Tin khắp nơi – 26/10/2017
Hoa Kỳ giải mật hết hồ sơ vụ ám sát Kennedy
Ngày 26/10/2017, toàn bộ phần còn lại không nhiều của các hồ sơ tìm hiểu vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy (JFK) ngày 22/11/1963 sẽ được giải mật.
Căn cứ theo một luật của Hoa Kỳ năm 1992, thì 25 năm sau đó, toàn bộ các phần còn giữ kín về vụ ám sát phải được giải mật.
Và thứ Năm tuần này, theo giờ Mỹ, là lúc hạn chót đó có hiệu lực và Tổng thống Donald Trump đã quyết định đồng ý để mở nốt hồ sơ về JFK.
Trên thực tế, chừng 88% các hồ sơ đã được công bố, và 11% cũng đã giải mật, trừ một số phần “tế nhị” được xóa bỏ, và chỉ còn 1% còn lưu giữ bí mật.
Vậy chúng ta đã biết điều gì?
Bàn tròn Thứ Năm: Tập tái cử, Trump sắp thăm VN
30/04: Những xui xẻo định mệnh của VNCH
Nam Bắc Hàn và Cuộc chiến Việt Nam
30/04: Những xui xẻo định mệnh của VNCH
Một tuần sau khi Kennedy bị giết, Tổng thống Lyndon B. Johnson ra lệnh lập một ủy ban điều tra vụ việc.
Phúc trình Warren, công bố tháng 9/1964, nói rằng:
Các phát đạn được bắn ra từ cửa sổ tầng sáu ở góc Đông Nam của Kho sách ‘Texas School Book Depository’
Xạ thủ bắn các phát đạn là Lee Harvey Oswald
Không có bằng chứng là Lee Harvey Oswald hay Jack Ruby tham gia một âm mưu nội địa hoặc của nước ngoài
Nhưng sau đó vẫn có các cuộc điều tra khác:
Năm 1968, một hội đồng bốn bác sỹ “ủng hộ các kết luận y tế của Ủy ban Warren”
Năm 1975, Ủy ban Rockefeller “không tìm thấy bằng chứng đáng tin rằng CIA có liên quan”
Năm 1979, Ủy ban về các vụ ám sát của Hạ viện Hoa Kỳ lại ủng hộ kết luận của Ủy ban Warren nhưng nói có “khả năng khá cao là hai tay súng bắn vào Tổng thống Kennedy”.
Năm 1992, Quốc hội thông qua luật nói 5 triệu trang hồ sơ về vụ ám sát phải được chuyển về Kho Tư liệu Quốc gia và rằng tất cả phải được công bố sau 25 năm.
Các thuyết âm mưu và sự nghi ngờ
Vụ ám sát JFK không ngừng tạo ra các thuyết âm mưu và có không ít chỉ trích về cách chính quyền Mỹ hành xử sau khi ông Kennedy bị bắn chết.
Viết trên trang The Guardian ở Anh hôm 26/10/2017, nhà báo Mỹ Philip Shenon, tác giả cuốn “A Cruel and Shocking Act: The Secret History of the Kennedy Assassination” cho rằng đa số người Mỹ tin rằng có vụ “che đậy” từ các cấp cao nhất của chính giới Hoa Kỳ.
Họ tin rằng chính quyền “không nói hết sự thật” về vụ JFK.
Theo BBC News, câu hỏi nếu ông Kennedy không chết thì hướng đi của Chiến tranh Việt Nam và nhiều vấn đề khác của lịch sử Mỹ có thể đã khác hay không, luôn là điều dư luận quan tâm, kể từ ngày ông bị bắn chết tại Dallas.
Vài tuần trước khi ông Kennedy bị ám sát, Tổng thống VNCH, Ngô Đình Diệm, đã bị đảo chí và giết chết tại Sài Gòn hôm 02/11.
BBC sẽ cập nhật tin tức sau khi Hoa Kỳ công bố nốt hàng chục nghìn trang hồ sơ vụ ám sát JFK trong ngày 27/10 giờ Việt Nam.
http://www.bbc.com/vietnamese/41762499
New Zealand muốn tái đàm phán TPP tại Đà Nẵng
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm thứ Năm nói rằng bà sẽ tái đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Việt Nam trong thời gian hai tuần nữa.
Mục đích là nhằm để chính phủ New Zealand có thể ra lệnh cấm người nước ngoài mua nhà tại nước này, hãng tin Reuters đưa tin.
Bàn tròn thứ Năm: Tập tái cử, Trump sắp thăm VN
Dân TQ sẽ khó mua nhà ở New Zealand?
Công dân Việt và giấc mơ căn nhà Mỹ
Số người siêu giàu ở VN tăng nhanh
Bà Ardern chính thức tuyên thệ nhậm chức hôm thứ Năm sau khi đàm phán thành công, thành lập chính phủ liên minh do đảng Lao Động cánh tả dẫn dắt.
Bà nói bà đã bắt đầu khởi động việc áp lệnh cấm. “Cho dù đó là TPP hay bất kỳ thỏa thuận nào khác, cần phải đảm bảo rằng chúng ta có thể cấm người nước ngoài mua các ngôi nhà đã có sẵn tại New Zealand,” bà Ardern nói với các phóng viên tại Wellington.
11 thành viên TPP đặt mục tiêu đạt thỏa thuận trong tháng 11 này tại kỳ họp thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, nhưng tuyên bố của tân lãnh đạo New Zealand khiến khả năng hiện thực hóa mục tiêu này trở nên xa hơn.
Trong thời gian 30/10 đến 1/11, các bên sẽ có vòng đàm phán tiếp theo tại tỉnh Chiba, miền đông Nhật Bản.
New Zealand là quốc gia vốn tích cực thúc đẩy hiệp định tự do thương mại và là một trong các thành viên nhiệt thành của TPP Trừ Một, sau khi Hoa Kỳ rút lui.
Tuy nhiên, nay đảng Lao Động tỏ y quan ngại rằng về việc TPP khiến nước này không thể cấm người nước ngoài mua các căn nhà đã có sẵn.
Những ‘miền đất hứa’ sau Brexit và bầu cử Mỹ
Úc và New Zealand muốn có ‘TPP Trừ Một’
Có châu lục thứ tám mang tên Zealandia?
Theo dự kiến của chính phủ thì người nước ngoài vẫn được mua các căn nhà mới xây hoặc các căn hộ.
Mối quan ngại xuất phát từ thực tế là có rất nhiều người New Zealand không đủ khả năng mua nhà do giá bất động sản đã tăng hơn 50% trên toàn quốc trong thời gian khoảng 10 năm qua. Thậm chí thành phố Auckland giá còn tăng gấp đôi.
