Nước chảy đá mòn
Andrew Curry * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch – Chúng ta nhớ Bức Tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 vì đấy là ẩn dụ rất tuyệt vời-những người Đức vui sướng ôm chầm lấy nhau khi toàn bộ chế độ sụp đổ, họ thắp sáng màn đêm bằng bao hân hoan nhẹ nhõm dâng lên trong lòng. Vào ngày 9 tháng Mười Một, thế giới kỷ niệm ngày cáo chung của chủ nghĩa cộng sản và ngày giải phóng hàng triệu người ra khỏi hàng thập niên áp bức.
Ngày nay, mấy ai nhớ đến những năm dài kiên trì nỗ lực của các nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động từ Warszawa đến Budapest mà đã mở đường cho cái đêm rất quan trọng ấy. Ngay ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức (CHDCĐ)-thường được gọi là Đông Đức-sự cáo chung bắt đầu diễn ra không phải ở thủ đô Berlin bị chia cắt mà ở những thành phố ít nổi tiếng hơn như Leipzig, Dresden, và Plauen. Trong hai mươi năm đầy sóng gió kể từ khi cáo chung của chủ nghĩa cộng sản ở Đức và Đông Âu, sự tập trung vào những hình ảnh của cái đêm duy nhất hôm ấy khiến ta khó lòng nhận thức rằng thật ra biết bao nhiêu công việc cần phải làm để cho phong trào dân chủ thành công.
Hơn ở hầu hết bất kỳ nước nào khác trong khối cộng sản, ở Đông Đức những sự kiện trở thành đồng nghĩa với sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản là thành quả của phong trào phản kháng bắt đầu từ nhiều năm trước với không hy vọng lật đổ chế độ. Không có biểu tượng hay chiến lược lớn lao gì. Tham vọng lớn nhất của phong trào là buộc Đông Đức-mà đã trở thành một trong những chế độ nòng cốt trung kiên nhất của khối cộng sản sau khi thành lập vào năm 1949 ở khu vực Đức bị Liên Xô chiếm đóng-phải thực hiện đúng theo lý tưởng của chính họ. Không ai dám mơ tưởng đến lật đổ Đảng Cộng Sản, chứ đừng nói đến chuyện thống nhất nước Đức.
Nếu như ta phải chỉ ra chính xác một nguyên nhân đã gây ra những kẽ rạn nứt đầu tiên ở bức tường, thì đấy có thể là hỏa tiễn Pershing II của Mỹ. Khi vào năm 1978 NATO tuyên bố kế hoạch triển khai hỏa tiễn hạt nhân tầm trung ở Châu Âu nhằm đáp lại việc Liên Xô tăng cường vũ khí hạt nhân, các nhà hoạt động ở cả hai bên của quốc gia bị chia cắt này đều phản đối ý tưởng đặt vũ khí hạt nhân trên đất Đức. Trong khi hàng trăm ngàn người ở phía Tây ký kiến nghị và biểu tình thì chế độ cộng sản ở phía Đông lại xử dụng các cuộc biểu tình cho mục đích tuyên truyền và họ vui khi thấy nhân dân đồng thời cũng qua đó biểu tình chống Mỹ.
Nhưng khi phong trào hòa bình ở Cộng Hòa Dân Chủ Đức dâng cao, phong trào bắt đầu hỏi những câu hỏi khó trả lời về tình hình trong nước. Các nhà thờ Tin Lành được hoạt động chính thức mặc dù không được liên lạc với các nhà thờ Tin Lành ở phía Tây và thường xuyên bị nhà cầm quyền theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên, nhà thờ trở thành không gian an toàn cho phong trào hòa bình, và nhiều mục sư tổ chức các lễ cầu nguyện cho hòa bình và các cuộc biểu tình chống lại sự quân sự hóa, lớp học quân sự ở các trường tiểu học, và cưỡng bức quân dịch.
Vào năm 1982, Rainer Eppelmann- một mục sư nổi tiếng vì tổ chức những cuộc trình diễn nhạc Jazz cho các thanh niên bất mãn ở nhà thờ ông trong khu lao động ở Đông Berlin- cùng viết chung lời kêu gọi giải trừ quân bị mà được phân phát bất hợp pháp ở Đông Đức và được trao cho các phóng viên Phương Tây. “Lời kêu gọi Berlin” khiến ông trở thành kẻ thù của mật vụ đáng sợ của Đông Đức tên Stasi. (Sau khi bức tường sụp đổ, hồ sơ về Eppelmann của Stasi tiết lộ trong suốt nhiều năm trời ông là mục tiêu nghe lén, giám sát, và chiến dịch tin đồn nhắm phá hoại cuộc hôn nhân và chức mục sư của ông. Thậm chí cả kế hoạch ngấm ngầm dự định “trừ khử” ông bằng tai nạn giao thông ngụy tạo.)
