Đọc báo Pháp – 21/12/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 21/12/2017

Rò rỉ thông tin Phần Lan theo dõi Nga

Thanh Hà

Thông thường truyền thông quốc tế thường phơi bày ra ánh sáng những vụ tình báo Nga theo dõi Phần Lan, một thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng báo chí tại Helsinki tuần trước tiết lộ chính Phần Lan từ nhiều năm qua đã có hẳn một trung tâm tình báo “để theo dõi chặt chẽ các hành vi của quân đội Nga trong khu vực Saint Petersbourg”.

Le Monde dành một khung báo nhỏ để nói về tin “động trời” mới được nhật báo Helsingin Sanomat tiết lộ : Quân đội Phần Lan đặt một “trung tâm theo dõi” Nga tại Tikkakoski. Tờ báo trích dẫn nhiều thông tin từ các tài liệu mật và cho dù những thông tin trên đã có từ khoảng một chục năm trước đây, nhưng vẫn còn rất “nhậy cảm”.

Tổng thống Phần Lan, bộ trưởng Quốc Phòng cùng lên tiếng, chỉ trích việc làm “vô trách nhiệm” của tờ báo. Việc tiết lộ tin Helsinki theo dõi các hoạt động quân sự của Nga sẽ “dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng”. Lãnh đạo ngành tình báo quốc gia Bắc Âu này, Harri Ohra-Aho phẫn nộ không kém.

Về phía Matxcơva, phó chủ tịch Hạ Viện Iouri Chvytkin cho rằng sẽ “khó có thể nhắm mắt làm ngơ khi một quốc gia thu thập thông tin liên quan đến quân đội” Nga.

Ban biên tập của báo Helsingin Sanomat giải thích “làm công việc thông tin” vào thời điểm Phần Lan đang chuẩn bị “cải tổ ngành tình báo quân sự, giới hạn đáng kể một số quyền tự do cá nhân”.

Cơn sốt trên hồ sơ này không thuyên giảm : đầu tuần cảnh sát Phần Lan chính thức mở điều tra về vụ “tiết lộ thông tin liên quan đến an ninh quốc gia”, khám xét nhà một phóng viên của tờ báo trong những điều kiện “lạ lùng” giống như trong những bộ phim gián điệp.

Le Monde nêu lên một chi tiết khác : Không hiểu có một sự trùng hợp nào hay không, mà hôm 19/12/2017 một công dân Na Uy, một quốc gia Bắc Âu khác, có đường biên giới chung với nước Nga đã bị bắt tại thủ đô Matxcơva. Theo báo chí Nga, đối tượng bị bắt là một người đàn ông đã nghỉ hưu, bị bắt quả tang khi đang nhận tài liệu về hạm đội của Nga.

Catalunya bầu lại Nghị Viện : phe đòi ly khai tan rã ?

“Làm lại từ đầu”, tựa lớn trên trang nhất báo Libération trên nền bức ảnh với những lá cờ của Catalunya và Tây Ban Nha. Tờ báo ngụ ý, hơn hai tháng sau trưng cầu dân ý về quy chế độc lập cho Catalunya, sau khi phe ly khai đơn phương tuyên bố độc lập, Tây Ban Nha giành lại quyền kiểm soát vùng tự trị này, hai phe đòi ra đi và ở lại trong đại gia đình Tây Ban Nha vẫn không thay đổi lập trường. Khủng hoảng Catalunya chưa tới hồi kết.

Ở trang trong tờ báo nhấn mạnh đến một chiến dịch vận động “căng thẳng hơn bao giờ hết” : Bên đòi “ở lại” gọi phe đòi ly khai là “những kẻ ngoài vòng pháp luật, xứng đáng để ngồi tù”. Phía đòi độc lập thì coi những người muốn thuần phục Madrid là “quân phát-xít”. Một số áp phích dùng những từ rất thô tục để chỉ các ứng viên thân Madrid.

Phóng viên của Libération tại Barcelona tiếc rằng, trong nhiều thập niên qua, dân cư trong vùng Catalunya cùng chung sống trong hòa bình, nay lại có thể sử dụng một thứ ngôn ngữ đầy sát khí và đấy là điềm xấu báo trước bạo động còn nổ ra trên vùng đất này.

