Tin Việt Nam – 17-11-2017
Việt Nam: 27 cuộc tấn công mạng ‘có chủ đích’ nhắm vào APEC
Trong phiên trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc Hội hôm 17/11, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông (TTTT) Trương Minh Tuấn cho biết Việt Nam phát hiện 27 cuộc tấn công có chủ đích vào hệ thống máy chủ, trung tâm báo chí của Hội nghị APEC.
Người đứng đầu Bộ TTTT cho biết tính đến nay, Việt Nam đã phát hiện hơn 11.000 cuộc tấn công mạng, trong đó các các cuộc tấn công nhắm vào Hội nghị APEC.
Tuần lễ APEC tại Đà Nẵng đã thu hút khoảng 11.000 người tham gia, trong đó có hơn 2.800 phóng viên Việt Nam và nước ngoài thường xuyên làm việc tại trung tâm truyền thông quốc tế APEC từ ngày 6/11 đến 11/11.
Trương Minh Tuấn cho biết có đến 41% các cơ quan, tổ chức ở Việt Nam không đánh giá rủi ro về an ninh thông tin nên không phát hiện ra mã độc trong hệ thống, 51% cơ quan, tổ chức vẫn chưa áp dụng các thao tác tiêu chuẩn trong việc đối phó với sự cố mạng, và 73% vẫn chưa có biện pháp để bảo vệ an toàn mạng.
Cũng trong buổi chất vấn, Bộ trưởng TTTT cho biết đã làm việc với Google và YouTube để gỡ “thông tin xấu độc”. Hiện Việt Nam đã gỡ được 5.000 video xấu độc trên YouTube, theo lời ông Tuấn. Trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết Việt Nam sẽ tăng cường xử lý vi phạm trên mạng xã hội và đề nghị phải có các chính sách đồng bộ, ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các mạng xã hội có thể thay thế được Facebook, Google, YouTube trong vòng 5-7 năm. – Theo VOA
Gặp EU về nhân quyền, 3 nhà hoạt động ‘bị bắt cóc’
Ba trong bốn nhà hoạt động dân chủ cáo buộc họ đã bị lực lượng an ninh CSVN “bắt cóc” hôm 16/11 sau khi gặp và thảo luận về nhân quyền với phái bộ của Liên hiệp châu Âu ở Hà Nội.
Cuộc gặp gỡ giữa phái bộ ngoại giao của EU với 4 đại diện của giới xã hội dân sự diễn ra trước đối thoại nhân quyền thường niên vào đầu tháng 12 giữa EU và CSVN, trong bối cảnh hai bên dự kiến tiến đến ký kết hiệp định thương mại tự do vào năm 2018 sắp tới.
Các nhà hoạt động đã họp với phái bộ EU gồm có tiến sĩ Nguyễn Quang A, cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng, nhà báo vào blogger Phạm Đoan Trang, và ông Nguyễn Chí Tuyến. Họ đều được biết đến rộng rãi ở Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho VOA biết nhóm các nhà hoạt động đã đề nghị EU thúc đẩy Việt Nam thực hiện các cam kết đưa ra hồi năm 2014 trong khuôn khổ Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) về nhân quyền. Tiến sĩ Quang A đề xuất thêm rằng EU nên cứng rắn hơn với Việt Nam:
“Bên cạnh những phương pháp rất là mềm dẻo, rất là xây dựng, thì cũng cần có những yêu cầu rất là khắt khe đối với Việt Nam về những nghĩa vụ pháp lý mà Việt Nam phải thực hiện, bởi vì Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế. Thì lưu ý cả đến điểm đó nữa, chứ không phải là tùy Việt Nam thích làm thế nào thì làm”.
Bà Phạm Đoan Trang đã trao cho EU 3 văn bản gồm báo cáo và kiến nghị chung của một số tổ chức XHDS độc lập, báo cáo về môi trường và vi phạm nhân quyền có liên quan, và báo cáo về tự do tôn giáo, tín ngưỡng.
