Đọc báo Pháp – 19/12/2017
Ngoại giao Pháp trở về với thực tế
Báo Pháp hôm nay (19/12/2017) có khá nhiều bài viết về lĩnh vực ngoại giao. Le Figaro trở lại cuộc nói chuyện của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên đài truyền hình France 2. Tờ báo cho rằng nền ngoại giao Pháp đang có những chuyển đổi tích cực và đang dần khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
« Sự trở về của chủ nghĩa hiện thực trong chính sách đối ngoại » là hàng tựa nhận định của Le Figaro. Theo quan sát của nhật báo, nước Pháp trong những thời gian gần đây đã có sự chuyển hướng và những bước đi mạnh dạn trên trường quốc tế.
Tờ báo tổng lược các sự kiện diễn ra chỉ trong vòng 7 tháng cầm quyền của ông Emmanuel Macron. Từ việc kêu gọi đối thoại với Bachar Al Assad một khi chiến tranh kết thúc, long trọng tiếp tổng thống Nga tại cung điện Versailles lộng lẫy, cho đên việc mời tổng thống Mỹ đến dự lễ diễu binh Quốc Khánh 14/7. Hay như gần đây nhất là hòa giải thành công giữa Ả Rập Xê Út và Liban cũng như là bài diễn văn gây ấn tượng mạnh ở giới trẻ tại thế giới châu Phi nói tiếng Pháp nhân chuyến công du Burkina Faso.
Le Figaro cho rằng sở dĩ tổng thống Pháp có thể thực hiện được những điều này đó là nhờ những yếu tố thiên thời. Anh Quốc và Đức hầu như vắng mặt trên trường quốc tế. Một bên thì đang bị chìm ngập trong hồ sơ Brexit, còn bên kia thì bị khủng hoảng chính trị trong nước đeo bám. Đó là chưa kể đến nước Mỹ, uy tín bị suy giảm do tính cách khó lường của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hiện diện nhưng cũng đầy rủi ro
Sự trỗi dậy của nền ngoại giao Pháp cũng nhờ một phần bản thân tổng thống Macron, một người đầy tham vọng và quyết đoán. Do đó, ông muốn « đi đầu trong một số hồ sơ », « tìm lại vận mệnh nước Pháp », « trao lại cho nước Pháp vị thế anh hùng ». Nói tóm lại, đó là một nước Pháp có vai trò và được lắng nghe, theo như nhận xét của ông Manuel Lafont Rapnouil, giám đốc Hội Đồng Đối Ngoại Châu Âu (ECFR).
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo, sự hiện diện quá rõ nét của Pháp trên trường quốc tế cũng bao hàm các rủi ro. Tổng thống Macron đã tạo ra nhiều sự mong đợi. Liệu rằng ông có biết đáp ứng những mong mỏi đó hay không ? Ông có thể biến lời nói thành hành động hay không ? Nhất là trong hồ sơ Syria, ông Manuel Lafont Rapnouil cảnh báo : « Ổn định chế độ chưa hẳn dẫn đến sự bình ổn địa chính trị ».
Trong khi đó, ở trong nước, các chương trình cải cách sẽ là những rào cản lớn cho ông Macron. Một chuyên gia người Mỹ thuộc ECFR có lưu ý : « Lãnh đạo dân Pháp không phải là dễ. Họ chọn một ông vua, rồi khi ông ấy áp dụng chương trình bầu cử của mình, thì người ta lại hành quyết ! Trong khi đó, thực hiện các cải cách ở nước Pháp là cần thiết để tiến hành các chính sách đối ngoại của Macron ».
Cuối cùng Le Figaro kết luận : Một quốc gia muốn có một tiếng nói mạnh trên trường quốc tế phải có một quân đội hùng mạnh. Nhưng về điểm này tổng thống Macron lại không rõ ràng. Do đó, những sáng kiến ngoại giao có được lại có nguy cơ chết yểu.
« Đặt điều kiện tiên quyết » : Con dao hai lưỡi trong ngoại giao
Mục Ý kiến của Le Figaro còn có một bài viết khác của nhà báo renaud Girard nói về « Những mối nguy hiểm của việc đặt điều kiện tiên quyết trong ngoại giao ».
