Tin khắp nơi – 21/12/2017
Anh ký hiệp ước quân sự riêng với Ba Lan
Thủ tướng Theresa May cùng các bộ trưởng quan trọng nhất trong chính phủ Anh thăm Warsaw để ký hiệp ước quân sự Anh – Ba Lan và viện trợ nhằm ngăn ảnh hưởng của Nga.
Cùng đi với bà May sang Ba Lan hôm thứ Năm tuần này có Bộ trưởng Ngoại giao Boris Johnson, Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond và Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson.
Dự kiến phái đoàn cao cấp của Anh sẽ ký với chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki hiệp ước quân sự song phương.
Ba Lan: Chính khách 49 tuổi thành thủ tướng
Vì sao Tổng thống Ba Lan thăm VN?
Ba Lan hạ lương hưu hàng nghìn công an CS
Ba Lan biểu tình phản đối cải cách tư pháp
Đây sẽ là hiệp ước thứ nhì Anh ký với một nước châu Âu, chỉ sau hiệp ước ký với Pháp.
Bà May cũng sẽ công bố viện trợ một khoản tiền 5 triệu bảng Anh cho kế hoạch chung Anh – Ba Lan nhằm chống lại “nhiễu loạn thông tin và tin tức” của Nga trong khu vực.
Một phần tiền sẽ được cung cấp cho đài Belsat, kênh truyền hình từ Ba Lan phát vào Belarus, nước đồng minh với Nga.
Chính giới Ba Lan những năm qua ủng hộ Ukraine xích lại gần EU nhưng hạn chế quan hệ với Belarus, quốc gia do Tổng thống Aleksandr Lukashenko cầm quyền theo kiểu độc đoán.
Đồng minh quân sự
Hiện Hoa Kỳ vẫn là đồng minh quân sự quan trọng nhất của Anh, trên toàn cầu cũng như ở châu Âu.
Tại châu Âu, hồi năm 2010, thủ tướng tiền nhiệm của chính phủ Bảo Thủ ông David Cameron và Tổng thống tiền nhiệm của Pháp, Nicholas Sarkozy làm lễ kỷ niệm 50 năm hiệp ước đồng minh quân sự Anh – Pháp.
Tranh cãi về trận Liên Xô đánh Ba Lan
Trận Ba Lan thắng Hồng quân năm 1920
Giám mục Ba Lan: ‘hãy để yên người quá cố’
Hai nước cũng quyết định vào lúc đó là lập ra một Lực lượng Viễn chinh Phối hợp 6000 quân, gồm cả Đặc nhiệm SAS, SBS, Thủy quân Lục chiến và Lính dù nhằm ứng phó với các thách thức quân sự, dân sự và tình báo…
Hiện chưa rõ quan hệ đồng minh quân sự mới của Anh và Ba Lan, hai nước đều là thành viên trong Minh ước Bắc Đại Tây Dương (Nato), sẽ được triển khai cụ thể ra sao.
Trước Thế Chiến 2, Cộng hòa Ba Lan theo chế độ dân chủ tư sản là đồng minh quân sự của cả Anh và Pháp, chống lại Đức phát-xít và phòng ngừa Liên Xô.
Nhưng khi Ba Lan bị Hitler tấn công năm 1939, Anh và Pháp chỉ có thể tuyên chiến với Đức mà không kịp làm gì để cứu Ba Lan.
Trong Thế Chiến 2, chính phủ kháng chiến Ba Lan đóng tại London và các quân đoàn của Ba Lan thuộc phe Đồng Minh đã đánh quân Đức ở chiến trường Tây Âu.
Đặc biệt, các phi công Ba Lan phục vụ trong Không lực Hoàng gia Anh (RAF) được ghi nhận công lao bảo vệ bầu trời Anh trước các trận oanh kích của Đức.
Thời cộng sản, Ba Lan là nước chủ chốt trong khối Hiệp ước Warsaw do Moscow chỉ đạo, đối đầu với Nato.
Hiện trong các nước Nato tại châu Âu, Anh Quốc và Ba Lan đều rất tích cực trong việc ủng hộ các nước thành viên vùng Baltic của khối quân sự này tăng cường phòng thủ trước đe dọa từ Nga.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42439425
Thêm một lính Bắc Hàn đào tẩu
Binh lính Nam Hàn bắn cảnh cáo vào các lính gác Bắc Hàn đang truy tìm một người lính đã đào thoát vào sáng sớm.
Người lính xuất hiện từ màn sương mù dày đặc tại trạm kiểm soát vào khoảng 8:00 thứ Năm 21/1, sau khi vượt qua khu vực phi quân sự DMZ, theo truyền thông Nam Hàn.
Đây là lính Bắc Hàn thứ tư đào tẩu trong năm nay.
Người đào tẩu Bắc Hàn thành sĩ quan Nam Hàn
Người đào tẩu Bắc Hàn bị bắt cóc?
Lính Bắc Hàn đào tẩu ‘trúng 5 phát đạn’
Vụ việc xảy ra chỉ vài tuần sau vụ một lính Bắc Hàn thực hiện một trong những vụ đào tẩu kịch tính nhất thời gian gần đây.
Vào ngày 13/11, một người lính Bắc Hàn bị bắn khi đang cố gắng vượt qua khu phía nam của Khu vực An ninh chung (JSA) ở làng Bàn Môn Điếm.
Kênh KBS của Hàn Quốc cho biết cuộc đào tẩu hôm thứ Năm xảy ra dọc theo biên giới ở tỉnh Gangwon.
Rất ít lính Bắc Hàn liều mạng vượt qua khu vực phi quân sự DMZ để chạy qua miền Nam.
Được mệnh danh là một trong những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới, DMZ là một vùng đệm phân chia hai miền Triều Tiên và được hai phía bảo vệ bằng dây thép gai, camera giám sát, hàng rào điện và bãi mìn.
Khoảnh khắc lính Bắc Hàn vượt biên sang Nam Hàn
Tháng trước, người lính Bắc Hàn thực hiện cuộc đào tẩu ly kỳ bằng cách lái xe jeep dọc đường biên giới.
Anh ta chạy qua phía Nam trong làn đạn của từ các lính gác Bắc Hàn đang rượt theo.
Bị bắn 5 lần, người lính bị gục ngã trong một đống lá, sau đó được lính Hàn Quốc giải cứu.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42436275
Úc: Lao xe vào đám đông ở Melbourne
Cảnh sát Úc đã bắt giữ hai người sau vụ một chiếc xe hơi lao vào đám đông ở Melbourne.
Cảnh sát bang Victoria cho biết chiếc xe “tông một số người đi bộ” trên đường Flinders, ngay giao lộ nhộn nhịp nhất ở trung tâm thành phố.
Dịch vụ cứu thương của tiểu bang cho biết có 13 người được đưa đến bệnh viện. Ít nhất hai người khác đang được chữa trị tại hiện trường.
Cảnh sát Úc ‘phá âm mưu cho nổ máy bay’
Anh: chặn ‘âm mưu khủng bố Giáng sinh’
Úc phá được ‘âm mưu khủng bố’ Ngày Giáng sinh
Barcelona: Truy tìm nghi phạm lái xe đâm người
Cảnh sát đã yêu cầu mọi người tránh khỏi khu vực này.
