Tin Việt Nam – 02/12/2017
EU: Quyền dân sự, chính trị ‘bị xuống cấp’ ở VN
Liên minh châu Âu nói với Việt Nam rằng họ lo ngại về ‘sự xuống cấp của quyền dân sự và chính trị’ trong lúc các vụ bắt giữ, giam cầm ‘gia tăng mạnh mẽ’.
Hội luận: Phúc thẩm Mẹ Nấm và câu chuyện giáo dục VN
BOT Cai Lậy và Tuần Tin Tức (26/11-02/12/2017)
Anh Quốc kêu gọi thả ngay Mẹ Nấm
EU và Mỹ tiếp tục kêu gọi Việt Nam thả Mẹ Nấm
Nhiều tổ chức lên tiếng về dân chủ ở VN trước APEC
Đây là nội dung trong thông cáo của EU sau Đối thoại Nhân quyền tăng cường lần thứ 7 tại Hà Nội ngày 1/12.
Thông cáo này được dịch sang tiếng Việt, đăng trên trang Facebook chính thức của phái đoàn EU ở Việt Nam.
Theo nội dung thông cáo ghi cuộc “Đối thoại đã đánh giá những phát triển gần đây trong lĩnh vực nhân quyền ở Việt Nam và Châu Âu, và trước đó là các cuộc họp với các tổ chức phi chính phủ từ châu Âu và Việt Nam.”
“Liên minh châu Âu đã nhấn mạnh về sự xuống cấp của quyền dân sự và chính trị và đã thảo luận về quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền liên kết, tự do tôn giáo và quyền tiếp cận thông tin.”
“Liên minh châu Âu đã bày tỏ những quan ngại sâu sắc về việc áp dụng rộng rãi các điều khoản an ninh quốc gia trong Luận Hình sự của Việt Nam và ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của việc bắt giữ, giam cầm và kết án các công dân Việt Nam liên quan đến việc bày tỏ ý kiến của họ.”
Bản thông cáo báo chí sau cuộc gặp Đối thoại Nhân quyền lần thứ 7 EU-Việt Nam, ngắn hơn, ngôn ngữ chung chung và chỉ dùng từ “nhân quyền” đúng một lần.
Trái với thông cáo báo chí sau hai cuộc họp Đối thoại Nhân quyền năm 2015 và 2016, bản thông cáo về cuộc họp hôm 1/12, có vẻ ngắn gọn hơn.
Trong khi đó bản thông cáo báo chí năm 2016, viết cụ thể về trường hợp của ông Nguyễn Hữu Vinh “Anh Ba Sàm” , Nguyễn Ngọc Như Quỳnh “Mẹ Nấm”, ông Trần Huỳnh Duy Thức và luật sư Nguyễn Văn Đài.
Bản thông cáo năm nay chỉ ghi rằng EU nêu ra một số trường hợp cá nhân, đồng thời nhắc lại yêu cầu phía Việt Nam thả các công dân đang bị giam giữ vì đã thể hiện “quyền tự do biểu đạt một cách ôn hòa”.
Hôm 30/11, Phái đoàn EU ra thông cáo cuối ngày, phản đối bản án đối với bà Quỳnh và cho biết phía chính quyền Việt Nam đã không cho phép đại diện phái đoàn khán dự phiên tòa, và nói sẽ nêu vấn đề này trong cuộc Đối thoại Nhân quyền.
Tuy nhiên, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang cho rằng thông cáo của EU mang “ngôn ngữ ngoại giao, rất chung chung, mơ hồ”.
“Các đề nghị, đề xuất của phía EU đều không mang tính căn bản. Nội dung như thế này là đặc biệt yếu nếu xét trong bối cảnh hiện nay, khi mà chính quyền VN vừa xử nặng, xử oan hai blogger Nguyễn Văn Hóa và Mẹ Nấm,” bà Đoan Trang nói với BBC hôm 2/12.
BBC đã nhiều lần liên hệ với phía phái đoàn EU, và được cho biết lịch trình phái đoàn bận rộn chưa thể thu xếp trả lời phỏng vấn.
Trước Đối thoại: diễn biến trong giới xã hội dân sự
Trước đó đại diện phái đoàn EU đã có buổi gặp gỡ tiếp xúc với một số đại diện xã hội dân sự Việt Nam, nhưng ba trong bốn người đi dự đã bị phía an ninh câu lưu.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, bà Bùi Thị Minh Hằng và nhà báo tự do Phạm Đoan Trang cáo buộc họ bị phía công an Việt Nam bắt về đồn câu lưu nhưng sau đó được thả.
Một ngày trước cuộc Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam, diễn ra phiên tòa án phúc thẩm xét xử blogger và nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay còn biết đến là “Mẹ Nấm”.
Tòa cuối cùng giữ nguyên bản án 10 năm tù cho bà Quỳnh.
Trước đó luật sư Võ An Đôn, một trong những luật sư đứng ra bào chữa cho bà Quỳnh bị tước thẻ luật sư, gây nhiều tranh cãi trong giới luật sư và hoạt động dân sự.
HRW kêu gọi phái đoàn gây áp lực
Hôm 28/11, tờ trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi phái đoàn EU phải gây áp lực lên chính quyền Việt Nam.
“Tình hình nhân quyền Việt Nam xấu đi đáng kể trong năm 2017. Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục độc chiếm quyền lực và trừng phạt những người dám thách thức vị trí của mình. Tất cả các quyền chính trị cơ bản, trong đó có quyền tự do chính kiến, lập hội, nhóm họp và đi lại đều bị hạn chế. Các nhóm tôn giáo chỉ được hoạt động dưới sự quản lý của chính quyền.”
