Với nhật báo Le Figaro, « Các công đoàn thất trận trong cuộc chiến chống luật lao động » vì căn cứ vào nhịp độ tan rã của các cuộc biểu tình, người ta có thể đoán trước kết quả thất bại mà không sợ bị sai. Bài xã luận của nhật báo thiên hữu cho rằng « phong trào nổi dậy quy mô lớn »mà công đoàn CGT cùng với ông Jean-Luc Mélenchon thuộc phong trào cực tả Nước Pháp Bất Khuất (Les Insoumis) từng đe dọa chính phủ nhằm đáp trả cú « đảo chính xã hội » sẽ không xảy ra.
Đối với những người tự nhận là thể hiện phong trào phản kháng của giới lao động trước giới chủ đàn áp, đây là một vỏ bọc bề ngoài. Không ai tin vào những lời hứa suông của họ về việc đột ngột đòi xem xét lại thời gian làm việc, các ngày nghỉ được hưởng lương hoặc chế độ lương bổng. Ngược lại, trong khi các cơ quan đại diện nhân sự cuối cùng cũng được đơn giản hóa, hành động bảo vệ kịch liệt khối nghiệp đoàn có thể cũng lộ vẻ đáng ngờ.ự thất bại của những người ủng hộ nhiệt thành chủ chương không muốn thay đổi còn bị tác động từ hình ảnh nực cười mà họ rọi vào chính mình. Ngoài ra, còn phải kể đến sự công nhận một phương pháp cầm quyền theo đúng nghĩa, đã hoàn thiện đủ 3 điều kiện cho thành công của mình.
Thứ nhất là tính chính đáng : tất cả những gì liên quan đến các sắc lệnh đã được công bố trong thời gian tranh cử tổng thống của Emmanuel Macron, sau đó đã được cử tri đồng ý thông qua lá phiếu. Thứ hai, đó là sự thống nhất với nhau : tất cả các tổ chức đã được chính phủ tiếp đón trọng thể, trước khi tham gia vào nhiều buổi trao đổi được đánh giá là có chất lượng với chính quyền. Cuối cùng, đó là sự nhất quán : trong các buổi thảo luận, chính phủ đã tỏ ra cương quyết và cứng rắn, không để rơi vào bẫy những dàn xếp nhỏ.
Hiện đại hóa luật lao động mà không gây thảm kịch, mà người ta đặt tên là « mẹ của các trận chiến », xoáy vào một ý nghĩ dai dẳng là muốn một nước Pháp không cải cách được. Sức nặng của các những người bảo vệ quyền lợi của thành viên nghiệp đoàn, sự khuấy động của các công đoàn, các tính toán chính trị chỉ đẩy đất nước vào trình trạng tê liệt. Bài viết kết luận với câu hỏi : Tại sao năng lực được huy động để phản đối cải cách luật lao động không được sử dụng để cải cách Nhà nước và giảm bớt chi tiêu công ?
Chính sách « chia để trị » của tổng thống Macron
Vào tháng 9, các công đoàn đã không huy động được đông đảo người biểu tình phản đối các sắc lệnh cải cách thị trường lao động. Hơn một tháng, kể từ khi các sắc lệnh này có hiệu lực và trong khi chờ dự luật có thể được thông qua vào ngày 04/12 tới, thì hy vọng « tổng động viên » ngày 16/11 có vẻ còn khó khăn hơn. Vậy « Macron vô hiệu hóa đường phố như thế nào ? »
Le Figaro cho rằng ngay từ đầu tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chính phủ đã biết cách « chia để trị », chia rẽ các công đoàn để tránh một mặt trận thống nhất và chính phủ biết cách lèo lái giữa những bất đồng của các nghiệp đoàn.