“Chính quyền nói với chúng tôi hỏa tiễn Pershing và hỏa tiễn hành trình là công cụ của quỷ, nhưng hỏa tiễn liên lục địa SS13 của Liên Xô lại là những cánh chim bồ câu hòa bình,” Eppelmann nói, “Đây là cơ hội cho chúng tôi, những người dân ở CHDCĐ, đứng lên bày tỏ ý kiến về đường lối chính trị của CHDCĐ và cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.” Những người phản kháng vì hòa bình đã làm đảo lộn mọi tuyên truyền của chế độ. “Lưỡi kiếm thành lưỡi cày”- chủ đề của tác phẩm điêu khắc của Liên Xô tặng cho Liên Hiệp Quốc-đã trở thành khẩu hiệu. Các thiếu niên may vào áo khoác của họ những miếng vải mang hình ảnh cách điệu về tác phẩm điêu khắc ấy chỉ để thấy mình bị giáo viên và công an đe dọa.
Một khi phong trào hòa bình chuyển sang chỉ trích CHDCĐ, phong trào không còn được hoan nghênh nữa, và các nhà hoạt động thấy mình bị theo dõi và bị trấn áp. Một nơi trú ẩn an toàn là nhà thờ. Khoảng chừng cùng thời gian Eppelmann viết Lời kêu gọi Berlin, Christian Führer và Christoph Wonneberger- hai mục sư trẻ ở Leipzig, thành phố lớn thứ hai ở Đông Đức-bắt đầu tổ chức những buổi lễ cầu nguyện cho hòa bình đều đặn vào mỗi tối thứ Hai ở nhà thờ Thánh Nicholas.
Dưới sự che chở của nhà thờ, những cuộc gặp gỡ vào thứ Hai là diễn đàn cho những ai cảm thấy Đông Đức đã phản bội lý tưởng của nó. “Nhà thờ là một không gian người ta có thể nói ra điều họ suy nghĩ,” Führer nói. “Chúng tôi đã có độc quyền tự do, cả về thể chất lẫn tinh thần.”
Hồi tưởng lại thời ấy, các nhà hoạt động nhớ lại bao hân hoan và sợ hãi lẫn lộn. Ngồi trong văn phòng mình ở viện bảo tàng Diễn đàn Lịch sử Đương thời ở Leipzig, nhà lịch sử bảo tàng Uwe Schwabe-người thả tóc đuôi gà dài thân thiện và nói nhiều-nhớ lại cảm giác như mình đã thay đổi hoàn toàn khi ông bắt đầu tham dự những cuộc họp mặt vào ngày thứ Hai ở nhà thờ Thánh Nicholas vào năm 1984. Ông mới vừa xuất ngũ sau thời gian bị cưỡng bức quân dịch. “Lần đầu tiên ở tuổi 22 tôi thấy những người trẻ nói chuyện chính trị thoải mái.” ông hồi tưởng.
Tự do ấy phải trả giá đắt: đi nhà thờ, chứ đừng nói dự những buổi lễ cầu nguyện, có thể mất việc làm hay không được vào đại học. Dưới áp lực từ nhà cầm quyền, vào giữa thập niên 1980 số người tham dự những buổi lễ cầu nguyện vào thứ Hai rút xuống chỉ còn lại chưa đến 10 người tham dự thường xuyên. Tụ tập lại bên nhau trong nhà thờ lạnh lẽo lâu đời hàng thế kỷ này ở trung tâm thành phố, dưới sự giám sát thường xuyên, họ hầu như không thể nào được coi là phong trào, càng không thể coi họ là mối đe dọa cho chế độ.
“Chẳng phải lúc nào cũng dễ dàng,” Führer nói, môt người mập mạp thấp bé vẫn mặc áo khoác jean xanh mà đã trở thành biểu tượng của ông vào thập niên 1980, khi những cuộc họp mặt vào ngày thứ Hai khiến ông trở thành một trong những nhân vật nổi bật nhất trong phong trào bất đồng chính kiến Đông Đức. “Có lần một người tham dự nói với tôi, ‘Chúng ta không nên bỏ cuộc, vì nếu chúng ta bỏ cuộc thì sẽ chẳng còn bất kỳ hy vọng gì.'”
