Tin Việt Nam – 25/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 25/10/2017

6 năm tù tuyên cho nhà hoạt động Phan kim Khánh

Sáu năm tù giam và 4 năm quản chế là bản án mà Tòa tỉnh Thái Nguyên vào ngày 25 tháng 10 tuyên đối với sinh viên Phan Kim Khánh, nhà hoạt động sử dụng công cụ mạng xã hội để nói lên tình trạng tham nhũng và các vấn đề xã hội khác tại Việt Nam.

Cáo buộc mà cơ quan chức năng Việt Nam đưa ra với sinh viên Phan Kim Khánh là ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho Phan Kim Khánh tại phiên sơ thẩm ngày 25 tháng 10 ở Thái Nguyên, cho hay chỉ có ông Phan Kim Dung, bố của Phan Kim Khánh được tham dự phiên tòa với vai trò người có nghĩa vụ liên quan đến phần dân sự, tài sản của vụ án.

Sau phiên xử, luật sư Hà Huy Sơn nói với Đài Á Châu Tự Do:

“Khánh cũng thừa nhận các hành vi của mình, cho rằng đó là kết quả của quá trình nhận thức và thực tế xã hội. Tôi cũng trình bày các quan điểm thoải mái thôi, nhưng mà tòa người ta không nghe. Tôi cho rằng các chứng cứ kết tội nó không có chứng cứ cho nên cái việc mà kết tội Phan Kim Khánh theo tội ‘Tuyên truyền chống nhà nước’ thì đó là điều rất đáng tiếc, và tôi cũng nêu ra với Hội đồng xét xử những tình tiết cần xem xét. Tuy nhiên cuối cùng người ta vẫn tuyên án như vậy thôi”.

Cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng cùng một số nhà hoạt động khác đến trước tòa án Thái Nguyên vào ngày 25 tháng 10 nhưng không được cho phép vào dự phiên tòa. Bà nhận xét về bản án mà tòa Thái Nguyên tuyên cho sinh viên Phan Kim Khánh:

“Bởi vì trước Phan Kim Khánh thì có rất nhiều bản án nặng nề như chị Trần Thị Nga 9 năm tù, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm. Có lẽ tôi nghĩ rằng tất cả những người lên tiếng đấu tranh đều xác định rất rõ những bản án nặng nề mà phía nhà cầm quyền dành cho họ. Về phía nhân dân và những người quan sát đương nhiên là không ai chấp nhận hài lòng”.

Trong 1 đoạn clip được nhà hoạt động Bùi Hằng đưa lên trang cá nhân vào cùng ngày, bà Đỗ Thị Lập, mẹ của Khánh có mặt trước tòa nói bà tin tưởng tuyệt đối vào những gì con mình làm:
“Phiên tòa con em ngày hôm nay không đúng pháp luật như bố mẹ các anh chị em đến phiên tòa công khai nhưng không được vào tòa….Theo như tôi đây là luật mơ hồ, luật rừng chứ không phải luật của nhà nước, chính phủ từ xưa, hay bác Hồ dạyNếu như tôi được gặp Khánh tôi sẽ nói : “Bố mẹ ủng hộ việc con làm”. Tôi tin tưởng, con tôi yêu nước, yêu chính trị chứ không phải này kia”.

Sinh viên Phan Kim Khánh, sinh năm 1993, nguyên là Chủ tịch Hội sinh viên Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên. Anh bị bắt vào ngày 21/3 năm nay, chỉ vài tháng trước khi hoàn thành chương trình Đại học.

Truyền thông trong nước loan tin, từ tháng 3/2015 Phan Kim Khánh đã lập và quản trị 2 trang blog, 3 tài khoản facebook và 2 kênh YouTube.

Cơ quan công an cho rằng Phan Kim Khánh dùng các trang mạng xã hội để đăng nhiều thông tin mà theo Công An Việt Nam là ‘có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, phần lớn được lấy từ các trang mạng phản động khác”.

Hãng thông tấn AFP loan tin về việc xử án sinh viên Phan Kim Khánh vào ngày 25 tháng 10 cho rằng phiên tòa được tiến hành vào khi chính quyền Việt Nam xiết chặt kiểm soát đối với những tiếng nói chỉ trích trước dịp diễn ra hội nghị thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11 tới đây ở Đà Nẵng.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) hôm 24/10 cũng ra tuyên bố đòi chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho sinh viên Phan Kim Khánh, và kêu gọi các nhà tài trợ cho  Việt Nam và các lãnh đạo trong khu vực cần có yêu cầu Hà Nội phóng thích những tù chính trị trong nước trước APEC.

Theo AFP thì hằng chục nhà bất đồng chính kiến đang bị giam tù và theo các tổ chức giám sát nhân quyền thì năm 2017 là một năm đặc biệt khắc nghiệt đối với những nhà hoạt động tại Việt Nam, khi mà Hà Nội cho tiến hành đợt bắt giữ và kết án nặng nề những tiếng nói chỉ trích chính quyền.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-student-activist-jailed-for-six-years-10252017081133.html

 

‘Mong tân Tổng thanh tra giải quyết tàn dư của bộ máy’

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 25-10 đã trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự tổng thanh tra Chính phủ, theo đó giới thiệu ông Lê Minh Khái.

