TS Nguyễn Tiến Hưng Gửi đến BBC từ Virginia, Hoa Kỳ
27/11/2017
Lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm: con trai ông là Ngô Xương Văn, tức Nam Tấn Vương đã cầm quyền được 15 năm rồi bị bắn chết ở vùng nay là Sơn Tây
Năm 963 khi vua Ngô Xương Văn (tự là Nam tấn Vương) bị sát hại, Việt Nam rơi vào cảnh hỗn loạn Thập nhị sứ quân.
Trong cuốn Việt Nam Sử Lược, nhà sử học Trần Trọng Kim viết: “Thế lực nhà Ngô bấy giờ mỗi ngày một kém, giặc giã nổi lên khắp mọi nơi. Nam Tấn Vương phải thân chinh đi đánh dẹp. Khi đi đánh giặc ở hai thôn Thái-Bình, không may bị tên bắn chết.”
Sau khi vua Ngô Xương Văn chết đi thì “Lúc bấy giờ trong nước có cả thảy 12 sứ quân, gây ra cảnh nội loạn kéo dài đến hơn 20 năm… Trong số này có Tướng của thời nhà Ngô tên là Đỗ Cảnh Thạc cũng giữ một chỗ, xưng là Sứ quân.”
Năm 1963 – đúng 1,000 năm sau, một nhà Ngô nữa bị sát hại và cảnh Thập nhị sứ quân lại tái diễn.
Tướng Charles de Gaulle đã từng nói “Après moi le deluge” (Sau ta là hồng thủy).
Tuy không nói ra nhưng chắc Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng đã nghĩ ‘Sau ta là bão tố.’
Cơn lốc chính trị, quân sự, xã hội tại Miền Nam sau ngày đảo chính đã tàn phá Miền Nam đến mức nào thì nhiều độc giả (cao niên) còn nhớ.
Tình trạng rối ren ở Sàigòn đã ảnh hưởng sâu xa tới tình hình quân sự. Trong một điện tín gửi về Washington, Đại sứ Henry Cabot Lodge đã kèm theo luôn một báo cáo của đại diện USOM ở tỉnh Long An (ngày 7 tháng 12, 1963) nói về tình hình an ninh suy giảm quá mạnh.
Rồi ông phàn nàn: “Tôi thật bối rối vì thấy thiếu quyết tâm chiến đấu: các thành viên của tập đoàn tướng lãnh cho tôi những câu trả lời thật tuyệt vời và rõ ràng, và nói cái gì cũng hay hết, nhưng những việc gì đang xảy ra thì chẳng có là bao nhiêu.“
Cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo! Chỉ một tháng trước đó, vài ngày sau đảo chánh, ông Lodge đã báo cáo về Washington:
“Chúng ta không nên bỏ qua mà không để ý tới ý nghĩa của cuộc đảo chánh, đó là nó sẽ có thể giúp rút ngắn cuộc chiến này để cho người Mỹ được sớm trở về nuớc mình.”
Nếu như tình hình ở Miền Nam bất ổn thì vào thời điểm này, tình hình chính trị tại Hoa Kỳ cũng trở nên phức tạp.
Đúng ba tuần sau cái chết của Tổng thống Diệm thì Tổng thống Kennedy bị ám sát ở Dallas. Phó Tổng thống Lyndon Johnson lên kế vị.
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon Johnson (trái) và Tổng thống JF Kennedy (phải) đón Thủ tướng Nehru của Ấn Độ thăm Hoa Kỳ
Cơn khói lửa bùng lên
Ngay từ lúc còn làm Phó cho Tổng thống, ông Johnson đã cố vấn cho Tổng thống Kennedy rằng “Nếu chúng ta buông xuôi tại vùng Đông Nam Á thì phải rút tuyến quốc phòng của Hoa Kỳ về tận San Francisco.”
Lên chức tổng thống, việc đầu tiên ông làm là tham khảo đại sứ Cabot Lodge về Việt Nam. Ông Lodge báo cáo về tình hình đen tối tại Sàigòn.
