Bản tin ngày 20-12-2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bản tin ngày 20-12-2017

Tin Trong Nước

Tin Biển Đông
Tạp chí Forbes có bài phân tích của tác giả Peter Pham: Tại sao căng thẳng ngày càng gia tăng trên Biển Đông? Về khu trục hạm USS Chafee tuần tra trong vòng 12 dặm ngày 10/10/2017, ở vùng biển tranh chấp gần quần đảo Hoàng Sa, ông Peter Pham đánh giá “hành động này không phải chỉ tuần tra hoặc diễn tập thường lệ, mà chính là bước tiến mới nhất trong một cuộc cờ đa chiều ở một trong những khu vực tranh chấp nhạy cảm nhất trên thế giới”.
Theo tác giả, Trung Quốc mặc nhiên xem họ là “siêu cường trong khu vực”, qua tuyên bố chủ quyền lịch sử trên 90% diện tích Biển Đông với yêu sách “đường 9 đoạn”. Bằng việc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, cũng như tham vọng thiết lập “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ không dừng lại và các nước nhỏ trong khu vực Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với chính sách “chia để trị”, cũng như những thủ đoạn kinh tế từ Bắc Kinh.
Nhà báo Mai Quốc Ấn có bài: Việt Nam – quốc gia mất nước. Kỳ 3: Hồn nhiên bán nước. Liên quan đến tình hình Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông, tác giả khẳng định, cát ở Tuy Hòa đã được sử dụng để xây đảo Đá Chữ Thập ở Trường Sa mà TQ chiếm đóng của VN, “điều ngư dân miền Trung đã từng phản ánh về những chuyến giao dịch ngoài mốc phao số 0”
Tác giả viết, ” ‘hồn nhiên’ bán cát cũng chính là hồn nhiên bán nước. Vì một cù lao lớn ngang với hồ Trị An (gần 300ha) tại phương Nam đã mất 5% diện tích, sụt lún 20cm chỉ là một trong vô số ví dụ về việc hút cát”.
Lời hứa của Đảng và hiện thực của dân
TS Chu Mộng Long viết: Tản mạn về dân trí và quan trí. Theo tác giả, những phong trào “cách mạng” mà Đảng Cộng sản dẫn dắt bằng lời hứa “giống như đàn trâu ồ ạt tấn công đàn sư tử nếu ai đó biết thổi tù và kích thích cho đàn trâu xông lên. Nhưng thường sau khi đuổi được đàn sư tử thì đàn trâu lại bị chính kẻ điều khiển xỏ mũi”.
Sự “xỏ mũi” ấy đã tạo nên một bức tranh u ám cho đời sống tinh thần người Việt: người dân không dám phản biện cái sai hay bảo vệ cái đúng, nếu cái sai ở phía quan “cách mạng”, ngay cả đội ngũ trí thức đông đảo cũng hầu như không có tư duy độc lập. Nền báo chí có khoảng 400 tờ báo, nhưng chỉ cần một tờ là người đọc có thể đoán được tất cả những tờ kia nói gì, nên có nhiều tờ báo chỉ tốn thêm tiền của dân, nuôi đội ngũ “báo đời, báo cô”.
Ông Chu Mộng Long khẳng định: Nỗi sợ hãi trước bạo quyền dù chúng làm những điều càn quấy, đã dẫn đến hậu quả “không ở đâu như ở đất nước này, những tên tội phạm vẫn được bỏ phiếu vào ghế quốc hội, vẫn được ‘bổ nhiệm đúng quy trình’ để leo cao chui sâu, lại được báo chí tán tụng, ngợi ca hết lời trước khi quay ngược lại chỉ trích, phê phán, nếu bị người ta biến thành củi khô củi tươi ném vào lò!”.
Trang Người Đưa Tin có bài tổng hợp: Đà Nẵng: Sai phạm của chính quyền, người dân phải gánh hậu quả? Trong buổi tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng hôm qua, nhiều người dân phàn nàn về vấn đề quyền sử dụng đất sản xuất kinh doanh “đã được cấp sổ đỏ ghi thời hạn sử dụng đất lâu dài và đã nộp tiền sử dụng bằng 70% giá trị đất ở, đã nộp 100% tiền sử dụng đất, đã thế chấp toàn bộ sổ đỏ cho ngân hàng…” với niềm tin rằng sổ đỏ được chính quyền thành phố trước đây cấp thời hạn lâu dài.
Thế nhưng, Thanh tra Chính phủ kết luận việc này sai quy định của Luật Đất đai năm 2003 nên phải sửa lại thời hạn sử dụng đất 50 năm, khiến đất bị mất giá, thậm chí không thể chuyển nhượng. Kết quả là nhiều người có nguy cơ phá sản, trắng tay vì điều này.
Toàn bộ câu chuyện có thể được tóm tắt trong lời tuyên bố của một cử tri: “Chúng tôi không gánh nổi trong khi sai phạm này không thuộc về mình”. Vấn đề là các hệ thống chính trị-kinh tế ở Việt Nam ở vào giai đoạn chính quyền các cấp hoạt động không ăn khớp với nhau, nên khi người dân tin vào cấp chính quyền này, họ có thể bị mất trắng vì những quyết định ở cấp chính quyền khác.
Trang Thanh Niên Công Giáo đưa tin“về dự án làm đường nông thôn bị treo suốt 15 năm qua” ở Vĩnh Long. Người dân ở giáo xứ Quang Phong, khu vực ấp Bà Đông xã Trung Chánh, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, đang rất khổ sở vì một con đường được quy hoạch từ thời ông Võ Văn Kiệt, nhưng đến giờ vẫn chưa xong!
Tác giả dẫn tin từ người dân địa phương: “Xét thấy thiệt hại kinh tế trong 15 năm qua và không hợp với dự án trước đó gây khó khăn trong việc đi lại, người dân địa phương và giáo dân khu giáo xứ Quang Phong nhiều lần gửi thư kiến nghị lên Ủy ban Nhân dân 3 cấp, nhưng đến nay vẫn bị phớt lờ, trả lời vòng vo”.
Thêm củi vào lò
Báo VnExpress đưa tin: Thêm lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị khởi tố. Một “khúc củi” to bị cho vào lò của bác Tổng, đó là ông Phan Đình Đức, lãnh đạo  Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đã bị khởi tố hôm 18/12/2017, tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Đức hiện chưa bị bắt giam, vẫn ở nhà và làm việc với cơ quan điều tra.
Ông Phan Đình Đức là cháu ruột ông Sáu Búa, tức Lê Đức Thọ, một gian thần của chế độ, là cánh tay đắc lực giúp Lê Duẩn thâu tóm quyền lực. Ông Đức là con trai ông Phan Đình Dinh, tức thượng tướng Đinh Đức Thiện. Ông Dinh là em ruột ông Lê Đức Thọ (tên thật Phan Đình Khải) và là anh ruột của Đại tướng Mai Chí Thọ (tên thật Phan Đình Đống). Cả ba anh em ông đều là công thần của chế độ.

