Bản tin – 16/11/2017
Báo Tiếng Dân
Foreign Policy có bài: Trump gây ra xung đột bằng cách chơi trò hòa giải. Về chuyện Tổng thống Mỹ đề nghị làm “trung gian” hòa giải trong tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, tác giả Bill Hayton cho rằng, lời đề nghị này gây ra rắc rối nhiều hơn là có lợi. Ông Hayton đặt câu hỏi: liệu Trump và Trung Quốc đã có thỏa thuận riêng với nhau, chẳng hạn như mang Biển Đông ra đổi chác với Trung Quốc về vấn đề Bắc Hàn, hay không?
Tác giả phân tích, trong số 14 điểm nêu ra ở tuyên bố của chung hai nước, vấn đề Biển Đông đã bị coi nhẹ, khi nó nằm ở điểm thứ 13 trong số 14 điểm, thấp hơn cả chuyện đổi địa điểm mới của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội – ở điểm số 9.
Mời đọc thêm: Biển Đông, an ninh khu vực sau ‘kịch tính TPP’ (VNN). – Trump nêu bật tự do hàng hải ở Biển Đông trước ASEAN (VNE). – ASEAN 31: Đạt được nhiều bước tiến lớn (DT). – Ấn Độ ủng hộ chơi theo đúng luật ở Biển Đông (TT). – Trung Quốc sẽ đàm phán COC với ASEAN (TT).
BBC đưa tin: Hai ngư dân VN ‘bị oan’ ra tòa ở Indonesia. Theo kế hoạch, phiên tòa xét xử 5 ngư dân Việt Nam sẽ diễn ra ngày 16/11 tại đảo Natuna, Indonesia. LS Hà Hải, thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, là người đại diện cho 5 ngư dân, cho biết, các ngư dân này đều “vô tội” và việc bắt giữ đã diễn ra “không đúng thông lệ, luật pháp quốc tế và luật pháp hiện hành của Indonesia“.
Về phản ứng của chính quyền, Luật sư Hải cho biết, ông Hoàng Anh Tuấn, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia đã “nhiệt tình trợ giúp” và rằng “tại phiên tòa tới đây, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia sẽ có mặt“.
Quan hệ Việt – Trung
VOA đưa tin: Học giả Việt Nam trấn an Trung Quốc về quan hệ với Mỹ. Trả lời tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của ĐCS Trung Quốc, đã hỏi Tiến sỹ Vũ Cao Phan, cố vấn của Hội hữu nghị Việt – Trung, trấn an TQ rằng: “Việt Nam không bao giờ tìm kiếm sự bảo vệ an ninh từ bất cứ nước nào, và cũng chưa bao giờ ưu tiên Mỹ hơn so với Trung Quốc hay ngược lại. Quan hệ giữa Việt Nam với hai nước này là cân bằng”.
Bài viết có đoạn: “Ông Phan cho rằng bài học rút ra là cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều có nhượng bộ lẫn nhau trong vấn đề biên giới trên bộ mà công chúng hai nước đều không được biết (để tránh ảnh hưởng tiêu cực từ tinh thần dân tộc)“. Phải chăng đây là lý do chính phủ Việt Nam đã giấu dân, không dám công khai các hiệp định biên giới đã ký với Trung Quốc?
Tác giả Trung Nguyễn có bài viết riêng cho Tiếng Dân: Sáng kiến Vành đai Con đường: cạm bẫy hay cơ hội cho Việt Nam? Tác giả viết: “Mục đích của Trung Quốc trong sáng kiến Vành đai – Con đường là thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh phía tây Trung Quốc vốn kém phát triển hơn nhiều so với các tỉnh phía đông giáp biển, đẩy hàng hóa tồn đọng của Trung Quốc đi do sản xuất thừa, khống chế các quốc gia khác về kinh tế và chính trị“.
Đài Tàu CRI có bài: Trung Quốc cùng Việt Nam, Lào đạt tới nhận thức chung quan trọng về xây dựng “Một vành đai, một con đường”. CRI dẫn lời ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết, “Trung Quốc cùng Việt Nam và Lào đạt tới nhận thức chung quan trọng về xây dựng ‘Một vành đai, một con đường’ trong chuyến thăm Việt Nam và Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình“.
Ông Cảnh Sảng nói thêm: “Hai bên đã ký bản ghi nhớ hợp tác về cùng xây dựng ‘Một vành đai, một con đường’ và ‘Hai hành lang, một vành đai’. Tuyên bố chung của hai nước đặc biệt chỉ rõ, Việt Nam nguyện cùng Trung Quốc thực hiện tốt văn kiện hợp tác cùng xây dựng ‘Một vành đai, một con đường’ và ‘Hai hành lang, một vành đai’ đã ký, sớm xác định lĩnh vực ưu tiên, phương hướng trọng điểm và dự án cụ thể hợp tác“.
Báo Lao Động có bài: Lòng tin Việt – Trung, Việt – Mỹ ngày càng được củng cố. Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự Hội nghị Cấp cao APEC và thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam ngay sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, được TS Trần Việt Thái, Viện phó Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao – nhận định rằng: “Có thể vẫn còn bất đồng và khác biệt, nhưng rõ ràng hai bên đang tiếp cận một cách hữu nghị và lấy lợi ích chung là hòa bình, ổn định, hợp tác làm chủ đạo“.
Cũng theo ông Thái, thì: “Nếu tiếp tục giao lưu giữ quan hệ ổn định, lòng tin sẽ được củng cố. Giao lưu thường xuyên hơn, giữ đà phát triển về kinh tế thương mại thì hai bên đều có lợi. Cụ thể nhất là Việt Nam – Trung Quốc đã ký kết 12 văn kiện hợp tác trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình.”
Facebooker Ann Đỗ cho biết: “Văn phòng chống hàng giả của Liên minh châu Âu cho Reuters biết rằng, họ đã phát hiện ra thép mạ màu và mạ kẽm có xuất xứ Trung Quốc được cấp chứng nhận xuất xứ Việt Nam xuất vào EU nhằm trốn 8.2 triệu EUR tiền thuế nhập khẩu. Thông cáo này đã được phát đi các quốc gia EU. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng nói rằng họ đang điều tra vụ nhôm xuất xứ TQ xuất cảng từ VN, và dự đóan khỏang 90% hàng thép xuất xứ TQ xuất cảng từ VN với made in Vietnam, bao gồm hàng thép cán nguội và thép không rỉ“.
