Đọc báo Pháp – 26/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 26/10/2017

Đại Hội 19 : Trung Quốc tự khẳng định vị thế cường quốc

Đức Tâm

Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 đã bế mạc ngày 23/10/2017, nhưng các báo Pháp vẫn có nhiều bài bình luận, phân tích. Trong bài xã luận mang tựa đề « Sức mạnh thầm lặng của Bác Tập », báo Le Monde giải mã sự kiện này : Trung Quốc muốn khẳng định sức mạnh, trọng lượng của mình trên thế giới.

Theo tờ báo, sự hoành tráng và lễ nghi lỗi thời phù phiếm của đại hội này có ý nghĩa của nó. Việc ông Tập Cận Bình tiếp tục làm nhiệm kỳ thứ hai và tư tưởng của ông được đưa vào Điều Lệ Đảng cũng vậy. Thế nhưng, để hiểu được những sự kiện này thì cần phải vượt qua cái nhìn thông thường của phương Tây, coi đó chỉ là những điều kỳ thú vô bổ.

Trước tiên, trong cái nghi lễ cứng nhắc và hơi lỗi thời một chút, Đại Hội 19 đánh dấu một thời điểm : đó là Trung Quốc tự khẳng định mình là một cường quốc lớn của thời đại, ngang hàng với phương Tây. Trung Quốc không chỉ là một người khổng lồ về kinh tế, mà còn cả về chiến lược và tư tưởng. Đó là điều cần hiểu trong chuỗi diễn văn tràng giang đại hải ở đại hội này.

Kết thúc nhiệm kỳ thứ nhất, Tập Cận Bình, năm nay 64 tuổi, muốn là hiện thân của hiện tượng chủ chốt trong thế kỷ 21 : đó là nước Trung Hoa mới. Ông ta sẽ là người thực hiện sự « phục sinh một nước Trung Hoa », một nước Trung Quốc quay trở lại vị trí vốn có của nó – đế chế ở trung tâm và chấm dứt một thế kỷ bị làm nhục, từ thời chiến tranh thuốc phiện đến lúc thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.

Chính vì thế, đối với Tập Cận Bình, cần chấm dứt thái độ e dè, thận trọng trên sân khấu chính trị quốc tế. Nước Trung Hoa của Tập Cận Bình tràn trề sự tự tin vì sức mạnh kinh tế và công nghệ và đề ra mục tiêu là trong vòng 20 năm tới, sẽ cạnh tranh được với phương Tây trong 5 hoặc 6 lĩnh vực, như thông minh nhân tạo, người máy, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học…

Trong thời đại mới của Tập Cận Bình, Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế và tài chính để phục vụ cho chiến lược bành trướng mà một trong những dự án chính là Con Đường Tơ Lụa Mới. Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng thông qua mạng lưới dự án đầu tư vào hạ tầng cơ sở ở vùng Âu-Á, trên biển và đặc biệt là ở Ấn Độ Dương.

Đồng thời, Tập Cận Bình còn tiến hành thường trực một cuộc chiến tranh về tư tưởng chống lại những « ảnh hưởng độc hại của phương Tây », đề ra mô hình Trung Quốc cho các nước ở châu Á và châu Phi noi theo. Có thể nói, với Đại Hội 19, Bắc Kinh muốn cạnh tranh với phương Tây trong lĩnh vực tư tưởng.

Trong toàn cảnh bức tranh Trung Quốc, còn có nhiều điểm đen, thậm chí rất đen và đó là những điểm yếu của Trung Quốc. Tuy nhiên, Le Mond kết luận, điều mà Đại Hội 19 cho thấy rõ, đó là sức nặng của Trung Quốc trên thế giới.

Mô hình của Tập

Cũng về Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, báo Le Monde có bài bình luận của nhà báo Sylvie Kauffmann về « Mô hình Tập Cận Bình ».