Sau đảo chính, bây giờ lại khó khăn, rối ren hơn nhiều, và lãnh đạo ở Sàigòn lại đang có khuynh hướng đi về hướng chính sách ‘trung lập.’
Ông Lodge kết luận là cần phải có ngay những quyết định hết sức khó khăn “và Ngài phải lấy những quyết định ấy.” Tổng thống Johnson tuyên bố không lưỡng lự:
“Tôi sẽ không để mất Việt Nam, tôi sẽ không là người Tổng thống đầu tiên để cho Đông Nam Á sụp đổ giống như Trung Quốc đã sụp đổ.”
Ngày 8 tháng 3, 1965 thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng.
Cuộc chiến khói lửa bắt đầu bùng nổ.
Các góc cạnh của đảo chính
Về bối cảnh đưa tới đảo chính thì chúng tôi đã đề cập trong cuốn Khi Đồng Minh Nhảy Vào (KĐMNV) dựa trên các chứng cớ là các văn kiện được giải mật ngày 13 tháng 6, 2011. Nơi đây chúng tôi chỉ nhắc lại vài nét đại cương.
1960 – Bước ngoặt của bang giao Việt – Mỹ
Sau năm năm vàng son vừa phát triển vừa hòa bình (1955-1960), tình hình quân sự và chính trị Miền Nam bắt đầu chuyển hướng vào năm 1960.
Về quân sự thì lực lượng cộng sản đã bắt đầu tấn công vùng đồng bằng với những trận đánh vào dịp Tết tại Bến Tre và Tây Ninh ở Tây bắc Sàigòn. Về chính trị thì chính phủ Diệm càng ngày càng bị chỉ trích là độc tài, phe đảng và tham nhũng.
Cuối mùa Xuân 1960 một nhóm nhân sĩ họp ở Khách sạn Caravelle cùng nhau kiến nghị Tổng thống Ngô Đình Diệm phải cải tổ toàn bộ chính phủ và chính sách (“Tuyên ngôn Caravelle”), nhưng ông Diệm cho rằng có Mỹ đứng đàng sau giật giây vì khuyến nghị này lại giống y như những lời cố vấn của Đại sứ Mỹ Elbridge Durbrow.
Sau này, ông Durbrow đã xác nhận là chuyện này có thật.
Tới mùa Thu 1960 thì có đảo chính: đạn bắn vào ngay phòng ngủ của Tổng thống Diệm. Đại sứ Mỹ Elbridge Durbrow cố vấn ông nên điều đình với phe đảo chính. Sau khi đảo chính thất bại, Durbrow lại khuyên ông nên khoan hồng cho những sĩ quan liên quan.
Thế là từ bấy giờ giữa Dinh Độc Lập và Tòa Đại sứ Mỹ thì cơm chẳng còn lành và canh cũng chẳng còn ngọt.
1961 – Thuở ban đầu với tân tổng thống John F. Kennedy
Mối dây liên lạc Việt – Mỹ đang căng thẳng cuối năm 1960 bỗng đổi chiều vào đầu năm 1961 khi Hoa Kỳ có Tổng thống mới.
Nghị sĩ John F. Kennedy lên kế vị TT Dwight Eisenhower. Ở tuổi 42, ông là tổng thống Mỹ trẻ nhất. Ngày đăng quang ông hùng biện tuyên bố một lập trường hết sức cứng rắn ‘để bảo đảm sự sống còn và sự thành công của tự do.’
Tổng thống Diệm nhận được bức thư đầu tiên của TT Kennedy đề nghị Hoa Kỳ tiếp tay với ông để ‘tăng cường nỗ lực chiến thắng và đẩy mạnh sự tiến bộ kinh tế và xã hội của Việt Nam.’
Ông Diệm hân hoan đáp ứng lời đề nghị này, nhưng đặt trên căn bản là “vì quyền lợi chung của cả hai nước” (chứ không phải chỉ vì quyền lợi của VNCH). Tình nghĩa hai bên thật nồng nàn, thắm thiết vào thuở ban đầu của nhiệm kỳ Kennedy.
