Tin khắp nơi – 04/12/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 04/12/2017

Hoa Kỳ, Hàn Quốc diễn tập không quân lớn nhất

Hoa Kỳ và Nam Hàn hôm thứ hai ngày 4/12 đã bắt đầu tiến hành một  cuộc tập trận trên không kéo dài 5 ngày giữa hai bên lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của 230 chiếc máy bay và hàng chục ngàn binh lính. Không quân Nam Hàn cho biết tin này hôm nay.

Đây là cuộc tập trận có tên Vigilant Ace được tiến hành hàng năm. Cuộc tập trận diễn ra chỉ 5 ngày sau khi Bắc Hàn bắn thử tên lửa liên lục địa ICBM được cho là có thể bay đến lãnh thổ Hoa Kỳ.

Tham gia tập trận lần này có chiến đấu cơ tàng hình F 22 Raptor, và chiến đấu cơ F 35.

Ngoài ra, truyền thông Nam hàn cho biết máy bay ném bom B-1B Lancer cũng có thể tham gia tập trận trong tuần này. Tuy nhiên người phát ngôn của Không quân Mỹ không xác nhận tin này.

Có khoảng 12.000 lính Mỹ bao gồm Hải quân và Thủy quân lục chiến sẽ tham gia tập trận cùng lính Nam Hàn. Các máy bay sẽ bay đến tập trận từ 8 căn cứ quân sự của Mỹ và Nam Hàn.

Bình Nhưỡng hồi cuối tuần qua đã lên tiếng chỉ trích cuộc tập trận, và gọi đây là hành động kêu gọi một cuộc chiến hạt nhân.

Ủy ban Thống nhất Hòa bình của Bắc Hàn hôm chủ nhật ngày 3/12 nói Tổng thống Mỹ Donald Trump là bị thần kinh và cho rằng cuộc tập trận sẽ đẩy tình hình vốn đã căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đến bờ vực của chiến tranh hạt nhân.

Trong khi đó, tại Mỹ, Thượng Nghị sĩ Lindsey Graham thuộc đảng Cộng Hòa cảnh báo nước Mỹ đang tiến gần hơn tới một cuộc chiến phòng vệ trước đối với Bắc Hàn. Ông cảnh báo nếu Bắc Hàn tiến hành một cuộc thử hạt nhân dưới đất thì mọi người cần phải sẵn sàng cho một đáp trả nghiêm trọng từ phía Mỹ.

Kể từ năm 2006 đến nay, Bắc Hàn đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân. Vụ gần đây nhất là vào tháng 9 vừa qua.

Trong khi đó, từ Trung Quốc, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Vương Nghị nói thật đáng tiếc là các bên đã không nắm lấy cơ hội hai tháng yên tĩnh vừa qua trước khi Bắc Hàn bắn thử tên lửa. Trung Quốc phản đối bất cứ hành động nào gây thêm căng thẳng.

Cả Nga và Trung Quốc trước đó đều đề nghị Mỹ và Nam Hàn nên ngưng các cuộc tập trận để đổi lấy việc Bắc Hàn ngưng chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa nhưng Hoa Kỳ đã từ chối.

Nhật gọi việc Bắc Hàn thử nghiệm hỏa tiễn là nguy cơ sắp đến

Cũng vào hôm thứ Hai, ngày 4 tháng 12, Quốc Hội Nhật Bản lên tiếng các cuộc phóng thử nghiệm tên lửa của Bắc Hàn là một “mối đe dọa nguy hiểm sắp đến” cho Nhật. Thủ tướng Shinzo Abe cũng nói rằng đàm phán với Bình Nhưỡng là điều vô nghĩa.

Quốc Hội Nhật Bản nhất trí thông qua nghị quyết phản đối Bắc Hàn phóng thử nghiệm tên lửa đạo đạo xuyên lục địa hồi tuần trước và đã rơi xuống vùng biển thuộc khu đặc quyền kinh tế của Nhật.

Trong nghị quyết đưa ra, Quốc Hội Nhật Bản nêu rõ việc phóng tên lửa mới nhất của Bắc Hàn cho thấy Bình Nhưỡng quyết tâm tiếp tục các chương trình hạt nhân và tên lửa, tạo ra “một mối đe doạ nguy hiểm chưa từng có và sắp xảy ra đối với sự an toàn của khu vực, bao gồm cả Nhật Bản”. Nghị quyết nhấn mạnh rằng “Đây là một thách thức trước mắt đối với cộng đồng quốc tế mà không được dung thứ”.

Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố trước Quốc Hội Nhật Bản rằng đối thoại cho sự thay đổi là đối thoại vô nghĩa. Ông Abe nói thêm rằng Nhật Bản cần cương quyết trong chính sách ngoại giao để gây áp lực lên Bắc Hàn thay đổi chính sách về hạt nhân và tên lửa.

Hồi tuần trước, Hoa Kỳ cũng kêu gọi các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc từ bỏ mối quan hệ với Bắc Hàn để gây áp lực đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, lời kêu gọi này đã không thuyết phục được Nga và Trung Quốc.

Đội bay Cathay Pacific nói thấy tên lửa Bắc Hàn

Hãng hàng không Cathay Pacific của Hồng Kông cho biết nhân viên phi hành đoàn trện một chuyến bay của hãng này thấy điều mà họ tin là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Bắc Hàn được phóng thử nghiệm hồi tuần trước khi máy bay đang trên đường bay tới Hoa Kỳ.

Hãng thông tấn AFP loan tin vừa nêu, dẫn nguồn từ một thông báo của Cathay Pacific phổ biến vào hôm thứ Hai, ngày 4 tháng 12.

Trong thông báo được trích dẫn, Cathay Pacific cho biết một phi hành đoàn vào hôm thứ Tư, ngày 29 tháng 11 cho là đã nhìn thấy tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Bắc Hàn phóng lên.

Thông báo không cho biết địa điểm nhìn thấy, nhưng nêu rõ phi hành đoàn của chuyến bay CX893 đang trên đường bay từ Hồng Kông đến San Francisco, Hoa Kỳ đã thông báo cho cơ quan điều khiển không lưu của Nhật Bản rằng “đang theo đúng hành trình” và tiếp tục hành trình như thường lệ.

