Tin Việt Nam – 16/12/2017
Formosa chỉ bị phạt hơn USD 24,000
sau gần 18 tháng chôn chất thải bất hợp pháp
Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh hôm Thứ Sáu 15/12 công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính 560 triệu đồng (hơn 24,300 Mỹ kim) đối với công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, về việc không phân định chất thải nguy hại và chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị không có giấy phép giải quyết các chất này.
Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cũng phạt công ty môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh 450 triệu đồng, tương đương gần 19,600 Mỹ kim, về hành vi chôn lấp, đổ chất thải sinh hoạt và chất thải rắn kỹ nghệ trái với quy định về bảo vệ môi trường. Theo nhà chức trách, đây là vi phạm hành chính có quy mô lớn, nhưng Fomorsa và công ty môi trường đô thị Kỳ Anh đã tự nguyện khắc phục hậu quả và “thành khẩn hối lỗi”, cho nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Hoạt động chôn chất thải bất hợp pháp của Formosa đã bị phanh phui từ tháng 7 năm 2016, tức là cách đây gần 18 tháng, nhưng bây giờ mới bị xử phạt. Theo báo mạng VnExpres, hai công ty còn được quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định xử phạt. Trong khoảng một tháng kể từ giữa tháng 7 năm 2016, người dân và giới chức tại nhiều địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh liên tiếp phát giác những hố chôn chất thải của Formosa. Chính quyền các tỉnh lân cận và thậm chí thành phố Đà Nẵng cũng ra lệnh siết chặt kiểm soát các tuyến đường vận tải để ngăn chặn việc chở lậu chất thải của Formosa vào địa phận tỉnh nhà.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/formosa-chi-bi-phat-hon-usd-24000-sau-gan-18-thang-chon-chat-thai-bat-hop-phap/
Bộ Giao Thông CSVN giảm lộ phí tại 35 trạm BOT
Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN vừa thông báo giảm lộ phí từ 10% tới 14% đối với các xe vận tải hạng nặng đi qua 35 trạm thu phí BOT.
Việc này xảy ra giữa lúc công luận trong nước đang sôi sục phản đối tình trạng các trạm thu phí mọc lên như nấm trên khắp nước, nhiều trạm thu những khoản lệ phí cao ngất ngưởng, và một số trạm được đặt tại những địa điểm vô lý. Truyền thông trong nước hôm Thứ Sáu 15/12 đưa tin Bộ Giao Thông đã duyệt xét hơn 70 dự án BOT đang hoạt động, và quyết định giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho xe loại 4 và loại 5 tại 35 dự án. Xe loại 4 gồm các xe có trọng tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet; còn xe loại 5 gồm các xe có trọng tải từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet. Xe loại 4 được giảm lộ phí 14%, từ 140,000 đồng xuống còn 120,000 đồng. Xe loại 5 được giảm lộ phí 10%, từ 200,000 đồng xuống còn 180,000 đồng.
Theo Bộ Giao Thông CSVN, có 27 dự án BOT không được giảm giá, do đang có mức lộ phí thấp hơn trung bình. Và có 11 dự án khác không được giảm giá vì có lưu lượng xe thấp hơn dự phóng.
Trong thời gian qua, người dân khắp nước phẫn nộ trước việc các trạm thu phí BOT mọc lên như nấm. Theo thống kê, chỉ riêng quốc lộ 1A đi qua 31 tỉnh thành có tới 38 trạm thu phí BOT. Để đi từ Bắc vào Nam trên quốc lộ 1A, các tài xế phải trả tổng số lộ phí lên tới gần 210 Mỹ kim.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/bo-giao-thong-csvn-giam-lo-phi-tai-35-tram-bot/
Tài phiệt Thái và Trung Quốc có quan hệ thế nào?
Vài quí vị trong giới tài phiệt hàng đầu ở Thái Lan quan tâm đầu tư ở Việt Nam có thể có ‘quan hệ, gốc rễ’ ít nhiều với Trung Quốc, nhưng qua nhiều thế hệ người Thái gốc Hoa, nay họ có thể tự làm ăn bằng đồng vốn đã tích lũy và sự thịnh vượng của mình mà không cần trợ giúp, một cựu Chủ biên Tạp chí Forbes Thái Lan.