LS Võ An Đôn chỉ còn ‘làm nông để mưu sinh’
Đại diện XHDS nói gì với phái đoàn ngoại giao EU?
“Nhà cầm quyền dùng nhiều cách để cản trở các nhà hoạt động chính trị và nhân quyền, kể cả sách nhiễu tâm lý và cơ thể, theo dõi, quản chế trái pháp luật, ngăn cấm đi ra nước ngoài một cách tùy tiện, gây sức ép với nơi làm việc, chủ nhà hay người thân của các nhà hoạt động. Công an thường buộc các nhà vận động nhân quyền phải chịu những cuộc thẩm vấn kéo dài, đầy tính dọa dẫm.”
“Nhà cầm quyền tùy tiện giam giữ biệt lập những người lên tiếng phê bình trong thời gian dài mà không cho tiếp xúc với luật sư hay gia đình thăm gặp. Nhiều người đã bị kết các bản án nhiều năm tù theo các tội danh an ninh quốc gia mơ hồ hoặc các điều luật hà khắc khác. Công an thường xuyên tra tấn các nghi can để ép nhận tội và đôi lúc sử dụng vũ lực quá mức để đối phó với các cuộc biểu tình đông người.”
Bộ trưởng Thụy Điển ‘sẽ gặp xã hội dân sự VN’
Việt Nam: Tự do Internet dậm chân tại chỗ?
Phái đoàn EU do bà Mercedes Garcia Perez, Trưởng Vụ trưởng Vụ Nhân quyền của Cơ quan Ngoại giao Liên minh châu Âu dẫn đầu.
Phái đoàn Việt Nam do ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế Bộ Ngoại giao Việt Nam dẫn đầu, ngoài ra còn có các đại diện từ các cơ quan, bộ, ngành khác nhau.
Trước đó, truyền thông Việt Nam nhiều lần trích dẫn quan điểm của Đảng và nhà nước, chính quyền cũng như Bộ Ngoại giao cho rằng nhân quyền Việt Nam đã được nhà nước Việt Nam bảo đảm từ trong Hiến pháp cho tới trên thực tế, rằng Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu trong nâng cao mức sống của người dân và các chỉ số về chất lượng sống, trong đó có địa hạt quyền con người.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao gần đây cũng như trong suốt nhiều năm trở lại nhiều lần công bố các tuyên bố và quan điểm của Bộ ngoại giao và chính phủ Việt Nam bác bỏ hoàn toàn các báo cáo nhân quyền của Mỹ và nhiều tổ chức chính phủ, liên chính phủ hoặc phi chính phủ quốc tế khác, trong đó có các tổ chức giám sát nhân quyền, cho rằng các quan điểm đó là sai trái, thiên lệch, thậm chí xuyên tạc, có dụng ý xấu và không đúng với thực tế nhân quyền tại Việt Nam.
Nhiều phát ngôn của phía chính quyền Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam không hề có cái gọi là tù nhân chính trị hay lương tâm đang bị giam giữ, mà chỉ có những người vi phạm pháp luật hình sự đã bị tòa án nhân dân xét xử theo luật pháp của Việt Nam.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42207065
Kiểm soát mạng: VN có thể học gì từ TQ?
Quốc PhươngBBC Tiếng Việt
Các lãnh đạo của Việt Nam muốn phát triển một thị trường điện tử bản xứ, biện pháp bảo vệ này có thể giúp thúc đẩy một vài khía cạnh của nền kinh tế số nội địa hóa, nhưng nó cũng sẽ làm hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân và cuộc chơi này sẽ mang lại cả lợi ích và hạn chế.
Đó là quan điểm của nhà báo Howard Zhang, chủ biên BBC Tiếng Trung trong một trao đổi với BBC Tiếng Việt về chủ đề quản lý, kiểm soát an ninh mạng qua kinh nghiệm của Trung Quốc, mà dưới đây là toàn văn mời quí theo dõi:
Phúc thẩm Mẹ Nấm và câu chuyện giáo dục ở VN
Máy chủ Google và nỗ lực bắt Vũ Trụ ‘bỏ lọ’
Hội luận: Thực chất đề cao kiểm soát mạng ở VN
Facebook ‘giúp TQ công cụ kiểm duyệt’
Nếu các lãnh đạo VN muốn phát triển thị trường điện tử bản xứ, một số đặc điểm của biện pháp bảo vệ này có thể giúp thúc đẩy một vài khía cạnh của nền kinh tế ‘số’ nội địa, nhưng nó cũng sẽ làm hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân. Cuộc chơi này sẽ mang lại cả lợi ích và hạn chếNhà báo Howard Zhang
TQ kiểm soát dịch vụ internet vượt tường lửa
Vì sao Internet Trung Quốc vượt phương Tây?
BBC Tiếng Việt: Những điều gì mà Việt Nam nên và không nên học từ chính sách kiểm soát an ninh mạng Internet của chính phủ Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến kiểm soát mạng và mạng xã hội?
Nhà báo Howard Zhang: Theo tôi việc này tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi bên. Theo quan điểm của chính phủ, có thể họ sẽ muốn học hỏi càng nhiều càng tốt. Tính đến thời điểm hiện tại, việc kiểm soát mạng ở Trung Quốc đang được thực hiện hiệu quả.
Và theo lời một cựu quan chức Trung Quốc gần đây, việc chặn hay đóng các server mạng xã hội ở nước ngoài là không thể. Nhưng là một quốc gia độc lập, Trung Quốc có quyền mời những công ty mà chúng tôi muốn vào nước mình.