Họ không nói rằng có bất kỳ chỉ dấu cho thấy vụ việc liên quan đến khủng bố. Người lái xe và một người khác đã bị bắt giam.
Xe hơi đâm chết người đi bộ ở Melbourne
Vụ việc xảy ra vào khoảng 16:30 giờ địa phương (5:30 GMT).
Hình ảnh từ hiện trường cho thấy một số người nằm trên mặt đất, gần một chiếc xe lớn màu trắng.
Đội cứu thương Victoria cho biết trong một thông cáo, rằng một trẻ mẫu giáo được đưa tới bệnh viện với những chấn thương nghiêm trọng ở đầu.
Một nhân chứng nói với đài phát thanh địa phương 3AW rằng chiếc xe đã “lao vào người đi bộ khiến họ văng tứ tung”.
Một nhân chứng khác, Lachlan Read, nói với tờ Herald Sun rằng toàn bộ vụ việc chỉ diễn ra trong khoảng 15 giây.
“Hắn ta vượt đèn đỏ và rồi rầm, rầm, rầm, hết người này đến người khác,” ông mô tả thời điểm chiếc xe bắt đầu tông vào người đi bộ.
Lãnh đạo phe đối lập tại Úc, Bill Shorten, viết trên tweeter về “những cảnh gây sốc” và dành lời khen cho các dịch vụ khẩn cấp.
Ít nhất một phụ nữ thiệt mạng trong vụ tấn công ở trung tâm London
Một xe thùng của cảnh sát đâm người biểu tình bên ngoài tòa đại sứ Hoa Kỳ tại thủ đô Phili
Vào tháng Giêng, sáu người chết khi lái xe tông vào người đi bộ trên phố Bourke.
Sau đó, chính quyền thành phố đã lắp đặt các khối bê tông tại các địa điểm khác nhau – bao gồm tại đường Flinders – hy vọng ngăn chặn các cuộc tấn công bằng xe hơi.
Vào tháng Chín, một cậu bé 15 tuổi mặc bộ chiến binh màu đen được trông thấy lái xe một cách đáng ngờ gần khu Swanston Street.
Cảnh sát đã khống chế cậu này bằng súng điện ngoài nhà ga Flinders Street tuy nhiên sau đó cho hay đó không phải là một vụ khủng bố.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42436397
Trung Quốc xét xử 44 công dân Đài Loan tội lừa đảo
Trung Quốc ngày 21/12 đã xét xử vụ án 85 người bị trục xuất từ Kenya vì tội lừa đảo viễn thông, trong đó có 44 người là công dân Đài Loan.
Bản thông báo được tòa án Bắc Kinh đưa ra cho biết người bị tuyên phạt nặng nhất là ông Chang Kai-min, người Đài Loan. Ông này phải chịu mức án 15 năm tù giam vì đã thông đồng lừa đảo tổng cộng 185 người, với số tài sản chiếm đoạt được lên đến 29 triệu nhân dân tệ, tức khoảng 4,4 triệu đô la Mỹ.
Ủy ban Đại lục của Đài Loan cho biết là trước đó Bắc Kinh và Đài Bắc đã thống nhất cùng điều tra vụ án này với nhau nhưng rồi Trung Quốc lại đem ra xét xử một mình. Ủy ban này nói rằng thế giới chỉ tin là có công lý nếu mọi bằng chứng của vụ án được xem xét đầy đủ và được thông qua một quy trình pháp lý hợp lệ. Họ cũng tiết lộ rằng phía Đài Loan đã nhận được thông tin tình báo về những nghi phạm đứng đằng sau vụ án này. Đài Loan một lần nữa kêu gọi Hoa Lục hợp tác với họ để điều tra nguồn gốc sự việc và không để những kẻ đứng sau vụ án có cơ hội thoát tội.
Trong 2 năm qua, chính phủ các nước Kenya, Tây Ban Nha, Việt Nam và Campuchia đã trục xuất hàng trăm người Đài Loan trở về Trung Quốc cũng vì tội lừa đảo viễn thông. Đài Loan luôn cáo buộc Bắc Kinh bắt cóc công dân của họ.
Năm ngoái chính phủ Kenya cũng trục xuất 2 nhóm người Đài Loan về Trung Quốc vì tội lừa đảo. Kenya cũng giống như hầu hết các quốc gia khác, chỉ có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh và xem Đài Bắc là một phần lãnh thổ của Hoa Lục.
Trung Quốc lại diễn tập không quân
tại Tây Thái Bình Dương
Không quân và Hải quân Trung Quốc tiếp tục kết hợp tập trận ở khu vực Tây Thái Bình Dương với nhiều chiến đấu cơ, máy bay ném bom và tàu chiến.
Hãng thông tấn Reuters vào ngày 21 tháng 12 dẫn nguồn của Tân Hoa Xã cho biết lực lượng Không quân Trung Quốc gia tăng các cuộc diễn tập quân sự ngoài khơi trong những năm vừa qua và gần đây tập trung ở khu vực biển với Đài Loan, gần Nhật Bản.
Tân Hoa Xã đưa tin hàng chục chiếc máy bay, bao gồm máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và máy bay cảnh báo sớm diễn tập khu vực ở Tây Thái Bình Dương cùng với tàu chiến.
Tân Hoa Xã còn nhấn mạnh các cuộc diễn tập này là một phần của kế hoạch tập trận hàng năm, phù hợp với luật pháp và các chuẩn mực quốc tế, không nhắm vào một quốc gia hay khu vực cụ thể nào. Đồng thời, các cuộc diễn tập không gây tác động đến tự do hàng hải hay trên không trong khu vực.
Các cuộc diễn tập quân sự của Không quân và Hải quân Trung Quốc có thể diễn ra quanh vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang các cơ sở quân sự cùng một số hòn đảo nhân tạo, tạo ra căng thẳng với các nước cùng tuyên bố chủ quyền trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Một viện nghiên cứu ở Hoa Kỳ hồi tuần trước cho biết Trung Quốc tiếp tục lắp đặt hệ thống radar tần số cao và các phương tiện khác để có thể sử dụng cho mục đích quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Tổng thống Trump: dự luật thuế là một “chiến thắng to lớn”,
nhưng có thể hoãn ký đến sang năm
Washington DC. (Reuters) – Được bao chung quanh bởi tất cả thành viên Cộng Hòa tại Quốc Hội, tại bãi cỏ phía Nam Tòa Bạch Ốc vào chiều hôm qua 20/12, ngay sau khi Quốc Hội thông qua dự luật cải cách thuế của 30 năm, Tổng Thống Donald Trump ca ngợi việc đạt được một chiến thắng to lớn cho chính phủ của ông.
Trước mặt hàng trăm nhà lập pháp, tổng thống nói đây là một kinh nghiệm chưa từng trải qua trong 34 năm, và giờ đây đảng Cộng Hòa đã phá vỡ kỷ lục. Trưa hôm qua, Hạ Viện do đảng Cộng Hòa kiểm soát thông qua một dự luật cải cách thuế lần thứ nhì được cho là lớn nhất, gởi dự luật thuế trị giá 1.5 ngàn tỷ Mỹ Kim lên bàn Tổng Thống để ký dư luật thành luật. Bất chấp sự phản đối của đảng Dân Chủ cho rằng dự luật thuế này chỉ nhằm cắt giảm thuế cho các công ty và giới giàu có, trong khi đó chỉ giảm thuế tạm thời cho tầng lớp trung lưu, đảng Cộng Hòa vẫn có được một chiến thắng lập pháp đầu tiên cho Tổng Thống Trump.