Le Monde cũng nói tới bầu không khi của “hận thù” bao phủ lên Catalunya. Trong lúc lãnh đạo phong trào ly khai Carles Puigdemont đang sống lưu vong tại vương quốc Bỉ, La Croix đặt câu hỏi : Nếu như phe này đắc cử, liệu ông ta sẽ ở lại Bruxelles hay về nước để đi thẳng vào tù ?

Theo quan điểm của nhật báo Le Figaro, cuộc bỏ phiếu ngày 21/12/2017 không hơn không kém là một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai Catalunya. Trong bài xã luận, tờ báo hy vọng, với vòng phiếu hôm nay, “sự đam mê quay cuồng” của cả đôi bên sẽ lắng xuống.

Nhật báo kinh tế Les Echos báo trước : đàm phán còn dài trước khi danh tính tân chủ tịch Nghị Viện Catalunya được công bố, bởi theo các cuộc thăm dò, kết quả sẽ rất sít sao. Cũng tờ báo này phác họa chân dung hai người đàn bà thép : Ines Arrimadas và Marta Rovira, một chủ trương ở lại với Tây Ban Nha và một đấu tranh vì một nước Cộng Hòa Catalunya độc lập.

Mỹ : Luật cải tổ thuế, kẻ được- người thua

Nhìn sang Hoa Kỳ, năm nay chắc chắn tổng thống Donald Trump đón lễ Giáng Sinh trong niềm hân hoan hơn bao giờ hết : từ ngày bước vào Nhà Trắng, ông giành được thắng lợi đầu tiên sau khi Quốc Hội thông qua luật cải tổ thuế. Như chính ông Trump đã tuyên bố, đây là “một món quà Noel rất đẹp và rất lớn”, giảm 1.450 tỷ đô la thuế trong 10 năm.

Không hẹn, mà báo Les Echos và phụ trang kinh tế của Le Monde cùng nêu lên câu hỏi : “Ai được ai thua” với món quà Giáng Sinh đó ? Le Monde trả lời ngắn gọn : “Các hộ gia đình được giảm thuế thu nhập 1.126 tỷ đô la trong 10 năm (….) Năm 2019, 1 % các hộ gia đình Mỹ giàu có nhất, với thu nhập trên 500.000 đô la một năm, tiết kiệm được 60 tỷ đô la. (…) Tầng lớp trung lưu, có thu nhập từ 100.000 đến 500.000 đô la, giảm được 139 tỷ tiền thuế (….) Còn những người nghèo nhất, sống với chưa đầy 20.000 đô la thu nhập hàng năm thì sẽ nhẹ gánh được 2,2 tỷ đô la tiền thuế”.

Không chỉ có vậy, Le Monde lưu ý độc giả : trong luật cải tổ chế độ thuế khóa của chính quyền Trump không có lấy một dòng chữ nào để thu hẹp hố sâu ngăn cách giàu nghèo, luật bảo hiểm y tế Obamacare bị “rút ruột”. “Trump ngấm ngầm phục thù” sau thất bại về dự luật cải tổ Obamacare bị Thượng Viện bác bỏ hồi mùa thu vừa qua.

Bên cạnh bài viết mang tựa đề “Với luật cải tổ thuế, Trump muốn thực sự khởi động nhiệm kỳ tổng thống”, Les Echos cho biết : một trong những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất nhờ bộ luật vừa được thông qua, là ngành “địa ốc” mà tới nay gia đình Trump vẫn còn đang kiểm soát rất nhiều các cơ sở không chỉ ở Mỹ mà cả nhiều nơi trên thế giới.

Le Figaro trong phụ trang kinh tế nói đến mối lo ngại của châu Âu, khi Mỹ giảm thuế doanh nghiệp đang từ 35 % xuống còn 20 % khiến Hoa Kỳ trở nên “hấp dẫn hơn” với các doanh nghiệp nước ngoài. Tuần trước, bộ trưởng Kinh Tế năm nước lớn của Liên Hiệp Châu Âu – Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha, đã gửi chung một bức thư nhắc nhở Hoa Kỳ bảo đảm một “luật chơi công bằng”.