New Zealand là thị trường bất động sản được khách hàng Trung Quốc ưa chuộng, Reuters dẫn lời Jane Lu, người đứng đầu trang web chuyên về bất động sản Juwai.com.
Trung Quốc đi đầu trong danh sách nước có nhiều người đầu tư vào thị trường bất động sản ở New Zealand nhất.
Theo một báo New Zealand hồi 2016, chỉ trong ba tháng đầu năm đó, chừng 60% nhà ở tại Auckland được bán cho khách hàng là nhà đầu tư Trung Quốc.
Bên cạnh việc muốn đàm phán lại về TPP, bà Ardern hôm thứ Năm cũng nói cần hạn chế và giảm bớt lượng người nhập cư, hiện từ mức cao kỷ lục trên 70.000 xuống còn tối đa là 30.000 trường hợp.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41758385
Thầy Vương lập thuyết cho ba tổng bí thư TQ
Quê Sơn Đông và từng dạy học tại Thượng Hải, nhà lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Vương Hộ Ninh, vừa vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Biết tiếng Pháp, Anh và từng dự học ở các Đại học Iowa, Michigan và UC Berkeley, Hoa Kỳ nhưng ông Vương, 62 tuổi, hoàn toàn không mến mộ mô hình chính trị Âu Mỹ.
Một tác phẩm của ông được báo chí quốc tế nói đến nhiều là cuốn “Nước Mỹ chống lại nước Mỹ” (Meiguo fandui Meiguo – America Against Amercia), phê phán hệ thống chính trị xã hội Hoa Kỳ.
Bàn tròn Thứ Năm: Tập tái cử, Trump sắp thăm VN
Tập Cận Bình ‘dẫn đầu và ở lại còn lâu’
Tập Cận Bình thành ‘hạt nhân của Đảng’
Tập Cận Bình: ‘TQ đã bước vào thời đại mới’
Nhưng một số bạn cũ tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải cũng nhận xét ông Vương, người từng ký thư phản đối phong trào sinh viên 1989, không bao giờ bày tỏ quan điểm riêng, và ứng xử “như kỳ nhông”, đổi màu khi cần.
Đây cũng là lý do ông lên cao trong bộ máy Đảng và được lòng cả ba đời lãnh đạo Đảng từ đầu thập niên 2000 đến nay.
Đi lên từ lý luận
Học Đại học Sư phạm Thượng Hải, ông Vương Hộ Ninh (sinh năm 1955), đã vào Đảng Cộng sản và làm việc tại các cơ quan ở thành phố duyên hải có tiếp xúc nhiều nhất với Phương Tây, từ thời Dân quốc cho đến thời Khai phóng.
Học ngành Pháp văn, có ngoại ngữ nên ông làm cán bộ Sở Ngoại vụ của thành phố, và tiếp tục làm bằng cấp lên cao.
Năm 1981, ông làm phó Giáo sư, rồi sau lên Giáo sư Đại học Phục Đán và hoạt động mạnh trong khối lý luận, ủng hộ cách cầm quyền tập trung nhưng đồng ý để cấp dưới mở rộng dần dân chủ có kiểm soát.
Các bài lý luận Marxist và chuyên đề về lãnh đạo Đảng thời Khai phóng của ông đã đến được tai Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng, Ngô Bang Quốc ở Thượng Hải.
Không chỉ tập trung vào các vấn đề của Đảng, ông còn viết về chính sách đối ngoại.
Năm 1993, ông xuất bản trên báo trường Phục Đán bài viết về quyền lực mềm (ruan quanli) cho rằng nó phải trở thành một phần văn hóa củng cố “sức mạnh quốc gia” của Trung Quốc đối với bên ngoài.
TQ: ‘Đảng đã phá tan âm mưu soán đoạt’
Lãnh đạo TQ đi lên từ Quý Châu nghèo khó?
5 điều cần biết về hội nghị G20 ở Hamburg
Sang năm 1995, ông được Giang Trạch Dân chọn làm phụ tá và cũng chính ông Giang cử ông vào làm việc ở Văn phòng Nghiên cứu Chính sách thuộc Trung ương Đảng.
Dù biết ngoại ngữ và từng du học ở Phương Tây, ông không phải là nhân vật ủng hộ tự do chính trị.
Vương Hộ Ninh là người đề xuất việc lập ra “vùng lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc ở Đông ÁBáo Hàn Quốc
Điều này khiến ông bị một số bạn học cũ, nay định cư tại Hoa Kỳ, cho là người “sẵn sàng uốn nắn lập trường để phục vụ cho ai đang nắm quyền”.
Năm 2002, ông Vương vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đánh dấu thời kỳ Ban lãnh đạo Trung Quốc cần hệ thống lý luận cải thiện nhanh để quản lý trên 80 triệu đảng viên và đặt ra đường hướng cho quốc gia.
Quả vậy, ông Vương Hộ Ninh là người soạn ra thuyết Ba Đại diện cho TBT Giang Trạch Dân, chủ yếu nhằm mở đường về lý luận để Đảng CSTQ sử dụng tốt hơn giới doanh nghiệp trong sự nghiệp Mở cửa và Hiện đại hóa.
Sau đó, ông cũng là người chấp bút để TBT Hồ Cẩm Đào nêu ra lý luận Phát triển Khoa học, Hài hòa.
Về cơ bản, dù vẫn dùng ngôn từ Marxist truyền thống, ông Vương đặt các vấn đề của Trung Quốc vào bối cảnh “đặc thù Trung Hoa” và vì thế, cần các giải pháp cũng đặc thù như “chính trị tập trung” trong hoàn cảnh “kinh tế tăng trưởng nhanh chóng”.
Ông cũng phân tích mô hình Anh Quốc thời David Cameron, Singapore thời Lý Quang Diệu và các ví dụ Đông Á để đi đến kết luận rằng “tập trung quyền lực” sẽ tốt hơn cho việc tái phân bổ lợi tức xã hội.
Tuy thế, sang thời Tập Cận Bình, khi nhu cầu chính trị về việc nhất thể hóa càng lên cao, ông Vương không gọi đó là mô hình “tập trung quyền lực” (centralised power), mà đổi thấy “thống nhất quyền lực’ (unified power), đưa mọi nhánh về một mối.
Kissinger của Trung Quốc
Nhưng không chỉ lo về lý luận, ông Vương còn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Báo chí nước ngoài gọi ông là “cố vấn chính về đối ngoại” (chief foreign policy adviser) cho Tập Cận Bình và xuất hiện trong các chuyến đi nước ngoài cùng ông Tập mà lần gần nhất đây là Hội nghị G20 ở Hamburg, Đức.
