Tin khắp nơi – 25/10/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 25/10/2017

Dân TQ sẽ khó mua nhà ở New Zealand?

Tân Thủ tướng New Zealand vừa công bố lệnh cấm người nước ngoài, mà đa số là khách Trung Quốc và Úc, mua nhà tại đảo quốc nhỏ bé trong nỗ lực làm hạ nhiệt cơn sốt giá bất động sản ở nước này.

Bà Jacinda Ardern, 37 tuổi, người vừa lên là thủ tướng ở quốc gia 4,6 triệu dân, nói lệnh cấm này chỉ áp dụng cho những người không định cư ở New Zealand.

New Zealand hiện đang có cuộc khủng hoảng bất động sản, khiến nhiều người không mua nổi nhà.

Lãi suất thấp, nguồn cung hạn chế và người nhập cư cao đã làm giá nhà tăng mạnh trong vài năm qua.

Công dân Việt và giấc mơ căn nhà Mỹ

Bàn tròn thứ Năm: Tỷ phú bất động sản ở VN

Số người siêu giàu ở VN tăng nhanh

Trung Quốc vượt Mỹ về số tỷ phú

Mặt khác, phong cảnh thiên nhiên đẹp, có nhiều bãi biển, rừng nguyên sinh, và hệ thống giáo dục cao khiến New Zealand luôn hấp dẫn các công dân châu Á đến sinh sống.

Mua nhà gây ra nhiều vấn đề

Việc người nước ngoài sở hữu nhà và tình trạng thiếu nhà ở các thành phố lớn là các vấn đề nổi cộm trước cuộc bầu cử hồi tháng 9.

Kết quả bầu cử kết thúc chín năm cầm quyền của Đảng Quốc dân theo xu hướng bảo thủ.

“Chúng tôi đã nhất trí cấm người nước ngoài mua nhà hiện có,” nữ Thủ tướng Ardern nói hôm thứ Ba 24/10.

Bà Ardern, lãnh đạo đảng Lao Động cánh tả cũng công bố kế hoạch giảm nhập cư và tập trung tạo thêm nhiều việc làm.

Trung Quốc là một trong những quốc gia có nhiều người đầu tư vào thị trường bất động sản ở New Zealand nhất.

Theo một báo New Zealand hồi 2016, chỉ trong ba tháng đầu năm đó, chừng 60% nhà ở tại Auckland được bán cho khách hàng là nhà đầu tư Trung Quốc.

Những ‘miền đất hứa’ sau Brexit và bầu cử Mỹ

Doanh nhân TQ ‘đầu thú sau 15 năm chạy trốn’

Dự án hạt nhân TQ đầu tư ở Anh ‘đội vốn’

Ngoài ra, những người Trung Quốc đã đăng ký đóng thuế tại New Zealand mua thêm các căn nhà nữa, theo sau là công dân Úc.

Khi còn ở ghế đối lập, đảng Lao Động New Zealand, theo lời phát ngôn viên về chính sách nhà ở, ông Phil Twyford, số liệu đó không đầy đủ.

Tuy thế, ông giải thích các con số chỉ có được sau khi chính quyền yêu cầu người nước ngoài mua nhà phải đăng ký với Sở Thuế, và sau khi chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh việc ngăn chặn chuyển tiền lậu ra nước ngoài, theo báo New Zealand Herald hồi tháng 6/2016.

Thị trường nhà bị nóng không phải là vấn đề duy nhất nữ thủ tướng Ardern phải đối mặt sau khi lên nắm quyền.

Úc và New Zealand muốn có ‘TPP Trừ Một’

Có châu lục thứ tám mang tên Zealandia?

Thủ tướng New Zealand bất ngờ từ chức

Các báo New Zealand nói trong chuyến thăm tới Đà Nẵng, Việt Nam tháng 11 này, bà sẽ phải ra câu trả lời dứt khoát rằng New Zealand sẽ làm gì với TPP11.

Quan điểm của đảng Lao Động New Zealand cho tới nay chưa rõ ràng về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương mà chính phủ tiền nhiệm rất ủng hộ.

Bà Ardern vừa phát biểu TPP11, kể cả khi không còn Hoa Kỳ, vẫn cần “chỉnh sửa”.

http://www.bbc.com/vietnamese/business-41754134

 

Tập Cận Bình ‘dẫn đầu và ở lại còn lâu’

‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ trong Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc từ Đại hội 19 có gì mới mẻ, hay chỉ cách để ông Tập Cận Bình nhắm tới nhiệm kỳ ba, sau 2022?

Theo BBC News, việc đề cao “Tư tưởng Tập Cận Bình” trong điều lệ Đảng có nghĩa là nếu bất cứ ai thách thức nhà lãnh đạo quyền lực cao nhất của Trung Quốc sẽ bị coi là vi phạm quy định Đảng.

Đồng hóa mình với Đảng khiến ông Tập có vị trí không ai có thể đặt câu hỏi.

Tuy thế, đây có thể là dấu hiệu Trung Quốc chậm cải tổ và ít dám mạo hiểm trong những năm tới.

Vì mọi trách nhiệm, đúng sai sẽ dồn vào cá nhân ông Tập.

Ông Tập công bố dàn lãnh đạo mới của TQ

Ông Tập là ‘nhà lãnh đạo quyền lực nhất TQ’

Có năm gương mặt mới trong Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan chính trị gồm bảy thành viên quyền lực nhất Trung Quốc.

Trong số này, không có ai là người rõ ràng sẽ kế vị ông Tập, và đây là chỉ dấu cho thấy ông Tập đang củng cố quyền lực thay vì chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao trong trật tự.

Vậy Trung Quốc đang bước vào một ‘kỷ nguyên mới” hay lại quay về cách bố trí quyền lực cũ, tập trung vào một người như thời Mao?

Ba vòng đai quyền lựcBáo Guardian ở Anh nhận định với cách sắp xếp được nêu ra, hệ thống chính trị của Trung Quốc có thể coi như một khối ba lớp vành đai (three concentric rings):

Vòng trong cùng là cá nhân Tập Cận Bình, chính thức đóng vai trò “hạt nhân”.

Vòng thứ hai là Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản, hoàn toàn làm chủ quốc gia, bộ máy điều hành, quản trị (governance), và cả quân đội, các lực lượng vũ trang.

Vòng thứ ba là Trung Quốc và thế giới.

Tư tưởng Tập Cận Bình

Trung Quốc Mộng làm Giang Trạch Dân ngủ gật?

Bỏ lệ cũ nhưng không đặt ‘thái tử’

Nhưng khác với chờ đợi từ trước, ông Tập Cận Bình trong chỉ định ra “người kế vị”.