1962 – Mỹ quyết định bỏ Lào
Mặc dù đã tuyên bố một lập trường rất cứng rắn, Tổng thống Kennedy đã quyết định bỏ Lào. Ông Diệm hết sức lo ngại: liệu những hành động quyết liệt của ông Kennedy có bền vững hay không?
Lúc ấy thì tình trạng Lào đã tác động mạnh mẽ vào tâm lý của các lãnh đạo ở Đông Nam Á. Chính phủ Diệm rất nghi ngờ về ý chí của Hoa Kỳ.
Lực lượng cộng sản hành quân tại Lào. Quyết định của Kennedy “bỏ Lào” khiến chính quyền của TT Diệm nghi ngờ các cam kết của Mỹ
Chính tình báo Mỹ NIE đã thẩm định rằng: “đã có những cảm nghĩ hết sức sâu đậm ở Đông Nam Á về những biến chuyển mới đây về khủng hoảng ở Lào. Các chính phủ nơi đây có khuynh hướng cho rằng cuộc khủng hoảng Lào là một thử thách tượng trưng giữa sức mạnh của Tây phương và Khối Cộng sản. Liệu Hoa kỳ có tiếp tục bảo vể vùng này hay không? Thử thách rõ ràng nhất là khả năng bền vững của chính sách Hoa kỳ tại Việt Nam.”
Ngày 21 tháng 4, trong một báo cáo, ông Edward Landsdale (CIA) nhận xét về Việt Nam:
“Về tâm lý – Việt Nam luôn nghĩ mình mới là đối tượng chính – và họ tự hỏi ‘khi tới lần chúng tôi, liệu sẽ có bị đối xử giống như Lào không.’ Chính sách của Mỹ đã biến Lào thành nước ‘trung lập’ với một chính phủ liên hiệp, làm cho TT Diệm hết sức lo âu vì nghĩ rằng sau Lào thì Mỹ sẽ tính đến việc trung lập hóa Việt Nam và áp đặt một chính phủ liên hiệp với Cộng sản. Bởi vậy, Landsdale cho rằng việc chính là phải làm sao cho chính phủ Miền Nam tin tưởng rằng việc rút lui ở Lào không có nghĩa là sẽ rút khỏi Việt Nam.”
Để làm tăng thêm sự tin tưởng vào Hoa Kỳ, Phó Tổng Thống Lyndon Johnson được gửi sang thăm viếng Tổng thống Diệm với sứ mệnh của Tổng thống Kennedy là phải ‘tuyên bố sự ủng hộ mãnh liệt của Hoa Kỳ và lòng tin tưởng vào Tổng Thống Diệm.” Ông Johnson trao cho ông Diệm bức thư của tân Tổng Thống Hoa Kỳ. Bức thư thuở ban đầu thật nồng nàn, thắm thiết.
Tuy nhiên, Tổng thống Diệm không hoàn toàn tin tưởng. Trong bức thư phúc đáp ông nói tới sự lo ngại về Lào:
“Những biến chuyển gần đây tại Lào đã làm nổi bật mối quan ngại trầm trọng của chúng tôi về nền an ninh của (VNCH) với những đường biên giới kéo dài và dễ bị tấn công…”
Để biết rõ sự suy nghĩ của Tổng thống Diệm, Đại sứ Nolting gặp Bộ trưởng Nguyễn Đình Thuần (Bộ trưởng Phủ Tổng thống) để tham khảo. Ông Thuần tiết lộ là đề nghị của Hoa Kỳ đã làm cho Ông Diệm hết sức ưu phiền, “hay là Hoa Kỳ đang sửa soạn để bỏ rơi Việt Nam…như là đã bỏ rơi Lào?”
