Carlsberg gần đạt thỏa thuận mua cổ phần Habeco tại Việt Nam — Vụ bán cổ phần Sabeco có diễn biến mới
Nhà sản xuất bia Đan Mạch Carlsberg có nhiều triển vọng đạt thỏa thuận với chính phủ Việt Nam để mua thêm cổ phần công ty Habeco, một trong những nhà sản xuất bia lớn nhất của Việt Nam.
Theo hãng tin Reuters, Việt Nam là một trong những thị trường bia hấp dẫn nhất thế giới và lớn nhất Đông Nam Á, nhờ những yếu tố như dân số trẻ với sức tiêu thụ gần 4 tỷ lít hồi năm ngoái. Chính phủ Việt Nam muốn thoái vốn toàn bộ cổ phần của công ty Habeco và của Sabeco, một đối thủ của Habeco.
Carlsberg, hiện đã sở hữu 17,3% cổ phần của Habeco, trong nhiều năm đã điều đình với chính phủ Việt Nam về quyền mua cổ phần ưu tiên.
Một phát ngôn viên của công ty Carlsberg nói: “Carlsberg, Chính phủ Việt Nam và Habeco đã đạt được một sự hiểu biết chung về một số vấn đề trong quá trình đàm phán, chúng tôi hy vọng sự hiểu biết này sẽ thúc đẩy tiến trình mua cổ phần.”
Người phát ngôn của Carlsberg nói thêm rằng Carlsberg thừa nhận nghĩa vụ lâu dài với Việt Nam liên quan tới Habeco, nhãn hiệu bia lâu đời nhất tại Hà Nội.
Vào tháng trước, Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ hoàn tất việc bán cổ phần Habeco vào quý I năm 2018. – VOA
***
Một công ty thuộc tập đoàn của Thái Lan đăng ký mua 51% cổ phần của Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Công ty TNHH Vietnam Beverage đã đăng ký mua 327.053.405 cổ phần, tương đương 51% vốn điều lệ của Sabeco, theo một thông báo của Bộ Công thương Việt Nam.
Vietnam Beverage là công ty mới thành lập gần đây và được sở hữu 100% bởi Công ty cổ phần Đầu tư F&B Alliance Việt Nam.
Công ty Beerco Limited, được sở hữu 100% bởi tập đoàn bia rượu Thái Lan Thai Beverage, đang sở hữu 49% F&B Alliance Việt Nam.
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi.
Như vậy theo cấu trúc vốn sở hữu này thì Vietnam Beverage là công ty Việt Nam về tư cách pháp nhân nhưng thuộc về Thai Beverage, do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm.
Việc Vietnam Beverage tỏ ý muốn mua 51% cổ phần cũng cho thấy điều này.
Công ty TNHH Vietnam Beverage được thành lập ngày 6/10/2017 với số vốn 682 tỉ đồng.
Công ty này nằm trong một con ngõ của khu tập thể 16A Lý Nam Đế, Hà Nội và là nhà riêng của Tổng giám đốc Trần Kim Nga, theo truyền thông trong nước.
Báo Vietnamfinance.vn thuộc Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hôm 12/12 có bài ‘Đi đường vòng thâu tóm Sabeco, người Thái đang toan tính gì?‘ mô tả Thai Beverage mới chỉ mua lại 49% cổ phần F&B Alliance Việt Nam chỉ với vỏn vẹn… 4.321 USD (gần 100 triệu đồng) vào cuối tháng 11/2017 vừa qua.
“Có thể thấy rõ ràng đằng sau sự sở hữu “lòng vòng” ấy là bóng dáng của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi,” bài báo viết.
Bài này này mô tả ông Charoen Sirivadhanabhakdi đã từng “thâu tóm” thành công Phú Thái Group (một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng) từ năm 2013 và Hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam hồi năm 2015 (nay là MM Market); hiện cũng đang sở hữu 19% vốn của Vinamilk và một loạt chuỗi các cửa hàng B’s mart tại Việt Nam…
Tại Thái Lan, tập đoàn của ông sở hữu thương hiệu bia Chang nổi tiếng.
Từ hơn 10 năm trước, hồi giữa năm 2006, Thai Beverage, chủ của nhãn hiệu bia này đã lên niêm yết tại thị trường chứng khoán Singapore.
Công ty này cũng công bố lãi ròng của Chang Beer vào thời điểm 30/05/2006 tăng 2,29 tỷ baht, bằng 63 triệu USD, theo AFP.
Bộ Công Thương mới đây nói sẽ chào bán 343.662.587 cổ phần – tương ứng 53,59% vốn điều lệ của Sabeco.
Công ty nước ngoài trong đợt này bị khống chế chỉ được mua cổ phần tương đương 38,59% vốn điều lệ Sabeco, theo Bộ Công Thương vì trên thực tế nhà đầu tư nước ngoài đang nắm cổ phần tương đương khoảng hơn 10% vốn điều lệ Sabeco.
Chưa rõ vì sao Vietnam Beverage chỉ trong một thời gian rất ngắn đề nghị mua hơn gấp đôi số cổ phần tại Sabeco so với đề xuất ban đầu (từ 25% lên 51%).
Hãng thông tấn Reuters vào đầu tuần này nói “Việc thiếu vắng quyền kiểm soát [cổ phần] và cách bán cổ phần không bài bản khiến một số nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng không muốn mua”.
Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có bài mô tả về những “bất cập” như việc cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư ngoại.
“Mặc dù việc bán cổ phần tại Sabeco đã được biết đến từ lâu, song những chi tiết về quy mô, giá cả của đợt thoái vốn chỉ được công bố vào tuần cuối của tháng 11. Điều đó đồng nghĩa những nhà đầu tư thực sự quan tâm sẽ chỉ có ba tuần để chuẩn bị hồ sơ giấy tờ, hoàn thành các thủ tục liên quan và thu xếp tiền đặt cọc, mở tài khoản….”
Lại cần công an?
Bộ Công Thương mới đây phải nhờ tới Bộ Công an để giám sát quá trình cổ phần hoá Sabeco.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng được Dân Trí dẫn lời nói “không chỉ có Bộ Công an, chúng tôi cũng cần các cơ quan liên quan như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tham gia giám sát chặt chẽ để không để xảy ra sai sót, vi phạm gì hay có hành vi thao túng trong quá trình thoái vốn, cổ phần hóa Sabeco”.
Website Bộ Công thương nói quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần của Bộ Công Thương tại Sabeco quy định “nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai theo Luật Chứng khoán phải thực hiện báo cáo Ban tổ chức Chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước khi thực hiện 7 ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua, và đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Ngày 17/12 là hạn chót để các bên tham giá đấu giá đăng ký với Ban tổ chức đấu giá Sabeco. – BBC