Ông Tập đã phá thông lệ từ thời Đặng Tiểu Bình là Tổng Bí thư chỉ định người kế nhiệm sau một nhiệm kỳ: Hồ Cẩm Đào bổ nhiệm sau khi Giang Trạch Dân nắm quyền một nhiệm kỳ, và Tập Cận Bình được chỉ định năm 2007 khi Hồ Cẩm Đào hết nhiệm kỳ đầu.

Lần này, không có ai được thăng tiến thần tốc để vào bị trí “thái tử”.

Theo BBC News, ngoài hai người ở lại là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, năm nhân vật mới vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ quá tuổi quy định vào kỳ Đại hội 20 vào năm 2022, nên sẽ không thể cạnh tranh để lên chức vị cao nhất là Tổng bí thư.

Hai nhân vật sáng giá, đủ tuổi để đến kỳ sau lên cao hơn, Trần Mẫn Nhĩ (57), và Hồ Xuân Hoa (54), thì vào Bộ Chính trị nhưng chưa được vào Ban Thường vụ, đặt ra khả năng người kế nhiệm ông Tập nếu ông rời vị trí năm 2022, vẫn còn bỏ ngỏ.

Điều này cho thấy ông Tập hoàn toàn có thể rời chức Chủ tịch nước mà theo luật chỉ có hai nhiệm kỳ, để ở lại chức Tổng Bí thư Đảng (không hạn chế nhiệm kỳ), và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, như một bình luận trên New York Times.

Nếu mọi việc diễn ra như vậy thì tuy là bỏ lệ cũ, không bổ nhiệm người kế vị sau một nhiệm kỳ, ông Tập lại phải quay về một lệ cũ như thời Giang Trạch Dân là ở lại quá hai nhiệm kỳ ở chức vụ mang tính “giám sát”, nhằm đảm bảo di sản của ông được duy trì.

Bổn cũ soạn lại?

Trong 14 điểm nêu ra để ‘dùng Đảng trị quốc’ của ban lãnh đạo cho năm năm tới mới tại Trung Quốc có mấy điểm đáng chú ý:

“Cải tổ toàn diện, phát triển các ý tưởng mới”: điều này không mới hơn các khẩu hiệu Đặng Tiểu Bình nêu ra thời Khai phóng là cần dùng các ý tưởng mới mẻ để cải tổ bộ máy sao cho thích ứng với điều kiện kinh tế – xã hội luôn chuyển động.

Giới lập pháp Hong Kong phản đối

Hong Kong đánh dấu 20 năm chuyển giao

Hong Kong thả người biểu tình phản đối

“Sinh hoạt hài hoà giữa con người và thiên nhiên”: Vừa cũ vừa mới: Tuy thay đổi đôi chút về từ ngữ, đây là khẩu hiệu thời Hồ Cẩm Đào về xã hội phát triển “hài hoà”.

Với Tập Cận Bình, kỷ nguyên mới của Trung Quốc gồm cả “môi trường sạch”, điều ông đã nêu ra khi Trung Quốc hứa thực hiện các cam kết về năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu.

Nhấn mạnh “một quốc gia hai chế độ” và “thống nhất tổ quốc” để nhắc tới Hong Kong và Đài Loan: Đây là vấn đề không mới, đã có từ hàng chục năm qua.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41747565

 

Ông Tập công bố dàn lãnh đạo mới của TQ

Trung Quốc vừa công bố danh sách dàn tân lãnh đạo, những người sẽ làm việc dưới quyền Chủ tịch Tập Cận Bình trong thời gian 5 năm tới.

Có năm gương mặt mới trong Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan chính trị gồm bảy thành viên quyền lực nhất Trung Quốc.

Trong số này, không có ai là người rõ ràng sẽ kế vị ông Tập, và đây là chỉ dấu cho thấy ông Tập đang củng cố quyền lực thay vì chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao trong trật tự.

Ông Tập là ‘nhà lãnh đạo quyền lực nhất TQ’

Tư tưởng Tập Cận Bình

Tân Ủy ban Thường vụ đã ra mặt tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Phó thủ tướng Uông Dương nay trở thành Phó thủ tướng Thường trực của Trung Quốc, và Bí thư Thượng Hải Hàn Chính được thăng chức lên làm lãnh đạo Hội nghị Hiệp Chính trị Nhân dân Trung Quốc.

Các tân thành viên khác gồm các ông Triệu Lạc Tế, Lật Chiến Thư và Vương Hộ Ninh, bên cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong vài thập kỷ qua luôn chỉ định một hoặc một vài người sẽ trở thành người kế cận tham gia Thường vụ ngay từ đầu nhiệm kỳ cuối cùng của mình, để thể hiện rõ những ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo kế tiếp của đất nước.

Đã có những đồn đoán rằng ông Tập sẽ cất nhắc ‘đệ tử ruột’ Trần Mẫn Nhĩ và Bí thư Quảng Đông Hồ Xuân Hoa, đều là những gương mặt đủ trẻ để trở thành người kế cận

Tuy nhiên, việc hai người này không có mặt trong Thường vụ Bộ Chính trị sẽ làm dấy lên đồn đoán về việc ông Tập có ý ngồi lại lâu hơn cũng như ai cuối cùng sẽ là người thay thế ông.

Danh sách bảy ủy viên Thường vụ và 25 thành viên Bộ chính trị được công bố vào lúc bế mạc Đại hội Đảng, sự kiện chính trị quan trọng nhất của Trung Quốc.

Các đại biểu dự họp đã bầu chọn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, gồm khoảng 200 thành viên và sẽ nhóm họp mỗi năm hai lần.

Trung Quốc Mộng làm Giang Trạch Dân ngủ gật?

‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ ghi vào Điều lệ Đảng?

Đã có những đồn đoán rằng ông Tập sẽ giảm bớt quy mô của Thường vụ từ bảy xuống còn năm người nhằm thắt chặt kiểm soát hơn nữa, tuy nhiên, tin này đến nay đã không chính xác.

Một số hãng tin tức quốc tế, trong đó có cả BBC, đã không được phép vào dự lễ công bố các tân thành viên tại Đại lễ đường Nhân dân.

Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài tại Trung Quốc ra tuyên bố nói việc này “hoàn toàn vi phạm các nguyên tắc về tự do báo chí”.

http://www.bbc.com/vietnamese/world-41745515

 

Mâu Thuẫn Cơ Bản Của Trung Quốc

Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA

Khai mạc Đại hội Khóa 19 của đảng Cộng sản Trung Hoa, Tổng bí thư Tập Cận Bình trình bày những tiến bộ về kinh tế, xã hội và ngoại giao của Trung Quốc trong năm năm qua và thông báo Trung Quốc đã bước vào một kỷ nguyên mới với nhiều cải cách ưu tiên mà đảng sẽ thi hành. Nhưng, cũng trong báo cáo rất dài, lãnh tụ đầy quyền thế của Bắc Kinh lại nhấn mạnh tới nhiều thách đố đang chờ đợi đảng Cộng sản. Những thách đố ấy là gì, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sau đây.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong báo cáo đọc hơn ba tiếng đồng hồ để khai mạc Đại hội Khóa 19 tại Bắc Kinh, Tổng bí thư Tập Cận Bình nói đến nhiều thành tựu của Trung Quốc trong năm năm qua nhưng lại nhấn mạnh đến nhiều thách đố đang chờ đợi đảng Cộng sản. Có lẽ thính giả của chúng ta cũng muốn biết những thách đố này là gì. Ông nghĩ sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi thiển nghĩ là từ một lãnh tụ có tham vọng đứng ngang Mao Trạch Đông và để lại cho hậu thế một hệ thống tư tưởng như họ Mao và Đặng Tiểu Bình thì ta cần thêm thời gian tìm hiểu. Nhưng đã nhắc đến Mao và Đặng thì tôi chú ý đến một điều được ông Tập Cận Bình nhấn mạnh trong bài diễn văn trường giang đại hải, rằng “mâu thuẫn cơ bản” đang chờ đợi Trung Quốc cũng đã thay đổi. Thế nào là mâu thuẫn cơ bản và nó thay đổi ra sao? Nếu phân tích điều ấy thì may ra ta hiểu được những thách đố đang chờ đợi đảng Cộng sản.

Nguyên Lam: Thưa ông, như vậy, có phải rằng ta cần tìm hiểu thế nào là “mâu thuẫn cơ bản”, rồi mâu thuẫn đó đã đổi thay như thế nào qua nhiều thời kỳ để trở thành những thách đố mới cho đảng Cộng sản ngày nay không?

Trong năm năm lãnh đạo đã qua, Tập Cận Bình muốn cải cách và chuyển hướng mà chưa xong. – Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi xin tạm định nghĩa phạm trù “mâu thuẫn cơ bản” này là nhiệm vụ cốt lõi mà đảng phải khắc phục vào từng thời kỳ và xin nhắc lại là đảng Cộng sản Trung Hoa ra đời năm 1921, cách nay gần trăm năm. Khi ấy Trung Quốc nghèo nàn lạc hậu, bị ngoại bang xâu xé, và bên trong thì phân hóa. Đảng Cộng sản ra đời với tham vọng giải quyết mâu thuẫn cơ bản đó. Họ thành công vào năm 1949 khi Trung Hoa giành lại độc lập mà lại gặp mâu thuẫn cơ bản khác, là di sản của tình trạng phân hóa nội bộ trong khi dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông thì đảng phải cải tạo và xây dựng lại một xã hội bình đẳng và công bằng hơn. Hậu quả là đảng lại gây ra khủng hoảng kinh tế và chính trị khiến mấy chục triệu người thiệt mạng trong 30 năm đầu. Từ khi Đặng Tiểu Bình thâu tóm được quyền lực kể từ năm 1979 thì mâu thuẫn cơ bản cũng thay đổi, đó là đảng phải cải cách cho dân được đủ no và quốc gia được phú cường.

Nguyên Lam: Ông vừa tóm lược các mâu thuẫn cơ bản nối tiếp mà đảng Cộng sản Trung Hoa phải giải quyết qua nhiều thời kỳ khác nhau. Ngày nay, nếu ông Tập Cận Bình cho là đảng do ông ta lãnh đạo sẽ phải đối đầu với mâu thuẫn cơ bản khác thì mâu thuẫn đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thuần về kinh tế, vốn dĩ là nội dung của tiết mục này, tôi cho rằng mâu thuẫn cơ bản mà Tập Cận Bình nói tới là tình trạng phát triển thiếu cân đối và không phối hợp trong khi người dân lại có những khát khao cao hơn trước. Mâu thuẫn này thật ra đã được thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm là Hồ Cẩm Đào nói tới từ mươi năm rồi, đó là không cân đối, không phối hợp, không công bằng và không bền vững. Đảng không khắc phục nổi mâu thuẫn ấy vì vụ Tổng suy trầm năm 2008 còn gây thêm nhiều vấn đề mới, kể cả một núi nợ có thể sụp đổ. Trong năm năm lãnh đạo đã qua, Tập Cận Bình muốn cải cách và chuyển hướng mà chưa xong. Ông chỉ thành công về chính trị là tập trung quyền lực vào trong tay mình. Bây giờ, ông đang đối diện với mâu thuẫn cơ bản mới là kinh tế hết tăng trưởng mạnh như trong 30 năm đầu của thời cải cách mà đảng vẫn phải xây dựng được một xã hội hài hòa, không có quá nhiều dị biệt về lợi tức và nhận thức.

Nguyên Lam: Nếu ông phân tích như vậy thì có lẽ người ta hiểu ra những thách đố và cơ hội mà Tổng bí thư Tập Cận Bình nhắc tới trong bài diễn văn khai mạc Đại hội 19. Theo như ông thấy thì những thách đố ấy là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Ta không quên một mâu thuẫn nằm trong địa dư hình thể Trung Quốc là sự trù phú của các tỉnh duyên hải tại miền Đông đối chiếu với sự nghèo khốn lạc hậu của các tỉnh bị khóa trong lục địa. Vì mâu thuẫn này mà sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách và cởi mở, các tỉnh miền Đông làm giàu khá nhanh trong khi các tỉnh bên trong vẫn còn nghèo và cảm thấy là bị tụt hậu. Nếu muốn xây dựng một xã hội hài hòa không có qúa nhiều dị biệt nguy hiểm về chính trị thì đảng phải tập trung quyền lực và quyết định tái phân phối lợi tức từ các đô thị và địa phương trù phú về vùng thôn quê và các địa phương hoang vu nghèo khổ.

