Tin Hoa Kỳ – 17-11-2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Hoa Kỳ – 17-11-2017

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật thuế  —  Mỹ: 700 tỷ đô la cho ngân sách Quốc Phòng 2018

Hạ viện Mỹ hôm 16/11 đã thông dự luật thuế với những thay đổi đáng kể trong ba thập niên qua. Việc thông qua dự luật thuế này tạo điều kiện cho Tổng thống Donald Trump và những thành viên Cộng hòa trong Quốc hội một chiến thắng rất cần thiết sau một năm thất bại về mặt lập pháp.

Sau kết quả biểu quyết, Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan nói đạt được 218 phiếu cần thiết để thông qua bất cứ vấn đề gì là một thành tựu.

Hôm 16/11, ông Steve Scalise, thủ lãnh khối Đa số Hạ viện ca ngợi những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump trong dự luật thuế: “Tổng thống Trump theo sát từng bước dự luật này, ông muốn cắt giảm thuế nhiều hơn, giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, để đảm bảo luật thuế này công bằng cho mọi người.”

Mặc dù các dân biểu Cộng hòa trong Hạ viện đang lạc quan, dự luật này giờ đây đối mặt với những khó khăn hơn ở Thượng viện.

Các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ phản đối mạnh mẽ dự luật này, họ cho rằng dự luật chỉ cắt giảm thuế cho người giàu. Một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng bày tỏ sự miễn cưỡng trong việc ủng hộ dự luật này. Vì vậy, dự luật khó có thể được thượng viện chấp thuận.

Các thành viên của cả hai đảng cũng bày tỏ quan ngại về những thay đổi đáng kể trong luật thuế phức tạp của Hoa Kỳ mà chỉ được xem xét trong một thời gian ngắn để kịp chuyển sang cho Tòa Bạch Ốc trước cuối năm nay.

Cuộc biểu quyết ở Hạ viện với kết quả 227 phiếu thuận, 205 phiếu chống, trong đó có 13 thành viên đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống vì lo ngại những ảnh hưởng về tài chính của luật thuế này lên cử tri của họ. – VOA

***

Tổng thống Mỹ Donald Trump được Quốc Hội cho thêm 4% so với yêu cầu về ngân sách Quốc Phòng 2018. Cùng lúc, Lầu Năm Góc thông báo đã tăng viện cho Afghanistan 3.000 quân.

Theo AFP, trong cuộc biểu quyết ngày 16/11/2017, toàn thể thượng nghị sĩ Mỹ đã hoàn toàn chấp thuận ngân sách Quốc Phòng năm 2018 là 700 tỷ đôla, cao hơn yêu cầu của hành pháp 26 tỷ.

Trước mối đe dọa đặc biệt của tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên, Thượng Viện Mỹ cũng chấp thuận tăng đặc biệt 50% ngân sách của Cơ quan Phòng chống Tên lửa từ 8,2 tỷ lên 12,3 tỷ đôla để bố trí thêm hàng chục dàn lá chắn.

Ngân sách mới cho phép ba binh chủng Hải-Lục-Không Quân Mỹ trang bị thêm 90 chiến đấu cơ F-35, hàng trăm trực thăng võ trang, chiến xa thiết giáp mới, 14 chiến hạm và tàu ngầm. Lương của quân nhân cũng được tăng 2,4%.

Cùng ngày, bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết đã gửi thêm 3.000 quân sang Afghanistan, theo đúng « chiến lược mới » của tổng thống Donald Trump.

Tổng số lực lượng Mỹ tại đây như vậy lên đến 14.000 người. Các đơn vị tăng viện có nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ quân đội chính phủ Afghanistan đang gặp khó khăn trên chiến trường trước phe Taliban.

Các nước đồng minh trong khối NATO cũng đã cam kết tăng quân tại Afghanistan. – RFI

 

Mỹ tái xét thủ tục nhận đơn xin gia hạn DACA

Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) cho biết sẽ xem xét đơn xin gia hạn DACA bị trì hoãn qua đường bưu điện, sau khi hạn chót đã qua, để xem liệu các đơn ấu có nên được nhận hay không.