Tờ South China Morning Post trích lời của Tổng Giám đốc Cathay Pacific nói với nhân viên là phi hành đoàn mô tả nhìn thấy tên lửa “nổ tung và vỡ vụn”, đồng thời còn có một chuyến bay khác từ Hồng Kông đến Mexico, chỉ cách tên lửa vài trăm dặm.

Thông báo của Cathay Pacific cho biết không có chuyến bay nào thay đổi hướng bay vì cách xa địa điểm của tên lửa.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-south-korea-begin-largest-ever-joint-air-drill-12042017090618.html

 

Jordan kêu gọi Mỹ không công nhận Jerusalem là thủ đô Israel

Ngoại trưởng Jordan cảnh báo Hoa Kỳ về “hậu quả nguy hiểm” nếu công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Ông Ayman Safadi cho biết ông nói với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson một tuyên bố như vậy sẽ gây giận dữ trong thế giới Ảrập và Hồi giáo.

Đang có thêm suy đoán là Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thông báo động thái này sớm như là cách thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử.

Netanyahu lên án diễn văn của Kerry

Israel thông qua luật về khu định cư Bờ Tây

Israel chỉ trích nghị quyết của LHQ

Jared Kushner, con rể của ông Trump, cho biết chưa có quyết định nào được đưa ra.

Ông Safadi viết trên Twitter: “Trao đổi với # Ngoại trưởng Tillerson về những hậu quả nguy hiểm khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Quyết định như vậy sẽ gây giận dữ khắp thế giới #Arab #Hồi giáo, căng thẳng về nhiên liệu và gây tổn hại cho các nỗ lực hòa bình.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chưa có phản hồi.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đang cố gắng tập hợp sự hỗ trợ quốc tế để thuyết phục ông Trump không đưa ra tuyên bố này.

Trump ký ‘thỏa thuận tỷ đô’ với Saudi Arabia

Trump: Mỹ phải đứng đầu quyền lực hạt nhân

Mỹ rút lui do Unesco ‘thành kiến với Israel’

Hạt nhân Bắc Hàn: giải pháp mới

Văn phòng của ông nói ông đã điện đàm hôm 3/12 với các nhà lãnh đạo gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Ông muốn “giải thích về sự nguy hiểm của bất cứ quyết định nào để dời Đại sứ quán Hoa Kỳ tới Jerusalem hoặc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel”, cố vấn của ông Abbas, Majdi al-Khalidi nói với AFP.

Các nhà lãnh đạo Palestine trước đây đã cảnh báo hành động này sẽ đe dọa giải pháp ‘hai nhà nước’.

Israel chiếm Đông Jerusalem kể từ cuộc chiến Trung Đông năm 1967. Họ sáp nhập khu vực này vào năm 1980 và coi đó như là khu vực do họ độc quyền kiểm soát. Theo luật pháp quốc tế, khu vực này được coi là lãnh thổ chiếm đóng.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-42212948

 

Người Mỹ gốc Việt ‘nhận tội’ giữ tài liệu tối mật tại nhà

Một cựu nhân viên của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) mới đây đã nhận tội giữ các tài liệu quốc phòng tối mật của Hoa Kỳ tại nhà.

AP dẫn lời các quan chức thực thi pháp luật liên bang nói rằng ông Nghia Hoang Pho, 67 tuổi, từ tiểu bang Maryland, thừa nhận rằng từ năm 2010 tới tháng Ba năm 2015, ông Pho đã lấy và giữ ở nhà các bản sao chép tài liệu bằng văn bản và tài liệu số các hồ sơ của chính phủ Mỹ, trong đó có các thông tin quốc phòng.

Hãng tin này dẫn lời ông Robert Bonsib, luật sư của ông Pho, nói rằng tội danh trên có thể chịu án tối đa là 10 năm tù giam và ba năm quản chế, nhưng các công tố viên đề nghị án 8 năm tù giam.

Ông Pho, vốn sinh ra ở Việt Nam và hiện có quốc tịch Mỹ, đang được tự do để chuẩn bị chờ kết án, dự kiến sẽ vào ngày 6/4.

Kể từ tháng Tư năm 2006, ông Pho đã làm việc tại bộ phận hoạt động mạng của NSA.

Trong khi đó, tờ The New York Times dẫn các quan chức chính phủ không nêu tên nói rằng ông Pho mang tài liệu mật về nhà để viết lại sơ yếu lý lịch.

Họ cũng nói với tờ nhật báo này rằng máy tính tại nhà của ông Pho sử dụng phần mềm chống virus của một công ty phần mềm hàng đầu của Nga, và rằng tin tặc của nước này được cho là đã sử dụng phần mềm đó để đánh cắp các tài liệu.

Theo AP, luật sư của ông Pho đã từ chối trả lời các câu hỏi liên quan tới công ty Nga này.

Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã đối mặt với nhiều sự cố trong những năm gần đây, và đáng chú ý nhất là việc cựu nhân viên hợp đồng Edward Snowden tiết lộ các tài liệu mật năm 2013 về các chương trình do thám của chính phủ Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/mot-nguoi-my-goc-viet-nhan-toi-giu-tai-lieu-toi-mat-tai-nha/4148540.html

 

Mỹ rút khỏi Hiệp định Toàn cầu về Di Trú

Hoa Kỳ vừa thông báo với Liên Hiệp Quốc rằng Mỹ từ nay sẽ không còn tham gia Hiệp định Toàn Cầu về Di Trú.

Trong một thông báo, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson nói rằng chương trình này không phù hợp với các chính sách di trú của Hoa Kỳ.

Ngoại Trưởng Tillerson nói:

“Trong khi chúng tôi tiếp tục tham gia trên một số phương diện tại Liên Hiệp Quốc, trong trường hợp này, đơn giản là chúng tôi không thể hậu thuẫn một tiến trình có thể phương hại tới quyền chủ quyền của Hoa Kỳ để thực thi các luật về di trú và bảo đảm các ranh giới của chúng tôi.”

Ông Tillerson khẳng định “Hoa Kỳ hậu thuẫn sự hợp tác quốc tế về các vấn đề di dân, nhưng trách nhiệm chính của các nước có chủ quyền là bảo đảm chương trình di dân phải an toàn, có trật tự và hợp pháp.”