Bản báo cáo của các tổ chức XHDS cho rằng tình hình nhân quyền Việt Nam trong năm 2017 vẫn có nhiều biểu hiện xấu, nổi bật là việc nhà nước kiểm duyệt truyền thông, bắt bớ một loạt các nhà hoạt động và blogger, tuyên các bản án nặng đối với các nhà hoạt động, ngoài ra là các vụ đàn áp các cuộc hội họp ôn hoà và đàn áp tôn giáo.
Liệu những gì nêu trong báo cáo cũng đồng nghĩa là tình hình nhân quyền của Việt Nam đã trở nên tồi tệ hơn, tiến sĩ Quang A bày tỏ ý kiến:
“Điều đó hoàn toàn đúng và có thể thấy rất là rõ rệt từ khoảng 2 năm trở lại đây sau đại hội vừa rồi của Đảng Cộng sản Việt Nam mà có một dàn lãnh đạo mới”.
Chính quyền Việt Nam lâu nay luôn khẳng định họ “cố gắng tạo điều kiện” để mọi người dân được hưởng các quyền của mình và Việt Nam đã đạt được “nhiều thành tựu nhân quyền” trên thực tế. Chính quyền cũng thường xuyên cáo buộc một số tổ chức trong và ngoài nước sử dụng vấn đề nhân quyền một cách “thiếu thiện chí” để “can thiệp vào nội bộ” của Việt Nam.
Sau cuộc gặp với EU hôm 16/11, ba trong bốn nhà hoạt động là tiến sĩ Quang A, hai bà Bùi Thị Minh Hằng và Phạm Đoan Trang đã bị các nhân viên ngành an ninh của nhà nước bắt đi khi ba người này rời khỏi văn phòng của EU ở Hà Nội. Tiến sĩ Quang A cho biết thêm:
“Thực sự là họ bắt cóc, họ chà đạp lên pháp luật. Tôi đi xuống khỏi cơ quan của EU, đến trước đại sứ quán Australia, thì 4 người hùng hổ đến và họ quăng tôi vào xe. Họ chở về đồn công an phường Gia Thụy là nơi họ đã giữ tôi trái pháp luật rất nhiều lần rồi”.
Tại đồn công an, ông A bị yêu cầu cung cấp thông tin về những người tham gia và nội dung thảo luận tại cuộc gặp với EU. Tuy nhiên, ông A từ chối, đáp lại rằng ông “không làm chỉ điểm”.
Tiến sĩ A và bà Bùi Thị Minh Hằng được thả sau một thời gian ngắn bị tạm giữ. Riêng bà Phạm Đoan Trang bị giữ đến tối 16/11, sau đó phía công an đưa bà về nhà và đặt bà trong tình trạng giam lỏng.
Viết trên Facebook cá nhân vào tối khuya 17/11, bà Trang xác nhận đã “bị cơ quan an ninh bắt” và điện thoại di động của bà “bị cướp mất”. Bà mô tả các câu hỏi cũng như nghiệp vụ của phía an ninh khi họ “làm việc” với bà là “lố bịch” và “cực xoàng”. VOA không thể liên lạc với cơ quan hữu quan Việt Nam để có tiếng nói từ phía họ về vụ việc.
Trong một bài viết đăng hôm 17/11 trên trang web luatkhoa.org, bà Trang tường thuật rằng Đại sứ của Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Bruno Angelet, nói với các nhà hoạt động tại cuộc gặp hôm 16/11 rằng việc yêu cầu nhà nước Việt Nam cải thiện nhân quyền là một “quá trình lâu dài”, và sự thay đổi “không thể diễn ra trong một đêm”.
