Tin khắp nơi – 01/12/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 01/12/2017

Toà Bạch Ốc:

‘Không có kế hoạch thay thế Ngoại Trưởng Tillerson’

Toà Bạch Ốc hôm 1/12 bác bỏ những bản tin nói rằng Tổng thống Donald Trump đang có kế hoạch thay thế Ngoại Trưởng Tillerson bằng Giám Đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mike Pompeo, như được tường trình trong giới truyền thông. Các tờ báo The New York Times, The Washington Post, cũng như đài CNN và các hãng tin lớn khác của Mỹ đều dẫn lời các giới chức cấp cao trong chính phủ, cho biết kế hoạch bãi nhiệm Ngoại Trưởng Tillerson có thể được khởi động sớm, vào tháng 12 này hoặc tháng Giêng năm tới. Tuy nhiên hiện không rõ liệu Tổng thống Trump đã ra quyết định chung cuộc về vấn đề này hay chưa.

Tin đồn về những bất đồng giữa Tổng thống Trump và Bộ trưởng Ngoại giao do chính ông chỉ định đã lan truyền trong một thời gian, có lúc tới mức Ngoại Trưởng Tillerson gọi ông Trump là một “kẻ đần độn.” Nhưng người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc hôm thứ Năm khẳng định rằng những tin đồn đó không đúng với sự thực.

Bà Sarah Huckabee Sanders nói:

“Một khi Tổng thống đã mất tin tưởng vào ai đó, thì người ấy sẽ không còn phục vụ trong chức vụ đang nắm giữ. Tổng thống hôm nay có mặt tại đây cùng với Ngoại Trưởng Tillerson. Hai ông cùng đón tiếp một nhà lãnh đạo nước ngoài và sẽ tiếp tục làm việc với nhau để kết thúc một năm, mà theo chúng tôi, là một năm tuyệt vời.”

Trả lời các phóng viên trước đó trong ngày, ông Trump nói ngắn gọn:

“Rex có mặt ở đây.”

Câu trả lời của ông Tillerson trong cuộc họp báo chung với Ngoại Trưởng Qatar cũng tương tự.

“Tôi chẳng đi đâu cả.”

Phóng viên hỏi:

“Ông còn ở lại cho đến bao giờ?”

“Cho tới chừng nào Tổng thống còn cho phép tôi.”

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nói với các nhà báo rằng Chánh Văn phòng Toà Bạch Ốc trước đó đã gọi điện, bác bỏ bất cứ kế hoạch nào nhằm thay thế ông Tillerson.

Ngoại Trưởng Tillerson sắp sửa lên đường sang Châu Âu trong một chuyến công du quan trọng, mang theo thông điệp khẳng định sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với các đồng minh để kiềm chế các hành động hung hăng của Nga. Nhưng lập trường của cá nhân Tổng thống Trump về nước Nga vẫn mập mờ, theo nhà phân tích Klaus Larres.

Trao đổi với VOA qua Skype, Giáo sư Klaus Larres của Đại học North Carolina, nói:

“Những phát biểu của Ngoại Trưởng Tillerson phải được hoan nghênh, đó là những quan điểm phù hợp với chính sách đối ngoại truyền thống Mỹ. Câu hỏi ở đây là: liệu ông Tillerson có được Tổng thống ủng hộ để thực thi chính sách đó hay không, và liệu các đồng minh Châu Âu có được trấn an bởi bất cứ điều gì mà ông Tillerson hứa không, trừ phi cá nhân Tổng thống lên tiếng và đưa ra quan điểm tương tự.”

Bộ Ngoại giao nói chương trình làm việc đặc kín của Ngoại Trưởng Tillerson vào tuần tới không có gì thay đổi, và ông sẽ tại vị cho tới chừng nào mà Tổng thống Trump còn cần đến ông.

https://www.voatiengviet.com/a/toa-bach-oc-khong-co-ke-hoach-thay-the-ngoai-truong-tillerson/4145191.html

 

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn

nhận tội khai man với FBI

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Michael Flynn đã nhận tội trước cáo buộc khai man với FBI không lâu sau khi văn kiện tòa án được công bố trước đó trong ngày thứ Sáu. Diễn biến này cho thấy sự gia tăng cường độ của cuộc điều tra nhắm vào những mối liên hệ với Nga vốn đang phủ bóng lên chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Văn phòng Công tố viên Đặc biệt nói rằng ông Flynn bị cáo buộc khai man về các mối liên hệ của ông ta với đại sứ Nga tại Mỹ.

Sáng thứ Sáu, ông Flynn đã đến một tòa án ở trung tâm thành phố Washington và sau đó tuyên bố có tội. Luật sư của ông Flynn chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.

Ông Flynn, người đã bị sa thải khỏi chức vụ trong Nhà Trắng hồi tháng 2 vì nói dối Phó Tổng thống Mike Pence về các cuộc trò chuyện của ông ta với đại sứ Nga, là một nhân vật trung tâm trong cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt Robert Mueller dẫn đầu.

Ông ta là cựu phụ tá thứ hai của ông Trump bị buộc tội trong cuộc điều tra. Cuộc điều tra của ông Mueller và một số cuộc điều tra của quốc hội về vụ việc đã đeo đuổi chính quyền Trump kể từ khi tổng thống Đảng Cộng hòa này lên nắm quyền vào ngày 20 tháng 1.

(Đang cập nhật)

https://www.voatiengviet.com/a/cuu-co-van-an-ninh-quoc-gia-michael-flynn-nhan-toi-khai-man-voi-fbi/4145426.html

 

Trump chê nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc về Triều Tiên

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm chê bai một nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc nhằm kiềm chế chương trình vũ khí của Triều Tiên là một thất bại, trong khi Ngoại trưởng Rex Tillerson nói rằng Bắc Kinh nên làm nhiều hơn để hạn chế nguồn cung ứng dầu mỏ cho Bình Nhưỡng.