 

Ông Phan Đình Đức, thành viên Hội đồng thành viên PVN, bị khởi tố ngày 18/12/2017. Ảnh: VnEconomy

 

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Thanh Hóa xem xét tư cách đại biểu HĐND của ông Ngô Văn Tuấn. Một nguồn tin riêng của báo Tuổi Trẻ khẳng định: “Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn sau khi bị cách hết các chức vụ trong Đảng, sắp tới sẽ bị xem xét tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân”. Người chia sẻ thông tin cũng nói thêm rằng, HĐND tỉnh Thanh Hóa sẽ họp bất thường và sau đó ra thông báo, công khai thông tin với báo giới.
Dân Luận có bài: Vụ hot girl Thanh Hóa: “Nâng đỡ không trong sáng” hay “hối lộ tình dục”? Tác giả nêu lên một hiện tượng ngôn ngữ kỳ quặc đã xuất hiện cùng với việc ông Ngô Văn Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trở thành củi trong lò bác Tổng: khái niệm “nâng đỡ không trong sáng”.
Theo tác giả, “12 năm học phổ thông, 4 năm học đại học, gần 20 năm đi làm đây là lần đầu tiên tôi nghe từ ‘nâng đỡ không trong sáng’.”. Tác giả cho rằng, báo chí quốc doanh dùng cụm từ “nâng đỡ không trong sáng” chỉ là hành vi đánh tráo khái niệm “hối lộ tình dục”. Nhưng người được nhận kiểu “hối lộ” này có lẽ không phải là ông Ngô Văn Tuấn, vì ngay cả người có quyền lực như ông Tuấn cũng chưa chắc đã lo được cho cô Quỳnh Anh đường thăng tiến thần tốc cùng với khối tài sản khổng lồ như vậy.
Blog VOA có bài của tác giả Trân Văn: Chẳng lẽ thiên hạ ngu hết cả? Hàng loạt lãnh đạo cao cấp bị kỷ luật và đề nghị kỷ luật trong thời gian gần đây, như ông Lê Phước Thanh, Đinh Văn Thu, Nguyễn Khánh Toàn (Quảng Nam), Phạm Văn Vọng (Vĩnh Phúc), Ngô Văn Tuấn (Thanh Hóa)… ông Trọng không thể vô can. Tác gải đặt câu hỏi:
Chẳng lẽ ông Trọng hoàn toàn vô can trong việc ông Thăng ung dung bước vào Bộ Chính trị sau khi phá banh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trị giá 5 tỉ Mỹ kim, rồi biến các dự án phát triển hạ tầng bằng hình thức BOT trở thành một nan đề chưa tìm ra lời giải? Chẳng lẽ ông Trọng không hề liên đới về trách nhiệm dẫu ông Vọng có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng lúc làm Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc nhưng vẫn được Bộ Chính trị điều động về BCH TƯ Đảng CSVN làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra – chuyên giám sát, thẩm tra việc thực thi các ‘qui định của Đảng’?
Tại Hội nghị Trung ương 6, khóa 12, ông Trọng từng tiết lộ lý do tất cả những việc ông làm đó là nhằm làm cho “dân tin”, và răng, có như vậy thì “chế độ ta”, “đảng ta” mới… còn. Tác giả viết: “Cho rằng chỉ chừng đó mà đủ làm ‘dân tin’ thì rõ ràng ‘chế độ ta’, ‘đảng ta’ vẫn xem dân như một đám nhẹ dạ, dễ gạt!
Chuyện “thái tử Đảng” ở Hậu Giang
Báo Pháp Luật TPHCM đưa tin: Quan lộ ‘tốc hành’ của con trai cựu bí thư Hậu Giang. Ông Huỳnh Thanh Phong, “quý tử” của ông Huỳnh Minh Chắc, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang. Con đường tiến thân của ông Phong quả là thần tốc, từ một nhân viên ngân hàng nhảy lên chức giám đốc Sở Công Thương chỉ mất bảy năm, khi ông mới 33 tuổi!