– Nhìn cách khác thì Tập Cận Bình có thể hài lòng với thành tích ông nhấn mạnh Tháng Chín năm ngoái tại Thượng đỉnh của nhóm G-20 ở Hàng Châu là Trung Quốc đã đưa 700 triệu dân ra khỏi tình trạng bần cùng. Nhưng ra khỏi sự bần cùng và lên tới cấp trung lưu thì cũng mới chỉ có chừng 400 triệu, tức là hơn 900 triệu người kia mới chỉ tạm đủ sống thôi. Làm sao san sẻ cho nhau một cái bánh vẫn còn quá nhỏ như vậy? Việc họ Tập diệt trừ tham nhũng có thể làm dân đen hể hả, nhưng họ cũng cần cái gì cụ thể hơn, trong khi đó, đảng viên ở nơi thịnh vượng chưa chắc gì đã ủng hộ việc tái phân lợi tức mà trung ương sẽ thi hành trong thời gian tới.

Nghĩa là từ nay, bất cứ ai nói khác nghĩ khác với Tập Cận Bình là sẽ mang tội chống đảng. – Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Khi ấy, người ta không quên được một bài toán tích lũy từ nạn Tổng suy trầm năm 2008 là núi nợ quá cao của Trung Quốc, bên trong là các khoản nợ của doanh nghiệp và của các chính quyền địa phương. Kỳ trước, ông đã trình bày vấn đề này, bây giờ, thưa ông mâu thuẫn cơ bản mà Tổng bí thư Tập Cận Bình sẽ phải giải quyết trong nhiệm kỳ hai là làm sau san sẻ ngân sách từ trung ương cho các địa phương nghèo nàn và mắc nợ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thưa rằng đấy là bài toán thuộc loại cổ điển mà các thế hệ trước đã gặp nhưng giải quyết không xong. Muốn phát triển những vùng lạc hậu thì ai cũng có thể nghĩ đến các kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở, đến việc quản lý đất đai và ngân sách theo ưu tiên mới do trung ương đề ra. Thời Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ gần 20 năm trước, rồi đến thời Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cũng vạch ra các ưu tiên đó để phát triển miền Tây mà không xong. Trong khi ấy, các tỉnh duyên hải lẫn thế lực kinh tế chính trị trong đảng vẫn nhìn qua hướng khác và kín đáo cản trở các ưu tiên này của trung ương. Bây giờ khi Tập Cận Bình đề ra sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ để khai thông các khu vực lạc hậu trong nội địa thì cũng mất cả chục năm và ngàn tỷ.

Nguyên Lam: Câu hỏi cuối, thưa ông. Có phải là vì vậy mà ông Tập Cận Bình mới thâu tóm quyền lực và có khi còn muốn lãnh đạo lâu hơn hai nhiệm kỳ để thực hiện cho xong việc đó?

Nguyễn-Xuân Nghĩa – Thưa vâng, vì thế Tập Cận Bình mới tổ chức lại hệ thống chính trị với quyền lực tập trung vào trong tay cá nhân và khích lệ quốc dân với nhiều hứa hẹn về một kỷ nguyên mới nhưng vô hình chung ông ta lại đi vào con đường của Mao Trạch Đông với tư tưởng có giá trị chỉ đạo, được những kẻ thân tín xưng tụng với lòng sùng bái. Nghĩa là từ nay, bất cứ ai nói khác nghĩ khác với Tập Cận Bình là sẽ mang tội chống đảng. Nhưng chưa chắc hệ thống cực quyền trong tay một cá nhân đã giải quyết được mâu thuẫn cơ bản ấy. Kết cuộc thì ta chỉ thấy ách độc tài được củng cố trong một xã hội có đầy bất mãn, chưa nói gì đến phản ứng lo ngại của các nước lân bang trước một nước chưa hùng mà đã hung. Chúng ta sẽ còn thời gian theo dõi chuyện này nhưng đừng quên rằng người dân và thị trường cũng có cách phản ứng khác chứ thế giới và nước Tầu đã ra khỏi thời hoang tưởng chết người của Mao Trạch Đông. Hóa ra con người tiên tiến và đầy quyền lực là Tập Cận Bình đã loay hoay mãi rồi lại xoay về chốn cũ và đấy cũng là một mâu thuẫn cơ bản của Trung Quốc.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/chinese-fundamental-contradiction-10242017132530.html

 

Tổng thống Trump không dự Thượng Đỉnh Đông Á

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ không tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á (EAS) được tổ chức tại Philippines vào tháng tới.

Nhà Trắng vào ngày 24 tháng 10 cho biết tổng thống Donald Trump sẽ lên máy bay trở về lại Mỹ vào ngày 14 tháng 11. Đó là thời điểm diễn ra  Thượng Đỉnh Đông Á.

Nhà Trắng không cho biết lý do vì sao tổng thống Donald Trump phải rút ngắn chuyến đi theo như kế hoạch đưa ra trước đây.

Tờ Washington Post loan đầu tiên về tin vừa nêu. Báo này dẫn lời một phát ngôn nhân Hội Đồng An Ninh Quốc gia Hoa Kỳ rằng tổng thống Donald Trump sẽ đến Manila trong hai ngày 12 và 13 tháng 11; tuy nhiên ông sẽ không đến thành phố Angeles, cách Manila chừng 52 dặm, để tham dự Thượng đỉnh Đông Á. Đây là hội nghị hằng năm của nguyên thủ các quốc gia châu Á và thế giới tập trung vào vấn đề tương lai chiến lược của khu vực.

Người phát ngôn Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ  được dẫn lời rằng chuyến Á du sắp đến của tổng thống Donald Trump là chuyến dài ngày nhất của ông này cho đến nay; do vậy việc rút ngắn là hoàn toàn vì lịch trình. Vị này nói thêm là đừng suy diễn gì về việc vắng mặt của tổng thống Donald Trump tại Thượng Đỉnh Đông Á năm nay ở Philippines.

Giới chuyên gia và một số cựu quan chức thì cho rằng việc tổng thống Donald Trump không tham dự Thượng Đỉnh Đông Á ngay trong năm đầu tiên tại vị là dấu chỉ cho thấy ông không thích thú đối với tổ chức đó.

Washington Post trích lời cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Myanmar, ông Derek Mitchell, rằng chính quyền của tổng thống Barack Obama có quan điểm đầu tư vào các định chế khu vực nhằm chứng tỏ Hoa Kỳ là một cường quốc Thái Bình Dương.

Tổng thống Barack Obama là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên tham dự Thượng đỉnh Đông Á vào năm 2011, và những năm sau đó trong cương vị tổng thống nước Mỹ, ông đều tham dự chỉ trừ năm 2013. Năm đó tổng thống Barack Obama phải hủy chuyến đi vì tình trạng đóng cửa chính phủ Mỹ vì vấn đề ngân sách.

Theo ông Derek Mitchell thì Thượng đỉnh Đông Á năm nay được lên lịch sát với những hội nghị khu vực khác, gồm cả Thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC). Mục đích đặc biệt nhằm để tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể tham dự; dù rằng có thể bất lợi cho những người khác.