Dần dần tin đồn lan ra. “Khắp nước Đức đều biết, và mọi người ở Leipzig đều biết những cuộc họp mặt này,” Schwabe nói. “Lợi thế so với Berlin hay Dresden là có điểm cố định này suốt trong nhiều năm trời.” Những cuộc họp mặt vào thứ Hai càng đông thêm. Một trong những nhóm tham dự lớn nhất là những người Đông Đức đã nạp đơn xuất cảnh. Những di dân tràn trề hy vọng này bị rơi vào hoàn cảnh chờ đợi mòn mỏi, đôi khi phải chờ đến hàng bao nhiêu năm trời mới biết họ có có được phép ra đi hay không. Trong thời gian ấy, họ mất việc làm và bị bạn bè và hàng xóm xa lánh, (Nhiều người trong phong trào bất đồng chính kiến quyết tâm ở lại để thay đổi chế độ coi họ cũng như là những kẻ phản quốc cho nên miễn cưỡng đón nhận họ; nhà thờ Thánh Nicholas là một trong vài nơi ở Đông Đức hai nhóm có thể giao thiệp với nhau.)
Những người khác cũng bắt đầu đến: những người bảo vệ môi trường, những người chống quân dịch, những nhà hoạt động dân chủ. Mỗi tuần một nhóm khác nhau tổ chức cuộc họp mặt qua đó nối kết với những người mà sự nghiệp chung duy nhất của họ là sự mong muốn thay đổi. Đến tháng Hai 1988, số người tham dự đã lên đến 600 người. “Có những người nuôi dưỡng nên phong trào,” Führer nói. “Những nhà hoạt động, người người nộp đơn di dân, và những người hiếu kỳ từ khắp mọi nơi- tất cả đều gặp nhau ở những buổi lễ cầu nguyện cho hòa bình.”
Những cuộc gặp mặt ở Leipzig là sao Bắc đẩu trong chòm sao phát triển nhanh chóng của những nhóm công dân ủng hộ cải cách. Những sự kiện bên ngoài biên giới Đông Đức đã mau chóng làm dịu đi sự căng thẳng chính trị trong nước. Mikhail Gorbachev lên nắm quyền vào năm 1985, và chẳng bao lâu sau bắt đầu thực hiện những cải cách mà truyền hy vọng và sức sống cho nhân dân trong khắp khối Xô Viết-và phơi bày sự lãnh đạo cứng ngắc trong nước họ. Dù sao, nếu Liên Xô, vốn từ lâu đã được các đảng cộng sản trên khắp thế giới ca tụng là xã hội mẫu mực, đang nới lỏng, thì tại sao Đông Đức lại không thể làm như thế?
Đồng thời mối quan hệ thân thiện hơn với Phương Tây đã khiến cho các nhà hoạt động Đông Đức dễ thở hơn. (Người đứng đầu nhà nước là Eric Honecker lần đầu tiên thăm viếng chính thức Tây Đức vào năm 1987, và cũng quyết tâm đạt cho được lời mời đến Washington.) Chẳng hạn, Phương Tây mau chóng lên án việc bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến nổi bật. Đến năm 1989, nhân viên Stasi theo dõi gần 200 nhóm công dân riêng biệt mà đòi hỏi các cải cách từ môi trường đến các hạn chế về du lịch.
Đa phần bất ổn là phi chính trị, nhưng bất kỳ sự thách thức nào đối với thực trạng cũng là sự thách thức ngấm ngầm đối với đảng cai trị. Tuy nhiên, tâm trạng dân chúng thay đổi mau chóng. “Người dân bình thường chán lắm rồi,” sử gia Jens Schöne ở Berlin nói. “Họ không muốn chờ 15 năm cho một chiếc xe ô tô, họ không muốn làm việc trong nhà máy; họ muốn có thể đi du lịch mua sắm.” Thực tế là chế độ không bao giờ có thể ngăn chặn thành công các chương trình truyền hình Tây Đức có nghĩa là toàn bộ thế hệ sinh ra sau cuộc trấn áp của Liên Xô ở Praha vào năm 1968 đều ao ước cuộc sống họ thấy được chiếu hằng đêm trên truyền hình trong phòng khách nhà họ.