Nhân dịp này, tổng thống cũng thông báo sau khi dự luật thuế được thông qua, công ty AT&T có kế hoạch tăng chi tiêu 1 tỷ Mỹ Kim tại Hoa Kỳ, đồng thời tặng cho hơn 200,000 nhân viên mỗi người 1,000 Mỹ Kim tiền thưởng.
Tuy nhiên, theo dự đoán của CBS News, Tổng Thống Trump có thể đợi đến năm sau mới ký dự luật thuế thành luật. Lý do là để trì hoãn 120 tỷ Mỹ Kim trong việc tự động cắt giảm chi tiêu cho các chương trình sức khỏe gồm Medicare, giúp các nhà lập pháp Cộng Hòa không phải giải thích trước cuộc bầu cử giữa mùa.
CBS News đưa ra hai lời giải thích: Nếu tổng thống ký dự luật vào tháng này, kế hoạch cắt giảm chi tiêu sẽ được tự động áp dụng vào đầu năm tới. Đây là luật có từ thời tổng thống Reagan, bất cứ luật mới nào ảnh hưởng đến việc gia tăng số nợ quốc gia và gây thâm thủng ngân sách, thì ngân sách chi tiêu tự động cắt giảm $120 tỷ Mỹ Kim.
Nếu tổng thống Trump chờ tới tháng Giêng mới ký dự luật, việc cắt giảm chi tiêu sẽ được hoãn lại tới năm 2019, nghĩa là sau cuộc bầu cử Quốc Hội vào cuối năm 2018. Như vậy, các nhà lập pháp Cộng Hòa sẽ có được một năm để không đối diện với cử tri và giải thích về việc các giảm các chương trình này.
Theo phân tích của CBS News, việc tổng thống Trump trì hoãn việc ký vào dự luật sẽ không ảnh hưởng tới người đóng thuế. Việc cắt giảm thuế vẫn có hiệu lực vào tháng Giêng, và kể từ tháng Hai, người lao động bắt đầu nhìn thấy sự thay đổi về số tiền thuế bị giữ lại từ tiền lương của họ.
CBS News cho rằng sự trì hoãn là một ví dụ về cách thức mà chính khách của hai đảng thường xuyên sử dụng, đó là tuân thủ kỷ luật chi tiêu tiền của ngân sách. Luật ngân sách này gọi là “Paygo,” hoặc “pay-as-you-go”. Tức là một dịch vụ mà khách hàng trả tiền trước khi sử dụng dịch vụ, và trả bao nhiêu, sử dụng bấy nhiêu. Nếu luật ngân sách “Paygo” được miễn trừ, tổng thống có thể ký vào dự luật thuế ngay khi dự luật nằm trên bàn làm việc của ông, mà không phải lo lắng về việc cắt giảm chi tiêu tự động. (Mai Đức)
Mỹ đề nghị Trung Quốc mạnh tay hơn với Triều Tiên
Washington muốn hạn chế nghiêm ngặt hơn nguồn cung cấp xăng dầu cho Bình Nhưỡng trong số những hạn chế khác.
Hoa Kỳ đã chuyển cho Trung Quốc một dự thảo nghị quyết chế tài Triều Tiên mạnh mẽ hơn và hy vọng Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ bỏ phiếu nhanh chóng về nghị quyết này, một nhà ngoại giao phương Tây cho biết hôm 19/12.
Một giới chức cao cấp trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump xác nhận là những nỗ lực đang được tiến hành để thương thuyết về nghị quyết mới, nhưng nói thêm là chưa có thỏa thuận.
Hiện chưa rõ chi tiết về dự thảo nghị quyết trao cho Trung Quốc trong tuần trước, nhưng Hoa Kỳ mong muốn gia tăng chế tài toàn cầu nhằm áp lực để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí chế tạo một phi đạn mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới đất liền Mỹ.
Trong số những bước Hoa Kỳ mong muốn là thắt chặt những hạn chế về nguồn cung cấp xăng dầu cho Triều Tiên ở mức 2 triệu thùng mỗi năm theo như những chế tài trước đây của Liên hiệp quốc.
Trung Quốc cung cấp hầu hết xăng dầu cho Triều Tiên. Bắc Kinh đã ủng hộ những vòng chế tài liên tiếp của Liên hiệp quốc nhưng đã chống lại những lời kêu gọi của Hoa Kỳ trước đây về việc cắt nguồn cung cho nước láng giềng. Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington và Bộ Ngoại giao tại Bắc Kinh không trả lời yêu cầu bình luận về việc này.
Bất cứ những hành động nào hạn chế việc xuất khẩu xăng dầu của Trung Quốc cho Triều Tiên đều có tác động hạn chế sau khi Công ty Xăng dầu Quốc gia Trung Quốc ngưng bán dầu diesel và xăng cho Bình Nhưỡng vào tháng 6 năm nay vì lo ngại là công ty quốc doanh này sẽ không được chi trả.
Kể từ đó việc kinh doanh chậm lại vì không có chuyến hàng nào chở diesel, xăng và các loại dầu khác trong tháng 10. Dữ liệu tháng 11 sẽ được công bố vào ngày 25/12.
Hoa Kỳ cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ghi vào sổ đen 10 tàu hàng vì đã phá hỏng kế hoạch chế tài Triều Tiên, theo như những tài liệu Reuters thấy được.
Tài liệu cho biết các tàu này đã chuyển xăng dầu cho các tàu Triều Tiên hay chở than của Triều Tiên, vi phạm những nghị quyết hiện có của Liên hiệp quốc.
Tuần này, Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, gọi Bắc Kinh là một đối thủ cạnh tranh tìm cách thách thức quyền lực của Hoa Kỳ. Đáp lại, sáng ngày 19/12, Trung Quốc tuyên bố sự hợp tác giữa Bắc Kinh với Washington sẽ đưa đến kết quả là hai bên cùng có lợi, nhưng đối đầu sẽ làm cho hai nước đều tổn hại.
https://www.voatiengviet.com/a/my-de-nghi-trung-quoc-manh-tay-hon-voi-trieu-tien/4172857.html
Ông Trump đề cử người phụ trách ngoại giao Đông Á
Tổng thống Donald Trump đã đề cử nhà ngoại giao chuyên nghiệp Susan Thornton phụ trách ngoại giao Đông Á.
Bà Thorton đã tạm thời giữ chức vụ này kể từ khi ông Trump nhậm chức.
Tòa Bạch Ốc ngày 19/12 loan báo việc đề cử bà Thorton làm Trợ lý Ngoại trưởng về Đông Á và Thái Bình Dương. Sự đề cử này cần phải được Thượng viện chuẩn nhận.
Chức vụ này nằm trong số những chức vụ cao cấp của Bộ Ngoại giao chưa có người đảm nhận trong gần một năm Tổng thống Trump nhậm chức. Một số những trách nhiệm của chức vụ này liên hệ đến Trung Quốc và Triều Tiên.