Năm 2016, 193 nước thành viên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhất trí ủng hộ một tuyên bố chính trị không có tính ràng buộc pháp lý, là Tuyên bố New York cho Người Tị nạn và Di dân, cam kết tôn trọng các quyền của người tị nạn, giúp họ tái định cư và bảo đảm người tị nạn và di dân được tiếp cận hệ thống giáo dục và thị trường nhân dụng.

Trong một thông báo hôm thứ Bảy, sứ mạng Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc nói rằng tuyên bố New York “chứa quá nhiều điều khoản không phù hợp với chính sách di dân và tị nạn của Hoa Kỳ, cũng như các nguyên tắc về di trú của chính phủ Tổng thống Trump.”

Loan báo của Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp định Toàn cầu về Di Trú được công bố vài giờ trước khi khai mạc hội nghị toàn cầu về di trú được ấn định khởi sự hôm thứ Hai tại thành phố Puerto Vallarta, Mexico.

Mục đích của họi nghị này là thương thuyết những chiến lược nhân đạo để xử lý hơn 60 triệu người trên toàn cầu bị buộc phải dời cư vì một loạt nguyên nhân khác nhau.

Tạp chí Foreign Policy nói quyết định của Tổng thống Trump rút ra khỏi các cuộc thương thuyết đó, “nêu bật ảnh hưởng sâu rộng của Stephen Miller, cố vấn chính sách cấp cao của Toà Bạch Ốc, năm nay chỉ mới 32 tuổi, và là người cầm đầu các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump mạnh mẽ hạn chế chương trình di trú.”

Tạp chí này cho hay Chánh văn phòng Toà Bạch Ốc John Kelly và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions “mạnh mẽ hậu thuẫn giải pháp rút ra khỏi hiệp định.”

Vẫn theo tạp chí về chính sách đối ngoại, thì Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, chống đối giải pháp này. Tạp chí Foreign Policy nói bà Haley tin rằng Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng tới các cuộc thương thuyết về di trú nếu tham gia hội nghị ở Mexico, nhưng cuối cùng “Tổng thống Trump đã gạt sang bên ý kiến của bà Haley.”

Bà Haley ra thông báo hôm thứ Bảy 2/12, nói rằng “Hoa Kỳ tự hào về truyền thống di dân và vai trò đạo đức lâu dài của Mỹ trong việc hỗ trợ các đợt di dân và tị nạn trên khắp thế giới… Nhưng các quyết định về các chính sách di trú phải luôn luôn do người Mỹ quyết định và chỉ người Mỹ quyết định mà thôi.”

Bà nói:

“Chúng tôi sẽ quyết định cách tốt nhất để kiểm soát các biên giới của chúng tôi, và ai sẽ được phép nhập cảnh vào Mỹ. Hướng tiếp cận toàn cầu trong Tuyên bố New York, đơn giản không phù hợp với quyền chủ quyền của Mỹ.”

https://www.voatiengviet.com/a/my-rut-khoi-hiep-dinh-toan-cau-ve-di-tru/4147516.html

 

Trump vẫn cân nhắc

liệu có nên công nhận Jerusalem là thủ đô Israel?

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chưa làm quyết định liệu có nên chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hay không, một động thái mà có người dự kiến sẽ diễn ra vào ngày thứ Tư sắp tới, theo lời cố vấn của Tổng thống và cũng là con rể của ông Trump, Jared Kushner.

Phát biểu tại Viện nghiên cứu Brookings, một tổ chức tư vấn chính sách ở thủ đô Washington hôm Chủ nhật, ông Jared Kushner nói:

“Ông vẫn đang xem xét những dữ kiện khác nhau, và một khi ông đã làm quyết định, thì ông sẽ là người báo tin cho quý vị, chứ không phải là tôi.”

Hôm thứ Bảy, Tổng thư ký Liên đoàn Ả-rập Ahmed Aboul Gheit cảnh cáo rằng bất kỳ hành động nào của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ thổi bùng chủ nghĩa cực đoan và bạo lực.

Người Palestine đã chọn Jerusalem để làm thủ đô của nước Palestine tương lai, và cộng đồng quốc tế không công nhận tuyên bố chủ quyền của Israel đối với toàn bộ thành phố cổ này, nơi tọa lạc nhiều địa điểm linh thiêng đối với Do Thái giáo, Hồi giáo và Kitô giáo.

https://www.voatiengviet.com/a/trump-van-can-nhac-lieu-co-nen-cong-nhan-jerusalem-la-thu-do-israel/4147461.html

 

Chính phủ Mỹ lại đứng trước nguy cơ bị đóng cửa

Thủ lãnh khối đa số (Đảng Cộng hoà) tại Thượng viện Mỹ hôm Chủ nhật gạt sang một bên khả năng chính phủ có thể đóng cửa trễ hơn trong tuần, khi tài trợ của liên bang đã cạn.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell nói trên chương trình “This Week” của đài ABC:

“Sẽ không có chuyện chính phủ đóng cửa. Điều đó sẽ không xảy ra.”

Quốc hội Mỹ đang đối mặt với hạn chót để cung cấp tài trợ cho các hoạt động của chính phủ cho tới cuối tháng 9 năm tới. Nhưng các nhà lập pháp không thể thông qua một kế hoạch chi tiêu tạm thời trong một vài tuần hoặc lâu hơn, trong khi chờ đợi các cuộc thương thuyết về ngân sách giữa những thành viên Đảng Cộng hoà, hiện đang chia thành nhiều phe phái, với các nhà lập pháp Đảng Dân chủ, thường có quan điểm khác biệt về những chương trình nào chính phủ nên tài trợ, và nếu có, bao nhiêu?

Một số các nhà lập pháp Đảng Dân chủ đã tuyên bố sẽ không biểu quyết kế hoạch chi tiêu mới trong tuần này, nếu không có điều khoản chặn lệnh trục xuất 690.000 người đã được cha mẹ đưa vào Mỹ từ lúc còn bé mà không có giấy tờ hợp lệ.

