Tin khắp nơi – 18/12/2017
TT Trump sắp công bố Chiến lược An ninh Quốc gia
Chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ mang lại cho đất nước “một kế hoạch hành động rõ ràng và khả thi” để đối phó với các mối đe dọa nguy hiểm và dai dẳng nhất, theo lời các quan chức cao cấp trong chính quyền.
Ông Trump sẽ công bố văn bản có tính chiến lược hôm thứ Hai, 18/12.
Một quan chức chính quyền cao cấp nói: “Cán cân sức mạnh toàn cầu đã dịch chuyển theo những cách thức không có lợi cho các lợi ích của Mỹ. Chiến lược mới đưa ra một kế hoạch về cách nước Mỹ có thể lấy lại đà để đảo ngược xu thế này”.
Để tăng khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, các quan chức chính quyền ông Trump đang tập trung vào điều mà họ mô tả là ‘bốn lợi ích sống còn’ của quốc gia: bảo vệ tổ quốc, thúc đẩy sự thịnh vượng của Hoa Kỳ, giữ gìn hòa bình thông qua sức mạnh và thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ.
Chiến lược này xác định có những lực thách thức lại các lợi ích của Mỹ, được chia thành ba nhóm. Nhóm đầu tiên bao gồm các quốc gia như Nga và Trung Quốc, hai nước đang tìm cách tạo ra một trật tự toàn cầu mới, cả về mặt quân sự lẫn kinh tế.
Nhóm tạo ra thách thức thứ nhì là các chế độ bất hảo, như Triều Tiên và Iran, hai nước đang theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời trợ giúp khủng bố và các hoạt động gây bất ổn khác.
Nhóm cuối cùng gồm các nhóm khủng bố xuyên quốc gia và các tổ chức tội phạm.
Các giới chức trong chính quyền Tổng thống Trump cho biết chiến lược an ninh quốc gia mới sẽ đối đầu với các lực thách thức các lợi ích của Mỹ trên vũ đài toàn cầu.
Nhưng Hoa Kỳ sẽ thực hiện mục tiêu cụ thể như thế nào vẫn còn là một dấu hỏi.
Các quan chức nói chiến lược này sẽ khẳng định lại cam kết của Hoa Kỳ đối với các đồng minh. Họ nói chiến lược mới tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với NATO và Liên Hiệp Quốc, mặc dù họ nêu rõ rằng ông Trump tin là cải cách hai tổ chức này là điều đã phải thực hiện từ lâu.
Hoa Kỳ cũng không loại trừ việc hợp tác với các quốc gia mà Mỹ vẫn xem là đối thủ hàng đầu, kể cả Trung Quốc và Nga.
Có những lĩnh vực mà chiến lược an ninh quốc gia mới khác biệt rõ rệt so với các chính sách của chính phụ tiền nhiệm.
Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2015 của Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh việc thúc đẩy và bảo vệ dân chủ và nhân quyền.
Học thuyết mới của ông Trump chọn một lối tiếp cận khác.
Một giới chức cao cấp nói: “Chúng tôi đề cập đến tất cả các thành phần dẫn tới việc kiến tạo một nền dân chủ: lòng khoan dung, tự do và tự do tôn giáo. Nhưng xây dựng thêm lên từ nguyện vọng của các đối tác của Mỹ trong khu vực, chúng tôi không áp đặt lối sống của chúng tôi, vì vậy chúng tôi không áp đặt dân chủ”.
Chiến lược 2105 của ông Obama cũng kêu gọi Hoa Kỳ đối đầu với “cuộc khủng hoảng khẩn cấp là biến đổi khí hậu”.
Chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump thì không. Một trong các quan chức nói: “Biến đổi khí hậu không được xác định là một mối đe dọa an ninh quốc gia”.
Chiến lược an ninh quốc gia mới được sự ủng hộ của các quan chức chủ chốt, gồm Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson và Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin, cũng như Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats và Giám đốc CIA Mike Pompeo.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-sap-cong-bo-chien-luoc-an-ninh-quoc-gia/4168506.html
Bà Suu Kyi phải đối mặt với án diệt chủng?
Ông Zeid Ra’ad Al Hussein, quyết tâm đưa những kẻ gây thảm họa cho người Rohingya ra đối mặt trước pháp luật.
Ông là người đứng đầu cơ quan theo dõi về nhân quyền trên toàn thế giới của Liên Hiệp Quốc, nên ý kiến của ông có trọng lượng.
Điều này có thể dẫn tới những lãnh đạo cao nhất – ông không loại trừ khả năng lãnh đạo dân sự bà Aung San Suu Kyi và người đứng đầu quân đội Myanmar Tướng Aung Min Hlaing có thể phải đối mặt với bản án về tội diệt chủng một ngày trong tương lai.
Hồi đầu tháng 12, ông Zeid nói trước Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) rằng việc người Rohingya ở Myanmar bị ngược đãi một cách có hệ thống và trên diện rộng có nghĩa tội diệt chủng không thể được loại trừ.
Suu Kyi không sợ ‘giám sát’ của quốc tế
Vụ Rohingya: ‘Cơ hội cuối’ cho Suu Kyi
Quốc tế chỉ trích Suu Kyi: Giới hoạt động VN học gì?
“Vì mức độ lớn của hoạt động quân sự, rõ ràng đây là các quyết định được đưa ra ở cấp cao,” vị cao ủy UNHRC nói, khi chúng tôi gặp gỡ tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva trong chương trình BBC Panorama.
Tuy vậy, diệt chủng là một từ được bàn cãi rất nhiều. Từ ‘diệt chủng’ nghe thật khủng khiếp – có thể coi là “mẹ của các tội ác”. Rất ít người bị kết tội này.
Tội diệt chủng được hình thành sau thảm họa Diệt chủng người Do Thái (Holocaust).
Các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc mới ra đời lúc đó đã ký một quy ước định nghĩa tội diệt chủng là những hành vi được gây ra với mục đích tiêu diệt cả một tộc người.
Có xảy ra ‘thanh lọc sắc tộc’ ở Myanmar
‘6.700 người Rohingya bị giết trong một tháng’
LHQ: Khủng hoảng Rohingya là ‘thảm họa nhân đạo’
Giáo hoàng không dùng từ Rohingya ở Myanmar
Chứng minh rằng hành vi diệt chủng đã diễn ra ở Myanmar không phải là việc của ông Zeid Ra’ad Al Hussein – chỉ có tòa án mới làm được việc đó. Nhưng ông đã kêu gọi một cuộc điều tra tội phạm quốc tế đối với những người gây ra cái mà ông gọi là “tấn công tàn bạo gây sốc” chống lại nhóm Hồi giáo thiểu số từ tỉnh Rakhine ở phía Bắc Myanmar.