Nhà báo J.B Nguyễn Hữu Vinh có bài châm biếm: Minh oan cho Tổng bí thư: Vì sao có 21 phát đại bác đón Tập? Theo ông Vinh, vì ông Trọng đã nói: “Không ai có thể chọn được láng giềng“, do vậy “phải hầu thằng láng giềng khốn nạn kẻo nó lại nhổ nước bọt sang nhà mình. Nó đánh rắm cái lớn lớn là phải sang hỏi thăm, hầu hạ nó ngay. Nó muốn ngồi tạm lên ban thờ nhà mình, phải chuẩn bị cho nó cái giấy vệ sinh ngay. Nó hỏi đến vợ mình, phải bảo vợ tắm rửa sạch sẽ ngay…”
Và để khẳng định điều này, “anh Cả Lú quyết định thể hiện cho Tập biết là bọn tao vẫn có đại bác, còn đạn và vẫn biết bắn hẳn hoi nhé, đừng đùa“. Tác giả kết luận: “Thế mới biết là anh Lú vẫn có lúc sáng suốt và mưu mẹo, vừa giữ được mối quan hệ 16 chữ vàng, 4 tốt với bạn vàng của đảng, vừa dọa được đám Tập sợ vãi đái, chạy mất dép sau mấy ngày ở VN, đ… dám ở lâu hơn. Tài đến thế, trí tuệ đến thế là cùng. Nhiều người không hiểu thâm ý của anh Lú cứ chửi anh ấy cho khổ thân thằng Lú“.
Không biết những lý do mà nhà báo Nguyễn Hữu Vinh nói ở trên có đúng không, nhưng việc ông Trọng chê “Trà Việt Nam không ngon bằng trà Trung Quốc” là có thật. Mời xem clip trên VTV do FB Con Đường VN đưa lại:
Hậu APEC 2017 và chuyến Á du của Trump
TS Nguyễn Quang A có bài nhận định về chính sách của Tống thống Mỹ Donald Trump, nhân việc ông này có chuyến công du 12 ngày đến Châu Á và tham dự Hội nghị APEC ở Việt Nam: Trump First – Trump trên hết. TS Nguyễn Quang A bình luận: “Tính khí thất thường của ông tưởng như đã bớt đi một chút, nhưng vào phút chót nó lại lộ nguyên hình (ông lại bỏ hội nghị thượng đỉnh đông á để về nước). Ông không nói một lời về nhân quyền (đấy là sự ủng hộ ngầm cho các chế độ độc tài); Biển đông được nhắc đến rất mờ nhạt. Ông đã bán hơi rẻ cho Tập. Chính sách Trump first của ông là phản tác dụng“.
RFA có bài: Phóng viên bị hạn chế đưa tin APEC tại Việt Nam. Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) hôm 15 tháng 11 ra thông cáo, chỉ trích Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã bỏ rơi tự do báo chí trong chuyến công du châu Á từ ngày 4 đến 14/11 vừa qua.
VOA có bài phân tích của tác giả Thiện Ý: Chuyến đi của ông Trump thành hay bại?Thành hay bại, tùy vị trí quan sát cũng như quyền lợi của từng nhóm người. Chẳng hạn như về vấn đề nhân quyền, đó là mất mác lớn không chỉ VN mà của cả khu vực vì ông Trump không coi trọng nhân quyền.
Về phía VN, tác giả viết, “nhà cầm quyền Việt Nam đã tỏ ra coi thường mọi lên án của công luận, mạnh tay đàn áp, bắt bớ nhiều nhà bất đồng chính kiến, kết án nặng nề ngay trước ngày Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump chính thức thăm Việt Nam. Đồng thời từ đây các nhà bất đồng chính kiến, các nhà đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, cường độ và mức đô đàn áp của nhà cầm quyền sẽ gia tăng, số phận các tù nhân lương tâm trong các nhà tù không còn được Hoa kỳ quan tâm, can thiệp như bao lâu nay nữa…”
Nhà báo độc lập J.B Nguyễn Hữu Vinh có clip nhận định về bài phát biểu của ông Trump tại APEC 2017 và các vấn đề Việt Nam. Theo ông Vinh, người Việt cần phải tự lực đấu tranh cho mình và đừng trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Còn đảng CSVN thì vẫn thể hiện sự hèn nhát, bạc nhược và bám đuôi đảng CSTQ.
Liên quan tới nước Mỹ, địa điểm đại sứ quán mới của Mỹ ở Hà Nội: Lô đất ‘bí ẩn’ Việt Nam dành cho Mỹ nằm ở đâu? Dẫn một nguồn tin từ phái đoàn ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, VOA cho biết, “D30 nằm ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy ở Hà Nội, cách không xa công viên Cầu Giấy, một trong những những khu vui chơi được coi là đẹp nhất thủ đô”.
Mời đọc thêm: Giới chuyên gia chê bai chuyến công du Trung Quốc của ông Trump(TT).
Nhân quyền ở Việt Nam
BBC có bài: Trump đến châu Á: bàn thương mại, quên nhân quyền. Ông Jonathan Head viết: “Một blogger Việt Nam, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một bà mẹ đơn thân được biết đến với cái tên ‘Mẹ Nấm’, đã được Đệ nhất Phu nhân Melania Trump trao tặng giải thưởng hồi tháng Ba. Ba tháng sau, một tòa án Việt Nam kết án bà 10 năm tù vì tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’. Không có bằng chứng nào cho thấy Tổng thống Trump thậm chí đề cập đến trường hợp của bà Quỳnh với nước chủ nhà trong chuyến đi Việt Nam của ông”.