Ngày 14/12/2017, châu Á chứng kiến một sự kiện quan trọng : đó là sự hòa giải giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, sau một thời gian căng thẳng vì hệ thống lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ trên đất Hàn Quốc. Với Seoul, THAAD là nhằm để đối phó với chương trình tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Nhưng với Bắc Kinh, hệ thống này là một công cụ làm xói mòn khả năng răn đe hạt nhân của họ. Để đối phó, Trung Quốc tiến hành chiến dịch tẩy chay các hàng hóa cũng như du lịch Hàn Quốc. Thế rồi bỗng dưng chủ tịch Trung Quốc thay đổi chiến lược, mời và tiếp trọng thị đồng nhiệm Hàn Quốc. Đôi bên cùng tuyên bố không cho phép xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Vì sao như vậy ?
Theo giải thích của ông Renaud Girard, nguyên do là vì Seoul và Washington bất đồng trong cách xử lý hồ sơ Bắc Triều Tiên. Một cơ hội hiếm hoi cho phép Bắc Kinh can thiệp vào mối quan hệ đồng minh lâu đời này. Hàn Quốc mong muốn Trung Quốc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Còn Trung Quốc thì mong muốn Hàn Quốc thuyết phục Hoa Kỳ giảm bớt các cuộc tập trận trên biển trong khu vực.
Trong khi chờ đợi đôi bên cho rằng Bình Nhưỡng và Washington nên đối thoại trực tiếp và ngay lập tức, một giải pháp mà theo ông Girard, đã từng diễn ra trong quá khứ và từng có được một kết quả nhất định.
Giờ đây, cuộc đối thoại trực tiếp này không thể diễn ra (cho dù tổng thư ký Liên Hiệp Quốc công khai bày tỏ mong muốn) đó là vì Nhà Trắng đặt điều kiện tiên quyết : cụ thể là Bình Nhưỡng phải cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Ngày 10/12, trong một động thái mạnh bạo – tuy rằng ngày hôm sau, Donald Trump đã nói ngược lại – ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố để ngỏ khả năng đối thoại với Bắc Triều Tiên, không có điều kiện tiên quyết và đồng thời ông cũng nói rõ thêm là Hoa Kỳ cũng không chấp nhận Bắc Triều Tiên đặt ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
Ví dụ về Bắc Triều Tiên là một bằng chứng mới cho thấy vai trò độc hại của việc đặt điều kiện tiên quyết trong hoạt động ngoại giao hiện đại. Việc áp dụng « điều kiện tiên quyết » chỉ làm cho lập trường đàm phán của các bên thêm cứng nhắc và làm gia tăng sự tự ái, « cái tôi » của giới lãnh đạo. Đó là một dạng ra tối hậu thư : ông phải làm điều này, nếu không, tôi không nói chuyện với ông nữa. Đây là phương pháp phản ngoại giao.
Vấn đề hạt nhân quân sự của Iran đã được giải quyết khi chính quyền Obama đã từ bỏ điều kiện tiên quyết, đòi Teheran phải chấm dứt mọi hoạt động làm giàu uranium, thì mới đối thoại. Nhờ vậy, các bên liên quan đã đạt được một thỏa hiệp ngày 14/07/2015. Trong trường hợp Syria cũng tương tự. Vào năm 2012, các cường quốc phương Tây đòi Bachar Al Assad phải ra đi. Đòi hỏi này thiếu thực tế vì vào thời điểm đó một mình Bachar Al Assad là biểu tượng cho quyền lực của Nhà nước Syria.
Rất may là ngoại giao hiện đại có « thuốc giải độc » cho việc đặt điều kiện tiên quyết thì mới nói chuyện. Đó là « đàm phán bí mật ». Irael và Palestine đã đàm phán bí mật tại Oslo, Na Uy, với kết quả là sau đó hai bên đã công khai ký kết các thỏa thuận lịch sử trên sân cỏ Nhà Trắng, Washington ngày 13/09/1993.
Mỹ và Iran cũng đàm phán bí mật trong năm 2014 tại Oman. Bởi vì « đàm phán bí mật » có ba ưu điểm : thứ nhất, tránh được sự va chạm tự ái, gây mất thể diện giữa thanh thiên bạch nhật, thứ hai, tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh uyển chuyển lập trường đám phán để tìm thỏa hiệp và cuối cùng là cho phép thử nghiệm các giải pháp thực sự độc đáo.
