Chẳng đánh, chẳng mắng, đây là cách dạy trẻ mầm non ở Mỹ khiến ai cũng nể phục

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chẳng đánh, chẳng mắng, đây là cách dạy trẻ mầm non ở Mỹ khiến ai cũng nể phục

 

Chẳng đánh, chẳng mắng, đây là cách dạy trẻ mầm non ở Mỹ khiến ai cũng nể phục

Với cách dạy trẻ độc đáo, hình thức “phạt như không”, các trường mầm non ở Mỹ tập trung xây dựng tính tự lập cho trẻ từ rất sớm.

Giáo dục là một trong những ngành gắn kết với con người ngay từ khi còn là một đứa trẻ bên cạnh y tế và an ninh. Vì vậy, ở nhiều đất nước, giáo dục được tôn là lĩnh vực quan trọng nhất. Điển hình, ở Nhật Bản, vào ngày khai giảng, cha mẹ được phép nghỉ làm để đưa con tới trường, chuẩn bị cho một năm học mới thành công tốt đẹp.
Không chỉ học sinh tiểu học được quan tâm mà ngay cả học sinh mầm non cũng rất cần sự quan tâm từ xã hội. Vì trẻ em càng bé thì càng hiếu động và luôn làm mọi thứ theo cảm tính. Ở Mỹ, mọi hành vi đánh đập trẻ em đều là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trong các trường mầm non, nghiêm cấm tất cả các hình phạt về thân thể, bất cứ hình phạt thân thể nào cũng là một loại ngược đãi không-thể-tha-thứ-được.
Và vì nuôi dưỡng những mầm non là công việc cực kì quan trọng và đòi hỏi những kĩ năng được đào tạo chuyên nghiệp, nên ngay từ khâu quản lí việc kinh doanh trường mầm non ở Mỹ đã có những quy định rất chặt chẽ để tránh xảy ra những điều không nên có.
Tiêu chuẩn trường mẫu giáo của Mỹ
Mỹ rất coi trọng việc thành lập một trường mẫu giáo vì đây là nơi học tập và vui chơi đầu tiên của mỗi đứa trẻ. Ở California, các nhà trẻ, trường mầm non nếu không có giấy phép sẽ bị phạt 200 USD/ngày, thậm chí có thể quy vào hành vi vi phạm luật hình sự. Về việc lựa chọn giáo viên, các tiểu bang ở Mỹ đòi hỏi giáo viên mầm non phải có trình độ đại học, giấy chứng nhận tư cách và thông qua kiểm tra lí lịch. Một số tiểu bang khác còn có những yêu cầu nghiêm ngặt hơn, họ đòi hỏi giáo viên phải có bằng thạc sĩ trở lên.
Giáo dục Mỹ biết được sự quan trọng của một giáo viên mầm non, không chỉ là những người trông trẻ bình thường mà còn là người hướng dẫn, dạy bé từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống để hình thành kĩ năng sống và nhân cách. Các em bé hằng ngày đi học tiếp xúc với cô giáo nên mọi cử chỉ, hành động của cô sẽ in hằn trong tâm trí trẻ. Vậy nên cô giáo mầm non phải là một hình mẫu để trẻ học theo, không thể là một người thiếu nhân cách, nóng nảy, cộc cằn, cư xử nhất thời được.
Các giáo viên mầm non ở Mỹ không nghiêm khắc quản lý trẻ em
Có một bà mẹ Trung Quốc có con theo học ở mầm non Mỹ phàn nàn rằng: “Tôi đã dặn cô giáo phải cho con tôi uống nước đúng giờ nhưng cô ấy lại không làm như vậy”. Cô giáo đã đáp lời rằng: “Nước uống đặt ngay ở nơi đó, nếu em ấy khát thì sẽ tự lấy uống, chúng tôi không muốn ép buộc các em làm những điều các em không muốn, ngay từ những việc nhỏ”. Kết quả là, sau một thời gian, bà mẹ ấy nhận ra rằng tính độc lập và khả năng thích ứng hoàn cảnh của con mình tốt hơn rất nhiều.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng rất hài lòng vì giáo viên mầm non ở Mỹ yêu quý trẻ em thực sự và tình yêu ấy xuất phát từ trái tim, họ sẵn sang biểu đạt tình cảm của mình một cách tự nhiên và chân thành nhất. Họ chọn đi theo một công việc là vì đam mê và sự yêu thích, chứ không đặt nặng vấn đề tiền bạc.
