Luật sư sắp dự cung Đinh La Thăng
Một trong ba luật sư bào chữa cho Đinh La Thăng nói với VOA tối 20/12 rằng ông sẽ đi dự buổi hỏi cung thân chủ vào ngày 21/12, một ngày sau khi Thăng bị đề nghị truy tố.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho biết ông vẫn chưa bắt đầu phần việc của một luật sư bào chữa cho Đinh La Thăng. Ông chỉ mới được báo đi tham dự buổi hỏi cung thân chủ vào ngày 21/12.
“Trong tay tôi chưa có bất kỳ tài liệu gì. Ngày mai tôi mới được báo đi dự cung”, lời Luật sư Thiệp.
Đinh La Thăng, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, và 6 người khác bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố vào ngày 20/12 sau khi đã có kết luận điều tra.
Động thái này được công luận đánh giá là nhanh và bất ngờ so với những vụ án tương tự. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Luật học Phạm Duy Nghĩa của Đại học Luật TPHCM, việc đưa ra kết luận điều tra và đề nghị truy tố Thăng chỉ sau 12 ngày bắt giam, là không sai về mặt pháp lý.
“Bởi vì trước khi bắt, họ phải làm rất kỹ vì ông ấy là một nhân vật có ảnh hưởng chính trị và có vị thế trong hệ thống chính trị của đảng. Họ không dám làm không có căn cứ đâu. Thứ hai, không có điều luật nào cấm cơ quan điều tra thu thập dữ liệu trước. Theo luật Việt Nam, cơ quan điều tra có quyền thu thập, nghiên cứu bằng chứng đủ thì mới khởi tố. Nếu họ đã có đủ bằng chứng đến mức có thể nêu cáo trạng được thì chẳng có gì sai luật cả”.
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Trường Thành, Trưởng Văn phòng tạp chí Luật sư Việt Nam tại Cần Thơ, cho đây là một tiến bộ trong thủ tục tố tụng Việt Nam. Ông nói:
“Điều đó đúng luật. Luật Việt Nam không quy định thời hạn tối thiểu cho việc điều tra. Đây cũng là một sự tiến bộ của luật pháp”.
Đinh La Thăng bị cáo buộc tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trong thời gian làm Chủ tịch Hội đồng thành viên của tập đoàn này (2006-2011).
VnExpress dẫn kết luận của cơ quan điều tra cho biết năm 2006, PVN được giao thành lập một ngân hàng của ngành dầu khí vào nắm trên 50% vốn điều lệ. Tập đoàn đã xây dựng bộ máy, tuyển dụng nhân sự, mua sắm thiết bị… để chuẩn bị thành lập ngân hàng mang tên Hồng Việt. Tuy nhiên đến năm 2008, PVN dừng lại việc thành lập ngân hàng và chuyển sang mua 20% cổ phần tại Oceanbank (tương đương với 800 tỷ đồng), mặc dù đã được báo cáo về tình hình hoạt động kém hiệu quả của ngân hàng này.
Sau khi ký thỏa thuận góp vốn, Thăng tiếp tục ký các quyết định góp vốn cho Oceanbank khi chưa có chỉ đạo của Chính phủ, bất chấp Hội đồng thành viên và thư ký nói rằng việc góp vốn là không đúng quy định.
Bản kết luận điều tra nói trên cương vị là Chủ tịch tập đoàn, Thăng đã không có bất cứ chỉ đạo nào trong việc thẩm định Oceanbank, không thông qua HĐQT mà đã ký thỏa thuận, góp vốn với Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Oceanbank, và cũng không báo cáo Thủ tướng (Nguyễn Tấn Dũng) theo quy định.
Ngoài ra, cơ quan điều tra còn cho rằng Đinh La Thăng đã có những động thái nhằm trốn tránh trách nhiệm sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương “vào cuộc” để làm rõ sai phạm tại PVN.
Báo Thanh Niên dẫn kết luận điều tra cho biết vào tháng 3, Đinh La Thăng (lúc đó là Bí thư thành ủy TPHCM) đã gọi điện nhờ một số cán bộ PVN xác nhận rằng HĐQT của tập đoàn có họp và thống nhất chủ trương góp vốn với Oceanbank. Sau đó, Thăng dùng giấy xác nhận này để cung cấp cho cơ quan điều tra.
Kể từ khi Đinh La Thăng bị công an khám xét nhà và bắt giữ đến nay, bản thân ông và luật sư bào chữa chưa đưa ra bất cứ thông tin gì liên quan đến các cáo buộc và kết luận của cơ quan điều tra. TS. Phạm Duy Nghĩa giải thích về điều này:
“Vào thời điểm hiện nay thì ông ấy chẳng có quyền phát ngôn gì trước công chúng cả. Trong thời gian tạm giam, thậm chí người ta còn giám sát chặt chẽ để tránh hiện tượng thông cung. Tôi nghĩ rằng các luật sư bảo chữa sẽ đủ khôn khéo để tiết lộ thông tin ở mức độ có lợi nhất để bảo vệ cho thân chủ của họ”.
Hiện có 3 luật sư được cấp phép bào chữa cho Đinh La Thăng là LS. Phan Trung Hoài, LS. Nguyễn Huy Thiệp và LS. Đào Hữu Đăng.
Vụ bắt Đinh La Thăng được xem là một bước đột phá trong quy trình xét xử quan chức csvn sai phạm, phá vỡ “tiền lệ ngầm” cho rằng không ai có thể đụng được tới ủy viên Bộ Chính trị. – Theo VOA