Đúng một tháng sau khi Tổng cục Thống kê của chính phủ Việt Nam “hồ hởi, phấn khởi” loan báo, tăng trưởng GDP của quý ba tăng 7,46%, giúp GDP trong chín tháng đầu năm nay tăng 6.41% so với cùng kỳ năm ngoái, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê hoan hỉ khẳng định, kinh tế đang… “khởi sắc”, có nhiều… “điểm sáng”, tạo ra những “kết quả ấn tượng”…, lúc tham dự kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa 14 (đã khai mạc hôm 23 tháng 10 và dự trù sẽ kéo dài đến 25 tháng 11), nhiều viên chức hữu trách thú thật, Việt Nam đang trên miệng vực! Ngày 24 tháng 10, khi thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách năm nay tại Tổ Đại biểu Quốc hội của mình, ông Đinh Tiến Dũng – một Đại biểu Quốc hội đang đảm nhận vai trò Bộ trưởng Tài chính – cho biết, các thống kê chỉ công bố số doanh nghiệp mới thành lập, trong thực tế, cứ có thêm bốn doanh nghiệp mới thì có ba doanh nghiệp đã thành lập trước đó ngưng hoạt động, xin giải thể hoặc phá sản. Ông Dũng than là các doanh nghiệp tại Việt Nam đang thiếu tới 73.900 tỉ tiền thuế, trong số này có tới 28.221 tỉ thuộc loại không có khả năng truy thu thành ra ông mong Quốc hội xóa khối nợ khó đòi ấy cho Bộ Tài chính đỡ nhức đầu. Cũng ngày 24 tháng 10, tại cuộc thảo luận với một Tổ Đại biểu Quốc hội khác, ông Hồ Đức Phớc – Tổng Kiểm toán Nhà nước – bảo rằng, kinh tế Việt Nam đang “tiềm ẩn nhiều rủi ro” vì “sức mạnh nội sinh” yếu (tăng trưởng GDP trong quý 3 có đột biến là nhờ đầu tư của Samsung và… Formosa), nợ xấu (nợ có khả năng mất cả vốn lẫn lãi) cao, nợ nần (cả ngoại quốc lẫn trong nước) cũng như các khoản phải trả do nợ đến hạn thanh toán tiếp tục tăng (mỗi năm phải dành 98.000 tỉ trả nợ gốc và lãi, đồng thời phải vay 160.000 tỉ để đảo nợ – dùng nợ mới trả nợ cũ) bởi ngân sách liên tục thất thu.Giống như nhiều viên chức lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam, ông Vương Đình Huệ – một trong các Phó Thủ tướng – vẫn tỏ ra hết sức lạc quan. Khi tham gia thảo luận tại Tổ Đại biểu Quốc hội của mình, ông Huệ thừa nhận không thể trông vào dầu thô để “cân đối ngân sách” vì giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục giảm, chi phí khai thác cao hơn do cả trữ lượng lẫn chất lượng dầu thô cùng giảm, khai trường xa hơn… nhưng ông Huệ tin rằng vẫn có thể đạt “chỉ tiêu tăng trưởng” nhờ khoản thu từ việc… bán các doanh nghiệp nhà nước! Ông Huệ và nhiều ông khác không bận tâm như ông Phớc: Bán hết rồi thì nhiệm kỳ sau lấy gì để chi tiêu (?)! *** Cho đến giờ, điều duy nhất khiến các viên chức lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam bận tâm chỉ là làm sao tạo ra những “dấu ấn” trong “nhiệm kỳ” của mình. Đó là nguyên nhân dẫn tới việc xiển dương các ý tưởng kiểu như “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, hút toàn bộ nguồn lực quốc gia bơm cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhằm biến khối doanh nghiệp này trở thành “anh cả” của nền kinh tế. Đó cũng là nguyên nhân hình thành các “chủ trương, giải pháp” bất kể hậu họa, miễn là trước mắt giúp tỉ lệ tăng trưởng trên giấy, “vị thế” trở thành “điểm sáng”, tạo ra “ấn tượng” tốt đẹp về sự “tài tình, sáng suốt”. Cho dù hơn hẳn ông Huệ về viễn kiến và ý thức trách nhiệm nhưng ông Phớc cũng chỉ mới nhìn đến “nhiệm kỳ sau”. Không ai bận tâm đến vận mệnh quốc gia, tương lai lâu dài của cả dân tộc khi nợ nần ngập đầu, doanh giới teo tóp cả về số lượng lẫn qui mô, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào đầu tư trực tiếp của ngoại quốc, thất nghiệp tràn lan. Đó cũng là lý do vừa qua, giới lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ không nhận trách nhiệm về 12 dự án của ngành Công Thương (sau khi ngốn của quốc gia khoảng 64.000 tỉ, không những không sinh lợi mà còn tạo ra khoản nợ khoảng 47.000 tỉ) và sắp tới, chắc chắn cũng sẽ không có bất kỳ cá nhân nào trong giới lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhận trách nhiệm khi con số dự án yếu kém, thua lỗ vừa được thông báo là đã lên tới 40! Bao nhiêu “nhiệm kỳ” nữa thì Việt Nam trở thành một Venezuela ở châu Á? Dưới sự dẫn dắt của Hugo Chávez, Venezuela trở thành quốc gia đi tiên phong trong việc phát triển “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” ở Nam Mỹ. Sau 14 năm dựa vào dầu thô, vay mượn để đầu tư cho những dự án vô bổ, thiếu căn cơ, băm bổ lao theo quốc hữu hóa, kinh tế Venezuela sụp đổ khi giá dầu trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm, không còn khả năng trả nợ. Ba năm nay Venezuela luôn luôn dẫn đầu thế giới về lạm phát, dân chúng Venezuela chết dần, chết mòn vì thiếu thực phẩm, thuốc men. Riêng năm 2016, có 11.000 trẻ sơ sinh uổng mạng vì thiếu thuốc và suy dinh dưỡng. Kết quả một cuộc khảo sát khác cho biết, ¾ người lớn xác nhận trọng lượng của họ giảm 9 ký/năm. Cướp bóc xảy ra khắp nơi nhưng Nicolás Maduro – người được Hugo Chávez chỉ định làm người kế nhiệm để tiếp tục phát triển “chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” tại Nam Mỹ – chỉ quan tâm tới việc đàn áp đối lập để duy trì sự lãnh đạo “toàn diện, tuyệt đối” của mình.