Bị vũ khí bá chủ đại dương của Mỹ uy hiếp, Triều Tiên cầu cứu?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bị vũ khí bá chủ đại dương của Mỹ uy hiếp, Triều Tiên cầu cứu?
Ngày đăng 17-11-2017
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc – ông Ja Song Nam hôm 13/11 đã thẳng thừng nói rằng, cuộc tập trận rầm rộ của Mỹ và Hàn Quốc với sự tham gia của 3 tàu sân bay cùng lúc đang tạo ra “tình hình tồi tệ nhất từ trước đến nay” bởi vũ khí hạt nhân của Mỹ đã được triển khai để sẵn sàng tấn công.
Trong bức thư gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Đại sứ Triều Tiên Ja Song Nam cho rằng, Mỹ đang “điên cuồng thực hiện các cuộc diễn tập cho chiến tranh bằng cách đưa vũ khí hạt nhân vào trong và xung quanh bán đảo Triều Tiên”.
Theo Đại sứ Ja, Washington mới là bên phải chịu trách nhiệm cho việc làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Vị quan chức Triều Tiên đồng thời cáo buộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã phớt lờ “cuộc tập trận hạt nhân của Mỹ – quốc gia đang bằng mọi giá reo rắc thảm họa cho nhân loại”.
Đại sứ Ja đề nghị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres hãy thực hiện Điều 99 ít được sử dụng của Liên Hợp Quốc để dẫn dắt sự quan tâm của Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên đến “mối nguy hiểm gây ra bởi cuộc tập trận hạt nhân của Mỹ – một cuộc tập trận rõ ràng là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế”.
Ông Ja còn nói thêm rằng, cuộc tập trận của Mỹ cho thấy Triều Tiên đã đúng đắn khi tăng cường sức mạnh quân sự, bức thư cho hay.
3 nhóm tàu sân bay tấn công USS Nimitz, USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt của Mỹ vừa có cuộc tập trận quy mô lớn với các hạm đội hùng hậu của cả Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cuộc tập trận của 3 nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ được đánh giá là cuộc tập trận hải quân lớn nhất của nước này trong vòng một thập kỷ trở lại đây và cũng là cuộc tập trận hiếm hoi có sự tham gia cùng lúc của ba tàu sân bay – thứ vũ khí được ví là bá chủ đại dương. Lần gần đây nhất ba nhóm tàu sân bay của Mỹ tập trận cùng lúc với nhau là vào năm 2007 ở gần đảo Guam.
Ngoài sự có mặt của 3 tàu sân bay đầy uy lực nói trên, cuộc tập trận còn có sự tham gia của 11 chiến hạm được trang bị hệ thống chiến đấu tinh vi Aegis của Mỹ và 7 chiến hạm của Hàn Quốc, trong đó có 2 tàu được trang bị hệ thống Aegis, và ba tàu chiến hàng đầu của Nhật Bản.
Hàn Quốc cho biết, cuộc tập trận mà họ vừa kết thúc ngày hôm qua (14/11) được tiến hành nhằm đáp trả những hành động khiêu khích về tên lửa và hạt nhân từ phía Bình Nhưỡng. Đồng thời, cuộc tập trận cũng thể hiện cho Triều Tiên thấy rằng, bất kỳ sự khiêu khích nào từ phía nước này đều có thể bị đáp trả bằng “sức mạnh áp đảo”.
Từ quan điểm của Mỹ, sự hiện diện của 3 tàu sân bay thiện chiến của họ ở vùng lãnh hải Thái Bình Dương là thông điệp gửi đến Triều Tiên về việc Mỹ sẽ không bị dọa dẫm bởi những vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp trong thời gian qua của Bình Nhưỡng.
Mỹ đã và đang tăng cường đưa hàng loạt vũ khí chiến lược, trong đó có những chiếc máy bay ném bom tầm xa, đến khu vực trong bối cảnh Triều Tiên khuấy động khu vực bằng những vụ thử tên lửa, hạt nhân liên tiếp trong thời gian qua.
Tổng thống Trump muốn thông qua cuộc tập trận đặc biệt đang diễn ra ở Thái Bình Dương để thể hiện một mặt trận đoàn kết, thống nhất trong khu vực trước vấn đề Triều Tiên.
Triều Tiên coi bất kỳ cuộc tập trận hải quân nào ở gần đường biên giới của họ đều là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia của họ. Bình Nhưỡng liên tục cảnh báo nước này sẽ sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình nếu bị Mỹ và các đồng minh khiêu khích.
Căng thẳng đang leo thang cao độ trên bán đảo Triều Tiên sau khi Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Mỹ tuyên bố, mọi sự lựa chọn, trong đó có cả lựa chọn quân sự, đều đang được đặt lên bàn trong việc xử lý vấn đề Triều Tiên. Mặc dù vậy, Mỹ khẳng định vẫn ưu tiên cho một giải pháp ngoại giao.