Mặc dù vậy, ông McConnell vẫn khẳng định là không có gì khẩn cấp liên quan tới việc giữ thành phần di dân nàyở lại Hoa Kỳ kể từ khi Tổng thống Donald Trump gia hạn cho quốc hội tới tháng Ba sắp tới, phải xử lý vấn đề trước khi những người này bị đưa về nguyên quán. Rất nhiều người trẻ tuổi, thường được gọi là ‘Dreamers’, không hề biết tới một quê hương nào khác, ngoại trừ Hoa Kỳ.

Ông McConnell nói:

“Tôi không tưởng tượng được là các đảng viên Đảng Dân chủ sẽ đòi đóng cửa chính phủ vì một vấn đề không khẩn cấp như vậy.”

Trong bối cảnh Đảng Cộng hoà chiếm đa số tại cả lưỡng viện quốc hội, nhưng có một số thành viên chống đối vì bất đồng với các biện pháp chi tiêu, có phần chắc Đảng Cộng hoà sẽ cần đến các lá phiếu của Đảng Dân chủ thì mới thông qua được kế hoạch chi tiêu mới, hoặc như một biện pháp ngắn hạn, hoặc kéo dài tới ngày 30 tháng 9 năm tới, là ngày kết thúc năm tài chính Mỹ.

https://www.voatiengviet.com/a/chinh-phu-my-lai-dung-truoc-nguy-co-bi-dong-cua/4147421.html

 

Ấn Độ: bão Ockhi tăng cường độ

Bão Ockhi mang mưa to gió lớn ập vào vùng tây-nam Ấn Độ, giết chết ít nhất 8 người và gây hư hại nhà cửa, đốn ngã cây cối và đường dây điện, các giới chức địa phương cho biết.

Tại bang Tamil Nadu, hàng trăm người đã sơ tán tới các trung tâm khẩn cấp để lánh bão sau khi nhiều người bị thiệt mạng vì bị cây và cột điện ngã đè lên người.

Cơ quan Khí tượng Thủy văn Ấn Độ dự kiến bão Ockhi sẽ tăng cường độ trong sáng Chủ nhật và sẽ di chuyển về hướng Bắc về phía thành phố Mumbai, trước khi suy yếu khi tiến vào biển Ả Rập.

Giám Đốc Trung tâm Khí tượng Khu vực Chennai, Tiến sĩ Balachandran nói:

“Áp thấp trên biển Andaman dự kiến sẽ tăng cường độ trong 36 giờ sắp tới, và được dự kiến di chuyển về hướng Tây- Tây-Bắc trong 3 hay 4 ngày tới về hướng Tamil Nadu và bờ biển Nam Andhra. Chúng tôi đang liên tục theo dõi sự phát triển của bão.”

Hơn 150 ngư dân đã được giải cứu ra khỏi các vùng biển trong vùng bão, trong khi tin cho hay nhiều người đã tự mình xoay sở để trở về bến.

https://www.voatiengviet.com/a/an-do-bao-ockhi-tang-cuong-do/4147364.html

 

Facebook lập trang trao đổi trực tuyến cho trẻ em ở Mỹ

Mạng xã hội Facebook tung ra một phiên bản trao đổi trực tuyến dành riêng cho trẻ em tại Hoa Kỳ từ ngày 04/12/2017.

Messenger Kids là một ứng dụng « trao đổi video và tin nhắn được thiết kế riêng để trẻ em có thể liên lạc với gia đình và những người bạn được gia đình chấp nhận ». Theo thông cáo của Facebook, được AFP trích dẫn, phiên bản « nhí » « không có quảng cáo, không có mua bán kèm theo » nhằm bảo đảm an toàn cũng như bảo vệ đời tư của các em.

Messenger Kids hiện mới chỉ tải được cho các máy của Apple và chỉ ở Hoa Kỳ, sau đó sẽ được đưa lên các cửa hàng ứng dụng của Amazon và Google. Cụ thể, sau khi đã tải xong ứng dụng Messenger Kids, các bậc phụ huynh tạo một tài khoản Messenger Kids cho con em thông qua tài khoảng Facebook của họ. Từ đó, cha mẹ có thể cho phép hoặc không cho phép các mối quan hệ hiện lên trong danh sách của con mình. Messenger của Facebook hiện có hơn 1 tỉ người sử dụng.

Phát triển các sản phẩm công nghệ dành cho trẻ em là vấn đề khó khăn đối với các doanh nghiệp và chính quyền cũng như các hiệp hội bảo vệ trẻ em rất chú ý đến chủ đề này.

Tại Mỹ, vào đầu tháng 10/2017, nhà sản xuất đồ chơi Mattel đã phải từ bỏ kế hoạch bán một loại thắt lưng kết nối sau khi bị nhiều hiệp hội và nghị sĩ Mỹ phản đối. Giữa tháng 10, đến lượt các loại đồng hồ đeo tay kết nối bị các hiệp hội phản đối vì lo ngại khách hàng nhí sẽ dễ bị tổn thương nếu những chiếc đồng hồ này bị tin tặc.

Fin publicité dans 26 s

Còn tại Đức, búp bê « Cô bạn Cayla » từng bị cấm bán vào tháng 02/2017. Chính quyền cho rằng loại đồ chơi này có thể do thám trẻ em.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171204-facebook-lap-trang-trao-doi-truc-tuyen-cho-tre-em-o-hoa-ky

 

Cô lập Bình Nhưỡng: Mỹ vẫn gặp cản lực từ Nga và Trung Quốc

Trọng Nghĩa

Tình hình bán đảo Triều Tiên nóng lên trở lại, với cuộc tập trận không quân rầm rộ chưa từng thấy của liên quân Mỹ-Hàn khởi sự từ hôm nay, 04/12/2017, chỉ vài ngày sau khi Bắc Triều Tiên cho thử nghiệm một hỏa tiễn có tầm bắn đến tận nước Mỹ. Vụ thử được cho là dấu hiệu chứng tỏ thất bại của Washington trong việc động viên cả thế giới chống Bình Nhưỡng, trong khi lại vấp phải thái độ thiếu mặn mà từ phía Nga và Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền thông Mỹ Fox News ngày 03/12, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng ông McMaster đã nhắc lại quan điểm của Mỹ theo đó việc Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân là một hiểm họa thực thụ « đối với Nga, đối với Trung Quốc, đối với tất cả các nước ».