Đó chính là tâm lý của chính phủ Trung Quốc. Họ làm việc đó với mục đích bảo vệ chủ quyền mạng của nước mình. Vì vậy, nếu chính phủ Việt Nam muốn kiểm soát đầu vào của mạng xã hội, đây có thể cho là một phương pháp hiệu quả.
Cuộc chơi gồm cả lợi ích và hạn chế
Hội luận: Ảnh hưởng TQ ở châu Phi và học hỏi với VN
Cà phê cấm internet để khuyến khích hội thoại
Nhận diện mạng bí mật Internet ở New York
Sau 20 năm, Internet ‘chuyển hoá’ Việt Nam như thế nào?
Chủ tịch Quang kêu gọi quản lý chặt internet
Nhưng từ góc nhìn của người dân, việc này chắc chắn là không thích hợp vì, như anh đã biết, người Trung Quốc không được thoải mái dùng Facebook. Họ phải làm thao tác thay đổi IP và dùng server (máy chủ) nước ngoài.
Trung Quốc cũng giới thiệu những thương hiệu nội địa.. Ví dụ, đối thủ của Facebook ở Trung Quốc là WeChat, đối thủ của Twitter là Weibo, đối thủ của YouTube là YoukuNhà báo Howard Zhang
Tất nhiên cùng lúc đó ở Trung Quốc cũng giới thiệu những thương hiệu nội địa. Ví dụ đối thủ của Facebook ở Trung Quốc là WeChat, đối thủ của Twitter là Weibo, đối thủ của YouTube là Youku.
Với tất cả các thương hiệu quốc tế, Trung Quốc đều có một thương hiệu cạnh tranh nội địa. Một mặt nào đó, việc này giúp thúc đẩy nền kinh tế điện tử của quốc gia. Nhưng nó sẽ không tạo sự tiện lợi cho những người dùng mạng.
Nhìn chung, theo tôi nếu các lãnh đạo Việt Nam muốn phát triển thị trường điện tử bản xứ, một số đặc điểm của biện pháp bảo vệ này có thể giúp thúc đẩy một vài khía cạnh của nền kinh tế ‘số’ nội địa, nhưng nó cũng sẽ làm hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân. Cuộc chơi này sẽ mang lại cả lợi ích và hạn chế.
Việt Nam có thể hưởng lợi gì?
BBC Tiếng Việt: Việt Nam có thể hưởng lợi gì nếu mở cửa đầu tư cho những nhà khổng lồ về thương mại và dịch vụ điện tử của Trung Quốc?
Nhà báo Howard Zhang: Đầu tiên, trong vòng 15 năm trở lại đây, các doanh nghiệp điện tử này này của Trung Quốc đã xây dựng được nguồn vốn và quy mô lớn.
Các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc hầu như có sự hậu thuẫn của nhà nước, thậm chí nhà nước chiếm cổ phần lớn, đầu tư vào các công ty này bằng nhiều cách. Vì vậy họ có quyền chỉ đạo những gì công ty được hay không được làm.Nhà bào Howard Zhang
Vài ngày trước, vừa có thông tin là giá trị cổ phần của công ty Tencent trong một ngày đã vượt qua Facebook với con số 500 tỷ USD. Với nguồn vốn như vậy, họ có thể dễ dàng tiếp cận những thị trường lân cận như Việt Nam với một công ty thành viên.
Ngoài ra, Trung Quốc và Việt Nam có rất nhiều điểm chung về văn hóa như giá trị gia đình, cơ cấu tổ chức xã hội, quan hệ giữa nhà nước và người dân… Nếu các công ty Trung Quốc có thể hoạt động trong môi trường tương tự như thị trường của họ, sẽ rất dễ dàng để áp dụng và chuyển giao những công nghệ sẵn có so với các công ty có xuất xứ từ phương Tây.
Đó là các lợi thế. Còn điểm hạn chế là các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc hầu như có sự hậu thuẫn của nhà nước, thậm chí nhà nước chiếm cổ phần lớn, đầu tư vào các công ty này bằng nhiều cách. Vì vậy họ có quyền chỉ đạo những gì công ty được hay không được làm.
Mô hình này khác với kinh doanh ở phương Tây ở chỗ mặc dù người tiêu dùng vẫn có tiếng nói tự do, nhưng các giới hạn nhà nước đặt ra vẫn còn tồn tại.
Mời quí vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một tọa đàm Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt về chủ đề tăng cường an ninh mạng ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42195900
Từ BOT Cai Lậy, hiểu về ‘cánh tài xế’. Họ là ai?
Cát Linh, RFA
Câu chuyện trạm thu phí BOT và việc tài xế dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm càng trở nên sống động hơn và thu hút sự quan tâm của người dân trong nước nhiều hơn. Đặc biệt là hình thức họ bày tỏ sự phản đối việc thu phí ở các trạm BOT. Sự phản đối ở BOT Cai Lậy đã chứng tỏ mức độ ngày càng “đa dạng” hơn khi họ thay đổi “chiến thuật” trả tiền chẵn và chờ thối tiền lẻ.
Dư luận trong nước gọi đó là “mẫu mực về đấu tranh dân sự”.
Các cánh tài xế, họ là ai?
Hiểu pháp luật
Chiều tối ngày 1 tháng 12, từ Long An, tài xế Đỗ Coca, người có mặt trong diễn biến ở BOT Cai Lậy kể lại tình hình trong ngày đầu tiên trạm thu phí trở lại sau 3 tháng xả trạm, anh nói:
“Trong ngày đầu tiên thu phí trở lại, cánh tài xế phản đối rất dữ dằn. trong đó có anh Phương Tour đã bị anh cảnh sát giao thông thu bằng lái và không trả lại, yêu cầu ảnh leo lên xe để di chuyển nhưng ảnh không đồng ý và nói phải trả lại bằng lái ảnh mới di chuyển chứ nếu không ảnh lên xe di chuyển ra chỗ khác thì sẽ nói ảnh lái xe không bằng lái thì sao?”