Nhưng ông Zeid biết rằng đây là một trường hợp khó kết án: “Vì những lý do ai cũng biết, nếu bạn lên kế hoạch có hành động diệt chủng, bạn không viết vào văn bản và bạn không đưa ra chỉ dẫn.”
“Khả năng có bằng chứng là thấp,” ông nói. ‘Nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên trong tương lai nếu tòa án đưa ra kết luận như vậy dựa trên những gì chúng ta chứng kiến.”
Cho đến đầu tháng 12, gần 650.000 người Rohingya – khoảng hai phần ba toàn bộ dân số cộng đồng này – đã rời Myanmar sau làn sóng tấn công do quân đội gây ra, bắt đầu từ cuối tháng Tám.
Hàng trăm ngôi làng bị đốt và hàng ngàn người được cho là đã bị giết hại.
Có biểu hiện đã diễn ra những tội ác kinh hoàng: thảm sát, giết người và cưỡng hiếp hàng loạt – những điều chính tôi được nghe khi tôi tới các trại tỵ nạn khi cuộc khủng hoảng này bắt đầu.
Aung San Suu Kyi: Anh hùng nhân quyền nay bị chỉ trích
Myanmar ‘bất mãn’ quốc tế vì vụ Rohingya
Aung San Suu Kyi bác việc thanh lọc sắc tộc
Aung San Suu Kyi: Anh hùng nhân quyền nay bị chỉ trích
Điều khiến vị đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc day dứt là ông đã thúc giục bà Suu Kyi, vị lãnh đạo mặc nhiên của Myanmar, có hành động để bảo vệ người Rohingya sáu tháng trước khi bạo lực bùng nổ hồi tháng Tám.
Ông kể ông nói chuyện với bà qua điện thoại khi văn phòng của ông xuất bản một báo cáo vào tháng 2/2017, trong đó ghi lại những hành động tàn ác trong một đợt bạo lực bắt đầu hồi tháng 10/2016.
“Tôi kêu gọi bà ấy làm chấm dứt các hoạt động quân sự này,” ông Zeid kể với tôi. “Tôi kêu gọi tình cảm của bà ấy… làm những gì bà có thể để chấm dứt tình trạng này, và tôi rất lấy làm tiếc là điều đó dường như đã không xảy ra.”
Quyền lực của bà Suu Kyi đối với quân đội là có hạn, nhưng ông Zeid Ra’ad Al Hussein tin rằng đáng lẽ ra bà phải làm nhiều hơn để cố dừng chiến dịch của quân đội.
Ông chỉ trích bà đã không dùng từ “Rohingya”. “Tước bỏ tên của [cộng đồng] họ là làm mất nhân tính, đến mức bạn bắt đầu tin rằng chuyện gì cũng có thể xảy ra,” ông nói, dùng ngôn ngữ mạnh đối với một quan chức cao cấp Liên Hiệp Quốc.
Ông cho rằng quân đội Myanmar bạo dạn lên khi cộng đồng quốc tế không có hành động nào sau khi họ gây bạo lực hồi 2016. “Tôi tin rằng lúc đó họ kết luận là họ có thể tiếp tục [gây bạo lực] mà không phải sợ gì,” ông nói.
“Điều mà chúng ta cảm nhận được là bạo lực họ gây ra được suy tính và lên kế hoạch kỹ,” ông nói với tôi.
Chính phủ Myanmar nói hành động quân sự là đáp trả các vụ tấn công khủng bố hồi tháng Tám khiến 12 nhân viên an ninh bị thiệt mạng.
Nhưng BBC Panarama đã thu được bằng chứng cho thấy công việc chuẩn bị cho các đợt tấn công người Rohingya đã bắt đầu trước thời điểm đó từ lâu.
Chúng tôi thấy Myanmar đã huấn luyện và cấp vũ trang cho người Phật giáo địa phương từ trước đó. Chỉ vài tuần sau khi xảy ra bạo lực, chính phủ đưa ra lời kêu gọi: “Bất kỳ người Rakhine nào muốn bảo vệ bang của mình sẽ có cơ hội gia nhập lực lượng cảnh sát vũ trang địa phương.”
“Đây là quyết định được đưa ra để gây ra tội ác chống lại những người dân thường,” ông Matthew Smith, giám đốc tổ chức nhân quyền Fortify Rights, tổ chức điều tra tình hình dẫn tới tình trạng bạo lực năm nay, nói.
Đây cũng là quan điểm của người tỵ nạn trong các trại tỵ nạn lớn ở Myanmar, những người chứng kiến dân Rakhine tình nguyện tham gia lực lượng cảnh sát đã tấn công hàng xóm và đốt nhà của họ.
BBC liên hệ với bà Aung San Suu Kyi và người đứng đầu quân đội để lấy phản ứng của họ. Nhưng cả hai người đều không có phản hồi.
Đã gần sáu tháng kể từ khi các vụ tấn công diễn ra và ông Zeid Ra’ad Al Hussein lo ngại rằng hệ lụy của bạo lực còn chưa chấm dứt. Ông sợ rằng đây “chỉ là giai đoạn khởi đầu của điều tồi tệ hơn nhiều.”
Ông lo rằng các nhóm jihadi có thể sẽ hình thành trong các trại tỵ nạn khổng lồ ở Bangladesh và gây các cuộc tấn công vào Myanmar, có lẽ nhắm vào các đền thờ Phật giáo. Kết quả có thể là cái mà ông gọi là “đối đầu mang tính xưng tội” – giữa những người Phật giáo và Hồi giáo.
Đây là một viễn cảnh thật đáng sợ, như vị cao ủy chỉ ra, nhưng là một viễn cảnh mà Myanmar không tính đến một cách nghiêm túc.