Chính sách “ngoại giao cấp cứu” của Vatican

Cũng báo Les Echos quan tâm đến chính sách ngoại giao của tòa thánh Vatican dưới thời đại của đức giáo hoàng Phanxicô. Tác giả bài báo, Jacques Hubert Rodier nhắc lại từ tháng 3/2013 khi được chỉ định đứng đầu Giáo Hội đến nay, đức giáo hoàng liên tục đóng vai trò “chữa lửa” : nào là hồ sơ Cuba – Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama cho đến chuyến tông du Miến Điện và Bangladesh hồi cuối tháng 11, đầu tháng 12/2017.

Kim chỉ nam của ngài luôn là “nỗi lo sợ xung đột và khủng hoảng ngoại giao đẩy thế giới vào cảnh hỗn loạn”. Trái ngược với Donald Trump ở Nhà Trắng, một người luôn dùng đòn hù dọa, tại tòa thành Vatican đức giáo hoàng Phanxicô luôn có những lời lẽ ôn hòa, trấn án thế giới trước những “nỗi lo sợ”. Đâu đó, ngài đang đi tiếp con đường đã được người tiền nhiệm Gioan Phaolồ II khai mở. Tác giả bài viết cho rằng, trên bàn cờ ngoại giao quốc tế, không nên xem thường sức mạnh của giáo hội Công Giáo với 1,2 tỷ tín đồ.

Có điều, như ghi nhận của Alain Dieckhoff, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Quan Hệ Quốc Tế CERI (Pháp) : Vatican không hành động vì một lý tưởng nào hết, mà luôn vì lợi ích của Giáo Hội. Lợi ích trước nhất là bảo đảm quyền bổ nhiệm các hồng y và bảo vệ cộng đồng Công Giáo tại một số nơi trên thế giới, đặc biệt là Trung Cận Đông. Dù vậy thực tế cho thấy rằng, có tài giỏi đến mấy, tòa thánh Vatican cũng như Liên Hiệp Quốc không thể đem lại hòa bình khắp mọi nơi trên địa cầu.

“Xưởng sản xuất” của Ông Già Noel

Bốn ngày trước lễ Giáng Sinh, Les Echos đưa độc giả đến “xưởng sản xuất của Ông Già Noel”. Đấy không phải là căn nhà gỗ trong vùng tuyết băng giá Laponie – Phần Lan, mà đơn thuần là thị trấn Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc. 60 % các sản phẩm trang trí cho mùa Giáng Sinh ra lò từ Nghĩa Ô.

Ở đây không hề có tuyết, cũng không có những thiên thần tí hon nào phụ giúp Già Noel để gói quà cho trẻ nhỏ mà chỉ có hàng ngàn công nhân làm việc ngày đêm, để những cây thông xanh bằng nhựa có phủ một lớp sơn trắng như tuyết được xuất khẩu sang những thị trường xa xôi, từ Mỹ tới Brazil, từ Ý tới Anh Quốc. Nghĩa Ô là nơi mà công nhân không biết Noel là một ngày lễ, họ chỉ biết rằng ngày 25 tháng 12 là dịp hiếm có trong năm được chủ cho ăn một bữa cơm thịnh soạn.

Trong hơn 30 năm, ngôi làng nhỏ bé nằm cách xa bờ biển này trở thành xưởng cung cấp đồ trang trí Noel lớn vào bậc nhất và là điểm hẹn của các tay buôn sỉ. Nghĩa Ô là nơi, “thượng vàng hạ cám cái gì cũng có”.

Năm 1982 Nghĩa Ô còn đi trước thời đại mở của của Đặng Tiểu Bình : 750 cửa hàng đã bắt đầu hoạt động, để rồi ngày nay, có đến 75.000 gian hàng tập trung trên một mảnh đất khoảng 6 triệu thước vuông, bày bán hơn 2 triệu mặt hàng khác nhau.