Trao đổi với BBC Tiếng Việt tuần này, nhà báo Nopporn Wong-Anan, hiện là Trưởng ban BBC Tiếng Thái nói:
Vụ Sabeco: Tỷ phú Thái Lan ‘cần ảnh hưởng’
Bàn tròn thứ Năm: Tài phiệt Thái vào Việt Nam và sức khỏe nền kinh tế
Quân đội Thái Lan: Tiền bạc và Đảo chính
“Về bốn nhà tài phiệt đã và đang hoặc sẽ đầu tư vào Việt Nam, cũng như trong số 50 người giàu nhất trong danh sách của Forbes Thailand, Dhanin Cheravanont có mối quan hệ tốt với chính phủ Trung Quốc,” nhà báo Wong-Anan bình luận về tỷ phú đứng số một của Thái Lan, người có giá trị tài sản 21,5 tỷ đôla và nổi danh trong lĩnh vực thực phẩm từ thịt gà tới cá, hay nông nghiệp, nông sản và là người đang bỏ tiền vào thị trường thực phẩm ở Việt Nam.
“Khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, CP, được biết ở Trung Quốc là Chia Tai là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên đăng ký với chính phủ và nhận được giấy phép đầu tư nước ngoài số 001 vào năm 1979.
“Nhà tài phiệt CP gần 100 tuổi. Dhanin là thế hệ người Thái gốc Hoa thứ hai. CP đã đầu tư nhiều ở Trung Quốc, nhưng tôi không nghĩ rằng họ có các đối tác Trung Quốc trong đầu tư tại Việt Nam, một miếng ghép trong bức tranh ghép lớn hơn về việc mở rộng đầu tư toàn cầu của họ.”
‘Không cần tiền Trung Quốc’
Cổ phiếu Vietnam Airlines tăng mạnh ngày ra mắt
Hãng ‘hàng không bikini’ VietJet lên sàn
Về nhà tỷ phú thứ hai trên bảng xếp hạng của Forbes Thái Lan về 50 người giàu nhất nước này năm 2017, ông Charoen Sirivadhanabhakdhi, người có giá trị tài sản 15,4 tỷ đôla, nổi danh trong lĩnh vực đồ uống và bất động sản, người cũng đang bỏ tiền vào Việt Nam, và đang quan tâm mua một lượng tỷ lệ cổ phần lớn ở Sabeco, nhà báo Wong-Anan cho hay:
“Charoen, nhà tài phiệt hay ông trùm nắm Bia Chang, cũng là người Thái gốc Hoa thế hệ thứ hai ở Thái Lan. Ông đã tạo lập nên sự thịnh vượng và của cải của mình thông qua các nhượng quyền của chính phủ ở Thái Lan từ rượu whisky Mekong đến rượu gạo truyền thống – cả hai nhượng quyền của chính phủ, và sau đó là bia Chang.
“Ông ta giàu có đến nỗi ThaiBev đã tiếp quản một cuộc chơi lớn ở Singapore, Fraser & Neave – một tập đoàn kinh doanh bất động sản và thực phẩm cùng nước giải khát. Sự giàu có của ông không liên quan đến tiền của Trung Quốc mặc dù ông đã vay mượn từ các nhà cho vay quốc tế để mở rộng kinh doanh.”
VN cần cải tổ doanh nghiệp bằng cách nào?
Về nhà tài phiệt tọa lạc thứ ba trên ‘bảng vàng’ của Forbes Thái Lan trong năm nay, hay đúng hơn là gia đình nhà Chirathivat với 15,3 tỷ đôla tài sản và đang quan tâm đầu tư trong lĩnh vục chuỗi bán lẻ, cung cấp, siêu thị, Chủ biên BBC Tiếng Thái nói:
“Tập đoàn gia đình Central cũng đến từ Hải Nam. Nay họ đang là thế hệ thứ ba và thứ tư của người Thái gốc Hoa.