Thông tin từ EU cho hay đối thoại nhân quyền giữa họ với Việt Nam dự kiến diễn ra vào ngày 1/12 sắp tới. Tình trạng Hà Nội gia tăng bắt bớ, đàn áp giới hoạt động dân chủ trong năm qua là một nội dung chính trong cuộc đối thoại, theo bài viết của bà Trang trên luatkhoa.org. Bên cạnh bảo vệ nhân quyền, EU cũng dự định bàn về những vấn đề lớn mà họ mong muốn Việt Nam cải thiện, như xây dựng nhà nước pháp trị, cải cách tư pháp, và phát triển bền vững. – VOA
Vì sao VN không mặn mà với lời chào mua vũ khí của TT Trump?
Trong chuyến công du dài ngày đến châu Á và dự APEC tại Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã “chào hàng” tên lửa và các hệ thống vũ khí khác của Mỹ ngay trong buổi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Bloomberg dẫn một nguồn tin ẩn danh cho biết Tổng thống Mỹ thậm chí nói Phúc “còn chần chờ gì nữa” khi ông đã lên nắm cương vị đứng đầu nước Mỹ được 10 tháng rồi.
Bán vũ khí cho Việt Nam được xem là một trong những mục tiêu hàng đầu của Tổng thống Hoa Kỳ khi đến Việt Nam. Vẫn theo Bloomberg, một thương vụ vũ khí với Việt Nam còn là “thắng lợi nhanh” giúp cho ông Trump có thêm lợi thế khi ra tái tranh cử.
Trên trang web chính thức, Tòa Bạch Ốc còn đăng lời “quảng cáo” của ông Trump với Phúc rằng “Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ mua trang thiết bị từ Mỹ. Mỹ là nơi sản xuất các trang thiết bị tốt nhất, chúng tôi làm ra những thiết bị quân sự tốt nhất, từ các loại máy bay cho đến bất kể thứ gì mà bạn có thể nêu tên”.
Tuy nhiên, bất chấp kỹ năng thương trường của Tổng thống Mỹ, Việt Nam cho đến phút chót của APEC vẫn không ký một hợp đồng mua bán vũ khí nào trong số một loạt thỏa thuận thương mại trị giá 12 tỷ đôla ký với Hoa Kỳ.
Một nhà phân tích chính trị Việt Nam và quốc tế, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng của trường đại học George Mason, Mỹ, nhận định rằng có nhiều yếu tố khiến mục tiêu của ông Trump không thành công tại Việt Nam. Ông nói:
“Mua vũ khí không phải là dễ. Có nhiều vấn đề đặt ra lắm. Thí dụ, một khi đã mua vũ khí của một số nước khác rồi, bây giờ mua vũ khí của Mỹ thì các hệ thống có dùng lẫn với nhau được hay không, hay là mua của Mỹ thì phải mua hoàn toàn của Mỹ, bỏ tất cả các thứ khác”.
Trở ngại thứ hai, theo GS. Nguyễn Mạnh Hùng, là vấn đề tiền bạc, vì ngân sách mà Việt Nam dành cho việc mua vũ khí khá “eo hẹp” so với các nước khác.
Ông nói thêm: “Ngoài ra, mua vũ khí của Mỹ cũng cần rất nhiều chuyện như huấn luyện và các thứ khác. Ví dụ như Việt Nam mua [chiến đấu cơ] Sukhoi của Nga thì phải sang Ấn Độ để huấn luyện vì Ấn Độ cũng mua cùng loại vũ khí đó”.
Vài tháng trước khi diễn ra Hội nghị APEC ở Việt Nam, một số chuyên gia quân sự của Nga liên tục lên tiếng trên truyền thông khuyên Việt Nam không nên mua vũ khí của Mỹ và Israel. Các chuyên gia này còn đưa ra các phân tích kỹ thuật để cho thấy sự ưu việt của vũ khí Nga trong việc tích hợp vũ khí khác hệ so với vũ khí của Israel và Mỹ.