Theo lời một quan chức địa phương, nếu muốn dừng chân tại tất cả các gian hàng, mỗi hàng chỉ 3 phút thì phải mất đến 1 năm mới đi hết một vòng những quầy hàng tại đây.

Cứ vào dịp Noel có không dưới 800.000 thương gia ngoại quốc dừng chân lại Nghĩa Ô và mỗi ngày, họ chuyển 1.500 container hàng từ đây đi khắp mọi nơi trên thế giới. Les Echos kết luận : Nghĩa Ô nằm trên lộ trình Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21.

Điều thú vị là ở đây người ta nói đủ mọi thứ tiếng. Năm 2016, ngôi làng nhỏ bé này thu vào tới 14 tỷ đô la. Ngoài mùa Noel, các thương gia khắp bốn phương đến đây đặt mua hàng, từ những lá cờ của Liban cho tới tượng đài cổ của thành Petra ở Jordanie… thứ gì cũng có.

Để phục vụ cho các vị khách hàng từ xa đến này, ngay tại thị trấn Nghĩa Ô đã mọc lên một ngôi đền Hồi Giáo xây bằng đá cẩm thạch của Iran và cả những hiệu ăn hallal đúng với phong tục và truyền thống của những thương gia đạo Hồi.

Kho tàng văn học và lễ Giáng Sinh

Trong thời đại tin học, những tác phẩm văn học đôi khi thường bị lãng quên. Le Figaro nhắc bạn đọc : trong kho tàng văn học quốc tế không thiếu các nhà văn đã viết về mùa Giáng Sinh. Trong số đó phải kể đến Alphonse Daudet, với Les Trois Messes Basses, Leon Bloy với Noel Prussien, tác phẩm Un Réveillon của văn hào Guy de Maupassant và đương nhiên là những câu chuyện mà nhiều người trong chúng ta đã gần như thuộc nằm lòng như là Cây Thông Xanh của Hans Christian Anderson. Còn trong “Jesus, l’Encyclopédie” nhà nghiên cứu và đã từng là một nhà tu, Joseph Doré, trả lời báo Libération cho biết : chúa Giêsu vốn là một chàng thanh niên có máu hài hước, trước khi đắc đạo, con trai của mẹ Maria và Joseph từng là một cậu bé, có nhiều bạn và như tất cả những đứa bé khác, cậu bé cũng đã từng biết khóc.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171221-ro-ri-thong-tin-phan-lan-theo-doi-nga

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Ấn – Trung : Lần đầu tiên đàm phán biên giới, kể từ căng thẳng Doklam. Bộ Ngoại Giao Ấn Độ, hôm qua 20/12/2017, thông báo đàm phán về tranh chấp biên giới với Trung Quốc sẽ diễn ra tại New Delhi vào ngày mai. Đây là vòng đàm phán thứ 20 giữa hai nước, kể từ năm 2003, nhưng là cuộc đầu tiên kể từ khi chấm dứt căng thẳng tại ngã ba biên giới Doklam, nơi quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đối đầu trong suốt hai tháng mùa hè năm nay. Căng thẳng có nguy cơ bùng phát thành xung đột vũ trang.

(AFP) – Nhiều nhà hoạt động Đài Loan bị Bắc Kinh cấm vào Hồng Kông. Hai nhà nghiên cứu Đài Loan Wu Rwei-ren và Wu Jieh-min – thuộc viện Acamedia Sinica ở Đài Bắc, một cơ sở khoa học có uy tín – lên án việc Bắc Kinh lập ra một « danh sách đen » để loại trừ những người có tiếng nói khác biệt. Theo kế hoạch, hai ông sẽ tham gia một hội thảo vào ngày mai tại Hồng Kông. Đề nghị nhập cảnh của họ bị từ chối, nhưng chính quyền không giải thích nguyên do.