Về phía Jean-Luc Mélenchon và phong trào Nước Pháp Bất Khuất, một bên vận động cuộc biểu tình ngày 16/11, Le Figaro nhận định : « Phong trào Nước Pháp Bất khuất khó khăn huy động giới trẻ ». Còn trang nhất của nhật báo thiên tả Libération là hàng tựa : « Mélenchon thâm nhập vào giảng đường ». Vì lo ngại không đạt được nhiều thành công, thủ lĩnh của Nước Pháp Bất Khuất đã « đánh cuợc vào giới trẻ » với hy vọng mang lại hơi thở mới cho phong trào phản kháng. Đây sẽ là bài trắc nghiệm đầu tiên với làn sóng phản đối lựa chọn đầu vào đại học.
Lần đầu tiên kể từ tháng 9, nhiều tổ chức sinh viên như Unef, Fidl và Unel gia nhập phong trào phản đối. Tuy nhiên, ngay trong nội bộ nghị sĩ Nước Pháp Bất Khuất cũng nghi ngờ về kết quả. « Tôi không nghĩ đó sẽ là một cuộc biểu tình lớn của thanh niên », theo phát biểu của nghị sĩ Eric Coquerel, vùng Seine-Saint-Denis, khi trả lời Le Figaro.
Sáu điểm cải cách trong luật lao động
Vậy đâu là những điểm thay đổi trong loạt cải cách luật lao động ? Nhật báo Le Figaro nêu lên 6 điểm chính : tăng cường đối thoại xã hội, giảm bớt độc quyền đàm phán của các công đoàn, đơn giản hóa cơ quan đại diện nhân viên, định mức trần khoản tiền bồi thường sa thải bất công, giới hạn phạm vi địa lý các vụ sa thải và trấn an các quyết định nghỉ việc tự nguyện.
Zimbawe : « Cú đảo chính thật-giả » và hồi kết của tổng thống Mugabe
Chủ đề thời sự quốc tế được đề cập trên các mặt báo là cuộc khủng hoảng chính trị tại Zimbabwe. Le Monde và Libération đều chạy tựa « Cú đảo chính thật-giả » ở Zimbabwe. Với La Croix, « Zimbabwe trong tình trạng giới nghiêm ». Le Figaro đưa tin « Quân đội tổ chức một cuộc cách mạng cung điện tại Zimbabwe ». Tương tự, nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa : « Quân đội vô hiệu hóa Robert Mugabe tại Zimbabwe ».
Tổng thống Robert Mugabe, người nắm quyền cao nhất tại Zimbabwe từ năm 1987. Ở tuổi 93, ông vẫn được đảng Zanu-PF đưa ra ứng cử nhiệm kỳ tổng thống sắp tới.
Sáng 15/11/2017, quân đội tiến vào thủ đô Harare, chiếm phủ tổng thống và, thông qua phát ngôn viên là tướng Sibusiso Moyo, thông báo trên truyền hình rằng « những gì lực lượng quốc phòng Zimbabwe (FDZ) đang làm là mang lại bình yên trong bối cảnh chính trị, xã hội và kinh tế đang bị suy thoái tại đất nước, mà nếu không làm gì, sẽ kết thúc thành một cuộc xung đột bạo lực ». Đây là lần đầu tiên quân đội can thiệp vào cuộc chơi chính trị để lật đổ chính quyền của tổng thống đương nhiệm, song vẫn tránh sử dụng cụm từ « đảo chính ». Le Figaro nhận định : « Mugabe thất sủng, người anh hùng của nền độc lập đã trở thành nhà lãnh đạo chuyên chế ».
Nhật báo La Croix giải thích nguyên nhân « vụ đảo chính thật-giả » là phó tổng thống Emmerson Mnangagwa, 75 tuổi, có quan hệ tốt với quân đội, từ lâu được cho là người kế nhiệm tổng thống Mugabe, bỗng nhiên bị mất chức vào tuần trước sau khi tranh cãi với đệ nhất phu nhân Grace Mugabe, 52 tuổi, nổi tiếng đam mê hàng xa xỉ và không được lòng quân đội. Là chủ tịch Hội Phụ Nữ Zanu-PF đầy quyền lực, bà cũng có đầy tham vọng chính trị, thêm vào đó, bà mới được tổng thống Mugabe muốn là người thay thế ông.