Trong khi đó, một chuyên gia quân sự Việt Nam, Phó giáo sư-Tiến sĩ-Thiếu tướng an ninh Lê Văn Cương, trong cuộc phỏng vấn với Spunik ngày 14/11 nói “Qua thực tế kháng chiến người Việt Nam đã biết rằng vũ khí Mỹ thua kém về các đặc tính hơn là vũ khí tương tự của Liên Xô, ngoài ra lại đắt giá hơn nhiều”.
Nhận định về yếu tố này, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói:
“Khi người ta đã quen với vũ khí nào thì dĩ nhiên người ta thích vũ khí đó. Nhưng tôi nghĩ ẩn ý trong đó là vấn đề tiền bạc. Mua đồ của Nga thì vấn đề tiền bạc dễ hơn. Có thể có tham nhũng trong đó nữa. Còn mua vũ khí Mỹ thì không thể đi lót tay được”.
Hệ thống vũ khí của Việt Nam trước đây chủ yếu do Liên Xô cung cấp từ đầu những năm 1950. Gần đây, Việt Nam và Nga cũng ký kết nhiều hợp đồng mua bán vũ khí trị giá hơn 4,5 tỷ đôla, trong đó có các tàu ngầm lớp Varshavyanka, hệ thống phòng không Buk, Tor và S-300. Đa số chiến đấu cơ của Việt Nam cũng là máy bay Mi-8 của Nga và mới đây là tiêm kích Su-27 và Su-30MK2.
Những năm gần đây, Việt Nam chi khá mạnh tay trong việc mua sắm vũ khí với mục tiêu “hiện đại hóa quân đội”. Trong vòng từ năm 2006 – 2015, ngân sách quốc phòng của Việt Nam năm tăng từ 1,3 tỷ đôla lên đến 4,6 tỷ đôla (tăng 258%). Vệc phân bổ ngân sách quốc phòng của Việt Nam cũng cho thấy có sự thay đổi về căn bản so với trước, tập trung nhiều về khả năng hàng hải và bảo vệ lợi ích trên biển trước bối cảnh xung đột ở Biển Đông đang ngày càng phức tạp và căng thẳng.
Tuần trước, báo Nga dẫn lời Phó cục trưởng Cục hợp tác kỹ thuận quân sự Nga Mikhail Petukhov tiết lộ Việt Nam đang thương thảo với Nga trong việc mua một lô lớn vũ khí tiên tiến, trong đó có hệ thống tên lửa phòng không S-400. Trước sự kiện này, báo TC Sina Trung ngày 9/11 cho rằng Việt Nam sắm vũ khí từ Nga theo kiểu chạy đua với TC. Mỗi khi TC mua vũ khí nào của Nga, thì CSVN cũng phải cố mua vũ khí tương tự từ Moscow và đây là công tác “tuyên truyền” khá thành công của Moscow nhằm bán vũ khí cho các quốc gia châu Á.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự nhận định vì điểm yếu của hải quân Việt Nam là khả năng tác chiến chống ngầm, nên việc sắm máy bay tuần tra chống Ngầm có “giá phải chăng” của Mỹ vẫn được cho là một mục tiêu mà Việt Nam có thể đang nhắm tới, bên cạnh những “chào mời” hấp dẫn từ Nga, Ấn Độ và cả Pháp. – Theo VOA
Chính phủ CSVN “sẽ không nới trần nợ công”
Chính phủ CSVNViệt Nam quyết định giữ nguyên trần nợ công ở mức 65% GDP để đảm bảo khả năng trả nợ. Trong khi đó, một chuyên gia trong nước khuyến cáo Nhà nước “phải tìm mọi cách tiết kiệm chi tiêu” trong bối cảnh chi tiêu ngân sách căng thẳng.
Phát biểu trước Quốc hội tại phiên chất vấn vào sáng ngày 16/11, phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết rằng đã có nhiều lời kêu gọi từ các thành viên Chính phủ, đại biểu Quốc hội và các chuyên gia kinh tế rằng Nhà nước nên tăng trần nợ công lên hơn 65% GDP để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, theo trang nhà của Chính phủ Việt Nam.
