Hay tay ông Trọng cũng đã nhúng chàm?
30/11/2017
Ông Nguyễn Phú Trọng.
Hội nghị Trung ương 5 khoá XII diễn ra vào trung tuần tháng 5 năm 2012 đã chứng kiến một sự kiện hy hữu: TBT Nguyễn Phú Trọng được Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị thay thế Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong vai trò Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng.
Lý do dẫn đến việc “đồng chí X” bị truất khỏi chiếc ghế đầy quyền lực này là chuyện chẳng đặng đừng: Không phải ai khác mà chính người đứng đầu bộ máy phòng chống tham nhũng lúc bấy giờ lại đang phải chịu nhiều tai tiếng nhất về tham nhũng, khi “bảo kê” cho người thân cùng đám đàn em mặc sức xâu xé nền kinh tế. Kết cục tất yếu là, dưới quyền Trưởng ban Nguyễn Tấn Dũng, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (vốn được thành lập theo Luật Phòng chống tham nhũng) gần như vô tác dụng.
Ngày 1/2/2013, TBT Nguyễn Phú Trọng ký Quyết định 162-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Quyết định này do Tổng Bí thư ký nên dĩ nhiên nó không căn cứ vào Luật Phòng chống tham nhũng mà chỉ căn cứ vào Điều lệ Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XI, cùng Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. (Đây cũng là bằng chứng cho thấy thói quen ngồi xổm trên pháp luật của ban lãnh đạo CSVN.)
Ba ngày sau, phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã diễn ra dưới sự chủ trì của tân Trưởng ban Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, vị tân Trưởng ban đã tuôn ra những lời lẽ mà “đồng chí X” – nhân vật từng khiến “cụ Tổng” phải mếu máo đọc diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 6 hơn 3 tháng trước đó – hẳn là người “thấm thía” hơn cả: “Mỗi thành viên, mỗi cán bộ làm việc trong lĩnh vực này phải hết sức gương mẫu, liêm, dũng, chính, trực, tức là phải trong sạch, dũng cảm, ngay thẳng, công tâm, trung thực. Bản thân mỗi đồng chí và cả gia đình, vợ, con, phải giữ gìn sự trong sạch, rồi mới chống tham nhũng được, nếu không nói chẳng ai nghe. Tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác được.”
Ngày 16/1/2015, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác ngành kiểm sát năm 2015, ngài Trưởng ban PCTN lại được dịp huấn thị các đồng chí của mình: “Cán bộ làm công tác chống tham nhũng mà tay đã nhúng chàm thì không thể chống được tham nhũng.”
Nghĩa là, đối với ngài TBT, việc cán bộ chống tham nhũng mà lại “nhúng chàm” đơn giản là không thể chấp nhận được. Dĩ nhiên, dưới sự chỉ đạo của một vị Trưởng ban như thế, không ít người từng kỳ vọng là quốc nạn tham nhũng sẽ bị chặn đứng trước khi bị đẩy lùi.
Vậy nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Mặc dù ban đầu guồng máy phòng chống tham nhũng cũng có rục rịch chuyển động, nhưng rồi mọi chuyện chẳng mấy chốc “đâu lại trở về đấy”.
Thanh tra Chính t
Sau khi Trịnh Xuân Thanh (thủ phạm gây ra vụ thất thoát 3.000 tỷ VNĐ tại Tổng Cty Xây lắp Dầu khí – PVC) đào thoát khỏi Việt Nam tháng 9/2016, vụ Trịnh Xuân Thanh thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Tuy nhiên, bộ máy phòng chống tham nhũng dưới sự chỉ đạo của Trưởng ban Nguyễn Phú Trọng thì vẫn cứ tiếp tục ì ạch.
Và chỉ đến khi ngài TBT khoát tay hùng hồn “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng ngày 31/7, lần đầu tiên thiên hạ mới thực sự cảm nhận được hơi nóng toả ra từ cái “lò” mà ngài đã hì hục “nhóm” từ… 5 năm trước.
