Tin Biển Đông – 25/10/2017
Hoàng Sa nay thành điểm du lịch của dân Trung Quốc
Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) vào ngày 23 tháng 10 loan tin dẫn lời của bí thư thành phố Tam Sa, đơn vị quản lý hành chánh khu vực các đảo và vùng nước tại Biển Đông do Trung Quốc lập nên trên đảo Phú Lâm, cho biết kể từ đầu năm 2017 đến nay có 59 đoàn du khách Hoa Lục ra tham quan quần đảo Hoàng Sa.
Phát biểu của vị bí thư thành phố Tam Sa đưa ra bên lề Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 ở Bắc Kinh. Con số 59 đoàn du khách đi thăm Hoàng Sa như thế còn được cho biết tăng 20% cả về số đoàn và số du khách so với năm 2016.
Tính từ năm 2013 khi tour du lịch biển đầu tiên được tổ chức đi Hoàng Sa, số du khách đến tham quan địa danh này đến nay tổng cộng hơn 39 ngàn người. Mỗi tour bốn ngày- ba đêm đưa du khách đến các đảo Áp Công (Yagong), Toàn Phú (Quanfu) và Ngân Tự (Yinyu). Hai hoạt động dành cho khách tham quan Hoàng Sa là lễ thượng kỳ và xem các tài liệu tuyên truyền về lòng yêu nước.
Ngoài hai hoạt động như vừa nêu là tham dự lễ chào cờ và xem tài liệu tuyên truyền cho lòng ái quốc, du khách Hoa Lục còn được lặn biển, thăm các làng chài địa phương.
Tàu đưa du khách đi Hoàng Sa khởi hành từ thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam và khi kết thúc tua cũng tại Tam Á, Hải Nam.
Bí thư Thiên Tường của đơn vị hành chánh Tam Sa còn nói rõ tua du lịch Tây Sa ( từ mà Trung Quốc gọi Hoàng Sa) càng ngày càng trở nên phổ biến đối với giới du khách Hoa Lục. Đây cũng là điểm thu hút mới của ‘nền công nghiệp không khói’ tỉnh Hải Nam.
Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn lời của một nhân viên lữ hành tại thành phố Tam Á khi chào bán tour đi Hoàng Sa rằng nước ở đó rất sạch mà hiếm nơi nào khác ở Hoa Lục có được. Người này xác nhận năm nay tour đi Hoàng Sa bán chạy hơn năm ngoái. Tuy nhiên, người nhân viên lữ hành này bày tỏ sự lo ngại không rõ về khả năng phát triển thị trường trong năm tới bởi tất cả phụ thuộc vào chính sách của nhà nước Trung Quốc.
Đúng Kế hoạch của Trung Quốc
Chính sách đưa du khách người Hoa Lục đến thăm những đảo do Trung Quốc quản lý tại Biển Đông được giới chuyên gia dự báo trước đây. Theo các nhà quan sát thì chính sách này nằm trong chiến lược dài hạn của Bắc Kinh trong việc độc chiếm Biển Đông.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên Giới Chính Phủ Việt Nam, trong một lần nói chuyện với Đài Á Châu Tự Do trong năm 2017, nhắc lại ý đồ của Bắc Kinh đối với khu vực Biển Đông:
Có thể thấy rằng Trung Quốc là nước luôn tìm mọi cách để thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông theo yêu sách đường 9 đoạn, mà chúng ta gọi là đường lưỡi bò. – TS. Trần Công Trục
“Có thể thấy rằng Trung Quốc là nước luôn tìm mọi cách để thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông theo yêu sách đường 9 đoạn, mà chúng ta gọi là đường lưỡi bò. Họ bằng mọi thủ thuật, mọi thủ đoạn đề làm bằng được điều đó.
Như các bạn đều biết không chỉ đối với Việt Nam họ đánh chiếm Hoàng Sa và đánh chiếm một số thực thể tại Trường Sa; mà đối với Philippines họ chiếm quyền kiểm soát tại Bãi cạn Scaborough. Ai cũng biết họ sử dụng mọi thủ thuật, thủ đoạn về quân sự, ngoại giao, gây sức ép về kinh tế…Không chỉ Việt Nam thấy mà ai cũng thấy, thế giới cũng thấy.”
Hợp tác hình thức?