 

Quý tử Huỳnh Thanh Phong. Ảnh: TL/ PLTP

 

Báo Người Lao Động có bài: Bộ Công Thương nói gì về bổ nhiệm “tốc hành” con trai cựu Bí thư Hậu Giang? Chiều qua, sau khi báo giới đồng loạt đưa tin về “quý tử” nhà ông Bảy Chắc (theo cùng một “tông” như họ đã nói về “quý tử” nhà ông Phước Thanh), Bộ Công Thương đã lập tức công bố thông báo “trần tình” về trường hợp bổ nhiệm “thần tốc” chức Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang đối với ông Huỳnh Thanh Phong.
Mặc dù văn bản của Bộ Công Thương đề cập rất nhiều thông tin về điều luật, điều khoản, quy định, quy trình, nhưng tóm lại chỉ có ý sau: việc bổ nhiệm chức Giám độc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang cho ông Huỳnh Thanh Phong là trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Vậy nên, “Bộ Công Thương không tham gia thẩm tra, có ý kiến với việc bổ nhiệm này”.
Có lẽ, quan chức Bộ Công Thương hiểu rằng bác Tổng chuẩn bị rút một dây củi lớn, vì ông Huỳnh Minh Chắc là một cựu “công thần” của Đảng Cộng sản, có liên hệ đến cả đường dây của ông Thăng và cựu Thủ tướng Việt Nam giai đoạn 2006-2016.
Nỗi niềm của “Thái tử Đảng” 
Bàn về hiện tượng “thái tử Đảng” trong môi trường chính trị Việt Nam, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn có bài: Hiện tượng thái tử đỏ: Đâu là tính chính danh của quyền lực? Theo tác giả, quyền lực, tức khả năng “áp đặt” thẩm quyền, luật lệ, phải đi cùng với tính chính danh, có nghĩa là tính hợp pháp, “hợp hiến”. Lịch sử của các mô hình chính trị-xã hội của loài người có thể được tóm tắt trong một diễn trình ngày càng phức tạp và có hệ thống hơn của tính chính danh quyền lực.
Vậy nên, hiện tượng “thái tử Đảng”, những người trẻ tuổi với chiếc chìa khóa vàng trao tay từ lúc lọt lòng, là một hiện tượng bất thường, tính chính danh của họ không được xác lập một cách tự thân, mà do người nhà và các đường dây của người nhà ban phát cho họ. Cho nên, “sự bổ nhiệm các thái tử đỏ do đó là không hợp hiến”.
Về vấn đề quy trình bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo, trang Dân Trí có bài đánh giá: Bộ bảo đúng, Ủy ban bảo sai, chân lý chỉ có một! Từ tháng 2/2014 đến 9/2015 là bước “đại nhảy vọt” của ông Bảo, “quý tử” nhà ông Phước Thanh từ một trưởng phòng của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, nhảy lên làm Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư của Quảng Nam. “Đây cũng là giai đoạn đỉnh cao quyền lực của ông cụ thân sinh ông Hoài Bảo – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh”.
Về việc Bộ Nội vụ khẳng định “quy trình đúng”, Ủy ban Kiểm tra Trung Ương kết luận “bổ nhiệm sai”, tác giả cho rằng “chân lý chỉ có một” trong vụ này, và tin vào kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tác giả cũng đồng tình với luồng dư luận cho rằng: không sớm thì muộn, ngay cả Thứ trưởng Trần Anh Tuấn của Bộ Nội Vụ cũng phải nhận “lịch làm việc” với cái lò của nhà bác Tổng.
Báo VnExpress đưa tin: Ông Lê Phước Hoài Bảo xin nghỉ phép không nêu lý do. Sau khi nhận được thông báo sẽ bị xóa tên trong danh sách đảng viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo đã xin nghỉ phép. Người chia sẻ thông tin nói rằng, ông Bảo không trình bày lý do xin nghỉ và cũng chưa rõ thời gian nghỉ phép đến lúc nào. Hy vọng ông Bảo không tranh thủ thời gian nghỉ phép để “đi nước ngoài chữa bệnh”, như rất nhiều quan chức không muốn hóa củi cái lò của bác Tổng.