Ông Lê Minh Khái từng giữ chức phó tổng kiểm toán nhà nước giai đoạn 2007-2014, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, sẽ trở thành Tổng thanh tra Chính phủ thay ông Phan Văn Sáu đã được Bộ Chính trị phân công về làm Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.

Một cựu quan chức Việt Nam nay nói với BBC rằng ông mong tân Tổng thanh tra Chính phủ “sẽ giải quyết được tàn dư của bộ máy Đảng, Nhà nước hiện nay.”

Hôm 25/10, trả lời BBC từ Sài Gòn, ông Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nói: “Tôi mong là người được bổ nhiệm vào vị trí tân Tổng thanh tra sẽ giải quyết được tàn dư của bộ máy Đảng, Nhà nước hiện nay.”

Nhập Ủy ban Kiểm tra TƯ với Thanh tra Chính phủ?

Bộ Chính trị VN điều động cán bộ ở Sóc Trăng

Xử sắt đá vụ Châu Thị Thu Nga?

“Tôi theo dõi thì thấy Tổng thanh tra Chính phủ trước giờ thường chậm công bố những vụ lớn. Có những vụ thanh tra nhiều lần nhưng công luận không biết kết quả ra sao, như vụ Mobifone mua AVG, rồi vụ “biệt phủ Yên Bái” thì chỉ mới công bố gần đây sau một thời gian dài.”

‘Khó có chuyện sáp nhập’

“Theo tôi nhận thấy, có những vụ cứ thanh tra, kiểm tra đến đâu thì lòi ra sai phạm của bộ máy Đảng, Nhà nước đến đấy. Điều này là do những người tiền nhiệm ở cơ quan Tổng thanh tra làm không tốt.”

“Do vậy, tôi mong người ngồi vào ghế tân Tổng thanh tra sẽ giải quyết được tàn dư của bộ máy Đảng, Nhà nước hiện nay và giữ đúng tôn chỉ là không có vùng cấm trong công tác thanh tra.”

Bình luận về ý kiến của một thành viên Hội đồng lý luận Trung ương đề xuất sáp nhập Thanh tra Chính phủ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Luật sư Thuận nói: “Trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 6 mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa khẳng định điều đó. Có thể là do Hội nghị Trung ương chưa quyết vấn đề gây tranh cãi này.”

“Theo tôi, sẽ khó có chuyện sáp nhập hai tổ chức này, có chăng chỉ là phối hợp, vì phạm vi của cơ quan kiểm tra chỉ là trong nội bộ Đảng, trong lúc cơ quan thanh tra mang tính đại trà hơn và liên quan đến chính sách Nhà nước.”

Cùng ngày, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân được báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam dẫn lời:

“Nếu như người đứng đầu ngành thanh tra không xử nghiêm được các vụ việc tiêu cực mà nhân dân quan tâm thì rõ ràng không đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi, kỳ vọng của nhân dân. Sự cố gắng của người đứng đầu lĩnh vực thanh tra sẽ góp phần tạo thêm niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước.”

“Người này cũng phải chấn chỉnh kỷ cương, phép nước ở ngay chính trong cơ quan thanh tra. Có thể nói áp lực với người đứng đầu ngành thanh tra trong bối cảnh hiện nay là rất lớn.”

Ngày 26/10, Quốc hội Việt Nam sẽ bỏ phiếu kín phê chuẩn nhân sự mới nắm giữ Thanh tra Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41733781

 

Mỹ và VN muốn tăng cường quan hệ quốc phòng

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nhấn mạnh cam kết hợp tác ‘với các đối tác như Việt Nam’.

Thông cáo từ Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết ông Jim Mattis đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM-Plus) tại Manila, Philippines.

Mỹ-Việt hứa hẹn tăng hợp tác quốc phòng

Bộ trưởng Quốc phòng đi Mỹ, VN mong đạt được gì?

“Hai nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm về an ninh khu vực và nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác với ASEAN để đảm bảo một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở.

“Họ cũng tái khẳng định ý định tăng cường quan hệ quốc phòng song phương, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải, và nêu bật những tiến bộ kể từ cuộc họp hồi tháng Tám tại Washington.

“Ông Mattis nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ là hợp tác với các đối tác như Việt Nam để thúc đẩy một khu vực hòa bình và ổn định,” người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Dana W. White nói trong một thông cáo.

ADMM-Plus được mô tả là nền tảng cho các cuộc thảo luận cấp cao về các vấn đề quốc phòng và an ninh chiến lược bao gồm Bắc Hàn, khủng bố và an ninh biển…

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ được dẫn lời nhấn mạnh rằng an ninh hàng hải là lĩnh vực để có hợp tác chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ và ASEAN.