“Chính phủ và Thủ tướng đã tính toán kỹ và thấy rằng trần nợ công chỉ là một yếu tố và quan trọng là khả năng trả nợ. Tổng trả nợ từ ngân sách và vay trả nợ không được quá 25% so với tổng thu ngân sách. Do đó, Chính phủ nói không với tăng trần nợ công,” ông Huệ được dẫn lời nói trước Quốc hội.
Theo báo cáo của ông Huệ trước Quốc hội thì nợ công hiện nay của Việt Nam đạt mức 62,6% GDP (dưới trần) và 25% GDP được dùng để trả nợ.
Trao đổi với VOA, kinh tế gia Phạm Chi Lan, người từng là thành viên tổ tư vấn kinh tế của thủ tướng, nói bà tán thành chủ trương này của Chính phủ.
“Nếu tăng trần thì sẽ tạo ra tâm lý rằng nợ công vẫn có thể tiếp tục tăng. Còn nếu giữ nguyên trần sẽ thể hiện quyết tâm của Chính phủ làm thế nào để hạ trần xuống và giảm nợ công dần dần,” bà Lan phân tích.
Theo bà Lan để giải quyết tình trạng khó khăn ngân sách của Việt Nam thì Chính phủ “phải làm mọi cách giảm chi tiêu thường xuyên.”
“Chi phí chi thường xuyên quá cao, cộng với nghĩa vụ trả nợ các khoản vay ODA trước đó làm cho ngân sách đầu tư cho phát triển kém đi,” bà nói, “Ngoài ra còn rất nhiều hiện tượng tham nhũng, lãng phí, thất thoát.”
“Trào lưu các tỉnh xây dựng trụ sở to, làm các tượng đài cần phải rà soát lại, cái nào thật sự cần thiết mới làm,” bà nói thêm.
Khi được hỏi liệu số tiền mà Chính phủ Việt Nam đã vay có được sử dụng hiệu quả, bà nói: “Bản thân nợ công cứ tăng lên đã chứng tỏ Nhà nước chưa thực sự kiểm soát được, chưa làm cho đầu tư công có hiệu quả. Nếu đầu tư công có hiệu quả thì sẽ đem lại lợi ích về kinh tế để dần dần bù đắp cho các khoản nợ công.”
Bà cũng cho rằng một phần nợ công Việt Nam tăng nhanh là do “vay trong nước với thời hạn ngắn với lãi suất cao” trong khi “vay nợ nước ngoài chỉ là một phần thôi”.
Để giải quyết bài toán ngân sách, bà Lan đề xuất để cho khu vực tư nhân hợp tác với Nhà nước để đầu tư phát triển theo mô hình công tư.
“Phải xem xét lại vai trò của Nhà nước để giảm bớt đầu tư. Có nhiều việc Nhà nước đang làm thay quá nhiều cho doanh nghiệp, cho xã hội,” bà nói và dẫn lại lời nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng sắp tới “Nhà nước sẽ không làm công việc bán bia, bán sữa nữa” (các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này).
Trước câu hỏi tăng thuế có phải làm một giải pháp để tăng nguồn thu ngân sách, bà Lan nói: “Mức thuế ở Việt Nam đã tương đối cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân. Trước mắt là làm sao thu cho đủ các sắc thuế đã đặt ra và không để tình trạng trốn thuế xảy ra tràn lan như hiện nay. Ngoài ra thu thuế từ các doanh nghiệp Nhà nước không tương xứng với lượng tài nguyên, tài sản của đất nước mà họ sử dụng.”
“Nhà nước phải tạo môi trường kinh doanh tốt để các doanh nghiệp có thể làm ăn, phát triển được. Như thế mới có thêm người đóng thuế,” bà nói thêm, “Tình hình kinh doanh ở Việt Nam hiện nay khó khăn quá khiến cho khả năng đóng thuế của các doanh nghiệp bị eo hẹp.”