Trung Quốc tự vạch ra đường đứt khúc 9 đoạn và tuyên bố chủ quyền gần đến 90% tại khu vực có tuyến đường biển quan trọng từ Ấn Độ Dương ở phía nam qua Thái Bình Dương lên đến Bắc Á.
Vào tháng 7 năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc tế (PCA) ở La Haye ra phán quyết cho vụ Philippines kiện Trung Quốc về đường đứt khúc 9 đoạn. PCA tuyên rằng đường đứt khúc để tuyên bố chủ quyền như thế không có giá trị cả về mặt lịch sử cũng như pháp lý.
Trước thời điểm có phán quyết của PCA về đường đứt khúc 9 đoạn, Bắc Kinh cho gấp rút bồi lấp, cải tạo 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Trên những đảo nhân tạo đó, Bắc Kinh tiến hành xây dựng những cơ sở hạ tầng mà theo hình ảnh vệ tinh ghi nhận được gồm các đường băng, nhà chứa máy bay, các công trình kiên cố…
Thực tế cho thấy Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng những thực thể đang tranh chấp giữa Bắc Kinh và các nước khác trong khu vực. Điều này được qui định trong Tuyên Bố Ứng Xử của Các Bên tại Biển Đông (DOC) mà Bắc Kinh và các nước ASEAN ký kết vào năm 2002.
Vừa tháng 8 qua, ASEAN và Trung Quốc đạt được thống nhất về dự thảo khung Bản Quy Tắc Ứng Xử của Các Bên tại Biển Đông (COC). Đây là bước từng được đề ra từ khi ký kết DOC và các bên kỳ vọng COC mang tính ràng buộc hơn DOC.
Bấy lâu nay Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương với các nước có tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại khu vực Biển Đông mà thôi; tuy nhiên vấn đề như tiến sĩ Trần Công Trục cho biết thì cả thế giới đều quan tâm và biết rõ nên Trung Quốc gần đây dường như có thay đổi chiến thuật.
Đề nghị hợp tác trong khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông được đưa ra và mới nhất là chuyện diễn tập chung tại khu vực ‘nóng’ này.
Tin tức vào ngày 24 tháng 10 cho biết Trung Quốc và 10 nước thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm tới có thể tiến hành diễn tập hải quân chung theo như đề nghị từ Bắc Kinh.
Mặc dù chi tiết cụ thể của hoạt động diễn tập chung như thế chưa được công bố; nhưng giới quan sát đều dự đoán chắc chắn sẽ gồm những hoạt động dẫn đường, phát tín hiệu, cứu hộ- cứu nạn.
Người đứng đầu nhóm chuyên nghiên cứu toàn cầu sự vụ thuộc Đại học Yale-NUS của Singapore, thì nói hoạt động diễn tập hải quân chung Trung Quốc- ASEAN hẳn sẽ đưa vào thi hành Bộ Qui Tắc Ứng xử Trong những trường hợp đối đầu không lường trước trên biển (CUES) mà các bên đạt được vào năm 2014.
Một số nước như Singapore thì cho rằng đó là cách thức để xây dựng lòng tin giữa các bên trong khu vực. Tuy vậy, thực tế cho thấy Trung Quốc đã thành công phần nào trong chiến lược ‘tằm ăn dâu’ của họ tại khu vực Biển Đông, sau khi biến quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể tại Trường Sa là nơi phải có phép của Trung Quốc mới được đặt chân đến. Đơn cử như tua du lịch biển Hoàng Sa chỉ dành riêng cho công dân Hoa Lục mà thôi.
Biển Đông: Philippines không bỏ phán quyết PCA
Philippines đang tiếp tục nói với dư luận về ‘phán quyết’ của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế PCA sau khi nước này thắng kiện Trung Quốc tháng 7/2016.
Nước này vẫn sẽ thực thi phán quyết trong nhiệm kỳ hiện nay của Tổng thống Rodrigo Duterte hay với một tổng thống kế nhiệm, một Thẩm phán Tòa tối cao của Philippines nói với BBC Tiếng Việt.
Nói chuyện bên lề một hội thảo về tiếp cận mới cho xung đột ở Biển Đông ở một Đai học tại Oxford, Anh Quốc hôm 20/10/2017, ông Antonio Carpio nói về bước đi kế tiếp của Philippines:
“Tổng thống [Duterte] của Philippines nói ông sẽ đưa vấn đề phán quyết của tòa trọng tài ra vào một thời điểm nào đó, ông cũng nói là ông không vội vàng.