Hoa Kỳ đề xuất tổ chức một cuộc tập trận hải quân mới với các đối tác ASEAN năm 2018, cũng như tổ chức một cuộc đối thoại về an ninh hàng hải với các lực lượng hải quân khu vực và thực thi luật hàng hải.

“Bộ trưởng Mattis khẳng định lại cam kết của Hoa Kỳ đối với tự do hàng hải, hàng không, đi lại trên biển và tiến hành hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép,” bà White nói.

Được biết Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế nhằm gây áp lực với Bắc Hàn nhằm loại bỏ hạt nhân hoàn toàn, có thể kiểm chứng, không thể đảo ngược được tại bán đảo Triều Tiên.

Trong một diễn biến đáng chú ý, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dường như sẽ không tham dự được các phiên chính của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại thành phố Angeles, Philippines vào ngày 14/11.

Hội nghị EAS có sự tham dự của lãnh đạo hơn 10 nước tại châu Á, Australia, New Zealand và Nga sẽ khai mạc vào ngày 13/11 nhưng ông Trump theo dự kiến sẽ ở thủ đô Manila ngày 12-13.

Tại Manila, ông Trump dự kiến sẽ gặp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và sẽ tham dự một số phiên họp khác “liên quan tới Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á”.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41745604

 

“Việt Nam dùng nhà tù để giết những người không có tội”

Hòa Ái, phóng viên RFA

Mục sư Nguyễn Công Chính và vợ, bà Trần Thị Hồng tham dự một buổi tường trình tại Quốc Hội Hoa Kỳ vào chiều ngày 24/10/2017 để vận động cho tự do tôn giáo của Việt Nam, nhân dịp Tổng thống Donald Trump sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Việt Nam vào trung tuần tháng 11 tới đây và Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN sau đó.

Đàn áp tôn giáo tại Việt Nam

Lên tiếng với Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos và Nhóm Dân Biểu quan tâm các vấn đề của Việt Nam (Congressional Caucus on Vietnam) vào chiều ngày 24 tháng 10 năm 2017, Mục sư Nguyễn Công Chính, người bị tuyên án 11 năm tù vì tội “phá hoại đoàn kết dân tộc” và được phóng thích đến Mỹ tị nạn tôn giáo hồi cuối tháng 7, nói rằng nhà cầm quyền Việt Nam dùng nhà tù để giết những người không có tội.

Trước sự hiện diện của Dân Biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Hoa Kỳ và hai Dân Biểu Zoe Lofgren, Lou Correa cùng những hội đoàn và đại diện các tổ chức tôn giáo thuộc cộng đồng người Việt tại Mỹ, Mục sư Nguyễn Công Chính tường trình trường hợp của ông cùng gia đình là nạn nhân của tình trạng vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam suốt 37 năm qua.

Mục sư Nguyễn Công Chính nêu ra các bằng chứng bao gồm nhà thờ của Hiệp hội Thông công Tin lành các Dân tộc Việt Nam, mà ông là người sáng lập, bị giật sập vào năm 2003, một số nhà thờ ở vùng Tây Nam Bộ và Tây Nguyên Bắc Bộ cũng chung số phận, 300 cuốn kinh thánh bị tịch thu. Bên cạnh đó còn có hơn 100 nhà thờ ở Cao Nguyên bị đóng cửa. Mục sư Nguyễn Công Chính bị sách nhiễu, bắt bớ dưới nhiều hình thức và ông cũng như nhiều tù nhân khác còn bị hành hạ một cách “tàn độc” trong thời gian hơn 6 năm tù đày mà ông đã trải qua. Mục sư Nguyễn Công Chính nói tại buổi tường trình:

Tôi nhận thấy cùng là người Việt Nam với nhau, nhưng Cộng Sản hành xử đối với dân chúng, đặc biệt là đối với các tù nhân lương tâm, tôn giáo và chính trị một cách tàn độc
-Mục sư Nguyễn Công Chính

“Tôi bị bắt vào tù năm 2011 và suốt 6 năm 4 tháng tôi ở trong tù thì đều bị biệt giam. Họ bỏ miểng chai vào thức ăn của tôi. Các anh em tù nhân cũng phát hiện trong đồ ăn có kẽm gai và có hóa chất độc hại mà không thể biết là chất gì. Nhưng chính mắt tôi thấy đã có nhiều anh em tù ngã xuống chết. Và thân nhân gia đình họ xin mang xác về thì không được phép, mà chôn trong trại giam cho đến khi hết án mới cho lấy xác. Tôi nhận thấy cùng là người Việt Nam với nhau, nhưng Cộng Sản hành xử đối với dân chúng, đặc biệt là đối với các tù nhân lương tâm, tôn giáo và chính trị một cách tàn độc.”