Chuyên gia cấp cao Ernest Bower thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược & Quốc Tế (CSIS) ở Washington DC cho rằng Thượng đỉnh Đông Á độc đáo ở chỗ tập trung vào những vấn đề chiến lược lớn hơn so với các vấn đề kinh tế là chủ đề của APEC.

Thượng đỉnh Đông Á qui tụ nguyên thủ của 10 nước ASEAN cộng với Nga, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/trump-to-hop-a-flight-home-from-the-philippines-instead-of-attending-east-asia-summit-10252017133513.html

 

Các nhà đàm phán TPP họp vào tuần tới tại Nhật

Các nhà đàm phán từ 11 quốc gia thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tổ chức một cuộc họp kéo dài ba ngày tại Nhật Bản vào tuần tới. Cuộc họp nhằm mục đích giúp các bên đạt được thỏa thuận vào tháng 11 tới đây tại Việt Nam.

Thông tin vừa nêu được Chính phủ Nhật Bản công bố vào ngày 24/10.

Hãng thông tấn Kyodo của Nhật dẫn lời ông Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Phục hồi kinh tế Nhật Bản, cũng là người chịu trách nhiệm về đàm phán thương mại TPP cho Nhật Bản, nói rằng cuộc họp sẽ diễn ra từ ngày 30 tháng 10 tại Urayasu, quận Chiba, phía đông Tokyo.

TPP đã được được 12 quốc gia ký kết vào tháng 2 năm 2016. Những nước tham gia ký gồm Australia, Brunei, Canada, Chilê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Những thành viên này chiếm khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu. Sau khi lên nhậm chức vào đầu năm nay, Tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP.

Nhật Bản vẫn nổ lực duy trì hiệp định mậu dịch này và cùng các nước đối tác còn lại trong TPP đàm phán nhiều lần trong suốt thời gian qua.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tpp-negotiators-to-meet-in-japan-next-week-10252017095809.html

 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ thăm Ấn Độ

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tilerson gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/10 nhân chuyến thăm đến châu Á.

Chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Tilerson diễn ra sau phát biểu được ông đưa ra vào tuần trước ở Washington là Hoa Kỳ muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác với Ấn Độ, nước được Hoa Kỳ coi là đối tác quan trọng để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á.

Nhân chuyến thăm này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng gặp cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ là ông Ajit Doval, và Ngoại trưởng Sushma Swaraj.

Hiện Ấn Độ là một thị trường quan trọng của Mỹ. Kim ngạch thương mại hai chiều vào năm ngoái đạt 115 tỷ đô la. Hai nước dự kiến sẽ đưa con số này lên thành 500 tỷ đô la đến năm 2022.

Hợp tác quốc phòng giữa hai nước cũng phát triển nhanh trong thời gian qua. Các công ty sản xuất thiết bị quốc phòng lớn của Mỹ như Lockheed Martin và Boeing đang đề nghị thiết lập các dây chuyền sản xuất lớn ở Ấn Độ để có thể cung cấp cho các hợp đồng trị giá hàng tỷ đô la.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/tillerson-to-meet-india-s-modi-amid-china-s-rising-influence-in-asia-10252017090638.html

 

Cuba: ‘Vũ khí siêu thanh là khoa học giả tưởng’

Các nhà điều tra Cuba đang tìm hiểu cáo buộc theo đó nhiều nhà ngoại giao Mỹ có thể bị thương tổn vì một thiết bị siêu thanh ở La Havana, miêu tả những lời cáo buộc đó là “khoa học giả tưởng”, và tố cáo Hoa Kỳ đã vu oan cho họ.

Ba quan chức và một bác sĩ dẫn đầu cuộc điều tra khẳng định với hãng tin Reuters rằng Cuba không có các thiết bị đó, đồng thời bác bỏ bất cứ thiết bị nào như vậy có thê được sử dụng mà không ảnh hưởng tới sức khỏe của những người khác, hay gây sự chú ý.

Các nhà điều tra Cuba nói họ không được phép khám những người Mỹ đã bị ảnh hưởng.

Sau khi lắng nghe những mẫu âm thanh được Hoa Kỳ cung cấp, nhà điều tra của Bộ Nội Vụ Cuba, Roberto Hernandez, nói với Reuters:

“Chúng tôi không thể chứng minh là sự cố này thực sự đã xảy ra, và cũng không chứng minh được những âm thanh mà chúng tôi phân tích có thể làm tổn thương sức khỏe con người.”

Toà Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao chưa đưa ra bình luận nào về bản tin của Reuters.

Hoa Kỳ nói 24 nhà ngoại giao và công dân Mỹ khác đã bị tổn thương thính giác, và mắc chứng các nhức đầu, choáng váng vì một vũ khí bị nghi là vũ khí siêu thanh, lắp đặt bên ngoài nhà của họ ở Havana.

15 nhà ngoại giao Cuba đã bị trục xuất khỏi thủ đô Washington, như một cách đáp ứng trước vụ việc này.

Các nhà ngoại giao Mỹ cho tới nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc chính xác của những tiếng động, hoặc thông tin chính xác về bất cứ nghi can nào.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã quy lỗi cho Cuba, nhưng không nêu bất cứ tên ai hoặc tổ chức nào, phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công này.

https://www.voatiengviet.com/a/cuba-vu-khi-sieu-thanh-la-khoa-hoc-gia-tuong/4085821.html

 

Mỹ đình hoãn xét duyệt tị nạn cho công dân từ 11 nước

Chính quyền Mỹ sẽ tạm thời trì hoãn việc giải quyết hồ sơ xin tị nạn của hầu hết ứng viên từ 11 quốc gia được xem là có “nguy cơ cao,” theo bản ghi nhớ của các giới chức hàng đầu trong nội các đệ trình Tổng thống Donald Trump.

Bản ghi nhớ được chính quyền Trump cung cấp cho các thành viên bên Quốc hội chiều ngày 24/10 nêu rõ phía hành pháp sẽ “tiến hành đánh giá, phân tích chi tiết về các mối đe dọa” đối với công dân từ 11 nước ‘nguy cơ cao. Trong khi đó, chính quyền sẽ tạm thời ưu tiên cho đơn xin tị nạn của công dân các nước khác.

Chính quyền của Tổng thống Trump cũng tạm thời ngưng chương trình cho phép dân tị nạn đang ở Mỹ xin cho thân nhân của họ từ nước ngoài sang Mỹ đoàn tụ với họ cho tới khi nào có thêm biện pháp an ninh được thực thi trong chương trình này.