Blogger Bùi Văn Phú có bài: Mẹ Nấm. Theo tác giả, “dù chính sách mới của Hoa Kỳ ra sao, dù phu nhân Melania không đến Việt Nam thì việc tranh đấu cho quyền làm người, cho một xã hội cởi mở, công bằng và tiến bộ vẫn tiếp tục với nỗ lực chính là của người Việt, trong cũng như ngoài nước, vì Việt Nam tuy đã ký vào các Công ước Liên Hiệp Quốc bảo đảm các quyền dân sự và chính trị cho người dân nhưng Hà Nội không tôn trọng“.
LS Nguyễn Khả Thành cho biết: “Phiên tòa phúc thẩm xét xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) bị truy tố về tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã Hội chủ nghĩa Việt Nam do Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng sẽ mở tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa vào lúc 7g30 phút ngày 30/11/2017. Dự kiến lần này người nhà và Mẹ Nấm sẽ nhờ 5 Ls tham gia bào chữa trong phiên tòa Phúc thẩm là: Ls Nguyễn Hà Luân. Ls Lê Văn Luân. Ls Hà Huy Sơn (Đoàn ls Tp Hà Nội ). Ls Võ An Đôn. Ls Nguyễn Khả Thành (Đoàn ls tỉnh Phú Yên)“.
Trang Luật Khoa có bài: Đất màu nào cho hạt mầm tự do. Bài viết cho rằng: “Người ta có thể yêu ghét một quan điểm, có thể cổ vũ nó hoặc phê phán nó, đó là chuyện thường. Song cái ý muốn đàn áp kẻ nói chướng tai mình thì lại không bình thường chút nào. Bởi lẽ, tuy công luận không nắm trong tay vũ khí và sức mạnh cưỡng chế như nhà cầm quyền, nó lại là một bàn tay vô hình có khả năng bóp chết tự do hiệu quả không kém gì những kẻ mang dùi và súng“.
Về sự kiện của ca sĩ Mai Khôi, người Việt cần nhìn nhận: “Hoặc mãi mãi sống trong tâm thức độc tài (cũng chính là thứ ‘dưỡng chất’ nuôi nấng thể chế độc tài) để thỏa thích đàn áp những kẻ làm ta chướng tai gai mắt. Hoặc phải chung đụng với những quan điểm ngược ngạo khó ưa, nhưng sống và hành xử như một con người tự do. Những hạt mầm tự do có sinh sôi, nảy nở được hay không, chính là nhờ phần lớn vào độ màu của đất“.
Báo Cali Today có bài: Vì dân chủ là một tiến trình… Bài báo viết: “Ca sỹ Mai Khôi thực sự đang đi giữa hai làn đạn, một bên là chính quyền độc tài CSVN, còn bên kia là những người phản đối cô trong việc cầm tấm biểu ngữ ‘Piss on you Trump’ (Đái lên người Trump) vào tối ngày 11/11/2017, khi đoàn xe của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đi ngang qua Hồ Tây. Điều đáng buồn hơn, không phải những kẻ được xem là dư luận viên của chế độ lên tiếng phỉ báng, mạ lị, mà ngay cả những người đang đòi hỏi Tự do-Dân chủ cũng đang muốn đẩy cô xuống vực thẳm bằng những lời nặng tính tổn thương“.
Facebooker Chu Mộng Long có bài: Piss on Trump! Theo tác giả, “Độc tài chỉ sinh ra và nuôi dưỡng trong xã hội quá đông những kẻ nịnh nọt khoác danh thứ văn hóa tôn thờ thần tượng. Việc Mai Khôi đòi ‘Piss on Trump’ khi đón Trump là hết sức bình thường đối với một xã hội dân chủ. Những người chửi Mai Khôi cũng hết sức bình thường với điều kiện chỉ vì bất đồng quan điểm. Nhưng sẽ bất bình thường nếu nhân danh một thứ văn hóa đạo đức nào đó để chứng tỏ mình có văn hóa, đạo đức. Và thật bất bình thường nếu hành động của Mai Khôi bị trấn áp bằng bạo lực“.
VN Thời báo có bài: Trump và nhân quyền: Đừng buồn. Bài viết có đoạn: “Tuy nhiên, cần một lần nữa nhìn thẳng vào thực tế là, không ai, và sẽ không ai gánh cho người Việt bằng chính người Việt. Một trạng thái ‘buồn’ không cứu rỗi nhân quyền Việt Nam, nhưng một trạng thái ‘buồn’ và xét lại thì sẽ cứu giúp cho nhân quyền – theo cách bền vững nhất có thể. Nó chấm dứt cái thời kỳ đổi chác nhân quyền lấy thương mại, và ngược lại”.
Cũng chuyện phản đối ông Trump ở Mỹ, cô Juli Briskman ở bang Virginia bị đuổi việc vì đưa ngón tay giữa (đồng nghĩa với Đ.M. Trump) khi đoàn xe Tổng thống Mỹ đi qua. Vì công ty cô làm là nhà thầu cho chính phủ Mỹ, nên họ lo ngại sự việc này có thể gây ảnh hưởng đến chuyện làm ăn của công ty, nên họ sa thải cô với lý do cho rằng cô vi phạm chính sách truyền thông dùng mạng xã hội của công ty. Nhưng cô Juli Briskman lại được nhiều người ủng hộ, những người này đã mở một trương mục “GoFundMe”, chỉ hơn một tuần đã quyên góp được hơn 104.000 Mỹ kim giúp cô. Không chỉ có vậy, cô còn được các công ty khác đề nghị nhận vào làm việc.
Còn đây là phản ứng của người dân nước láng giềng Philippines. Người dân Phi phản đối Trump bằng cách đốt hình nộm ông ta. Mời xem clip:
VOA có bài: Tự do Internet 2017: Việt Nam ‘Không có tự do’. Phúc trình tự do Internet 2017 vừa công bố của tổ chức Freedom House có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết: “Chính quyền của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không hề nỗ lực cải thiện môi trường tự do Internet. Sau khi trả tự do cho một số blogger trong lúc Việt Nam thương lượng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP với các nước, các vụ bắt bớ tiếp tục gia tăng kể từ 6 tháng cuối của năm 2016. Tính đến tháng 4 năm 2017, ít nhất có 19 cá nhân bị bắt vì những hoạt động trên mạng”.