Không chỉ bản hân bị hành hạ nơi ngục tù mà gia đình của Mục sư Nguyễn Công Chính ở bên ngoài cũng thường xuyên bị theo dõi và sách nhiễu về mọi mặt trong cuộc sống. Vợ của ông, bà Trần Thị Hồng từng bị đuổi ra khỏi bệnh viện ngay sau khi sinh con chỉ vài giờ đồng hồ. Bà Hồng cũng bị đánh đập tại trụ sở phường, ngay sau buổi chính quyền địa phương yêu cầu bà đến làm việc, liên quan bà đã gặp gỡ với phái đoàn Hoa Kỳ đặc trách tự do tôn giáo hồi cuối tháng 4 năm 2016. Chính quyền còn đe dọa không cho bà tiếp xúc với các phái đoàn ngoại giao nước ngoài. Nhấn mạnh tại buổi tường trình vào chiều ngày 24 tháng 10 ở Quốc Hội Hoa Kỳ, bà Trần Thị Hồng nói rằng còn rất nhiều phụ nữ ở Việt Nam đang phải đối diện với hòan cảnh tương tự của mình.

Kêu gọi đưa Việt Nam vào danh sách CPC

Mục sư Nguyễn Công Chính cùng vợ kêu gọi vận động phái đoàn của Tổng thống Donald trump lên tiếng về tình trạng đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền Hà Nội, khi đến Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào trung tuần tháng 11 tới đây và kêu gọi Bộ Ngoại Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì vi phạm tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng.

Trước tình hình đàn áp tôn giáo tại Việt Nam, qua nhân chứng là vợ chồng của Mục sư Nguyễn Công Chính và phản ánh của các tổ chức tôn giáo từ trong nước, như Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, Cao Đài…Linh mục Thomas Reese, thành viên Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) phát biểu tại buổi tường trình rằng USCIRF yêu cầu Hành pháp Hoa Kỳ cần thiết phải đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, như là một biện pháp ràng buộc Chính quyền Hà Nội để cho người dân được theo đuổi và thực hành niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo đúng với chuẩn mực quốc tế về tự do tôn giáo; đồng thời phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm, như Luật sư Nguyễn Văn Đài, Luật sư Nguyễn Bắc Truyển…và chấm dứt sách nhiễu các lãnh đạo tôn giáo cũng như đánh đập và bắt bớ họ. Linh mục Thomas Reese nói với RFA lý do vì sao Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ yêu cầu cần phải đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC:

Chúng tôi yêu cầu Hành pháp Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Chúng tôi cho rằng thật là sai lầm khi đã có quyết định loại Việt Nam ra khỏi danh sách này. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nghĩ rằng như thế là cách để khuyến khích Việt Nam tiếp tục cải thiện tình hình tự do tôn giáo. Tuy nhiên, USCIRF nhận thấy sau khi Việt Nam không còn trong danh sách CPC thì Chính quyền Hà Nội đã không quan tâm đến tự do tôn giáo ở đất nước họ nữa


-Thành viên của USCIRF

“Chúng tôi yêu cầu Hành pháp Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC). Chúng tôi cho rằng thật là sai lầm khi đã có quyết định loại Việt Nam ra khỏi danh sách này. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nghĩ rằng như thế là cách để khuyến khích Việt Nam tiếp tục cải thiện tình hình tự do tôn giáo. Tuy nhiên, Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF), trong đó tôi là thành viên, nhận thấy sau khi Việt Nam không còn trong danh sách CPC thì Chính quyền Hà Nội đã không quan tâm đến tự do tôn giáo ở đất nước họ nữa.”

Có mặt tại buổi tường trình tại Quốc hội Hoa Kỳ vào chiều ngày 24 tháng 10, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho Đài Á Châu Tự Do biết tổ chức BPSOS cũng tháp tùng với vợ chồng Mục sư Nguyễn Công Chính gặp gỡ giới chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và đại diện của Nhà Trắng để vận động đưa Việt Nam vào danh sách CPC và:

“Thứ nhất, vận động trả tự do cho các tù nhân tôn giáo mà hiện nay chúng tôi có danh sách gần 100 người. Thứ hai, vận động Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, với sự hiện diện của Mục sư Nguyễn Công Chính và bà Trần Thị Hồng để đưa một số giới chức của Chính quyền Việt Nam vào danh sách bị chế tài theo Luật Magnitsky Toàn cầu. Bởi vì một số giới chức đó mà chúng tôi lập danh sách đầu tiên dựa trên hồ sơ của cặp vợ chồng Mục sư Nguyễn Công Chính và bà Trần Thị Hồng.”

Kết thúc buổi tường trình do Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos và Nhóm Dân Biểu quan tâm các vấn đề của Việt Nam tổ chức, Dân Biểu Lou Correa nói rằng ba yêu cầu vừa nêu sẽ được đề cập với Tổng thống Trump trước khi ông lên đường sang Việt Nam trong tháng 11 và thông điệp mạnh mẽ mà các Dân Biểu Mỹ muốn Tổng thống Trump chuyển đến Chính phủ Việt Nam, như lời khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Hoa Kỳ, Dân Biểu Ed Royce rằng mối quan hệ Việt-Mỹ sẽ càng thắt chặt như hai quốc gia mong đợi cũng như tăng cường hợp tác nhiều hơn nữa với điều kiện Hà Nội cần phải có những biểu hiện tích cực hơn trong tôn trọng nhân quyền và tôn trọng tự do tôn giáo tại đất nước Việt Nam.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-uses-the-prison-to-kill-those-who-is-not-guilty-ha-10252017073959.html