Bản ghi nhớ có chữ ký của Ngoại trưởng Rex Tillerson, quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Elaine Duke, và Giám đốc Cơ quan tình báo Quốc gia, Dan Coats.

https://www.voatiengviet.com/a/my-dinh-hoan-xet-duyet-ti-nan-cho-cong-dan-tu-11-nuoc/4084690.html

 

Tăng cường rà soát an ninh các chuyến bay tới Mỹ

Các biện pháp an ninh mới bao gồm rà soát hành khách nghiêm ngặt hơn bắt đầu có hiệu lực ngày 26/10 trên tất cả các chuyến bay tới Mỹ để tuân thủ những quy định của chính phủ thay vì một lệnh cấm tuyệt đối không mang máy laptop lên cabin, các hãng hàng không nói với Reuters.

Các hãng hàng không mà Reuters liên lạc cho biết các biện pháp mới, có thể bao gồm các cuộc phỏng vấn an ninh ngắn với hành khách, tới thứ Năm này sẽ được áp dụng.

Những biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến 325.000 hành khách trên 2.000 chuyến bay thương mại đến Mỹ mỗi ngày, trên 180 hãng hàng không từ 280 sân bay ở 105 quốc gia.

Mỹ công bố các quy định mới vào tháng 6 để chấm dứt những hạn chế về các thiết bị điện tử xách tay lên máy bay xuất phát từ 10 sân bay ở tám nước ở vùng Trung Đông và Bắc Phi để đáp lại các mối đe dọa an ninh không xác định cụ thể.

Những hạn chế này đã được dỡ bỏ vào tháng 7, nhưng chính quyền Trump cho biết họ có thể áp đặt lại các biện pháp này trên cơ sở từng trường hợp nếu các hãng hàng không và các sân bay không tăng cường an ninh.

Các quan chức châu Âu và Mỹ nói với Reuters vào thời điểm đó rằng các hãng hàng không có 120 ngày để tuân thủ các biện pháp này, bao gồm tăng cường kiểm tra rà soát hành khách. Hạn chót cho khoảng thời gian 120 ngày là thứ Năm. Các hãng hàng không có đến cuối tháng 7 để mở rộng việc thử nghiệm phát hiện dấu vết chất nổ.

Nhà chức trách Mỹ vào tháng 6 cũng tăng cường an ninh quanh máy bay và trong các khu vực hành khách, và ở những nơi khác mà hành khách có thể được giới chức Mỹ kiểm tra an ninh trước khi rời đi.

https://www.voatiengviet.com/a/tang-cuong-ra-soat-an-ninh-cac-chuyen-bay-toi-my/4084675.html

 

Phe Cộng hòa Hạ viện

điều tra quyết định của FBI về vụ email của Clinton

Các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa hôm thứ Ba đã khởi động một cuộc điều tra về một trong những nỗi bất mãn chính trị của Tổng thống Donald Trump là cuộc điều tra của FBI nhắm vào những email của bà Hillary Clinton.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Bob Goodlatte và Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Trey Gowdy loan báo một cuộc điều tra nhằm giải quyết “những câu hỏi còn tồn đọng” về việc tại sao cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang James Comey lại công khai tiết lộ cuộc điều tra của cục về bà Clinton nhưng không bao giờ tiết lộ cuộc điều tra nhắm vào các cộng sự của ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016.

“Các cuộc điều tra này được khởi xướng trên cơ sở đảng phái, và sẽ không làm sáng tỏ điều gì về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016, chúng không có chủ đích như vậy,” Dân biểu Adam Schiff, nghị sĩ Đảng Dân chủ hàng đầu của Ủy ban Tình báo Hạ viện, nói hôm thứ Ba trong một thông cáo.

Thay vào đó, ông Schiff nói, “chúng được thiết kế để gây phân tán sự chú ý và theo đuổi mục tiêu mà Tổng thống muốn là công kích Clinton và Obama.”

Các nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội cũng đang điều tra xem các quan chức trong chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama có do thám ban vận động tranh cử của ông Trump hay không và liệu Nga có giúp trả tiền cho một hồ sơ về ông Trump được ủy thác thực hiện bởi công ty Fusion GPS, một công ty chuyên truy tìm điểm yếu của ứng viên chính trị, hay không. Cho tới giờ, không có bằng chứng nào củng cố cả hai cáo buộc đó.

Bà Clinton là đối thủ Đảng Dân chủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 của Mỹ và đã đối diện với những câu hỏi về cách thức bà xử lý những tài liệu mật sau khi tin tức công khai rằng bà đã sử dụng một máy chủ email cá nhân trong nhà riêng để làm công vụ.

Kể từ khi chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống vào năm ngoái, ông Trump đã bị đeo bám bởi những câu hỏi về những nỗ lực của Nga nhằm thao túng cuộc bầu cử của Mỹ và liệu bất kỳ cố vấn vận động tranh cử nào của ông, một số người trong đó có liên lạc với các quan chức Nga, có dính líu hay không.

https://www.voatiengviet.com/a/phe-cong-hoa-ha-vien-dieu-tra-quyet-dinh-cua-fbi-ve-vu-email-cua-clinton/4084665.html

 

Ủy ban Hạ viện điều tra vụ công ty Nga mua uranium của Mỹ

Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa của hai ủy ban tại Hạ viện Mỹ đã khởi động một cuộc điều tra vào thứ Ba về vụ một công ty Nga mua một công ty Canada sở hữu khoảng 20 phần trăm uranium của Mỹ vài năm trước.

Các nhà lập pháp Cộng hòa nói rằng họ muốn biết liệu giao dịch này có được FBI hay các cơ quan khác điều tra đầy đủ hay không trước khi nó được phê chuẩn bởi một ban giám sát đầu tư nước ngoài vào các tài sản chiến lược của Mỹ.

Một số nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố rằng Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời bà Hillary Clinton lãnh đạo đã chấp thuận thương vụ này sau khi tổ chức từ thiện của chồng bà nhận được khoản quyên góp trị giá 145 triệu đôla Mỹ, nhưng Bộ Ngoại giao chỉ kiểm soát một ghế trong ban phê chuẩn giao dịch này và báo The New York Times đã đưa tin rằng bà Clinton không tham gia vào quyết định này.

https://www.voatiengviet.com/a/phe-cong-hoa-ha-vien-dieu-tra-cua-nga-mua-uranium-cua-my/4084661.html

 

Nghị sĩ đối lập Campuchia được Vua ân xá

Một thượng nghị sĩ của đảng đối lập chủ yếu ở Campuchia đã được ân xá hôm thứ Tư khỏi bản án 7 năm tù giam vì một tài liệu tải lên Facebook, trong một dấu hiệu hòa giải đến từ Thủ Tướng Hun Sen đối với các đối thủ của ông.