Mời đọc thêm: Những tấm hình biết nói (NV). – Cứ đái đi, có sao đâu (VNTB). – Việt Nam vẫn không có tự do internet: Báo cáo của Freedom House (RFA).
Venezuela đã tới “thiên đường XHCN”?
Báo Dân Trí có bài: Venezuela chính thức vỡ nợ. Công ty xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor (S&P) cho biết, Venezuela đã chính thức vỡ nợ vào ngày 13/11 vừa qua, khi không thanh toán nổi số tiền lãi đến hạn 200 triệu USD, chưa kể khoản nợ nước ngoài trị giá 5 tỷ USD.
Mặc dù là đất nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, thế nhưng giờ đây, người dân Venezuela đang phải vật lộn với cuộc sống khi mà thực phẩm và thuốc men đang thiếu thốn một cách trầm trọng. Và tình hình u ám này sẽ còn kéo dài, bởi S&P cho rằng “có ít nhất 50% khả năng Venezuela sẽ vỡ nợ tiếp trong ba tháng tới”.
Blogger Phương Thơ thì cho rằng, cần Thận trọng khi nói về trường hợp xứ Venezuela tuyên bố vỡ nợ. Bởi vì, có thể là “giải pháp xù nợ của Venezuela với TQ ngân khoản vay 57 tỷ $ (trong số gần 200 tỷ $ nợ nần trái phiếu, và các khoản nợ khác)“.
Tác giả Phương Thơ cho biết thêm: “Chế độ Bắc Kinh mới nổi lên mười mấy năm nay thôi, khi nền kinh tế TQ bùng nổ và đói khát nguyên-nhiên liệu, dầu lửa quặng sắt,… Thì họ tung tiền cho vay yểm trợ các chế độ bị họ ru ngủ ý thức hệ. Thậm chí có lúc giới phân tích còn nhận định Bắc Kinh đang điều hành đất nước Venezuela của chế độ của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Vì dễ thấy ra Bắc Kinh lo sợ chế độ Nicolas Maduro sụp đổ thì TQ mất tất cả“.
Mời đọc thêm: Venezuela chật vật đối phó vỡ nợ (TN). – Venezuela vỡ nợ, dấn sâu hơn vào khủng hoảng (VTV). – Venezuela chính thức vỡ nợ, chìm sâu vào khủng hoảng (Times/ CafeF). – Lờ đi thông tin vỡ nợ, Venezuela vẫn hứa sẽ trả nợ đủ(DT). – Venezuela: ‘Thiên đường dầu mỏ’ chính thức vỡ nợ (NĐT). – Cần Matxcơva chìa tay giúp đỡ. Liệu Nga có cứu được Venezuela khỏi vỡ nợ? (Sputnik).
Khổ vì “dốt mà hay nói chữ”
Báo Sputnik của đồng chí “lái súng” Putin có bài: Món quà tặng Tổng thống Putin ở chân cầu thang máy bay. Việc Bộ trưởng 4T Trương Minh Tuấn khi tiễn Tổng thống Nga Vladimir Putin ra máy bay, đã trao tặng nhà lãnh đạo Nga tập thơ “Đợi anh về” với chữ ký đề “Tặng Tổng thống danh dự”, đã bị “chửi” là “dốt còn hay nói chữ” và “thể hiện một sự vô văn hóa, lỗ mãng đến mức… ngu xuẩn“…
Chắc muối mặt không dám trực tiếp đưa ra lời xin lỗi, nên ông Trương Minh Tuấn phải đẩy qua ông Trịnh Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Nga: “Có chuyện đang bàn cãi là quả thực Bộ trưởng của chúng tôi đã viết câu đề tặng bằng tiếng Nga không chính xác. Lẽ ra cần viết ‘Tặng Tổng thống kính mến’, ông Trương Minh Tuấn đã viết ‘Tặng Tổng thống danh dự’. Chúng tôi rất hy vọng là Tổng thống Putin sẽ tha thứ cho sai sót của Bộ trưởng“. Hu hu…
LS Trần Vũ Hải còn cho biết: “Ông Nghè Tuấn là một học giả uyên bác của Đảng về Tây nguyên. Luận án Tiến sỹ của ông đã chứng tỏ điều đó“. Xin mời độc giả tham khảo Luận án TS của Bộ trưởng 4T Trương Minh Tuấn.
Loạn tiến sỹ
Nhà báo Bạch Hoàn có bài: Nếu quy ra bò, chi phí cho một tiến sĩ tương đương 88 con bò. Tác giả so sánh: “Từng đồng từng cắc trong cái bầu sữa ngân sách ấy đều là của nhân dân, do nhân dân đóng góp từ mồ hôi, từ nước mắt. Vậy nên, có thể hiểu nôm na, với giá thịt lợn hiện nay, để có một tiến sĩ, người nông dân sẽ tốn 665 con lợn. Nếu quy ra bò, chi phí cho một tiến sĩ tương đương 88 con bò“.
Nhà báo Mai Quốc Ấn có bài: Tiến sĩ CCC! Theo tác giả, sau khi Quốc hội quyết tiếp tục chi tiền đào tạo tiến sĩ cho Đề án 911 với các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020 với ngân khoản rất lớn, là điều không thực sự cần thiết. Ngân sách chi cho công tác đào tạo tiến sĩ quá lớn nhưng chất lượng thì quá tồi. Tác giả viết: “Nếu gặp một vị tiến sĩ nào đó, bạn cứ hỏi xem họ có bao nhiêu bài báo khoa học quốc tế xem họ trả lời ra sao? Với loại tiến sĩ không có bài báo khoa học quốc tế chỉ là loại ‘tiến sĩ ccc’ (cái con cừu, hoặc con khác)!”
Blogger Phương Thơ có bài: Khi Bộ GD&ĐT VN đề ra chỉ tiêu đào tạo 9.000 tiến sĩ với ngân khoản 12.000 tỷ VND. Tác giả dẫn chứng: “Một bài học đắt giá mà VN phải trả giá với bệnh sùng bái bằng cấp tiến sĩ. Cụ thể cựu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cựu Phó thủ tướng và nay là Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. Một con người thất bại hoàn toàn bởi nhiều văn bằng tiến sĩ không ra tiến sĩ. Đó là thành tích ông này làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì hệ thống giáo dục VN tan tành”.