Đi tìm giải pháp hòa bình 1963 – Mùa Xuân: yêu cầu Mỹ rút cố vấn
Tháng 10/1955: Tổng thống Ngô Đình Diệm nhận lời chúc mừng từ Cao ủy Pháp Henri Hoppenot
Số cố vấn Mỹ vào Miền Nam ngày một tăng nhanh. Tháng 4/1963: thêm 4,500 cố vấn và binh sĩ nữa.
Trạm trưởng CIA là ông William Colby sau này nhận xét: “Ngay từ đầu 1962 cơ quan CIA đã có những mối liên lạc và ảnh hưởng trên toàn lãnh thổ Miền Nam, từ cổng trước và cổng sau Dinh Độc Lập tới những xóm làng ở thôn quê…”
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post vào tháng 5 ông Nhu tuyên bố Mỹ có thể rút đi một nửa số cố vấn. Báo chí thổi phồng lên, Tổng thống Kennedy phật lòng, tuyên bố sẵn sàng rút đi.
Suy nghĩ lại về giai đoạn này, Đại sứ Pháp Lalouette, người đã chứng kiến và tham gia vào nhiều biến cố tại Việt Nam đã cho rằng “quyết định của ông Nhu vào hồi tháng 4 yêu cầu rút cố vấn cấp tỉnh đã là lý do chính để người Mỹ quyết định lật đổ ông Diệm.”
1963 – Mùa Hè: khủng hoảng Phật Giáo
Vào chính lúc Washington đang nhắm vào ông Nhu thì một cơn bão tố nữa lại ập tới: khủng hoảng Phật Giáo, bắt đầu vào Lễ Phật Đản ngày 8 tháng 5. Xáo trộn leo thang rất nhanh. Viên chức Bộ Ngoại giao buộc tội chính phủ Diệm đã ‘phá nát chùa chiền.’
Để đánh giá lại chính phủ Diệm, một phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ do Dân biểu Clement Zablocki (Wisconsin) hướng dẫn gồm 8 thành viên đi Sàigòn để thẩm định tình hình. Phái đoàn tiếp xúc với rất nhiều thành phần chống Tổng thống Diệm cũng như với ĐS Lodge và các quan chức Mỹ và báo chí ở Việt Nam. Trở về Washington, ông Zablocki đã nộp bản báo cáo bênh vực Tổng thống Diệm là người – tuy có nhiều khuyết điểm, chuyên quyền, và khoan dung cho hối lộ, áp bức, nhưng ông ta có khả năng bền bỉ và đang chiến thắng.
Mà cũng không ai thay thế được ông ta. Zablocki đặt nặng trách nhiệm của báo chí: “báo chí đã ngạo mạn, dễ bị kích động, thiếu khách quan, và không có những thông tin trung thực” trong những tin tức, bình luận về biến cố Phật Giáo cũng như về Tổng thống Diệm.
Mặc dù phái đoàn nhận xét như vậy, nhưng giới truyền thông vẫn tiếp tục tấn công. Cho nên tình hình Việt – Mỹ vào cuối hè 1963 đã trở nên căng thẳng tới mức có tin đồn là Nhà Ngô định ám sát tân Đại sứ Lodge.
1963 – Sang Thu: khả năng ông Nhu định điều đình với Bắc Việt
Trong tình huống sôi động ấy lại có tin ông Nhu định điều đình với Bắc Việt. Đại sứ Lodge (vừa tới Sàigòn được một tuần) thông báo ngay về Washington rằng chính ông cũng có nghe như vậy.
Về sự việc này thì ngày nay ta đã có thêm tài liệu để soi sáng cho rõ hơn về ý định của hai ông Diệm và Nhu muốn đi tìm một giải pháp hòa bình vì biết trước sau rồi Mỹ cũng bỏ Miền Nam.
Nhưng vào lúc ấy thì sau điện tín của ông Lodge, ông Roger Hilsman (Giám đốc Tình báo và Nghiên cứu Bộ Ngoại Giao) đã bình luận về mục tiêu tối thiểu và tối đa của ông Nhu rồi đi tới kết luận:
“Ông Nhu đã quyết định dấn thân vào một cuộc mạo hiểm, cho nên ta không thể nào tiếp tục con đường hòa giải với ông ta được nữa.”