Khi chính quyền của Tổng thống Trump chấm dứt chương trình Hoãn hành động cho thành phần nhập cảnh vào Mỹ không có giấy tờ hợp lệ từ lúc còn bé (DACA) hồi tháng 9, Washington cho phép những người thuộc thành phần DACA có giấy tờ sắp hết hạn được phép gia hạn thêm một lần cuối cùng, nếu họ nộp đơn trước hạn chót ngày 5 tháng 10.

Theo các quan chức, thì mục đích của sáng kiến này là để không một người nào được hưởng quy chế DACA bị mất quyền lợi trong sáu tháng, trước ngày 5 tháng 3 năm 2018.

Chương trình DACA bảo vệ khoảng 800.000 thanh thiếu niên đến Mỹ từ lúc còn nhỏ không có giấy tờ nhập cư hợp lệ, khỏi bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ, và được cấp giấy phép làm việc với điều kiện phải gia hạn mỗi hai năm.

Tờ New York Times hôm Thứ Sáu tuần trước đưa tin rằng tại New York và Chicago, có khoảng 75 đơn xin gia hạn được gửi đi lâu trước thời hạn, tuy nhiên bị trì hoãn qua đường bưu điện.

Trong khi Bưu điện Hoa Kỳ đã lên tiếng xin lỗi, báo chí tường thuật rằng rằng Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) thoạt đầu đã từ chối nhận đơn.

Quyết định này đã được lật ngược vào đêm thứ Tư, USCIS cho biết sẽ xem xét lại các đơn xin gia hạn bị trì hoãn qua đường bưu điện, nếu người gửi có thể chứng minh “hồ sơ ban đầu đã được gửi trước thời hạn, và nguyên nhân đơn đến chậm, sau hạn chót ngày 5 tháng 10/2017, là do lỗi của dịch vụ Bưu Điện Hoa Kỳ.”

Ngoài ra, USCIS cho biết còn đang xem xét các trường hợp khi “hồ sơ xin gia hạn DACA tới điểm đến được chỉ định đúng hạn, nhưng nơi nhận từ chối, không nhận đơn.”

Các trường hợp này đã đươc bao gộp trong một hồ sơ khiếu nại đệ trình lên tòa án liên bang New York hôm thứ Ba. Các luật sư di trú và các nhóm ủng hộ cáo buộc chính phủ là đã bác đơn xin gia hạn để bảo vệ DACA, viện lý do là các hồ sơ ấy đã được giao nộp trễ hơn thời hạn, dù cho các đơn này đã được nộp trước thời hạn và đã xuất hiện trong hộp thư của Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ USCIS .

“Hồ sơ khiếu nại được sửa đổi đã được đệ trình tại khu vực miền Đông New York như một phần trong vụ kiện trước đó chống quyết định DACA của chính quyền.

Các nguyên đơn gồm tổ chức ‘Make the Road New York’, Trung tâm Luật Di trú Quốc gia, các luật sư và sinh viên luật của Đại học Yale nói rằng việc Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ không thông báo cho người nộp đơn biết rằng không phải tất cả các đơn đều được nhận trong ngày hạn chót, vi phạm các thủ tục pháp lý theo tinh thần Tu chính án thứ 5 của Hiến pháp.

Hồ sơ khiếu nại còn than phiền rằng nhiều đơn đã tới Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ trước thời hạn, sau đó bị bác một cách tùy hứng.

Trong một trường hợp, đơn của một thân chủ của của tổ chức Make the Road New York bị trả lại, bởi vì nhân viên USCIS đọc sai ngày ghi trên đơn là 2012 thay vì năm 2017.

Trong thông báo hôm thứ Tư, USCIS cho biết sẽ “chủ động tiếp cận” những người đứng đơn xin gia hạn DACA đã bị bác đơn một cách bất công, và báo cho họ biết họ có thể nộp đơn lại.

“Nếu một ứng viên DACA không nhận được thông báo đó và tin rằng đơn của họ đã được nhận tại địa điểm được chỉ định trước hạn ấn định, thì họ có thể gửi đơn lại với bằng chứng cho thấy đơn của họ đã được nhận vào ngày, hoặc trước hạn chót tại địa điểm nộp hồ sơ được chỉ định. USCIS cho biết là những hướng dẫn phụ trội sẽ được công bố sau.

Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) cho biết 132.000 người nhập cư đã nộp đơn đúng hạn. Tuy nhiên USCIS cũng báo cáo trong một hồ sơ đệ nạp ngày 18 tháng 10 cho vụ kiện ban đầu của nhóm, rằng có thêm 4.000 đơn nộp trễ và đã bị bác. – VOA

 

Lạm dụng tình dục ở Mỹ: thêm một nhân vật tiếng tăm bị tố

Một thượng nghị sĩ từ bang Minnesota là người mới nhất trong một loạt nhân vật có tiếng tăm trong làng giải trí và thế giới chính trị bị tố cáo về tội quấy rối tình dục. Dân biểu Al Franken thuộc Đảng Dân chủ, là mục tiêu bị nhắm tới sau khi một phát thanh viên tố cáo ông đã ôm hôn và có cử chỉ sàm sỡ mà không có sự đồng ý của cô trong một chuyến đi ủy lạo binh sĩ ở Trung Đông vào năm 2006. Lúc đó cả hai tham gia một chương trình văn nghệ trong đó có một vở kịch ngắn do ông Franken sáng tác để đóng góp cho chương trình ủy lạo binh sĩ Mỹ ở nước ngoài. Trong khi đó, một ứng cử viên của đảng Cộng hòa đang dự tranh để dành một ghế tại Thượng viện Hoa Kỳ cũng đang chống chế trước những cáo buộc về tội lạm dụng tình dục mà nạn nhân là gái vị thành niên.

Phụ nữ Mỹ dường như đang tìm cách bù đắp lại cho những năm tháng dài giữ im lặng, khi hết người này tới người khác xuất hiện với những câu chuyện về những hành vi lạm dụng mà họ đã chịu đựng từ tay những người đàn ông có quyền lực. Hôm thứ Năm, phát thanh viên Leeann Tweeden, từ California, tố cáo ông Franken đã bất ngờ thay đổi kịch bản và dùng sức mạnh ôm hôn cô trong một buổi tập diễn cho một chương trình giải trí để phục vụ binh sĩ Mỹ ở Afghanistan cách đây 11 năm.

Tweeden cho biết cô đã yêu cầu ông Franken chớ bao giờ lặp lại cử chỉ đó. Nhưng sau này, cô được biết ông Franken đã chụp một tấm ảnh trong chuyến bay trở về. Trong ảnh, Franken dường như đang sờ soạng Tweeden trong lúc cô đang ngủ. Ông Franken không phủ nhận những cáo buộc và hôm thứ năm, ông ngỏ lời xin lỗi, nói rằng bức ảnh đó chỉ là một trò đùa. Nhưng cô phát thanh viên đến từ California bày tỏ sự bất bình.

“Chuyện đó không có gì là buồn cười cả, thử hỏi có buồn cười không nếu ông ta làm điều đó với em gái, con gái hoặc là vợ của bạn?”

Một chính khách khác cũng đang chật vật chống chế các cáo buộc về lạm dụng tình dục là cựu thẩm phán bang Alabama, ông Roy Moore. Ông là ứng cử viên của đảng Cộng hòa tromg cuộc đua giành một chiếc ghế tại Thượng viện Hoa Kỳ. Ông Moore bị buộc tội tấn công tình dục gái vị thành niên. Ông nói ông đã được mẹ của các thiếu nữ trong cuộc cho phép theo đuổi họ. Lãnh tụ khối đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, nói ông Moore nên từ bỏ cuộc đua và Ủy ban Đạo đức của Thượng viện nên xem xét lại trường hợp của ông Franken.

Ông Franken không phản đối, nhưng ông Moore đáp trả như sau:

“Nhiều người trong các bạn đã nhận ra đây là một nỗ lực của ông Mitch McConnell và các tay chân của ông, muốn cướp cuộc bầu cử này từ tay của người dân Alabama, họ sẽ không chấp nhận điều đó.”

