Ai chống lưng cho ‘củi tươi’ Đinh La Thăng?
Tư Ngộ
12-12-2017
Cả hai anh em ông Đinh La Thăng từ những ngày huy hoàng quyền thế bây giờ đang cùng ở trong nhà giam B14 lạnh lẽo của Bộ Công An ở huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Năm ngoái, trước và sau khi ông Trịnh Xuân Thanh, chủ tịch Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí (PVC) một công ty con của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (Petro Vietnam – PVN) bỏ trốn ra nước ngoài, đã thấy báo chí trong nước lai rai nhiều bài viết về những dự án ngàn tỉ đồng của tập đoàn PVN hoặc thua lỗ, hoặc phải “đắp chiếu” từ khi còn xây dựng dang dở.
Những dự án đó bị cáo buộc là “di sản” của ông Đinh La Thăng từ thời ông làm chủ tịch PVN giai đoạn 2006-2011 trước khi được “điều” lên ghế bộ trưởng Giao Thông Vận Tải. Thua lỗ thất thoát vì lươn lẹo tư túi, đầu tư sai, không hiểu biết cả về kỹ thuật chuyên môn và thị trường dẫn đến thất thoát hàng chục ngàn tỉ đồng.
Hệ quả từ vụ điều tra sự thất thoát tiền bạc tại PVC đưa một số chức sắc cầm đầu vào B14 và các cuộc điều tra về mất trắng 800 tỉ đồng khi đổ tiền mua 20% cổ phần (trái quy định) ngân hàng Đại Dương, khiến Tháng Tư năm 2017, báo chí trong nước loan báo ông Đinh La Thăng (khi đó đang là bí thư Thành Ủy Sài Gòn) bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng CSVN kể tội và đề nghị Bộ Chính Trị, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng “xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng theo thẩm quyền.”
Trong bản báo cáo của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng CSVN đề nghị kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng về những tội trong thời kỳ là chủ tịch Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam, ông bị cáo buộc “thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức đảng, đảng viên; không kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với nhiều cán bộ, lãnh đạo đơn vị trực thuộc tập đoàn có vi phạm, khuyết điểm để các đơn vị hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nhiều năm vẫn được tập đoàn điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, có trường hợp điều động, bổ nhiệm chức vụ cao hơn; để nhiều cán bộ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và pháp luật nhà nước, bị khai trừ ra khỏi đảng và xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn. Chấp hành không nghiêm ý kiến chỉ đạo của thủ tướng chính phủ trong việc kiểm điểm trách nhiệm để Tổng Công Ty Cổ Phần Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC) thua lỗ nghiêm trọng.”
Ông bị buộc tội làm ngược luật lệ cũng như chỉ đạo của chính phủ dẫn đến ban tổng giám đốc tập đoàn và các tổng công ty thành viên “quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật.”
Một số chức sắc khác của PVN hoặc dưới quyền ông hoặc thay ông cầm đầu PVN cũng bị hài tội trong báo cáo vừa kể trên như Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Sơn, Đỗ Văn Hậu, Phùng Đình Thực.
Ông Sơn đã bị kêu án tử hình, ông Khánh đã bị bắt, hai ông Hậu và Thực thì mới đây báo chí trong nước phải cải chính cái tin các ông bị bắt giam.
Ít nhất có 24 lãnh đạo hàng đầu của PVN cùng các công ty con đã bị khởi tố, trong đó 18 người dính đến vụ Trịnh Xuân Thanh và tổng công ty PVC, có 5 người dính đến đầu tư vào Ocean Bank.
Khi bắt giam ông Đinh La Thăng ngày 8 Tháng Muời Hai vừa qua, người ta chỉ thấy ông bị cáo buộc “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng.”
Hai tội chính yếu được nêu ra để bắt giam ông Thăng liên quan để vụ PVN góp vốn trái quy định 800 tỉ đồng vào Ocean Bank và dự án xây dựng nhiệt điện Thái Bình II.
Các bản liệt kê tội trạng liên quan đến các quyết định “vượt thẩm quyền” của ông Đinh La Thăng dẫn đến thua lỗ nghiêm trọng của nhiều công ty lớn nhỏ của PVN khá dài khi ông còn quyền sinh sát trong tay.
‘Vùng cấm’ hay ‘không vùng cấm’
Sau khi ông Thăng bị đẩy ra khỏi Bộ Chính Trị, mất ghế bí thư Thành Ủy Sài Gòn, về ngồi chơi xơi nước tại Ban Kinh Tế Trung Ương của đảng, rồi sau cùng là vào trại giam B14, báo chí trong nước phụ họa vuốt đuôi với lời ca ngợi chống tham nhũng tại Việt Nam “không có vùng cấm.”
Chống tham nhũng tại Việt Nam có “vùng cấm” hay không là một đề tài rất đáng bàn nhưng không phải chủ đề nội dung bài viết này.
Khi ông Đinh La Thăng còn quyền sinh sát tại PVN, thời gian này ông Phạm Thanh Bình, sếp chúa của Vinashin, cũng lợi dụng quyền hành, làm bậy, đẩy “quả đấm thép” Vinashin xuống đất đen. Ông Bình bị kết án 20 năm tù. Mấy năm sau, Dương Chí Dũng, kẻ cầu đầu tổng công ty tàu thủy Vinalines bị kết án tử hình cũng cái tội “cố ý làm trái,” thêm cái tội tư túi.
Nhiều người từng đặt dấu hỏi là, từng bị cáo buộc những tội nghiêm trọng như ông Đinh La Thăng, gần chục năm trước, sao không có cuộc điều tra, thanh tra, kiểm toán nào được công bố những năm trước? Guồng máy đảng và nhà nước CSVN từ trên xuống dưới chi chít những phòng sở thanh tra, kiểm tra mà trên lý thuyết khó lòng xảy ra tham nhũng hay lạm dụng quyền lực. Trái lại, Việt Nam được liệt vào số những nước tham nhũng nặng trên thế giới.
Nhiều hơn một lần, người ta thấy có những bài viết nói nếu không có người “chống lưng,” ông Đinh La Thăng không thể thong dong đến tuần qua mới bị bắt. Phần lớn các đại gia quốc doanh đều là các công ty trực thuộc một số bộ như Bộ Công Thương, Bộ Xây Dựng, Bộ Giao Thông Vận Tải. Ngồi trên đầu các công ty này là ông thủ tướng. Như vậy, người chịu trách nhiệm trên cùng là ông thủ tướng, gật hay lắc là quyền ông thủ tướng. Vậy ông là ô dù cao nhất trong hệ thống cầm quyền, ban ân huệ hay không là của ông.
Nhưng cái ông “chủ lò” có dám đi đến cùng của trò “không có vùng cấm” hay không, hiện giờ, chưa thấy có dấu hiệu gì. Nó không phải là chuyện dễ làm của cái đảng có nhiều phe cánh “lợi ích nhóm.”
Nếu cuộc đấu đá nhiều kịch tính của cái đại hội đảng đầu năm 2016 mà “Ba Ếch” lại trúng cái ghế tổng bí thư, ông “chủ lò” giờ này đang ngồi đuổi ruồi đâu đó, còn mấy đám “củi tươi,” “củi khô” lớn nhỏ có thể số phận đã khác. (TN)