Tình hình diễn ra sau đó đã được lan truyền khắp mạng xã hội và báo chí trong nước. Tài xế Đỗ Coca cho chúng tôi biết thêm.
“Họ điều xe tới và bắt anh Phương về công an huyện Cai Lậy thì cánh tài xế có kéo đến và đòi công an Cai Lậy phải thả người. Đến 11 giờ đêm thì anh Phương được thả ra.”
Anh Phương Tour có tên Trịnh Hồng Phương, ở Bình Dương, là một trong hai người bị công an trấn áp tại trạm BOT Cai Lậy và đưa về trụ sở làm việc tối 30 tháng 11.
Trả lời phỏng vấn của Vietnamnet ngay sau khi rời trụ sở công an, cho anh Trịnh Hồng Phương cho biết lý do anh bị trấn áp cùng 1 người nữa là anh Nguyễn Minh Trung, Sóc Trăng.
“Bên cảnh sát giao thông “ghép” tôi vô hai lỗi. Thứ nhất là cản trở giao thông. Thứ hai, không chấp hành hiệu lệnh. Một bên lấy bằng lái tôi, một bên không thối tiền cho tôi. Tôi đưa tiền dư thì phải trả lại tiền cho tôi, tôi mới đi.”
Chi tiết “chờ thối tiền dư” được anh Trịnh Hồng Phương đề cập với báo chính là một sự kiện thú vị đang được những người quan tâm BOT và các tài xế hưởng ứng. Lý do họ ủng hộ và hưởng ứng vì việc yêu cầu thối lại tờ 100 đồng là không trái với pháp luật.
Theo anh Phương kể lại, giá vé qua trạm của anh là 25.000 đồng. Anh Phương đưa 24.000 đồng, 1 tờ tiền mệnh giá 500 đồng và 3 tờ mệnh giá 200 đồng. Tính ra tổng số tiền Phương sử dụng mua vé qua trạm là 25.100 đồng.
Do đó anh cần phải lấy lại số tiền thối là 100 đồng.
Tài xế Huỳnh Long, người đã vào trạm thu phí Cai Lậy ngồi chờ chỉ để lấy lại tờ 100 đồng tiền thối đã có lời giải thích với một lãnh đạo của BOT Cai Lậy khi vị này nói rằng trạm không có tờ 100 đồng và tờ 100 đồng cũng không còn tồn tại trong giao dịch tiền tệ ở Việt Nam.
Năm 2016, ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành tờ 100 đồng với số lượng cực kỳ lớn. Để làm chi? Để cho những giao dịch dân sự như thế này? Đảng và Nhà nước rất quant âm đến đời sống của nhân dân nên họ làm ra tất cả những gì thuận lợi cho nhân dân, như cách phát hành ra tờ 100 đồng. Anh đang nhầm lẫn vấn đề hay anh đang đưa 1 thông tin ảo trước năm 2016? – Anh Huỳnh Long
Sự việc này đã tạo ra một làn sóng phấn khích và hưởng ứng từ dân luận. Tiến sĩ Nguyễn Quang A bày tỏ ý kiến trên trang cá nhân của ông rằng:
“Nếu có 5% dân Việt Nam hiểu đúng quyền của mình như anh bạn trẻ lái xe này thì Việt Nam chả mấy lúc sẽ bằng Hàn Quốc, Đài Loan.
Các ông trong Ban Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ và các chính quyền địa phương hãy nghe anh bạn trẻ này dạy cho quý vị về pháp luật.”
Cùng ngày 1 tháng 12, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang, bà Nguyễn Thị Đậm trả lời VnExpress, khẳng định các loại tiền mệnh giá nhỏ 100, 200 đồng vẫn đang được lưu hành bình thường và luôn được cung ứng đầy đủ cho nền kinh tế.
Hiểu ‘luật chơi’
Thế nhưng, một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) trả lời báo trong nước vào chiều ngày 1 tháng 12 cho biết trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang sẽ không vì sự phản đối của các tài xế mà ngừng việc thu phí và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Tiền Giang để lên kế hoạch xử lý.
Thông tin này được tài xế Đỗ Coca đón nhận với 1 suy nghĩ cá nhân và anh chia sẻ với chúng tôi:
“Nếu như bây giờ họ chấp nhận phương án của tài xế là dời trạm thì họ chấp nhận họ sai hoàn toàn và không chỉ có 1 BOT Cai Lậy là sai, mà tất cả BOT trên đất nước Việt Nam đều có dấu hiệu sai phạm. Tôi nghĩ chuyện cánh tài xế đòi di dời BOT Cai Lậy vào đường chánh là chuyện không thể.”
Anh Đỗ Coca khẳng định những hành động của cánh tài xế trong sự việc ở BOT Cai Lậy cũng như những BOT khác không gì khác ngoài mục đích phản đối giá thu phí quá cao và trạm đặt sai vị trí.
“Hiện tại giảm xuống 25 ngàn, nhưng 1 người đưa con đi học, đưa con qua, rước con về, rồi chiều đi chợ qua rồi về cũng hết 100 ngàn. Ở đây cánh tài xế phản đối là cái trạm đăt sai vị trí. Tức là khi làm đường tránh Cai Lậy thì phải đặt trạm thu phí ở đường chánh Cai Lậy, mắc mớ gì đem ra quốc lộ đặt? Trong khi mỗi người mua 1 cái xe ở Việt Nam là đã có phí đường bộ trong đó rồi.”
