EU kêu gọi trừng phạt Campuchia — Thủ tướng Hun Sen thách thức Mỹ và Liên minh Châu Âu

Cac Bai Khac

No sub-categories

EU kêu gọi trừng phạt Campuchia — Thủ tướng Hun Sen thách thức Mỹ và Liên minh Châu Âu

Quốc hội châu Âu bỏ phiếu để cứu xét đình chỉ quy chế ưu đãi thương mại “Tất cả trừ vũ khí” dành cho Campuchia để tiếp cận thị trường Liên minh Châu Âu (EU). Đây là một động thái để đáp trả việc Campuchia quay trở lại với chế độ độc tài.

Quyết định này có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho Campuchia. Phân nửa lượng hàng hóa mà nước này sản xuất được xuất khẩu sang thị trường EU, chủ yếu là các mặt hàng may mặc và giày dép.

Hơn nửa triệu người Campuchia đang làm việc trong hai ngành công nghiệp này.

Trong buổi họp hôm thứ Năm, một đề nghị được chấp thuận để lên án quyết định của Phnom Penh, giải tán đảng đối lập trong nước. Các nghị sĩ EU kêu gọi Ủy viên thương mại Cecilia Malmström hãy “xem xét ngay” đặc quyền miễn thuế quan và không hạn ngạch của Campuchia đối với thị trường chung châu Âu thông qua cơ chế “Tất cả trừ vũ khí” (EAB)

Kiến nghị có đoạn viết: “… Nếu Campuchia có hành động không đúng với nghĩa vụ của mình theo quy định của EBA, thì những ưu đãi về thuế quan mà Campuchia đang được hưởng sẽ tạm thời bị thu hồi.”

Các nghị sĩ kêu gọi cơ quan hành động đối ngoại của EU lập ra một danh sách các cá nhân chịu trách nhiệm về quyết định giải tán đảng đối lập Campuchia và các vụ vi phạm nhân quyền khác, để trong tương lai có thể trừng phạt những người này, như hạn chế cấp thị thực và đóng băng tài sản.

Nhà lập pháp của EU Charles Tannock nói với quốc hội rằng việc giải tán Đảng Cứu Quốc Campuchia và tống giam ông Kem Sokha, thủ lãnh đảng này, là một “đòn giáng” lên nền dân chủ và là “động thái tiêu biểu của một bạo chúa”.

Ông Tannock nói: “Người dân Campuchia, sau chế độ diệt chủng Khmer Đỏ trong thế kỷ qua, xứng đáng được hưởng dân chủ, họ xứng đáng được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn.”

Hoa Kỳ và EU đều ngưng tài trợ cho cuộc bầu cử của Campuchia vào năm tới, trong khi Washington ghi tên hàng chục quan chức chính phủ nước này vào danh sách hạn chế thị thực như một phản ứng chống chiến dịch đàn áp phe đối lập, xã hội dân sự và truyền thông của chính phủ Campuchia hiện nay.

Thụy Điển đã đình tất cả các chương trình viện trợ mới cấp chính phủ cho Campuchia trừ giáo dục hoặc nghiên cứu.

Hôm thứ Tư (13/12), trong chuyến thăm không được thông báo tới Phnom Penh, Phó Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phụ trách khu vực Đông Nam Á Patrick Murphy nói với các phóng viên rằng Washington đang xem xét các biện pháp khác chống lại chế độ đương quyền ở Campuchia.

Tại phiên điều trần của Quốc hội để thảo luận các biện pháp chế tài hôm thứ Ba 12/12 tại Washington, nhà lập pháp Brad Sherman của đảng Dân chủ, đại diện tiểu bang California, nói Hoa Kỳ và Nhật Bản cần phối hợp hành động chống lại chế độ Hun Sen.

Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen đã gạt sang một bên những lời đe dọa của các chính phủ phương Tây sẽ trừng phạt nước ông, cho rằng các chính phủ phương Tây không còn có ảnh hưởng gì nhờ sức mạnh kinh tế đang lên và sự hào phóng của TC.

Trong một bài phát biểu hôm thứ Sáu (15/12), Hun Sen một lần nữa lên tiếng thách thức EU và Mỹ phong tỏa tài sản của các quan chức đảng ông và tuyên bố ông không có tiền ở ngoài nước.