“Tôi muốn nói là hậu quả có thể vô cùng to lớn,” ông nói. “Việc họ đáp lại những quan ngại nghiêm trọng của cộng đồng quốc tế một cách thiếu nghiêm túc là thật đáng báo động.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42396868
TQ thử thành công phi cơ nội địa C919
Mẫu máy bay C919 của hãng COMAC vừa hoàn thành chuyến bay thử nghiệm thứ hai từ sân bay Thượng Hải.Ông Ngô Quang Huy, Kỹ sư trưởng Dự án C919, Phó Chủ tịch COMAC phát biểu ngay sau chuyến bay thử nghiệm: “Chuyến bay hôm nay rất thành công. Đây là mẫu C919 thứ hai, được làm dựa trên những kinh nghiệm bay từ chiếc C919 thứ nhất. Chúng tôi đã thử nghiệm khung gầm, phần cánh nâng và cánh tà trong chuyến bay thử này. Phiên bản thứ hai C919 đã thực hiện thành công 29 lần thử nghiệm và chúng tôi tin tưởng rằng các máy bay nội địa của mình sẽ ngày càng tốt hơn.”COMAC kỳ vọng C919 của minh sẽ cạnh tranh trực tiếp được với hai mẫu Airbus A320 và Boeing 737. Chữ “C” trong tên máy bay cũng mang hàm ý một vị thế ngang hàng như ABC với Airbus và Boeing.Hãng cho biết họ đã nhận được các đơn đặt hàng cho 785 chiếc C919.
http://www.bbc.com/vietnamese/media-42394892
Trump phủ nhận ý định sa thải Mueller
Tổng thống Donald Trump phủ nhận ông có ý định sa thải công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người đang điều tra nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.
Căng thẳng giữa Nhà Trắng và nhóm điều tra của Mueller ngày càng gia tăng.
Vào thứ Bảy, một luật sư làm việc cho Trump cho biết hàng ngàn email đã được nhóm của ông Mueller thu thập bất hợp pháp.
Chính quyền của Trump đã phủ nhận câu kết với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 và ông Trump nói cuộc điều tra này là “một cuộc săn lùng phù thủy”.
Trump-Nga: Hành động của Flynn là ‘hợp pháp’
Cố vấn của Trump nói dối về mối liên hệ với Nga
Trả lời câu hỏi của giới truyền thông về việc liệu ông có đang xem xét sa thải ông Mueller, ông Trump trả lời: “Không, tôi không hề.”
Một luật sư làm việc cho nhóm Trump cho Nước Mỹ (TFA) đã than phiền vào thứ Bảy sau khi nhóm biết được rằng ông Mueller đã thu thập được hàng chục ngàn email của họ.
Kory Langhofer đã gửi một lá thư đến các Ủy ban Quốc hội Hoa Kỳ nói rằng việc thu thập các email này là “bất hợp pháp”.
Trong lá thư của mình, ông Langhofer nói rằng nhân viên của GSA đã “bất hợp pháp cung cấp các tài liệu cá nhân của TFA, kể cả những thông tin đặc biệt” cho nhóm điều tra của ông Mueller.
Các email này liên quan đến 13 quan chức của Trump, bao gồm cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, người đã nhận tội khai man với FBI hồi đầu tháng nay.
Luật sư của Trump phàn nàn rằng GSA “không sở hữu hay kiểm soát các thông tin này” và khẳng định đã vi phạm các quyền hiến định của các quan chức làm việc cho Trump.
Một phát ngôn viên của Mueller cho biết họ không làm gì sai.
Peter Carr cho biết: “Khi chúng tôi nhận được email trong quá trình điều tra hình sự, chúng tôi đã bảo đảm có sự cho phép của chủ sở hữu các tài khoản hoặc tiến hành thủ tục tố tụng theo đúng trình tự thích hợp.”
Trợ lý của GSA Lenny Loewentritt đã bác bỏ cáo buộc của ông Langhofer rằng GSA đã đảm bảo rằng các yêu cầu về hồ sơ của nhóm quan chức của Trump sẽ được thông qua với luật sư của nhóm này.
Ông nói với BuzzFeed rằng nhóm quan chức biết rằng các tài liệu sẽ phải được cung cấp cho cơ quan điều tra “do đó, không thể mong đợi có sự riêng tư được”.
Đại diện Dân chủ Eric Swalwell đăng trên Twitter rằng các cáo buộc là “một nỗ lực khác để làm giảm uy tín của Mueller vì cuộc điều tra Trump-Nga đang ngày càng đi sâu hơn.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42389078
Năm phi cơ TQ ‘bay sang hỏi thăm’ Hàn Quốc
Seoul đưa phi cơ lên nghêng tiếp năm máy bay quân sự Trung Quốc ‘vào khu vực nhận diện phòng không’ của Hàn Quốc.
Theo trang Korea Times hôm 18/12/2017, sự việc xảy ra chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Moon Jae-in trở về sau chuyến thăm Trung Quốc để “bình thường hóa’ quan hệ song phương có phần căng thẳng vì vụ hệ thống phòng thủ hỏa tiễn THAAD.
Nam Hàn có bị Trung Quốc xử tệ?
Tân tổng thống Nam Hàn tuyên thệ nhậm chức
Báo Hàn khó chịu cách TQ tiếp đón TT Moon
Họp thượng đỉnh ASEAN+3 quan tâm an ninh, kinh tế
Các báo Hàn Quốc cho hay Không quân nước này phải đưa chiến đấu cơ F-15K lên nghêng tiếp năm máy bay quân sự Trung Quốc ‘vào khu vực nhận diện phòng không’ từ phía Nam đảo Ieodo.
Số máy bay Trung Quốc gồm “hai phi cơ ném bom H-6, hai chiến đấu cơ J-11, và một phi cơ trinh sát TU-154.
Theo Korea Times, cả năm chiếc bay vào không phận Hàn Quốc và vùng nhận diện phòng không của Hàn Quốc (KADIZ) lúc 10:10 sáng ngày thứ Hai.
Tranh chấp đảo đá
sự việc xảy ra chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Moon Jae-in trở về sau chuyến thăm Trung Quốc để “bình thường hóa’ quan hệ song phươngKorea Times
Đảo đá Ieodo mà tiếng Anh là Socotra Rock nằm trong vùng biển tranh chấp giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, nhưng hiện do Hàn Quốc nắm và đặt một cơ sở nghiên cứu hải dương tại đây.
Đảo còn có tên là Li Ư được Trung Quốc gọi là Tô Nham Tiêu, và cũng cho rằng nó nằm trong vùng Nhận diện phòng không của họ.
Hồi cuối năm 2013, đảo đá trên biển Hoàng Hải này trở thành trung tâm của “điểm nóng toàn cầu mới”, theo trang The Atlantic.
Vào lúc đó, sau khi Trung Quốc tuyên bố đặt ra Vùng nhận diện phòng không (ADIZ), chính phủ Hàn Quốc cũng ra tuyên bố tương tự.
Vài ngày 15/12/2013, vùng này của Hàn Quốc bao phủ 40 nghìn dặm vuông trên biển, gồm cả Ieodo.