Chắc Blogger Phương Thơ quên TS Trương Minh Tuấn rồi. Nhưng nếu nói về “thành tích” đưa dân tộc theo con đường “Xuống hố cả nút” thì phải kể đến TS lịch sử đảng Nguyễn Phú Trọng, cùng băng với hai vị kia. Theo báo Việt Nam Finance của đảng và nhà nước, trong chuyến kinh lý xuống Hải Phòng, ông Trọng khuyên Hải Phòng phải “phát huy truyền thống của thành phố hoa phượng đỏ, kiên cường diệt Mỹ, đi đầu trong đổi mới“. Nhưng bị nhà báo Nguyễn Thông bóc mẽ: “Danh hiệu đi đầu diệt Mỹ là của tỉnh Quảng Nam: ‘Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ’ chứ không phải của Hải Phòng nhà mình, mà là ‘Hải Phòng trung dũng, quyết thắng’.”
Báo Công Lý có bài: 12.000 tỉ đồng đào tạo 9000 tiến sĩ: Chất hay Lượng? Bài viết dẫn lời PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, cựu Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: “Đề án 911 đào tạo 20.000 tiến sĩ năm 2011 đã có ai nghiệm thu hay chưa? Chưa rút kinh nghiệm từ đề án 20.000 tiến sĩ mà đã làm một đề án mới, đây là điều đáng suy nghĩ. Theo tôi, Bộ GD-ĐT cần phải xem lại chất lượng của đề án này để xem có bao nhiêu tiến sĩ thật và bao nhiêu ‘tiến sĩ giấy’? Nếu không có đánh giá toàn diện đề án này thì chưa nên đề xuất vội một đề án mới, cũng hoành tráng không kém như thế”.
Nghi lắm: “Đừng để xã hội nghi ngờ rằng, có yếu tố lợi ích nhóm trong đề án này, khi công bố mà không đưa ra những cách làm khả thi, những nghiên cứu thận trọng, bởi tôi nhắc lại, 12.000 tỉ đồng là con số không hề nhỏ trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn như hiện nay“.
Báo Một Thế Giới đưa tin: Quốc hội phê duyệt đề án 14.000 tỉ đồng để đào tạo tiến sĩ. Tin cho biết, chiều 14/11, Quốc hội đã thống nhất duyệt đề án 911, cho phép đào tạo tiến sĩ giai đoạn 2010-2020, với kinh phí lên tới 14.000 tỉ đồng. “Theo Đề án 911, việc đào tạo tiến sĩ giai đoạn 2010-2020 thực hiện theo các hình thức như sau: Đào tạo khoảng 10.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Đào tạo khoảng 3.000 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài. Đào tạo khoảng 10.000 tiến sĩ ở trong nước. Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 14.000 tỉ đồng“.
Nhà báo Huy Đức có bài: Ngân sách và tiến sỹ. Tác giả cho rằng: “Cái tư duy chính sách đưa ra chỉ tiêu đào tạo hàng chục nghìn tiến sỹ rồi chi hàng chục nghìn tỷ đồng nếu không phải vì mưu đồ ‘% dự án’ thì cũng thật là bệnh hoạn. Khoa học kỹ thuật của nước nhà thua kém phải chăng là vì tỷ lệ tiến sỹ của Ta thấp hơn. Tại sao mấy ông ‘chính trị gia’ lại cần phải giáo sư tiến sỹ; tại sao các tỉnh lại phải thu hút người có bằng cấp; trong khi, những loại bằng cấp đó chỉ thực sự cần cho người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu mà thôi“.
LS Lê Văn Luân có bài: Thời loạn tiến sỹ. Tác giả viết: “Quả thực tư duy bằng cấp đã trở thành một dạng vi rút bào mòn trí não của những con người trên đất nước này. Không thể trông chờ gì vào đám trí thức rởm vẫn ngày càng hoành hành và tàn phá xã hội theo đủ cách mà chúng nghĩ ra được”.
Nhà báo Nguyễn Tiến Tường có bài: Kính thưa các loại tiến sỹ. Tác giả viết: “Bây giờ tiến sĩ thạc sĩ thành nhu cầu đ… cản được, cũng như mua bán dâm vậy á. Thôi thì ông nào muốn học tự móc túi ra học như người ta. Chứ bây giờ các ông bà nghị quyết chi 12 nghìn tỷ thì nghẹn ngào. Nhà nghèo, cơm không có đớp, bầy con phải nhịn để ông bố dốt nát ưa làm sang mua áo gấm. Thiệt đau lòng“.
Mời đọc thêm: Thiếu tiến sĩ hay thiếu người có năng lực? (PT). – Đào tạo tiến sĩ và sự lơ lửng của lòng tin (TT). – ‘12.000 tỉ và 9.000 tiến sĩ’: Tránh lặp lại vết xe cũ (PLTP). – Đào tạo 9.000 tiến sĩ: Cần đánh giá lại hiệu quả (VOV). – Tiến sĩ đã cống hiến gì cho giáo dục và kinh tế xã hội? (Zing). – Hơn chục nghìn tỷ đào tạo tiến sĩ: Có tiền sao không hút người học (TP). – ‘Sao cứ phải đào tạo tiến sĩ đại trà?’ (PLTP). – Muốn nâng chất lượng không cần ‘phổ cập’ tiến sĩ (PNTP). – Chất vấn về tiền đào tạo tiến sĩ cho các trường đại học, đây là câu trả lời cho các đại biểu Quốc hội (CafeBiz). – ĐBQH nói về đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ: Cần hạn chế “lò ấp” tiến sĩ “giấy” (ANTĐ). – Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lý giải việc duy trì kinh phí đào tạo tiến sĩ (Soha).
Loạn quảng trường
Báo Lao Động có bài: Quảng trường: Chắc sẽ lại đội vốn ngàn tỉ? Vẫn là căn bệnh phô trương, hình thức. Nhưng giờ đây kèm theo đó là “% dự án” và dự án nào cũng vậy, đều giống nhau ở cùng một điểm: “Sau khi xây quảng trường, sẽ phải có thêm những hạng mục bày biện trên cái quảng trường ấy nữa, cho đỡ đơn điệu. Một tượng đài là một gợi ý không tồi, thậm chí rất logic. Tất nhiên, vì là đi xin, nên chỉ xin 900 tỉ. Sau này nó đội vốn rồi ‘điều chỉnh’ kiểu gì cũng thành ‘quảng trường ngàn tỷ’.”