Tới đây, ông Nhu trở thành mục tiêu duy nhất của Hoa Kỳ
Trong một điện tín gửi cho ĐS Lodge (công điện số 272), Tòa Bạch Ốc nói về việc có nên thử nói với ông Diệm hãy loại bỏ ông bà Nhu hay không, đã kết luận rằng “sẽ không thành công nếu chỉ thuyết phục suông,” trừ phi “đưa ra một lời răn đe dọa cắt viện trợ.”
Thế nhưng nếu răn đe như vậy thì “có nguy cơ rất cao là ông Diệm sẽ coi đó là chỉ dấu sắp có hành động chống lại ông và ông bà Nhu đến nơi rồi, và tối thiểu rất có thể ông ta sẽ có biện pháp mạnh đối với các Tướng lãnh hay thậm chí có hành động quái đản thí dụ như kêu gọi Bắc Việt yểm trợ để trục xuất người Mỹ đi.”
Quá là nhanh, chiều ngày 31 tháng 8, ông Lodge báo cáo Washington ngay về việc này rằng chính ông ta cũng đã “có nghe tin ông Nhu đã bí mật giao thiệp với Hà Nội và Việt Cộng qua Đại sứ Pháp (Lalouette) và Ba Lan (Maneli), cả hai chính phủ các nước này đều tán thành một giải pháp trung lập giữa Bắc và Nam Việt Nam.” Như vậy là đã trật đường ray!
Về việc điều đình hiệp thương Nam – Bắc, theo sự nghiên cứu của chúng tôi thì có hai nhân chứng khả tín là ông Mieczyslaw Maneli (Trưởng đoàn Ba Lan trong Ủy Hội Kiểm Soát Đình Chiến), người trực tiếp làm môi giới giữa Bắc – Nam và ông Cao Xuân Vỹ (Đặc trách Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa) là người đã cùng đi với ông Ngô Đình Nhu gặp ông Phạm Hùng. Bởi vậy, ta nên xem hai ông đã thuật lại như thế nào?
Ông Cao Xuân Vỹ:
Giờ cầu nguyện của Thủy quân lục chiến Mỹ trên bãi biển gần Đà Nẵng
Đại cương: theo tác giả Minh Võ thì ông Vỹ đã kể lại trong một cuộc phỏng vấn như sau:
“Về các điều kiện để hiệp thương thì nhiều lần Tổng Thống Diệm đã nói, phải có 6 giai đoạn,
– Bắt đầu bằng việc cho dân hai miền trao đổi thư tín tự do.
– Rồi cho dân qua lại tự do.
– Thứ 3 là cho dân hai bên được tự do chọn định cư sang bên kia nếu muốn.
– Thứ 4 mới đến giai đoạn trao đổi kinh tế. Ví dụ miền Nam đổi gạo lấy than đá của miền Bắc chẳng hạn.
– Qua được các giai đoạn đó rồi mới tiến tới hiệp thương.
– Và sau cùng là tổng tuyển cử (để thống nhất trong hòa bình).
Ông Mieczyslaw Maneli nói gì?