Đó chỉ là vấn đề về thời gian, phán quyết luôn còn đó và nó có thể được thực thi hiện nay, hay với tổng thống tiếp theoThẩm phán Antonio Carpio
“Vì ông là Tổng thống của Philippines, vì ông là kiến trúc sư của chính sách đối ngoại, đó là đặc quyền của ông.
Cấm đánh cá ở Biển Đông ‘không để chống VN’?
Quốc gia ‘mắc kẹt’ giữa Mỹ và Trung Quốc
Diễn đàn ASEAN có lợi cho Trung Quốc?
“Nhưng phán quyết này sẽ vẫn được bảo lưu dù là trong nhiệm kỳ của tổng thống hiện nay hay là của tổng thống kế tiếp, đó chỉ là vấn đề về thời gian, phán quyết luôn còn đó và nó có thể được thực thi hiện nay, hay với tổng thống tiếp theo.
“Điều mà chúng tôi đang làm hiện nay, như là tôi đang làm, là chúng tôi đang cố gắng truyền thông, giáo dục đến mọi người về phán quyết này để cho thế giới sẽ được biết về nó và khi nào đến lúc, phán quyết đó sẽ được thực thi.”
Thẩm phán Carpio đưa ra phát biểu trên khi được hỏi về thái độ của Philippines với phán quyết của Tòa PCA trong bối cảnh cả Philippines, Hoa Kỳ đều có thay đổi lãnh đạo.
So với một năm trước, nay Philippines có Tổng thống Duterte, còn Trung Quốc đang tiếp tục củng cố vị thế của ông Tập Cận Bình.
Không cần đến ‘luật mới’
Cũng trong cuộc phỏng vấn hôm 20/10 với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt, Thẩm phán Antonio Carpio bác bỏ việc sử dụng các quy chế mới như cùng khai thác ở Biển Đông trên các khu vực đang có tranh chấp, một đề nghị mà Trung Quốc đã, đang và tiếp tục đề nghị với từng nước có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển, và theo ông cần áp dụng các quy định của luật pháp, công pháp quốc tế đang hiện hữu:
Duterte ở Trung Quốc: Lãnh đạo Philippines là tư lệnh hòa giải?
Biển Đông: VN có cần thay đổi chiến thuật?
Tổng thống Philippines ca ngợi quan hệ với Bắc Kinh
“Đã có các pháp luật về biển, Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về luật biển, tất cả các quốc gia có tranh chấp ở Biển Đông đã phê chuẩn nó và họ đều đã đồng ý về cơ chế giải quyết tranh chấp và nếu anh cố gắng sáng tạo ra một cái mới, anh sẽ có thể không bao giờ đạt được một đồng thuận.
Điều mà chúng tôi đang làm hiện nay, như là tôi đang làm, là chúng tôi đang cố gắng truyền thông, giáo dục đến mọi người về phán quyết này để cho thế giới sẽ được biết về nó và khi nào đến lúc, phán quyết đó sẽ được thực thiThẩm phán Antonio Carpio
“Do đó, tôi nghĩ chúng ta có lẽ phải tiếp tục trung thành với các luật pháp hiện hành về biển hơn là sáng tạo ra luật mới, đã phải mất hơn một thập niên để đàm phán về luật biển vào thời điểm đó.
Bây giờ nếu bây giờ anh cố gắng đàm phán về một luật mới bây giờ, tôi nghĩ rằng sẽ mất ba đến bốn thập niên.
“Do vậy, tôi nghĩ trung ta hãy tiếp tục dựa vào các luật pháp hiện nay và hãy thực thi chúng,” Thẩm phán Antonio Carpio nói với BBC.
Ông Antonio Carpio là Phó Chánh án Tòa án Tối cao của Philippines.
Ông được bổ nhiệm làm Thẩm phán của Tòa này từ thời của Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo 16 năm trước.
Chuyên gia pháp luật hàng đầu này của Philippines từng giữ vai trò quyền Thẩm phán chính của Tòa Tối cao, một cơ chế trong hệ thống tư pháp của nước này, vào năm 2012.
Hồi tháng 5/2017, Thẩm phán Antonio Carpio từng lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về những lời lẽ và lập trường được cho là ‘cứng rắn’ của nước này đối với vấn đề tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Philippines.