Vào năm 1987, Schöne nhớ lại, Stasi vội vàng cấm đường ở Đông Berlin khi cuộc trình diễn của David Bowie ở Tây Berlin khiến hàng trăm thiếu niên tức giận vì họ không thể tham dự được liền tập trung lại hô vang, “Dẹp bức tường đi.” Một năm sau, Stasi tung các mật vụ ra để theo dõi Michael Jackson trong khi ca sĩ này đến Tây Berlin trình diễn. Những nhóm địa phương đi trồng cây hay đi dọn rác ở bờ sông đều thấy mình bị công an ngăn chặn và bị Stasi giám sát chặt chẽ.
Cọng rơm cuối cùng xuất hiện vào ngày 7 tháng Năm, 1989 khi cuộc bầu cử thường lệ chọn ra các viên chức đảng địa phương trên khắp Đông Đức bị một mạng lưới lỏng lẻo những tình nguyện viên tố cáo gian lận. Những tình nguyện viên này quan sát cuộc đếm phiếu ở những địa điểm bầu cử địa phương- một quyền được ghi trong hiến pháp Đông Đức nhưng trước đây chưa bao giờ được thực thi một cách có tổ chức- và rồi họ tập trung lại ở các nhà thờ để so sánh kết quả. Những kết quả khác biệt được báo cáo lại trong các bài viết được lưu hành bí mật và được trao cho các phóng viên Phương Tây. “Chúng tôi có thể chứng minh rằng những kẻ cai trị đất nước chúng tôi chính là bọn tội phạm,” Eppelmann giờ đây nói, mà giọng ông vẫn còn cất cao vì phẫn nộ và kinh ngạc. “Họ không bằng lòng với 70 hay 80 phần trăm (số phiếu). Họ cần gần như 100 phần trăm. Thật là quá bệnh hoạn và tội phạm.”
Sau mùa xuân bất an, mùa hè báo trước tình hình có thể theo chiều hướng rất xấu. Vào đầu tháng Sáu, xe tăng và lính Trung Quốc tiến đến gần những người biểu tình tay không ủng hộ dân chủ tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn; hàng trăm người bị sát hại.
Đối với những người Đông Đức lớn tuổi, sự kiện ở Bắc Kinh không có gì ngạc nhiên. Những ai sống qua thời Đệ Nhị Thế Chiến nhớ lại sự tàn ác trong thời kỳ Liên Xô chiếm đóng. Và có những vụ hoàn toàn tương tự. Vào năm 1953, công nhân ở 700 thành phố Đông Đức tuyên bố đối lập với Đảng Xã Hội Chủ Nghĩa Thống Nhất Đức hay SED, đảng mà đồng nghĩa với nhà nước Đông Đức, và yêu cầu thống nhất đất nước. Lính Liên Xô bắn vào người biểu tình, và hơn 100 người bị giết. Từ đấy tất cả các phong trào đối lập trong khối Xô Viết trong những năm về sau đều chịu chung số phận: ” ’53 ở Đức, ’56 ở Hungary, ’68 ở Praha, ’89 ở Trung Quốc- đó là cách cộng sản đối phó với những người chỉ trích,” Führer nói.
Ở Leipzig, vào cuối tháng ấy một cuộc trình diễn nhạc đường phố không chính thức kết thúc với cảnh những người chơi đàn violoncello thuộc đoàn nhạc Leipzig bị tống vào các xe tải công an. “Tưởng như Quốc Xã lại hiện ra ở khắp mọi nơi, và nhiều người rơm rớm nước mắt,” Tobias Hollitzer, cựu nhà hoạt động môi trường bây giờ đứng đầu viện bảo tàng ở Leipzig chuyên về phơi bày sự thật về Stasi, nói. “Cuối cùng nó tác động đến những ai đã hoài nghi về những điều đang diễn ra ở nhà thờ Thánh Nicholas.”
Chưa có tiền lệ chuyển giao quyền lực ôn hòa. Trong suốt lịch sử Đức, các cuộc cách mạng đều đẫm máu. Ngay cả đối với nhà hoạt động hòa bình nhiệt tâm như Führer, người hồi còn thanh niên thay vì đi lính đã ở tù tám tháng, thay đổi chính trị không có bạo lực là điều hầu như hoàn toàn không tưởng: “Không ai ngờ CHDCĐ chấm dứt. Chuyện họ sẽ sẵn sàng từ bỏ quyền lực là điều không thể nào tưởng tượng nổi, và cũng như vậy (phong trào đối lập) giành quyền lực bằng vũ lực là điều không thể nào tưởng tượng nổi.”