Viết trên Twitter, ông Trump tiếp tục sỉ nhục lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un bằng những biệt danh như “Ông Hỏa Tiễn Lùn” và “cún con bệnh hoạn” sau khi Triều Tiên bắn thử phi đạn tiên tiến nhất của nước này tính tới nay vào ngày thứ Tư.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng cách tiếp cận của Washington là khiêu khích một cách nguy hiểm.

“Đặc sứ Trung Quốc, người vừa trở về từ Triều Tiên, dường như không có tác động gì tới Ông Hỏa Tiễn Lùn,” ông Trump nói trên Twitter, một ngày sau khi điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhắc lại lời kêu gọi Bắc Kinh sử dụng sức ảnh hưởng của mình với Triều Tiên.

Ông Tillerson hoan nghênh những nỗ lực của Trung Quốc về Triều Tiên, nhưng nói rằng Bắc Kinh có thể làm nhiều hơn để hạn chế dầu mỏ xuất khẩu sang nước này.

“Người Trung Quốc đang làm rất nhiều. Chúng tôi nghĩ rằng họ có thể làm nhiều hơn với dầu mỏ. Chúng tôi đang thực sự yêu cầu họ hạn chế thêm dầu mỏ, đừng cắt hoàn toàn,” ông Tillerson nói tại Bộ Ngoại giao. Trung Quốc là nước láng giềng và là đối tác thương mại lớn duy nhất của Triều Tiên.

Trong khi ông Trump tiếp tục luận điệu hung hăng với Triều Tiên, ông Tillerson vẫn kiên trì bày tỏ hy vọng quay trở lại đối thoại nếu Triều Tiên cho thấy họ sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Tillerson có thể không tại nhiệm lâu, với những bất đồng với ông Trump về Triều Tiên là một yếu tố. Hôm thứ Năm, một quan chức cao cấp của ông Trump cho biết Nhà Trắng đã lập kế hoạch thay thế ông Tillerson bằng ông Mike Pompeo, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA).

Bất chấp những luận điệu và lời cảnh cáo của ông Trump rằng tất cả các lựa chọn, bao gồm cả quân sự, đều được cân nhắc với Triều Tiên, chính quyền của ông đã nhấn mạnh rằng họ mong muốn một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, bắt nguồn từ việc Bình Nhưỡng theo đuổi một phi đạn mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn trúng Mỹ.

Căng thẳng đã bùng lên kể từ khi Triều Tiên tuyên bố họ đã thử nghiệm thành công một phi đạn đạn đạo liên lục địa mới hôm thứ Tư trong một “bước đột phá,” đưa lục địa Mỹ vào tầm ngắm vũ khí hạt nhân của nước này.

Ông Trump đã cam kết tăng cường các biện pháp trừng phạt để đáp lại vụ thử nghiệm gần đây nhất, và tại một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an hôm thứ Tư, Mỹ cảnh báo giới lãnh đạo Triều Tiên sẽ bị hủy diệt hoàn toàn nếu chiến tranh bùng nổ.

Ông Lavrov nêu ra các cuộc tập trận quân sự chung của Mỹ và Hàn Quốc được lên kế hoạch cho tháng 12 và cáo buộc Mỹ tìm cách khiêu khích ông Kim “nổi đóa” về chương trình phi đạn để tạo cái cớ cho Washington hủy diệt Triều Tiên.

Ông cũng thẳng thừng bác bỏ một lời kêu gọi của Mỹ cắt quan hệ với Bình Nhưỡng về chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo, gọi chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên là sai lầm nghiêm trọng.

Trong một cuộc điện đàm với ông Trump hôm thứ Năm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói phi đạn được phóng trong tuần này là phi đạn tiên tiến nhất của Triều Tiên tính đến nay, nhưng không rõ liệu Bình Nhưỡng đã có công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân hay chưa và nước này cần phải chứng minh những thứ khác, chẳng hạn như công nghệ đưa phi đạn quay trở lại khí quyển.

Một thông cáo của Nhà Trắng cho biết ông Trump và ông Moon tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của họ tăng cường năng lực răn đe và phòng thủ của liên minh Mỹ-Hàn và nói thêm: “Cả hai nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của họ buộc Triều Tiên trở lại con đường giải trừ hạt nhân bằng bất kỳ giá nào.”

https://www.voatiengviet.com/a/trump-che-no-luc-ngoai-giao-cua-trung-quoc-ve-trieu-tien/4144219.html

 

Mỹ kêu gọi các nước cắt quan hệ với Bình Nhưỡng

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Mỹ Nikki Haley cho biết Tổng thống Trump yêu cầu nhà lãnh đạo Trung Quốc ngưng cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng.

Bà Nikki nói rằng Hoa Kỳ không muốn có xung đột nhưng nhà nước Bắc Hàn sẽ bị “hủy hoại hoàn toàn” nếu chiến tranh nổ ra.

Cảnh báo được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa đầu tiên trong vòng hai tháng.

Tên lửa Bắc Hàn: TQ ‘quan ngại nghiêm trọng’

Nhật triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa Bắc Hàn

Tên lửa Bắc Hàn: Hoa Kỳ nói sẽ dùng vũ lực

Bắc Hàn tuyên bố đã bắn tên lửa hôm 29/11 đạt được độ cao khoảng 4.475km – hơn 10 lần chiều cao của Trạm Vũ trụ Quốc tế. Tên lửa này mang một đầu đạn hạt nhân có khả năng quay trở lại bầu khí quyển của trái đất.

Tuyên bố của Bắc Hàn chưa được chứng minh, và các chuyên gia nghi ngờ về khả năng Bình Nhưỡng có thể làm chủ được công nghệ tối tân này.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un mô tả vụ phóng này “hoàn hảo” và là “bước đột phá”.

Vụ thử này – một trong số vài vụ thử năm nay – bị cộng đồng quốc tế lên án và khiến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc triệu tập một cuộc họp khẩn.