Trong Đại Hội, qua các diễn văn chính thức, thì đối với ông Tập Cận Bình, giấc mơ đã đổi bên : không còn « giấc mơ Mỹ » nữa mà giờ đây là « giấc mơ Trung Hoa ». Thừa thắng sốc tới, Tập Cận Bình chỉ thừa nhận hai tiền bối có tầm cỡ như ông, đó là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Khẩu hiệu của ông, xây dựng « chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc » được đưa lên hàng tư tưởng. Một mình thâu tóm mọi quyền lực, Tập Cận Bình hứa hẹn với 1,4 tỷ đồng bào của mình là sẽ đưa Trung Quốc phát triển theo giai đoạn : từ nay đến 2035, Trung Quốc hoàn tất quá trình hiện đại hóa và đến năm 2049, nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, đất nước này sẽ trở thành cường quốc lãnh đạo toàn cầu, có quân đội đứng đầu thế giới.

Với Đại Hội 19, Bắc Kinh chính thức khẳng định tham vọng coi mô hình « chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Hoa » là mô hình thay thế và có thể xuất khẩu được. Nhưng cho dù Trung Quốc đi vào « thời kỳ mới », mô hình tập trung quyền lực trong tay một người và đảng của ông ta, không phải là mới, thậm chí là quen thuộc. Và mô hình này có tên gọi là độc tài. Nhà báo Sylvie Kauffmann mỉa mai, sự thành công của mô hình độc tài này phải chăng mới thực sự là một phát minh.

Ngoài xã luận và bình luận về Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Tập Cận Bình, Le Monde còn có bài nói về những nhân vật được cho là thân cận với Tập Cận Bình vừa được bổ nhiệm vào Thường Vụ Bộ Chính Trị : « Tập Cận Bình bố trí các nhân vật trung thành để có được quyền lực tuyệt đối ». Theo tờ báo, tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc đã không bổ nhiệm một người nào có khả năng kế nhiệm ông, vào Thường Vụ Bộ Chính Trị.

Theo cùng hướng này, Le Figaro chạy tựa : « Tập Cận Bình và ý định nắm giữ quyền lực trọn đời ». Còn Les Echos thì ghi nhận : « Tập Cận Bình cực mạnh và không có người kế vị ».

Ba « bảo mẫu » tại « vườn trẻ Nhà Trắng »

Nhìn sang nước Mỹ, báo Liberation có bài phân tích : « Ba người và một con ngựa ở Nhà Trắng ». Theo đúng truyền thống hay chơi chữ, Liberation chạy tựa này dựa theo một số phim hài hước của Pháp và chữ « bourrin » trong tiếng Pháp, ngoài nghĩa đen, thân mật là con ngựa, còn có nhiều nghĩa bóng, ám chỉ người thiếu tế nhị, kém tinh tế, chỉ biết sử dụng cơ bắp…

Ba người mà Liberation nói đến là bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, ngoại trưởng Rex Tillerson và tổng thư ký Nhà Trắng John Kelly, được coi là ba trụ cột của chính quyền. Cả ba nhân vật này dường như ngày càng không hợp với tổng thống. Chỉ vì nghĩ đến trách nhiệm và nghĩa vụ mà họ chưa từ chức. Trong khi đó, một số chính trị gia khác trong đảng Cộng Hòa bắt đầu công khai lên tiếng chỉ trích tổng thống Donald Trump.

Trong tuần trước, thượng nghị sĩ Tennessee Bob Corker đã lên tiếng ca ngợi của họ trong vai trò « bảo mẫu » tại « nhà trông người lớn » và những nỗ lực phi thường trong việc kìm hãm Donald Trump. Bộ ba này là thành lũy cuối cùng bảo vệ, tránh cho đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn, bởi vì sự bất tài và những hậu quả mà tổng thống Trump gây ra có thể dẫn đến đệ tam thế chiến. Thượng nghị sĩ Corker nhấn mạnh, do vậy, ba nhân vật nói trên không được từ chức.

Trang nhất các báo

Trang nhất các báo Pháp quan tâm đến nhiều chủ đề khác nhau. Le Monde chạy hàng tựa « Trung Quốc : Tập Cận Bình khóa chặt quyền lực ». Tờ Le Figaro, ngoài thời sự Trung Quốc, chú ý đến cuộc chiến chống khủng bố : Các cơ quan chống khủng bố đấu tranh chống hiện tượng cực đoan hóa Hồi Giáo ra sao.