Lên tiếng với báo chí hôm 1 tháng 12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định trạm BOT Cai Lậy về thủ tục đầu tư không sai với quy định của pháp luật và vị trí đặt trạm đã nhận sự đồng thuận của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, được Thủ tướng chính phủ chấp thuận.
Nếu để đề ra phương án giải quyết thì chỉ có 1 cách là vẫn để trạm này tại quốc lộ 1, nhưng xây thêm 1 trạm bên phía đường tránh. Giá tối thiểu 25 ngàn cho 1 chiếc 4 chỗ thì bây giờ thu 10 ngàn ở ngoài đường quốc lộ như phí tu sửa, còn ai sử dụng thêm đường tránh thì trả 15 ngàn. – Đỗ Coca
Theo anh Đỗ Coca, anh và những người đang làm công việc gọi nôm na là “ngồi sau vô lăng’ hoàn toàn không được biết gì về sự đồng thuận của các vị lãnh đạo chính phủ. Bày tỏ niềm hãnh diện về công việc của mình và các đồng nghiệp, anh Đỗ Coca nói rằng cánh tài xế không phải là những dân trí thấp kém. Họ biết họ làm gì để không trái qui định pháp luật. Họ phản đối ôn hoà và không chọn những phương pháp chống phá, bạo lực.
Họ sẵn sàng đưa ra cách giải quyết ‘thuận mua vừa bán’, đóng góp cho xã hội bằng những bài toán hợp tình hợp lý. Kể lại cho chúng tôi phương cách mà các tài xế nghĩ đến, Đỗ Coca nói;
“Nếu để đề ra phương án giải quyết thì chỉ có 1 cách là vẫn để trạm này tại quốc lộ 1, nhưng xây thêm 1 trạm bên phía đường tránh. Giá tối thiểu 25 ngàn cho 1 chiếc 4 chỗ thì bây giờ thu 10 ngàn ở ngoài đường quốc lộ như phí tu sửa, còn ai sử dụng thêm đường tránh thì trả 15 ngàn.”
Thực tế ở Việt Nam cho thấy rằng, hiện tại, để mua 1 viên kẹo, người dân phải mất ít nhất 500 đồng.
Giới chuyên gia lên tiếng
về nhà máy Formosa xả thải vượt chuẩn
Hòa Ái, phóng viên RFA
Một lần nữa, nhà máy Formosa lại là tâm điểm của dư luận trong những ngày vừa qua, vì Bộ Tài nguyên-Môi trường cho xả khí thải vượt quy chuẩn của Việt Nam. Ý kiến của giới chuyên gia như thế nào liên quan vấn đề vừa nêu?
Bất nhất giữa các cơ quan trong ngành
Trong những ngày hạ tuần tháng 11, báo giới trong nước đồng loạt đưa tin về Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Tĩnh gửi văn bản báo cáo trình lên Bộ Tài nguyên-Môi trường xin ý kiến chỉ đạo, liên quan kết quả quan trắc môi trường tại dự án Formosa cho thấy khí thải của lò thiêu kết có nhiều thời điểm vượt Quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam.
Trong văn bản gửi Bộ Tài nguyên-Môi trường, Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Tĩnh nêu rõ thông số SO2 và NO2 bị vượt giới hạn cho phép, nếu tính toán theo “Hàm lượng Oxy tham chiếu là 7%” và qua báo cáo của Công ty Formosa dự kiến thi công hệ thống khử Lưu huỳnh, Nitơ và Dioxin đến năm 2020 mới xong, thì việc xử lý khí thải tại xưởng thiêu kết của Formosa sẽ không đảm bảo Quy chuẩn 51:2013/BTNMT.
Quan điểm của tôi trước một sự kiện cụ thể, ví dụ như chất thải của Formosa mà cơ quan A nói thế này và cơ quan B nói thế kia là tôi không tán thành. Dù cho cơ quan A hay B có thẩm quyền cao hơn, đối với tôi việc đó không quan trọng. Điều quan trọng là cơ quan nào nói đúng theo pháp luật hiện hữu của Việt Nam
-TS.Nguyễn Bách Phúc
Ngay sau khi thông tin Formosa xả khí thải vượt chuẩn được báo giới loan đi, Bộ Tài nguyên-Môi trường cho biết ông Bùi Các Tuyến, nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên-Môi trường vào đầu tháng 9 năm 2014 đã ký công văn số 68, cho phép Formosa sử dụng hàm lượng Oxy tham chiếu trong giai đoạn thiêu kết là 15%.
Bộ Tài nguyên-Môi trường cũng thừa nhận công văn 68 là một văn bản cá biệt vì theo đề nghị của Formosa rằng các tiêu chuẩn kiểm soát khí thải đối với các quốc gia có ngành gang thép phát triển đều có quy định riêng, đặc thù hàm lượng Oxy tham chiếu cho công đoạn thiêu kết là 15% như Nhật Bản và Hàn Quốc đang áp dụng.
Formosa vi phạm pháp luật môi trường?
Trả lời câu hỏi của RFA với quy định đặc cách và lời giải thích của Bộ Tài nguyên-Môi trường như thế đối với Formosa liệu có thỏa đáng hay không, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Khải nêu lên nhận xét:
“Vừa rồi, sau khi thấy Báo Thanh Niên đăng có lượng SO2 tăng gần 2 lần, lượng NO2 tăng hơn 2 lần và không đề cập gì đến các chất khác. Ngoài ra, họ còn dùng danh từ ‘tham chiếu Oxy 7% tăng lên 15%’. Trước hết, tôi nghĩ từ ‘tham chiếu’ là vô nghĩa, những ai ngu dốt về khoa học kỹ thuật mới dùng từ ngữ đó. ‘Tham chiếu’ là tham khảo, soi xem như thế nào. Nhưng ở đây không gọi là ‘tham chiếu’ được, mà cần phải nói lượng Oxy cung cấp phải là 7%.”