 

Chống tham nhũng sau Hội nghị trung ương Sáu

bằng luân chuyển cán bộ

Kính Hòa RFA

Đẩy mạnh luân chuyển cán bộ

Liên tục kể từ sau Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản lần thứ 12 diễn ra đầu năm 2016, đến các hội nghị trung ương Năm, và trung ương Sáu, người ta thấy nhiều cán bộ cao cấp bị kỷ luật với những cáo buộc liên quan đến những vụ tham nhũng, thất thoát tài sản lớn. Đó là các ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư thành ủy Đà Nẵng. Nhiều người trong số này được xem là vây cánh của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người bị mất hết quyền lực chính trị sau Đại hội 12.

Cơ quan chống tham nhũng của nhà nước Việt Nam có tên gọi là Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, trước đây do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm quyền điều khiển. Nhưng từ năm 2013, Ban này đã được chuyển sang cho ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng lãnh đạo.

Ông Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu quốc hội của Thành phố Hồ Chí Minh, nói với báo Tuổi Trẻ trong nước rằng việc chuyển quyền điều hành Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng sang cho đảng, thay vì chính phủ, là một việc làm cần thiết, vì đảng lãnh đạo tất cả những cán bộ đảng cử sang điều hành chính phủ.

Bên cạnh đó một công cụ khác được Đảng Cộng sản đưa ra, nói là để phòng chống tham nhũng, là Qui định luân chuyển cán bộ.

Trong những ngày cuối tháng 10, năm 2017, Quốc Hội Việt Nam bàn chuyện điều động ông Phan Văn Sáu, Tổng thanh tra chính phủ về làm Bí thư tỉnh ủy Tỉnh Sóc Trăng, ông Lê Minh Khái, đang là Bí thư tỉnh ủy Tỉnh Bạc Liêu, thay cho ông Phan Văn Sáu, ông Trương Quang Nghĩa đang là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về làm Bí thư thành ủy Đà Nẵng, trong khi đó ông Nguyễn Văn Thể, hiện là Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng về làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Đây là điều mà Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát chính trị Việt Nam hiện sống tại Sài Gòn, gọi là đẩy mạnh việc luân chuyển cán bộ sau Hội nghị trung ương Sáu.

Luân chuyển cán bộ là việc mà trước đây ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban tổ chức Trung Ương đã làm, có thể nói là khá thành công.

-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng.

Ngay trong lúc Hội nghị trung ương Sáu diễn ra, ngày 7, tháng 10, Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã ký một quyết định mang số 98 gọi là Qui định về luân chuyển cán bộ. Theo qui định này các các bộ cao cấp sẽ được chuyển đổi thường xuyên, từ những viên chức điều hành các huyện, tỉnh, cho đến các bộ trưởng, để làm sao cho các viên chức đứng đầu địa phương không làm quá hai nhiệm kỳ tại một địa phương.

Qui định này được nói là nhằm để chống tham nhũng, tránh việc kết bè phái, nhóm lợi ích, sử dụng những người trong họ hàng hoặc quen biết.

Phe phái và nhóm lợi ích

Tuy nhiên ông Phạm Chí Dũng cho biết là việc luân chuyển cán bộ này đã từng được thực hiện như một công cụ để đấu tranh giành giật quyền lực giữa các phe phái với nhau:

“Luân chuyển cán bộ là việc mà trước đây ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban tổ chức Trung Ương đã làm, có thể nói là khá thành công, luân chuyển đến 80% nhân sự cao cấp, các tỉnh, thành phố, trước Đại hội 12, và do đó đã mang lại lợi thế cực kỳ lớn cho ông Nguyễn Phú Trọng trong Đại hội 12, trước ông Nguyễn Tấn Dũng.”

Đại hội lần thứ 12 của Đảng cộng sản Việt Nam được tiến hành vào đầu năm 2016. Sau Đại hội này nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được nhiều người dự đoán là sẽ nắm quyền lực nhiều hơn nữa, đã về hưu.

Với sự ra đi của ông Nguyễn Tấn Dũng, giới quan sát cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng đã nắm quyền lực tuyệt đối về chính trị tại Việt Nam. Ông Phạm Chí Dũng đánh giá về phe nhóm được cho là của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hiện nay:

“Rời rạc, yếu ớt, và rất thiếu bản lĩnh. Đúng như dư luận nói là phe này chỉ nằm đó chờ chết mà thôi, không thể làm được một cái gì có thể gọi là xoay chuyển được tình thế.”

Tuy nhiên, cũng theo lời ông Dũng, việc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, không vì thế mà có thể thực hiện được dễ dàng. Theo ông Phạm Chí Dũng, những nhóm quyền lực khác nhau, với những lợi ích kinh tế to lớn, sẽ là những chướng ngại vô cùng lớn đối với ông Nguyễn Phú Trọng.