Vị thẩm phán này đã cảnh báo có thể sẽ kiện Trung Quốc ‘ra tòa quốc tế một lần nữa’, nếu Trung Quốc tiếp tục có những lời lẽ ‘đe dọa’ và động thái ‘xâm phạm chủ quyền’ Philippines và vi phạm luật pháp quốc tế, vẫn theo truyền thông quốc tế.
Phản ứng các bên sau phán quyết PCA
Tòa trọng tài ra phán quyết ngày 12/7“
Ông Antonio Carpio là một trong những người đóng vai trò chính để tổ chức, tư vấn chiến lược cho vụ kiện từ phía Philippines nhắm vào Trung Quốc.
Tại phiên tòa, phán quyết đưa ra hồi tháng 7/2016 đã bác yêu sách “đường lưỡi bò” là vô căn cứ, do Trung Quốc đơn phương vạch ra trên Biển Đông.
Việt Nam giữ vai trò ‘quan sát’, dù từng lên tiếng phản đối yêu sách mà Trung Quốc thể hiện qua Đường chín đoạn gây tranh cãi ở vùng biển.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41750009
Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và Việt Nam
gặp nhau ở Philippines
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis vào ngày 24 tháng 10 có cuộc gặp gỡ người đồng nhiệm Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch bên lề hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại căn cứ không quân Clark, Philippines.
Tin ghi nhận được cho biết hai bên tái khẳng định việc phát triển hơn nữa quan hệ quốc phòng giữa hai quốc gia, đặc biệt là vấn đề an ninh hàng hải trong khu vực, mà hai bên đã cam kết kể từ chuyến thăm Hoa Kỳ hồi tháng Tám của Đại tướng Ngô Xuân Lịch.
Theo phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, bà Dana White, thì hai vị lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về sự hợp tác giữa ASEAN và Hoa Kỳ để bảo đảm một không gian tự do trong vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Bà White nói ông Mattis nhấn mạnh đến việc hợp tác với những quốc gia như Việt Nam để cổ xúy cho hòa bình và ổn định trong khu vực.
Ngoài ra ông James Mattis cũng đưa ra lời đề nghị là Mỹ cùng ASEAN sẽ tổ chức tập trận trên biển vào năm tới 2018.
Vào ngày 19 tháng 10 vừa qua, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã thăm tàu sân bay USS Carl Vinson tại miền Nam California.
Thông tin này được báo chí Việt Nam trích nguồn từ Hải quân Mỹ ngày 22 tháng 10.
Ông Vịnh đã đến thăm tàu USS Carl Vinson sau khi tham dự chương trình Đối thoại Quốc phòng Việt- Mỹ diễn ra từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 10 tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ.
Tin cho biết ông Vịnh và đoàn tùy tùng đã ăn trưa với các sĩ quan chỉ huy của tàu USS Carl Vinson, và quan sát các hoạt động của máy bay trên tàu.
Tàu USS Carl Vinson đóng tại căn cứ ở cảng San Diego trên bờ Thái Bình Dương, miền Nam tiểu bang California. Tàu này có phạm vi hoạt động rộng lớn bao gồm toàn bộ khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Chính chiếc tàu sân bay này cùng các tàu chiến khác của Mỹ đã thực hiện cuộc tuần tra mang tên Chiến dịch tự do hàng hải lần thứ ba, trong vùng biển Đông vào tháng Hai vừa qua.
Cũng liên quan đến hoạt động của Hải quân Mỹ, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Theodore Roosevelt cùng một nhóm tàu tấn công đã được điều sang vùng biển châu Á-Thái Bình Dương, đặt dưới quyền của Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Mỹ.
Theo thông cáo của hải quân Mỹ thì những chiếc tàu này sẽ thực hiện việc bảo đảm an ninh hàng hải, cũng như thăm hữu nghị một số cảng trong khu vực.
Việc điều tàu sân bay này đến vùng biển châu Á Thái Bình Dương diễn ra trong tình hình bán đảo Triều Tiên đang căng thẳng với những vụ thử hạt nhân và hỏa tiễn của Bắc Hàn. Hiện tại Mỹ đang tập trận chung với Nam Hàn tại đây với sự có mặt của một tàu sân bay khác là chiếc USS Ronald Reagan.
Singapore lên làm chủ tịch ASEAN: Cơ may cho Biển Đông?