Không phải là ngẫu nhiên mà ông McMaster nêu đích danh Nga và Trung Quốc là nạn nhân tiềm tàng của Bắc Triều Tiên. Ngay từ giữa tuần trước, sau khi Bình Nhưỡng cho thử nghiệm một tên lửa có thể bắn đến tận nước Mỹ, Hoa Kỳ đã lại lên tiếng kêu gọi cả thế giới cùng chung sức ngăn chặn tham vọng tên lửa-hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Phát biểu tại phiên họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An, bà Nikki Haley, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo rằng với cuộc thử nghiệm đó, chế độ độc tài Kim Jong Un đã đẩy thế giới đến gần chiến tranh hơn. Để ngăn chặn bàn tay của Bắc Triều Tiên, bà Haley đã kêu gọi tất cả các nước cắt đứt mọi quan hệ với Bình Nhưỡng.

Thế nhưng, lời kêu gọi này đã lập tức bị Mátxcơva bác bỏ. Phát biểu với một số nhà báo tại Minsk, thủ đô Belarus, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đánh giá một cách tiêu cực lời kêu gọi đoạn giao của Mỹ. Ông còn cho rằng các biện pháp trừng phạt đã không có tác dụng cản bước tiến của Bình Nhưỡng, trong lúc giải pháp quân sự là một sai lầm lớn.

Cho đến nay, Mátxcơva vẫn được xếp vào diện đồng minh của Bắc Triều Tiên, tương tự như Trung Quốc.

Thái độ của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên cũng không rõ ràng. Một mặt, Bắc Kinh ban hành một số biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Bình Nhưỡng, nhưng mặt khác lại từ chối một số trừng phạt được cho là dứt khoát hơn nhắm vào đồng minh của mình. Một trong những biện pháp từng được Mỹ đề xuất là Trung Quốc cắt nguồn dầu hỏa cung cấp cho Bắc Triều Tiên.

Theo đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, thì ngay sau vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, chính tổng thống Mỹ Donald Trump, một lần nữa đã gọi điện của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để yêu cầu cắt nguồn dầu hỏa cung cấp cho Bắc Triều Tiên.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã tránh đề cập đến yêu cầu cấm vận của Mỹ, chỉ nhấn mạnh rằng Bắc Kinh luôn tuân thủ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, và áp dụng một loạt lệnh trừng phạt bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than, quặng sắt, và hải sản từ Bắc Triều Tiên. Và trong thực tế, đường ống dẫn dầu từ Trung Quốc qua Bắc Triều Tiên vẫn không ngừng hoạt động.

Bắc Kinh lo ngại rằng các hành động cứng rắn hơn có thể làm cho chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ, gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn ở vùng biên giới với Bắc Triều Tiên và nhất là cho phép quân đội Mỹ-Hàn áp sát biên giới Trung Quốc.

Đối với hãng AFP, việc Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục thách thức Mỹ và quốc tế cho thấy là chiến dịch vận động của Mỹ nhằm cô lập và bóp nghẹt kinh tế Bình Nhưỡng đã không thành công. Trung Quốc và Nga phải chăng đã góp phần khiến Mỹ thất bại?

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171204-co-lap-binh-nhuong-my-van-gap-can-luc-tu-nga-va-trung-quoc

 

Trí thông minh nhân tạo:

“Bước đại nhảy vọt mới” của Trung Quốc?

Thùy Dương

Năm 2010 là một bước ngoặt đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc trên nhiều phương diện, chẳng hạn phương thức thanh toán bằng điện thoại di động phát triển tới mức khoảng 50% số điện thoại di động tại nước này có ứng dụng thanh toán di động. Trung Quốc không còn là « công xưởng thế giới »  « vương quốc sao chép » như trước đây, việc phát triển các công nghệ mới cho phép Trung Quốc tự tin vào khả năng sáng chế của họ. Và người Trung Quốc bắt đầu lao vào cuộc đua về trí thông minh nhân tạo, với mục tiêu dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này vào năm 2025.

Trên đây là những nhận định của chuyên gia Arthur Hagry, phụ trách marketing số của Daxue Conseil – cơ quan tư vấn chiến lược về thị trường Trung Quốc trong bài viết « Trí thông minh nhân tạo : « Bước đại nhảy vọt mới » của Trung Quốc ? » đăng trên trang mạng về châu Á Asialyst, ngày 30/11/2017.

Tại sao Trung Quốc cần phát triển trí thông minh nhân tạo ?

Trước đây, công nghệ trí thông minh nhân tạo phần lớn là do các tập đoàn của Mỹ phát triển. Nhờ đó mà các doanh nghiệp Mỹ thu thập được dữ liệu trên toàn thế giới. Trung Quốc đứng trước một sự lựa chọn : để cho các tập đoàn đa quốc gia trên phát triển trí thông minh nhân tạo và thu thập được dữ liệu của công dân Trung Quốc, hay phát triển các công cụ riêng để « tạo khoảng cách với thế giới còn lại » ?

Mặc dù tại Trung Quốc, người dân không được truy cập vào Google hay Facebook, nhưng Trung Quốc cũng có những trang mạng riêng, với đối tượng sử dụng riêng và mỗi ngày cư dân mạng mang lại cho các công ty Trung Quốc một lượng dữ liệu khổng lồ. Trung Quốc, dù bước vào cuộc chơi về trí thông minh nhân tạo muộn hơn những gã khổng lồ Google, Apple, Facebook và Amazon, nhưng lại trở thành người thắng cuộc trên toàn thế giới.

Big Data tại Trung Quốc quan trọng thế nào với sự phát triển trí thông minh nhân tạo ?

Big Data là tập hợp dữ liệu rất lớn và rất phức tạp tới mức các công cụ, ứng dụng xử lí dữ liệu truyền thống không thể xử lí được. Big Data tại Trung Quốc đã trở thành một công cụ mang tính cách mạng đối với cách thức các doanh nghiệp nước này giao tiếp với khách hàng. Để phân tích và hiểu các cơ sở dữ liệu lớn như Big Data, cần có các chương trình phân tích đặc biệt. Và trí thông minh nhân tạo chính là các chương trình có khả năng làm được điều đó, giúp cho các doanh nghiệp hiểu được người tiêu dùng thông qua các dữ liệu thu thập được.