 

Giám đốc Sở KH-ĐT Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo từng bị mất chim. Ảnh: ĐV

 

Báo Pháp Luật TP HCM có bài: ‘Việc bổ nhiệm ông Đinh Văn Bảo là đảm bảo…’? Tác giả dẫn thông tin kết luận của UBKT Trung ương: “Ông Đinh Văn Thu… chưa gương mẫu khi ký văn bản đề nghị bổ nhiệm con trai khi chưa được phê duyệt…  ngoài người con trai được đề cập tới khi được ông Thu ký văn bản đề nghị bổ nhiệm là ông Đinh Văn Vũ… Ông Thu còn có một người con trai khác là ông Đinh Văn Bảo… hiện là trưởng phòng Quản lý đầu tư thuộc Ban Quản lý khu kinh tế mở Chu Lai”.
Trong ngày 19/12/2017, ông Huỳnh Thanh Phong, con trai ông Huỳnh Minh Chắc là trường hợp “thái tử Đảng” đáng chú ý nhất được lò củi bác Tổng điểm mặt, bên cạnh đó là hai “quý tử” nhà ông Đinh Văn Thu.
Bàn về mối liên hệ giữa Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn và các “thái tử Đảng”, nhà báo Bạch Hoàn đặt vấn đề: Nên cách chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn? Tác giả nhắc lại việc dư luận cả nước “phản ứng dữ dội” trước quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, khi “tuổi đời mới chớm 30”. Khi đó, ông Trần Anh Tuấn đã tuyên bố rằng việc bổ nhiệm Lê Phước Hoài Bảo là đúng quy trình.
Bà Hoàn viết, “thực trạng con ông cháu cha chưa rõ tài cán đến đâu, đức độ ra sao nhưng được bổ nhiệm tràn lan, thăng quan tiến chức thần tốc, nắm giữ những vị trí trọng yếu, ngồi lên đầu lên cổ nhân dân, cướp mất cơ hội của những người khác, cướp mất bổng lộc của những người rất có thể còn tài năng hơn, xứng đáng hơn, chắc chắn có trách nhiệm của ông Trần Anh Tuấn”.
Hồ sơ Đinh La Thăng
Nhà văn Phạm Viết Đào có bài: Tại sao Đinh La Thăng không trách Đảng mà lại trách Ủy ban Kiểm tra? Tác giả nhắc lại lời phát biểu  bà Nguyễn Thị Bích Ngà trong hội thảo “MTTQ Việt Nam với công tác phòng chống tham nhũng”: “Nhiều đồng chí cấp cao, trong đó có cả đồng chí Đinh La Thăng khi đứng trước UB Kiểm tra TƯ cũng nói: Giá mà các đồng chí kiểm tra phát hiện sớm thì hậu quả không nặng nề và đúng như vậy”.
Ông Đào cho rằng, ông Thăng đã trách “không đúng địa chỉ”,  người đáng trách là ông Nguyễn Văn Chi, “vì những vi phạm của Thăng chủ yếu xảy ra dưới thời Nguyễn Văn Chi chủ nhiệm”, nghĩa là ông Thăng phải trách cả cái đường dây đã đưa ông Thăng vào cảnh “thắng làm vua, thua làm giặc”, trong đó dĩ nhiên có cựu Thủ tướng Việt Nam giai đoạn 2006-2016.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh lửa trong lò bác Tổng đang phừng phựt cháy, đường dây ấy có được an toàn hay không, lại là chuyện khác. Bác Tổng chưa điểm mặt ông Nguyễn Văn Chi, nhưng đã điểm mặt “quý tử” nhà ông là Nguyễn Xuân Anh.
Hồ sơ tập đoàn Mường Thanh
Báo Dân Việt đưa tin: Xử lý 20 cán bộ liên quan đến sai phạm của tập đoàn Mường Thanh. Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm chiều qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cho biết: “Thường trực thành ủy đã giao UB kiểm tra thành ủy đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm cấp độ phường, huyện của 2 đơn vị là Thanh Trì, Hoàng Mai. Đã xử lý hơn 20 cán bộ liên quan đến trách nhiệm trong quản lý nhà nước”. Ông Chung cũng nói rằng đấy mới chỉ là xử lý sai phạm về mặt quản lý nhà nước, Công an TP Hà Nội sẽ còn điều tra tiếp.
Báo Giao Thông đặt nghi vấn: Điều tra Tập đoàn Mường Thanh khó đến mức nào mà chưa khởi tố? Ông Nguyễn Đức Chung đã từng nêu lên 4 sai phạm của doanh nghiệp này cách đây 1 năm, nhưng đến phiên họp thứ 5 của HĐND TP Hà Nội, Giám đốc Công an TP Hà Nội Đoàn Duy Khương lại trả lời: “phải thận trọng vì ‘đụng’ đến nhiều người”.
Một cử tri phát biểu rằng, lời giải trình của ông Khương không có sức thuyết phục: “Chỉ nguyên việc doanh nghiệp này làm sai pháp luật về xây dựng và sử dụng đất đai ở khu đô thị Linh Đàm thôi đã rất rõ rồi, khó điều tra đến mức nào mà nói chưa đủ căn cứ để khởi tố”. Cũng vì “khó điều tra” mà Hà Nội cũng như các tỉnh khác “bất lực” trước sự coi thường pháp luật của tập đoàn Mường Thanh.
Nhân quyền ở Việt Nam
Báo Tiếng Dân có bài của tác giả Ngô Thị Hồng Lâm: Lời kể của hai nhân chứng trong vụ án Lưu Văn Vịnh. Dẫn nguồn tin từ gia đình anh Lưu Văn Vịnh, cho biết, “anh không phải là thành viên của Liên minh Dân tộc VN Tự quyết“. Còn Liên minh Dân tộc Việt Nam thì chưa thành lập, nên anh không thể là thành viên.