Vào lúc nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của Philippines sắp chấm dứt, vai trò của Singapore đã bắt đầu thu hút sự chú ý vì là nước sẽ lên đứng đầu Hiệp Hội Đông Nam Á kể từ năm tới 2018. Vào lúc thủ tướng Singapore công du nước Mỹ để củng cố thêm quan hệ quốc phòng song phương vốn đã rất chặt chẽ, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore đã đến Philippines dự Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và hôm 24/10/2017 đã tiết lộ một sáng kiến quan trọng liên quan đến Biển Đông: Đó là khả năng tập trận hải quân chung giữa Trung Quốc và toàn khối ASEAN. Theo phía Singapore, nếu được thực hiện, sáng kiến này sẽ cho phép giảm thiểu đáng kể căng thẳng đến từ tranh chấp biển đảo tại vùng Biển Đông giữa 4 nước ASEAN và Trung Quốc.
Giới quan sát đã ghi nhận tính chất thực tế trong sáng kiến nêu trên, phản ánh một đặc điểm vốn có của Singapore.
Mới đây, trên trang mạng kênh truyền hình Singapore Chanel News Asia, trong một bài ý kiến mang tựa đề « Singapore làm chủ tịch luân phiên ASEAN phải chăng là một cơ may để có tiến bộ thực tế ở Biển Đông ? (Singapore’s chairmanship a chance to make practical progress on South China Sea) », hai chuyên gia Henrick Z Tsjeng và Collin Koh thuộc trường quan hệ quốc tế S Rajaratnam School of International Studies, đã nêu bật một số tiến bộ có thể đạt được – đặc biệt về mặt an ninh – trên hồ sơ Biển Đông khi Singapore lên làm chủ tịch ASEAN vào năm 2018.
Đối với hai chuyên gia Singapore, Châu Á–Thái Bình Dương là một vùng mà các tranh chấp lãnh thổ chưa giải quyết – và không có dấu hiệu sớm có giải pháp – đặc biệt tại Biển Đông – là những lò lửa chiến tranh.
Mọi người đã thở phào nhẹ nhõm sau khi Trung Quốc và ASEAN đạt được thỏa thuận vào tháng trước về một cái khung cho một Bộ Quy Tắc Ứng Xử về Biển Đông ((Framework on the Code of Conduct).
Singapore, quốc gia nói ít làm nhiều
Theo hai chuyên gia Singapore, việc đạt được Thỏa Thuận về Bộ Khung Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông là một tiến bộ đáng ghi nhận, và với việc ghế chủ tịch ASEAN sắp chuyển từ Philippines sang Singapore, có thể chờ đợi những bước tiến cụ thể hơn cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Lý do nằm ở hai điểm : Singapore nổi tiếng là một nước làm nhiều hơn là nói, đồng thời lại có vị trí trung lập, không có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, cho nên có tư thế nhất để thúc đẩy quan điểm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Henrick Z Tsjeng và Collin Koh trước hết nhấn mạnh đến các nỗ lực của Singapore trong việc cụ thể hóa quan hệ hợp tác giữa 18 nước trong cơ chế Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng ADMM +, bằng những đề nghị tập trận chung và giao lưu quân sự, qua đó thể hiện bản lĩnh của một quốc gia nhỏ bé nhưng nhạy bén trong vấn đề an ninh khu vực, có những trực giác tốt trong việc định hướng lối tiến tới trong vấn đề an ninh.
Dĩ nhiên là không thể chối bỏ thực tế địa chính trị gay go của tranh chấp lãnh thổ và tiến trình đàm phán lâu dài. Để có được Bộ Quy Tắc Ứng Xử cho Biển Đông, cần có những cuộc thảo luận dài lâu, và cơ chế này sẽ mất nhiều thời gian để hình thành.
Nhưng trong thời gian chờ đợi thì thực tế hiện trường đòi hỏi là những lực lượng trên biển – Hải Quân và Tuần Duyên – phải mau chóng thảo luận về cách đề phòng và giảm thiểu những cuộc chạm trán trong những vùng biển tranh chấp.
Theo hai tác giả, không nên xem nhẹ quan hệ chặt chẽ xây dựng trên nền tảng thói quen hợp tác và sự tin tưởng giữa các lực lượng an ninh ở Châu Á Thái Bình Dương để bảo đảm sao cho căng thẳng không vượt khỏi tầm kiểm soát, và hiểu lầm ở hiện trường không biến thành vòng xoáy dẫn đến đọ sức bằng vũ khí.