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, còn được biết đến với danh xưng “Ông già Ozone” nhấn mạnh trong quá trình luyện thép sẽ rất khó khăn để điều chỉnh lượng Oxy cho việc đốt cháy hết những chất không phải là gang thép. Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải giải thích thêm những gì không phải là gang thép thì sẽ bay hơi như Kali, Chì, Thiết, Thủy ngân…và trong quá trình bay hơi sẽ thành chất độc. Do đó, điều quan trọng và cần làm là phải xử độc trong khí thải của các lò thiêu kết, chứ không phải dựa vào thông số quy định về Oxy.
Mặc dù có những ý kiến như vừa nêu từ giới chuyên gia trong nước; nhưng Tổng Cục Môi trường vào ngày 25 tháng 11 ra thông báo, cho biết Bộ Tài nguyên-Môi trường yêu cầu Formosa phải đáp ứng các quy chuẩn về môi trường của quốc tế. Đồng thời, Bộ Tài nguyên-Môi trường còn đề nghị Tổ soạn thảo khẩn trương lấy ý kiến của các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân về dự thảo Quy chuẩn được đề xuất áp dụng “Hàm lượng Oxy tham chiếu là 15%” cho quy trình thiêu kết, tương tự quy định của các quốc gia ở Châu Á, như Nhật Bản và Hàn Quốc. Bộ Tài nguyên-Môi trường khẳng định đây không phải để hợp thức hóa cho Formosa, mà mục đích của dự thảo là quy định chặt chẽ, phù hợp với trình độ công nghệ sản xuất thép của Việt Nam và hội nhập quốc tế, nhằm đảm bảo sự bền vững của ngành thép Việt Nam.
Trong diễn tiến mới nhất liên quan, Báo mạng Motthegioi.vn, vào ngày 27 tháng 11 đề cập đến dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam (Quy chuẩn 51:2017/BTNMT) cơ bản giữ nguyên các thông số kỹ thuật về khí thải trong công nghiệp sản xuất thép theo như Quy chuẩn hiện hành 51:2013/BTNMT, ngoại trừ thay đổi hàm lượng Oxy tham chiếu từ 7 lên 15%. Một điểm đáng chú ý đặc biệt quan trọng trong dự thảo là các cơ sở sản xuất thép đầu tư mới phải đáp ứng quy chuẩn 7%, các cơ sở còn lại theo quy chuẩn 15% và tất cả các cơ sở áp dụng ở mức 7% kể từ ngày 01/01/2020.
Những người quan tâm đến ngành sản xuất thép của Việt Nam cho rằng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam (Quy chuẩn 51:2017/BTNMT) cho thấy sự không minh bạch của Bộ Tài nguyên-Môi trường, cũng như sự thiếu công bằng đối với các nhà sản xuất thép. Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ & Quản lý thành phố Hồ Chí Minh-HASCON bày tỏ quan điểm của ông trước sự không thống nhất giữa Sở Tài nguyên-Môi trường với Bộ Tài nguyên-Môi trường:
“Quan điểm của tôi trước một sự kiện cụ thể, ví dụ như chất thải của Formosa mà cơ quan A nói thế này và cơ quan B nói thế kia là tôi không tán thành. Dù cho cơ quan A hay B có thẩm quyền cao hơn, đối với tôi việc đó không quan trọng. Điều quan trọng là cơ quan nào nói đúng theo pháp luật hiện hữu của Việt Nam. Bây giờ Formosa đang ở Việt Nam và nếu Formosa làm đúng pháp luật Việt Nam thì Formosa đúng.”
Khi chúng ta nhìn thấy ảnh chụp trên Báo Thanh Niên có khói đen thì việc đầu tiên phải xử lý khói đen…Là một người Việt Nam, tôi không muốn người dân mình bị nhiễm độc. Là một thầy giáo, là một nhà vật lý thì tôi yêu cầu phải làm thế nào khói từ các ống khói lò cao của các nhà máy thiêu kết trong khu vực Vũng Án-Formosa phải trong sạch
-TS.Nguyễn Văn Khải
Tuy nhiên, trên thực tế theo Quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam 51:2013/BTNMT, Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Tĩnh xác nhận hệ thống xử lý khí thải hiện nay của Formosa không đáp ứng yêu cầu. Báo mạng Motthegioi.vn dẫn lời một chuyên gia ngành thép, không nêu tên rằng căn cứ theo quy định pháp luật của Việt Nam thì Formosa phải ngưng hoạt động cho đến khi xây xong hệ thống khử độc vào năm 2020. Vị chuyên gia này nói rằng trong trường hợp Formosa vẫn được phép hoạt động theo công văn 68, mà ông gọi là “văn bản đặc cách” của Bộ Tài nguyên-Môi trường thì đã vi phạm pháp luật môi trường.
Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải khẳng định Bộ Tài nguyên-Môi trường cần phải yêu cầu Formosa nhanh chóng thực hiện khử khói độc từ các ống khói của lò thiêu kết:
“Khi chúng ta nhìn thấy ảnh chụp trên Báo Thanh Niên có khói đen thì việc đầu tiên phải xử lý khói đen. Giống như cách đây 2 năm, ngày 28/11/2015, tôi cũng đề nghị trên báo là tại sao khói của lò hóa thân hoàn vũ (lò hỏa táng ở Thanh Trì, Hà Nội) lại đen như thế và phải xử độc, nếu không xử độc thì tôi sẽ tham gia. Và, tôi rất mừng là chỉ sau đó hơn một tháng thì khói đã không độc hại.