Báo Mỹ còn gọi ông Vương là “Kissinger của Trung Quốc”, hàm ý không chỉ giúp ông Tập về lý luận, ông còn lập ra chiến lược đối ngoại cho Trung Quốc.
Nhưng khác với Henry Kissinger là người ham vui, ông Vương bị chê là “lạnh lùng”, kín tiếng và không bày tỏ thái độ thân thiện với báo chí khi công du nước ngoài.
Trên thực tế, từ năm năm qua, ông Vương đã điều hành các công việc của Bộ Chính trị trong vai trò ở Ban Bí thư và giúp ông Tập lập ra các nét chính của công cuộc cải cách.
Báo Hàn Quốc viết rằng ông Vương là người đề xuất việc lập ra “vùng lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc ở Đông Á, nhằm dùng ảnh hưởng của Trung Quốc để chống lại Hoa Kỳ.
Bên cạnh hai nhân vật khác là Vương Nghị và Dương Khiết Trì, ông Vương Hộ Ninh là nhà chiến lược trong đối phó với Bắc Hàn, theo báo Hàn Quốc.
Nay, cùng sự rời ghế Ban Thường vụ Bộ Chính trị của Lưu Vân Sơn, người từng phụ trách mảng Đông Bắc Á và là lãnh đạo cao nhất cuối cùng của Trung Quốc gặp Kim Jong-un năm 2015, ông Vương Hộ Ninh có thể sẽ điều phối cả đối ngoại trong những hồ sơ chiến lược như vấn đề nguyên tử của Bình Nhưỡng.
http://www.bbc.com/vietnamese/41752169
Lãnh đạo Bắc Hàn và Mỹ chúc mừng ông Tập
Nhà lãnh đạo Bắc Hàn, ông Kim Jong-un, đã gửi một thông điệp cá nhân hiếm hoi chúc mừng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Truyền thông nhà nước tại Bình Nhưỡng nói ông chúc ông Tập đạt thành công to lớn sau khi được Đại hội Đảng Trung Quốc tiếp tục giao phó vị trí lãnh đạo trong thời gian năm năm tới.
Đại hội Đảng TQ và cái nhìn của nước lớn
Thầy Vương lập thuyết cho ba tổng bí thư TQ
Ông Tập công bố dàn lãnh đạo mới của TQ
Đây là lần đầu tiên các tường thuật của Bắc Hàn có đề cập tới ông Tập kể từ hơn sáu tháng qua, dẫu cho trên thực tế Trung Quốc là đồng minh chính của Bắc Hàn.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trước đó vài giờ đồng hồ cũng nói lời chúc mừng ông Tập qua điện thoại về điều mà ông gọi là sự “thành công lớn lao”.
Trong một tin đăng trên Twitter, ông nói hai người cũng đã thảo luận về vấn đề Bắc Hàn.
Ông Trump trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình đã ca tụng ông Tập và nói rằng “người ta có thể gọi ông ấy là vua của Trung Quốc”.
Ông Tập đã củng cố vững chắc quyền lực của mình tại Trung Quốc khi tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ hai mà không có gương mặt nào rõ ràng có thể trở thành người kế nhiệm ông trong kỳ Đại hội Đảng vừa rồi.
Tên tuổi và học thuyết của ông nay đã được ghi vào điều lệ Đảng.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41758377
Phó TT Pence: LHQ không hiệu quả với tiền cứu trợ của Mỹ
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence nói Bộ Ngoại giao sẽ không còn tài trợ cho các nỗ lực cứu trợ “không hiệu quả” của LHQ dành cho “những nhóm tôn giáo và thiểu số bị ngược đãi ở Trung Đông”, thay vào đó bộ sẽ cấp ngân quỹ trực tiếp cho họ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.
Ông Pence công bố động thái này trong bài diễn văn tối 25/10 tại bữa tối với tổ chức có tên Bảo vệ Kitô hữu, vốn hoạt động để “nâng cao nhận thức về nỗi thống khổ của Kitô hữu ở Trung Đông”.
Ông Pence nói: “Chúng tôi sẽ không còn dựa vào Liên Hiệp Quốc để trợ giúp các Kitô hữu và người thiểu số bị bức hại sau các vụ diệt chủng và các hành vi tàn bạo của các nhóm khủng bố. Hoa Kỳ sẽ hợp tác chặt chẽ ngay từ bây giờ với các nhóm có gắn với đức tin và các tổ chức tư nhân để giúp đỡ những người bị bức hại vì đức tin của họ”.
Phó Tổng thống cho biết LHQ đã thất bại trong việc giúp đỡ các nhóm thiểu số tôn giáo, bỏ mặc họ phải “đau khổ và đấu tranh vô ích”.
Ông Pence không nói cụ thể về những quốc gia nào liên quan, thời điểm thay đổi hoặc số tiền đóng góp mà Hoa Kỳ sẽ chuyển khỏi Liên Hợp Quốc.
Ông nói rằng Kitô giáo đang “bị tấn công chưa từng thấy ở những vùng đất cổ xưa nơi tôn giáo này ban đầu đã hình thành, phát triển”, và ông nêu ra các dẫn chiếu cụ thể đến Iraq, Syria, Ai Cập và Li Băng.
Theo Liên Hợp Quốc, họ có 4 cơ quan cứu trợ chính là Chương trình Phát triển (UNDP), Cao ủy về Người tị nạn (UNHCR), Quỹ Nhi đồng (UNICEF) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP).
Số liệu mới nhất từ bốn cơ quan này cho thấy Hoa Kỳ cung cấp tổng cộng khoảng 4,5 tỷ đôla mỗi năm là nhà tài trợ hàng đầu cho tất cả cơ quan, ngoại trừ UNDP.
Chưa có thông tin rõ thêm từ chính quyền của ông Trump, nên không thể biết được các chương trình này sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.
https://www.voatiengviet.com/a/pho-tt-pence-lhq-khong-hieu-qua-voi-tien-cuu-tro-cua-my/4087261.html
TQ muốn tăng tin cậy, hợp tác quốc phòng với Mỹ
Quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là một lực tích cực trong mối quan hệ chung, và Trung Quốc muốn làm sâu sắc thêm sự tin tưởng lẫn nhau và hợp tác, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói hôm 26/10 trước chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Cả hai nước đã làm việc tích cực để cải thiện sự tương tác giữa hai quân đội để tránh bất kỳ những tính toán sai lầm nào trong các khu vực như Biển Đông, nơi cả hai nước thường xuyên có máy bay quân sự và tàu chiến hoạt động.