Donald Trump điểm mặt Trung Quốc và Nga
Nhìn sang nước Mỹ, hôm qua, tổng thống Mỹ Donald Trump trình bày chiến lược về an ninh quốc gia. Về chủ đề này, Les Echos có bài nhận xét đề tựa : « Trung Quốc và Nga trong tầm ngắm của Donald Trump ». Những nguyên tắc của chiến lược này gợi mở một trật tự thế giới mới.
Đầu tiên hết tờ báo nhận định chiến lược đối ngoại mới của Nhà Trắng vẫn không quên khẩu hiệu « Nước Mỹ trước tiên » của Donald Trump. Bởi vì các lợi ích của Hoa Kỳ đã được đề cập đến nhiều và đưa lên hàng đầu trong tập tài liệu « Chiến lược an ninh quốc gia », bên cạnh các đường hướng chung trong lĩnh vực kinh tế cũng như quân sự.
Tập tài liệu « chiến lược an ninh quốc gia » của Mỹ giải thích rằng trong bối cảnh quốc tế đã biến đổi, Hoa Kỳ cần phải có những điều chỉnh để có những đáp ứng thích hợp. Tài liệu này nhấn mạnh, sau khi bị loại trừ vào cuối thế kỷ trước, cuộc chạy đua giữa các cường quốc lớn tái xuất hiện. Đó là một sự cạnh tranh, ganh đua về kinh tế, chính trị và ngoại giao và nước Mỹ có hai đối thủ : đó là Trung Quốc và Nga.
Hồi trước là « đối tác », thì nay Trung Quốc và Nga, trong con mắt của Donald Trump, là những cường quốc trong số các « cường quốc xét lại ». Đây là những quốc gia quyết tâm làm cho các nền kinh tế kém tự do hơn và kém công bằng hơn, phát triển sức mạnh quân sự và kiểm soát thông tin, các dữ liệu nhằm trấn áp các xã hội của họ và mở rộng ảnh hưởng. Thái độ lên án mạnh mẽ này đoạn tuyệt với lập trường của Donald Trump trong thời gian vận động tranh cử, ví dụ như ông đã từ chối lên án Nga sáp nhập Crimée.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu giới thiệu tài liệu « Chiến lược an ninh quốc gia », Donald Trump đã cố gắng có giọng điệu bớt hiếu chiến hơn. Ông cho biết là Hoa Kỳ cố gắng phát triển quan hệ đối tác với các cường quốc này, nhưng mối quan hệ đối tác này phải bảo vệ các lợi ích của nước Mỹ.
Quan điểm của Donald Trump là nước Mỹ phải hùng mạnh và để làm việc này, trước tiên, cần củng cố ở trong nước. Đây là lập luận để giải thích cho việc tăng ngân sách quốc phòng, lên kế hoạch củng cố các cơ sở hạ tầng tại Mỹ, có chính sách cứng rắn ở biên giới, đi kèm với lời kêu gọi xây dựng một bức tường ở đường biên giới với Mêhicô, chấm dứt một số chương trình cấp visa nhập cư.
Tuy tuyên bố là không muốn áp đặt quan điểm của mình cho bất kỳ ai, nhưng Donald Trump nói rằng ông bày tỏ những giá trị mà từ nay, người dân Mỹ không phải xin lỗi vì những giá trị đó. Thậm chí, kể cả việc xóa bỏ những điều kiêng kỵ như sử dụng vũ khí nguyên tử. Và vũ khí nguyên tử cần phải trở thành tâm điểm của chiến lược quốc phòng.
Theo giải thích của tài liệu « Chiến lược an ninh quốc gia », thì đó là « nền tảng của chính sách bảo đảm hòa bình và ổn định, qua việc răn đe mọi hành động xâm lược chống lại nước Mỹ, các đồng minh và đối tác của nước Mỹ ».
Donald Trump : Ba loại quốc gia đe dọa an ninh Hoa Kỳ
Cũng về chủ đề này, Le Figaro trong bài « Donald Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia » cho biết tổng thống Mỹ chỉ định ba loại quốc gia đe dọa Hoa Kỳ.
Theo quan điểm của Donald Trump, trong một thế giới thù địch, các nước cạnh tranh với nhau, có ba loại quốc gia đe dọa Hoa Kỳ : Thứ nhất là « các cường quốc xét lại », như Trung Quốc, Nga, thách thức sức mạnh, ảnh hưởng và lợi ích của Hoa Kỳ. Những cường quốc này thông thường hành động ở mức dưới ngưỡng làm nẩy sinh xung đột quân sự công khai và giáp ranh giới hạn của luật pháp quốc tế. Trung Quốc được coi là đối thủ « cạnh tranh chiến lược ».