Seoul cũng yêu cầu Bắc Kinh bỏ Ieodo ra khỏi Vùng nhận diện phòng không của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh bác bỏ.
Tuy thế, tình hình tại đây không xấu đi vì quan hệ chung hai nước khá tích cực.
Sự việc mới nhất cho thấy dù tân Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae-in rất nỗ lực “làm lành” với Trung Quốc và sang thăm Bắc Kinh và Trùng Khánh, Trung Quốc vẫn đang tỏ thái độ với Seoul.
Trong chuyến thăm Trung Quốc, ông Moon bị “Trung Quốc liên tiếp coi thường”, theo các báo Hàn và phe đối lập nước này.
Cũng trong tháng 12/2017, Hoa Kỳ và Hàn Quốc mở cuộc tập trận gồm nhiều phi cơ mà họ nói là để phòng ngừa khả năng bị Bắc Hàn tấn công.
Trung Quốc luôn đề nghị Hàn Quốc và Mỹ ngưng các cuộc tập trận và đổi lại là Bắc Kinh sẽ thuyết phúc Bình Nhưỡng đi vào con đường phi hạt nhân hóa.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42396838
Không quân Trung Quốc tập trận ở biển Nhật Bản
Không quân Trung Quốc hôm thứ hai ngày 18/12 lại tiến hành một cuộc tập trận tầm xa khác ở biển Nhật Bản khiến Nam Hàn phải điều máy bay lên để giám sát.
Thông báo của Không quân Trung Quốc cho biết các máy bay chiến đấu và ném bom của nước này đã bay qua eo Tsushima giữa Nam Hàn và Nhật Bản trước khi bay vào vùng nước quốc tế ở biển Nhật Bản.
Người phát ngôn Shen Jinke của Không quân Trung Quốc nói biển Nhật Bản không phải của Nhật Bản và cuộc tập trận là hợp pháp và hợp lý. Ông Shen Jinke gọi đây là một cuộc tập trận định kỳ đã được lên kế hoạch từ trước.
Nam Hàn cho biết 5 máy bay Trung Quốc đã bay vào vùng nhận dạng phòng không của Nam Hàn và nước này đã phải điều máy bay lên để theo dõi cho đến khi các máy bay Trung Quốc bay khỏi vùng này.
Hiện phía chính phủ Nhật Bản vẫn chưa đưa ra phản ứng gì về vụ tập trận này.
Trong khi đó, quân đội Đài Loan cho biết Trung Quốc đã thực hiện một cuộc tập trận khác cùng lúc qua eo Bashi giữa Đài Loan và Philippines và trở về căn cứ sau khi đi qua eo Miyako ở phía bắc Đài Loan và phía nam Nhật Bản.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết nước này đã thấy Nhật Bản điều các máy bay chiến đấu F-15 lên để can thiệp.
Trung Quốc trong các tháng gần đây đã gia tăng các hoạt động tập trận trên không tầm xa, đặc biệt là quanh Đài Loan vốn được Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ không thể tách rời.
Trung Quốc hồi tuần trước cũng thực hiện các tuần tra bao vây đảo gần Đài Loan sau khi một nhà ngoại giao nước này đe dọa Trung Quốc sẽ xâm chiếm Đài Loan nếu tàu hải quân Hoa Kỳ đến thăm cảng của Đài Loan.
Phiến quân Maoist tấn công lính cứu nạn
Hai binh sĩ Philippines bị thương trong vụ tấn công do phiến quân cộng sản Maoist thực hiện.
Phát ngôn nhân của quân đội Phi nói rằng khoảng 50 phiến quân đã tấn công vào một đoàn xe của quân đội khi họ đang vận chuyển hàng cứu trợ đến những khu vực vừa bị cơn bão Kai-Tak quét qua làm 32 người thiệt mạng tại miền Trung nước này.
Phía Chính phủ nói rằng nhóm tấn công thuộc một tổ chức gọi là Đội quân Tân nhân dân, tức là lực lượng vũ trang của tổ chức cộng sản tại Phi.
Phía Đội quân Tân Nhân dân chưa lên tiếng gì về lời cáo buộc này.
Cuộc nổi dậy của lực lượng cộng sản tại Philippines đã bắt đầu cách đây gần nửa thế kỷ, làm khoảng 40 ngàn người thiệt mạng. Những cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Manila và lực lượng cộng sản Phi đã không đem lại kết quả nào, và mới đây Tổng thống Phi Rodrigo Duterte đã quyết định đình chỉ các cuộc đàm phán này và xem tổ chức Đội quân Tân Nhân Dân là một nhóm quân khủng bố.
Cuộc tấn công mới nhất này có thể sẽ làm cho chính phủ Phi quyết định không tuyên bố hưu chiến trong mùa Giáng sinh như thông lệ từ trước đến nay.
Quốc tế yêu cầu Myanmar thả phóng viên Reuters
Một số quốc gia, Liên Hiệp Quốc, và các nhóm phóng viên yêu cầu Myanmar thả tự do cho hai nhà báo của Reuters đang bị giam cầm là Wa Lone và Kyaw Soe Oo.
Hai nhà báo này bị bắt vào ngày 12 tháng 12 sau khi được mời đến văn phòng cảnh sát ở ngoại ô Yangon.
Bộ Thông tin Miến Điện đưa ra tấm hình hai nhà báo bị còng tay, đồng thời nói với báo giới rằng những phóng viên này đã kiếm những thông tin về việc đàn áp quân sự ở bang Rakhine khiến hơn 600.000 người Hồi giáo Rohingya phải sang Bangladesh lánh nạn, với mục đích chia sẻ với truyền thông nước ngoài một cách bất hợp pháp.
Hai phóng viên của Reuters và hai cảnh sát phải đối mặt cáo trạng về Đạo luật an ninh có từ thời thuộc Anh, có thể bị phạt lên đến 14 năm tù giam.
Nơi giam giữ những người này hiện không được thông báo.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng Hoa Kỳ đã yêu cầu thả ngay lập tức hai phóng viên này cũng như cho biết thêm thông tin và chi tiết về việc mất tích của họ.
Ông Mark Field, Bộ Trưởng Anh tại Châu Á Thái Bình Dương cho biết ông phản đối mạnh mẽ việc hai nhà báo bị bắt giam chỉ vì làm công việc của mình, nói thêm sẽ sử dụng những biện pháp mạnh nhất để họ được thả sớm nhất có thể.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Gueterres, nói rằng có thể lý do những nhà báo bị bắt do họ đưa những thông tin có liên hệ tới thảm kịch nghiêm trọng về con người, ý muốn nói đến những hành động tàn bạo mà quân dội Miến đã làm đối với người Hồi Giáo Rohingya.