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ủng hộ ứng cử viên của Moore. Tuy nhiên, người phát ngôn của ông hôm thứ Năm không xác định liệu ông Trump có còn ủng hộ ông Moore hay không.

Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc, bà Sarah Huckabee Sanders, nói:

“Này Tổng thống cho rằng những lời cáo buộc đó là rất đáng quan tâm và cần được xem xét nghiêm túc. Ông nghĩ rằng người dân Alabama nên được quyền quyết định ai là thượng nghị sĩ kế tiếp đại diện cho họ”.

Những cáo buộc về hành vi lạm dụng tình dục chống những nhân vật tiếng tăm, chính khách và nhiều người khác đã tăng vọt kể từ tháng trước, khi nhà làm phim Hollywood Harvey Weinstein bị thất sủng sau khi bị tố cáo là đã có hành vi lạm dụng tình dục. – VOA

 

TT Trump ăn súp vi cá mập tại Hà Nội bị các nhà môi trường lên án

Trong quốc yến do lãnh đạo Việt Nam thiết đãi tại Hà Nội, Tổng thống Donald Trump đã chọn món súp vi cá mập và đã bị các nhà bảo vệ động vật chỉ trích rằng ông không hiểu biết gì về “số phận của các loài động vật đang nguy cấp trên toàn thế giới.”

Theo Tin tức E & E và Associated Press, ông Trump được phục vụ món súp vi cá mập tại buổi chiêu đãi hôm tối thứ Bảy 11/11 ở Hà Nội.

E & E xác nhận rằng món súp vi cá mập là món thứ năm trong thực đơn của quốc yến.

Báo USA Today đăng tin rằng ông Trump đã được phục vụ món này và chính ông cũng đã thưởng thức món súp hải sản do lãnh đạo Hà Nội thiết đãi.

Tuy nhiên, tờ Huffington Post dẫn nguồn tin từ các phóng viên tháp tùng chuyến đi của ông Trump cho hay nhà lãnh đạo Hoa Kỳ không đưa ra bình luận gì về món súp vi cá mập khi món này được dọn ra.

Hôm 11/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự quốc yến tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Lê Hồng Phong, Hà Nội, do Chủ tịch nước Việt Nam, Trần Đại Quang, thiết đãi.

Báo Văn hóa và Thể thao và Báo Người Lao động có liệt kê 9 món ăn chính của buổi quốc yên hôm ấy, và món thứ năm là súp bóng cá thủ tam hoa.

Hãng tin AP mô tả rằng ông Trump đã dùng “món súp hải sản được chế biến từ bóng cá, tôm, sò điệp và vi cá mập”, trong quốc yến tại Hà Nội.

Quỹ Quốc tế về Phúc lợi Động vật (IFAW) đã đưa ra tuyên bố hôm thứ Hai 13/11 chỉ trích ông Trump không hiểu gì về “tình trạng của các loài nguy cấp trên toàn thế giới”.

Ông Azzedine Downes, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của IFAW cho biết: “Chúng tôi đang rất thất vọng trước thông tin rằng Tổng thống Trump đã được phục vụ và ăn súp vi cá mập trong chuyến tham cấp nhà nước gần đây của ông tại Việt Nam.”

Ông Downes nó thêm: “hàng chục loài cá mập được liệt kê là dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn thế giới. Các hành động như thế này làm suy yếu các nỗ lực bảo tồn toàn cầu và báo hiệu với các nhà lãnh đạo thế giới rằng Hoa Kỳ đang từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình.”

Vì món súp được yêu chuộng ở các quốc gia Đông Nam Á mà 70 triệu con cá mập được cho là đã bị giết hàng năm.

Súp vi cá mập, một món ăn đắt tiền ở một số nước, bị các nhóm bảo vệ môi trường và dư luận rộng khắp lên án.

Việc ông Trump chọn món súp này – dù tình cờ hay cố ý – cũng cho thấy có ý kiến trái chiều trên bình diện quốc tế.