Loại quốc gia thứ hai là các « Nhà nước bất hảo » như Iran, Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, khái niệm « hành động phòng ngừa » không xuất hiện trong tài liệu « Chiến lược an ninh quốc gia ». Mối đe dọa thứ ba là các tổ chức khủng bố hoặc tội phạm xuyên quốc gia.
Điều đáng chú ý là một số lĩnh vực không còn được coi là mối đe dọa đối với nước Mỹ như vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ các định chế dân chủ chống lại tấn công tin học, tuyên truyền của nước ngoài… Một quan chức Nhà Trắng khẳng định, chiến lược này đã được áp dụng và phản ánh những việc mà tổng thống Trump đã làm và sẽ làm.
Catalunya : Chính trị bất ổn, doanh nghiệp lao đao
Vào ngày 21/12 này, vùng Catalunya sẽ tổ chức bầu cử cấp vùng. Tuy nhiên theo một nghiên cứu mới nhất hơn phân nửa các doanh nghiệp vùng này đang trả giá đắt cho những ngày xáo động chính trị.
Kết quả nghiên cứu cho thấy 44% số doanh nghiệp được hỏi cho biết đã bị mất khách hàng, 56% có doanh thu bị sụt giảm mạnh ước tính khoảng 9,5% trong khoảng giữa tháng 10-11/2017 trong suốt những tuần xảy ra căng thẳng. Nếu 46% doanh nghiệp cho biết tạm ngưng các dự án đầu tư, 52% khẳng định đã không thay đổi các dự án do tình hình chính trị bấp bênh.
Các doanh nghiệp của vùng là chịu tác động nặng nề nhất. Không chỉ tiêu thụ của người dân trong vùng giảm, mà còn phải hứng chịu hiện tượng tẩy chay trên thị trường Tây Ban Nha. Nhất là những doanh nghiệp nào có nguồn doanh thu từ 35-40% trên thị trường Tây Ban Nha là những doanh nghiệp bị thiệt hại nhiều nhất.
Trang nhất các báo Pháp
Tình hình kinh tế, chính trị, và xã hội nước Pháp là những chủ đề chính trên trang nhất các nhật báo lớn ngày 19/12/2017. Le Monde đề tít : « Macron chuẩn bị kế hoạch hành động cho năm 2018 ». Liberation trên nền ảnh tổng thống Macron đứng khoanh tay cười tươi nhận định rằng « Paris ve vãn City » rồi đề tựa : « Bạn của tôi ư, đó là tài chính ».
Les Echos thông báo : « Một tập đoàn an ninh mạng ra đời tại Pháp ». Nhật báo công giáo La Croix những ngày gần cuối năm, sắp đến ngày lễ gia đình quan tâm đến số phận các tù nhân qua hàng tựa : « Ngay giữa lòng một nhà tù quá tải ».
Riêng nhật báo cánh hữu Le Figaro chú ý đến thời sự quốc tế : « Algeri bị tê liệt vì trước sự tham quyền cố vị của Bouteflika ». Nhật báo có một bài điều tra dài cho biết trước một vị tổng thống già yếu và bệnh tật từ 18 năm qua nhưng không muốn từ bỏ quyền lực, giới trẻ Algeri bày tỏ nỗi thất vọng và tìm cách sáng tạo một tương lai mới.
http://vi.rfi.fr/phap/20171219-ngoai-giao-phap-tro-ve-voi-thuc-te
Tin đọc nhanh
(Reuters) – Hải Quân Mỹ tăng cường hiện diện tại châu Á. Họp báo ngày 19/12/2017 trên khu trục hạm USS Ronald Reagan đang hoạt động trong vùng biển Nhật Bản, đô đốc John Richardson, chỉ huy tác chiến Hải Quân Hoa Kỳ thông báo kế hoạch điều một số phương tiện “từ Hạm Đội 3” đang hoạt động trong vùng Tây Thái Bình Dương đến châu Á. Đô đốc Richardson không nói rõ về thời điểm và số lượng tàu liên quan. Các chương trình tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên, chính sách bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông châu Á khiến trách nhiệm của Hạm Đội 7 ngày càng thêm lớn. Năm 2017 Hải Quân Mỹ trong khu vực đã phải đối mặt với nhiều tai nạn, 17 thủy thủ Hoa Kỳ thiệt mạng.