Ngày 15 tháng 2, 1975 (hai năm sau khi Hòa Đàm Paris ký kết) ông đã viết một bài tên tờ Washington Post với tựa đề: ‘Vietnam: 63 and Now’ và nói rằng giải pháp hòa bình do ông làm môi giới năm 1963 nếu thành công thì đã thuận lợi cho Miền Nam và Thế giới Tự Do hơn Hiệp định Paris đầu năm 1975 rất nhiều. Ông kể lại:
“Mùa Xuân năm 1963, Đại sứ Pháp Lolouette nói với tôi là Tổng thống Diệm và bào đệ của ông có nhờ tôi tìm hiểu với Chính Phủ Hà Nội xem có khả năng nào để giải quyết cuộc chiến bằng phương tiện hòa bình hay không. Trong mấy tháng sau đó tôi đã thảo luận nhiều với giới lãnh đạo cao cấp nhất kể cả Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Câu hỏi căn bản tôi đặt ra cho họ là: trong trường hợp Mỹ rút khỏi Miền Nam, những bảo đảm thực sự nào Miền Bắc có thể đem ra để chứng tỏ rằng một Việt Nam thống nhất sẽ không phải là một nước của thế giới Cộng sản? Lãnh đạo Miền Bắc thảo luận nhiều lần và dần dần đi tới một kế hoạch mà tôi đã dựa vào đó để thảo luận với một nhóm các đại sứ Tây phương. Theo như kế hoạch này, hai Miền Bắc – Nam sẽ từ từ đi từng bước bắt đầu từ liên lạc bưu chính, kinh tế, văn hóa. Sản phẩm kỹ nghệ Miền Bắc sẽ được dùng để mua thóc gạo Miền Nam.
“Miền Bắc sẽ không đòi hỏi phải thống nhất nhanh chóng, một chính phủ liên hiệp sẽ được thành lập tại Miền Nam. Tôi hỏi liệu ông Diệm có thể là lãnh đạo của chính phủ này hay không? Tới mùa hè 1963 thì câu trả lời sau cùng là có. Sau đó, tôi lại hỏi thêm: nhưng làm sao phía Thế giới Tự do có thể tin rằng Hà Nội sẽ giữ lời hứa? Câu trả lời là nếu Mỹ đồng ý rút, Miền Bắc sẽ sẵn sàng đưa ra những bảo đảm có thực chất, gồm cả việc Mỹ tham dự vào việc giám sát giải pháp hòa bình… ngoài ra Miền bắc cũng sẽ có quan hệ ngoại giao và thương mại với thế giới Tự do, và sau cùng nhưng rất quan trọng, là quyền lực về kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ sẽ vẫn còn nguyên, không bị bớt đi vì cuộc chiến (cũng sẽ là một bảo đảm nữa).”
Chúng tôi cho rằng về phía Miền Bắc, rất có thể động cơ chính để điều đình là yếu tố kinh tế: đó là khủng hoảng thực phẩm năm 1963 tại miền Bắc. Tình hình thiếu hụt thực phẩm năm ấy đã trở nên khủng hoảng sau những cơn hạn hán rất nặng và bão tố kéo dài từ mùa Xuân 1961 tới mùa Đông 1962. Như chúng tôi đã có dịp phân tích trong cuốn Economic Development in Socialist Vietnam, 1955-1975 (New York: Praeger Publisher, 1977): trong những năm không bị thiên tai như lụt lội, bão tố, hay hạn hán, Miền Bắc cũng vẫn phải dựa vào thóc gạo của Miền Nam thì mới đủ ăn.
Như vậy thì đại cương về những bước liên lạc hiệp thương, lập trường trung lập để đi tới thống nhất thì đại cương, điều ông Maneli viết cũng giống như những gì ông Vỹ kể lại.
Ông Roger Hilsman bình luận về hai mục tiêu của ông Nhu
Ngày 16 tháng 9, ông Hilsman viết một Bản Ghi Nhớ, bình luận về mục tiêu tối thiểu và tối đa của ông Nhu:
tối thiểu là sẽ “giảm mạnh số người Mỹ đang giữ những chức vụ chính yếu tại các tỉnh và trong chương trình ấp Chiến Lược,” và tối đa là ông ta sẽ “điều đình với Bắc Việt để ngưng chiến, rồi chấm dứt sự có mặt của Mỹ, đi tới một Miền Nam trung lập hoặc theo kiểu Tito (ở Nam Tư)nhưng vẫn là một phần đất riêng biệt.”
Quân Mỹ giao tranh với lực lượng Bắc Việt ở Nam Việt Nam
Hilsman kết luận rằng “ông Nhu đã quyết định dấn thân vào một cuộc mạo hiểm, và bởi vậy, không thể nào tiếp tục con đường hòa giải với ông ta bằng cách dùng ngoại giao và thuyết phục được nữa, mà phải theo con đường dùng áp lực.