Xu hướng trục lợi thì vẫn mạnh, vì cái chế độ, chính thể ở Việt Nam hiện nay vẫn tạo ra một môi trường rất phù hợp cho xu hướng trục lợi.

-Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm.

Một nhà quan sát chính trị Việt Nam khác là Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á- Thái Bình Dương, lại nhìn chuyện phe phái ở Việt Nam không đơn giản là chỉ có hai phe Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng như vừa qua. Theo ông thì ở Việt Nam hiện nay có thể có bốn xu thế chính trị khác nhau. Nhóm thứ nhất là nhóm mong muốn cải cách, nhóm thứ hai là nhóm không muốn Việt Nam đi theo con đường tổ chức xã hội kiểu phương Tây, nhóm thứ ba là nhóm trung dung, và nhóm cuối cùng ông gọi là nhóm trục lợi.

Theo ông Lâm, thì rất nhiều quan chức, nhóm quan chức cao cấp, không theo phe phái nào cả, và tùy theo cán cân quyền lực ở một lúc nào đó mà người đó, nhóm đó sẽ ngã theo.

Nhưng tựu chung, vẫn theo lời ông Lâm, xu hướng trục lợi, nơi có các nhóm lợi ích khác nhau sẽ là xu hướng rất mạnh tại Việt Nam hiện nay:

Xu hướng trục lợi thì vẫn mạnh, vì cái chế độ, chính thể ở Việt Nam hiện nay vẫn tạo ra một môi trường rất phù hợp cho xu hướng trục lợi, bởi vì một mặt là một nhà nước tương đối độc đoán, tương đối khép kín, đồng thời lại có một nền kinh tế tương đối thoãi mái trong chuyện làm tiền. Người ta dễ ở một cái vị trí dùng tiền để mua chức, rồi dùng chức để kiếm tiền.”

Ngay sau Hội nghị trung ương Sáu kết thúc, báo chí Việt Nam tiếp tục đưa tin những nghi án tham nhũng có liên quan đến các quan chức cấp tỉnh ở Đồng Nai, Yên Bái. Những nghi án này đã được nói đến từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy những người có liên quan nhận hình thức kỷ luật như thế nào.

Một nhà quan sát chính trị Việt Nam khác là Giáo sư Vũ Tường, từ Đại học Oregon, Hoa Kỳ nhận định về bản án kỷ luật dành cho ông Đinh La Thăng trong Hội nghị trung ương Năm, tháng Năm, 2017:

“Tôi nghĩ đó là một thành công rất là bé nhỏ, vì vụ này có từ năm 2011 rồi, mà cho đến bây giờ mới được một mình ông Thăng và một vài người nữa như ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng công thương, tôi thấy chưa có cái gì là nghiêm trọng cả. Tất cả đều trốn thoát pháp luật và hạ cánh an toàn. Thành ra là tôi còn chờ xem họ có đưa ông Thăng và tay chân ông ấy ra pháp luật hay không. Nếu làm được điều đó thì mới có tiến bộ.”

Sau khi Hội nghị trung ương Sáu kết thúc, người ta vẫn chưa thấy có một vụ truy tố nào đối với ông Đinh La Thăng được đưa ra.

Giáo sư Vũ Tường nói tiếp là những gì diễn ra xung quanh vụ ông Đinh La Thăng cho thấy đảng cộng sản không có hiệu quả trong việc điều hành nền kinh tế và chống tham nhũng.

Nhiều nhà quan sát cho rằng sự không hiệu quả ấy nằm ở cơ chế không phân quyền của nền chính trị Việt Nam với duy nhất một đảng cộng sản lãnh đạo. Ngay chính đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa, một mặt hoan nghênh việc giao Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng về cho các viên chức đảng quản lý, cũng nói rằng cách thức này cũng có cái bất cập vì người đứng đầu cấp ủy, đảng bộ có thể làm lệch hướng, xử nhẹ hoặc ém nhẹm việc điều tra sai phạm của cấp dưới khi họ muốn bao che, bởi đó có thể là người thân thích hay phe cánh.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/anti-corruption-rotation-10252017132353.html

 

Việt Nam và Ấn Độ đối thoại chiến lược

Ấn Độ cam kết sẽ tiếp tục giúp Việt Nam tăng cường khả năng quốc phòng, chuyển giao công nghệ, đào tạo sĩ quan và cung cấp tín dụng mua vũ khí cho Việt Nam.

Đây là nội dung được đưa ra tại hai đối thoại là quốc phòng và chiến lược cấp thứ trưởng giữa Việt Nam và Ấn Độ diễn ra hôm 24/10 tại Hà Nội.

Chủ trì hai đối thoại lần này từ phía Việt Nam là Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, phía Ấn Độ là người tương nhiệm Preeti Saran.

Hai bên khẳng định việc duy trì hòa bình ổn định và an toàn, an ninh trên biển cũng như trên không, tuân thủ các nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật quốc tế, thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC), hướng tới đạt được một Bộ Quy tắc về ứng xử trên biển Đông là COC.