“Họ có đủ tiền mặt và sự giàu có để có thể một mình làm ăn mà không cần có tiền của Trung Quốc.”
Mời quí vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi Bàn tròn thứ Năm hôm 14/12/2017 với nhà báo Nopporn Wong-Anan bình luận thêm về dòng đầu tư của các nhà tài phiệt, tỷ phú Thái Lan vào thị trường Việt Nam.
http://www.bbc.com/vietnamese/business-42372313
TBT Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo họp Chính phủ:
Lãnh đạo toàn diện hay bước lùi của dân chủ?
Cát Linh, RFA
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ tham dự, phát biểu chỉ đạo cuộc họp trực tuyến của tập thể Chính phủ Việt Nam vào ngày 28 tháng 12 tới đây.
Hoạt động được cho là chưa có tiền lệ từ trước đến nay cho thấy gì về quyền lực của Đảng Cộng sản, là đảng cầm quyền duy nhất hiện nay ở Việt Nam?
Công khai hoá quyền lực
Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói với báo giới đây là một sự kiện rất quan trọng và chính phủ mong muốn nhận được chỉ đạo của Tổng Bí thư để tạo ra sự chuyển biến, thay đổi trong các cơ quan nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Ngay sau khi sự kiện này được truyền thông trong nước loan đi, những người quan tâm tình hình chính trị Việt Nam đều đặt câu hỏi rằng có phải rằng sự tham dự ngày càng sâu rộng của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đang thể hiện ở mức rõ nhất? Một cụm từ xuất hiện nhiều nhất ở phần bình luận trên mạng xã hội về sự việc này là “thâu tóm quyền lực.”
Cụ thể, một người có tên Hoà Nguyễn đã viết trên trang mạng của Vnexpress: “Đây là lúc để ông thâu tóm bốn đai vô địch hạng nặng gồm “Tổng bí thư; Chủ tịch nước ; Thủ tướng; Chủ tịch quốc hội” Đây mới là tiền lệ chưa từng có ở Việt Nam và trên thế giới. Một kỷ lục.”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, từ Hà Nội nhận định với chúng tôi về việc tham dự chỉ đạo của Tổng bí thư trong cuộc họp Chính phủ tháng 12 là một hình thức “công khai quyền lực độc tôn” của Đảng Cộng sản từ trước đến nay.
“Lâu nay về nguyên tắc, Đảng vẫn chỉ đạo Chính phủ làm việc này việc kia. Không có bất cứ việc gì lớn nhỏ không có ý kiến của Đảng mà có thể làm được. Hiện nay, ông ta tiến 1 bước là công khai hoá việc này.”
Lâu nay về nguyên tắc, Đảng vẫn chỉ đạo Chính phủ làm việc này việc kia. Không có bất cứ việc gì lớn nhỏ không có ý kiến của Đảng mà có thể làm được. Hiện nay, ông ta tiến 1 bước là công khai hoá việc này. – Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai
Mặt khác, cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, thực chất đó cũng là sự bất chấp luật pháp. Lý giải ý kiến này, ông nói rằng quan hệ của Đảng và Nhà nước cũng chỉ mới được xác định trong Điều 4 của Hiến pháp Việt Nam.
“Không có bất cứ luật nào qui định cho rõ quan hệ ấy nội dung thế nào, phương thức thế nào, nội dung thế nào và đặc biệt là chịu trách nhiệm thế nào về mặt pháp lý.”
“Thực chất đây là việc trắng trợn công khai hoá sự toàn trị trực tiếp lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền.”
Hiến pháp năm 1992 của nước CHXHCN Việt Nam ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc theo chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Một bước tiến hay thụt lùi?
Khi trả lời báo giới trong nước chiều ngày 14 tháng 12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng xác nhận trong một năm qua, Chính phủ đã triển khai thực hiện, cụ thể hoá nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, đạt được nhiều thành tựu đạt đáng kể.