Báo Phụ Nữ có bài của tác giả Ngô Nguyệt Hữu: Quảng trường 900 tỷ là điểm tựa phát triển của Đắk Nông? Theo tác giả: “Lẽ ra, nếu ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông phải toàn tâm toàn ý đưa ra kế sách chăm lo cho đời sống của người dân, có biện pháp cụ thể hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của toàn Tỉnh. Vậy mà, thay vào đó lãnh đạo Tỉnh lại tin rằng nếu có quảng trường 900 tỷ sẽ là điểm tựa cho mục tiêu phát triển. Nếu có thể dựa vào quảng trường trăm tỷ nghìn tỷ để tiến lên, thì bất cứ ai cũng đủ năng lực làm lãnh đạo“.
Về một số tờ báo bị đình bản, phạt vạ
BBC có bài: Một số báo VN bị phạt tiền, đình bản. Về việc mới đây nhiều tờ báo đã bị tạm đình bản và bị xử phạt, nhà báo Mai Quốc Ấn cho rằng, đó “là điều không mới mẻ“. Tuy nhiên, theo ông Ấn, không hiểu sao mà các báo bị phạt “không dám khiếu nại, khởi kiện quyết định của Bộ Truyền thông“. Còn cái Hội Nhà báo thì im re.
Về việc Bộ 4T đình bản ba tháng đối với Tạp chí Nhà quản lý, nhà báo Mai Quốc Ấn cho biết: “Mức phạt dành cho tạp chí Nhà Quản Lý là khó hiểu nhất. Tôi xem bài viết ‘Bình Phước: Báo chí đứng bên lề công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng?’ thấy không có gì là sai sự thật cả. Ngay từ tựa bài đã là một câu hỏi, không phải là câu khẳng định để ‘quy tội’.”
Báo Nông Nghiệp VN đưa tin: Thu hồi 2 ấn phẩm ‘Nhật ký trong tù’ vì sai sót nguyên tác chữ Hán. Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc – Tổng biên tập NXB Văn học, đã ký văn bản gửi 2 đơn vị liên kết là Nhà sách Minh Thắng, Cty TNHH Văn hóa Minh Tân, phát hành năm 2016 và Nhà sách Đống Đa, Công ty CP Sách Tri thức Việt, yêu cầu: “Dừng phát hành cuốn sách ‘Nhật ký trong tù’ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thu hồi toàn bộ số sách ra thị trường“. Lý do: NXB Văn Học “phát hiện thấy cuốn sách có một số lỗi sai sót ở phần chữ Hán nguyên tác”.
Mời đọc thêm: Việt Nam đình bản hai tờ báo mạng do ‘vi phạm hành chính’ (VOA).
Vụ đòi hóa đơn người chết ở bệnh viện Hòa Bình
Báo Lao Động có bài: Mỗi gia đình nạn nhân chạy thận tại Hoà Bình nhận trước 50 triệu đồng. Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình kêu khó khăn, nên “đề nghị các gia đình trong lúc chờ hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền về thủ tục thanh quyết toán chi phí mai táng, BV tạm ứng tiếp mỗi gia đình 50 triệu đồng để giải quyết công việc trước mắt… Hiện BV đang chờ hướng dẫn bằng văn bản của các cơ quan có thẩm quyền trong việc bồi thường đối với 8 gia đình và kết luận của cơ quan điều tra. Trong trường hợp không nhận được hướng dẫn bằng văn bản, BV sẽ phải nhờ tòa án giải quyết theo luật định“.
Báo PLTP có bài: Vụ bệnh viện đòi hóa đơn đám tang: Sẽ đưa nhau ra tòa. Theo gia đình bà Nguyễn Thị Thu, một thân nhân người bị nạn trong vụ chạy thận hồi tháng 5/2017, thì phía BV tính toán và đưa ra nhiều mức khác nhau, “thế nhưng khi đến nhận tiền thì họ đòi hóa đơn đỏ chuyện ma chay mới giải quyết. Các gia đình cũng đã trình bày khó khăn và khi đến lần nữa, BV nói chỉ cần hóa đơn chi phí tang lễ, không cần hóa đơn đỏ nữa nhưng đến sáng 14-11, luật sư của BV cho hay là không làm việc với ai nữa, việc bồi thường sẽ đưa ra tòa”.
Thêm tin về vụ VN Pharma
Báo NLĐ có bài: Bộ Công an mở rộng điều tra vụ VN Pharma. Bài báo cho biết, Cục CSĐT Tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng (C46) Bộ Công an đang mở rộng điều tra vụ tiêu cực xảy ra tại Công ty CP VN Pharma. Được biết, C46 sẽ làm rõ “những giấy tờ mà các bị cáo sử dụng nhập khẩu lô thuốc H-Capita 500mg Capet; nguồn gốc xuất xứ lô thuốc; Công ty Helix Canada có thật hay không; trách nhiệm và hành vi của nhiều cá nhân liên quan chưa bị khởi tố…”
Không chỉ có vậy, C46 cũng sẽ “điều tra trách nhiệm của cán bộ Cục Quản lý Dược-Bộ Y tế như kiến nghị của TAND Cấp cao tại TP HCM“.
Tin kinh tế
VOA có bài: Tập đoàn FPT cổ vũ cho thương mại tự do và phát triển. Trong cuộc phỏng vấn của VOA với Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, ông Trương Gia Bình, nói: “Trên thực tế, tôi nghĩ điều rất quan trọng đối với Việt Nam không những chỉ là mở cửa với thế giới mà còn phải cải thiện các quy định về thương mại và sản xuất, và quốc tế hóa Việt Nam nhiều hơn nữa”.