Trong khi đó cũng tại Myanmar, quân đội Miến Điện đã đốt hàng chục ngôi nhà của người Hồi giáo Rohingya, chỉ vài ngày sau khi chính phủ Miến ký kết thảo thuận với Bangledesh về việc hồi hương hơn 600.000 người Rohingya đang lánh nạn tại Bangladesh.
Thông tin này được Ông Brad Adams, Giám đốc phân ban Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế Human Rights Watch phổ biến vào sáng thứ hai, ngày 18 tháng 12, nói thêm rằng hành động này chứng tỏ chính phủ Miến ký thỏa thuận với Bangladesh chỉ nhằm thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, chứ không thật tâm muốn giải quyết vần đề.
Có hơn 655.000 người Hồi giáo Rohingya đã phải sang Banladesh lánh nạn, mang theo những miêu tả khiếp về việc hãm hiếp, giết người, đốt phá phi pháp của quân đội Miến.
Vào tuần trước, tổ chức Bác sĩ Không Biên giới đã công bố một bản khảo sát cho biết gần 7.000 người Rohingya đã bị quân đội Miến giết chết khi thực hiện những cuộc hành quân dưới danh nghĩa truy lùng khủng bố.
HDBA biểu quyết về dự thảo nghị quyết
bác việc công nhận Jerusalem
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai biểu quyết một dự thảo nghị quyết bác bỏ việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Hoa Kỳ là một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết, và như vậy điều đó có nghĩa là nghị quyết do Ai Cập soạn thảo sẽ khó có thể được thông qua.
Văn bản của nghị quyết bày tỏ “hối tiếc sâu sắc” về loan báo của ông Trump hồi đầu tháng này, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời khởi sự tiến trình dời chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem.
Bản văn có đoạn:
“Bất cứ quyết định hoặc hành động nào ám chỉ một sự thay đổi về tính chất, quy chế hoặc thành phần của Thánh Địa Jerusalem sẽ không có hiệu lực pháp lý, bị coi như hoàn toàn không có hiệu lực và phải bị rút lại.”
Giáo sư môn sử Michael Fischbach của Đại học Randolph-Macon nói với Đài VOA rằng quyết định của Tổng thống Trump, lật ngược chính sách của Mỹ trong nhiều thập niên qua, cũng như đi ngược với “sự đồng thuận toàn cầu”,vốn chống đối việc thiết lập Jerusalem làm thủ đô của Israel.
Giáo sư Fischbach nhận định:
“Từ năm 1967, Israel đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ thành phố trên thực tế, tuy nhiên trong cộng đồng quốc tế, có sự đồng thuận rằng không một quốc gia nào muốn đặt để quy chế chung cuộc của Jerusalem hoặc chuyện gì sẽ xảy ra cho thánh địa này cho tới khi nào cuộc xung đột giữa Israel và khối Ả Rập đã giải quyết xong một cách hòa bình.”
Ông Trump nói quyết định của ông chỉ “thừa nhận một thực tế” rằng Jerusalem không chỉ là thủ đô lịch sử của dân tộc Do Thái mà còn là thủ đô của nước Israel hiện đại. Giới lãnh đạo Israel, trong đó có Thủ Tướng Benjamin Netanyahu, hoan nghênh các động thái của ông Trump.
Ông Netanyahu trước đó tuyên bố việc Jerusalem chính thức trở thành thủ đô của Israel là “nền tảng của hòa bình.”
Người Palestine muốn dành riêng khu vực Đông Jerusalem để xây dựng thủ đô của một quốc gia Palestine tương lai, và Tổng Thống Palestine Mahmoud Abbas tuần trước nói phía Palestine từ nay không công nhận vai trò của Hoa Kỳ trong tiến trình hòa bình nữa. Ông Abbas lên tiếng tại một cuộc họp quy tụ các nhà lãnh đạo khối Ả Rập, nơi nhiều người lên án quyết định của ông Trump là bất hợp pháp.
Liên hiệp châu Âu (EU) tái khẳng định lập trường của khối, là một giải pháp thực tiễn để giải quyết cuộc tranh chấp giữa người Israel và người Palestine là giải pháp hai quốc gia với Jerusalem là thủ đô của cả hai.
Cúp điện gây gián đoạn hoạt động tại sân bay Atlanta
Một vụ cúp điện tại sân bay quốc tế ở thành phố Atlanta ở miền nam của Mỹ đã làm gián đoạn tất cả các chuyến bay vào và ra khỏi một trong những đầu mối giao thông bận rộn nhất thế giới này.
Nhà chức trách tại Sân bay Quốc tế Atlanta Hartsfield-Jackson cho biết vụ cúp điện xảy ra vào chiều Chủ nhật, ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động của sân bay.
Cục Hàng không Liên bang đã thi hành lệnh “dừng trên mặt đất” cho các chuyến bay hướng đến sân bay. Một lệnh dừng trên mặt đất có nghĩa là các chuyến bay hướng đến Atlanta được giữ lại không cho cất cánh tại sân bay khởi hành của chúng.
Các chuyến bay đến, nội địa và quốc tế, được chuyển hướng đến các sân bay khu vực khác.
Theo website FlightAware chuyên theo dõi các chuyến bay trong thời gian thực, các chuyến bay khởi hành từ sân bay này đã bị trì hoãn trung bình một tiếng 42 phút.
Công ty điện lực của khu vực, Georgia Power, nói họ có biết về vấn đề này và đang nỗ lực tìm ra nguyên nhân và khôi phục điện.
Fox News đưa tin vụ cúp điện xảy ra do một toán công nhân xây dựng vô tình cắt đứt một đường dây điện.
Sân bay này là một trong những nơi bận rộn nhất trên thế giới, với hơn 2.500 lượt máy bay đến và đi hàng ngày, đưa hơn 250.000 hành khách qua sân bay trung bình mỗi ngày.
https://www.voatiengviet.com/a/cup-dien-gay-gian-doan-hoat-dong-tai-san-bay-atlanta/4167662.html
Mỹ, Nga nói Mỹ giúp chặn đứng
vụ tấn công khủng bố ở St Petersburg
Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo cho Nga giúp chặn đứng một vụ tấn công bằng bom có thể gây chết người ở thành phố St. Petersburg, các quan chức Nga và Mỹ cho biết hôm Chủ nhật, trong một biểu hiện công khai hiếm hoi cho thấy sự hợp tác của hai nước bất chấp những căng thẳng sâu sắc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi điện thoại cho Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ nhật để cảm ơn ông về mật báo, điều mà Điện Kremlin nói là đã giúp ngăn chặn một vụ tấn công bằng bom của những kẻ chủ chiến nhắm vào một giáo đường ở thành phố này của Nga, cũng như các địa điểm khác.
