhân là 8.5%, đến 2016 chỉ còn 8.26%. Trong khi đó kinh tế của khu vực nước ngoài (FDI) tăng từ 15% đến 18%. Vấn đề đặt ra là chính phủ Việt Nam muốn gì?”

Sau phiên đấu giá cổ phần của Công ty Sabeco ngày 18/12, Công ty mới thành lập Vietnam Beverage thuộc Tập đoàn ThaiBev đã chính thức sở hữu hơn 53% cổ phần của Sabeco, trị giá khoảng 4,8 tỉ đôla.

Vietnam Beverage là một công ty mới thành lập tại Việt Nam và được nắm giữ gián tiếp 49% bởi BeerCo Ltd, công ty bia do ThaiBev sở hữu 100% – có trụ sở tại Hong Kong, của một tỉ phú người Thái gốc Hoa tên Charoen Sirivadhanabhakdi.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt nhận định, nếu Việt Nam muốn ưu tiên phát triển kinh tế trong nước thì nên bán các doanh nghiệp làm ăn sinh lãi như Sabeco, cho các nhà đầu tư ở trong nước. Ông nêu ra một số nghi vấn về động cơ bán cổ phần Sabeco cho nước ngoài.

“Sabeco đang có lãi, trong khi rất nhiều công ty quốc doanh khác thua lỗ, tại sao không tìm cách bán những công ty không có lãi cao? Không cải cách những công ty lãi ít? Tại sao lại bán đi những công ty đang đóng góp lợi nhuận cho ngân sách quốc gia? Nếu phân chia cổ phần và bán trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì có rất nhiều người Việt Nam mua chứ!”

Hôm 22/12, ThaiBev công bố thông tin về thương vụ mua cổ phần Sabeco lên cho Sở Giao dịch chứng khoán Singapore.

ThaiBev nói Sabeco là doanh nghiệp có chất lượng cao với lịch sử hơn 140 năm và có thương hiệu nổi tiếng như bia Sài Gòn và bia 333. Sabeco có thị phần lớn nhất trong ngành bia Việt Nam, tình hình tài chính và kinh doanh tăng trưởng tốt. ThaiBev cho rằng thị trường bia Việt Nam rất hấp dẫn với vị trí lớn nhất ASEAN và đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản.

Sabeco, tên đầy đủ là Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, hiện chiếm hơn 40% thị phần Việt Nam và đạt lợi nhuận trước thuế hơn 5 nghìn 700 tỉ đồng trong năm 2016, theo các công ty nghiên cứu thị trường.

Báo Dân trí trích lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói:

“Tôi đau nhất vẫn là không chỉ Sabeco mà nhiều doanh nghiệp nhà nước sau bao năm nuôi dưỡng, phải bán cho đối tác ngoại. …Các doanh nghiệp trong nước vẫn đủ điều kiện để mua và có thể mua được. Tôi nghĩ xu hướng sính ngoại không chỉ trách người dân Việt Nam mà chính ngay từ chính sách của chúng ta.”

Trong quá trình mua bán – sáp nhập (M&A), nhiều doanh nghiệp tầm trung tại Việt Nam đã bị “thôn tính,” nhưng những thương hiệu lớn như Sabeco, và trước đó là Vinamilk, cũng lần lượt rơi vào tay nước ngoài là một làn sóng “rất đáng lo.”

Từ Hà Nội, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh nói rằng ngay từ ban đầu, các nhà đầu tư Việt Nam có tham gia mua cổ phần Sabeco, nhưng họ phải chấp nhận thua cuộc vì phía nước ngoài “đẩy giá quá cao.”

“Chúng ta cần phải thấy là các nhà đầu tư Thái Lan đã nâng giá lên rất cao, vì vậy nhà đầu tư Việt Nam rất là cân nhắc. Lúc đầu tiên cũng có nhà đầu tư Việt Nam tham gia, nhưng khi đẩy giá lên cao thì các nhà đầu tư Việt Nam rời khỏi cuộc đua đó. Đó là sự tính toán chuyên nghiệp, hoàn toàn là phương thức đầu cơ để nhà đầu tư Thái ôm trọn số cổ phiếu bán ra.”

Lúc đầu tiên cũng có nhà đầu tư Việt Nam tham gia, nhưng khi đẩy giá lên cao thì các nhà đầu tư Việt Nam rời khỏi cuộc đua đó. Đó là sự tính toán chuyên nghiệp, hoàn toàn là phương thức đầu cơ để nhà đầu tư Thái ôm trọn số cổ phiếu bán ra.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Tiến sĩ Doanh cảnh báo rằng Sabeco, “con gà đẻ trứng vàng của Việt Nam”, khi được chuyển sang nhà đầu tư nước ngoài thì lợi nhuận mà công ty này thu được, phần hơn lớn sẽ thuộc về nhà đầu tư nước ngoài.

Trả lời báo Straight Times, ông Phạm Phú Ngọc Trai, cựu Tổng giám đốc Pepsico Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch GIBC cũng nhìn nhận các nhà đầu tư Thái có nhiều lợi thế hơn các đối thủ khác.

Bà Vũ Kim Hạnh, cựu Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, một trong những người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (SBA), công khai bày tỏ sự lo âu với báo chí:

“Sau bảy năm vận động Ưu tiên dùng hàng Việt, nay lại muốn đem bán hết những thương hiệu Việt mạnh nhất.”

Báo Người Lao động cảnh báo về nguy cơ “thiếu vắng tinh thần dân tộc” trong vụ Sabeco. Tờ báo này nói Thái Lan là đối thủ của Việt Nam về hàng tiêu dùng, khi lĩnh vực này bị thống trị bởi tỉ phú người Thái gốc Hoa thì hàng Thái và hàng Trung Quốc càng dễ dàng đánh bật hàng Việt ngay trên “sân nhà” Việt Nam.

Tiến sĩ Vũ Quang Việt lý giải rằng có thể vì Việt Nam cần tiền trả nợ nước ngoài nên đành phải bán những doanh nghiệp “ăn nên làm ra” như Sabeco:

“Cả một thời gian dài vừa rồi, Việt Nam mượn vốn nước ngoài để phát triển doanh nghiệp quốc doanh và hầu hết là lỗ và gây nợ rất lớn. Sắp tới họ gặp vấn đề trả nợ, nợ chiếm 20% ngân sách quốc gia. Muốn vốn để tiếp tục cho các doanh nghiệp này thì họ nghĩ ngay đến việc bán công ty Việt Nam cho nước ngoài. Nhưng vốn này chưa chắc giúp nền kinh tế phát triển mà chỉ tiếp tay cho tham nhũng, tiêu hoang giống như trước nay.”

Ngay sau vụ Sabeco bị “thôn tính,” ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, khẳng định với báo chí rằng Sabeco vẫn là doanh nghiệp Việt Nam, và “thương hiệu bia Việt Nam vẫn được giữ gìn và phát triển.”

https://www.voatiengviet.com/a/chuyen-gia-kinh-te-vu-sabeco-lo-ra-nhieu-nguy-co/4179908.html