Tuy nhiên, bà Lan nói rằng bà không lo lắm về khả năng Việt Nam sẽ đổ vỡ về kinh tế do gáng nặng về nợ công vì “nguồn lực để tận dụng còn nhiều” mặc dù vấn đề nợ công vẫn là một mối lo lớn cho Việt Nam về trung hạn.
Tình hình nợ công Việt Nam trong những năm vừa qua, nhất là dưới hai nhiệm kỳ của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã tăng nhanh dẫn đến nghĩa vụ trả nợ lớn cho Chính phủ kế nhiệm. Tình hình nan giải về nợ công đã khiến hệ thống chính trị Việt Nam phải vào cuộc tìm giải pháp từ những cấp cao nhất.
Đại hội Đảng lần thứ 12 đã xác định đảm bảo an toàn nợ công là nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2016 – 2020. Đại hội nhận định rằng trong nhiệm kỳ của chính quyền mới phải tập trung giải quyết những yếu kém tích tụ từ nhiều năm trước khiến cho dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ chật hẹp. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng đề án cơ cấu lại về thu chi ngân sách để quản lý an toàn nợ công. Sau đó, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết chuyên đề về nợ công.
Mục tiêu Chính phủ đặt ra là tổng thu ngân sách tăng 1,65 lần, kiềm chế chi ngân sách ở khoảng 24% GDP, giảm bội chi để tới năm 2020 bội chi chỉ còn 3,5% GDP và nợ nước ngoài không quá 50% GDP, cũng theo website chính phủ. – VOA
Thêm một trường hợp tử vong tại đồn công an csvn
Việt Nam có thêm một trường hợp được cho là người dân bị công an đánh chết trong thời gian tạm giữ.
Truyền thông trong nước hôm 17/11 cho biết vụ việc xảy ra ở xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, Đại tá Nguyễn Văn Tảo nói với báo giới rằng công an địa phương bắt giữ ông Nguyễn Ngọc Nhân, sinh năm 1988 vì trên người có tàng trữ chất ma túy, vào chiều ngày 16 tháng 11 và ông Nhân tử vong vào lúc 5 giờ chiều cùng ngày với kết quả khám nghiệm tử thi là chết do nhồi máu cơ tim.
Gia đình của ông Nhân, vào 2 giờ chiều ngày 17 tháng 11 được thông báo đến Bệnh viện Đa Khoa huyện Tân Phú Đông nhận xác người thân. Gia đình mang xác nạn nhân về chôn cất vì được cho biết người thân chết do tai biến. Tuy nhiên, trong lúc tẩm liệm thì phát hiện có nhiều vết bầm tím ở lưng và các dấu tích bị còng xiết, bị chích điện.
Ông Nguyễn Ngọc Tân, cha của nạn nhân Nguyễn Ngọc Nhân đến công an huyện đề nghị trả lời về các vết thương trên người của con trai. Tuy nhiên yêu cầu của ông Tân không được giải đáp.
Gia đình làm đơn cầu cứu làm rõ nguyên nhân gây tử vong cho người thân và Công an tỉnh Tiền Giang cho biết sẽ tiến hành điều tra.
Hồi năm 2015, một báo cáo của Bộ Công An csvn đưa ra số liệu từ năm 2011 đến 2014 có 226 người chết trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, nguyên nhân chủ yếu là do bệnh lý, do đối tượng tạm giữ tạm giam tự sát. Trong khi đó, các tổ chức nhân quyền thế giới kêu gọi csvn phải điều tra các trường hợp tử vong do bị công an dùng nhục hình tra tấn cũng như phải chấm dứt tình trạng này theo Công ước Quốc tế chống tra tấn mà csvn đã ký kết. – Theo RFA