Nhà Trắng không tiết lộ chi tiết về âm mưu tấn công, nhưng nói rằng vụ tấn công “có thể đã giết chết rất nhiều người.” Cả Điện Kremlin lẫn Nhà Trắng đều không xác định danh tính của những người định thực hiện vụ tấn công.
Cảnh báo của Mỹ đã cho phép các cơ quan chấp pháp của Nga bắt giữ các nghi phạm trước khi họ có thể thực hiện kế hoạch của mình, Nhà Trắng và Điện Kremlin nói.
Quan hệ giữa Washington và Moscow đã bị tổn hại vì những bất đồng về chiến sự ở Ukraine và Syria, mặc dù ông Trump cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình là sẽ theo đuổi quan hệ tốt đẹp hơn với Moscow.
Điều này đã trở nên phức tạp hơn vì những cáo buộc của Mỹ nói rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái để giúp ông Trump giành chiến thắng, điều mà Nga một mực phủ nhận.
Các quan chức Nga nói rằng ông Putin tin rằng ông Trump không chịu trách nhiệm về những căng thẳng này.
Cuộc điện đàm hôm Chủ nhật giữa ông Trump và ông Putin ít nhất là cuộc gọi thứ hai trong tuần qua. Hôm thứ Năm, ông Putin và ông Trump đã thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Triều Tiên.
Vụ tấn công lẽ ra được thực hiện nhắm vào Giáo đường Kazan, ở thành phố St Petersburg đông dân thứ hai của Nga, và các địa điểm khác trong thành phố nơi nhiều người tụ tập, thông cáo của Điện Kremlin nói. Giáo đường này là một địa điểm du lịch nổi tiếng.
Nhà Trắng nói việc phá vỡ âm mưu tấn công ở St. Petersburg là một dấu hiệu cho thấy Moscow và Washington có thể làm được gì nếu họ hợp tác.
“Cả hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng đây là một ví dụ về những điều tích cực có thể xảy ra khi hai nước chúng ta làm việc cùng nhau,” Nhà Trắng nói, và nói thêm rằng ông Trump cảm kích cuộc gọi của ông Putin.
Truyền thông Nga tuần trước đưa tin Tổng cục An ninh Liên bang đã bắt giữ những người theo nhóm Nhà nước Hồi giáo mà khi đó đang lên hoạch thực hiện một vụ đánh bom tự sát nhắm vào Giáo đường Kazan vào ngày thứ Bảy.
Ông Putin nói rằng Nga sẽ báo cho nhà chức trách Mỹ biết nếu họ nhận được thông tin về bất cứ vụ tấn công nào đang được hoạch định nhắm vào Mỹ, Điện Kremlin nói.
Nga đã nhiều lần bị những nhóm Hồi giáo cực đoan nhắm mục tiêu tấn công.
Tháng 4 năm nay, 14 người đã thiệt mạng khi một vụ nổ xảy ra trong một toa tàu điện ngầm trong một đường hầm tại St Petersburg. Cảnh sát Nga câu lưu một số nghi phạm từ các nước với đa số dân là người Hồi giáo ở Trung Á từng thuộc Liên bang Soviet.
Vài câu hỏi
xung quanh việc Mỹ hủy nguyên tắc trung lập internet
Dưới sự thúc đẩy của Donald Trump, Ủy ban Liên bang về Truyền thông Mỹ (FCC), hôm 14/12/2017, đã bỏ phiếu bãi bỏ quy tắc « tính trung lập internet » vì cho rằng quy định cũ được thiết lập dưới thời tổng thống Obama làm cản trở đầu tư vào dịch vụ internet. Không ít ý kiến cho rằng hủy bỏ nguyên tắc trung lập internet sẽ tạo cạnh tranh bất bình đẳng giữa các nhà mạng. Nhiều câu hỏi đang đặt ra xung quanh vấn đề tính trung lập internet.
Trước hết phải hiểu trung lập ineternet là gì ?
Nói đơn giản, “Internet trung lập” là tất cả các lưu lượng truy cập internet phải được đối xử một cách công bằng và không phân biệt. Internet trung lập buộc các nhà cung cấp dịch vụ Internet (Internet Service Provider – ISP) và chính phủ phải truyền tải các loại dữ liệu mà không ưu tiên hay phân biệt với bất cứ một công ty hay loại dữ liệu nào. Nói cách khác, các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại phải cung cấp cho mọi khách hàng đường truyền dữ liệu thông tin như nhau, không phụ thuộc vào giá thuê bao.
Lấy một ví dụ: Hiện nay, tại Mỹ, dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix rất phổ biến, dẫn đến lưu lượng dữ liệu của Netflix tải qua các đường truyền mạng chiếm một tỉ lệ cao so với các loại dữ liệu khác. Nhà mạng Comcast nhận thấy điều này và vì một lý do nào đó, họ cố ý làm giảm tốc độ truyền dữ liệu của riêng Netflix, làm giảm chất lượng phục vụ. Để tránh làm mất lòng khách hàng, Netflix phải ký kết với Comcast, trả phí phụ trội để nhà mạng này tăng cường tốc độ truyền tải cho người dùng Netflix trên mạng của Comcast.
Các nhà cung cấp dịch vụ mạng phản đối nguyên tắc trung lập lý luận rằng là nhà mạng phải đầu tư lớn để xây dựng các đường truyền. Họ có quyền được bán đắt hơn các dịch vụ sử dụng băng thông lớn chiếm nhiều lưu lượng truyền tải, như YouTube hay Netflix.
Hơn nữa, theo FCC, nguyên tắc internet trung lập đánh đồng các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông với các dịch vụ công cộng, ngăn cản đầu tư vào các dịch vụ mới cần có đường truyền tốc độ cao, như vidéo hội nghị, khám chữa bệnh từ xa…
Trái lại, những người ủng hộ thì cho rằng tính trung lập sẽ giúp họ cải tiến dịch vụ. Nếu cho tự do hóa chạy đua, những nhà mạng lớn sẽ giành được ưu tiên bằng cách trả tiền hơn. Tóm lại là khi đó những công ty cung cấp dịch vụ internet nhỏ và nghèo sẽ không thể cạnh tranh.