Các dữ liệu trên chủ yếu liên quan đến thói quen của người tiêu dùng : họ tìm gì trên Internet, phương thức mua sắm của họ thế nào, họ phản ứng ra sao với một nhãn hàng hay một sản phẩm… Đó là một « mỏ vàng » cho các doanh nghiệp muốn tìm hiểu về khách hàng.

Tại Trung Quốc, dữ liệu của người tiêu dùng thường được thu thập trên các trang web của các hãng khổng lồ về công nghệ : Baidu, Alibaba và Tencent. Baidu là một công cụ tìm kiếm, có nguồn dữ liệu quan trọng về công nghệ số tại Trung Quốc. Alibaba, với các trang thương mại điện tử, lại có dữ liệu về tài chính, phương thức tiêu dùng, địa chỉ khách hàng … Còn Tencent tập trung vào mạng xã hội (Wechat, Weibo) và trò chơi điện tử (League of Legends, Honor of Kings …).

Tuy nhiên, cho dù các doanh nghiệp không lồ này có trong tay rất nhiều dữ liệu, chưa chắc họ đã biết cách khai thác « mỏ vàng » đó.

Trí thông minh nhân tạo Trung Quốc sẽ « cất cánh » từ các công ty khởi nghiệp ?

Chế tạo rô bốt, xe hơi thông minh, hệ thống tự động hay đồ vật kết nối mạng … chỉ có thể phát triển với trí thông minh nhân tạo. Hiện nay, sản phẩm của các doanh nghiệp Trung Quốc phải dựa vào trí thông minh nhân tạo của IBM, Google hay Microsoft. Nhưng điều này sẽ sớm thay đổi. Nhờ các khoản đầu tư khổng lồ của chính phủ, nhiều công ty khởi nghiệp đã ra đời với mục tiêu phát triển trí thông minh nhân tạo riêng của Trung Quốc, hay chí ít cũng là để Trung Quốc không còn phải phụ thuộc vào trí thông minh nhân tạo của nước ngoài. Bắc Kinh thông báo khoản tiền đầu tư đến năm 2020 là 19,5 tỉ euro, nhưng con số này có thể tăng lên đến 55,11 tỉ euro.

Trí thông minh nhân tạo phát triển thế nào ở Trung Quốc ?

Công nghệ nhận diện hình ảnh của tập đoàn Baidu Trung Quốc được đánh giá là chính xác hơn của Google (95,4% so với 95,2%). Các kỹ sư của Baidu cũng tự tin là trí thông minh nhân tạo của hãng sánh ngang với Google. Thách thức cho các kỹ sư Baidu hiện là nhận diện giọng nói để có thể cạnh tranh được với Siri của Apple, Cortana của Microsoft và Google Now.

Đối với ban lãnh đạo của Baidu, thành công của Google và các hãng khác của Mỹ là một thách thức, bởi vì Baidu vẫn đang bị thế giới gán cho cái tên « Google của Trung Quốc ».

Công nghệ thu thập dữ liệu ở Trung Quốc phát triển đến đâu ?

Mặc dù Trung Quốc chưa có được các dữ liệu dồi dào như Google, Facebook hoặc Amazon, nhưng các hãng khổng lồ Baidu, Alibaba và Tencent đã phát triển và có ảnh hưởng rất lớn tới ngành công nghệ số của Trung Quốc, nhất là Tencent, hãng sở hữu hầu hết các mạng xã hội ở nước này, trong đó có Wechat và Weibo.

Với 800 triệu người dùng, với nhiều chức năng, từ nhắn tin đến thanh toán qua điện thoại, Wechat là một ứng dụng lý tưởng để thu thập các dữ liệu quý giá về cư dân mạng : thói quen mua sắm, nơi mua sắm và sự trung thành với một nhãn hàng … Việc phân tích dữ liệu có thể giúp Tencent dự báo xu hướng mua sắm của khách hàng, ở mức chi tiết mà các doanh nghiệp nước ngoài khó có thể làm được.

Ví dụ, hai ứng dụng thanh toán di dộng Wechat và Alipay cung cấp dịch vụ giao món ăn, qua đó họ thu thập được thông tin về thói quen ăn uống của người Trung Quốc, giúp các doanh nghiệp giao hàng xác định được nên chú trọng vào loại hình nhà hàng nào trên ứng dụng của họ, cũng như giờ giấc ăn uống của khách hàng để xắp xếp khung giờ làm việc cho nhân viên giao hàng.

Trí thông minh nhân tạo của Trung Quốc có tiềm năng phát triển thế nào?

Dữ liệu của người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt thu hút các đại tập đoàn hiện đang muốn phát triển trí thông minh nhân tạo. Trên thực tế, việc đa phần người dân Trung Quốc sử dụng phương thức thanh toán điện tử càng làm việc thu thập dữ liệu về tiêu dùng, trong các siêu thị, cửa hiệu thời trang … trở nên dễ dàng hơn, giúp doanh nghiệp hiểu hơn về đặc điểm của mỗi khách hàng và mỗi nhóm khách hàng để có đề xuất hấp dẫn người tiêu dùng hơn nữa. Nhờ vậy, trí thông minh nhân tạo của Trung Quốc có thể thúc đẩy người dân tiêu dùng nhiều hơn nữa.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171204-tri-thong-minh-nhan-tao-%C2%AB-buoc-dai-nhay-vot-moi-%C2%BB-cua-trung-quoc

 

Vụ Nga can thiệp bầu cử Mỹ:

FBI bị TT Trump tấn công “tơi tả”

Thu Hằng

Ngày 03/12/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump mở một cuộc tấn công gay gắt mới trên Twitter nhắm vào Cục Điều Tra Liên Bang FBI. Chủ nhân Nhà Trắng chỉ trích danh tiếng « tả tơi » của FBI.

Theo thông tín viên RFI Grégroire Pourtier tại New York, chưa một tổng thống Mỹ nào lại chỉ trích cảnh sát liên bang như vậy. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ không « đơn độc ». Các cộng sự vẫn luôn trung thành với ông, cũng như đại bộ phận nghị sĩ Cộng Hòa ở Nghị Viện.

« Một trong những nhà điều tra chính về nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ đã bị loại khỏi cuộc điều tra sau khi chỉ trích Donald Trump trong các tin nhắn cá nhân cũ. Đây là chiếc bánh phước đối với tổng thống Mỹ, người gay gắt lên án sự thiếu trung thực của FBI từ Chủ Nhật 03/12.