Một trong những sáng kiến theo hướng này Quy Tắc Ứng Xử Khi Đối Đầu Ngoài Ý Muốn Trên Biển (Code for Unplanned Encounters at Sea CUES), một thỏa thuận mà 21 lực lượng Hải Quân đã ký và đồng ý, xác định những quy tắc ở hiện trường để giải quyết các vụ chạm trán giữa các tàu hải quân.
Nhìn chung thì Hải Quân trong khu vực đều chấp hành tích cực bộ quy tắc này, như Mỹ và Trung Quốc đã thực hiện. CUES cũng nằm trong chương trình huấn luyện, thao diễn giữa một số nước trong khu vực.
Theo hai chuyên gia, đã đến lúc mở rộng CUES cho những lực lượng khác, bắt đầu bằng lực lượng tuần duyên hay cảnh sát biển, vốn hoạt động ở tuyến đầu tại những điểm nóng ở vùng biển Châu Á Thái Bình Dương, sau đó mở rộng ra cho những cơ quan khác…
Tại Đối Thoại Shangri-La tháng 6/2017, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore Ng Eng Hen đưa ra một loạt đề nghị để tránh những vụ chạm trán trên không giữa các máy bay quân sự ASEAN, theo mô hình những điều từng được Hoa Kỳ và Trung Quốc chấp nhận tháng 9/2015 và ghi trong Biên Bản Ghi Nhớ (Memorandum of Understanding) về quy tắc ứng xử cho những vụ chạm trán trên không và trên biển.
An toàn cho các tàu ngầm
Bộ trưởng Quốc Phòng Singapore cũng đã đề nghị mở rộng quy tắc CUES cho các hoạt động dưới mặt nước, dự phòng sự phát triển của hạm đội tàu ngầm : Hải Quân Châu Á -Thái Bình Dương dự kiến sẽ có từ 250 đến 300 tàu ngầm khoảng vào 2030
Trong lãnh vực này, hai tác giả đã ghi nhận một số tiến bộ trong việc tăng cường trao đổi thông tin đề phòng tàu ngầm đụng nhau trong vùng. Hải Quân Singapore chẳng hạn đã tung ra một Cổng Thông Tin về An Toàn cho Tàu Ngầm (Submarine Safety Information Portal ) vào tháng 5 năm nay, giúp nêu bật những rủi ro như lưu thông trên biển hay những chướng ngại vật ở dưới đáy biển.
Vụ đụng tàu gần đây như trường hợp chiếc USS John McCain nêu bật những mối hiểm nguy đến từ lưu thông chằng chịt trên biển trong những tuyến hẹp. Những mối hiểm nguy đối với tàu trên mặt biển này cũng không nên đánh giá thấp đối với tàu ngầm.
Với Singapore, ASEAN đi xa hơn nữa ?
Hai chuyên gia Z Tsjeng và Collin Koh đi đến kết luận : Là nước tiếp nối theo Philippines để lãnh đạo ASEAN, Singapore có nhiều cơ hội trong năm tới đây khi ASEAN và Trung Quốc có vẻ nghiêm túc bước vào thảo luận bộ Quy Tắc Ứng Xử COC.
Trong tư thế chủ tịch ASEAN, Singapore có thể tạo điều kiện dễ dàng hơn cho đối thoại giữa ASEAN và các đối tác, như thông qua Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng mở rộng ADMM+, hay Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN ARF, để mở rộng việc áp dụng các quy tắc tránh va chạm, dĩ nhiên trước tiên là trong nội bộ ASEAN và sau đó cho những đối tác bên ngoài khu vực.
Những quy tắc phải mang tính ràng buộc và chỉ riêng việc công bố những quy tắc đó sẽ giúp phát triển cung cách ứng xử tốt trên biển và trên không, dẫn đến những trao đổi tốt và giảm những tính toán sai lệch giữa các lực lượng an ninh trong vùng.
Có làm như thế thì ASEAN mới đóng góp vào hòa bình và ổn định của vùng… ASEAN đã đi qua một cách đáng khen quãng đường 50 năm, nhất là trong hợp tác an ninh. Với Singapore là chủ tịch trong năm tới đây, thì ASEAN còn có khả năng đi xa hơn nữa.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171025-singapore-len-lam-chu-tich-asean-co-may-cho-bien-dong