Từ đồng chí tới đồng minh
Ông Vladimir Putin nói ông quan hệ ngoại giao và cá nhân tốt với ông Tập Cận Bình
Thực tế ‘tovarisch’ có lẽ là câu nói cửa miệng của ông Putin khi đứng dưới cờ của Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1975-1991.
Nhưng khi ông gặp người tương nhiệm Tập Cận Bình, một đương kim đảng viên cộng sản, trong chuyến thăm Trung Quốc bắt đầu từ ngày mai, sẽ không có từ ‘tovarisch’ nào được thốt ra mà thay vào đó là ‘gospodin’, tức ‘ngài’.
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh dấu bước chuyển toàn diện từ đồng chí sang đồng minh chiến lược ở mức cao nhất.
Ngay trước khi lên đường sang Thượng Hải và Bắc Kinh, ông Putin nói với các đại diện truyền thông Trung Quốc và điều này được tăng tải trên trang web của Điện Kremlin.
“Thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, người bạn đáng tin cậy của chúng ta, là ưu tiên chính sách ngoại giao không điều kiện của Nga.
“Hiện tại hợp tác Nga-Trung đang tiến lên giai đoạn mới của đối tác toàn diện và liên hệ chiến lược. Sẽ không sai khi nói nó đã đạt tầm cao nhất trong cả lịch sử hàng thế kỷ nay.”
Ông Putin cũng nói thêm ông có quan hệ tốt, cả ở mức độ công việc cũng như cá nhân, với Chủ tịch Tập Cận Bình và rằng tiềm năng quan hệ Nga-Trung vẫn còn ở phía trước.
Hai nước hy vọng buôn bán song phương sẽ đạt 100 tỷ đô la trong năm tới so với mức gần 90 tỷ của năm 2013, năm Trung Quốc xuất khẩu gần 50 tỷ sang Nga trong khi nhập về chừng 40 tỷ.
Cơn khát nhiên liệu
Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc là quan hệ có nhiều điều khác biệt so với quan hệ của Trung Quốc với phương Tây do lịch sử của hai quốc gia này.
Tại Nga ứng viên Đảng Cộng sản vẫn giành được hơn 20% số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2012, nhưng ông Putin trở lại ghế tổng thống với trên 60% phiếu bầu của dân chúng.
Từ tovarisch vẫn được các đảng viên cộng sản và một phần nhỏ trong quân đội Nga sử dụng.
Và mặc dù có những lúc cho phép hàng vạn người dân Nga biểu tình phản đối chế độ, ông Putin có vẻ gần gũi hơn với ông Tập trong cách nhìn về biểu tình so với các nhà lãnh đạo phương Tây.
Ông Putin mở van khai trương đoạn đường ống trên lãnh thổ Nga trong tuyến dẫn dầu Nga-Trung hồi năm 2010
Hai bên cũng tránh chỉ trích nhau trong nhiều vấn đề mà phương Tây thường lớn tiếng trong đó có nhân quyền và cả những vấn đề quốc tế.
Khi Nga sáp nhập Crimea, Trung Quốc có thái độ lãnh đạm so với Hoa Kỳ, Anh, Pháp và một số nước khác.
Và khi Hoa Kỳ và châu Âu có vẻ phản đối Bắc Kinh mạnh mẽ hơn trong chuyện Bắc Kinh đưa giàn khoan ra Biển Đông, Nga nhỏ nhẹ hơn, một phần có lẽ vì chuyến thăm tuần này của ông Putin.
Quan hệ Nga – Trung, theo chính lời ông Putin, hiện nồng ấm hơn bất kỳ thời điểm nào, trong lịch sử hàng trăm năm qua.
“Moscow hiện đang cần tìm đối tác mới và ổn định hơn cho tài nguyên dầu khí sau khi châu Âu tỏ thái độ với họ về vấn đề Crimea.“
Trên thực tế mới chỉ cách đây 45 năm Liên Xô và Trung Quốc đã có nhiều tháng xung đột dọc biên giới mà đẫm máu nhất là tại đảo Trân Bảo trên dòng Hắc Long Giang, tiếng Nga là đảo Damanskii trên sông Ussuri.
Đảo Trân Bảo/Damanskii vẫn thuộc diện tranh chấp cho tới năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ và chỉ chính thức thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc theo một hiệp định biên giới song phương ký cách đây 10 năm.
Moscow hiện đang cần tìm đối tác mới và ổn định hơn cho tài nguyên dầu khí sau khi châu Âu tỏ thái độ với họ về vấn đề Crimea.
Bắc Kinh trong khi đó đang có cơn khát tài nguyên chưa được đáp ứng.
Ông Putin tuyên bố trước khi lên đường tới Thượng Hải rằng dự án xây dựng đường ống trị giá hơn 60 tỷ đô la để cung cấp dầu thô cho Trung Quốc đang được hoàn tất trong khi các dàn xếp về chuyện xuất khẩu khí đốt tự nhiên cũng đã bước vào giai đoạn cuối.
Dĩ nhiên ông Putin không nói gì về các hợp đồng quân sự nhưng các chuyên gia cho rằng những hợp đồng xuất khẩu vũ khí tối tân của Nga cho Trung Quốc cũng sẽ là một phần của sự trao đi đổi lại giữa hai bên.
Đúng vào thời điểm ông Putin ở thăm Trung Quốc, Bắc Kinh và Moscow cũng có tập trận chung với nhiều tàu chiến của hai bên tham gia tại Biển Hoa Đông.
Tam giác Nga-Trung-Việt
Mối quan hệ giữa Liên Xô trước đây và Nga hiện tại với Trung Quốc luôn có ảnh hưởng tới Việt Nam.
Sự chia rẽ giữa Liên Xô và Trung Quốc mà đỉnh điểm là cuộc chiến không tuyên bố giữa hai nước hồi năm 1969 đã khiến Việt Nam đi vào quỹ đạo phải chọn giữa một trong hai cường quốc này.
Nga ký hợp đồng cung cấp năm tàu ngầm kilo cho Hà Nội hồi năm 2009
Việc Hà Nội ngả hẳn vào vòng tay Moscow vào cuối thập niên 1970 là một trong những lý do khiến quan hệ Việt-Trung xấu đi trông thấy.
Nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình cho quân đội vượt qua biên giới hồi năm 1979 chỉ vài tháng sau khi Liên Xô và Việt Nam ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác.
“..Chính sách ‘làm bạn với mọi quốc gia’ của Việt Nam đang đứng trước thử thách chưa từng có khi những bạn bè truyền thống dè dặt lên tiếng về chuyện giàn khoan hiện nay của Trung Quốc. “
Sau khi Liên Xô sụp đổ, các nhà lãnh đạo Việt Nam cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc và trong những năm gần đây cũng tăng cường đáng kể quan hệ với Nga.
Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí truyền thống và ưa chuộng của Việt Nam với hai trong số năm tàu ngầm kilo mới được bàn giao hồi đầu năm nay.
Nhưng nếu Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam thì Trung Quốc vẫn là một trong những khách hàng lớn nhất của Moscow.
Việt Nam chắc chắn không còn hy vọng và ảo tưởng vào sự ủng hộ từ Nga như từng hy vọng vào Liên Xô trước đây.
Nhưng chính sách ‘làm bạn với mọi quốc gia’ của Việt Nam đang đứng trước thử thách chưa từng có khi những bạn bè truyền thống dè dặt lên tiếng về chuyện giàn khoan hiện nay của Trung Quốc