Bà Thornton làm việc với Bộ Ngoại giao kể từ năm 1991 và trước đây từng phục vụ tại Trung Quốc và các nước Cộng hòa Xô Viết cũ.
Ngoại trưởng Rex Tillerson từ lâu ủng hộ bà Thornton trong chức vụ Trợ lý Ngoại trưởng nhưng gặp sự chống đối từ Tòa Bạch Ốc. Trong số những người phản đối có ông Steve Bannon, nguyên chiến lược gia trưởng của Tổng thống Trump.
https://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-de-cu-nguoi-phu-trach-ngoai-gia-dong-a/4172844.html
Vụ Jerusalem: Trump dọa cắt viện trợ nước nào chống lại Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/12 dọa cắt viện trợ tài chính cho các nước biểu quyết ủng hộ dự thảo nghị quyết Liên hiệp quốc kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
“Họ đã hưởng hàng trăm triệu đô la, thậm chí hàng tỷ đô la, rồi bây giờ họ bỏ phiếu chống lại chúng ta. Chúng ta sẽ theo dõi sát các lá phiếu này. Cứ để họ biểu quyết chống lại chúng ta đi. Chúng ta sẽ tiết kiệm được bộn tiền. Chúng ta không màng,” ông Trump phát biểu trước báo giới tại Tòa Bạch Ốc.
193 thành viên Đại hội đồng Liên hiệp quốc sẽ tổ chức cuộc họp khẩn đặc biệt vào ngày 21/12, theo yêu cầu của các nước Ả Rập và Hồi giáo, để biểu quyết về dự thảo nghị quyết. Dự thảo này đã bị Mỹ phủ quyết tại Hội đồng Bảo an 15 thành viên hôm 18/12.
Ngoại trừ Mỹ, 14 thành viên còn lại trong Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết do Ai Cập soạn thảo. Dự thảo nghị quyết này, dù không nêu tên Mỹ hay nhắc tới ông Trump, nói rằng các quyết định gần đây về tình trạng của Jerusalem là rất đáng tiếc.
Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, Nikki Haley, trong thư gửi cho hàng chục nước trong Liên hiệp quốc, khuyến cáo rằng Tổng thống Trump đã yêu cầu bà báo cáo những nước nào biểu quyết chống lại Mỹ.
Một số nhà ngoại giao cao cấp cho rằng cảnh báo này không thể thay đổi nhiều lá phiếu tại Đại hội đồng, nơi hiếm có những lời đe dọa trực tiếp, công khai.
Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hiệp quốc, ông Miroslav Lajcak, từ chối bình luận về phát biểu của ông Trump, chỉ nói rằng “Bày tỏ quan điểm là quyền và trách nhiệm của các nước thành viên.”
‘Hiếp đáp’
Tháng này, Tổng thống Trump bất chợt đảo ngược chính sách của Mỹ mấy chục năm nay khi tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, khiến người Palestine và thế giới Ả Rập phẫn nộ trong khi các đồng minh phương Tây của Mỹ quan ngại.
Ông Trump cũng muốn dời tòa đại sứ Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem. Dự thảo nghị quyết Liên hiệp quốc kêu gọi tất cả các nước chớ lập phái bộ ngoại giao tại Jerusalem.
Israel coi Jerusalem là thủ đô của họ và muốn các nước đặt sứ quán tại đây. Người Palestine muốn đặt thủ đô của một nhà nước Palestine độc lập trong tương lai tại phía Đông của Jerusalem, nơi bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến 1967 và sáp nhập, một động thái chưa bao giờ được quốc tế công nhận.
Đáp trả đe dọa của đại sứ Mỹ Haley, đại sứ Bolivia tại Liên hiệp quốc, Sacha Sergio Llorentty Solíz, tuyên bố: “Nước đầu tiên mà bà ấy nên ghi chú xuống là Bolivia. Chúng tôi lấy làm tiếc về thái độ ngạo mạn và thiếu tôn trọng đối với quyết định tự quyết của các nước thành viên và đối với cơ chế đa phương.”
Theo Reuters
Mỹ, Canada tổ chức Thượng đỉnh 16 nước
về hạt nhân Triều Tiên
Hoa Kỳ và Canada sẽ đồng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh quy tụ 16 quốc gia vào tháng tới ở Canada để thể hiện tình đoàn kết chống lại mối đe dọa ngày càng tăng do chương trình hạt nhân của Triều Tiên gây ra.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson và Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland nói về tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh ngày 16/1/2018 sau khi cuộc hội đàm tại thủ đô Ottawa của Canada.
Ông Rex Tillerson phát biểu: “Để gửi đến Triều Tiên một thông điệp thống nhất từ cộng đồng quốc tế, rằng chúng tôi không chấp nhận Triều Tiên như một quốc gia hạt nhân, một quốc gia có vũ khí hạt nhân. Và tất cả chúng tôi đều có chung một chính sách và một mục tiêu. Đó là phải hoàn toàn phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và theo cách có thể kiểm chứng được”.
Hồi cuối tháng trước, Triều Tiên đã làm leo thang căng thẳng sau khi phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa mới, có khả năng bay tới miền đông Hoa Kỳ.
Các quốc gia sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh ở Vancouver vào tháng tới gồm có: Úc, Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, New Zealand, Phillippines, Thái Lan, Pháp, Ethiopia, Hy Lạp, Colombia, Bỉ, Nam Phi, Hà Lan, Luxembourg và Hoa Kỳ.
Cùng tham gia sẽ có Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Iran phản đối việc bị Mỹ cáo buộc
cung cấp vũ khí cho Yemen
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm thứ Tư 20/12 nói với truyền thông nhà nước rằng Iran sẽ “làm rõ các cáo buộc vô căn cứ” do Hoa Kỳ đưa ra, tố cáo quân nổi dậy ở Yemen đã sử dụng vũ khí do Iran cung cấp để tấn công Ả-rập Xê-út.
Hãng thông tấn của nhà nước Iran trích lời ông Zarif nói rằng những động thái của Hoa Kỳ mang tính khiêu khích, và rằng Hoa Kỳ đang cố gắng “che giấu sự ủng hộ của họ đối với vụ đánh bom nhắm vào người Yemen vô tội bằng cách tung ra những lời tố cáo như vậy.”
Iran ủng hộ phiến quân Houthis nắm quyền kiểm soát thủ đô Yemen vào cuối năm 2014, nhưng phủ nhận việc họ đã cung cấp vũ khí cho nhóm này. Trong 3 năm qua, Hoa Kỳ hậu thuẫn cho một liên minh do Ả-rập Xê-út dẫn đầu, chống lại phiến quân Houthis, để ủng hộ Tổng thống của Yemen được quốc tế công nhận, là ông Abdu Rabu Mansour Hadi.
Tại New York, Hội đồng Bảo an LHQ đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ nửa năm để bàn việc thực thi nghị quyết ủng hộ thỏa thuận năm 2015 nhằm ngăn chặn Iran chế tạo bom hạt nhân.
Tại phiên họp này, Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley nêu vấn đề Iran chuyển giao vũ khí cho Yemen mà nếu được xác minh là đúng, là một hành động vi phạm lệnh cấm vận vũ khí quốc tế đối với phiến quân Houthi, và lệnh cấm vận đối với Iran.