Dưới nguyên tắc trung lập, các nhà cung cấp dịch vụ internet không được ưu tiên tốc độ cho bất cứ loại dữ liệu nào. Cho dù người sử dụng đang truy cập, Google, YouTube hay Facebook,… thì nhà cung cấp dịch vụ vẫn xử lý kết nối với tốc độ ngang nhau.
Vì thế mà các hiệp hội và tất cả các công ty trong Silicon Valley có sản xuất nội dung và cung cấp dịch vụ trên mạng đều ủng hộ nguyên tắc trung lập internet .
Nguyên tắc trung lập net có từ bao giờ ?
Theo giáo sư luật Tim Wu, người đưa ra thuật ngữ “ tính trung lập nét”, thì nguyên tắc chung của khái niệm này đã có từ năm 1970. Khi đó các nhà điều phối Mỹ đã tìm cách ngăn chặn AT&T ( Công ty cung cấp dịch vụ điện thoại lớn thứ 2 ở Mỹ) đang độc quyền về mạng viễn thông gây khó dễ cho các công ty điện thoại mới phát triển.
Đầu những năm 2000, các ý đồ điều tiết như trên lan sang lĩnh vực internet mới ra đời, nhưng không thành công. Đã có nhiều quyết định của tư pháp bác bỏ việc « đồng hóa » các nhà cung cấp dịch vụ internet với các công ty dịch vụ viễn thông. Phải đợi đến năm 2015, dưới thời tổng thống Barack Obama, Ủy ban Liên bang về Truyền thông Mỹ (FCC) mới đánh đồng các nhà cung cấp dịch vụ truy cập internet tốc độ cao với các công ty viễn thông.
Tại sao Mỹ lật lại nguyên tắc trung lập internet ?
Được tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm lãnh đạo FCC, ông Ajit Pai khẳng định những quy định về tính trung lập Net hiện tại quá khắt khe, không khuyến khích đầu tư vào đường truyền tốc độ cao. Đó là một trong những lý do dẫn tới việc FCC bỏ phiếu thông qua quyết định hôm 14/12 vừa rồi.
Trong quyết định hủy bỏ nguyên tắc trung lập internet, có một chút màu sắc chính trị. FCC nằm dưới sự điều hành của 5 thành viên do tổng thống Mỹ chỉ định gồm 2 đại diện thuộc đảng Dân Chủ và 3 người của phe Cộng Hòa, trong đó ông Ajit Pai là chủ tịch.
Điều dễ nhận ra là từ khi lên làm tổng thống Mỹ, ông Donald Trump luôn tìm cách xóa bỏ hết di sản của ê-kíp Obama. Hơn nữa ông Donald Trump không có quan hệ tốt cho lắm đối với những ông lớn trong đại bản doanh tin học nằm trong Thung lũng Sillicon. Ông sẵn sàng tạo thuận lợi cho các nhà mạng như AT&T, Comcast hay Verizon hơn là cho những Google hay Facebook.
Điều gì sẽ thay đổi sau quyết định của FCC
Trước tiên tại Mỹ, các nhà cung cấp mạng có thể đưa ra cho khách hàng các gói dịch vụ đắt hơn để được phục vụ tốt hơn. Trái lại, các thuê bao không thể trả tiền cao thì dịch vụ của họ sẽ bị chèn lấn , chất lượng xuống thấp. Muốn giữ được chất lượng dịch vụ tốt thì chỉ có cách là trả tiền cao hơn.
Trong lĩnh vực dịch vụ Internet, đại đa số các nước trên thế giới có liên quan đến các dịch vụ của các công ty Mỹ và ít nhiều sẽ bị tác động bởi các quy định mới của chính quyền Mỹ. Internet trung lập đã được thông qua tại nhiều khu vực trên thế giới như Canada, Ấn Độ, Nga, Hà Lan, Chilê, Singapore.
Năm 2016, Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua một chỉ thị áp dụng quy tắc trung lập Internet trên khắp các nước thành viên. Tuy nhiên, quyết định của cơ quan quản lý truyền thông Mỹ có thể là tiền đề gợi ý cho nhiều nhà mạng lớn của châu Âu muốn thay đổi các quy định cũ.
Cuộc tranh luận về cái lợi cái hại của internet trung lập vẫn còn rất gay gắt giữa người ủng hộ và người phản đối. Có thể các dịch vụ sẽ không thay đổi gì nếu quy tắc Internet trung lập bị xóa bỏ, nhưng cũng có thể có nhiều thay đổi lớn khác.
Chưa biết những thay đổi có mang lại lợi ích cho người dùng không hay chỉ là đó là chiếc « chìa khóa internet bằng vàng » để một nhóm nhỏ các công ty đa quốc gia giàu có thống trị hệ thống thông tin toàn cầu.
Chưởng lý New York Eric Schneiderman đã cho biết ý định phối hợp cùng các tiểu bang khác ở Mỹ kiện FCC về quyết định hủy bỏ internet trung lập, mà ông gọi đó là « món quà Noel sớm cho các nhà khổng lồ viễn thông ».
Có một điều chắc chắn là khi quyết định hủy bỏ trung lập internet có hiệu lực, hoạt động của các nhà mạng đã trở nên quen thuộc với người sử dụng toàn cầu như, Google, Netflix, Amazon hay Apple sẽ bị đảo lộn. Thị trường mạng viễn thông Mỹ sẽ chứng kiến các cuộc cạnh tranh thôn tính nhau khốc liệt.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171218-vai-cau-hoi-xung-quanh-viec-my-huy-nguyen-tac-trung-lap-internet
Ứng viên cánh hữu Sebastian Pinera
trở thành tổng thống Chilê
Tại Chilê, ông Sebastian Pinera, từng là tổng thống cánh hữu đầu tiên (2010-2014) sau khi chế độ độc tài chấm dứt, hôm qua 17/12/2017, đã đắc cử tổng thống với 54% số phiếu. Ông Pinera vượt xa đối thủ cánh trung tả là Alejandro Guillier, một cựu nhà báo được liên minh mãn nhiệm ủng hộ.
Từ Santiago, thông tín viên RFI Justine Fontaine tường trình :
Người ta chờ đợi một kết quả sát nút tại Chilê, nhưng rốt cuộc cựu tổng thống Sebastian Pinera lại bỏ xa cựu nhà báo Alejandro Guillier.
