Bắt Đinh La Thăng: Kịch bản tháng Tư tái hiện
Kịch bản tháng Tư đã tái hiện. |
Theo nhận định của một số nhà quan sát chính trị, đáng lý ra Đinh La Thăng đã bị “trảm” tại Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền diễn ra vào đầu tháng 10/2017. Tuy nhiên trong hội nghị chính trị này, hiện tượng đáng ngạc nhiên là Tổng bí thư Trọng không một lần “điểm danh” Đinh La Thăng, mà chỉ “diệt ruồi” bí thư thành ủy Đà Nẵng là Nguyễn Xuân Anh.
Tuy vậy, rõ ràng ông Trọng không hề quên chuyện cũ. Nếu sau chỉ đạo của Tổng bí thư Trọng đưa ra xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh và Hà Văn Thắm giai đoạn 2, một số người vẫn cho rằng ý chỉ của tổng bí thư chỉ muốn xử” những quan chức bậc trung của PVN (Tập đoàn Dầu khí quốc gia) chứ không hẳn là Đinh La Thăng, thì khi một số tờ báo “dạo nhạc” với vụ 800 tỷ đồng mà PVN gửi vào OceanBank cùng trách nhiệm của ông Thăng, nhiều người đang hình dung ra một kết cục “xử Thanh trước, Thăng sau” và sẽ không còn tư thế “tại ngoại” dành cho Đinh La Thăng.
Vào ngày 25/11/2017, trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư Trọng đã bất ngờ chỉ đạo khẩn trương đưa vụ Trịnh Xuân Thanh và giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm ra xét xử vào tháng 1 và tháng 2 năm 2018.
“Giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm” lại liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của Đinh La Thăng. Bởi ngay sau khi Hà Văn Thắm của OceanBank bị Viện Kiểm sát đề nghị án chung thân, còn Nguyễn Xuân Sơn của Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu còn nặng hơn – tử hình, Hội đồng xét xử đã trực chỉ Đinh La Thăng với yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ vụ 800 tỷ đồng của PVN gửi vào Ngân hàng Đại Dương của Hà Văn Thắm…
Ngày 8/12/2017, tức khoảng hai tuần sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, số phận của Đinh La Thăng đã được định đoạt.
Một khả năng lớn có thể đã xảy ra là “sáng quyết, chiều loại”. Tức vào buổi sáng ngày 8/12, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Trọng để quyết định về số phận ông Đinh La Thăng theo tinh thần “cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp” (như một phát ngôn của Tổng bí thư Trọng), để đến buổi chiều cùng ngày Ủy ban Thường vụ quốc hội lập tức nhóm họp và chấm dứt luôn tư cách đại biểu quốc hội của ông Thăng.
Theo thông lệ chính trị ở Việt Nam, một khi không còn là đại biểu quốc hội, bất cứ ai cũng có thể bị công an khởi tố và bắt giam.
Trường hợp một đại biểu quốc hội gần nhất bị Ủy ban thường vụ quốc hội tước quyền “bất khả xâm phạm” và bị công an khởi tố bắt giam là bà Châu Thị Thu Nga. Vụ việc này xảy ra vào năm 2015. Trước đó, bà Thu Nga còn “chạy” ghế đại biểu quốc hội đến 30 tỷ đồng.
Kịch bản tháng Tư cũng lặp lại ở một điểm khác: báo Tuổi Trẻ.
Ngày 8/12/2017, Tuổi Trẻ – tờ báo thuộc Thành đoàn TNCS và từng thuộc quyền chỉ đạo của Đinh La Thăng, đã đăng tin “Cho thôi đại biểu quốc hội đối với ông Đinh La Thăng”.
Đây cũng là lần đầu tiên Tuổi Trẻ nói rõ: “Cơ quan cảnh sát điều tra và cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra 2 vụ án liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng.
Vào cuối tháng Tư năm 2017, Tuổi Trẻ cũng là một trong những tờ báo tiên phong trong việc đăng tin tức về kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng đối với ông Đinh La Thăng, mở màn cho chiến dịch hất ông Thăng khỏi Bộ Chính trị chỉ hai tuần sau đó.
Đáng chú ý là trong bản tin ngày 8/12, Tuổi Trẻ còn đăng cả tiểu sử Đinh La Thăng. Như một “cáo phó”.
“Cáo phó” của báo Tuổi Trẻ dành cho ông Đinh La Thăng. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Thiền Lâm