Đặc sứ Mỹ nói có một số lựa chọn mà hội đồng có thể theo đuổi để gây áp lực cho Iran. Các lựa chọn này bao gồm việc tăng cường các điều khoản trong nghị quyết ủng hộ thỏa thuận hạt nhân; thông qua một nghị quyết mới nhấn mạnh rằng Iran bị cấm tất cả các hoạt động tên lửa đạn đạo; và khả năng xử phạt Iran vì nước này vi phạm lệnh cấm vận vũ khí đối với Yemen.
Cuộc xung đột tại Yemen đã làm thường dân nước này bị thương tổn nặng nề.
LHQ hôm thứ Ba 19/12 cho biết đã kiểm tra các cuộc không kích, và cho biết 136 thường dân và thuộc thành phần phi quân sự bị giết chết trong nửa đầu tháng 12. Vẫn theo nguồn tin này, Liên Hiệp Quốc đã thu thập chứng cớ, xác nhận có tất cả 5.558 thường dân thiệt mạng, và 9.000 người bị thương kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.
Nhựa thải ra biển chui vào…bao tử con người
Những miếng nhựa bé li ti làm ô nhiễm các loài trai từ vùng Bắc Cực châu Âu cho đến Trung Quốc. Đây là chỉ dấu cho thấy ô nhiễm đại dương lan tràn trên toàn thế giới và có thể cuối cùng xâm nhập các món ăn của con người.
Các loài trai tại vùng biển trong vắt của Bắc Cực nhiễm nhựa nhiều nhất trong các cuộc thử nghiệm dọc theo bờ biển, theo một cuộc nghiên cứu trong tháng này của Viện Nghiên cứu Biển Na Uy (NIVA).
Nhựa có thể trôi dạt lên miền bắc do những dòng nước biển và gió thổi từ châu Âu và châu Mỹ và cuối cùng bị cuốn xoáy xung quanh Bắc Băng Dương, nhà nghiên cứu Amy Lusher của NIVA nói với Reuters.
Những vụn nhựa cực nhỏ được phát hiện ở mọi nơi mà các nhà khoa học nghiên cứu đến, bà Lusher cho biết.
Những cuộc nghiên cứu trong quá khứ phát hiện miếng nhựa cực nhỏ ngoài khơi Trung Quốc, Chi lê, Canada, Anh và Bỉ.
Tại Biển Na-Uy các loài giáp xác chứa trung bình 1,8 đơn vị microplastic (đơn vị này được định nghĩa là nhỏ hơn 5 mm), trong khi đó ở Bắc Cực là 4.3.
Năm ngoái, các nhà nghiên cứu Trung Quốc khuyến cáo loài trai có thể là chỉ số sinh học của ô nhiễm microplastic vì các loài này sống ở đáy biển, nơi quy tụ các vụn nhựa.
Ảnh hưởng của microplastic đối với các sinh vật biển hay đối với con người khi ăn phải hiện chưa rõ.
Gần 200 quốc gia đã ký một nghị quyết của Liên hiệp quốc trong tháng này để loại trừ ô nhiễm nhựa trên đại dương, từ chai lọ cho đến bọc plastic tại các siêu thị hay các gói thực phẩm, ước lượng vào khoảng 8 triệu tấn mỗi năm.
Nghiên cứu của Thompson cho thấy mức nhựa quá cao tại đáy biển có thể làm hại những sinh vật như những con giun cát sống ở đáy biển và tồn trữ trong các mô của chúng.
Hầu hết các vụn nhựa xuyên qua đường ruột của các loài giáp xác đi vào thức ăn của người. Tuy nhiên, ông Thompson nói con người bị ô nhiễm vì microplastic trong hải sản ít hơn các loại nhựa tiếp xúc hàng ngày từ đồ chơi cho đến áo khoác ngoài.
Trung Quốc và Liên hiệp Châu Âu là những nước sản xuất hàng đầu các loại trai sò nuôi với trị giá 6 tỉ đô la.
https://www.voatiengviet.com/a/nhua-thai-ra-bien-chui-vao-bao-tu-con-nguoi/4172823.html
Nhật bị cáo buộc hỗ trợ buôn bán ngà voi
Tình trạng Nhật Bản thiếu kiểm soát kho ngà voi trong nước đã khuyến khích xuất khẩu bất hợp pháp ngà voi sang các nước khác và phá hoại các nỗ lực chấm dứt buôn lậu ngà voi, một phúc trình cho biết hôm 20/12.
Phúc trình được soạn thảo với sự hỗ trợ của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới cho biết các nhà nghiên cứu phát hiện giới buôn bán cổ vật tậu được một số lượng lớn ngà voi tại Nhật Bản.
Phúc trình cũng cho biết có hàng trăm món hàng bằng ngà voi được bán hàng năm qua các trang mạng thương mại, khách hàng thường là du khách từ các nước châu Á như Trung Quốc chẳng hạn.
Phúc trình cũng cho hay có một số giao dịch quen thuộc với những tổ chức tội phạm giúp tạo điều kiện dễ dàng cho việc chuyện lậu ngà voi vào Trung Quốc.
Phúc trình nêu lên những dữ liệu của mạng lưới theo dõi buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC. Mạng lưới này phát hiện trung bình có 2.447 món hàng làm bằng ngà voi trị giá hơn 400.000 đô la được đấu giá trong 4 tuần lễ của tháng 5, tháng 6 năm 2017 trên mạng thương mại chính.
Các tác giả phúc trình thúc đẩy chính phủ Nhật nâng cao nhận thức của người dân về việc kiểm soát buôn bán ngà voi và kiểm soát chặt chẽ hải quan.
Công ước Quốc tế về buôn bán Động-Thực vật Hoang dã có Nguy cơ Tuyệt chủng, hay CITES, cấm buôn bán ngà voi quốc tế nhằm bảo vệ voi châu Phi có nguy cơ tuyệt chủng. Công ước kêu gọi đóng cửa thị trường ngà voi trong nước tại các nước thành viên, và nhiều nước đã tuân thủ.
Năm ngoái Trung Quốc loan báo sẽ đóng cửa việc buôn bán ngà voi vào cuối năm 2017. Hong Kong, thị trường bán lẻ ngà voi lớn nhất trên thế giới, dự trù chấm dứt buôn bán mặt hàng này vào năm 2021.
Tuy nhiên Nhật Bản chống lại việc đóng cửa thị trường trong nước, cho rằng những sản phẩm ngà voi buôn bán trong nước không phải là những sản phẩm do săn trộm nay buôn lậu. Thay vào đó chính phủ trước đây trong năm đã chấp thuận một đề nghị yêu cầu thắt chặt việc đăng ký và thanh tra hơn 8.000 người bán lẻ và sản xuất sản phẩm bằng ngà voi.
Giới chỉ trích cho rằng hệ thống đăng ký ngà voi chỉ là một hình thức buôn lậu ngà voi vì có thể hợp pháp hóa các ngà voi thu hoạch một cách bất hợp pháp.
https://www.voatiengviet.com/a/nhat-bi-cao-buoc-ho-tro-buon-ban-nga-voi/4172808.html
RSF: Trung Quốc là nhà tù lớn nhất giam cầm ký giả
Trung Quốc là nhà tù lớn nhất thế giới giam cầm ký giả’, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) nói. Theo phúc trình hàng năm của tổ chức, hiện đang có 52 nhà báo bị giam tại nước này.