Trước thềm Hội nghị Trung ương 6, hàng loạt vụ bắt bớ cùng những bản án nặng nề nhằm vào một loạt quan chức “hạng ruồi” trong vụ Ngân hàng Đại Dương khiến công chúng Việt Nam chắc mẩm là tại hội nghị “Đốt Lò” diễn ra vào thượng tuần tháng 10 thế nào họ cũng được chứng kiến vài khúc “củi bự” được tống vào “lò”. Khả năng này xem ra lại càng lớn sau khi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và đề nghị Bộ Chính trị, BCH Trung ương thi hành kỷ luật Bí thư Nguyễn Xuân Anh, còn cựu Bí thư TP HCM Đinh La Thăng thì bị hàng loạt tờ báo chính thống “vạch mặt chỉ tên” là đã ký văn bản yêu cầu các đơn vị thành viên PVN cùng các nhà thầu dầu khí phải mở tài khoản tại OceanBank, thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại OceanBank.
Trớ trêu thay, trước sự háo hức trông đợi của dân chúng, “khúc củi” duy nhất bị tống vào “lò” trong “hội nghị đốt lò” chỉ là một Nguyễn Xuân Anh làng nhàng, “ngựa non háu đá”, với mức độ sai phạm tuy nghiêm trọng nhưng còn thua xa vô số ông trùm khác. Những “khúc củi” bự như Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Bình… vẫn tiếp tục “bình chân như vại”.
Không chỉ vậy, trong bài diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 6 cũng như suốt thời gian từ đó đến nay, khẩu khí của ngài TBT bỗng dưng chùng hẳn xuống, hoàn toàn tương phản với khí thế trước đấy, khi tưởng chừng như ngài có thể ném vào “lò” bất kỳ “khúc củi” nào, bất kể “củi khô”, “củi vừa vừa” hay “củi tươi”.
Trong bối cảnh đó, người ta không khỏi “băn khoăn” trước việc một loạt tờ báo chính thống bất ngờ đưa tin về sự kiện Thanh tra Chính phủ tổ chức họp báo công bố việc Hà Nội để thất thu số tiền khổng lồ từ hàng loạt sai phạm trong các dự án nhà ở. Theo các bài báo, mặc dù mới chỉ thanh tra 38/204 dự án tại Hà Nội giai đoạn 2002-2014, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện ra chính quyền thành phố Hà Nội đã để ngân sách thất thu tới… 6.000 tỷ VNĐ.
Thiết tưởng không cần phải nhắc lại là đương kim Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN Nguyễn Phú Trọng từng làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội từ năm 2000 đến 2006, và lâu nay trong dư luận vẫn râm ran chuyện ông ta từng nhận 2 căn biệt thự trong khu đô thị Nam Thăng Long do tập đoàn Ciputra của Indonesia làm chủ đầu tư để giúp họ trốn thuế.
Những “khúc củi”
Thực hư vụ việc chưa biết thế nào, nhưng người Việt thì vẫn có câu “không có lửa làm sao có khói”. Trong khi đó, con số 6.000 tỷ VNĐ mà Hà Nội để thất thu lại bằng số thu ngân sách nhiều năm của một tỉnh nghèo. Vì thế, thiết nghĩ người đứng đầu bộ máy phòng chống tham nhũng quốc gia cần nhân dịp này chỉ đạo điều tra những sai phạm mà Thanh tra Chính phủ đã nêu, để không chỉ qua đó giúp thu hồi cho ngân sách số tiền khủng kia mà còn cho bàn dân thiên hạ thấy là bản thân mình không hề “nhúng chàm”.
Nhược bằng ngài Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN quyết không cho điều tra vụ việc đến nơi đến chốn hầu giải nỗi oan khuất bao năm nay cho mình thì xin được tặng ngài hai câu thơ trong Truyện Kiều, tập thơ mà hình như những lúc cao hứng ngài vẫn thường lẩy:
“Trót vì tay đã nhúng chàm
Dại rồi còn biết khôn làm sao đây?”