Les Echos nhắc lại tình trạng kinh tế tại Zimbabwe, nơi tỉ lệ thất nghiệp lến đến 80% cách đây vài năm. Một đợt trưng dụng đất đai đã khiến ngành nông nghiệp của một quốc gia từng là vựa lúa của châu Phi sụp đổ. Tài sản cũng như người dân bỏ xứ, trong khi Zimbabwe nổi tiếng giầu vàng, kim cương, chất crom… Năm 2008, Zimbabwe ghi kỷ lục thế giới về tỉ lệ lạm phát trong thế kỷ 21, với 80 tỉ phần trăm hàng năm.
Airbus ghi kỉ lục hợp đồng thương mại thế giới
Tại Triển lãm Hàng Không đang diễn ra ở Dubai, dường như Airbus đang vượt qua đối thủ Boeing trong lĩnh vực cung cấp máy bay đường trung. Ngày 15/11/2017 trở thành ngày lịch sử của tập đoàn châu Âu.
Hợp đồng đầu tiên được ký giữa Airbus và hãng Indigo của Mỹ chuyên cho thuê máy bay gồm 430 chiếc A320 trị giá 42 tỉ euro. Sau đó ít lâu, Airbus thông báo một đơn đặt hàng khác gồm 36 chiếc A380 với hãng hàng không Emirates.
Cả Le Figaro và Le Monde đưa tin « Airbus ký được hợp đồng lớn nhất trong lịch sử hàng không ». Le Figaro đánh giá, những thành công thương mại này là « của trời cho » thật sự đối với một công ty, cụ thể là với tổng giám đốc Airbus Tom Enders, đang nằm trong vòng điều tra chống tham nhũng làm suy yếu nội bộ từ vài tuần qua. Về chủ đề này, Libération nhận xét : « Một hợp đồng khổng lồ để hàn gắn các vết thương của Airbus ».
Trang nhất của Les Echos là hàng tựa « Ngày lịch sử của ngành hàng không thế giới ». Vì ngoài các hợp đồng khổng lồ của Airbus, Boeing cũng tỏ ra không kém cạnh khi ký hợp đồng 225 máy bay đường trung với hãng hàng không vùng Vịnh Flydubai, với tổng giá trị là 22,8 tỉ euro.
Năm 2050 : Thế giới có thể được nuôi bằng sản phẩm sạch
Những ưu điểm của thực phẩm sạch đối với sức khỏe và môi trường ngày nay đã được chứng minh. Từ lâu, loại hình sản xuất này không được phổ biến do sản lượng không đủ để thỏa mãn nhu cầu thế giới trong khi dân số không ngừng gia tăng.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, và được nhật báo Le Monde đưa tin ngày 16/11, đến năm 2050, ngành nông nghiệp thế giới có thể được chuyển sang thành 100% sản phẩm sạch, với hai điều kiện : giảm lãng phí thức ăn và hạn chế tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc động vật.
Pháp tổ chức giải vô địch bóng bầu dục năm 2023
Trên lĩnh vực thể thao, các nhật báo Pháp đề cấp đến thông tin bất ngờ đối với ông Bernard Laporte, đứng đầu môn bóng bầu dục của Pháp. Tại Luân Đôn, ngày 15/11, không được cho là ứng viên sáng giá để tổ chức giải vô địch 2023, cuối cùng Pháp đã nhận được 24 phiếu, hơn 9 phiếu so với đối thủ Nam Phi để tổ chức Cúp Vô địch Bóng Bầu dục 2023. Trước đó, Ai Len bị loại khỏi cuộc bỏ phiếu chung kết chọn « tân chủ nhà ».