Trong phúc trình hàng năm về bạo động và bạo hành chống lại các nhà báo được công bố ngày 18/12, tổ chức theo dõi nhân quyền này cho biết Trung Quốc “tiếp tục cải tiến các biện pháp đàn áp các nhà báo và những người viết blog.”
Phúc trình nói tiếp “chính quyền không còn kết án tử hình những người chống đối, nhưng thay vào đó, làm cho sức khỏe của những người này suy kiệt trong các nhà tù cho đến khi họ qua đời.”
Phúc trình đề cập đến trường hợp nhà bất đồng chính kiến Lưu HIểu Ba, khôi nguyên giải Nobel Hòa bình và người viết blog Dương Đồng Ngạn. Cả hai đều bị ung thư giai đoạn cuối khi bị giam và chết một ít lâu sau khi được chuyển đến bệnh viện.
Ông Lưu từng được RSF trao giải Tự do Báo chí. Ông nổi tiếng là đồng tác giả của tuyên ngôn “Hiến chương 08” và bị kết án 11 năm tù vào năm 2009 về tội “lật đổ chính quyền.” Ông chết vì ung thư gan tại một bệnh viện ở đông bắc Trung Quốc vào ngày 13 tháng 7 năm nay trong khi chờ đợi được chữa trị. Vợ ông, nhà thơ Lưu Hà, bị quản thúc tại gia kể từ năm 2010.
Ông Dương được biết đến dưới bút hiệu Dương Thiên Thủy, bị tù 12 năm vì tội “lật đổ chính quyền.” Ông được nhiều người biết đến qua các bài viết chỉ trích chính phủ Trung Quốc. Ông từng bị giam từ năm 1990 đến 2000 vì chỉ trích cách Trung Quốc đối phó với những người biểu tình đòi dân chủ trong năm 1989.
Phúc trình RSF nhấn mạnh: “Cộng đồng quốc tế đang lo ngại về tính mạng của ông Hoàng Kỳ, nhà sáng lập trang mạng 64 Tianwang và cũng là người đoạt giải Tự do Báo chí 2004 của RSF. Ông bị đánh đập và không được phép chữa trị tại trung tâm giam giữ Miên Dương, vốn là chiêu thức để buộc ông phải nhận tội.”
(Nguồn HK Free Press/RSF)
https://www.voatiengviet.com/a/rsf-trung-quoc-la-nha-tu-lon-nhat-giam-cam-ky-gia/4172420.html
Hậu Brexit : các ngân hàng châu Âu
có thể hoạt động ‘‘bình thường’’ tại Anh
Hôm qua 20/12/2017, Ngân Hàng Trung Ương Anh Quốc thông báo có thể sẽ cho phép các ngân hàng châu Âu hoạt động bình thường tại Anh, trong trường hợp Luân Đôn đạt được thỏa thuận Brexit « mềm » với Bruxelles.
Hãng tin Reuters cho hay, theo thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Anh Mark Carney, điều kiện hoạt động của các ngân hàng lớn của châu Âu tại đảo quốc có khả năng sẽ thay đổi rất ít, trong trường hợp các định chế của Liên Âu tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với Luân Đôn, sau Brexit.
Châu Âu và Anh Quốc đang chuẩn bị đàm phán về ngành ngân hàng. Cuộc đàm phán quan trọng này sẽ quyết định số phận trung tâm tài chính của nước Anh trong tương lai. Luân Đôn để ngỏ nhiều phương án, trong đó có việc các cơ sở ngân hàng của châu Âu không bắt buộc phải thành lập các « chi nhánh », một thủ tục tốn kém, khiến hàng loạt ngân hàng châu Âu có nguy cơ rút khỏi Anh. Đổi lại Anh Quốc hy vọng các ngân hàng nước này có thể tiếp tục cung cấp dịch vụ ở châu Âu, với điều kiện ưu đãi.
Luân Đôn cùng với New York là hai trung tâm tài chính đứng đầu thế giới, nơi mỗi ngày diễn ra các giao dịch với tổng giá trị khoảng 5.100 tỉ đô la. Thủ đô nước Anh, được mệnh là « thủ phủ tài chính thế giới », với số lượng ngân hàng đóng đô cao nhất. Hiện tại, Anh Quốc là nơi đặt cơ sở của khoảng 80 ngân hàng của Không Gian Kinh Tế Châu Âu (EEE).
Theo các nhà quan sát, Anh Quốc lo ngại, nếu phương án Brexit « cứng », hay « ly dị hoàn toàn » với Liên Âu xảy ra, Luân Đôn sẽ mất đi vị trí trung tâm tài chính hàng đầu sau tháng 3/2019, thời hạn Anh phải dời hoàn toàn khỏi thị trường chung châu Âu. Thuế thu từ ngành ngân hàng tài chính hiện là một nguồn quan trọng đối với Anh, với khoảng 70 tỉ bảng/năm.
Người tị nạn Rohingya sẽ được cấp thẻ căn cước điện tử
Người tị nạn Rohingya sẽ được cấp thẻ căn cước điện tử theo công nghệ « blockchain », để có thể được hưởng các dịch vụ xã hội. Tổ chức phi chính phủ Rohingya Project thông báo như trên vào ngày hôm qua 20/12/2017.
Hãng tin Anh Reuters cho biết là bước đầu có 1.000 người tị nạn Rohingya tại Bangladesh, Malaysia và Ả Rập Xê Út sẽ được ấp thẻ căn cước điện tử trong năm 2018. Ông Kyri Andreou, đồng sáng lập tổ chức nhân quyền Rohingya Project, phát biểu tại Kuala Lumpur, Malaysia trong lễ ra mắt chương trình thẻ căn cước điện tử cho người Rohingya : « Họ bị đẩy ra ngoài lề xã hội, họ bị loại trừ khỏi xã hội. Một trong các vấn đề quan trọng là họ không được xác định danh tính. »
Do vậy, dự án của tổ chức Rohingya Project nhằm tạo thuận lợi để người Rohingya được hưởng các chính sách về giáo dục, các dịch vụ xã hội công như y tế, ngân hàng và đặc biệt là được thừa nhận phẩm cách. Điều kiện đầu tiên để người Rohingya được nhận thẻ căn cước điện tử là phải trải qua bài kiểm tra cho phép khẳng định họ thuộc sắc tộc thiểu số Rohingya.
Theo một báo cáo của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người Tị nạn, người Rohingya chiếm số đông nhất trong số 10 triệu người vô tổ quốc trên khắp hành tinh. Tổ chức Rohingya Project ước tính hiện có khoảng 4 triệu người Rohingya trên toàn thế giới, đa phần phải ra đi từ Miến Điện. Chỉ tính riêng từ tháng 08/1017, đã có 650.000 người Rohingya Miến Điện phải trốn chạy nước láng giềng Bangladesh.
Catalunya:
Tương lai chính trị vẫn bất định bất chấp bầu cử
Hôm nay, 21/12/2017, người dân Catalunya được kêu gọi bỏ phiếu bầu lại nghị viện, sau kết quả cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý làm lung lay vùng giàu có nhất của Tây Ban Nha từ ba tháng qua. Tuy nhiên, theo giới quan sát, dù căng thẳng đã suy giảm, nhưng khủng hoảng vẫn sẽ kéo dài sau cuộc bầu cử này.