“[Anh] không cần phải đe dọa. Hãy thực hiện đi. Nếu anh giỏi thì hãy làm điều đó đi. Hãy (xem) anh làm điều đó” Hun Sen nói.

Đề cập đến một bài viết trên tờ Bưu Điện Phnom Penh, Hun Sen nêu ra một sự thiếu hành động cụ thể từ năm nghị quyết trước đây của EU cho thấy động thái như vậy có ít tác động.

“Mặt khác, EU cần có sự nhất trí,” Hun Sen nói, ám chỉ đến yêu cầu phải có một sự thống nhất của 28 quốc gia thành viên để EU thông qua các quyết định liên quan đến các vấn đề ngoại giao.

Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmström đã không trả lời yêu cầu bình luận của VOA. Đại sứ EU tại Cambodia George Edgar cho biết trong một trả lời bằng email rằng Cơ quan Hành động Đối ngoại Châu Âu và Cao ủy châu Âu sẽ xem xét nghiêm túc các khuyến nghị trong Nghị quyết nhưng từ chối bình luận thêm.

Hun Sen cũng cho rằng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ phớt lờ luật pháp của các chính phủ của họ nếu các biện pháp trừng phạt thương mại áp đặt lên Campuchia.

“Không phải tất cả mọi người chỉ theo những gì anh muốn làm – biện pháp chế tài của anh, yêu cầu của anh,” Hun Sen nói.

Mỹ và EU chiếm phần lớn lượng xuất khẩu của Campuchia – trị giá hàng tỷ đô la – trong khi TC đang có thặng dư thương mại lớn với vương quốc nhỏ bé này.

Đầu tư của TC vào Campuchia gần đạt mức 1 tỷ USD vào năm ngoái – vượt qua tất cả các quốc gia khác – trong khi Bắc Kinh cũng cung cấp hàng trăm triệu đô la tiền viện trợ và các khoản vay giành cho cơ sở hạ tầng trị giá nhiều tỷ đô la. Hơn 60% các nhà máy may mặc của Campuchia thuộc sở hữu của TC.

Chiến dịch đàn áp kéo dài của Hun Sen đối với các lãnh đạo đối lập được hậu thuẫn bằng những cáo buộc rằng họ đã âm mưu với Mỹ để lật đổ ông ta trong một cuộc cách mạng màu.

Thủ tướng Campuchia đã không đưa ra được bằng chứng đáng tin cậy nào để củng cố thuyết âm mưu này và các nhà quan sát nói chế độ của ông đã tiêu diệt đối thủ trước kỳ bầu cửa vì họ hoảng sợ trước các kết quả thăm dò tốt của đảng đối lập CNPR trong 2 cuộc trưng cầu trước đây. – Theo VOA

***

Thủ tướng Campuchia, Hun Sen hôm thứ Sáu 15 tháng 12 nói với một nhóm vận động viên tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia rằng ông thách Liên minh Châu Âu (EU) và Hoa Kỳ đóng băng tài sản của các nhà lãnh đạo Campuchia ở nước ngoài.

Hun Sen nói thêm là không có tiền ở nước ngoài và bất kỳ hành động nào của EU và Mỹ sẽ không làm hại ông.

Thách thức này được cho là để phản ứng lại những quyết định cứng rắn của Hoa Kỳ và EU trước việc chính phủ Phnom Penh đàn áp đối lập, những hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự và truyền thông.

Hiện tại cả Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu đều chưa có bản đề nghị về phương án đóng băng tài sản các nhà lãnh đạo Campuchia ở nước ngoài. Ý tưởng này do một số nhà lập pháp đề ra.

Đại sứ quán Hoa Kỳ hiện không đưa ra bình luận về lời thách thức của Thủ tướng Hun Sen. Đại sứ EU George Edgar vào hôm thứ Sáu cũng cho biết khối EU chưa có quyết định về những bước tiếp theo của biện pháp phong toả tài sản.

Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã cắt kinh phí cho cuộc bầu cử 2018 ở Campuchia. Một động thái khác nữa là đầu tháng 12, Chính phủ Hoa Kỳ quyết định không cho một số viên chức Cambodia nhập cảnh vào Mỹ, để phản đối việc Phnom Penh đàn áp đối lập và báo chí. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rõ dây là phản ứng trực tiếp của Washington trước những hành động chính phủ Mỹ gọi là “phản dân chủ” của chính quyền Phnom Penh. – Theo RFA