(Reuters) – 44 người Đài Loan bị Trung Quốc xét xử về tội gian lận viễn thông. Hôm nay 21/12/2017, một tòa án ở Bắc Kinh đã xét xử 85 người, trong đó có 44 người Đài Loan, về tội gian lận trong viễn thông. Những nghi phạm trên đã bị Kenya trục xuất về Trung Quốc. Ông Chang Kai-min, bị kết án 15 năm tù vì tham gia lừa đảo 185 người số tiền 29 triệu nhân dân tệ (4,4 triệu đô la). Năm 2016, ít nhất 2 lần chính quyền Kenya trục xuất người Đài Loan về Trung Quốc. Một quan chức tư pháp Kenya đã từng nói các nghi phạm Đài Loan nên được trao trả lại cho Đài Bắc, nhưng chính quyền Kenya cuối cùng trục xuất họ về Trung Quốc. Cũng giống như nhiều nước, Kenya chỉ có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, chứ không có quan hệ chính thức với Đài Loan.

(AFP) – Nga : Hoa Kỳ trừng phạt một lãnh đạo Tchetchenia. Hôm qua, 20/12/2017, chính quyền Mỹ áp dụng thêm loạt trừng phạt mới với các lãnh đạo Nga. Đích nhắm lần này là tổng thống Tchetchenia Ramzan Kadyrov, một người được coi là thân cận với tổng thống Nga Putin. Tổng thống Tchetchenia bị cáo buộc có các hành động xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng, đặc biệt bị nghi đừng đằng sau các vụ hành quyết không qua tư pháp, nhiều vụ tra tấn và bắt cóc.

(AFP) – Cao ủy nhân quyền LHQ không ứng cử tiếp. Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền người Jordani, ông Al Hussein, hôm qua 20/12/2017, tuyên bố ông sẽ không ra ứng cử một nhiệm kỳ thứ hai, sẽ hết hạn vào tháng 8/2018. Lý do mà ông đưa ra là « bối cảnh địa chính trị không phù hợp hiện nay ». Ông Al Hussein vốn nổi tiếng là người chỉ trích tổng thống Mỹ Donald Trump.

(AFP) – Pháp sẽ lại xuất khẩu thịt gà sang Irak. Hôm qua 20/12/2017, chính phủ Pháp thông báo nước này sẽ lại có thể xuất khẩu thịt gà sang Irak, sau khi Irak dỡ lệnh cấm nhập thịt gia cầm từ Pháp. Lệnh cấm có hiệu lực từ hồi tháng 12/2015 và đã được chính quyền Irak dỡ bỏ, sau khi tổ chức Thú Y Thế Giới (OIE) khẳng định Pháp không còn dịch cúm gia cầm. Trước đây, Pháp xuất sang Irak lượng thịt gia cầm với tổng giá trị 100 triệu euro/năm.

(AFP) – Trung Quốc : Giấy vệ sinh từ phân gấu trúc. Một hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm qua thông báo 20/12/2017 một doanh nghiệp giấy ở Tứ Xuyên sẽ hợp tác với Trung tâm bảo tồn và nghiên cứu gấu trúc trong một dự án nhằm tái chế chất xơ trong phân cấu trúc thành giấy vệ sinh, giấy ăn và khăn trải bàn. Các sản phẩm sẽ được tung ra thị trường Trung Quốc với nhãn hiệu « Phân gấu trúc », kèm theo hình ảnh chú gấu trúc lông đen – trắng. Một hộp khăn giấy « Phân gấu trúc » sẽ có giá 43 tệ (5.5 euro), đắt hơn nhiều so với loại khăn giấy thông thường. Phân gấu trúc rất giàu chất xơ, vì thức ăn chính của gấu trúc là ngọn tre. Mỗi con gấu trúc thải 10 kg phân mỗi ngày.

(AFP) – Một bé gái sinh ra từ phôi thai, đông lạnh từ 24 năm. Hôm qua, một hiệp hội Mỹ cho hay, bà Tina Gibson, 27 tuổi, vừa hạ sinh một bé gái, vốn là phôi thai được ướp lạnh đã một phần tư thế kỷ. Bé Emmanuel Wren Gibson ra đời ngày 25/11. Theo Trung tâm hiến tặng phôi thai quốc gia Mỹ (NEDC), đây là một kỷ lục thế giới. Mẹ của Emmanuel Wren cho biết bà với con gái rất có thể đã là bạn của nhau.

http://vi.rfi.fr/tong-hop/20171221-tin-doc-nhanh