Sau vụ Thiên An Môn, nỗi sợ mới thấm vào lòng những người dự lễ cầu nguyện cho hòa bình vào ngày thứ Hai. Egon Krenz, người chẳng bao lâu sẽ thay thế Honecker lên làm lãnh đạo đảng SED, nhiều ngày sau đấy đã thăm viếng Bắc Kinh và khen ngợi cách chính quyền Trung Quốc đã giải cứu chủ nghĩa cộng sản khỏi “những phần tử phản cách mạng.” Ở Leipzig, nỗi sợ hãi về “giải pháp Trung Quốc” ngày càng tăng cao. “Người dân đã thấy hình ảnh ở Bắc Kinh- rõ ràng điều này hoàn toàn chẳng ôn hòa,” Schöne nói.
Nhưng đằng sau hậu trường, bí thư đảng năng động của Liên Xô đã nói rõ ràng với các nhà lãnh đạo đảng trong toàn khối cộng sản là Liên Xô không còn quan tâm đến việc can thiệp vào chính trị trong nước của các nước láng giềng với họ và các nước chư hầu. Bất chấp sự hiện diện của gần một triệu lính Liên Xô ở Đông Đức, thông điệp của Gorbachev là rõ ràng: Các đồng chí hãy tự lo lấy. Ba Lan tổ chức bầu cử tự do vào tháng Sáu dẫn đến sự toàn thắng của Công Đoàn Đoàn Kết đối lập. Hungary nới lỏng những hạn chế về biên giới với Áo và bắt đầu quá trình dân chủ hóa của mình vào mùa xuân.
Lần đầu tiên, người dân Đông Đức muốn di cư có thể tránh phải vượt qua Bức Tường Berlin. Suốt mùa hè, hàng ngàn người Đông Đức bỏ phiếu bằng chân, đào thoát sang Phương Tây theo ngả đường từ Hungary sang Áo. Thêm hàng ngàn người khác vất xe ô tô của họ lại trên đường phố Praha để leo qua hàng rào bao quanh Tòa Đại Sứ Tây Đức, xin tỵ nạn-một kỳ công mà trước đây suốt bao nhiêu năm trời chỉ có rất ít người Đông Đức cố gắng thực hiện. Vào cuối tháng Chín, 4.500 người cắm trại trong khuôn viên tòa đại sứ bất chấp nhiệt độ lên đến hơn 90 độ F.
Tình huống thật là vô cùng bẽ mặt cho giới lãnh đạo ở Đông Berlin- vào ngày trước ngày lễ hội mừng 40 năm ngày thành lập Đông Đức, hàng ngàn người lại thích thà sống như người tỵ nạn còn hơn trở về nước. Nhưng đối với những ai bao năm qua cố gắng thay đổi chế độ từ trong nước, sự biến động này cũng hầu như lớn lao không kém. “Mọi người bất ngờ mất bạn bè. Bác sĩ của ta biến mất qua đêm, hay người bán bánh ở góc đường chợt mất tích,” Schwabe hồi tưởng. “Mọi người phải đối diện với tương lai mà tự hỏi, ‘Phải chăng tôi muốn ở lại để thay đổi mọi sự, hay nên ra đi?'”.
Phản ứng chính thức từ Đông Berlin đối với những người đào thoát là khinh bỉ. “Qua hành vi của mình, họ đã chà đạp lên các giá trị của chúng ta và đoạn tuyệt với xã hội chúng ta. Ta không nên nhỏ giọt lệ nào khóc cho họ,” một xã luận trên tờ Neues Deutschland, tờ báo chính thức của đảng, viết. Phản ứng này càng khiến các công dân bình thường phẫn nộ và họ nhận thức rằng những người lãnh đạo họ hoàn toàn xa rời thực tế. “Thật là nhục nhã,” Schwabe nói. “Những người này là anh chị em chúng tôi, những người thân mà chúng tôi biết đâu không thể gặp lại trong 30 năm.”
Sau kỳ nghỉ hè (vài thứ ở Đức là thiêng liêng bất chấp tình hình chính trị), hàng ngàn người đến nhà thờ Thánh Nicholas vào thứ Hai ngày 4 tháng Chín. Trước các máy quay phim truyền hình Phương Tây đang ở trong thành phố nhân dịp hội chợ thương mại tổ chức hai năm một lần, những người trẻ biểu tình trước nhà thờ giương biểu ngữ đòi tự do du lịch. “Stasi giật biểu ngữ xuống rồi bắt giữ bọn nhóc,” Führer nhớ lại; ngày hôm sau hàng triệu người Đức nhìn thấy cảnh ấy phát trên chương trình tin tức.