Ngoài ra hai bên cũng đồng ý sẽ tổ chức thêm các cuộc gặp nhằm chia sẻ kinh nghiệm đối phó với các vấn đề về biên giới, lãnh thổ và an ninh khu vực bao gồm an ninh biển.

Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2016. Năm nay đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược

Vào năm ngoái, trong chuyến thăm của Thủ tướng Narenda Modi tới Việt Nam, hai bên đã ký kết thoả thuận về việc Ấn Độ cung cấp tàu tuần tra cao tốc cho Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Nhân chuyến thăm này, Thủ tướng Modi cũng công bố khoản vay 500 triệu đô la cho Việt Nam để thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Việt Nam và Ấn Độ cũng đã có những đàm phán để Việt Nam có thể mua tên lửa Brahmos của Ấn Độ hợp tác với Nga sản xuất.

Cả Ấn Độ và Việt Nam đều đang có những vấn đề về tranh chấp chủ quyền với một nước láng giềng chung là Trung Quốc. Ấn Độ đã từng có cuộc chiến biên giới với Trung Quốc vào năm 1962 và đến hiện nay hai nước vẫn có những tranh chấp dai dẳng ở biên giới. Cuộc chiến biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc là năm 1979.

Trung Quốc hiện là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích biển Đông nơi Việt Nam và một số nước khác trong khu vực cũng đòi chủ quyền.

Ấn Độ dưới thời của Thủ tướng Modi đã thực hiện chính sách Hướng Đông nhằm tăng cường hợp tác hơn với các nước Đông Nam Á, đối trọng với sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Trong đối thoại lần này, phía Việt Nam đã ca ngợi chính sách Hướng Đông của Ấn Độ.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-india-hold-strategic-talks-10252017093705.html

 

Mỗi người Việt Nam gánh 30 triệu đồng nợ công

Trung bình mỗi người dân Việt Nam hiện gánh khoảng 30 triệu đồng nợ công và con số này sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm nay.

Thông tin này được công bố trong báo cáo của Chính Phủ Hà Nội gửi Quốc Hội Việt Nam ngày 25 tháng Mười. Theo đó đến cuối năm 2016 nợ công của Việt Nam là 2,8 triệu tỷ đồng, bằng 63,6% GDP. Dự kiến đến cuối năm 2017, nợ công sẽ tăng lên 3,1 triệu tỷ đồng nhưng so với GDP lại giảm xuống còn 62,6%. Và đến cuối năm 2018, nợ công sẽ đạt mức 63,9% GDP.

Chính phủ Việt Nam cũng thừa nhận hệ số trả nợ khá cao và đang có xu hướng tăng lên. Điều này gây áp lực cho việc bố trí nguồn trả nợ từ ngân sách Nhà nước.

Dự kiến sang năm, Chính phủ sẽ vay mới để trả nợ gốc hơn 146.700 tỷ đồng, vay nước ngoài về cho vay lại  40.000 tỷ đồng và vay bù đắp bội chi khoảng 195.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo, Việt Nam khẳng định quan điểm là vay để đầu tư chứ không vay cho chi thường xuyên. Đồng thời, cũng đưa ra các biện pháp kiểm soát nợ công trong thời gian tới, như giao cho doanh nghiệp tự vay tự trả trong giới hạn được Chính phủ cho phép, hay huy động nhà tài trợ và sử dụng vốn ODA,…

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/30-million-dongs-public-debt-for-each-vietnamese-10252017095003.html

 

Bộ Công An Việt Nam

trình Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, An ninh mạng

Bộ Công An Việt Nam vừa trình Quốc hội Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, cảnh báo rằng từ năm 2001 đến nay cơ quan này đã phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước, trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật.

Truyền thông trong nước cho biết ông Tô Lâm, Bộ Trưởng Bộ Công An hôm 25/10 đã trình Quốc hội dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và An ninh mạng.

Báo VietnamNet dẫn lời ông Lâm cho biết, từ năm 2001 đến nay, bộ này phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước. Trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo.

Ông chỉ ra rằng các hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc, báo chí, xuất bản, quan hệ quốc tế…

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng “việc xây dựng dự án luật Bảo vệ bí mật nhà nước là yêu cầu khách quan và cần thiết.”

Bộ Công an trình dự án luật theo đó phân loại bí mật nhà nước thành 3 cấp độ: Tuyệt mật, tối mật và mật.

Ngoài ra dự thảo luật quy định cụ thể thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước đối với thông tin ‘Tuyệt mật’ là 30 năm; ‘Tối mật’ 20 năm; và ‘Mật’ 10 năm. Thời hạn này có thể được kéo dài “nếu việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.”

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt phát biểu trước Quốc hội rằng bí mật nhà nước độ tuyệt mật thường liên quan đặc biệt đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc, nên thời hạn bảo vệ cần quy định dài hơn, có thể là 50 hoặc đến 60 năm, hoặc không nên xác định thời hạn giải mật.