Báo Liberation thiên tả chú ý đến thời sự xã hội Pháp với hàng tựa : « Đóng góp xã hội, các cụ già thuộc thế hệ babyboom hãy nỗ lực một chút ». Bởi vì hôm qua, các dân biểu Pháp đã thông qua việc tăng 1,7% mức đóng góp xã hội phổ cập (CSG) đối với những người về hưu, qua đó, giúp giảm đóng góp xã hội của những người đang làm việc.

Trong khi đó, Les Echos cho biết : « Các lựa chọn của Merkel về khí hậu bị phản đối ». Tại thượng đỉnh G20 vừa qua, thủ tướng Đức Angela Merkel coi đấu tranh chống phát thải khí CO2 là ưu tiên, thì nước Đức, dưới sự lãnh đạo của bà, lại có thể không thực hiện được mục tiêu đề ra là giảm phát thải tới 40% khối lượng CO2 trong giai đoạn 1990-2020. Vấn đề khí hậu trở thành một trong những điều kiện để đảng Xanh tham gia liên minh cầm quyền tại Đức.

Riêng tờ La Croix quan tâm đến thời sự Syria với hàng tựa : « Raqqa, nỗi kinh hoàng của những người sống sót », với các nhân chứng kể lại nỗi thống khổ của họ trong ba năm sống dưới sự kiểm soát của tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo.

Solex sống lại nhờ động cơ điện

Để kết thúc nhẹ nhàng mục điểm báo, xin gửi tới quý vị hai thông tin đáng chú ý tại Pháp, báo kinh tế Les Echos cho biết « Mác Solex huyền thoại sống lại nhờ vào động cơ điện ».

Solex vốn một thời rất quen thuộc với người Việt Nam, với chiếc xe máy có gắn động cơ ở phía trước. Từ năm 1946 đến nay, hãng đã bán ra hơn 7 triệu xe. Năm 2013, công ty Easybike đã mua lại Solex. Vừa qua, hãng này đã xây dựng một nhà máy mới ở Saint-Lô, vùng Normandie, phía tây bắc Pháp, để chế tạo xe đạp có động cơ điện trợ lực.

Gan ngỗng béo năm nay sẽ ít hơn

Thông tin thứ hai là nếu quý vị ưa thích gan ngỗng béo, món ăn không thể thiếu của dân Pháp trong dịp Giáng Sinh thì cứ yên tâm, báo Le Figaro trấn an. « Liệu sẽ có gan ngỗng béo vào Noel hay không ? Có, nhưng ít và đắt hơn ».

Theo tờ báo, 79% dân Pháp ăn gan ngỗng béo, hay nói đúng hơn là gan ngỗng và vịt béo, trong dịp lễ Giáng Sinh. Thế nhưng, năm nay, khả năng cung ứng trên thị trường Pháp tụt giảm tới 44%, chỉ còn khoảng 10 750 tấn. Sự khan hiếm này, một phần là do dịch cúm gia cầm đã tàn phá đàn gia cầm Pháp trong các năm 2015 và 2016. Đàn gia cầm Pháp, từ 37 triệu con vịt trong năm 2015 xuống chỉ còn 23 triệu con trong năm 2017. Bên cạnh đó, một số nước Đông Âu, như Bulgari, Hungary, vốn là nguồn gan ngỗng béo bổ sung, cũng bị tác động bởi dịch cúm gia cầm.

Do vậy, giá gan ngỗng béo sẽ tăng lên khoảng 10% so với năm ngoái, khoảng 4 euro cho 40 gam.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171026-dai-hoi-19-trung-quoc-tu-khang-dinh-vi-the-cuong-quoc

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Nổ nhà máy pháo bông tại Indonesia, 46 người chết. Có ít nhất 46 người thiệt mạng và khoảng mấy chục người bị thương trong vụ nổ xảy ra tại một nhà máy làm pháo bông ở ngoại ô Jakarta hôm nay 26/10/2017. Xác các nạn nhân bị biến dạng hoàn toàn, không thể nhận diện.

(AFP) – Chính quyền Hồng Kông bị tố cáo muốn tẩy não học sinh theo lệnh Trung Quốc.Chính quyền Hồng Kông hôm nay 26/10/2017 bị cáo buộc muốn « tẩy não » học sinh, sau khi gởi đến các trường những tài liệu về cuộc hội thảo liên quan đến Luật cơ bản (tức Hiến pháp) của Hồng Kông, yêu cầu phổ biến. Trong đó có bài diễn văn dài đến 50 phút của một quan chức cao cấp Trung Quốc, nói về « vai trò và nhiệm vụ của Hồng Kông » đối với Hoa lục.