 

Anh Lưu Văn Vịnh (trái) và Nguyễn Văn Đức Độ. Nguồn: Facebook

 

Bà Lâm cho biết, sở dĩ người ta bắt anh Vịnh là vì Trịnh Mạnh Hùng là người thường ra vào nhà anh Vịnh, đã “lén đặt một cái bọc ở bàn máy tính” để hôm sau, ngày 6/11/2016 công an ập vào nhà anh Vịnh, khống chế vợ con anh, xét nhà, mở cái bọc ra và tìm thấy cái gọi là “cương lĩnh” là thứ mà họ sử dụng làm “bằng chứng” để bắt anh Vịnh và khép tội anh “Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. 
Trang Hội SVNQ Việt Nam đăng bài: Hành trình đi thăm – gặp cháu Trần Hoàng Phúc. Bài viết của bà Huỳnh Thị Út, kể về hành trình đầy gian nan mà gia đình bà đã gặp phải khi thăm nuôi con trai: đầu tháng 11/2017, gia đình muốn vào thăm gặp anh Phúc, nhưng liên tục bị hạch sách về vấn đề giấy tờ, thủ tục, đến tận đầu tháng 12, gia đình vẫn chưa gặp được sinh viên  Trần Hoàng Phúc.
Người mẹ phản đối cách hành xử của công an, “gia đình cháu Trần Hoàng Phúc không chấp nhận cách hành xử của cơ quan Công an điều tra Thành phố Hà nội và Trại tạm giam số 1”. Sinh viên Trần Hoàng Phúc vẫn chưa bị đưa ra xử, nghĩa là anh còn quyền công dân, anh phải nhận được sự tiếp tế từ gia đình gửi vào theo quy định của pháp luật, cũng như phải được chăm sóc sức khỏe định kỳ.
Về hiện tượng lạm quyền của cơ quan thực thi pháp luật, báo PLVN có bài bình luận: Đừng lạm dụng còng số 8, đừng lạm dụng pháp luật để trấn áp người dân. Tác giả nhắc lại,  việc một người dân ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, vì “xung đột bằng lời lẽ” với nhóm công nhân xây dựng lấn đất, đã bị nhóm công an xã còng tay đưa về trụ sở “làm việc”. Hàng trăm người dân ở xã đã tập trung phản đối, bản thân người bị còng yêu cầu phải lập biên bản sự việc và buộc Công an xã phải xin lỗi.
Tác giả viết, “cái còng là biểu tượng cho sự trấn áp của quyền lực và chỉ đối với tội phạm mà thôi, cùng lắm là để ngăn chặn những đối tượng quá hung hãn và quá khích”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại các cuộc biểu tình ôn hòa, các nhân viên công lực vẫn nói chuyện bằng còng số 8 và dùi cui.
Nhà hoạt động Đặng Bích Phượng có bài: Thế là kết thúc phiên tòa: Tao giả vờ xử! Mày giả vờ thắng! Nó giả vờ thua! Tác giả kể chuyện phiên xử phúc thẩm xử vụ tác giả kiện công an quận Hoàn Kiếm “không tuân thủ pháp luật khi ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với tôi”. Về bản chất, đấy là một phiên tòa được dàn xếp từ đầu đến cuối: “Sau chừng 20 phút nghị án, tòa tuyên án bác đơn kháng cáo của tôi. Thế là xong một vở kịch”.