Ông Pinera, người giàu thứ 10 Chilê, đã làm nên cơ nghiệp chủ yếu nhờ phát triển hệ thống thẻ tín dụng trong nước vào thập niên 80. Ông chuẩn bị quay lại Phủ tổng thống ở Moneda từ khi rời chức vụ năm 2014 và nữ tổng thống phe xã hội Michelle Bachelet lên thay.
Từ nhiều tháng qua vẫn được cho là người sẽ chiến thắng, nhưng ông Pinera lại có số phiếu đáng thất vọng trong vòng một, và tỏ ra căng thẳng trong tháng cuối của chiến dịch tranh cử.
Sebastian Pinera còn sửa đổi chương trình : Ông hứa sẽ mở rộng đại học miễn phí, trong khi trước đây đã nhiều lần phản đối, nhất là trong nhiệm kỳ đầu.
Theo các cử tri mà chúng tôi có trao đổi trong chiến dịch tranh cử và vào ngày bầu cử, người dân Chilê đã chọn lựa ông Sebastian Pinera vì họ nghĩ rằng nhờ có quan hệ tốt với các chủ doanh nghiệp, ông có thể tạo được công ăn việc làm, và thúc đẩy tăng trưởng, được dự báo ở dưới 2% trong năm nay.
Đối thủ Alejandro Guillier đã công nhận thất bại, và tân tổng thống sẽ nhậm chức vào tháng Ba sang năm.
Còn tại Honduras, tổng thống bảo thủ mãn nhiệm Juan Orlando Hernandez hôm qua đã được Tòa án Tối cao chính thức tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử gây tranh cãi hôm 26/11, sau khi kiểm lại phiếu.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171218-ung-vien-canh-huu-sebastian-pinera-tro-thanh-tong-thong-chile
Tổng thống Pháp :
Cần đối thoại với Assad, sau khi tiêu diệt Daech
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình France 2 tối qua 18/12/2017, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng một khi kết thúc cuộc chiến trước tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Syria, cần phải đối thoại với tổng thống Bachar Al Assad nhằm tìm ra một giải pháp chính trị sau sáu năm chiến tranh.
Tổng thống Pháp tuyên bố : « Chúng ta vừa thắng được cuộc chiến ở Irak cùng với liên minh, và tôi cho rằng từ đây cho đến giữa hoặc cuối tháng Hai, chúng ta sẽ thắng cuộc chiến ở Syria.
Bachar Al Assad vẫn còn đó, vì ông ta được bảo vệ bởi Vladimir Putin, bởi những lực lượng đang hiện diện tại chỗ, dù đó là Iran hay Nga. Như vậy không thể nói rằng chúng ta không muốn nói chuyện với Assad hay những người đại diện của ông ta.
Cần phải đối thoại với tất cả mọi người, với Bachar Al Assad và các đại diện. Sau đó ông ta sẽ phải trả lời về những tội ác của mình. »
Hồi tháng Bảy, ông Macron đã khiến cho phe đối lập Syria lo ngại, khi nói ông không thấy ai là « người kế nhiệm hợp pháp » của Bachar Al Assad, và không còn coi việc tổng thống Syria phải ra đi là điều kiện tiên quyết.
Nhưng sau đó Emmanuel Macron đã trấn an là nước Pháp vốn ủng hộ đối lập ngay từ đầu cuộc xung đột, tiếp tục tôn trọng « khát vọng hợp pháp » của người dân Syria.
Từ khi khởi đầu vào tháng 3/2011, cuộc chiến Syria đã làm hơn 300.000 người chết và hàng triệu người phải di tản. Chưa có cuộc thương lượng nào giữa đối lập và đại diện chính quyền Assad giúp tìm ra được giải pháp.
Vòng đàm phán thứ tám kết thúc vào thứ Năm 14/12 tại Genève cũng là một thất bại. Liên Hiệp Quốc và Pháp quy trách nhiệm cho chế độ Damas.
http://vi.rfi.fr/phap/20171218-tong-thong-phap-can-phai-doi-thoai-voi-assad-sau-khi-diet-xong-daech
Chính quyền Mỹ
hối hả lo thông qua luật cải tổ thuế trước Noel
Có khả năng Quốc Hội Hoa Kỳ biểu quyết về dự luật giảm thuế trong ngày 18/12/2017. Theo các thăm dò, đây là một chính sách không được lòng dân nhưng đối với tổng thống Trump, thì lại là một thắng lợi quan trọng. Nhà Trắng và cả Quốc Hội lưỡng viện đều đã có nhiều bước nhượng bộ lẫn nhau để có được thắng lợi này.
Thông tín viên RFI, Grégoire Pourtier từ New York :
Sau một năm trải qua nhiều thất bại ở Quốc Hội, đảng Cộng Hòa không thể tiếp tục bị chia rẽ, mà bắt buộc phải thông qua dự luật cải tổ thuế trước lễ Giáng Sinh. Do vậy, một số dân biểu và thượng nghị sĩ đã thừa nước đục thả câu.
Trong hoàn cảnh cấp bách hiện nay, năm trong số họ đã đặt ra nhiều điều kiện vì lợi ích cá nhân. Một bà thượng nghị sĩ đòi được cấp giấy phép để khoan thêm các giếng dầu trong bang của mình. Thượng nghị sĩ nhiều tham vọng của bang Florida Marco Rubio cũng đòi được giảm thuế cho các hộ gia đình. Việc này sẽ giúp ông kiếm phiếu của cử tri.
Người còn lại trong số các dân biểu Mỹ vốn chống đối mạnh mẽ dự luật cải tổ thuế của tổng thống Trump là thượng nghị sĩ Bob Corker, (bang Tennessee) thì đã thay đổi lập trường mà không có một lời giải thích.
Tuy nhiên theo báo International Business Times, vào giờ chót, văn bản sắp được thông qua đã kín đáo ghi thêm một dòng cho phép thượng nghị sĩ Corker và một số các đại gia được miễn khá nhiều khoản đóng thuế bất động sản.
Khi bị báo chí chất vất, tối hôm qua, ông Corker nhìn nhận là đã phải cò cưa để đạt được đồng thuận, nhưng điều khoản được sửa đổi nói trên, chỉ là một chi tiết rất nhỏ trong một văn bản gồm 1000 trang.
Một chi tiết nhỏ, nhưng đó là kiểu dàn xếp có qua có lại. Không chắc là chuyện này tô điểm thêm cho hình ảnh của một dự luật cải tổ vốn đang bị chỉ trích mạnh mẽ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171218-my-nha-trang-ky-vong-thong-qua-luat-cai-to-thue-truoc-noel