Khẩu hiệu mới đi vào từ vựng Đông Đức: “Chúng tôi ở lại đây.” Tuần sau, số người tham dự nhà thờ tăng gấp đôi. Lần này, gần 100 người bị bắt và mật vụ gần như đóng hẳn trung tâm thành phố. Quá trễ: ngọn lửa do đài truyền hình Tây Đức thổi bùng lên bắt đầu lan rộng. Cùng ngày, được khích lệ bởi các buổi lễ cầu nguyện cho hòa bình ở Leipzig, “Những cuộc biểu tình ngày thứ hai” giờ được tổ chức ở các nhà thờ Tin Lành trên khắp Đông Đức. Phong trào mất tám năm hình thành bây giờ càng ngày càng phát triển rất nhanh chóng.
Cuối cùng cùng đường, các viên chức chính quyền đành phải cho phép những người tỵ nạn ở tòa đại sứ ở Praha và Warszawa đáp những chuyến tàu đặc biệt, bị đóng kín mít đi ngang qua Đông Đức để đến Phương Tây-đồng thời họ cũng đóng hoàn toàn biên giới với Tiệp Khắc, Hungary và Ba Lan. Người Đông Đức bây giờ trở thành người tù thật sự trong nước họ.
Vào ngày 3 tháng Mười, tin đồn các chuyến tàu chở đầy người tỵ nạn ở tòa đại sứ trên đường sang Phương Tây sẽ dừng lại ở Dresden lan rộng ra. Hàng ngàn người bất ngờ ùn ùn kéo đến nhà ga để cố gắng lên cho được chuyến tàu mà họ thấy sẽ là chuyến tàu cuối cùng rời khỏi CHDCĐ. “Đóng cửa biên giới giống như đậy nắp lại cái nồi đang sôi,” Hollitzer nói. Các cuộc hỗn chiến thực sự bùng phát giữa công an trang bị dùi cui và súng nước với những người nổi loạn tìm mọi cách lên tàu; hàng chục người bị thương.
Lễ hội mừng 40 năm ngày thành lập nước đã chuẩn bị từ lâu ở Đông Berlin diễn ra bốn ngày sau đấy, vào ngày thứ Bảy. Một cuộc phản biểu tình tự phát lên đến hàng ngàn người tuần hành qua trung tâm thành phố trong lúc cuộc diễu hành chính thức diễn ra. Khi những người biểu tình bước vào khu dân cư ở phía bắc độ hơn cây số, công an và mật vụ Stasi ập đến đánh đập và bắt giữ hàng trăm người. Ở Plauen, một thành phố công nghiệp ảm đạm gần biên giới Tiệp, công an dùng súng đại bác nước để dẹp tan đám đông 10.000 người tập trung ôn hòa ở quảng trường chính.
Trong khoảng năm ngày mùa thu, các nhà lãnh đạo CHDCĐ đã chứng tỏ họ có khả năng làm gì. Sau những sự kiện trong tuần lễ hỗn loạn ấy, những người phản kháng vì hòa bình vào ngày thứ Hai ở nhà thờ Thánh Nicholas càng trở nên đối đầu trực diện với một chế độ càng ngày càng tuyệt vọng. “Ngày thứ Hai là ngày quyết định,” Führer nói. “Hoặc là ‘giải pháp Trung Quốc’ hay – chúng tôi cũng chẳng có thể biết ‘hay’ là cái gì.”
Hollitzer, giám đốc viện bảo tàng về Stasi ở Leipzig, nói bằng chứng lưu trữ cũng là bằng chứng buộc tội. Vào tuần lễ đầu tiên tháng Mười, gần 3.500 người Đông Đức bị bắt khi công an ra sức bỏ tù bất kỳ ai mà họ nghĩ có khả năng tổ chức biểu tình. Các bệnh viện ở Leipzig được ra lệnh phải chuẩn bị thêm nhiều giường bệnh, các trung tâm giam giữ được lập ra ở ngoại ô thành phố để giải quyết những người bị bắt, và lực lượng công an được tăng cường thêm 8.000 người đủ để đối phó thô bạo với 20.000 người biểu tình, Trước đấy vài ngày, những người đồng tổ chức những cuộc biểu tình ngày thứ Hai, Führer và Wonneberger, bị bắt giam và viên chức mật vụ Stasi rất tức giận cảnh cáo họ phải hủy bỏ tất cả mọi thứ, rồi nhanh chóng thả họ ra. “Không ai còn nghi ngờ chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày 9 tháng Mười,” Hollitzer nói. “Họ sẽ dẹp tan.”