Cũng trong ngày 25/10, Bộ trưởng Công an còn trình dự thảo luật An ninh mạng, nhằm chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị, thông qua các hoạt động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa.”

Bộ này cho rằng thông qua không gian mạng, các đối tượng chống phá liên lạc, móc nối, chỉ đạo và thành lập tổ chức hoạt động chống phá; sử dụng không gian mạng để kích động biểu tình, gây rối an ninh.

Báo VietnamNet vào tháng 8 dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an nói chỉ trong hơn 1 năm, Bộ này đã phát hiện và xử lý trên 100 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng.

Báo Pháp Luật cho biết vào tháng 11/2015, ông Phạm Thanh Trung, nguyên cán bộ Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM, bị tòa xử phạt ba năm tù giam về tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, do đã tiết lộ thông tin về “công tác đảm bảo an ninh trật tự cho các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam,” và gửi ảnh chụp “Thông báo số 5” kèm theo hướng dẫn cách thức rải truyền đơn, đặt chất nổ trong ngày TP.HCM tổ chức mít-tinh lễ 30/4 đến tài khoản Facebook của Việt Tân.

Theo chương trình làm việc của Quốc hội, dự Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và dự Luật An ninh mạng sẽ được các đại biểu thảo luận vào ngày 13/11; và sẽ được biểu quyết thông qua vào ngày 22/11 và 23/11.

https://www.voatiengviet.com/a/bo-cong-an-vietnam-trinh-luat-bao-ve-bi-mat-nha-nuoc-an-ninh-mang/4085657.html

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

An ninh ‘tuyệt đối’ cho APEC

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh đảm bảo an ninh “tuyệt đối” để không có “một sơ suất nhỏ nào” xảy ra trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC mà Việt Nam sẽ là nước chủ nhà vào đầu tháng sau.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng tại Lễ xuất quân và diễn tập phương án bảo vệ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra hôm 24/10 tại Đà Nẵng nơi sẽ đón tiếp các nguyên thủ quốc gia và nhiều quan chức cấp cao của các quốc gia thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương.

“Các lực lượng công an và quân đội đã triển khai phương án chủ động, rộng khắp, quyết liệt để tội phạm không có điều kiện phá hoại dù lá bất cứ hành vi nào, thủ đoạn tinh vi nào.”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Bộ trưởng Công an Tô Lâm, có mặt trong buổi lễ xuất quân, nói với VOA qua điện thoại hôm 25/10, rằng “tất cả mọi việc đều đảm bảo và chu đáo” cho sự kiện sẽ chính thức khai mạc ngày 6/11.

“(Chúng tôi) phối hợp với tất cả các cơ quan an ninh của các nước có đại biểu đến tham dự APEC. Lúc này mọi phương án đều rất chủ động,” theo người đứng đầu Bộ Công an.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhiều nguyên thủ quốc gia khác đã khẳng định sẽ tham dự APEC tại Đà Nẵng.

Người đứng đầu Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định “các lực lượng công an và quân đội đã triển khai phương án chủ động, rộng khắp, quyết liệt để tội phạm không có điều kiện phá hoại dù lá bất cứ hành vi nào, thủ đoạn tinh vi nào” và sẽ “kịp thời xử lý kẻ xấu phá hoại.”

Trong nỗ lực bảo vệ an ninh cho APEC, an ninh cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã cấm một Việt kiều Mỹ, người từng tham gia biểu tình và đăng nhiều hình ảnh được cho là “nói xấu chế độ,” nhập cảnh Việt Nam hôm 18/10. Ông Dominic Phạm nói với VOA rằng ông bị từ chối nhập cảnh vì “Hà Nội sợ gây rắc rối cho APEC.”

Phương án bảo vệ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 gồm 2 phần trong đó có phần xử lý tình huống đánh và bắt khủng bố, giải cứu con tin trên nhà cao tầng và trên sông nước.

Lễ xuất quân được truyền thông trong nước ghi nhận cho thấy lễ diễu hành phương tiện và biểu dương các lực lượng của các đơn vị tham gia bảo vệ sự kiện mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao đầu tháng này cho biết “là hoạt động cuối cùng và quan trọng nhất trong năm APEC 2017.”

Thủ tướng Phúc cho rằng “Mọi lực lượng tham gia bảo vệ an toàn sự kiện này là một vinh dự, trách nhiệm nặng nề.”

Sự kiện này sẽ diễn ra trong 1 tuần từ 6-11 tháng sau, theo lịch hoạt động đăng tải trên trang web chính thức của Hội nghị thượng đỉnh APEC.

Năm 2006, 8 năm sau khi gia nhập APEC, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội nghị thượng đỉnh của khối tại Hà Nội với sự tham dự của Tổng thống Mỹ lúc đó là George W. Bush.

APEC hiện gồm 21 nền kinh tế thành viên, đại diện gần 40% dân số thế giới, gần 60% GDP và gần 1/2 lượng thương mại toàn cầu, theo thống kê năm 2014.

https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-ra-lenh-an-ninh-tuyet-do-cho-apec/4085603.html