Tuy nhiên, bên cạnh chiến lược truyền thông gây ấn tượng nhưng nguy hiểm về mặt pháp lý, nhiều hành động kín đáo hơn đã được tiến hành để kìm hãm các cuộc điều tra liên bang.

Vì vậy, các dân biểu Cộng Hòa gây sức ép từ vài tuần nay để mở một cuộc điều tra về tình trạng hoạt động bị cho là có sai sót trong những năm gần gây, kể cả loạt điều tra nhắm vào cựu ứng viên tổng thống thuộc đảng Dân Chủ Hillary Clinton.

Và vào cuối tuần qua, các nghị sĩ Cộng Hòa thuộc Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện đã thông báo nhiều biện pháp nhắm vào thứ trưởng Tư Pháp và tân giám đốc FBI. Họ nghi ngờ các động cơ chính trị ẩn sau cách thức tiến hành các cuộc điều tra nhắm vào Clinton và Trump và yêu cầu giải thích.

Về phần mình, các nghị sĩ Dân Chủ tố cáo phe Cộng Hòa đánh lạc hướng dư luận vào vấn đề cơ bản, đó là sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ. Từ lâu nay, vốn được coi là thành trì của sự hợp tác giữa hai đảng và phối hợp tốt, nhưng giờ đến lượt Ủy ban Tình Báo Hạ Viện bị cuốn vào vòng xoáy thủ đoạn chính trị. Rõ ràng là ông Trump đang làm bùng nổ nhiều quy tắc của nền dân chủ Mỹ ».

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171204-vu-nga-can-thiep-bau-cu-my-fbi-bi-tt-trump-tan-cong-%C2%AB-toi-ta-%C2%BB

 

Brexit: Cuộc họp mang tính quyết định

giữa thủ tướng Anh và Liên Hiệp

Thanh Hà

Một tuần lễ mang tính quyết định về thủ tục Brexit mở ra. Tại Bruxelles, hôm nay 04/12/2017, thủ tướng Anh Theresa May trình bày với Châu Âu về những đề nghị cụ thể của Luân Đôn về ba điểm chính còn gây bất đồng trong thủ tục ly dị với Liên Hiệp Châu Âu.

Ba điểm chính đó là đường biên giới giữa Bắc Ailen thuộc Anh Quốc và Cộng Hòa Ailen ; quy chế của người lao động nước ngoài tại Anh và khoản tiền mà Luân Đôn phải hoàn trả cho châu Âu khi rời khỏi Liên Hiệp. Nếu những đề nghị của thủ tướng Anh được đánh giá khả quan, thủ tục Brexit sẽ được thông qua nhân thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu vào giữa tháng 12/2017. Bước kế tiếp, Luân Đôn và Bruxelles tiếp tục đàm phán về quan hệ thương mại song phương thời hậu Brexit.

Trước mắt, theo ghi nhận của thông tín viên đài RFI, Muriel Delcroix từ Luân Đôn, thủ tướng May đang chịu nhiều áp lực ở trong nước :

” Sau rất nhiều ngày đàm phán gay go với 27 thành viên còn lại của Liên Hiệp Châu Âu cũng như với chính đảng bảo thủ của bà, Theresa May dường như sẵn sàng chấp nhận hầu hết các yêu sách ban đầu của Bruxelles.

Bà đạt được đồng thuận về số tiền phải thanh toán cho việc Luân Đôn ra đi : đảng bảo thủ đồng ý về con số hơn 50 tỷ euro. Ngược lại, liên quan tới đường biên giới tại Ailen, hiện còn rất nhiều các chi tiết cần thảo luận tiếp và Dublin tiếp tục đòi hỏi một số bảo đảm tránh để hình thành một đường biên giới giữa hai phần Nam – Bắc Ailen.

Nhìn đến quyền của các công dân Châu Âu làm việc tại vương quốc Anh, không có dấu hiệu nào cho thấy Luân Đôn và Bruxelles đã tìm được đồng thuận, cho dù đôi bên đồng ý bảo đảm quyền lợi của khoảng 3 triệu người châu Âu lao động tại Anh chiểu theo các điều luật của Tòa Tư Pháp Châu Âu.

Chính định chế này gây bất đồng tại Anh Quốc : phe chủ trương Brexit một cách cứng rắn, đòi thủ tướng May gắn liền việc Luân Đôn sẵn sàng chi ra bao nhiêu để rời khỏi Liên Âu với một thỏa thuận về quy chế của người lao động châu Âu tại vương quốc Anh. Đây là một đòn nhằm gia tăng áp lực với thủ tướng Anh, nhưng lại có nguy cơ gây trở ngại cho việc thúc đẩy thủ tục chia tay. Theresa May đang trong thế kẹt và bà rất mong muốn đạt được những tiến bộ cụ thể với Châu Âu về Brexit”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171204-brexit-cuoc-hop-mang-tinh-quyet-dinh-giua-thu-tuong-anh-va-lien-hiep

 

Bắc Triều Tiên thử tên lửa là « hiểm họa cận kề » với Nhật Bản

Thu Hằng

Trong phiên họp ngày 04/12/2017, Nghị Viện Nhật Bản khẳng định những vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên là một « mối hiểm họa cận kề » đối với nước này. Trong khi đó, thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh rằng đối thoại với quốc gia khép kín này là việc vô ích.

Thượng Viện Nhật Bản nhất trí thông qua nghị quyết lên án vụ thử tên lửa ngày 29/11 của Bắc Triều Tiên (tên lửa rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật) là « một mối đe dọa chưa từng có, đáng chú ý và cận kề đối với an ninh trong khu vực, trong đó có Nhật Bản. Đây cũng là một thách thức trực diện với cộng đồng quốc tế và không thể dung thứ ».

Theo AFP, phát biểu trước Thượng Viện, thủ tướng Shinzo Abe khẳng định « để gây sức ép với Bắc Triều Tiên trong việc thay đổi đường hướng, chúng ta sẽ có thái độ cương quyết trong chính sách ngoại giao. Đối thoại suông chỉ là điều vô ích ».

