Cần hành động gấp để bảo vệ ngư dân và bảo vệ chủ quyền
9-11-2017
Suốt từ tối qua đến nay, tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại, sau khi lắng nghe, tôi thấy mình thực sự cần phải viết và mong các anh chị cùng tôi lên tiếng.
Có thể bằng cách tìm hiểu về câu chuyện tôi sắp kể sau đây và viết về nó, hoặc đơn giản nhất là chia sẻ để giúp bài viết này lan toả hơn. Chuyện không phải của tôi nhưng là của chúng ta, bởi nó liên quan đến số phận những ngư dân nước Việt hiện đang bị bắt giữ ở nước ngoài.
Tháng 4-2017, khi đang đánh cá trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, 5 tàu cá của các ngư dân Kiên Giang đã bị tàu có trang bị vũ khí của Indonesia rượt đuổi, khống chế và bắt giữ. 5 thuyền trưởng của các tàu cá này bị phía Indonesia bắt giữ suốt từ thời điểm đó cho đến tận hôm nay.
Trên thực tế, khi đang đánh bắt ở vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam thì các tàu cá bị truy đuổi. Một số tàu chạy sâu về Việt Nam thì thoát, còn các tàu bị truy đuổi về hướng Indonesia thì bị bắt giữ.
Cơ quan chức năng của Indonesia đã lấy toạ độ ở vị trí bắt giữ sau khi truy đuổi để đưa vào cáo trạng quy kết ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển của họ. Trong khi đó, nếu lấy vị trí toạ độ khi các tàu đang đánh bắt cá trước lúc bị truy đuổi thì rõ ràng ngư dân Việt Nam đang khai thác trên vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia mình.
Về việc này, sau khi xác minh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang đã kết luận các tàu này hoạt động trong vùng biển Việt Nam.
Luật sư Hà Hải, văn phòng Luật sư Hà Hải (TP.HCM), là người bảo vệ cho các ngư dân đang bị đưa ra xét xử ở Indonesia. Ông khẳng định, sự sai lệch trong việc xác định toạ độ làm căn cứ đưa ra cáo trạng không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các tàu cá Việt Nam, mà còn vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, Luật biển Việt Nam, đặc biệt là Hiệp định phân định ranh giới và thềm lục địa đã ký kết giữa Việt Nam và Indonesia.
Toà án đang quy kết ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của họ. Nhưng thực tế không phải như vậy. Ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Điều này là sự thật không có gì phải bàn cãi. Thế nhưng, án oan vẫn có thể bị đổ xuống những thân phận con dân nước Việt ở một nơi xa lạ không phải quê hương mình.
Chính phủ có chương trình hỗ trợ tín dụng cho ngư dân, chương trình đóng tàu vỏ thép và nhiều thứ nữa. Mọi thứ đều rất tốt. Nhưng, tất cả những tốt đẹp ấy sẽ trở thành vô nghĩa nếu như ngư dân ra khơi không được bảo vệ đến cùng.
Ngày 2-11, toà án của Indonesia đã xét xử và tuyên án một thuyền trưởng phải nộp 500 triệu đồng trong vòng một tháng, nếu không sẽ bị lãnh tiếp 6 tháng tù. Chiếc tàu đánh cá cũng bị toà tuyên tịch thu, tiêu huỷ.
Hôm nay, ngày 9-11, dự kiến lại một phiên toà xét xử một thuyền trưởng khác diễn ra. Đến giờ chót tôi được biết là tạm hoãn.
Tôi được biết, trước đó Bộ Ngoại giao Việt Nam đã làm việc với Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội. Hiện Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đang tiếp tục làm việc để bảo vệ ngư dân.
Nhưng, trước nguy tài sản của ngư dân Việt Nam bị xâm phạm, tự do của công dân Việt Nam bị tước đoạt, lẽ ra thời điểm này cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn.
Có vẻ như vẫn chưa thấy tin tức gì thể hiện rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng vào thời điểm này để bảo vệ cho quyền lợi hợp pháp, bảo vệ quyền công dân, bảo vệ sự tự do cho 5 công dân nước Việt? Không phải là dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới này, những người mang quốc tịch Việt Nam đều không bị bỏ rơi hay sao?
Tôi biết Bộ Ngoại giao đang vô cùng bận rộn với sự kiện APEC. Nhưng, dẫu có quan trọng đến đâu chăng nữa, dẫu có bận bịu cỡ nào chăng nữa, thì xin đừng quên còn có 5 thân phận người Việt đang ngắc ngoải ngóng chờ…