Làm gì cũng phải có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm thì vấn đề có khó khăn, tình huống có oái oăm vẫn tìm được hướng giải quyết. Thế nên, những ai đã chọn theo nghề giáo dục, nhất là giáo viên mầm non trước tiên là phải yêu trẻ và sau nữa là luôn luôn tìm tòi sáng tạo trong công việc, sẵn sàng áp dụng những phương pháp giáo dục tiên tiến và nhân văn nhất.
Một điểm đặc biệt nên chú ý ở giáo dục mầm non Mỹ là sự tự do, rộng mở. Học sinh có thể tự lựa chọn ngồi trên bàn hoặc ngồi dưới sàn, trực tiếp gọi thẳng tên giáo viên… Đây không phải sự hỗn hào hay không đặt ra luật lệ cho học sinh mà người Mỹ tôn trọng sự tự do, cho trẻ em quyền lợi bình đẳng và môi trường để thể hiện bản thân.
Và tất nhiên, ở bất cứ môi trường nào cũng có những quy định riêng. Các trường mầm non Mỹ rất nghiêm khắc đối với vấn đề thời gian, vì thế, học sinh nhất thiết cần phải tránh việc đi muộn. Ngoài ra, học sinh cũng cần phải tuân thủ nghiêm túc quy tắc ứng xử. Đứa trẻ mỗi ngày sẽ mang về một “thẻ hành vi” yêu cầu phụ huynh ký tên, trong thẻ có 10 mục:
1. Học tốt.
2. Có trách nhiệm.
3. Có lịch sự.
4. Giao tiếp tốt
5. Dũng cảm.
6. Không chú ý.
7. Thiếu sự chuẩn bị.
8. Không có ý thức trách nhiệm.
9. Quấy nhiễu học tập.
10. Hành vi không an toàn.
5 mục đầu tiên là tích cực, 5 mục sau là tiêu cực. Giáo viên sẽ luôn theo sát và ghi chép nhận xét trẻ mỗi ngày.
“Tuyệt chiêu” phạt như không phạt của giáo viên mầm non Mỹ
Không đánh, không mắng là cách phạt của các giáo viên mẫu giáo ở Mỹ, biện pháp chính mà họ sử dụng chính là “cấm túc”, không cho phép trẻ đi khỏi khu vực đã quy định. Dựa theo độ đuổi của các bé mà thời gian cấm túc cũng không giống nhau. Ví dụ trẻ em 2 tuổi ngồi 4 phút, trẻ 3 tuổi ngồi 6 phút. Vài phút, đối với bọn trẻ, đã là một khoảng thời gian rất dài. Việc tách trẻ ra một mình vừa làm trẻ bình tĩnh trở lại vừa khiến chúng muốn được quay trở lại với các bạn nên phải kiềm chế bản thân mà chỉnh sửa, xem xét hành vi cá nhân cho phù hợp hơn.
Trong quan niệm của người Mỹ, mỗi một con người ngay từ khi ra đời đã là một cá thể độc lập, có cá tính và những mong muốn độc lập của mình. Bất kể bố mẹ hay thầy cô giáo đều không nên áp đặt đặc quyền chi phối và hạn chế hành vi của chúng. Trẻ nhỏ được gián tiếp truyền thụ một suy nghĩ rằng, sau này trong cuộc sống, không ai kể cả cha mẹ hay thầy cô có thể thay thế chúng trong những lựa chọn và quyết định dù là nhỏ nhất. Vì vậy, khoảng thời gian bị “cấm túc” cũng là lúc trẻ sẽ nghĩ lại chúng đã làm gì sai và đây chính là hậu quả mà chúng phải chịu trách nhiệm với hành động sai trái của mình.
Trẻ em Mỹ học được gì ở trường mầm non?
Có thể trong ấn tượng của nhiều người, giáo dục Mỹ thuộc kiểu tự thân phát huy, giáo viên tùy ý giảng dạy. Nhưng trên thực tế, nền giáo dục ở Mỹ rất linh hoạt, cho trẻ nhỏ tiếp xúc, quen thuộc với các môn học như đọc viết, toán học, khoa học… ngay từ nhỏ.
Những trường mầm non ở Mỹ cũng rất coi trọng khả năng đọc sách độc lập của trẻ em, vì vậy các trường mầm non ở Mỹ không hề thiếu sách. Giáo viên sẽ dạy trẻ viết và đánh vần những từ đơn giản, cũng dạy chúng đọc những quyển sách về khoa học, đời sống, kỹ thuật và nghệ thuật…, bồi dưỡng cho chúng những kiến thức về thói quen an toàn, khỏe mạnh và vệ sinh.
Bên cạnh những lí do như sự tiến bộ công nghệ kĩ thuật, giáo dục Mỹ chính là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất giải thích vì sao nước Mỹ hưng thịnh và phát triển như ngày nay. Ngay từ những năm đầu đời của một con người, điển hình là môi trường giáo dục mầm non đã dạy dỗ và quan tâm đúng mực. Muốn cả xã hội thay đổi và tiến bộ thì phải bắt đầu từ thay đổi và sự cố gắng của những đứa trẻ…
Theo Ninh Linh
Trí thức trẻ