Mời đọc thêm: TBT Trọng ‘đánh giá cao’ dự án ô tô Vinfast — Việt Nam: Quân đội vẫn làm kinh tế, nhưng sẽ giảm? — Bkav ‘phá khóa’ được công nghệ FaceID của iPhone X? (BBC).
Tin quốc tế
Tin nước Mỹ
RFI có bài: Hồ sơ Nga: Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ lúng túng biện hộ. Trong buổi điều trần trước Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện Hoa Kỳ hôm 14/11/2017, bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions cuối cùng đã nhìn nhận là có gặp ông George Papadopoulos, cựu cố vấn của Donald Trump, hồi tháng 3/2016. Trong cuộc họp này, ông George Papadopoulos khoe rằng có thể tổ chức một cuộc tiếp xúc giữa ông Trump với tổng thống Nga. Ông Sessions giải thích: “Tôi chỉ nhớ ra sau khi báo chí nói về cuộc họp này”.
RFA đưa tin: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bị chỉ trích vì chậm trễ công bố danh sách CPC. Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc Tế Mỹ (USCIRF) hôm 14/11 ra thông cáo chỉ trích Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chậm trễ công bố danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC). “Theo luật của Mỹ, Bộ Ngoại giao phải công bố danh sách CPC hàng năm chậm nhất là không quá 90 ngày sau khi Bộ này công bố Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế hàng năm. Năm nay, báo cáo được công bố vào ngày 15/8”.
RFA có bài: Mỹ cáo buộc phóng viên báo Trung Quốc làm gián điệp. Báo cáo của Quốc hội Mỹ hôm thứ Tư ngày 15/11, “cáo buộc báo chí nhà nước Trung Quốc đã do thám tin tức và tuyên truyền ở Mỹ”.
VOA cho biết, TT Trump đăng Twitter ‘Cảm ơn châu Á’ mở đầu với hình ảnh Việt Nam, “bằng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đội nón lá đạp xe trên đường phố Hà Nội”.
Mời đọc thêm: Mỹ truy tố sinh viên Trung Quốc gian lận thi cử — California: Xả súng bừa bãi, 5 người chết — Cầu thủ Mỹ bị nghi trộm đồ ở Trung Quốc đã về lại Mỹ (VOA).
Nga – Mỹ
RFI đưa tin: Hạ Viện Nga thông qua luật về truyền thông nước ngoài để trả đũa Mỹ. Các dân biểu Nga vừa thông qua đạo luật về truyền thông nước ngoài hoạt động tại Nga, buộc các hãng truyền thông này phải đăng ký trong tư cách “cơ quan nước ngoài”. Đây là biện pháp trả đũa việc đài truyền hình Nga Russia Today (RT) đã phải ghi danh là “cơ quan nước ngoài” ở Mỹ.
Nga tung tin vịt: Quân đội Nga dùng hình ảnh trò chơi video làm bằng chứng tố cáo Mỹ. RFI cho biết, “Quân đội Nga hôm qua 14/11/2017 đã công bố những hình ảnh được cho là ‘bằng chứng không thể chối cãi’ của việc Hoa Kỳ ‘bảo vệ’ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS). Tuy nhiên mạng xã hội nhanh chóng phát giác đó là những ảnh chụp lại màn hình một trò chơi video”.
Trung Quốc
VOA đưa tin, Trung Quốc ngăn Đài Loan dự hội nghị biến đổi khí hậu LHQ. Bộ Ngoại giao Đài Loan nói trong một tuyên bố cuối ngày 13/11 rằng: “Do sự can thiệp của Trung Quốc, Bộ trưởng Bảo vệ Môi trường Lý Ứng Nguyên không vào được cuộc họp của UNFCCC tức là Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu” ở Đức.
VOA có bài: TT Trump vừa thăm TQ xong, Bắc Kinh cử đặc sứ sang Triều Tiên. Dẫn nguồn tn từ Tân Hoa Xã, cho biết, “ông Song Tao, Vụ trưởng Vụ Quốc tế thuộc Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ đến Bình Nhưỡng vào thứ Sáu 17/11 để thảo luận về kết quả của Đại hội Ðảng Cộng sản Trung Quốc mới đây với các giới chức Triều Tiên”.
RFA có bài: Trung Quốc phải chấm dứt điều trị bắt buộc với người đồng tính. Tổ chức theo dõi Nhân quyền Quốc tế hôm 15/11 lên tiếng thúc giục chính phủ Trung Quốc nên chấm dứt việc để các bệnh viện và cơ sở y tế thực hiện các biện pháp đảo ngược giới tính mong muốn của những người thuộc nhóm LGBT.
Châu Á, Úc
VOA có bài: ASEAN ký hiệp ước bảo vệ lao động nhập cư. Hiệp ước được gọi là Đồng thuận của ASEAN về việc Bảo vệ và Cổ súy Quyền của Công nhân Nhập cư, “có những điều khoản cho phép các thành phần lao động xuất khẩu được gia nhập công đoàn và cấm chủ nhân tịch thu hộ chiếu của họ. Những điều khoản khác bao gồm đối xử công bằng những công nhân nhập cư, tôn trọng giới tính và quốc tịch, cho phép thân nhân của họ thăm viếng, bảo đảm bảo vệ quyền của công nhân xuất khẩu được tiếp cận thông tin liên hệ đến việc làm và những điều kiện làm việc của họ, cũng như tôn trọng quyền của công nhân được trả công và hưởng những phúc lợi công bằng và thích hợp”.
RFI có bài: Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc trừng phạt Bình Nhưỡng. AFP cho biết, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vừa biểu quyết một nghị quyết không mang tính trói buộc, “lên án chế độ Bình Nhưỡng huy động tài nguyên để thực hiện chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo thay vì chăm lo phúc lợi cho người dân”.
RFI có bài: Hồ sơ Rohingya: Ngoại trưởng Mỹ gây sức ép trên quân đội Miến Điện. Trong chuyến đi với mục tiêu gây sức ép lên chính phủ và quân đội nước này nhằm chấm dứt bạo lực ở bang Rakhine, Cuối cùng, trong cuộc họp báo chung với bà Aung San Suu Kyi hôm nay, ông Tillerson cho biết, “ông không tán đồng các biện pháp trừng phạt mới đối với Miến Điện, và sẽ xem xét rất cận thận vấn đề một khi ông trở về Washington”.