Bà Haley cảnh báo việc “tiếp tục những hành động hung hăng” chỉ gây thêm bất ổn cho khu vực.

“Chúng ta cần Trung Quốc hành động nhiều hơn,” bà nói. “Tổng thống Trump đã gọi điện cho Chủ tịch Tập sáng hôm nay và nói với rằng đây là lúc Trung Quốc phải ngưng ngay việc cung cấp dầu cho Bắc Hàn.”

Sáng 29/11, Nhà Trắng cho biết ông Trump điện đàm với Tập Cận Bình, kêu gọi ông nay “sử dụng sức ảnh hưởng để thuyết phục Bắc Hàn chấm dứt những hành động khiêu khích và trở lại con đường phi hạt nhân hóa”.

Bắc Hàn thử tên lửa đạn đạo bất thành

Mỹ và các đồng minh thảo luận về Bắc Hàn

Bắc Hàn: Mỹ nằm trong tầm bắn tên lửa

Ông Tập trả lời ông Trump rằng “mục tiêu không đổi của Bắc Kinh là duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, Tân Hoa Xã cho biết.

Trung Quốc là đồng minh lớn nhất của Bắc Hàn, đồng thời là đối tác thương mại quan trọng nhất. Hai nước có chung đường biên giới.

Các chuyên gia nói Washington có thể nằm trong tầm phóng của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), dù Bắc Hàn vẫn chưa chứng minh được nước này đã đạt được mục tiêu thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa Hwasong-15, được mô tả là “mạnh nhất” của Bắc Hàn, được phóng lên hôm thứ Tư.

Tên lửa này rơi xuống vùng biển Nhật Bản nhưng đã bay cao hơn bất kỳ tên lửa nào khác mà Bắc Hàn đã phóng thử trước đó.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42176972

 

Mỹ: Tương lai của di dân không giấy tờ vẫn bất định

Tương lai của gần 800 nghìn người trẻ không giấy tờ hợp lệ, được đưa tới Mỹ khi còn nhỏ, vẫn bất định, vì sắp hết năm 2017 mà Quốc hội Mỹ vẫn trong thế bế tắc, có thể buộc chính phủ Mỹ phải đóng cửa.

Tổng thống Trump đã ngưng chương trình Hoãn Trục xuất người vào Mỹ bất hợp pháp khi còn vị thành niên, gọi tắt là DACA, gây ra các cuộc biểu tình khắp nước Mỹ.

Ông Trump kêu gọi Quốc hội thông qua dự luật, theo đó tạo cơ hội cho những người thuộc chương trình DACA trở thành thường trú nhân, trước khi chương trình này chấm dứt vào tháng Ba năm 2018.

Một số thành viên Đảng Dân chủ quyết chống lại bất kỳ dự luật nào về ngân sách nếu nó không bao gồm điều khoản về sửa đổi DACA, khiến chính phủ có thể phải đóng cửa khi hết ngân sách.

Thỏa thuận lưỡng đảng đã đình lại trước một cuộc họp dự kiến hôm 28/11 khi ông Trump viết trên Twitter rằng ông “không thấy [triển vọng] về một thỏa thuận” với lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện thuộc phe Dân chủ.

https://www.voatiengviet.com/a/tuong-lai-cua-di-dan-khong-giay-to-o-my-van-bat-dinh/4143669.html

 

Nhật Hoàng Akihito thoái vị vào năm 2019

Nhật Hoàng Akihito sẽ thoái vị vào ngày 30/4/2019, chính phủ loan báo ngày 1/12.

Người con trai trưởng của Nhật Hoàng là Thái tử Naruhito sẽ kế vị ngôi vua.

Hội đồng Hoàng gia ngày 1/12/ 2017 đã quyết định về ngày thoái vị.

Năm ngoái Hoàng đế đã tuyên bố ông quá già và quá yếu không thể thi hành nhiệm vụ được.

“Khi trẫm thấy rằng sức khỏe của trẫm suy yếu dần, trẫm lo ngại có thể khó khăn cho trẫm để thi hành nhiệm vụ như là biểu tượng của quốc gia như đã làm cho tới nay,” Hoàng đế Akihito nói trong một thông điệp truyền hình gởi đến quốc dân.

Trong những năm gần đây, hoàng đế được giải phẩu tim, bị viêm phổi và được chữa trị ung thư tuyến tiền liệt.

Quốc hội Nhật Bản thông qua luật hồi năm ngoái cho phép Nhật hoàng thoái vị, nhưng thời điểm còn tùy thuộc vào Hội đồng hoàng gia do Thủ tướng Shinzo Abe chủ trì.

Nhật hoàng Akihito là hoàng đế đầu tiên thoái vị trong 200 năm.

https://www.voatiengviet.com/a/nhat-hoang-akihito-thoai-vi-vao-nam-2019/4145238.html

 

Bắc Triều Tiên : Mỹ gây sức ép lên Trung Quốc

Thùy Dương

Sau vụ phóng tên lửa mới đây nhất của Bình Nhưỡng, Hoa Kỳ ngày 30/11/2017 một lần nữa gây sức ép để Bắc Kinh cắt nguồn cung cấp dầu lửa sang Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, chính quyền Matxcơva cáo buộc Washington « khiêu khích » nhằm làm Bình Nhưỡng « nổi khùng ».

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng mặc dù Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực trong hồ sơ Bắc Triều Tiên, nhưng Washington đề nghị Bắc Kinh cắt giảm mạnh hơn nữa nguồn dầu lửa cung cấp cho Bình Nhưỡng. Trước đó một ngày, đại sứ Mỹ, bà Nikki Haley, cũng đã phát biểu tương tự ở Hội Đồng Bảo An.

Tiếp đồng nhiệm Đức Sigmar Gabriel tại Washington, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đánh giá, cắt nguồn cung cấp dầu lửa là vũ khí hiệu quả nhất để đối phó với Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tỏ ra cứng rắn với Hoa Kỳ và cáo buộc Washington đã có các hành động với ý đồ khiến Bắc Triều Tiên « nổi khùng ».