 

Nhà hoạt động Đặng Bích Phượng và bạn bè trước cổng tòa. Ảnh: FB Nguyễn Thúy Hạnh.

 

Về tử tù Hồ Duy Hải
Về việc tử tù Hồ Duy Hải bị ép cung và có nguy cơ nhận án tử hình, nhà văn Nguyễn Đình Bổn đặt vất đề: Vụ giết hai nữ nhân viên ở bưu điện, ai là thủ phạm? Tác giả nhắc lại sự việc mẹ của tử tù Hồ Duy Hải ra Hà Nội biểu tình kêu oan cho con, vì anh Hải bị kết tội oan: giết hai nữ nhân viên ở bưu điện Cầu Voi, ở Long An từ đầu năm 2008.
Ông Bổn cho rằng, anh Hải không phải là thủ phạm, vì hai điểm rất rõ ràng. Thứ nhất, “dấu vân tay tại hiện trường không phải của anh Hải”. Thứ hai, anh Hải bị ép cung để khai là hung thủ, nhưng “Hải khai hiện trường có cái thớt, nhưng do không có thớt, nên điều tra viên đã ra chợ mua một cái thớt để vô đó cho khớp với lời khai!”.

 

Bài báo cũ về tử tù Hồ Duy Hải. Ảnh: DV

 