Trong khi Thượng viện, Quốc hội và giới văn nghệ sĩ của Hoa Kỳ phản đối món ăn này, thì việc thưởng thức món vi cá mập của Tổng thống Trump gửi đi thông điệp gì? – VOA

 

Phấn và ung thư: Johnson & Johnson thắng kiện

Một bồi thẩm đoàn ở bang California (Mỹ) ngày 16/11 ra phán quyết có lợi cho công ty nổi tiếng về các sản phẩm trẻ em Johnson & Johnson trong vụ một nữ khách hàng kiện rằng bà phát triển bệnh u trung biểu mô, một loại ung thư phát triển trong niêm mạc bao phủ bên ngoài của một số bộ phận cơ thể, sau khi tiếp xúc với các chất amiang trong những sản phẩm phấn bột của công ty kể cả phấn trẻ em.

Bản án của bồi thẩm đoàn Tòa Tối cao Los Angeles hôm nay là phiên xử đầu tiên về các tố cáo rằng sản phẩm phấn bột của Johnson & Johnson có chứa chất amiang.

Hiện công ty đang phải đối mặt với hàng ngàn vụ kiện cho rằng các sản phẩm phấn bột của họ gây ung thư buồng trứng.

Vụ kiện được phán quyết hôm nay do bà Tina Herford đệ đơn.

Bày tỏ vui mừng trước kết quả xét xử, công ty nói “Phấn trẻ em Johnson & Johnson có mặt từ 1894 tới nay, không chứa chất amiang hay gây ra u trung biểu mô hoặc ung thư buồng trứng.”

Trong 5 phiên xử ở Missouri về các đơn kiện tố cáo sản phẩm của Johnson & Johnson gây ung thư buồng trứng, công ty thua kiện 4 vụ và bị buộc bồi thường cho các đương đơn 307 triệu đô la.

Tại bang California, một bồi thẩm đoàn hôm 21/8 đã ra lệnh cho công ty phải trả 417 triệu đô la cho bà Eva Echeverria, nay đã qua đời, người tố cáo rằng bà bị ung thư buồng trứng sau một thời gian dùng phấn bột trẻ em của Johnson cho mục đích vệ sinh phụ nữ. – VOA

 

Mỹ: Kế hoạch dùng công nghệ nhận dạng di dân bị phản đối

Một liên minh các nhóm hoạt động nhân quyền ngày 16/11 phát động thỉnh nguyện thư trên mạng kêu gọi tập đoàn IBM từ chối đề nghị của chính quyền Mỹ muốn IBM dùng công nghệ nhận dạng nhân thân phục vụ cho công tác từ chối visa nhập cảnh Mỹ và trục xuất khỏi Hoa Kỳ.

Công ty sản xuất chip điện tử IBM bị ‘nhắm mục tiêu’ vì cùng với một số công ty và các nhà thầu khác, IBM đã tham dự cuộc họp hồi tháng 7 của các giới chức thực thi di trú bàn về phát triển công nghệ sàng lọc an ninh, ông Steven Renderos thuộc Trung tâm Công lý Truyền thông phát động chiến dịch thỉnh nguyện thư cho biết.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền này nói sử dụng công nghệ như thế là đi ngược lại với mục tiêu của IBM trong việc bảo vệ để các di dân bất hợp pháp tới Mỹ từ bé khỏi bị trục xuất.

Chiến dịch này nằm trong khuôn khổ một cuộc vận động lớn hơn khởi sự ngày 16/11 phản đối ‘Sáng kiến Rà soát Gắt gao’ mà Cơ quan thực thi Di trú và Hải quan Mỹ ICE đang xúc tiến để đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Donald Trump: siết chặt các khâu sàng lọc an ninh đối với di dân vào đất Mỹ.

IBM chưa phản hồi yêu cầu bình luận.

Trong khi đó, hơn 50 tổ chức xã hội dân sự và trên 50 chuyên gia kỹ thuật ngày 16/11 gửi thư tới Bộ An ninh Nội địa Mỹ nói rằng chương trình rà soát vừa kể mang tính kỳ thị và rằng trí tuệ nhân tạo không thể nào cung cấp thông tin mà ICE muốn có.