Còn ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel thông báo : « Chúng tôi đã giảm số nhân viên ngoại giao Đức tại Bình Nhưỡng và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy » để gia tăng sức ép trước các tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Hai quan chức ngoại giao của Đức tại Bình Nhưỡng đã được Berlin đã triệu hồi về nước. Berlin cũng đang chuẩn bị triệu hồi quan chức ngoại giao thứ ba.

Theo AFP, ngoại trưởng Đức còn cho biết, Bình Nhưỡng cũng đã được đề nghị cắt giảm số quan chức ngoại giao của Bắc Triều Tiên tại Berlin, nhưng ông Sigmar Gabriel không cho biết thêm chi tiết.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171201-bac-trieu-tien-my-gay-suc-ep-len-trung-quoc

 

Đức rút một nhà ngoại giao khỏi Triều Tiên

Đức triệu hồi thêm một nhà ngoại giao thứ ba từ đại sứ quán ở Triều Tiên trong lúc ngày càng có nhiều lo ngại về chương trình phi đạn của Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho biết hôm thứ Năm, một ngày sau khi Bình Nhưỡng bắn thử phi đạn mới.

Triều Tiên hôm thứ Tư cho biết họ đã thử thành công một phi đạn đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới và mạnh, đưa toàn bộ lục địa Mỹ vào tầm ngắm của vũ khí hạt nhân của nước này.

Berlin mạnh mẽ lên án vụ thử nghiệm là một sự vi phạm luật pháp quốc tế.

Phát biểu tại Washington sau khi hội kiến Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, ông Gabriel nói ông đã bày tỏ sự ủng hộ cho một đường lối cứng rắn đối với Bình Nhưỡng.

Washington không đòi hỏi Đức, một trong bảy nước Châu Âu có đại sứ quán ở Triều Tiên, đóng cửa cơ sở ngoại giao hoặc triệu hồi đại sứ của họ, ông nói.

“Ông ấy muốn sự ủng hộ của chúng tôi đối với những nỗ lực của họ theo đuổi một đường lối cứng rắn đối với Triều Tiên, và ông ấy có sự ủng hộ đó. Nhưng việc của chúng tôi là quyết định những gì chúng tôi sẽ làm trong các kênh ngoại giao.”

Hai nhà ngoại giao đã được rút khỏi đại sứ quán Đức ở Bình Nhưỡng, và một người thứ ba đang được rút đi, ông Gabriel nói. Đức cũng yêu cầu Triều Tiên giảm sự hiện diện ngoại giao của mình ở Đức.

“Dĩ nhiên chúng tôi đang thảo luận với các đồng nghiệp Châu Âu của chúng tôi xem có cần tăng thêm áp lực ngoại giao hay không,” ông nói.

Ông Gabriel cũng nói với các nhà báo rằng ông không có thông tin về các bản tin cho hay Nhà Trắng dự định ​sẽ thay thế ông Tillerson, và lưu ý rằng ông đã lên lịch cho một cuộc gặp khác với ông Tillerson vào tuần sau. Các quan chức Mỹ hôm thứ Năm nói Nhà Trắng đã lập kế hoạch bổ nhiệm giám đốc CIA Mike Pompeo thay thế ông Tillerson trong vòng vài tuần nữa.

https://www.voatiengviet.com/a/duc-rut-mot-nha-ngoai-giao-khoi-trieu-tien/4144211.html

 

Thêm một tàu Triều Tiên

được tìm thấy trong vùng biển Nhật Bản

Lực lượng tuần duyên Nhật Bản hôm thứ Năm đã lên một chiếc tàu đánh cá Triều Tiên gần một hòn đảo của Nhật Bản, nơi các thành viên trên tàu cho biết họ vào để tránh biển động. Đây là vụ mới nhất trong một loạt vụ tàu Triều Tiên mắc nạn trôi dạt vào vùng biển của Nhật Bản.

Chiếc tàu gỗ được kéo vào gần hòn đảo Hokkaido ở phía bắc để kiểm tra, một phát ngôn viên của lực lượng tuần duyên cho biết. Các nhà chức trách vẫn chưa quyết định làm gì với chiếc tàu và mười ngư dân trên tàu.

“Vào thời điểm này, vẫn còn quá sớm để nói chúng tôi sẽ làm gì,” ông nói.

Các chuyên gia nói rằng tình trạng thiếu thức ăn có thể khiến ngư dân đánh liều đưa những chiếc tàu nhỏ của họ tới vùng biển nguy hiểm hơn gần Nhật Bản. Những vụ xâm nhập này đã thu hút nhiều sự chú ý hơn trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực tăng cao về các chương trình vũ khí của Triều Tiên và vụ thử nghiệm phi đạn mới nhất của nước này hôm thứ Tư.

Không có thông tin nào cho thấy những ngư dân này có thể là những người đào tị khỏi đất nước nghèo đói, bị kiểm soát chặt chẽ này. Triều Tiên đã bắn hai phi đạn bay ngang qua Nhật Bả trong các cuộc thử nghiệm gần đây và thường xuyên đe dọa hủy diệt Mỹ.

Hôm thứ Hai, tám thi thể được cho là của người Triều Tiên, một số chỉ còn là những bộ xương, được tìm thấy trong một chiếc tàu nhỏ bằng gỗ trôi dạt vào một bãi biển trên bờ biển phía tây bắc của Nhật Bản. Hai người khác được tìm thấy vào cuối tuần ở bờ biển phía tây đảo Sado ở Biển Nhật Bản, với những áo phao có chữ Triều Tiên.

Tuần trước, cảnh sát ở miền bắc Nhật Bản tìm thấy tám người đàn ông Triều Tiên nói rằng họ vào bờ sau khi nói rằng tàu của họ bị mất điện và gặp trục trặc.