Chưa bao giờ tương lai chính trị của Catalunya, vùng giầu có nhất, chiếm đến 20% GDP của Tây Ban Nha lại căng thẳng và bất định như lúc này. Sau 3 tháng rơi vào khủng hoảng, Catalunya tổ chức một cuộc bỏ phiếu sớm để bầu mới ban lãnh đạo vùng.
Nhưng các cuộc thăm dò gần đây cho thấy không một đảng chính trị nào sẽ có được đa số tuyệt đối để điều hành vùng, vốn được quyền tự trị này. Hiện tại hai đảng dẫn đầu cuộc đua là Ciudadanos – cánh trung và đảng Cánh tả Cộng Hòa Catalunya ERC, có tỷ lệ ủng hộ sít sao : 25,2% và 23,1%.
Bất kể đảng nào về đầu trong cuộc bỏ phiếu, mức tỷ lệ ủng hộ này còn quá xa với mức quá bán như yêu cầu để có được đa số tuyệt đối. Việc thành lập chính phủ liên minh cầm quyền là một điều chắc chắn và sẽ không dễ một chút nào.
Ciudadanos có thể trông cậy vào đảng Xã hội PSC và đảng Nhân Dân của thủ tướng Rajoy, nhưng cũng chưa đủ để có được hơn 30 trong tổng số 68 ghế ở Nghị Viện Catalunya, do hai đảng này có tỷ lệ ủng hộ cực thấp.
Trong khi đó, các đảng chủ trương độc lập thì lại chia rẽ, không thành lập được một mặt trận chung. Việc tự mỗi bên đưa ra một ứng viên đã làm giảm cơ may cho phe đòi độc lập có được đa số tuyệt đối.
Theo nhận xét của giới chuyên gia, được Reuters trích dẫn, Ciudadanos cũng như Cánh tả Cộng Hòa Catalunya ERC, trong trường hợp thắng lợi, có thể đều phải trông cậy vào hai đảng Podemos và CUP để lập liên minh đa số.
Vấn đề đặt ra là bên trong phe « trọng tài » này, Podemos và CUP có quan điểm khác nhau. Tuy chống tuyên bố đơn phương đòi độc lập của Puigdemont, nhưng Podemos có lập trường khác xa với Ciudadanos và do vậy khó có thể đạt được thỏa thuận với đảng cánh trung này.
Ngược lại, CUP – lực lượng chống chủ nghĩa tư bản, vốn chủ trương một nền độc lập một cách nhanh nhất, lại chỉ trích gay gắt những tính toán sai lầm của vị cựu chủ tịch, Carles Puigdemont, bị phế truất hiện đang sống lưu vong ở Bỉ.
Trong bối cảnh đó, nguy cơ xuất hiện một vùng Catalunya vô chính phủ là rất lớn. Nếu như các cuộc thương lượng giữa các đảng để tìm kiếm một liên minh có đa số cho phép thành lập chính phủ mà không thành, thì người dân Catalunya sẽ lại phải bỏ phiếu vào tháng 5/2018.
Giới chuyên gia cảnh báo, khủng hoảng chính trị càng kéo dài thì sẽ càng đè nặng lên nền kinh tế và tài chính công không chỉ của vùng Catalunya mà cả Tây Ban Nha. Thêm vào đó, xã hội Tây Ban Nha và nhất là Catalunya đã có sự phân rẽ sâu sắc hơn bao giờ hết.
Những lời lẽ ôn hòa giờ đã biến mất mà thay vào đó là những lời thóa mạ ầm ĩ. Người dân Catalunya sống hòa thuận từ bao lâu nay giờ bỗng dưng có những lời lẽ mang mầu sắc nội chiến, như thể bóng ma nhà độc tài Francisco Franco chỉ chực chờ dịp để trở về.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171221-catalunya-tuong-lai-chinh-tri-bau-cu-qt
Phản đòn nhắm vào Trung Quốc
ngày càng tăng trên thế giới
Khi công bố chính sách an ninh quốc gia đầu tiên dưới thời ông cầm quyền, tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/12/2017 vừa qua đã nêu đích danh Trung Quốc là một trong hai đối thủ cạnh tranh chính, có ý đồ thách thức Hoa Kỳ trên trường quốc tế.
Trong một bài phân tích mang tựa đề « Phản ứng ngược chống Trung Quốc trên thế giới ngày càng tăng – The global backlash against China is growing », nhật báo Mỹ The Washington Post ngày 19/12 đã nhận định rằng thái độ của Mỹ nằm trong một loạt những phản ứng gần đây ở rất nhiều nơi trên thế giới chống lại các hành động và thủ đoạn mang tính chất bành trướng của Bắc Kinh.
Tác giả bài viết, John Pomfret, từng là trưởng văn phòng của tờ báo Mỹ ở Bắc Kinh, đã liệt kê một loạt những hành vi của Trung Quốc đã bị phản đòn, từ Úc đến châu Âu, châu Mỹ, và kể cả tại những quốc gia được coi là đồng minh thân thiết của Bắc Kinh.
Ví dụ đầu tiên được báo Washington Post nêu bật là trường hợp tại Úc, nơi mà Trung Quốc đã sử dụng tay chân tại chỗ để tung tiền lũng đoạn chính trường, dẫn đến việc một thượng nghị sĩ phải từ chức, và buộc chính quyền Canberra phải đưa ra một loạt luật lệ nhằm chống lại ảnh hưởng nước ngoài.
Còn tại châu Âu, cảnh giác ngày lên cao trước những thủ đoạn thương mại của Trung Quốc và ý đồ của Bắc Kinh muốn thâu tóm những công ty châu Âu có công nghệ học tiến tiến.
Tại Mỹ thì giới doanh nhân, từ lâu nay vẫn là chỗ dựa cho quan hệ Mỹ-Trung, hiện không còn nhất trí trên việc nên tiếp tục làm ăn như thế nào với Bắc Kinh. Nhiều công ty Mỹ đã bị thua lỗ ở Trung Quốc. Kết quả là yêu cầu phải phản ứng chống lại Bắc Kinh đã dấy lên trong một loạt vấn đề khác nữa như gián điệp công nghiệp, yêu sách của Bắc Kinh đòi đối tác ngoại quốc phải chuyển giao công nghệ, hay việc sử dụng các truyền thông Nhà nước Trung Quốc để tuyên truyền ở Mỹ và nỗ lực gây ảnh hưởng trên hệ thống giáo dục Mỹ…
Trung Quốc chịu hệ quả
Hệ quả đối với Bắc Kinh ngày càng rõ : Những tập đoàn Trung Quốc tìm mua công nghệ cao cấp của Mỹ đã phải gặp khó khăn nhiều hơn ; ở Quốc Hội Mỹ thì đã có dư luận muốn buộc Truyền hình Nhà nước Trung Quốc và các hãng tin Trung Quốc tại Mỹ phải đăng ký là tác nhân nước ngoài.