Là một người Việt Nam, tôi không muốn người dân mình bị nhiễm độc. Là một thầy giáo, là một nhà vật lý thì tôi yêu cầu phải làm thế nào khói từ các ống khói lò cao của các nhà máy thiêu kết trong khu vực Vũng Án-Formosa phải trong sạch.”
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến của đa số những chuyên gia mà chúng tôi tiếp xúc đều đồng tình với Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải là Bộ Tài nguyên-Môi trường nên khẩn trương xem xét và xử lý việc xả thải vượt chuẩn quy định của Formosa, theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là không đánh đổi môi trường để lấy phát triển kinh tế.
Kêu gọi phóng thích những người Việt bị Mỹ trục xuất
Các giới chức dân cử liên bang, tiểu bang, và địa phương tại California công khai lên án chiến dịch truy quét, bắt giữ mạnh tay chưa từng có trước nay những người tị nạn gốc Việt bị lệnh trục xuất của chính phủ Mỹ.
Đa số những người bị ảnh hưởng trong chiến dịch này sinh sống tại bang California, vùng đất tập trung đông người Việt nhất ở hải ngoại.
Cao điểm của chiến dịch là tháng 10 năm nay sau khi chính quyền Tổng thống Trump đe dọa sẽ có hành động mạnh nhằm tống xuất các di dân từng có án hình sự và nhận lệnh trục xuất.
Luật sư Khanh Phạm từ Texas làm việc cho Văn phòng Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Mỹ. Từng can thiệp nhiều hồ sơ bị trục xuất, ông Khanh cho biết chiến dịch ‘nhập kho’ để trục xuất của chính quyền Tổng thống Trump leo thang từ tháng 9.
“Bắt đầu từ tháng 9, trước khi ông Trump đi dự APEC, Sở Di trú Mỹ bắt đầu đi gom những người này. Bên California, họ gom khoảng 200 người Việt. Bên bờ Đông, họ gom khoảng 95 người. Và ở Texas này, họ cũng gom khoảng 75-80 người. Tổng cộng khoảng bốn trăm mấy, năm trăm người đang bị giữ bởi Sở Di trú. Đây là lần đầu tiên trong mấy chục năm nay, Sở Di trú không để ý đến ngày những người này qua Mỹ, trước hay sau năm 1995. Họ gom hết lại rồi sẽ gởi hồ sơ cho phía Việt Nam để coi phía Việt Nam có duyệt nhận số này hay không.”
Vận động-can thiệp
Ngày 9/11, dân biểu Alan Lowenthal cùng các bạn đồng viện đã gửi thư tới Bộ An ninh Nội địa Mỹ và Tòa Bạch Ốc yêu cầu phóng thích những người gốc Việt và Campuchia bị truy quét trong chiến dịch vừa kể. Thư nói những người này và thân nhân của họ có thể trở thành những ‘con tốt chính trị’ trong lúc Hoa Kỳ dàn xếp tranh cãi ngoại giao với Việt Nam và Campuchia về vấn đề trục xuất, và theo các dân biểu đồng ký tên trong thư, việc này gây ra nỗi kinh hoàng cũng như thảm kịch cho các gia đình người tị nạn.
Nhóm Làm việc Pháp lý về người gốc Á và Thái Bình Dương ở California (API) hôm 17/11 trình thư ngỏ tới quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Elaine Duke, bày tỏ quan ngại về tính chất các vụ truy quét, viện dẫn báo cáo từ gia đình các nạn nhân rằng người thân của họ bị bắt giữ bất thình lình, bị giải sang các tiểu bang khác, và không rõ tung tích trong nhiều ngày trời.
Giám sát viên quận hạt Los Angeles, Janice Hahn, trong tuần này cũng đã gửi thư thúc giục Bộ An ninh Nội địa chớ dùng những người tị nạn bị lệnh trục xuất làm ‘con bài mặc cả’ trong các cuộc thương lượng với chính phủ Campuchia hay Việt Nam.
“Đây là lần đầu tiên trong mấy chục năm nay, Sở Di trú không để ý đến ngày những người này qua Mỹ, trước hay sau năm 1995. Họ gom hết lại rồi sẽ gởi hồ sơ cho phía Việt Nam để coi phía Việt Nam có duyệt nhận số này hay không.”
Luật sư Di trú Khanh Phạm
Các giới chức này nói rằng sự đóng góp của cộng đồng di dân gốc Á rất quan trọng đối với California, tiểu bang có dân số gốc Châu Á-Thái Bình Dương nói chung, và cộng đồng người Campuchia và người Việt nói riêng, lớn nhất nước Mỹ.
Các thư ngỏ lập luận rằng đây là những người chạy nạn sau chiến tranh Việt Nam và cuộc diệt chủng của Khmer Đỏ, khi tới Mỹ họ sinh sống trong những khu vực nghèo khó có tỷ lệ tội phạm cao. Trở ngại về ngôn ngữ cộng với những đau thương từ chiến tranh, sự thiếu thốn nguồn lực để hòa nhập với đời sống mới, tất cả những yếu tố đó, thư nói, đã đẩy họ vào con đường phạm pháp. Sau khi thọ án, thư viết tiếp, đa số những người này đã hoàn lương, trở thành những nhân tố tích cực trong xã hội, làm ăn lương thiện để mưu sinh và tuân thủ các điều kiện đặt ra kể cả việc trình báo định kỳ với cơ quan di trú.