(Yonhap) – Hàn Quốc đề nghị Bắc Triều Tiên cho vào khu công nghiệp Kaesong. Bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyon hôm nay 26/10/2017 đề nghị Bình Nhưỡng cho các doanh nhân Hàn Quốc được vào khu công nghiệp Kaesong hiện đã bị đóng cửa để xem xét số tài sản của họ, và bảo đảm an toàn cho các doanh nhân này.

(AFP) – Thủ tướng Irak thăm Iran. Thủ tướng Irak, Haider Al Abadi hôm nay 26/10/2017 khởi đầu chuyến viếng thăm Teheran, nhằm củng cố quan hệ song phương. Ông Abadi được tổng thống Iran Hassan Rohani, giáo chủ Ali Khamenei và chủ tịch Quốc Hội Ali Larijani tiếp đón. Iran hỗ trợ Irak trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, và cùng phản đối việc tổ chức trưng cầu dân ý về quyền tự trị của Kurdistan.

(AFP) – Tăng cường an ninh trên các chuyến bay vào Mỹ. Kể từ ngày 26/10/2017 hành khách sang Mỹ phải trình diện tại các sân bay sớm hơn thường lệ. Từ Lufthansa của Đức đến Air France của Pháp hay Emirates … đều thông báo đã được các nhà chức trách Hoa Kỳ yêu cầu “kiểm tra” nghiêm ngặt hơn tại cửa khẩu. Có khả năng, trước khi lên máy bay, hành khách phải trả lời một cuộc phỏng vấn ngắn. Đây là một trong những biện pháp nằm trong chính sách nhập cư mới của chính quyền Trump.

(AFP) – Tổng thống Brazil một lần nữa thoát hiểm. Quốc Hội Brazil ngày 25/10/2017 với 251 phiếu thuận và 233 phiếu chống, hủy quyết định đòi đưa tổng thống Michel Temer ra trước Tối Cao Pháp Viện để trả lời về tội tham nhũng và gây trở ngại cho Tư Pháp trong công cuộc điều tra. Tháng 8/2017, một cuộc biểu quyết tương tự đã diễn ra và ông Temer đã giữ được chiếc ghế tổng thống trong đường tơ kẽ tóc.

(Reuters) – Tổng thống Đài Loan hy vọng một thời kỳ mới mở ra giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.Phát biểu ngày 26/10/2017 tổng thống Thái Anh Văn kêu gọi đối thoại với Trung Quốc và hy vọng, sau Đại Hội 19 Đảng Cộng Sản Trung Quốc ông Tập Cận Bình được củng cố quyền lực sẽ thiên về đối thoại với Đài Bắc, chấm dứt tâm trạng “lo sợ triền miên, thù nghịch và lo sợ chiến tranh” giữa hai bờ eo biển Đài Loan.

(Reuters) – Lệnh truy bắt cựu thủ tướng Pakistan. Tòa án chống tham nhũng Pakistan ngày 26/10/2017 ra lệnh bắt cựu thủ tướng Nawaz Sharif. Ông này bị Tối cao pháp viện truất phế hồi tháng 7/2017, không thể đảm nhiệm chức vụ thủ tướng đến hết nhiệm kỳ thứ ba. Cựu thủ tướng Nawaz Sharif đã rời khỏi Pakistan sau vụ Panama Papers tiết lộ ông và gia đình cất giấu nhiều tài sản ở các thiên đường thuế khóa.

(AFP) – Litva chuẩn bị mua tên lửa phòng không của Na Uy. Bộ trưởng Quốc phòng Litva ngày 26/10/2017 thông báo ký một thỏa thuận “lịch sử” cho phép, để Vilnius trang bị hệ thống phòng không của Na Uy. Quyết định trên đây cho thấy Litva ngày càng lo ngại bị Nga xâm lấn. Từ sau khi Matxcơva chiếm bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014, ba nước trong vùng Baltic liên tục tăng cường khả năng phòng vệ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171026-tin-doc-nhanh