Tướng Mỹ có nói ‘Không’ nếu Trump lệnh tấn công hạt nhân?
27/11/2017
Các tướng lĩnh quân đội Mỹ có thể phản đối Tổng thống Trump nếu ông ra lệnh thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân bất hợp pháp?
Thông thường, không ai được phép khước từ mệnh lệnh của Tổng thống.
Nhưng thực tế, các tướng lĩnh sẽ trông đợi một lời giải thích hợp lý cho cuộc tấn công, và có quyền nói “không” đối với một mệnh lệnh bất hợp pháp.
Trong những tháng gần đây, với căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Triều Tiên, công chúng liên tục hỏi về việc làm thế nào để ngăn Tổng thống Trump không dùng vũ khí hạt nhân.
Một vị tướng đã nghỉ hưu nói với Quốc hội rằng quân đội có thể nói “không” với Tổng thống trong một số trường hợp cụ thể.
Tướng không quân John Hyten, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ nói với Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax rằng ông sẽ phản đối cuộc tấn công nếu ông cho rằng nó bất hợp pháp.
Nhưng có phải ai cũng được nói “không” với Tổng thống nếu ông ra lệnh tấn công hạt nhân?
Mật mã tiếp cận
Nếu Tổng thống Trump muốn thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân, trước đó ông sẽ phải thảo luận về nhiều lựa chọn với các cố vấn.
Sau đó ông sẽ ra mệnh lệnh cho các cán bộ cấp cao tại Lầu Năm Góc.
Họ sẽ xác định danh tính của tổng thống bằng cách trao đổi các mật mã in trên chiếc thẻ được gọi là “bánh bích quy”, vật mà tổng thống luôn mang theo mình.
Mệnh lệnh sẽ được chuyển tới Bộ Tư lệnh Chiến lược để gửi thêm hướng dẫn và mật mã tiếp cận cho các đơn vị mặt đất (hoặc dưới lòng biển trong các tàu ngầm.)
Từ đây, các đơn vị sẽ phóng tên lửa.
Chuỗi mệnh lệnh
Một báo cáo tóm tắt từ Vụ Khảo cứu Quốc hội Hoa Kỳ giải thích một cách rõ hiểu về trường hợp được coi là “hợp pháp”. “Tổng thống Mỹ là người duy nhất có quyền ủy quyền việc sử dụng vũ khí hạt nhân.”
Thông thường, không ai có thể vượt phép với quyết định của Tổng thống – đây là một phần trong trách nhiệm của ông dưới chức Tổng tư lệnh.
Trên lý thuyết, phó tổng thống có thể “hất cẳng” tổng thống nếu có sự đồng thuận của đa số thành viên trong nội các.
Nhưng Peter Feaver, giáo sư Chính trị học tại Đại học Duke ở Bắc Carolina, nói rằng không phải Tổng thống Trump có thể thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân đơn giản như việc ông update trang Twitter.
“Mệnh lệnh của Tổng thống sẽ được truyền xuống một chuỗi các cấp bậc. Một ai đó ở dưới chuỗi mệnh lệnh này sẽ xoay chìa khóa hoặc nhấn nút.”
Giáo sư Feaver nói rằng nếu tổng thống gặp quân đội để ra lệnh tấn công, việc này kéo theo một “quy trình tư vấn” – các tướng chỉ huy muốn biết mục tiêu Tổng thống muốn đạt được, tại sao tổng thống muốn sử dụng vũ khí hạt nhân và hàng loạt câu hỏi khác.
Tổng thống Trump luôn có quyền hợp pháp để ra lệnh tấn công, dù ông nhận được bất cứ lời khuyên nào.
Nhưng ông vẫn cần thuyết phục quân đội thực hiện mệnh lệnh đó.
Mệnh lệnh hợp pháp
Gen Hyten cho rằng nếu mệnh lệnh tấn công hạt nhân là bất hợp pháp, ông sẽ không bao giờ thực hiện nó.
“Nếu bạn thực thi một mệnh lệnh trái với pháp luật, bạn sẽ đi tù. Bạn có thể giành nốt phần đời còn lại trong tù.”
Điều gì làm cho một mệnh lệnh hạt nhân trở nên trái pháp luật?
Một số người cho rằng tất cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân vì bất kì mục đích gì cũng là trái pháp luật.
Nhưng ngay cả khi bạn không đồng ý với quan điểm này thì trong một số trường hợp cụ thể, việc sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn là bất hợp pháp.
Anthony Colangelo, giáo sư luật tại trường Đại học Southern Methodist ở Dallas cho rằng một số kiểu tấn công hạt nhân có thể phá vỡ luật nhân đạo quốc tế.
Luật nhân đạo quốc tế khống chế cách cư xử của các quốc gia trong thời kì chiến tranh. Luật này ra đời từ những hiệp định Mỹ đã kí, ví dụ như Công ước Geneva, và những bộ luật khác.
Việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ phạm luật nếu vũ khí được sử dụng với mục đích, hoặc vì sử dụng vũ khí hạt nhân mà gây thiệt mạng không phân biệt đối với cả người tham chiến lẫn dân thường.
Đây không chỉ là ý kiến của Giáo sư Colangelo. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng công nhận trong bộ luật của mình rằng “bộ luật chiến tranh khống chế việc sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Giáo sư Colangelo nói rằng trách nhiệm tuân thủ pháp luật “được thực hiện bởi tất cả các cấp trong quân đội”.
Nếu mệnh lệnh của Tổng thống là một cuộc tấn công bất hợp pháp, bất kì ai thực hiện mệnh lệnh đó cũng có thể bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh.
Họ có trách nhiệm phải nói “không”.
Các cán bộ sẽ không tuân lệnh?
Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội để nhìn ra một mệnh lệnh trái pháp luật.
Chẳng hạn, lính tàu ngầm sẽ không có được đầy đủ thông tin về những gì tổng thống và các cán bộ cấp cao trong quân đội đang làm. Họ có thể không có đủ vị thế để xem đây có phải một mệnh lệnh hợp pháp.
Và Giáo sư Colangelo chỉ ra rằng có thể không phải là một điều tốt để thôi thúc các chiến sỹ cấp dưới đặt câu hỏi về bất kì mệnh lệnh nào họ nhận được. “Toàn bộ hệ thống chỉ huy quân đội sẽ sụp đổ nếu các chiến sỹ bắt đầu nghi ngờ về các mệnh lệnh.”
Nếu một tướng chỉ huy nói “không”với Tổng thống, ông ta đương nhiên có thể bị sa thải. Nhưng dù vậy người thay thế vẫn có trách nhiệm tuân thủ pháp luật tương tự.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-42138717