Trung Quốc lấy làm tiếc về căng thẳng tái bùng phát trên bán đảo Triều Tiên

Về phía Trung Quốc, phát biểu trước báo giới ngày 04/12/2017 với đồng nhiệm Mông Cổ tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Vương Nghị nhận định tình hình căng thẳng tái bùng phát trên bán đảo Triều Tiên, sau hai tháng tương đối tĩnh lặng, là điều đáng tiếc.

Hãng tin Reuters trích phát biểu của ông Vương Nghị cho rằng Trung Quốc có thái độ cởi mở về các giải pháp đối với vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng các bên nên được tham vấn.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171204-bac-trieu-tien-thu-ten-lua-la-%C2%AB-hiem-hoa-can-ke-%C2%BB-voi-nhat-ban

 

Yemen: Phe nổi dậy mâu thuẫn, Iran kêu gọi kiềm chế

Thu Hằng

Là nước ủng hộ lực lượng nổi dậy Houthi tại Yemen, ngày 03/12/2017, Cộng Hòa Hồi Giao Iran cho biết lấy làm tiếc về các cuộc đụng độ xảy ra từ ngày 29/11 giữa các phe nhóm đối thủ thuộc lực lượng nổi dậy, đồng thời kêu gọi các bên liên quan « bình tình và kiềm chế ».

Từ Teheran, thông tín viên RFI Siavosh Ghazi tường trình :

« Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Iran Bhram Ghassemi phát biểu : « Iran lấy làm tiếc về các vụ đụng độ gần đây tại Yemen và kêu gọi mọi lực lượng tại Yemen bình tĩnh và kiềm chế ». Ông cũng đề nghị các nhóm và các lực lượng Yemen duy trì đoàn kết trước hành động xâm lược của Ả Rập Xê Út và các đồng minh.

Đây là lần đầu tiên Iran đưa ra phản ứng kể từ khi xảy ra các vụ đụng độ giữa quân nổi dậy Houthi với đồng minh cũ là cựu tổng thống Yemen Ali Abdallah Saleh. Xung đột đã khiến ít nhất 60 người chết và bị thương ở cả hai phe kể từ thứ Tư 29/11 trong vùng thủ đô Yemen.

Lời kêu gọi giữ bình tĩnh của Teheran được đưa ra vào lúc cựu tổng thống thống Ali Abdallah Saleh gây bất ngờ khi đề xuất đối thoại với Ả Rập Xê Út nếu quốc gia này ngừng các trận oanh kích và bỏ lệnh cấm vận đối với Yemen.

Ả Rập Xê Út thường xuyên tố cáo Iran hỗ trợ quân sự cho quân nổi dậy Houthi ở Yemen. Tuy nhiên, Teheran bác bỏ các cáo buộc này, đồng thời lên án các trận oanh kích của Ả Rập Xê Út tại Yemen.

Iran cũng từng yêu cầu chấm dứt tình trạng cấm vận nhắm vào Yemen khiến nước này đang phải đối mặt với « cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất trên thế giới », theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, với vài triệu người bị nạn đói và bệnh tật đe dọa ».

Theo tin mới nhất ngày 04/12 từ đài phát thanh của quân Houthi, cựu tổng thống Yemen Ali Abdallah Saleh đã thiệt mạng ở phía nam thủ đô Sanaa. Chiếc xe bọc thép của ông Saleh bị pháo kích. Nhiều hình ảnh được đăng trên các mạng xã hội cho thấy một thi thể giống với cựu tổng thống Yemen. Trả lời Reuters, nhiều nguồn tin trong nội bộ đảng Đại Hội Toàn Dân của ông Saleh cũng khẳng định thông tin này. Ngoài ra, ông Yasser Al Aouadi, trợ lý tổng thư ký đảng Đại Hội Toàn Dân, cũng bị thiệt mạng.

Theo số liệu thống kế mới nhất của Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ Thập Đỏ, ít nhất 125 người chết và 238 người bị thương kể từ khi các cuộc đụng độ nổ ra tại Sanaa từ ngày 29/11.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171204-yemen-phe-noi-day-mau-thuan-iran-keu-goi-kiem-che

 

Ukraina: Biểu tình rầm rộ ở Kiev

đòi truất phế tổng thống Porochenko

Thanh Hà

Chiều ngày 03/12/2017, hàng ngàn người xuống đường tại thủ đô Kiev tố cáo tổng thống Ukraina Petro Porochenko chuyên quyền và dung túng nạn tham nhũng. Theo nguồn tin cảnh sát, có khoảng 1.500 người biểu tình, còn theo ban tổ chức, con số này lên tới 20.000. Người khởi xướng cuộc biểu tình hôm qua là cựu tổng thống Gruzia, Saakachvili.

Thông tín viên đài RFI tại Kiev, Sébastien Gobert tường thuật :

“Không thể chối cãi, đây là cuộc tuần hành rầm rộ nhất kể từ sau Cách Mạng Maidan. Từ hai tháng qua, Mikheïl Saakachvili đang lao vào một cuộc đọ sức chống lại chính quyền Kiev và đang muốn tăng tốc cuộc đấu tranh này. Ông tuyên bố : nhân dân Ukraina có một kẻ thủ, đó là những người giàu có nắm quyền, đứng đầu là tổng thống Petro Porochenko!

Saakachvili tung chiến dịch vận động để quần chúng lật đổ tổng thống Ukraina qua các cuộc tuần hành trên đường phố và kiến nghị trên mạng. Thông điệp này càng có trọng lượng do một phần công luận Ukraina thực sự lo ngại trước một chính quyền chuyên chế và tham ô. Kiev đàn áp thô bạo đối lập, bịt miệng báo chí và kiểm soát luôn cả ngành tư pháp.

Dù vậy, chiêu bài truất phế ông Porochenko không mấy được hưởng ứng. Mikheïl Saakachvili muốn khai thác lá bài này, nhưng công luận Ukraina có cái nhìn khá khác nhau về nhân vật này. Chưa chắc Saakachvili là một gương mặt đại diện cho phong trào phản kháng tại Ukraina, một đất nước mà trong những năm gần đây đã trải qua nhiều thử thách”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171204-ukraina-bieu-tinh-lon-tai-kiev-doi-truat-phe-tong-thong-porochenko