Vào lúc 3 giờ chiều ngày thứ Hai, Schwabe đi đến nhà thờ ngang qua một thành phố vắng vẻ đến rợn người. “Tưởng như sự yên lặng trước cơn bão,” ông nói. Lúc 5 giờ chiều, gần 8.000 người chen chúc bên trong nhà thờ Thánh Nicholas. Ba nhà thờ khác ở trung tâm thành phố mở cửa để tiếp nhận những người tràn ra ngoài đường.
“Lúc tôi đi ra ngoài, quảng trường trước nhà thờ đông nghẹt người,” Schwabe hồi tưởng. Công an đã chặn con đường dẫn tới khu chợ xưa của thành phố, cho nên đám đông đi như thác đổ về hướng khác. “Nơi dừng chân kế tiếp là Augustusplatz”-quảng trường mở lớn nhất ở trung tâm Leipzig, nằm giữa nhạc viện và nhà hát opera- “nơi đây cũng kín đầy cả người, đen đặc người là người.”
Cuối cùng, vào tối hôm ấy gần 70.000 người Leipzig, một phần sáu dân số thành phố, đổ xô ra đường biểu tình ôn hòa. Hô vang “Keine Gewalt” (Bất Bạo Động) và những lời hô sẽ trở thành khẩu hiệu biểu tượng của phong trào đối lập, “Wir sind das Volk” (Chúng tôi là Nhân Dân), đám đông cầm nến đi vào con đường vành đai quanh trung tâm thành phố, họ đi ngang qua trụ sở Stasi và qua hàng trăm công an tập trung ở trước nhà ga. “Đây là dấu hiệu hy vọng. Để cầm nến, ta cần cả hai tay-một tay giữ nến, còn tay kia che nến cho khỏi bị thổi tắt,” Führer nói. “Ta không thể nào cầm đá ở tay kia.”
Toàn thành phố bị cuốn hút theo dòng thác người. Xe điện ngừng chạy, những người lái xe ô tô bỏ xe lại ở ngay giữa đường để nhập vào dòng người xuống đường. Sau khi liên tục yêu cầu Đông Berlin cho chỉ thị hành động không được trả lời, công an thu dọn đồ ra về. “Họ sẵn sàng cho tất cả mọi thứ chỉ ngoại trừ nến và lời cầu nguyện,” Führer nói. “Tối hôm ấy, CHDCĐ đã thành nơi khác, không còn là nơi giống như lúc ban sáng.”
Đoạn phim dài 10 phút về cuộc tuần hành, được nhóm làm phim núp trong gác chuông nhà thờ quay lén, từ đấy được đưa lén trở lại Đông Berlin để đưa qua Bức Tường, rồi được chiếu trên đài truyền hình Tây Đức. (Mãi cho tới sau khi hồ sơ Stasi được mở ra thì rất nhiều bức hình về các cuộc biểu tình- dưới góc nhìn của mật vụ- mới được đưa ra ánh sáng.) Chính số người xuống đường ở Leipzig cực kỳ đông đảo đã tước sạch vũ khí của chế độ Đông Đức. “Ngày quyết định ấy chính là ở Leipzig,” Eppelmann nói. “Họ hoàn toàn sẵn sàng trấn áp 30.000 người, nhưng 30.000 người không xuất hiện, mà 70.000 người xuất hiện. Bảy chục ngàn người không biết họ có bình an trở về nhà hay không hay không biết có còn gặp lại được gia đình. Hành động xuống đường của họ là hành động can đảm về đạo đức mà quả thật anh hùng và phi thường.”
Những tuần lễ sau đấy là hỗn loạn đằng sau hậu trường ở Đông Berlin khi đảng cố gắng một cách tuyệt vọng để cứu chính sinh mạng của đảng. Nhiều đảng viên SED theo đường lối cứng rắn bị gạt ra khỏi các chức vụ lãnh đạo với hy vọng biết đâu có thể đạt được thỏa hiệp với phong trào đối lập. Nhưng đập đã vỡ, nước đã tràn bờ. Vào ngày 16 tháng Mười, cuộc diễu hành của 150.000 người tuần hành quanh đường vành đai của Leipzig; tuần sau đó lên 300.000 người, nhân dân trên khắp Đông Đức cùng gia nhập với những đám đông người Leipzig. Vào ngày 4 tháng Mười Một, hơn 400.000 người tràn ngập quảng trường Alexanderplatz ở Đông Berlin.