Hôm thứ Năm, lực lượng tuần duyên đã ra một cảnh báo về việc vận chuyển một chiếc tàu gỗ nửa chìm vào vùng biển gần Sado.

https://www.voatiengviet.com/a/them-mot-tau-trieu-tien-duoc-tim-thay-trong-vung-bien-nhat-ban/4144202.html

 

Liên quân thừa nhận gây tử vong cho người Iraq và Syria

Liên quân do Hoa Kỳ dẫn đầu trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq hôm 30/11 cho biết rằng các vụ không kích của lực lượng này đã làm 801 thường dân thiệt mạng kể từ cuối năm 2014.

Con số trên được công bố trong phúc trình hàng tháng mới nhất của liên quân liên quan tới các cuộc điều tra thông tin về khả năng thương vong của thường dân trong các cuộc không kích.

Tháng trước, liên quân cho hay đã điều tra 64 thông tin như vậy, trong đó có năm trường hợp được coi là đáng tin cậy và gây ra 15 ca tử vong. Khoảng 695 thông tin vẫn còn để ngỏ.

Nhiều tổ chức khác nói rằng chiến dịch oanh kích bắt đầu tháng Tám năm 2014 ở Iraq và một tháng sau đó ở Syria đã khiến nhiều thường dân thiệt mạng hơn con số mà liên quân công bố.

Airwars là một nhóm phi lợi nhuận chuyên theo dõi và lưu trữ dữ liệu về cuộc chiến chống nhóm Nhà Nước Hồi giáo (IS) và các nhóm khác ở Iraq, Syria và Libya. Nhóm này ước tính rằng tính tới cuối tháng Mười, 2.910 ca tử vong của thường dân đã được ghi nhận, trong đó có ít nhất 1.504 ca ở Iraq và 3.487 ca ở Syria.

Còn tổ chức Đài quan sát nhân quyền Syria thì cho biết rằng tính tới cuối tháng 10, họ đã ghi nhận 2.910 trường hợp thường dân thiệt mạng vì các cuộc không kích của liên quân ở Syria.

https://www.voatiengviet.com/a/lien-quan-thua-nhan-gay-tu-vong-cho-nguoi-iraq-va-syria/4143792.html

 

Tổng thống Mỹ hủy chuyến thăm Anh Quốc

Thùy Dương

Chuyến công du Anh Quốc của tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra vào tháng 01/2018 đã bị hủy bỏ theo đề xuất của bộ Ngoại Giao Mỹ. Thông tin trên được báo Anh Daily Telegraph đưa ra tối 30/11/2017.

Báo Daily Telegraph cho biết : « Các nhà ngoại giao Mỹ đã hủy bỏ kế hoạch tổng thống Donald Trump thăm Anh Quốc vào tháng Giêng vì cuộc khẩu chiến giữa lãnh đạo hai nước ». Theo dự kiến ban đầu, tổng thống Mỹ sang Anh nhân dịp khai trương tòa đại sứ mới của Hoa Kỳ tại Luân Đôn.

« Mối quan hệ đặc biệt » giữa Washington và Luân Đôn lại một lần nữa bị tổn thương do việc tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây nhiều lần đăng tải trên Twitter các đoạn video chống Hồi Giáo do Fayda Fransen, lãnh đạo nhóm cực hữu Britain First của Anh đăng lên Internet.

Phát ngôn viên của thủ tướng Anh Theresa May sau đó đã chỉ trích ông Donald Trump. Đáp lại, trên Twitter, tổng thống Mỹ tối hôm qua 30/11 đã đăng một tin nhắn rất hung hăng nhắm vào thủ tướng Anh, khuyên bà May nên chú ý đảm bảo an ninh trong nước.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171201-tong-thong-my-huy-chuyen-tham-anh-quoc

 

Nga chi phối đời sống chính trị Âu-Mỹ,

nỗi ám ảnh của truyền thông phương Tây

Thanh Hà

Nga có “ngàn tay ngàn mắt” để phá hoại các nền dân chủ Tây phương ? Từ khi nghi án điện Kremlin can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, giúp Donald Trump chinh phục Nhà Trắng, báo chí Âu Mỹ nhìn đâu cũng thấy “bàn tay của Nga”, qua các cuộc bầu cử ở Pháp, Đức, rồi lại tới trưng câu dân ý về quy chế tự trị của vùng Catalunya –Tây Ban Nha.

Trong bài viết được đăng lại trên nguyệt san Le Monde Diplomatique, số ra tháng 12/2017 tựa đề “Sự can thiệp của Nga, từ nỗi ám ảnh đến tự hoang tưởng”, Aaron Maté, thuộc mạng lưới các nhà báo độc lập The Real News, nêu lên hai vấn đề : Thứ nhất là mức độ kém chính xác của các phương tiện truyền thông uy tín khi đưa tin Nga giúp Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Thứ hai là nguy hiểm khi khai thác lá bài “Russiagate” mà quên đi điều cơ bản : vì sao cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho Trump và trước Nga, Mỹ cũng đã can thiệp vào rất nhiều các cuộc bầu cử “ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ”.

Giả thuyết Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ là nỗi ám ảnh, được báo chí say mê khai thác không khác gì khi nói về một cuộc chiến tranh. Mọi người đã nhìn thấy cả hình bóng của nước Nga, trong các cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở Anh, về quy chế độc lập cho Catalunya khuấy động Tây Ban Nha.

Mối đe dọa Nga tung đòn tấn công tin học nhắm vào bầu cử tổng thống Pháp, hay bầu cử Quốc Hội ở Đức là chủ đề đã chiếm rất nhiều trang trên các tờ báo lớn của Âu – Mỹ. Có điều, Aaron Maté ghi nhận, trên tất cả những hồ sơ này, đến nay, mọi người vẫn chờ “đợi những bằng chứng cụ thể”.

