TBT csvn Trọng sẽ dự họp và ‘chỉ đạo chính phủ’
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Thủ tướng csvn Nguyễn Xuân Phúc mời dự, phát biểu chỉ đạo cuộc họp chính phủ tháng 12.
Đây sẽ là lần đầu tiên Trọng dự cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các tỉnh, thành.
‘Mong nhận được chỉ đạo’
Chủ nhiệm, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói với VTC News rằng Chính phủ đang chờ lịch cụ thể của Tổng Bí thư.
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có trân trọng mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự cuộc họp Chính phủ cuối tháng 12”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng xác nhận.
Bộ trưởng csvn Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “Tổng Bí thư dành thời gian quan tâm đến cuộc họp Chính phủ tháng 12 thì đó là một sự kiện rất quan trọng.”
Mai Tiến Dũng nói chính phủ mong muốn nhận được chỉ đạo của Tổng Bí thư.
“Chính phủ rất mong muốn nhận được những chỉ đạo của Tổng Bí thư để tạo ra sự chuyển biến, thay đổi trong các cơ quan nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.”
Dũng cũng thông tin phiên họp Chính phủ tháng 12 sẽ được tổ chức công khai, mời rộng rãi các cơ quan báo chí cùng tham dự.
Sự kiện này không tránh khỏi tạo nên bình luận về quyền lực dường như ngày càng tăng của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ sau khi được bầu lại tại Đại hội Đảng 12 năm 2016, Trọng đã rất nổi bật với các quyết định về nhân sự và chống tham nhũng.
Mới nhất, cựu ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng bị khởi tố và bắt tạm giam – sự kiện chưa từng có tiền lệ.
Khác với thường lệ
Theo nguyên tắc tổ chức và điều hành quốc gia ở nhiều nơi trên thế giới, các nước theo chế độ tổng thống chế (Hoa Kỳ, Philippines, Indonesia) thì tổng thống cũng là ‘người đứng đầu chính phủ’.
Ở cương vị này, tổng thống Donald Trump ở Mỹ, điều hành cuộc họp nội các và giao việc cho các bộ trưởng.
Ở Nam Hàn, thủ tướng với chức danh chính thức là ‘tổng lý quốc vụ’ thực ra chỉ là trợ lý hành pháp cho tổng thống, người đứng đầu chính phủ (head of government).
Ngược lại, ở các nước có là thể chế quân chủ như Anh, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Nhật Bản thì Quốc vương chỉ có vai trò tượng trưng và Thủ tướng là người điều hành chỉ đạo mọi công việc của nhà nước.
Nhưng ở các nước có cả hai chức danh thủ tướng và tổng thống thì nguyên thủ quốc gia không chủ trì họp chính phủ vì đó là việc của thủ tướng.
Việc nguyên thủ quốc gia chủ trì cuộc họp của chính phủ không phải là chuyện bình thường ở quốc gia vẫn có chức danh Thủ tướng.
Thường thì Tổng thống chỉ chủ trì họp chính phủ khi có sự kiện gì đặc biệt hoặc muốn giám sát công việc của nội các.
Ví dụ như ở Liên bang Nga, việc này phải được thông báo trên trang web của Điện Kremlin.
Một thông báo như thế, nói cụ thể về ngày 19/07/2017 rằng “Trong ngày này Tổng thống sẽ chủ trì cuộc họp của chính phủ về vấn đề đưa công nghệ thông tin vào dịch vụ y tế và thuốc men.”
Cũng tương tự, hồi tháng 2/2016, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoaan đã chủ trì cuộc họp của chính phủ hôm 22/02, vài ngày sau vụ đánh bom 17/02 ở Ankara, làm chết 28 người.
Tuy thế, các báo thuộc phái tự do ở Thổ Nhĩ Kỳ phê phán rằng ông Erdogan lấn quyền của Thủ tướng Ahmet Davutoğlu, và là dấu hiệu “cầm quyền độc đoán”.
Cả hai Tổng thống tiền nhiệm ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ahmet Necdet Sezer và Abdullah Gül -đều chưa hề chủ trì họp của chính phủ.
Riêng tại một số quốc gia còn lại theo mô hình có một đảng cộng sản lãnh đạo, báo chí quốc tế chú ý đến một xu hướng như ở TC là Tập Cận Bình trở thành ‘chủ tịch của đủ mọi thứ’.
Theo New York Times, Tập ngoài ba chức to nhất là Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, còn nắm hơn 10 chức vụ, gồm cả chủ tịch nhóm công tác về an toàn mạng internet, ban điều hành về Đài Loan…
Trang The Economist thì trích lời nhà nghiên cứu Úc, Geremie Barmé, nói một cách hình ảnh rằng Tập không còn là CEO của China Inc. mà là COE, ‘chairman of everything’ (chủ tịch của tất cả mọi thứ).
Còn tại Việt Nam, Đảng Cộng sản đang ngày càng đi vào giám sát và chỉ đạo trực tiếp hoạt động của bộ máy.
Một bài trên Tạp chí Cộng sản (12/09/2017) nói rằng “nhiều nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao đột xuất với yêu cầu ngày càng cao, phải hoàn thành trong thời gian ngắn, có tác động cả hệ thống chính trị”.
Vì thế, không cần phải chờ đến các hội nghị trung ương hay Đại hội Đảng CSVN tới mà ngay bây giờ, các cấp cao nhất của đảng này đang “kiểm tra, giám sát; chỉ đạo, theo dõi và tham mưu” một cách toàn diện bộ máy chính quyền ở Việt Nam. – Theo BBC