Sau cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái, một số hãng internet đã cam kế sẽ không hỗ trợ ông Trump xây dựng kho dữ liệu ‘lần dấu’ di dân dựa trên căn cứ tôn giáo hay hỗ trợ các đợt trục xuất tập thể.

IBM nằm trong số hàng chục công ty công nghệ phản đối quyết định của ông Trump chấm dứt chương trình DACA vốn bảo vệ chừng 900 ngàn di dân được ba mẹ đưa sang Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ. – VOA

 

Những người tố TT Trump tấn công tình dục đòi công lý

Những cáo buộc tấn công tình dục gần đây đối với các tay tổ ở Hollywood cũng như ở các lãnh vực khác, nhận được sự tin tưởng rộng rãi, khiến nhiều người phải từ chức, mất việc và rớt đài.

Đồng thời, theo tạp chí People, một số phụ nữ đứng ra tố cáo Tổng Thống Donald Trump sách nhiễu hoặc tấn công tình dục trong thời gian ông vận động tranh cử, tự hỏi đến bao giờ ông Trump mới phải trả giá cho những gì ông làm đối với họ.

Bà Jessica Leeds, 75 tuổi, người tố cáo ông Trump tìm cách hôn, sờ ngực, và luồn tay dưới váy bà trên một chuyến bay đến New York hồi đầu thập niên 1980, nói: “Những cáo buộc liên quan đến ông Trump đều bị phớt lờ khiến tôi hết sức thất vọng.”

Bà Natasha Stoynoff, một cây bút của People, tố cáo ông Trump tấn công bà vào năm 2005 bằng cách đè bà vào một bức tường ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago rồi “thọc lưỡi của ông xuống tận cổ họng” bà.

Câu chuyện của họ được đồng sự, bạn bè hay người thân trong gia đình hậu thuẫn.

Những tuần sau đó, nhiều phụ nữ cáo buộc ông Trump sờ mó, bóp hoặc hôn mà không có sự đồng ý của họ.

Trong thời gian tranh cử, hơn 10 phụ nữ ra mặt tố cáo ông.

Bà Summer Zervos, cựu thí sinh chương trình truyền hình Apprentice, tố cáo ông Trump hôn bà một cách thô bạo và đặt tay lên ngực bà hồi năm 2007.

Bà Zervos nộp đơn kiện, sau khi ông Trump liên tục gọi những người tố cáo ông là láo khoét.

Bà Norm Eisen, cựu luật sư trưởng về đạo đức của Tòa Bạch Ốc cho Tổng Thống Barack Obama, nói vụ kiện này là “hết sức quan trọng” vì “những cáo buộc tổng thống sách nhiễu, tấn công tình dục các phụ nữ, là rất nghiêm trọng, còn nghiêm trọng hơn nhiều so với những vụ mà hậu quả người ta phải chịu mất việc làm.”

Bà Eisen tiếp: “Cần phải được xét lại hoàn toàn và thật công bằng và vào lúc này kiện là phương cách tốt nhất mà chúng ta phải làm.”

Trong khi đó Tổng Thống Trump gọi vụ kiện đang diễn tiến chống lại ông là “hoàn toàn cuội, chỉ là bịa đặt, là chuyện phịa. Toàn là dựng chuyện và đáng kinh tởm.”

Qua một văn bản gởi cho tạp chí People, ông Marc Kasowitz, luật sư của tổng thống, nói rằng vụ kiện “dựa vào những sự kiện chưa hề xảy ra.”

Bà Stoynoff nói, ông Trump nên xin lỗi và đưa ra một văn bản nói rằng “chúng tôi không phải là kẻ nói dối.”

Bà Melinda McGillivray, 38 tuổi, cư dân Florida, nói ông Trump chụp vào mông bà khi bà đang giúp một nhiếp ảnh gia trong một sự kiện tổ chức tại Mar-a-Lago vào năm 2003.

Bà nói bà “kinh hoàng” khi thấy ngày càng có nhiều người Cộng Hòa tin lời các phụ nữ tố cáo ông Roy Moore, ứng cử viên thượng nghị sĩ tiểu bang Alabama, nhưng lại có vẻ không tin lời những người tố cáo ông Trump, hay phớt lờ những gì họ nói. – nguoiviet