Một chiến dịch đàn áp Đảng Cứu Quốc Campuchia (CNRP) dẫn đến việc bắt giữ lãnh đạo đảng Kem Sokha về tội phản bội, và một nỗ lực của chính quyền Campuchia đòi giải tán đảng CNRP. Quyết định này đã bị các nước tài trợ phương Tây phản đối.

Thượng nghị sĩ Hong Sok Hour, 59 tuổi, bị tuyên án hồi năm ngoái về một tài liệu chính phủ giả mạo mà ông tải lên Facebook, nói rằng Campuchia và Việt Nam đã quyết định xóa đường biên giới giữa hai nước.

Đây là một vấn đề nhạy cảm ở Campuchia, nơi những người chống đối Thủ Tướng Hun Sen vẫn tố cáo ông là bù nhìn của Việt Nam từ khi ông được đưa vào vị trí hiện tại vào năm 1985, khi Việt Nam chiếm đóng Campuchia sau khi lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Ông Hong Sok Hour đã được Quốc vương Norodom Sihamoni ân xá theo yêu cầu của Thủ Tướng Hun Sen.

Những người chỉ trích ông Hun Sen tố cáo ông là tìm cách biến Campuchia thành một quốc gia độc đảng dưới quyền cai trị của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), để bảo đảm ông lại chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm tới mà không gặp thách thức nào đáng kể.

Phe đối lập tán thành lệnh ân xá. Bà Mu Sochua, người đứng phó cho ông Kem Sokha đã chạy ra nước ngoài sống lưu vong vì sợ cũng sẽ bị bắt giữ, nói:

“Đây là một dấu hiệu tích cực, mỗi lần có lệnh ân xá cùa nhà vua, thì tình hình chính trị lại lắng dịu.”

Tuy nhiên, hôm thứ Tư ông Hun Sen tái khẳng định sẽ giải tán đảng CNRP, và bất cứ quan chức dân cử nào từ bỏ đảng đối lập để gia nhập đảng của ông, sẽ được giữ chức vụ hiện tại.

https://www.voatiengviet.com/a/nghi-si-doi-lap-campuchia-duoc-vua-an-xa/4086066.html

 

TQ nói hoan nghênh báo chí nước ngoài, dù có ngoại lệ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 25/10 nói rằng các nhà báo nước ngoài hãy đi khắp đất nước ông và tường thuật nhiều hơn nữa, cho dù 5 hãng tin lớn tầm cỡ thế giới rơi vào tình trạng không được mời đến đưa tin về bài phát biểu của ông.

BBC, The Economist, The Financial Times, The Guardian và The New York Times đã không được mời đến sự kiện trong đó ông Tập giới thiệu đội ngũ lãnh đạo mới của mình sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức 5 năm một lần, Câu lạc bộ Phóng viên Thường trú Nước ngoài của Trung Quốc (FCCC) cho hay.

“Chúng tôi khuyến khích các phóng viên đi và quan sát Trung Quốc nhiều hơn … để tìm hiểu và tiếp tục tường thuật về thêm nhiều khía cạnh của Trung Quốc”, ông Tập nói tại cuộc gặp gỡ các nhà báo Trung Quốc và quốc tế.

Ông đã không có phần hỏi đáp với các phóng viên. Ông nói: “Chúng tôi không cần lời tán dương của người khác. Tuy nhiên, chúng tôi hoan nghênh các tường thuật khách quan và những góp ý xây dựng”.

Dưới thời ông Tập, Trung Quốc đã tăng cường kiểm duyệt và thắt chặt kiểm soát trên internet và nhiều mặt khác nhau của xã hội dân sự.

Theo các nhóm giám sát truyền thông, các điều kiện đưa tin của các nhà báo nước ngoài ở Trung Quốc đã xấu đi trong những năm gần đây, trong đó có việc họ không được phép đến nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc, kể cả Tây Tạng.

FCCC chỉ trích việc không cho các hãng tin phương Tây được tham dự sự kiện.

https://www.voatiengviet.com/a/tq-noi-hoan-nghenh-bao-chi-nuoc-ngoai-du-co-ngoai-le/4085742.html

Irak : Bagdad chuẩn bị

tiêu diệt các ổ kháng cự cuối cùng của Daech

Quân đội Irak đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công tái chiếm những vùng lãnh thổ cuối cùng còn nằm dưới quyền kiểm soát của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech tại Irak, nằm ở vùng giáp giới với Syria ở phía tây đất nước. Không quân Irak vào hôm nay, 25/10/2017 đã cho rải truyền đơn trên các khu vực nói trên để thông báo chiến dịch này.

Nội dung truyền đơn rải xuống khu vực biên giới Al Kaim và Rawa kêu gọi dân chúng trong các khu vực sắp bị tấn công là hãy khuyên can các chiến binh Daech là nên đầu hàng, buông súng và đến ngay các ngôi nhà có treo cờ trắng khi quân đội Irak tiến vào.

Chính quyền Bagdad hiện đang phải có mặt trên hai trận tuyến, vừa tiêu diệt tàn quân của Daech, vừa đối phó với phong trào đòi ly khai của người Kurdistan, vốn đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lậphôm 25/09 vừa qua.

Mặt trận Kurdistan

Bị quân chính phủ tấn công trong những ngày qua, và để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, chính quyền vùng Kurdistan thuộc Irak hôm nay, 25/10/2017 đã đề nghị « đóng băng » kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Chính quyền vùng tự trị Kurdistan kêu gọi chính quyền trung ương ngừng bắn và ngồi vào bàn đối thoại.

Tuy vậy, từ 10 ngày qua, quân đội liên bang Irak vẫn tiếp tục tiến quân giành lại những vùng đất mà người Kurdistan đã kiểm soát từ năm 2003. Từ Erbil, thủ phủ vùng Kurdistan, đặc phái viên Wilson Fache tường trình :

Sau một ngày đối đầu mới, thông báo được đưa ra vào khoảng 1 giờ sáng nay. Quyết định đã được đón nhận một cách khác nhau, vừa nhẹ nhõm, vừa hoang mang, xen lẫn tức giận.

Một số người cáo buộc Bagdad đã đi quá xa và quá thô bạo. Còn một số người khác thì tố cáo người bày ra cuộc trưng cầu dân ý là lãnh đạo vùng Kurdistan Massoud Barzani. Nhiều người Kurdistan đã cáo buộc ông Barzani là đã mang số phận vùng Kurdistan ra để đánh cuộc, đã phán đoán sai lệch.