Tác giả bài báo tập trung vào trường hợp của Hoa Kỳ : “Nhiều quan chức trong ngành tình báo Mỹ cho rằng chính quyền Nga đã đánh cắp thư điện tử, thao túng mạng xã hội nhằm tạo thuận lợi cho ứng cử viênDonald Trump“. Dù vậy, ngay cả những tờ báo Mỹ nổi tiếng là có lập trường bài Nga, như The Atlantic, trong ấn bản tháng 1/2017 cũng phải nhìn nhận những tiết lộ giật gân này không “mảy may có được bất kỳ một chứng cớ nào”.

Aaron Maté trích luôn bản tin của hãng thông tấn Anh Reuters, ngày 18/05/2017, theo đó các nhà điều tra Mỹ không tìm thấy “sai phạm” hay “liên hệ cấu kết” giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga.

Cũng nhà báo độc lập thuộc mạng lưới The Real News lưu ý : trong cuốn sách vừa phát hành tháng 9/2017- What Happened, bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống Mỹ đã dành hẳn một chương về khả năng Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Giả thuyết này không chỉ cho phép bà Clinton phủi tay về trách nhiệm trong thất bại vừa qua. Đổ lỗi cho Nga cũng là mục đích mà một số nhóm lợi ích ở Washington muốn hướng tới. Số này không muốn trông thấy viễn cảnh Washington – Matxcơva xích lại gần nhau.

Trách nhiệm của báo chí

Vấn đề đặt ra là “cỗ máy truyền thông đã lập tức trông thấy một con gà đẻ trứng vàng trong vụ này”. Chủ đề hấp dẫn tựa như chuyện trinh thám, vả lại tấn công Donald Trump là một đề tài rất ăn khách, khi một phần công luận Mỹ vẫn nuôi hy vọng trông thấy nhà tỷ phú địa ốc này bị truất phế.

Những yếu tố vừa nêu giải thích vì sao trong vụ “Russiagate”, những nguyên tắc cơ bản của ngành báo chí đã bị lãng quên : “Quên kiểm chứng thông tin trước khi tung lên các mặt báo. Đôi khi các ký giả tách rời từng sự kiện và khai thác thông tin đó theo xu hướng mà họ biết rằng công luận đang ngóng chờ, mà quên đi hoặc không khai thác một cách công bằng những thông tin khác. Tệ hơn nữa, nhiều tờ báo đưa lên trang nhất những tin giật gân, nhưng cuối cùng đấy chỉ là những bài viết rỗng tuếch, với những thông tin mơ hồ, những giả thuyết”.

Ở đây Aaron Maté đưa ra một loạt bằng chứng để minh họa cho đòn tấn công vào đạo đức nghề nghiệp của một số phóng viên. Bằng chứng thứ nhất liên quan tới một dự án Trump Tower tại Matxcơva. Một trong những trung gian của dự án này là nhà địa ốc gốc Nga, Felix Sater. Chẳng hiểu ông này có những mối liên hệ “rộng rãi” với điện Kremlin đến mức độ nào, mà luật sư của Donald Trump khi gửi thư điện tử yêu cầu phía Nga thúc đẩy dự án của tập đoàn Trump, thì thư đã không đến tay phát ngôn viên của phủ tổng thống Nga, là ông Dmitri Peskov. Nhưng chỉ cái tin Donald Trump có kế hoạch làm ăn tại Nga cũng đủ để truyền thông khai thác.

Bằng chứng thứ nhì, là George Papadopoulos, cựu cố vấn về chính sách đối ngoại cho ứng viên tổng thống Donald Trump, đang trong tầm ngắm của tư pháp Hoa Kỳ vì đã gặp người tự nhận mình là “cháu gái ” gọi Putin bằng chú hay bằng cậu. Hiềm nỗi, khi điều tra sâu hơn một chút, người ta khám phá rằng, tổng thống Nga, không có cô cháu gái nào.

Mạng xã hội, công cụ của Nga ?

Nỗi ám ảnh của báo chí phương Tây về vai trò của Nga không dừng lại ở các kênh chính thức. Nga còn bị cáo buộc sử dụng các mạng xã hội như Facebook hay Twitter để “thao túng công luận” : chính Facebook cho biết đã phát hiện hàng trăm “tài khoản giả” dường như đã được mở tại Nga và họ đã chi ra 100.000 đô la để tung ra một chiến dịch quảng cáo trong khoảng thời gian từ tháng 06/2015 đến tháng 05/2017.

Tác giả nêu lên câu hỏi 100.000 đô la trong gần 2 năm trời, liệu có là một chiến dịch thao túng công luận quá “lớn” để có đủ ảnh hưởng như mong đợi hay không ? Để so sánh, trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ vừa qua, chi phí tốn kém lên tới 6,8 tỷ đô la ! Có điều không một tờ báo lớn nào ở Hoa Kỳ, từ New York Times đến Washington Post tỏ ra nghi ngờ về thông tin họ đưa ra.

Nga không chỉ bị nghi ngờ “nhúng tay” vào bầu cử Mỹ. Pháp, Đức trước hai cuộc bầu cử quan trọng – tháng 5/2017 và tháng 9/2017, luôn trong thế đề cao cảnh giác. Trong thời gian vận động tranh cử, phong trào Tiến Bước ! của ứng viên Emmanuel Macron bị tin tặc tấn công. Nhưng chỉ một tháng sau khi ông Macron đắc cử, cơ quan an ninh mạng của Pháp trong một thông cáo ghi nhận “không có bằng chứng” về trách nhiệm của Matxcơva trong vụ tấn công nói trên. Tháng 09/2017 khi cử tri Đức được kêu gọi bầu lại Quốc Hội, truyền thông Mỹ đã ngạc nhiên đặt câu hỏi : “Tại sao Nga không can thiệp vào bầu cử Đức ?”

Nhìn tới một nền dân chủ lâu đời khác tại tây Âu là vương quốc Anh, hơn một năm sau trưng cầu dân ý về Brexit, nhật báo iNews báo động : “Brexit, Luân Đôn cần mở điều tra về vai trò của Nga” và thế là các chính trị gia Anh, mà đứng đầu là thủ tướng Theresa May đã vội vã lên tiếng, cảnh cáo Matxcơva “đừng tưởng là Anh không biết” Nga đã làm những gì !