Nhưng vẫn tồn tại sự nghi ngờ sâu sắc, với việc Bắc Kinh tức giận về những hoạt động mà họ xem là những chuyến bay quân sự và tuần tra hải quân mang tính khiêu khích của Hoa Kỳ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông có tranh chấp, và Trung Quốc cũng ngờ vực về quan hệ quốc phòng hệ mật thiết của Hoa Kỳ với Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và ngày càng tăng với Ấn Độ.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói hồi tuần trước rằng Washington thấy vẫn còn có không gian để mời các nước khác, trong đó có Australia, tham gia vào khuôn khổ hợp tác an ninh Mỹ-Ấn-Nhật, vốn bị Bắc Kinh phản đối lâu nay, coi đó là một nỗ lực của các nền dân chủ nhằm khống chế Trung Quốc.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hàng tháng, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Nhậm Quốc Cường, nói rằng rất vui khi thấy sự phát triển tích cực trong quan hệ quân sự với Hoa Kỳ mà cả hai nhà lãnh đạo hai nước đều coi trọng.
“Nhìn về tương lai, chúng tôi sẵn sàng làm việc với phía Mỹ để tôn trọng lẫn nhau, làm sâu sắc thêm sự tin tưởng lẫn nhau, tập trung vào trao đổi và hợp tác thiết thực, quản lý và kiểm soát một cách hợp lý các tranh chấp, tiếp tục bơm thêm năng lượng tích cực vào việc phát triển quan hệ”, ông Nhậm nói thêm.
Trung Quốc, một đối thủ chiến lược của Hoa Kỳ và Ấn Độ, cũng có tầm quan trọng cực kỳ lớn đối với nỗ lực của ông Trump trong việc đẩy lùi các nỗ lực của Triều Tiên nhằm chế tạo các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bay tới Hoa Kỳ, một vấn đề được tiên liệu sẽ đứng đầu chương trình nghị sự của ông Trump trong chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 8-10/11.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-muon-tang-tin-cay-hop-tac-quoc-phong-voi-my/4087081.html
Rà sát gắt gao người tị nạn vào Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp, tái tục nhận người tị nạn vào Mỹ, nhưng áp đặt những biện pháp rà soát gắt gao hơn đối với công dân từ 11 quốc gia được xác định là đề ra nguy cơ cao với an ninh nước Mỹ.
Các quan chức từ chối nêu tên 11 quốc gia, nhưng cả hai hãng tin Reuters và AFP đều xác định đó là những nước mà công dân vốn đã phải trải qua rà soát an ninh nghiêm ngặt hơn bao gồm Ai Cập, Iran, Iraq, Libya, Mali, Triều Tiên, Somalia, Nam Sudan, Sudan, Syria và Yemen.
Sắc lệnh hôm 24/10 là nỗ lực mới nhất của ông Trump hoàn thành những lời hứa lúc tranh cử là giảm số lượng người tị nạn nhập cư Mỹ.
Hàng ngàn người tị nạn đã vào Mỹ từ tháng 1 năm nay, bất chấp hai sắc lệnh hành pháp của ông Trump tìm cách ngăn chặn chương trình này.
Các vụ kiện đã cản trở việc ban hành lệnh cấm tạm thời. Sau đó, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xác định người tị nạn có thể tiếp tục vào Mỹ miễn là chứng minh được có quan hệ gia đình thân thích tại Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/ra-soat-gat-gao-nguoi-tin-nan-vao-my/4086373.html
Nổ nhà máy pháo hoa Indonesia, 47 người chết
Cảnh sát cho hay hai vụ nổ và hoả hoạn tại một nhà máy pháo hoa ở ngoại ô phía tây thủ đô của Indonesia làm 47 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương hôm 26/10. Số người tử vong dự kiến sẽ còn tăng.
Các nhân chứng cho biết đã có hai vụ nổ, một vụ lúc khoảng 10 giờ sáng, giờ địa phương, và vụ thứ hai khoảng ba tiếng sau. Cả hai vụ đều có thể nghe thấy cách đó nhiều kilomet, theo báo chí.
“Theo danh sách công nhân chúng tôi nhận được, có 103 công nhân. Trong số 103 công nhân này … có 46 người bị thương”, phát ngôn viên cảnh sát Jakarta, Argo Yuwono, nói với một đài truyền hình. “Chúng tôi cũng tìm thấy một số người đã chết. Có 47 thi thể”.
Yuwono cho biết chưa tìm thấy 10 người trong danh sách. Những người này có thể đã chạy khỏi hiện trường với thương tích nhẹ, hoặc có thể đã không làm việc vào thời điểm đó.
Một quan chức tìm kiếm và cứu hộ cho biết có những thi thể vẫn còn ở trong và ông tiên liệu số người chết sẽ còn tăng lên.
Các tiêu chuẩn an toàn công nghiệp ở Indonesia thường kém và việc cưỡng hành các quy định cũng không tốt. Trong năm nay, đã có một loạt vụ cháy lớn, trong đó có vụ thiêu rụi một trong những khu chợ lớn của Jakarta.
https://www.voatiengviet.com/a/no-nha-may-phao-hoa-indonesia-47-nguoi-chet/4087356.html
Triều Tiên:
Chớ coi thường cảnh báo thử hạt nhân trên không
Lời cảnh báo của Ngoại trưởng Triều Tiên về một cuộc thử nghiệm hạt nhân khả dĩ trong bầu khí quyển bên trên Thái Bình Dương nên được xem xét nghiêm túc, một quan chức cao cấp của Triều Tiên nói với đài CNN trong một cuộc phỏng vấn phát sóng ngày 25/10.
“Bộ trưởng Ngoại giao biết rất rõ ý định của lãnh tụ tối cao chúng tôi, vì thế tôi nghĩ quý vị nên cân nhắc lời nói của ông ấy nghiêm túc,” Ri Yong Pil, một nhà ngoại giao cao cấp của Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói với CNN.
Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho tháng trước nói rằng Bình Nhưỡng có thể tính tới việc tiến hành “vụ kích nổ mạnh nhất” một quả bom nghiệt hạch bên trên Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ.
Bộ trưởng Ri đưa ra phát biểu này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh cáo rằng Mỹ sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu nước này đe dọa Mỹ. Triều Tiên đang nỗ lực phát triển phi đạn hạt nhân có khả năng bắn trúng Mỹ.
Giám đốc CIA Mike Pompeo tuần trước nói rằng Triều Tiên có thể chỉ còn vài tháng nữa là đạt được khả năng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.
Theo các chuyên gia, một vụ thử nghiệm trong khí quyển sẽ là cách chứng tỏ khả năng đó. Tất cả các vụ thử hạt nhân trước đó của Triều Tiên đều được thực hiện trong lòng đất.
Ông Trump tuần sau sẽ đi thăm Châu Á và trong thời gian đó ông sẽ nêu bật chiến dịch của ông nhằm gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và phi đạn.