Luật sư Lê Văn Luân có bài: Cánh cửa vẫn chưa khép. Theo tác giả, “vụ án tử tù Hồ Duy Hải nếu nói hết thủ tục theo luật định là không đúng”, vì bị cáo, luật sư và gia đình đã liên tục gửi đơn tới các cơ quan có thẩm quyền để đề nghị ra kháng nghị nhưng không được giải quyết, hơn nữa đây là kháng nghị theo hướng có lợi và để minh oan cho bị cáo, nên việc kháng nghị có thể tiến hành bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, Chánh án Toà án nhân dân tối cao lại cho rằng vụ án đã hết hạn theo thủ tục luật định. Luật sư Luân cũng nhắc lại những “vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng” trong việc tử tù Hồ Duy Hải bị gán tội và đặt nghi vấn: “Phải chăng vụ án có nhiều uẩn khúc đang bị che lấp đằng sau tính mạng của một bị án đang kêu oan ròng rã suốt gần chục năm qua?”
Hồ sơ Đồng Tâm
PGS. TS Mạc Văn Trang có bài bình luận: Dân cố tin Đảng mà Đảng không cho tin. Tác giả cho rằng: “Chuyện xảy ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội (ĐT, HN) trong năm 2017 là trường hợp điển hình cho sự đổ vỡ mối quan hệ ‘ý Đảng và lòng dân’.”. Cuộc đấu tranh của người dân xã Đồng Tâm với các nhóm lợi ích ở thủ đô đã diễn ra từ năm 2014 và kéo dài đến cuối năm 2017. Trong suốt thời gian ấy, hầu như lúc nào người dân Đồng Tâm cũng duy trì những khẩu hiệu thể hiện “lòng tuyệt đối tin tưởng vào sự công minh của các cơ quan Đảng và Nhà nước”.
Tuy nhiên, đến khi Công an TP Hà Nội tuyên bố khởi tố “vụ án hình sự liên quan việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ” ở xã Đồng Tâm vào giữa tháng 06/2017, nghĩa là chưa đầy 2 tháng sau khi ông Nguyễn Đức Chung tuyên bố không truy cứu trách nhiệm, thì người dân Đồng Tâm có muốn tin cũng không thể nào tin Đảng được nữa.
Vậy mới có chuyện: Bà Nguyễn Thị Lan, sau khi bị cách chức và khai trừ Đảng, đã tươi cười phát biểu: “Cảm ơn Đảng đã trí tuệ, sáng suốt khai trừ tôi…” giữa hàng trăm tiếng reo hò của người dân Đồng Tâm.
Tàn phá môi trường
TBKTSG có bài: Ngành năng lượng Việt Nam đang đi ngược xu thế. Bài báo cho biết, chỉ trong năm nay, có ba dự án nhiệt điện BOT được cấp chứng nhận đầu tư, nhưng “cả ba dự án được cấp phép trong lĩnh vực này đều là xây dựng nhà máy nhiệt điện than.
Nhiệt điện than là thủ phạm hủy hoại môi trường, là kẻ tàn phá môi trường nghiêm trọng, nên thế giới đã vứt bỏ, trong khi Việt Nam lại ôm vào: “Pháp cũng đặt ra lộ trình loại bỏ dần nhiệt điện than bắt đầu từ năm 2022; trong khi đó, Canada đưa ra cam kết tương tự nhưng thời điểm thực hiện là năm 2030. Anh tuyên bố nhà máy điện than cuối cùng ở nước này sẽ đóng cửa vào năm 2025. Hà Lan thông báo đóng cửa năm nhà máy điện than còn lại ở nước này vào năm 2030“, thay vào đó, các nước sử dụng điện mặt trời, năng lượng xanh, điện tái tạo…
Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói, “sẽ không đánh đổi môi trường cho nhiệt điện than”, và rằng những dự án nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân xung quanh nhà máy, “sẽ không thể tồn tại nữa“. Và rồi bây giờ, Chính phủ của ông Phúc cũng đã cấp phép cho ba dự án tàn phá môi trường này.
Trang Giao Thông có bài: Vì một môi trường sống sạch hơn. Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn ở Việt Nam tới mức báo động. Hà Nội và Sài Gòn là hai thành phố nằm trong top 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới, một nghiên cứu quốc tế công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos.
Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ bệnh tật liên quan đến đường hô hấp như: viêm họng, viêm mũi… ảnh hưởng đến sự tăng kinh tế của đất nước, do phải chi quá nhiều tiền vào việc chữa bệnh. Đời sống người dân ngày càng nghèo đi vì đồng tiền của họ làm ra, thay vì giúp cho họ có cuộc sống thịnh vượng hơn, nhưng một số tiền lớn phải chi cho ngành y tế, chữa bệnh, thuốc men.
Video clip của trang Môi trường và Cuộc sống: “Nghi án Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai xả thải trái phép, bức tử môi trường”:
Đà Nẵng, thành phố đáng chết!
VOA có bài: ‘Đẳng cấp’ từ ngôi mộ. “Nếu như với người trẻ, thành phố Đà Nẵng, nơi mệnh danh là thành phố đáng sống nhất Việt Nam, thì với người già, Đà Nẵng cũng là thành phố đáng chết nhất Việt Nam. Bởi hiếm nơi nào có được khu nghĩa trang rộng thoáng, nằm vắt mình trên ngọn đồi phía Tây thành phố và khu nghĩa trang được phân tầng bậc, đẳng cấp giống như thành phố Đà Nẵng“.

Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn
Báo Tiền  Phong có bài: Triều Tiên thẳng thừng bác đề xuất đối thoại của Ngoại trưởng Mỹ. Theo bài viết, Bình Nhưỡng bác bỏ mọi đề xuất đối thoại của Mỹ, kể cả khi các cuộc đối thoại “vô điều kiện”. Bắc Hàn tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân của họ. “Sẽ không có gì thay đổi trong lập trường của Triều Tiên. Chúng tôi sẽ không đi lệch một inch nào trên con đường phát triển lực lượng hạt nhân”. Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên đưa tin.
Trong khi đó, Chính phủ Mỹ cáo buộc Triều Tiên đứng sau vụ tấn công mã độc WannaCry. Thông tin này xuất hiện trên báo VnExpress, cho biết, chính Bắc Hàn hậu thuẫn tạo ra cuộc tấn công “tống tiền” hồi giữa năm 2017 bằng mã độc WannaCry.
Giữa những bế tắc trong vấn đề giải quyết tay “Chí Phèo” Bắc Hàn, TTXVN đưa tin: Ngoại trưởng Trung Quốc và Nga điện đàm về vấn đề Triều Tiên. Nga và Trung Quốc được coi là hai “ông anh” luôn bảo kê và nuôi dưỡng Bắc Hàn trong hàng chục năm gần đây, nếu không có hai “ông anh” này Bắc Hàn sẽ không dám mạnh miệng hay làm càn.
Chính trường Mỹ
Chiến lược an ninh mới dưới thời Tổng thống Donald Trump đã được công bố, thông tin này được báo Tuổi Trẻ phân tích qua bài viết  Mỹ đối đầu Nga, Trung Quốc trong chiến lược an ninh mới. “Theo một đoạn trích do Nhà Trắng công bố, chiến lược của Tổng thống Trump phản ánh những ưu tiên trong chủ thuyết ‘Nước Mỹ trên hết’, đó là bảo vệ nước Mỹ và các đường biên giới, tái thiết quân đội, triển khai sức mạnh ra bên ngoài và theo đuổi các chính sách thương mại có lợi hơn cho Mỹ” – Trích từ bài viết.
Trong chính sách an ninh mới, Mỹ đã chỉ đích danh Nga và Trung Quốc là “‘các cường quốc xét lại’ trong bối cảnh Mátxcơva và Bắc Kinh ‘nỗ lực thay đổi nguyên trạng’.” Các quốc gia độc tài, những tổ chức thánh chiến khủng bố cũng là một trong những mối đe dọa với Mỹ.
Cùng chủ đề về chiến lược an ninh mới, RFI chạy tít: Donald Trump: “Nga và Trung Quốc phá hoại an ninh và phồn thịnh của nước Mỹ”Bài viết này không nhẹ nhàng mà vỗ thẳng khi mô tả giọng điệu của Donald Trump là khá gay gắt khi phát biểu: “Trung Quốc và Nga đang thách thức sức mạnh, ảnh hưởng và lợi ích của nước Mỹ, họ đang cố phá hoại an ninh và phồn thịnh của nước Mỹ “.
Tin Trung Quốc
Tran Pháp Luật TP có bài Trung Quốc giận dữ vì chiến lược quốc gia của ông Trump. Rất nhiều các cơ quan ngoại giao của Trung Quốc đã “nhảy đổng” lên khi quốc gia này bị Tổng thống Donald Trump chỉ trích gay gắt là một trong hai “cường quốc theo chủ nghĩa xét lại“.
Cả đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cũng như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều lên tiếng tỏ ý giận dữ với chiến lược an ninh mới của Tổng thống Donald Trump. Phản ứng của Bắc Kinh về vấn đề này là hoàn toàn dễ hiểu khi họ bị “đập thẳng mặt” như vậy.
Trung Quốc bị một thất bại trong mưu toan thao túng chính trường Úc? là tiêu đề bài phân tích trên RFI. Theo tác giả, Trung Quốc đã bị thất bại trong việc kêu gọi (tác động) đến người Hoa ở Úc nhằm hạ bệ đảng Tự Do đang cầm quyền của Thủ tướng Turnbull.
Bài viết đã phân tích và chỉ rõ những thủ đoạn của Bắc Kinh qua các “Lời kêu gọi”, “Thư ngỏ” hay các hội đoàn người Hoa ở Úc bị Bắc Kinh điều khiển, thông qua ban Mặt Trận Thống Nhất của đảng Cộng Sản Trung Quốc, theo tác giả “đây là ban đặc trách xây dựng ảnh hưởng Trung Quốc ở hải ngoại”. Trung Quốc và Úc đang tranh cãi quanh việc Chính phủ của Thủ tướng thủ tướng Malcolm Turnbull, tố cáo Bắc Kinh mưu toan lũng đoạn đời sống chính trị tại Úc.
Căng thẳng Trung Đông
Báo Tổ Quốc có bài viết: Nóng Jerusalem: Nga thúc đẩy vai trò trung gian, Mỹ cô lập tại LHQ. Cùng chủ đề, RFI có bài Jerusalem: Mỹ một mình chống lại nghị quyết của LHQ. Cả hai bài viết đều đề cập đến việc Mỹ phủ quyết nghị quyết mới của LHQ, về việc bác bỏ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Báo trong nước đang cố gài tiếng nói của Nga vào sự kiện này.
Một số tin quốc tế đáng chú ý khác
Trang VnExpress có bài về thiên đường XHCN Venezuela với nhan đề: Giáng sinh buồn của người nghèo Venezuela. Theo tác giả, không khí Giáng Sinh ở thủ đô Caracas rất ảm đạm và buồn tẻ với nhiều người dân “bới đồ ăn thừa từ thùng rác”. Bài viết này chỉ xoay quanh lỗi nghèo đói do giá dầu lao dốc, mà không đề cập tới mô hình kinh tế XHCN thất bại thảm hại, đã làm khánh kiệt quốc gia Nam Mỹ giàu có này.
Liên quan đến việc Nga xâm chiếm Crimea, tờ BizLive chạy tin: Liên minh Châu Âu sẽ công bố gia hạn trừng phạt chống Nga vào thứ Năm. Những hành động can thiệp và xâm lược Ukraine của Nga tiếp tục phải trả giá khi EU họp, quyết định kéo dài trừng phạt kinh tế với Nga vào thứ Năm tuần này.

Bản tin ngày 20-12-2017