Chưa rõ những bức thư ngỏ của các giới chức bang California có được Bộ An ninh Nội địa hồi đáp hay không, nhưng phát ngôn nhân Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE), James Schwab, tuần này tuyên bố: “Luật quốc tế buộc mỗi nước phải nhận lại công dân của mình bị chính phủ Mỹ trục xuất. Hoa Kỳ thường xuyên hợp tác với các chính phủ nước ngoài trong việc lập hồ sơ và nhận lại công dân khi có yêu cầu, cũng như đa số các nước khác trên thế giới.”
Trung tâm Hành động Nguồn lực Đông Nam Á (SEARAC) có trụ sở tại California hoan nghênh các giới chức công cử trong bang đã lên tiếng bênh vực cho cộng đồng tị nạn gốc Đông Nam Á. “Chúng tôi cần thêm nhiều lãnh đạo trên khắp nước Mỹ góp tiếng lên án chiến dịch truy quét này. Chúng tôi cũng cần lãnh đạo Quốc hội có hành động tiếp theo: cải cách các chính sách lỗi thời, bất công đã dẫn tới việc phân ly của các gia đình tị nạn bấy lâu nay,” SEARAC nhấn mạnh trong thông cáo ngày 27/11.
Luật sư Khanh cho biết những người bị trục xuất là những người chưa có quốc tịch Mỹ phạm tội hình sự từng bị tuyên án, thọ án và mãn án hoặc những người vi phạm luật di trú, tới Mỹ bất hợp pháp hoặc lưu trú bất hợp pháp sau khi giấy tờ du học, du lịch, hay làm việc đã hết hạn.
Việt-Mỹ vào năm 2008 ký bản ghi nhớ trong đó Việt Nam chỉ đồng ý nhận những người gốc Việt tới Hoa Kỳ sau năm 1995 mà có lệnh trục xuất, nhưng trên thực tế, con số Việt Nam đã tiếp nhận không nhiều.
Số phận bấp bênh
Tiến trình thương lượng ‘giằng co’ giữa Mỹ với Việt Nam về vấn đề trục xuất-hồi hương khiến tương lai những người có lệnh trục xuất nhưng chưa thực thi trở nên bất định. Cho tới lúc số phận được định đoạt rõ ràng, họ phải trải qua những chuỗi ngày ‘tạm bợ’. Cứ tới thời hạn định kỳ, họ phải trình diện ICE để được công nhận tình trạng ‘tạm bợ’ đó, được đóng mộc gia hạn giấy phép đi làm 1 năm, được có bằng lái xe để có thể mưu sinh, nuôi sống bản thân và gia đình.
Giờ đây, với kế hoạch truy quét gắt gao dưới chính quyền của Tổng thống Trump, những người có lệnh trục xuất đang rơi vào thế ‘may nhờ rủi chịu,’ buộc phải ‘đánh bạc’ với số phận của mình. Một là tiếp tục tới trình diện ICE để được gia hạn thẻ làm việc, nhưng đối mặt với nguy cơ có thể bị bắt nhốt, chờ ngày trục xuất. Hai là không ra trình diện nữa, coi như họ đánh mất phương kế mưu sinh vì không có giấy phép làm việc để kiếm sống, không có bằng lái xe để sinh hoạt, đi lại thì có khác gì một tương lai trong…bóng tối. Đó là chưa kể, trong khi mạo hiểm ‘sống chui’, nếu chẳng may bị cảnh sát chặn hỏi, họ cũng sẽ bị xử lý, bị gom về trại, chờ ngày trả về Việt Nam.
Theo nguồn tin từ giới hoạt động, trong chiến dịch truy quét hiện nay nhiều người đã bị chuyển tới các trại giam giữ ở các tiểu bang miền Nam chờ ngày trục xuất.
Về đâu?
Luật sư Di trú Khanh Phạm cho biết những người đã có lệnh trục xuất không thể thay đổi được tình trạng của mình trừ phi Mỹ ra luật mới, Việt Nam mở cửa cho họ hồi hương, hoặc có một nước thứ ba đồng ý cho họ tái định cư.
Trong ba điều kiện này, trường hợp thứ nhất được xem là ‘vận may’ mà họ mong đợi nhất, trường hợp thứ hai đối với nhiều người là ‘điều rủi’, trong khi trường hợp cuối cùng hiếm có tựa ‘mò kim đáy bể.’
“Biện pháp duy nhất có thể can thiệp là nói với Thượng nghị sĩ, Hạ nghị sĩ đại diện cho khu mình ở, đưa tiếng nói lên Hạ viện, Thượng viện để xem họ có thể lập ra luật mới bảo vệ những người này hay không,” luật sư Khanh cho biết.
Kết hôn với công dân Mỹ, một trong những điều kiện thường thấy xưa nay để thay đổi tình trạng di trú, không áp dụng cho những người bị lệnh trục xuất cho dù họ còn lưu trú tại Mỹ, theo luật sư Khanh.
Một điều nữa cần ghi nhớ, luật sư Khanh nhấn mạnh, những người bị trả về Việt Nam sẽ không bao giờ được đặt chân lên đất Mỹ một lần nữa.
“Một khi có lệnh trục xuất mà muốn qua nước Mỹ trở lại, mình phải được quan tòa mở lại hồ sơ, xóa đi án trục xuất vì lý do họ áp dụng luật sai hay vì họ làm gì không đúng. Một khi bị trục xuất rồi, sau này muốn xin qua nước Mỹ, họ sẽ không bao giờ cho.”
Tin cho hay Mỹ đang áp lực Việt Nam nhận thêm người bị trục xuất, kể cả những người tới Mỹ trước năm 1995.
https://www.voatiengviet.com/a/keu-goi-phong-thich-nguoi-viet-bi-my-truc-xuat-/4145947.html