Sau những cuộc Biểu tình thứ Hai đầy phấn khích thì sự sụp đổ của bức tường kém phần ngoạn mục hơn. Vào ngày 9 tháng Mười Một, ngày sau khi đại hội đảng dự định SED phải đứng lên lại để giành lại quyền kiểm soát, một cuộc họp báo thường lệ được tổ chức để tuyên bố những quyết định mới nhất của đảng. Khi cuộc họp báo gần kết thúc, một nhà báo người Ý hỏi thành viên bộ chính trị Günter Schabowski liệu sẽ có sự thay đổi nào đối với hạn chế du lịch khắc nghiệt của Đông Đức. Schabowski lúng túng đáp rằng theo như ông biết tất cả các hạn chế sẽ được bãi bỏ ngay lập tức. Tuyên bố ngẫu nhiên của ông được truyền hình trực tiếp đã khiến hàng ngàn người kéo đến cổng biên giới của Berlin vào tối ngày 9 tháng Mười Một, nơi lính gác biên phòng lúng túng bị áp lực trước số đông áp đảo phải đứng tránh ra để dân chúng đi qua.
Sau những ngày tháng đối lập đầy thử thách thì sự sụp đổ đến thật bất ngờ sửng sốt. Ngay cả lúc ấy, thống nhất nước Đức vẫn là điều không tưởng. Đối với các nhà bất đồng chính kiến lòng chứa chan biết bao hy vọng khi thấy những người Đông Đức tập hợp lại để ủng hộ sự nghiệp của họ thì sự sụp đổ bức tường thoạt đầu được coi là một trở ngại rất lớn. “Chúng tôi thất vọng,” Schwabe thú nhận. “Chúng tôi tưởng mọi người mà sẽ giúp chúng tôi thay đổi đất nước sẽ ra đi, rồi sẽ không còn lý do để xuống đường.” Tối hôm ấy một người bạn của Eppelmann chạy được vài trăm mét qua khỏi biên giới thì chợt hoàng hốt chạy trở lại Đông Berlin vì sợ toàn bộ cảnh này chỉ là mưu chước của Stasi nhằm tống khứ những kẻ gây rối đi để rồi có thể đóng chặt cửa biên giới lại sau lưng họ.
Tất nhiên, bây giờ chúng ta biết ngày 9 tháng Mười Một chỉ là dấu chấm hết của một kết thúc. Trong vòng một năm, hai nước Đức-bị chia cắt trong gần nửa thế kỷ- đã thống nhất trở lại, và chủ nghĩa cộng sản thành tàn tích. Nhưng do cách chúng ta nhớ về sự sụp đổ của bức tường mà từ đấy đến nay chúng ta cứ cho rằng sự sụp đổ đột ngột của một chế độ mất lòng dân- như ở Serbia, ở Iraq, ở Ukraine, ở Georgia-là đủ để sao chép lại những thành công của năm 1989 và cho rằng những thể chế và thái độ hình thành nên nền tảng xã hội dân sự có thể được tạo ra rất nhanh chóng. Cũng chính vì lý do này, phong trào đối lập nào không thành công ngay thường không nhận được nhiều quan tâm lâu dài.
Nhưng qua trò chuyện với những người đã liều mất tất cả mọi thứ để đi đến nhà thờ Thánh Nicholas từ thứ Hai này đến thứ Hai khác, mà không bao giờ dám mơ tưởng đến đêm nào đấy họ không cần phải đi nữa, thì một điều trở nên rõ ràng: ở những nơi quan trọng- như ở Warszawa, ở Budapest, ở Đông Berlin-thay đổi phải cần thời gian. Sau khi bức tường sụp đổ, Rainer Epplemann trải qua 15 năm là nghị viên còn bây giờ đứng đầu Hội Nghiên Cứu Chế Độ Độc Tài SED được chính quyền tài trợ. Hồi tưởng lại, ông nói các cuộc cách mạng không thể và không nên vội vàng. ” Không có thủ tướng Tây Đức nào, không có tổng thống Mỹ nào, không có thủ tướng Anh nào, có thể đưa quân vào Trung Âu để giải phóng nhân dân. Như thế là chiến tranh, “ông nói. “Điều đã xảy ra chính là tự giải phóng. Nước mềm làm vỡ tan đá cứng nhất.”
Dịch từ tạp chí Wilson Quarterly số mùa thu năm 2009. Tựa đề nguyên tác tiếng Anh “Before the Fall”. Tựa đề tiếng Việt của người dịch