(Reuters) – Nhật và Hàn Quốc đồng thuận về vai trò của Trung Quốc trong hồ sơ Bắc Triều Tiên. Tokyo và Seoul hôm nay 19/12/2017 đã đồng thuận về việc Bắc Kinh cần thể hiện vai trò quan trọng hơn nữa trong hồ sơ tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Nhật Bản Toro Kono phát biểu : « Trung Quốc hiện đang áp dụng các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên mà Hội Đồng Bảo An đã thông qua, nhưng Bắc Kinh có thể làm được nhiều hơn thế ». Cũng theo ngoại trưởng Nhật Bản, Tokyo và Seoul còn thống nhất là gây sức ép tới Bình Nhưỡng là việc hoàn toàn cần thiết.
(AFP) – 2017, năm « ít chết chóc nhất » cho các phóng viên quốc tế. Theo báo cáo của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới công bố ngày 19/12/2017,vẫn có 65 phóng viên thiệt mạng trong năm. So với năm 2016, số này giảm 18%. Các nhà báo bị bỏ tù do hành nghề giảm 6%. Tương tự năm ngoái, Syria là quốc gia nguy hiểm nhất cho các phóng viên : 12 người bị sát hại tại nước này. Kế tới là Mêhicô (11 người tử vong), Afghanistan (9), Irak (8) và Philippines (4).
(AFP) – Kênh truyền hình RT của Nga tại Pháp bắt đầu hoạt động. Trong sự hoài nghi của công luận Pháp, lúc 7 giờ tối ngày 18/12/2017, đài truyền hình Nga RT Pháp ngữ bắt đầu phát các chương trình qua vệ tinh, cáp và internet. Trụ sở của RT Pháp đặt tại Boulogne Billancourt, trong khu vực đã có nhiều đài truyền hình của Pháp như TFI hay Canal+, RFI, France 24. RT Pháp ngữ hoạt động với ngân sách 20 triệu euro một năm, hoàn toàn do điện Kremlin tài trợ. Mỹ xem cơ quan truyền thông Nga RT và Sputnik là các phương tiện tuyên truyền của Nga. Trong 4 năm hoạt động tại Anh, 14 lần RT bị kiện vì đưa tin không trung thực, đặc biệt là liên quan đến xung đột tại Syria hay Ukraina.
(AFP) – Cuộc thi quốc tế về quy hoạch lại khu vực tháp Eiffel, Paris. Hôm qua 18/12/2017, chính quyền Paris thông báo một cuộc thi quốc tế sẽ bắt đầu được tổ chức vào tháng 01/2018 để tuyển chọn các kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị nhằm quy hoạch lại khu vực tháp Eiffel, Paris. Mục đích là giúp việc tham quan biểu tượng của Paris thuận tiện, thoải mái hơn. Thành phố dự trù kinh phí 300 triệu euro cho dự án quy hoạch này.
(AFP) – Tây Ban Nha – Catalunya : Kết thúc chiến dịch vận động tranh cử. Ngày 19/12/2017 là ngày cuối cùng trong chiến dịch vận động bầu cử Nghị Viện cấp vùng tại Catalunya. Trong hai ngày nữa, cử tri vùng tự trị của Tây Ban Nha, Catalunya được kêu gọi bầu lại Nghị Viện cấp vùng, khép lại hơn hai tháng khủng hoảng từ sau cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập với Madrid. Phe đòi độc lập trong thế “rắn không đầu” : nhiều lãnh đạo bị bắt giữ, số khác đang sống lưu vong tại vương quốc Bỉ.
(AFP) – Nước Đức tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố 19/12/2016. Nước Đức hôm nay 19/12/2017 tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm nạn nhân vụ tấn công khủng bố bằng xe điên vào một khu chợ Noel ở thành phố Berlin ngày 19/12/2016. Vụ tấn công đã khiến 12 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Ngay trong buổi sáng, tổng thống Đức đã có bài phát biểu tưởng niệm. Sau đó, thủ tướng Angela Merkel khánh thành một đài tưởng niệm trước nhà thờ nơi xảy ra vụ khủng bố. Tối hôm nay, lễ cầu nguyện dự kiến kéo dài tới 20h02’, thời điểm chiếc xe tải lao vào đám đông vào ngày này năm ngoái.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171219-tin-doc-nhanh