Tướng Taylor và Bộ trưởng McNamara đổ thêm dầu vào lửa:
Tiếp theo đó là chuyến viếng thăm Sàigòn từ ngày 23 tháng 9 tới 2 tháng 10 của phái đoàn Taylor-McNamara. Khi trở về Washington hai ông báo cáo tình hình quân sự là tốt, bênh ông Diệm và cho rằng Hoa kỳ không nên đôn đốc một cuộc đảo chính, và chỉ nên dùng áp lực viện trợ. Tuy nhiên, trong báo cáo, hai ông lại thêm một nhận xét là “Sự ve vãn của ông Nhu với ý định điều đình (với Hà Nội) – cho dù là nghiêm chỉnh hay không đi nữa – cũng đã cho thấy có sự bất tương phùng căn bản đối với những mục tiêu của Hoa Kỳ.”
Ngày 5 tháng 10, ngày định mệnh của Tổng thống Diệm
Sau báo cáo Taylor-McNamara, thì có tới 7 sự việc không may xảy ra cho TT Diệm vào ngày này (xem KĐMNV, Chương 21).
Thí dụ như lần đầu tiên trong nhiều tuần lễ, một nhà sư nữa tự thiêu tại bùng binh Chợ Bến Thành lúc 12 giờ 25 trưa. Đó là Đại Đức Thích Quảng Hương. Đây là vụ tự thiêu thứ sáu kể từ Hòa thượng Thích Quảng Đức. Washington cực lực phản đối về việc chính phủ Sàigòn cấm cản báo chí chụp ảnh về vụ này. [Chúng tôi còn nhớ vào thời điểm ấy, báo chí và tivi Mỹ phổ biến rất rộng rãi những vụ tự thiêu, dân chúng hết sức xúc động. Câu chuyện ở Washington lúc ấy chỉ xoay quanh vụ này].
Thêm vào đó là áp lực chính phủ Diệm phải đặt những cuộc di chuyển của Lực Lượng Đặc Biệt phòng vệ tổng thống do Đại tá Tung chỉ huy dưới quyền của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội. Như vậy là lực lượng này bị bó tay để hết ngăn chận đảo chính.
Tổng thống Diệm đã gặp nhiều sự may mắn vào tháng 10 trong những năm trước:
Tháng 10, 1954: vào lúc khủng hoảng chính trị đang nóng bỏng ở Sàigòn và Pháp đang âm mưu loại bỏ Thủ tướng Diệm, TT Eisenhower đã viết bức thư đầu tiên, thông báo quyết định của Hoa Kỳ viện trợ thẳng cho Việt Nam thay vì qua chính phủ Pháp:
“Tôi đã chỉ thị cho Đại sứ Mỹ ở Việt Nam để xem xét với Ngài, với tư cách Ngài là Lãnh đạo của Chính phủ, làm sao để một chương trình của Hoa Kỳ viện trợ thẳng cho Chính phủ của Ngài có thể yểm trợ được nước Việt Nam trong giờ phút thử thách này…”
Tháng 10, 1955: Việt Nam Cộng Hòa khai sinh và ông Diệm trở nên tổng thống đầu tiên.
Tháng 10, 1956: cột trụ của chính thể mới là Hiến Pháp của nền Cộng Hòa bắt đầu có hiệu lực.
Tháng 10, 1960: Tổng thống Eisenhower viết thư cho Tổng thống Diệm ca ngợi thành quả của ông Diệm và nhân dân Miền Nam: “Chúng tôi đã chứng kiến sự can đảm và táo bạo mà Ngài và nhân dân Việt Nam đã biểu dương để đạt tới độc lập trong một tình huống nguy hiểm đến độ nhiều người đã coi như là vô vọng. Chúng tôi còn ngưỡng mộ khi tình trạng hỗn loạn ở Miền Nam đã nhường chỗ cho trật tự, và tiến bộ đã thay thế cho tuyệt vọng, tất cả với một tốc độ thật nhanh chóng.”