Tại Tây Ban Nha, vào lúc Madrid đau đầu vì vùng Catalunya đòi ly khai, Washington Post ấn bản ngày 02/10/2017 quả quyết : “Trưng cầu dân ý Catalunya : Nga ghi bàn thắng”. Nhật báo uy tín nhất tại Tây Ban Nha El Pais ra bốn số liền, với trang nhất dành để nói về những “nghi ngờ ” Nga nhúng tay vào hồ sơ Catalunya.

Một chiêu bài đã quá xưa đầy nguy hiểm

Trở lại Mỹ, bạo động tại Charlottesville hồi tháng 08/2017 do một nhóm cực hữu da trắng khuấy lên, cũng bị coi là có “bàn tay” của Nga. Với tác giả bài báo Aaron Maté, việc Mỹ đổ lỗi cho Nga để khơi dậy đoàn kết dân tộc là một thủ đoạn không hề mới mẻ. Trong ấn bản năm 1919 New York Times từng chạy tựa “Phe Đỏ -(ý muốn nói Cộng Sản Liên Xô) kích động người da đen nổi dậy”. Nước Mỹ ở những năm 1960 cũng đã dùng Liên Xô như một cái cớ để nghe lén điện thoại và theo dõi linh mục Martin Luther King.

Phải nhìn nhận là một phần công luận Mỹ say mê với vụ tai tiếng mang tên “Russiagate” bởi lẽ họ đang chán ngán trước một ông tổng thống bất tài và có tính khí thất thường nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Với một số khác, mang Nga ra làm ông kẹ vừa là một chiêu bài đắt khách, vừa “nhàn hạ” : Lá bài này cho phép người ta tránh nêu lên những câu hỏi thực sự liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế, chính trị của nước Mỹ.

Càng tập trung vào nghi ngờ Matxcơva lũng đoạn đời sống chính trị ở Washington, những vấn đề chính của bản thân Hoa Kỳ lại càng bị đẩy vào hàng thứ yếu. Trong số những vấn đề đó phải kể tới phẫn nộ của công luận trước những bất công xã hội. Có điều “thân phận những con người thấp cổ bé miệng không là những đề tài ăn khách để các phương tiện truyền thông và các tầng lớp ăn trên ngồi trốc trên chính trường Mỹ để mắt tới”.

Không bênh vực Nga, không xác nhận hay phủ nhận vai trò của Matxcơva trong bầu cử Mỹ, nhà báo Aaron Maté thuộc mạng lưới các phóng viên độc lập The Real News chỉ căn cứ vào lịch sử quốc tế để nhắc lại rằng : ngày nay, người ta đang nhìn thấy bóng dáng của Nga ở khắp nơi, nhưng trong 70 năm qua, Hoa Kỳ đã can thiệp vào “không dưới 80 cuộc bầu cử trên thế giới”, đó là chưa kể trong bóng tối Mỹ đã ít nhiều nhúng tay vào các cuộc đảo chính. Một số chế độ bị lật đổ do có bàn tay của Hoa Kỳ. Aaron Maté nêu lên trường hợp của Iran, Chilê hay Guatamala. Tác giả còn đưa luôn cả vào danh sách này trường hợp của Ukraina.

Giới truyền thông tập trung vào vụ “Russiagate” mà quên mất rằng, trong chính quyền Trump hiện nay, một số các gương mặt “diều hâu bài Nga” đã được chỉ định vào những vị trí then chốt. Đó là chưa kể khối NATO mới kết nạp thêm Monténégro bất chấp sự chống đối của Nga …

Aaron Maté tiếc là “tất cả những căng thẳng nêu trên càng khiến toàn cảnh chính trị ở Mỹ thêm tồi tệ. Trong quan hệ với Nga, mọi nỗ lực ngoại giao đều bị coi là thể hiện một sự yếu đuối. Riêng chính sách trừng phạt Matxcơva và leo thang quân sự là những sân chơi hiếm có, nơi cả phe Dân Chủ lẫn Cộng Hòa đều đồng ý với nhau”.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171201-nga-chi-phoi-doi-song-chinh-tri-au-my-noi-am-anh-cua-truyen-thong-phuong-tay

 

World Cup 2018 : Những thách đố đối với Nga

Thanh Phương

Trong khi chỉ còn khoảng hơn 6 tháng nữa là vòng chung kết Cúp Bóng Đá Thế Giới World Cup 2018 sẽ khai mạc tại Nga, nhưng hiện giờ nước chủ nhà vẫn chưa hoàn tất việc xây dựng các sân vận động nơi sẽ diễn ra các trận đấu. Nhiều thách đố, từ cơ sở hạ tầng cho đến an ninh, đang chờ đón quốc gia sẽ đón tiếp 32 đội tuyển tranh Cúp Thế Giới.

Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Daniel Vallot tường trình :

« Thách đố đầu tiên là phải hoàn tất công trình xây dựng các sân vận động sẽ đón tiếp các trận tranh tài. Hiện giờ, chỉ mới có 5 trong số 12 sân vận động là có thể được sử dụng. Liên Đoàn Bóng Đá Quốc Tế FIFA tỏ vẻ tin tưởng vào khả năng của Nga hoàn tất các công trình đó đúng thời hạn. Nhưng muốn như thế thì nước chủ nhà phải đẩy nhanh tiến độ thi công ở nhiều thành phố.

Một thách đố khác là về mặt hậu cần. Chính quyền Nga đã thông báo rằng giao thông đường sắt sẽ miễn phí đối với những cổ động viên đã mua vé xem các trận đấu. Nhưng những khán giả này sẽ phải di chuyển rất xa, vì nên nhớ Nga là quốc gia rộng lớn nhất thế giới.