Chiến lược này cho tới giờ vẫn chưa ngăn được Bình Nhưỡng thực hiện các vụ thử hạt nhân tại một cơ sở ngầm và bắn phi đạn đạn đạo vào Thái Bình Dương ngang qua Nhật Bản.
Bất chấp những luận điệu hung hăng và những cảnh báo liên tục của Mỹ rằng tất cả các lựa chọn, kể cả quân sự, đều được đưa ra bàn bạc, song các quan chức Nhà Trắng nói ông Trump đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vụ đối đầu.
Đức tịch thu nhiều súng đạn của nghi can liên hệ tới IS
Cảnh sát Đức tịch thu một lượng lớn súng ống và đạn dược trong các cuộc truy quét tại 4 địa điểm ở thủ đô Berlin có liên hệ tới một người đàn ông Đức 40 tuổi bị tình nghi có liên lạc với các phần tử Hồi giáo cực đoan, theo tin văn phòng công tố Berlin ngày 25/10.
Nghi phạm quốc tịch Đức đã bị bắt, có lai lịch từ Thổ Nhĩ Kỳ. Cảnh sát không tiết lộ danh tính nhưng người này trước đây từng bị buộc tội vì những vi phạm về võ khí, phát ngôn nhân của bên công tố cho biết.
Đức bị các cuộc tấn công của Hồi giáo cực đoan hồi năm 2016 trong đó có cuộc tấn công ở Berlin hồi tháng 12 khi một người Tunisia bắn chết một tài xế xe tải rồi lái chiếc xe đánh cắp đó lao vào chợ Giáng sinh cán chết 11 người nữa.
Cơ quan tình báo nội địa Đức từng cảnh báo nguy cơ sẽ có thêm các cuộc tấn công khác do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện trong bối cảnh số chiến binh về nước từ các vùng chiến tranh như Syria và Iraq ngày càng tăng.
Văn phòng công tố ở Berlin nói cuộc điều tra đã được tiến hành từ mùa hè và nghi can có thể có nguồn gốc Hồi giáo và liên hệ với Hồi giáo cực đoan.
Theo Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/duc-tich-thu-nhieu-sung-dan-cua-nghi-can-lien-he-toi-is-/4086357.html
Tổng thống Đức không hài lòng về mối quan hệ với Nga
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 25/10 nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông không hài lòng về mối quan hệ hiện nay giữa Moscow và Berlin và kêu gọi nỗ lực cải thiện.
Chuyến thăm đầu tiên tới Nga của một Tổng thống Đức kể từ năm 2010 diễn ra trong khi mối quan hệ giữa hai nước vẫn đang căng thẳng vì Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014 và cuộc nổi dậy của thành phần ly khai thân Nga ở phía đông Ukraine, cũng như những cáo buộc của Đức về sự can thiệp của Nga vào nền chính trị của nước này, điều mà Moscow phủ nhận.
“Điều thiết yếu là chúng ta sử dụng cơ hội này trong tư cách Tổng thống để tiếp tục đối thoại nhằm cố gắng cải thiện quan hệ song phương của chúng ta hiện đang ở trạng thái không có gì khiến chúng ta hài lòng,” ông Steinmeier nói với ông Putin lúc bắt đầu cuộc hội đàm.
“Tôi tin chắc rằng chúng ta cần chống lại sự xa cách vốn đã tăng lên giữa hai nước trong những năm gần đây và để làm được điều đó, chúng ta cần tiếp tục đối thoại và cần những nỗ lực lâu dài từ cả hai phía để tìm giải pháp cho các cuộc khủng hoảng.”
Ông Steinmeier, người theo Đảng Dân chủ Xã hội từng làm Bộ trưởng Ngoại giao, lâu nay đã kêu gọi tăng cường giao tiếp với Moscow.
Đảng của ông, sẽ trở thành đảng đối lập sau bốn năm tham gia chính phủ liên minh với phe bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel, muốn dần dần nới nỏng những biện pháp chế tài của EU áp đặt lên Moscow vì vai trò của nước này ở Ukraine.
Ông Steinmeier cũng khởi xướng một sáng kiến giải giới mà ông hy vọng sẽ thúc đẩy Nga và Mỹ tiến hành đàm phán về việc giảm vũ khí thông thường.
Bà Merkel, người đã kháng cự những hành động nhằm giảm bớt chế tài đối với Nga, hiện đang cố gắng hình thành một liên minh ba bên với Đảng Dân chủ Tự do ủng hộ giới doanh nghiệp và Đảng Xanh hoạt động vì môi trường.
Một chính sách mới đối với Nga dường như khó lòng hình thành cho tới khi các cuộc đàm phán liên minh bắt đầu vào cuối tháng 11, nhưng Đảng Xanh nhìn chung ủng hộ lập trường cứng rắn đối với Moscow vì nước này sáp nhập Crimea và ủng hộ chính phủ Syria.
https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-duc-khong-hai-long-ve-moi-quan-he-voi-nga/4086361.html
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tán dương quân đội Philippines
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ngày 25/10 ca ngợi quân đội Philippines tôn trọng nhân quyền trong cuộc chiến kéo dài năm tháng chống lại các phần tử chủ chiến Hồi giáo ở thành phố Marawi.
“Quân đội này phải chiến đấu trong hoàn cảnh như thế, vậy mà không hề có một cáo buộc khả tín nào về nhân quyền chống lại họ,” ông Mattis nói với các phóng viên vào cuối 2 ngày hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại một căn cứ Không quân cũ của Mỹ.
“Không một cáo buộc nào, và khi bạn thấy cuộc chiến đó đẫm máu ra sau, nó thực sự cho thấy quân đội Philippines đặt ra điều kiện nhân quyền giữa cuộc chiến đó như cách mà họ đã làm.”
Ông Mattis đưa ra phát biểu này một ngày sau khi hội đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong cuộc gặp gỡ mà nhà lãnh đạo Ngũ Giác Đài gọi là “rất nồng ấm.” Tổng thống Duterte đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì những vi phạm nhân quyền, đặc biệt liên quan đến chiến dịch chống ma túy.
Hôm thứ Hai, ông Duterte tuyên bố cuộc chiến kéo dài năm tháng giữa quân đội và nhóm phiến quân Hồi giáo Maute đã chấm dứt.