Ông Mai Tiến Dũng còn nhấn mạnh sự có mặt của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong kỳ họp Chính phủ cuối năm sẽ “khắc phục các tồn tại, chẳng hạn như tình trạng trên nóng dưới lạnh, trên chuyển dưới không chuyển”
Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, ông nhìn nhận rằng nếu đánh giá theo đường lối của Đảng thì đó là 1 bước tiến trong phương thức chỉ đạo. Tuy nhiên, tiếp lời ông cho biết.
“Nhưng chúng tôi cho đấy là 1 bước thụt lùi của nền dân chủ.”
“Sau khi thông qua Điều 4 của Hiến Pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam nên xây dựng một đạo luật để chỉ đạo Điều 4 ấy được thực thi như thế nào. Và ai là lãnh đạo trực tiếp toàn diện nhà nước với xã hội? Điều 4 qui định Đảng lãnh đạo. Nói như thế thì tôi có thể nhảy vào chỉ đạo nhóm Nguyễn Xuân Phúc được không? Không có 1 luật nào qui định cả.”
Chính là sự tham dự của Đảng
Liên quan đến đường lối lãnh đạo và cơ cấu bộ máy nhà nước, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam cũng khẳng định cơ cấu ở Việt Nam là Đảng lãnh đạo toàn diện, trực tiếp, từ quân đội, công an đến tư tưởng.
Có ý kiến khá tích cực về vấn đề này, từ Sài Gòn, ông chia sẻ với chúng tôi việc “Tổng bí thư đến dự họp là không có vấn đề gì”
“Vì trong Hiến pháp qui định ông Chủ tịch nước được dự tất cả phiên họp của Chính phủ cũng như Thường vụ Quốc hội. Tổng bí thư ở Việt Nam chưa là Chủ tịch nước nhưng Đảng lãnh đạo toàn diện và trực tiếp thì việc tham dự là không có vấn đề gì.”
Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng mọi người bình luận khá nhiều về điều này chỉ vì “đây là điều chưa từng có tiền lệ trước nay.”
Phân tích rõ hơn, ông nói tiếp:
“Tất cả những người trong Chính phủ từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng thì hầu hết là Bộ Chính trị. Còn các Bộ trưởng đều là Uỷ viên Trung ương. Đảng chủ trì bên Bộ Chính trị thì qua bên Chính phủ chủ trì tôi cho là bình thường.”
Khác với ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng việc tham dự và chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một bước tiến nhằm tránh bệnh quan liêu.
“Cái đó cũng tốt thôi. Đảng mà không nghe trực tiếp tin tức, thảo luận thì đôi khi lại đâm ra bệnh quan liêu. Đảng sợ nhất là quan liêu và sai lầm đường lối. Tôi nghĩ cái đó không vấn đề gì. Suy cho cùng thì kỳ họp Chính phủ cũng là triển khai những nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương hoặc nghị quyết của Bộ Chính trị, rồi triển khai dưới dạng nhà nước.”
Cái đó cũng tốt thôi. Đảng mà không nghe trực tiếp tin tức, thảo luận thì đôi khi lại đâm ra bệnh quan liêu. Đảng sợ nhất là quan liêu và sai lầm đường lối. Tôi nghĩ cái đó không vấn đề gì. – Luật sư Trần Quốc Thuận
Trong hoạt động của các cơ quan nhà nước lập pháp, hành pháp, tư pháp ở Việt Nam từ trước đến nay, Tổng bí thư chỉ từng xuất hiện tại các kỳ họp của Quốc hội với tư cách chủ yếu là Đại biểu Quốc hội. Như thế, nếu ông Nguyễn Phú Trọng có mặt và chỉ đạo hội nghị của Chính phủ vào ngày 28 tháng 12, thì đây là điều chưa từng có tiền lệ.
Với những diễn tiến hiện nay ở Việt Nam, thì đây là dấu hiệu của một bước tiến nhằm tránh bệnh quan liêu như nhận xét của của Luật sư Trần Quốc Thuận hay bước thụt lùi của dân chủ theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai? Chính trường Việt Nam vẫn đang chờ câu trả lời. Và người hiện đang nắm giữ câu trả lời không ai khác hơn là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.