Cuối cùng là thách đố về an ninh, với việc chống nạn côn đồ bóng đá hooligan. Dĩ nhiên ai cũng còn nhớ các vụ đụng độ dữ dội tại Marseille giữa các cổ động viên Anh với Nga trong giải Euro 2016. Ngoài ra còn phải tính đến nguy cơ khủng bố. Nước Nga đã bị một vụ khủng bố đẫm máu vào tháng Tư vừa qua ở Saint-Petersbourg. Để đối phó với mọi tình huống, Matxcơva cho biết sẽ thi hành những biện pháp rất nghiêm ngặt về mặt an ninh. »

Để chống nạn hooligan một cách hiệu quả, các lực lượng an ninh Nga sẽ làm việc chặt chẽ với các đồng nghiệp nước ngoài, đặc biệt là của Anh, để ngăn những cổ động viên quá khích đặt chân vào lãnh thổ Nga. Nhưng họ cũng thi hành những biện pháp cứng rắn đối với lãnh đạo các nhóm hooligan ngay tại Nga, kể cả quản thúc tại gia.

Bên cạnh những thách đố nói trên, còn phải tính đến thái độ của người dân Nga. Tuy Cúp Thế Giới 2018 đang đến gần, nhưng theo thông viên RFI tại Matxcơva, dân Nga vẫn không mấy hào hứng như người dân tại các nước chủ nhà khác. Ở Nga, bóng đá cũng là một môn thể thao phổ biến, nhưng không bằng môn khúc côn cầu trên băng. Hơn nữa, dân Nga cũng không tin tưởng lắm vào khả năng của đội tuyển nước nhà.

Đã qua rồi thời hoàng kim của năm 2008, khi lọt vào đến bán kết giải Euro ở Thụy Sĩ và Áo, đội tuyển Nga đang ngày càng xuống dốc. Trong số 32 quốc gia tranh giải lần này, đội tuyển Nga được xếp hạng thấp hơn hết trong bản xếp hạng FIFA (65), thua cả Ả Rập Xê Út (63) !

Ngoài ra, nước Nga cách đây bốn năm đã tổ chức Thế vận hội mùa Đông ở Sotchi, một sự kiện rất tốn kém, với chi phí vượt xa dự kiến ban đầu. Có lẽ chính vì thế mà hiện nay dân Nga rất ngán ngại những sự kiện thể thao lớn như Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018. Chính phủ Nga đã bỏ ra đến 11,5 tỷ đôla để xây những sân vận động mới và các khách sạn. Tiền bỏ ra thì nhiều, mà tiền thu lại thì không biết sẽ được bao nhiêu, đã thế đội tuyển quốc gia lại quá yếu kém, chưa biết có qua nổi vòng đầu hay không. Dân Nga không hồ hởi phấn khởi là điều chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171201-world-cup-2018-nhung-thach-do-doi-voi-nga

 

Bóng đá : Bốc thăm chia bảng cho Cúp Thế Giới 2018

Thanh Phương

Ngày 01/12/2017, từ 15 giờ, giờ quốc tế, lễ bốc thăm chia bảng cho vòng đầu Cúp Bóng đá Thế giới 2018-World Cup 2018 tại Nga sẽ diễn ra trong điệm Kremli, với sự tham dự của những tên tuổi lớn trong làng bóng đá quốc tế, trong đó có 8 « đại sứ » của những quốc gia đã từng đoạt giải vô địch thế giới.

Điều khiển chương trình lễ bốc thăm là cựu danh thủ quốc tế người Anh Gary Lineker và nhà báo thể thao Nga Maria Komandnaya. Tham gia bốc thăm sẽ có 8 nhà cựu vô địch thế giới : Cafu (Brazil), Miroslav Klose (Đức), Laurent Blanc (Pháp), Fabio Cannavaro (Ý), Diego Maradona (Achentina), Gordon Banks (Anh) và Cales Puyol (Tây Ban Nha).

Năm nay, thể thức bốc thăm World Cup 2018 cho có sự thay đổi lớn : Liên Đoàn Bóng Đá Quốc tế FIFA phân ra 4 nhóm gồm 8 đội dựa trên bảng xếp hạng FIFA được công bố hồi tháng 10/2017. Nhóm đầu tiên chỉ bao gồm những đội « hạt giống ». Cụ thể, Nga vì là nước chủ nhà, nên sẽ là hạt giống ở bảng A và đá trận khai mạc. Còn 7 đội hạt giống còn lại, tức là những đội có vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng FIFA, sẽ được bốc thăm để đấu với 7 bảng còn lại (từ B đến H) : Đức, Brazil, Bồ Đào Nha, Achentina, Bỉ, Ba Lan và Pháp.

Điều đáng nói là Tây Ban Nha lần này không là đội hạt giống, cho nên có thể nước này sẽ đụng với Nga. Nếu không gặp Nga, thì Tây Ban Nha sẽ phải so tài ngay trong vòng đầu với một đối thủ sừng sỏ như Đức, đương kim vô địch thế giới, hay Bồ Đào Nha, đương kim vô địch châu Âu, hay Achentina, Bỉ, Ba Lan hoặc Pháp. Tuy vậy, Tây Ban Nha trong thời gian qua vẫn thường xuyên được dự báo là một trong những đội tuyển có triển vọng đoạt cúp vô địch thế giới, với cơ may ngang bằng với Đức, Brazil hay Pháp.

Vấn đề là, theo lời của hậu vệ Brazil Thiago Silva gần đây có nhắc lại : « Tranh Cúp Thế giới bao giờ cũng rất khó khăn, bởi vì đội nào cũng xứng đáng có mặt tại giải này ». Có nghĩa là những đội bị xem là « nhỏ » cũng có thể gây bất ngờ.

Giải vô địch bóng đá thế giới 2018 tại Nga sẽ diễn ra từ ngày 14/06/2018 đến 15/07/2018. Trận mở màn và trận chung kết đều sẽ diễn ra trên sân Luzhniki ở Matxcơva.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171201-bong-da-boc-tham-chia-bang-cho-cup-the-gioi-2018