Một nghị sĩ vùng Kurdistan thì cho rằng việc ra quyết định đóng băng kết quả trưng cầu dân ý đã quá trễ. Một thanh niên đã giải thích với tôi rằng, anh ta cảm thấy bị cả chính phủ Irak lẫn chính quyền Kurdistan phản bội.

Chính quyền Kurdistan có vẻ như đã đầu hàng Bagdad. Phải nói rằng trong những ngày qua, vùng tự trị này đã liên tiếp bị thất trận và đang dần sụp đổ. Họ đã mất đi rất nhiều vùng đất trước đây thuộc quyền kiểm soát của họ, cũng như mất đi những vùng có trữ lượng dầu lớn.

Tóm lại, sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 25/09/2017 vừa qua, có vẻ như chính quyền Kurdistan không thể tiếp tục chống chọi với những biện pháp trừng phạt của Bagdad được nữa.

Việc hủy bỏ kết quả bỏ phiếu đối với chính quyền trung ương là điều kiện tiên quyết cho cuộc đàm phán. Tuy nhiên, sự đầu hàng của người Kurdistan không có nghĩa rằng lực lượng quân đội liên bang có thể chặn đứng những cuộc phản kháng của họ.

Bagdad có vẻ kiên quyết muốn giành lại quyền kiểm soát các chốt biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, từ tay người Kurdistan.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171025-irak-bagdad-chuan-bi-tieu-diet-cac-o-khang-cu-cuoi-cung-cua-daech

ĐCSTQ: Tập Cận Bình tái đắc cử tổng bí thư

nhưng vắng người kế nhiệm

Thụy My

Một điều gần như chắc chắn nhưng đến hôm nay 25/10/2017 mới là chính thức : Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã giao phó cho tổng bí thư Tập Cận Bình thêm một nhiệm kỳ 5 năm thứ hai. Nhưng bên cạnh ông Tập là một ê-kíp mới, cơ quan quyền lực cao nhất là Ủy ban Thường vụ Bộ Chính Trị hầu như hoàn toàn sắp xếp lại.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt tường trình :

« Chỉ có ông Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường tiếp tục ở lại trong Thường vụ. Trong số 7 ủy viên thường trực Bộ Chính Trị, có đến 5 khuôn mặt mới.

Như vậy ông Tập đã thành công trong công việc khó khăn là kết thúc ảnh hưởng của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Tập Cận Bình lợi dụng cơ hội này để đưa vào các đồng minh Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), Uông Dương (Wang Yang), Vương Hộ Ninh (Wang Huning), Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), Hàn Chính (Han Zheng). Tất cả nay đều theo ông Tập Cận Bình.

Ê-kíp cũ ra đi. Ngược với những lời đồn đãi, người quyền lực nhất Trung Quốc đã tôn trọng giới hạn về tuổi tác, theo quy luật xưa nay là những ai quá 68 tuổi không được vào Bộ Chính Trị. Nhưng liệu Tập Cận Bình, đến năm 2022 sẽ ở tuổi 69, có tuân theo quy luật này, hay tiếp tục bám lấy quyền lực sau khi hết nhiệm kỳ thứ hai ?

Không có gì chắc chắn cả, bởi vì vẫn chưa có người kế nhiệm. Những người thông thạo chuyện hậu trường tin rằng ông Trần Mẫn Nhi (Chen Min’er), 57 tuổi sẽ đường hoàng trở thành ủy viên thường trực. Nhưng rốt cuộc, người được cho là kế vị đã không đốt được giai đoạn để bước vào cơ quan quyền lực tối cao này ».

Cả bảy ủy viên thường trực Bộ Chính Trị đều trên 60 tuổi, và lần đầu tiên không có ai trong Thường vụ sinh ra trước cuộc cách mạng cộng sản năm 1949. Theo Reuters, cơ cấu Ủy ban Thường vụ lần này là một sự thỏa hiệp với các phe phái khác. Hãng tin Anh dẫn lời nhà nghiên cứu Damien Ma thuộc Viện Paulson cho rằng Tập Cận Bình đã nỗ lực rất nhiều để đạt được việc đưa tư tưởng của ông vào Điều lệ Đảng, và không cần thiết phải lãng phí thêm công sức để đưa hết những người mình muốn vào cơ cấu.

Lật Chiến Thư, chánh văn phòng của Tập Cận Bình, người luôn tháp tùng chủ tịch nước trong các chuyến công du ngoại quốc, nay là nhân vật số 3 trong Thường vụ, có nghĩa là sẽ trở thành chủ tịch Quốc Hội. Hai nhân vật thân cận khác của ông Tập là Triệu Lạc Tế, trưởng ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Vương Hộ Ninh, chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương. Hai ủy viên thường trực còn lại là phó thủ tướng Uông Dương, thuộc một phe khác ; và Hàn Chính, bí thư Thượng Hải. Nhân vật quyền lực Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) đã quá tuổi phải rời ghế, nhường lại nhiệm vụ chống tham nhũng cho Triệu Lạc Tế.

Cả hai khuôn mặt thuộc « thế hệ thứ sáu », tức ở lứa tuổi 50, là bí thư Trùng Khánh Trần Mẫn Nhi và bí thư Quảng Đông Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua) chỉ nằm trong số 25 thành viên của Bộ Chính Trị, không vào được Thường vụ.

Báo chí phương Tây bị « sàng lọc » khi đưa tin Đại hội Đảng 19

Tờ The Guardian đã đăng bài phản đối khi lần đầu tiên kể từ hai thập niên qua, tờ báo Anh cùng với các phương tiện truyền thông tên tuổi khác như BBC, Financial Times, New York Times, The Economist bị cấm vào đưa tin về Ủy ban Thường vụ mới hôm nay. Riêng tờ Daily Telegraph, thường đăng các bài tuyên truyền cho ĐCSTQ qua một hợp đồng với China Daily trị giá 800.000 bảng Anh một năm thì nhận được giấy mời.

Câu lạc bộ các thông tín viên nước ngoài tại Trung Quốc (FCCC) trong một thông cáo cho biết hết sức quan ngại về tình trạng này, trong khi vào đầu tuần ĐCSTQ đã khoe rằng Đại hội Đảng 19 là mẫu mực cho sự cởi mở và tính minh bạch.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20171025-tap-can-binh-khong-co-nguoi-ke-nhiem-thong-linh-co-quan-quyen-luc-toi-cao-cua-dang