Các phản ứng đáp trả nói trên xuất hiện vào lúc mà Trung Quốc đang cho thấy là họ tin tưởng hơn bao giờ hết vào mô hình kinh tế và chính trị của họ, kết hợp tính chất chuyên chế của đảng Cộng Sản với một chính sách công nghiệp mà mục tiêu là đảm bảo sao cho công nghiệp Trung Quốc thống trị kinh tế thế giới trong tương lai, thông qua việc tài trợ và đẩy mạnh nghiên cứu, thu mua công nghệ phương Tây.
Theo Washington Post, phản ứng đáp trả cũng gia tăng vào lúc nhiều người ở phương Tây lo ngại trước khả năng Trung Quốc chiến thắng trong cuộc đua giành nguyên liệu, giành thị trường chứng khoán và giành ảnh hưởng về ý thức hệ.
Vào tháng11 vừa qua, nhân chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống Mỹ, báo chí Hoa Kỳ tràn ngập bài vở cho rằng Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo toàn cầu. Kênh truyền hình CNN đã chạy dòng tựa trên trang mạng vào ngày 3/11 : « Tại sao Trung Quốc đã thắng vào năm 2017 và Donald Trump đã giúp họ như thế nào để thực hiện điều đó ». Tạp chí Time Magazine trên trang bìa cũng khẳng định : « Trung Quốc đã thắng ». Báo USA Today cũng chạy một tựa đề tương tự.
Điều đáng chú ý là phản ứng tiêu cực trước sự vươn lên của Trung Quốc đã phản bác những đánh giá theo đó Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của ông Trump, không còn khả năng hợp tác với các đồng minh truyền thống của Mỹ.
Trong những tuần lễ gần đây, chính quyền Trump đã hợp sức với châu Âu bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đòi được công nhận là một nền kinh tế thị trường chỉ với lý do là họ đã ký thỏa thuận gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới OMC. Quy chế kinh tế thị trường sẽ bảo vệ Trung Quốc không bị áp thuế chống phá giá. Tại hội nghị của OMC ở Buenos Aires tuần qua, Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản đã hợp sức đối đầu với Trung Quốc, chỉ trích việc Bắc Kinh ngoan cố không muốn giảm sản xuất công nghiệp và từ bỏ một số hành vi thương mại ‘có vấn đề’.
Ấn Độ làm đối trọng…
Trong chuyến công du châu Á tháng 11 vừa qua, ông Trump bắt đầu sử dụng thuật ngữ « Ấn Độ-Thái Bình Dương / Indo Pacific » thay vì « Châu Á-Thái Bình Dương / Asia Pacific ». Đây là cách cho thấy ý định của Mỹ muốn đưa Ấn Độ vào nỗ lực chung để tạo thành đối trọng cho sức mạnh không ngừng gia tăng của Trung Quốc về mặt quân sự cũng như kinh tế. Bên lề cuộc họp thượng đỉnh ASEAN ở Manila, các quan chức chức Mỹ đã gặp các đồng nhiệm Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, để vực dậy cái gọi là «bộ Tứ», (the Quad) tức 4 nền dân chủ trong vùng đang lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thêm vào đó, cảm nhận rộng rãi theo đó việc ông Trump được bầu lên dẫn đến sự suy yếu ảnh hưởng của Mỹ, đã thúc đẩy các quốc gia châu Á tìm cách đối phó với Trung Quốc mà không có Mỹ. Chỉ ít lâu sau khi vào Nhà Trắng, Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định thương mại TPP. Động thái này tưởng như đã chôn vùi hiệp định, thế nhưng thực tế lại không như vậy. Lo ngại trước việc Mỹ rút đi sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc thống trị, 11 nước còn lại tiếp tục tiến bước.
Hơn nữa quan hệ song phương giữa các nền dân chủ châu Á vẫn vững mạnh và được tăng cường. Nhật Bản đã đóng một vai trò quan trọng không muốn nói là then chốt, trong việc cổ vũ Ấn Độ gia tăng ảnh hưởng ở châu Á. Tokyo đã giúp tổ chức một hội nghị ở New Delhi giữa Ấn Độ và thành viên của ASEAN, tập trung trên việc Ấn Độ có thể giúp như thế nào để các quốc gia Đông Nam Á bớt dựa vào Bắc Kinh trên phương diện thương mại và đầu tư.
Các quốc gia thân cận Trung Quốc cũng bực tức
Phản đòn chống lại Trung Quốc không chỉ bó hẹp ở các nền dân chủ. Ngay những quốc gia có quan hệ gần gũi trong lịch sử với Trung Quốc cũng bắt đầu có phản ứng trước cách cư xử thô bạo của Trung Quốc liên quan đến chương trình hạ tầng cơ sở cho Con Đường Tơ Lụa mới.
Trong lúc mà Bắc Kinh cố tô vẽ cho đề án này, cho đấy là một kế hoach Marshall của Trung Quốc, thì càng lúc nó càng bị cảm nhận như là một chế độ thực dân phương Tây hơn là một sự trợ giúp hào phóng.
Sri Lanka chẳng hạn, là nước nợ các công ty do Nhà nước Trung Quốc kiểm soát hơn 8 tỷ đô la. Để phần nào trả nợ, vào tuần trước nước này đã cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota trong vòng 99 năm, một quyết định bị những người chỉ trích cho là phương hại đến chủ quyền của Sri Lanka. Tại Ấn Độ, sự kiện đó phản ánh « chính sách ngoại giao bẫy nợ ».
Ngay cả Pakistan, có lẽ là đối tác nước ngoài gần gũi nhất của Trung Quốc, cũng đang có suy nghĩ khác khi nhận tiền của Bắc Kinh. Tờ báo Express Tribune tại Pakistan đã đưa tin là Islamabad đã hủy bỏ một đề án xây đập trị giá 14 tỷ đô la sau khi Bắc Kinh nói rõ là muốn làm chủ con đập sau khi xây dựng xong. Nepal cũng có một thông báo cho biết là đã hủy đề án đập thủy điện khác vì lý do tương tự.
Bắc kinh phản ứng hung hãng
Trước những mối quan ngại ngày càng tăng, Trung Quốc đã phản ứng rất hung hăng. Tại Úc, đại sứ quán Trung Quốc lên tiếng cảnh cáo các quan chức chính quyền Canberra là không nên phá hoại « sự tin tưởng lẫn nhau » giữa hai nước, trong bối cảnh Úc đang chuẩn bị thông qua luật nhằm bảo vệ hệ thống chính trị trong nước, để không bị tiền nước ngoài lũng đoạn. Và sau khi thủ tướng Úc lên tiếng lo lắng trước những « báo cáo đáng quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc », thì tòa đại sứ Trung Quốc lại cảnh báo phía Úc là « không nên có những nhận xét vô trách nhiệm ». Đại sứ quán này cũng cảnh báo truyền thông Úc không nên bịa đặt về « cái gọi là ảnh hưởng và sự xâm nhập của Trung Quốc ở Úc ».
Báo Washington Post kết luận : « Từ hàng thập kỷ qua, các chính quyền nối tiếp nhau ở Mỹ luôn nỗ lực giúp cho Trung Quốc hùng mạnh hơn. Nhưng bây giờ Trung Quốc đã hùng mạnh hơn, thì cùng với nhiều nước trên thế giới, Hoa Kỳ không còn chắc rằng đó là điều mà Mỹ muốn. »
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171221-phan-don-nham-vao-trung-quoc-ngay-cang-tang-tren-the-gioi