RFA có bài: Một người Mỹ tìm cách vượt biên giới hai miền Triều Tiên. Dẫn nguồn tin từ Nam Hàn hôm thứ tư 15/11 cho biết “nước này sẽ trục xuất một người Mỹ vì đã tìm cách vượt biên giới vào Bắc Hàn”.
VOA có bài: Công chúng Úc ủng hộ hôn nhân đồng tính. Một cuộc thăm dò qua đường bưu điện ở Úc cho biết, gần 8 triệu người, khoảng 62% ủng hộ hôn nhân đồng tính. Thủ Tướng Australia Malcolm nói: “Cử tri đã biểu quyết với đa số áp đảo, đòi công bằng, ủng hộ cam kết và tình yêu, và giờ đây nhiệm vụ của chúng ta tại Quốc hội, tất cả chúng ta có mặt tại đây, là phải xúc tiến việc này, và hoàn tất nó trước Giáng Sinh năm nay”. – Đa số người Úc ủng hộ hôn nhân đồng giới (BBC).
Mời đọc thêm: Ngoại trưởng Mỹ: Trừng phạt Miến Điện sẽ không giải quyết được khủng hoảng Rohinya (RFA). – Ngoại Trưởng Mỹ tới Myanmar, giải quyết khủng hoảng Rohingya (VOA). – Quốc tế kêu gọi Myanmar bỏ lệnh cấm biểu tình ở Yangon (RFA). – Trung Quốc gởi đặc sứ đến Bắc Triều Tiên (RFI). – Thủ tướng Nhật nói Triều Tiên tiếp tục phát triển phi đạn — Triều Tiên chưa quyết định tham gia Olympic Pyeongchang 2018 (VOA). – Tổng thống Philippines ca ngợi Trung Quốc giúp chống khủng bố — Đảng đối lập Campuchia đối mặt với nguy cơ giải tán trong tuần này (RFA). – Hai cô gái từ Anh và Canada chết ở Campuchia (BBC).
Châu Phi
Nhà văn Trần Trung Đạo có bài: Độc tài Robert Mugabe tại Zimbabwe bị lật đổ. Tổng thống độc tài Robert Mugabe, 93 tuổi, được coi là “một tay sai đắc lực của Trung Cộng tại Phi Châu“, đã bị lật đổ hôm 15/11. Trong khi đa số các nước phương Tây kết án ông Mugabe “vi phạm nhân quyền và ăn cắp cuộc bầu cử” thì Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, Vương Quang Á bênh vực: “Về mặt quốc tế, sự sử dụng hay đe dọa sử dụng sự trừng phạt rất ít hay không giải quyết được vấn đề”.
Để “lại quả” cho Trung Quốc, Magube “hứa sẽ cho phép Trung Cộng sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú của quốc gia này. Trong suốt thời gian vận động tranh cử giữa Morgan Tsvangirai và Magube, các tàu chở vũ khí của Trung Cộng nhiều lần cố gắng nhập vào các cảng Zimbabwe“.
BBC đưa tin: Quân đội Zimbabwe ‘nhắm vào tội phạm’. Quân đội Zimbabwe ra thông cáo sau khi chiếm quyền kiểm soát hãng truyền thông quốc gia ZBC, nói “họ đã có hành động nhắm vào tội phạm. Đây không phải là ‘việc quân đội nắm quyền từ chính phủ’ và Tổng thống Robert Mugabe hiện đang an toàn”.
Mời đọc thêm: Quân đội Zimbabwe can thiệp: Chuyện gì đã xảy ra với tổng thống 93 tuổi ? (RFI). – Zimbabwe: Tổng thống Mugabe ‘bị quản thúc’ (BBC).
Tình hình Trung Đông
RFI có bài phân tích về hai thế lực đang tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông: Những điểm đáng chú ý trong cuộc khủng hoảng Iran- Ả rập Xê Út. Nhà nghiên cứu Clément Therme, thuộc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược (IISS) nhận định: “Việc ông Donald Trump lên lãnh đạo Hoa Kỳ đã giải phóng năng lượng chống Iran trên bán đảo Ả rập, bởi Washington dốc lòng dốc sức vì đồng minh Ả Rập Xê Út và chống Iran”.
RFI phân tích về tình trạng vô chính phủ ở Liban: Liban, chiếc máy bay không người lái. Theo báo Le Monde, “Mỹ và Israel cũng đang gia tăng áp lực lên Iran và Hezbollah Liban. Tình thế này có thể đưa Liban vào một cuộc chiến tranh mới vì Iran không bao giờ hy sinh Hezbollah”.
Môi trường
RFI có bài: COP 23: Pháp và Đức muốn tạo sức bật mới cho cuộc đấu tranh về khí hậu. Tin cho biết, “Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel vào hôm nay 15/11/2017 đích thân đến tham dự Hội Nghị Khí Hậu COP23, tổ chức cho đến thứ Sáu này tại Bonn”.
RFI có bài điểm báo: Môi trường–Khí hậu: 15.000 nhà khoa học hối thúc hành động khẩn. Theo Le Monde, lời kêu gọi của 15.000 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, từ 184 quốc gia, được công bố hôm thứ Hai 13/11/2017, trên tạp chí khoa học Bioscience, “khẩn thiết kêu gọi giới lãnh đạo chính trị thế giới ‘nỗ lực hết sức’. Nếu tốc độ phá hủy môi trường tiếp tục diễn ra vô cùng nhanh chóng như hiện nay, điều kiện sống trên hành tinh chúng ta sẽ trở nên tồi tệ đến mức ‘không thể vãn hồi’, với kết quả là ‘đói nghèo’ tăng vọt”.
Thêm tin quốc tế: Tập đoàn Pháp Lafarge bị điều tra vì cáo buộc tài trợ cho Daech(RFI). – Tại hội chợ hàng không Dubai, Airbus giành hợp đồng lịch sử bán 430 máy bay (RFI). BBC có bài: Top 10 thành phố thu hút khách nhất thế giới. Theo bản tin, “Đứng vị trí đầu bảng là Hong Kong, sau đó là Bangkok và London”.