Cuộc chiến đã giết chết ít nhất 700 người và khiến hầu hết cư dân phải tản cư khỏi thành phố Marawi có dân số 200 ngàn người trên đảo Mindanao của Philippines.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-quoc-phong-my-tan-duong-quan-doi-philippines/4086346.html
Uy lực độc tôn của Tập Cận Bình
ở Trung Quốc và tác động đến thế giới
Sau khi Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 bế mạc, giới quan sát hầu như đều nhất trí cho rằng ông Tập Cận Bình đã trở thành một lãnh đạo có uy lực độc tôn tại Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là sự kiện đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến phần còn lại của thế giới ? Nhìn chung, các nhà phân tích đều tỏ ý quan ngại, khi điểm lại quá trình thâu tóm quyền lực của nhân vật lãnh đạo số một của Trung Quốc hiện nay.
Với những quyết định vừa qua tại Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình có thể cầm quyền trong cả chục năm nữa mà không có người giám sát hay cạnh tranh, lại nắm trong tay một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cùng với một quân đội được cho là mạnh nhất từ trước đến nay.
Quyền lực của ông lại được xem là rất ổn định, trong khi lãnh đạo các nước được cho là có thể là đối thủ của ông như tổng thống Mỹ Donald Trump hay thủ tướng Đức Angela Merkel thì vẫn vấp phải đối lập trong nước. Ngay cả tổng thống Nga Vladimir Putin cũng không có được một căn bản ổn định cả về chính trị lẫn kinh tế như lãnh đạo Trung Quốc.
Đối với thế giới, vấn đề tuy nhiên lại là những lập luận mà ông Tập Cận Bình đã khai thác để vươn lên đỉnh cao quyền lực trong thời gian qua. Phát biểu với đài truyền hình Mỹ CNN, ông James McGregor, tác giả một tập biên khảo về chủ nghĩa chuyên chế tại Trung Quốc, đã tóm tắt lập luận của ông Tập Cận Bình trong công thức « Trung Quốc vốn vĩ đại, đã bị ngoại bang hủy hoại, và được Đảng khôi phục ».
Nền tảng lập luận của ông Tập Cận Bình được gói trong khái niệm « Giấc Mơ Trung Hoa ». Thế nhưng, trong một nghiên cứu mới đây, Viện Lowy Institute của Úc đã nhận ra rằng : « Dưới một vỏ bọc vô hại là khẩu hiệu “Giấc mơ Trung Hoa”, việc ông Tập Cận Bình củng cố đảng Cộng Sản ở trong nước và kiên quyết thúc đẩy các yêu sách của Bắc Kinh ở ngoài nước, đang tác động sâu sắc đến Trung Quốc, các láng giềng của Trung Quốc, và đến phần còn lại của thế giới. »
Theo ghi nhận của CNN, ở ngoài nước, dấu ấn của Tập Cận Bình được thấy rõ rệt nhất trong lãnh vực ngoại giao và quân sự, như tại Biển Đông nơi Bắc Kinh tiếp tục bồi đắp và quân sự hóa các thực thể địa lý, bất chấp phán quyết bất đồng tình của một tòa án quốc tế. Bị nhiều nước phản đối, Trung Quốc vẫn thản nhiên và coi như đã thắng thế vì không một nước tranh chấp nào dám thách thức Bắc Kinh về quân sự, trong lúc đối với chính quyền Trump, Biển Đông không còn là một vấn đề lớn nữa.
Báo cáo của Viện Lowy nhận định : « Hơn cả những người tiền nhiệm của ông, Tập Cận Bình đã tìm cách dùng sức mạnh ngoại giao và quân sự của Trung Quốc để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông và Biển Đông… ».
Về quân sự, mới đây, nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân Đội Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh trên quyền lãnh đạo của Đảng và nhu cầu cải cách để « sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải của đất nước ».
Tuy nhiên, theo CNN, cách hành xử của Bắc Kinh trong thời gian qua, đặc biệt là các động thái quân sự và kinh tế hung hăng có thể quật ngược trở lại Trung Quốc, điều mà nhiều cường quốc trước đây đã vấp phải, khi cố xuất khẩu ảnh hưởng ra nước ngoài.
Đối với ông McGregor, dù được hưởng lợi từ chính sách Nước Mỹ Trên Hết của ông Donald Trump, và những khủng hoảng tại châu Âu, nhưng Trung Quốc « hiện không có nhiều bạn bè ». Đối với chuyên gia này, « khi thúc đẩy cho đất nước mạnh lên, Trung Quốc có thể là đã không nghĩ đến tác động của điều đó đối với thế giới, và đối với cách thế giới nhìn nhận Trung Quốc ».
Châu Âu trao giải nhân quyền Sakharov cho đối lập Venezuela
Nghị Viện châu Âu, ngày 26/10/2017, thông báo trao tặng giải thưởng Tự Do Tư Tưởng mang tên học giả Nga, Andreï Sakharov, cho “Quốc Hội” và cho các tù nhân chính trị Venezuela. Đứng đầu trong số này là các ông Leopoldo Lopez và Antonio Ledezma.
Quốc Hội Venezuela do phe đối lập với tổng thống Maduro kiểm soát, nhưng đã bị chính quyền Caracas thay thế bằng Quốc Hội Lập Hiến sau cuộc bầu cử ngày 30/07/2017.
Giải thưởng nhân quyền Sakharov đầu tiên năm 1988 vinh danh nhà đấu tranh Nam Phi, Nelson Mandela. Trong danh sách các khôi nguyên, phải kể đến lãnh đạo Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ, bà Aung San Suu Kyi, đến các nhà đấu tranh cho nhân quyền Trung Quốc như Ngụy Kinh Sinh, hay Hồ Giai, Hiệp Hội Các Phụ Nữ Áo Trắng của Cuba, hay Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới …
Năm ngoái, giải Sakharov của Nghị Viện Châu Âu được trao tặng cho hai phụ nữ Irak bị tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo bắt làm nô lệ.
Giải Sakharov 2017 được trao tặng cho đối lập Venezuela đấu tranh vì dân chủ, vào lúc phe chống đối tổng thống Nicolas Maduro đang bị chia rẽ. Nghị Viện Châu Âu giải thích giải thưởng này nhằm đánh động công luận quốc tế về tình trạng nhân quyền tại Venezuela đang xuống cấp một cách nghiêm trọng. Từ đầu 2017 đã có hơn 120 nhà đối lập Venezuela bị sát hại, hơn 500 người bị tống giam không qua xét xử. Sau bầu cử Quốc Hội Lập Hiến hồi mùa hè vừa qua và bầu cử cấp vùng tuần trước, đảng của tổng thống Maduro nắm trọn quyền lực.
Ngày 13 tháng 12 tới đây, Nghị Viện Châu Âu tổ chức trọng thể lễ trao giải Sakharov 2017, phần thưởng trị giá 50.000 euro.