Tháng 10, 1961, nhân dịp kỷ niệm sáu năm thành lập VNCH, Tổng thống Kennedy viết cho Tổng thống Diệm: “Thành tích mà Ngài đã đạt được để đem lại niềm hy vọng mới, nơi cư trú và sự an ninh cho gần một triệu người lánh nạn cộng sản từ Miền Bắc đã nổi bật như một trong những nỗ lực đáng được tán dương nhất và được điều hành tốt nhất trong thời hiện đại.”
Thế nhưng tháng 10 năm 1963 thì những sự khuyến khích và cơ may ấy đã không còn nữa: Tổng thống Diệm sửa soạn hành trình để đi về thế giới bên kia khi tháng 11 bắt đầu.
Ngày ám sát Tổng thống Buổi sáng hôm ấy, ngày 2/11/1963, khi tiếng chuông nhà thờ ngân vang khắp nơi, báo hiệu đã tới giờ đại lễ, các tín đồ Công giáo cầu xin Thiên Chúa xá tội để những người đã quá cố được sớm về cõi trường sinh. Lúc ấy, trong số những vong linh được cầu nguyện, đã có thêm hai linh hồn nữa. Họ vừa mới thoát khỏi chốn trần gian này mấy phút trước đó.
Kinh cầu ở các thánh đường vang lên:
“Requiescat in pace” xin Thiên Chúa cho tất cả được an nghỉ.
Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng chọn ngày 1 tháng 11 là ngày Quốc Khánh.
Hằng năm, khi tới ngày này, với tư cách tổng thống, ông Nguyễn Văn Thiệu, người đã tham gia đảo chính, mở tiệc khoản đãi ngoại giao đoàn và quan khách theo thủ tục ngoại giao.
Đức Giáo hoàng Paul VI đón Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thăm Vatican năm 1970. GS Nguyễn Tiến Hưng cho biết ông Thiệu vẫn cầu nguyện cho Tổng thống Diệm mỗi năm dịp 02/11
Nhưng cùng ngày đó, trong ngôi nhà nguyện bé nhỏ tại Dinh Độc Lập, hai vợ chồng ông dự thánh lễ để tưởng niệm và cầu nguyện cho Tổng thống Diệm.
Vị linh mục làm lễ, Cha Khổng Minh Giác hỏi về ý chỉ trong buổi lễ, và ông Thiệu đáp: “Xin cho linh hồn Người sớm được về nơi Diễm Phúc, và xin người cầu cho chúng tôi trong giờ phút nguy khốn này.”
Ông Thiệu an ủi ông Diệm nơi thế giới bên kia – nhưng ông cũng đang cầu nguyện vừa cho ông Ngô Đình Diệm vừa cho chính mình.
Tổng thống Diệm ra đi đã mang theo với ông viễn tượng hòa bình cho Việt Nam. Trong cuốn ‘A Death in November,’ tác giả Ellen Hammer thuật lại lời của Đại sứ Pháp Lalouette nói với Đại sứ Maneli, người môi giới hiệp thương giữa Nam-Bắc:
“Nếu Mỹ lật đổ ông Diệm, cơ hội cuối cùng về hòa bình ở Việt Nam sẽ bị phá hủy. Vì bất cứ ai lên thay ông ta cũng sẽ phải lệ thuộc vào Mỹ. Chỉ mình ông Diệm là người độc lập đủ để may ra có thể vãn hồi được hòa bình.”
Lịch sử miền Nam Việt Nam sau đó diễn ra thế nào thì chúng ta đã biết.
Nguyễn Tiến Hưng
———-
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng, Cựu Tổng trưởng Kế hoạch VNCH từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất bản các cuốn sách Khi Đồng minh Tháo chạy (2005) và Khi Đồng minh Nhảy vào (2016)