Tây Ban Nha :
Nghị Viện Catalunya chuẩn bị tuyên bố độc lập
Một ngày lịch sử đối với cả Catalunya và Tây Ban Nha : tối nay (26/10/2017), nghị viện vùng tự trị Catalunya tại Barcelona nhóm họp. Có nhiều khả năng lãnh đạo Puigdemont đơn phương tuyên bố độc lập với Tây Ban Nha.
Cùng lúc, tại Madrid, Thượng Viện Tây Ban Nha thảo luận về tiến trình đình chỉ quy chế tự trị của vùng lãnh thổ giàu có nhất nước này, nơi 16 % dân cư Tây Ban Nha sinh sống. Sau cuộc họp chiều nay, ngày mai trong một phiên họp toàn thể, Thượng Viện Tây Ban Nha sẽ quyết định có trao quyền cho thủ tướng Rajoy giải tán Nghị Viện Catalunya hay không, giành lại quyền kiểm soát an ninh, giáo dục và kể cả các phương tiện truyền thông công cộng của vùng Catalunya hay không.
Theo thông tín viên đài RFI tại Barcelona, Laetitia Farine, nhiều dấu hiệu cho thấy, chủ tịch Nghị Viện Catalunya sau phiên họp tối nay sẽ tuyên bố độc lập :
“Mọi việc được quyết định tối qua, vào quãng 19 giờ. Vào lúc khoảng chừng 700 giáo sư biểu tình phản đối điều luật 155 của bản Hiến Pháp Tây Ban Nha trước trụ sở Nghị Viện, là điện Generalitat, lãnh đạo vùng Catalunya ông Carles Puigdemont triệu tập các thành viên trong gia đình chính trị của mình cũng trong khuôn viên tòa nhà này để tìm ra đồng thuận về việc tuyên bố tách rời khỏi Tây Ban Nha.
Nhiều cố vấn, rồi các đại biểu thuộc thành phần chủ trương ly khai và đại diện của nhiều thành phố lớn trong vùng có mặt trong buổi làm việc tối qua. Cuộc họp kết thúc khoảng 2 giờ sáng nay.
Trên mạng xã hội Instagram, một cách không chính thức Carles Puigdemont thông báo quyết định. Bên cạnh bức ảnh chụp trong buổi làm việc này, là hàng chữ “Đừng để mất thời gian với những người đã quyết tâm hủy hoại quyền tự trị của Catalunya. Hãy cùng nhau tiếp tục”. Kèm theo đó là hashtag #Cộng Hòa Catalunya.
Phiên họp dự trù mở ra tối nay tại Nghị Viện Catalunya có thể sẽ kéo dài đến mai. Cùng lúc Thượng Viện Tây Ban Nha tại Madrid họp bàn về việc đình chỉ quy chế tự trị của Catalunya.
Ngay từ hôm qua, Carles Puigdemont báo trước là ông không đến Thượng Viện hôm nay. Có nhiều khả năng sự vắng mặt đó là vì gần như cùng lúc, ông Puigdemont sẽ tuyên bố độc lập từ trụ sở Nghị Viện Catalunya ở Barcelona”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171026-tay-ban-nha-nghi-vien-catalunya-chuan-bi-tuyen-bo-doc-lap
Mỹ-Ấn thúc đẩy tự do giao thương hàng hải
Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các hoạt động tại Biển Đông, họp báo chung với đồng nhiệm Mỹ ngày 25/10/2017, ngoại trưởng Ấn Độ tuyên bố New Delhi và Washington đồng ý đẩy mạnh tự do giao thương hàng hải trong vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Ấn Độ và Hoa Kỳ cần bảo đảm để hai vùng biển này luôn “tự do, rộng mở và thịnh vượng”. Trong buổi họp báo tại New Delhi hôm qua, ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nhấn mạnh trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, Ấn Độ và Hoa Kỳ sẽ không để “các quyền tự do hàng hải, hàng không và hoạt động thương mại bị cản trở”.
Bà Sushma Swaraj không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng tất cả các nhà bình luận đều cho rằng, tuyên bố trên đây của ngoại trưởng Ấn Độ trực tiếp nhắm vào chính sách bành trướng ở Biển Đông của Bắc Kinh,.
Theo báo kinh tế The Economic Times của Ấn Độ, ngoại trưởng Mỹ-Ấn đồng ý đẩy mạnh hợp tác song phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực an ninh và kinh tế. New Delhi và Washington khởi động tiến trình đàm phán 2+2 giữa ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng hai nước.
Nhật đóng vai trò đầu tàu
Cũng nhằm mục đích bảo vệ quyền tự do hàng hải, giao thương và tăng cường hợp tác quốc phòng, báo chí Tokyo ngày 25/10/2017 tiết lộ, ngoại trưởng Taro Kono đề nghị mở các cuộc họp cấp cao giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản trong lĩnh vực này.
Mục tiêu đề ra là nhằm tăng cường hợp tác trên biển giữa bốn quốc gia, hoạt động trong các khu vực từ Biển Đông đến Ấn Độ Dương. Nỗ lực này theo đánh giá của tờ báo kinh tế Nikkei nhằm làm đối trọng với kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc. Sáng kiến của Tokyo sẽ được thủ tướng Shinzo Abe nêu lên khi tiếp tổng thống Mỹ tại Nhật Bản vào ngày 06/11/2017.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171026-my-an-thuc-day-tu-do-giao-thuong-hang-hai
Bắc Triều Tiên khẳng định
muốn thử bom nguyên tử ở Thái Bình Dương
Tuyên bố của ngoại trưởng Bắc Triều Tiên về khả năng thử nguyên tử trên Thái Bình Dương cần phải được hiểu một cách nghiêm túc. Một nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên khi trả lời phỏng vấn đài CNN hôm 25/10/2017 khẳng định như trên.
Ông Ri Yong Pil nói : « Ngoại trưởng hoàn toàn được thông tin về các ý định của lãnh tụ tối cao, nên tôi nghĩ rằng cần những gì ông nói đều phải được đánh giá một cách đúng đắn ».
Tháng trước ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho nói rằng Bình Nhưỡng muốn tạo ra « vụ nổ mãnh liệt nhất » từ một quả bom nhiệt hạch phía trên Thái Bình Dương. Tuyên bố này được đưa ra sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump, trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã đe dọa « hủy diệt hoàn toàn Bắc Triều Tiên », nếu xâm hại an ninh Hoa Kỳ.
Giám đốc CIA Mike Pompeo, tuần rồi, cảnh báo chỉ còn vài tháng nữa Bắc Triều Tiên có thể đạt được khả năng tấn công vào lãnh thổ nước Mỹ bằng vũ khí nguyên tử.
Các chuyên gia cho rằng, việc thử nghiệm nguyên tử trên không, là cách lô-gic nhất đối với chế độ Bình Nhưỡng để chứng tỏ năng lực của mình. Tất cả các vụ thử bom hạt nhân trước đây của Bắc Triều Tiên đều được tiến hành dưới lòng đất.
Về quan hệ với Trung Quốc, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hôm nay gởi điện chúc mừng « thành công to lớn » của ông Tập Cận Bình. Văn bản vỏn vẹn bốn câu, được gởi đi hôm qua, nhưng đến hôm nay KCNA mới công bố, « bày tỏ niềm tin là quan hệ giữa hai đảng và hai nước sẽ phát triển, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc ».
Lá thư ngắn gọn với lịch sự tối thiểu này tương phản hẳn với bức điện đầy nhiệt tình của Kim Jong Un hồi năm 2012, khi ông Tập vừa được bầu làm tổng bí thư.
Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Trump “khen” Trung Quốc, “chê” Nga
Vài ngày trước vòng công du Châu Á với hai chặng dừng quan trọng tại Bắc Kinh và Seoul, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố : Nếu bang giao Washington và Matxcơva tốt đẹp, hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ đơn giản hơn.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Fox Business Network, ngày 25/10/2017, tổng thống Mỹ nhận định : Trong mục đích giải trừ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, “Trung Quốc tạo thuận lợi cho Mỹ và dường như là Nga đi theo hướng ngược lại, gây trở ngại cho những nỗ lực của Hoa Kỳ”. Tổng thống Trump nói thêm, ông nghĩ là nếu như quan hệ Nga-Mỹ “được tốt đẹp thì hồ sơ Bắc Triều Tiên sẽ dễ được giải quyết hơn”.
Lãnh đạo Nhà Trắng nhắc lại trong thời gian vận động tranh cử tổng thống, ông từng hy vọng cải thiện bang giao với Matxcơva. Căng thẳng giữa trục Washington-Matxcơva kéo dài, sau những cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ ; trong những tuần lễ qua, đôi bên liên tục giảm số lượng nhân viên ngoại giao tại hai nước và Quốc Hội Mỹ ban hành thêm các biện pháp trừng phạt Nga can thiệp vào Ukraina.
Trong khi lên giọng phê phán Nga, tổng thống Hoa Kỳ không quên đề cao vai trò của Trung Quốc. Qua mạng Twitter, Donald Trump cho biết đã gọi điện chúc mừng ông Tập Cận Bình tái đắc cử tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ 5 năm và đôi bên đã thảo luận về Bắc Triều Tiên và chính sách thương mại : “hai hồ sơ quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung” như chính Donald Trump đánh giá.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171026-bac-trieu-tien-thuc-su-muon-thu-bom-nguyen-tu-tren-thai-binh-duong
Nhật đề nghị Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc
hợp tác ngăn chận bá quyền Trung Cộng
Tokyo, Nhật Bản. (Reuters)- Hôm nay 26/10, ngoại trưởng Nhật Taro Kono nói rằng nước này sẽ đề nghị mở cuộc đối thoại quy tụ các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Úc, để thảo luận về việc kế hoạch chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Cộng qua chính sách Một Vành Đai, Một Con Đường.
Một bài báo của tờ Thương mại Nikkei của Nhật hôm nay nói rằng thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đặt vấn đề này với tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh ngày 6 tháng 11 tới. Theo đề nghị này, các nhà lãnh đạo của 4 quốc gia sẽ thúc đẩy sự hợp tác quốc phòng và tự do mậu dịch khắp vùng lãnh thổ và lãnh hải mở rộng đến Đông Nam Á, Trung Á, và xa hơn nữa là Trung Đông, Phi châu.
Trả lời cuộc phỏng vấn của nhật báo Nikkei, ông Kono nói rằng việc duy trì chính sách mậu dịch tự do và mở rộng lãnh hải, an ninh và kinh tế chắc chắn sẽ được đưa lên bàn thảo luận. Ông Kono cũng cho rằng đề nghị trên cũng nhằm mục đích quảng bá nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cao cấp khắp Á châu cho đến Phi châu.
Việc tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng khắp nơi thực hiện sáng kiến Một Vành Đai- Một Con Đường là của chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình. Đây là chiến lược để Trung Cộng nắm giữ vai trò lãnh đạo thế giới, bằng cách xây dựng liên lạc toàn cầu, giao thương tại hơn 60 quốc gia. (Song Châu)
Thị trưởng Tampa ra lệnh cảnh sát
phải bắt cho bằng được “sát thủ hàng loạt”
Tampa, Florida. (Reuters) – Thị Trưởng Bob Buckhorn tập hợp nhân viên Sở Cảnh Sát Tampa ở phía trước tòa thị chính, yêu cầu các nhà chức trách phải đưa kẻ tình nghi ra trước công lý, sau khi 3 người bị bắn chết một cách bí ẩn trong vòng không đầy 2 tuần.
Tại buổi họp báo hôm qua 25/10, Thị Trưởng Bob Buckhorn yêu cầu cảnh sát Tampa phải bắt cho được và mang nghi can về đây cho ông. Trong những ngày qua, cư dân sống trong khu vực Seminole Heights được cảnh báo cần thận trọng khi ra khỏi nhà, không nên đi một mình khi màn đêm buông xuống, và nếu thấy bất cứ điều gì khả nghi phải báo cáo ngay với cảnh sát.
Cảnh sát Tampa vẫn tiếp tục tổ chức những cuộc săn lùng, tìm kiếm tay sát thủ hàng loạt mà họ tin là nghi can bắn chết 3 người trong cuộc phục kích giữa đêm khuya. Cho tới nay, cảnh sát Tampa vẫn chưa biết động lực giết người của sát thủ hàng loạt.
Tiếp lời Thị Trưởng Bob Buckhorn tại buổi họp báo, cảnh sát trưởng Brian Dugan cho biết nhiều phụ huynh chia sẻ nỗi lo với ông, rằng đây là mùa lễ Halloween, tiếp theo là mùa lễ Thanksgiving, và cuối cùng là mùa lễ Giáng Sinh. Không thể cấm bọn trẻ đi chơi vào ban đêm, không thể buộc chúng ở nhà. Ông quyết định từ nay đích thân ông sẽ đi bộ tuần tra mỗi đêm, cho tới khi bắt được sát thủ hàng loạt. Ông nói nếu ai thích đi bộ với ông, có thể cùng tham gia với ông. Ông cũng kêu gọi chủ nhà nếu nhìn thấy điều gì qua camera giám sát, vui lòng cung cấp cho các nhà chức trách để họ có thể sớm tìm ra hung thủ. (Mai Đức)
http://www.sbtn.tv/thi-truong-tampa-ra-lenh-canh-sat-phai-bat-cho-bang-duoc-sat-thu-hang-loat/