Tin Việt Nam – 24/10/2017
HRW kêu gọi hủy tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’
Việt Nam cần ‘hủy bỏ cáo buộc đối với nhà hoạt động sinh viên’ Phan Kim Khánh, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói trong thông cáo ra hôm 24/10/2017.
HRW cũng kêu gọi các nhà cấp viện cho Việt Nam cùng các lãnh đạo trong vùng nêu yêu cầu Việt Nam phóng thích tù chính trị trước khi khai mạc kỳ họp thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tới đây, theo nội dung thông cáo.
Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của HRW nói rằng “tội duy nhất của sinh viên Phan Kim Khánh là đã thể hiện quan điểm chính trị trái ý chính quyền”, thông cáo viết.
Ông Phan Kim Khánh, 24 tuổi, sinh viên sắp tốt nghiệp khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên, bị bắt hồi tháng 3/2017 với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.
Ông Khánh bị cáo buộc thành lập, điều hành hai trang blog từ năm 2015 là ‘Báo Tham nhũng’ và ‘Tuần Việt Nam’, bên cạnh việc “mở ba tài khoản trên Facebook và hai tài khoản trên YouTube, liên tục đăng nhiều thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước, phần lớn được lấy từ các trang mạng phản động khác”, truyền thông trong nước nói.
Hà Tĩnh: Một người bị bắt vì Điều 79
Việt Nam: Thêm một người bị bắt vì Điều 88
LHQ: Việt Nam ‘cần bỏ điều 88, 79’
Năm 2015, ông tham gia một khóa đào tạo do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức cho thành viên của Chương trình Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á (YSEALI).
“Tội danh ngụy tạo tuyên truyền chống nhà nước được thiết kế để dập tắt những tiếng nói ôn hòa phê bình chính quyền Việt Nam,” ông Adams nói thêm.
“Việt Nam cần hủy bỏ những điều luật này và chấm dứt đàn áp sinh viên cũng như những người dân thường chỉ vì họ nói về những vấn nạn của đất nước trên Internet.”
Theo HRW, hơn 100 nhà hoạt động hiện đang phải thụ án tù vì đã thực thi các quyền cơ bản như tự do ngôn luận, tự do nhóm họp, tự do lập hội và tự do tôn giáo.
‘Mong bản án nhẹ’
Ông Khánh dự kiến sẽ ra tòa hôm 25/10 tại Tòa án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Nếu bị kết tội, ông có thể phải đối mặt với bản án lên tới 12 năm tù.
Hôm 24/10, trả lời BBC, cô Phan Thị Trang, em gái của ông Khánh, cho hay: “Sáu người trong nhà tôi ngày mai sẽ đi dự phiên tòa và chỉ mong bản án nhẹ cho anh tôi. Từ khi anh Khánh bị bắt đến nay, mỗi tháng bố tôi đều đi thăm nuôi nhưng không được gặp con.”
“Những gì anh tôi làm, gia đình đều không hay biết cho đến khi anh ấy bị bắt vì anh ấy rất kín tiếng. Lẽ ra anh Khánh đã tốt nghiệp tháng 7 vừa rồi và đi du học Philippines như dự định mà anh ấy nói với tôi.”
“Vì biết cảnh nhà khó khăn, mẹ làm nông, bố phụ hồ, nên anh Khánh có nhắn qua luật sư rằng chỉ cần gửi ít tiền lưu ký vào trại giam hàng tháng thôi.”
Luât sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Khánh từ giai đoạn xét xử sơ thẩm, cho biết: “Gia đình Khánh rất nghèo, có lẽ thuộc diện hộ nghèo ở địa phương nhưng Khánh học rất giỏi. Khánh là người rất đáng mến, dễ tiếp xúc, khiêm tốn, ngoan hiền, mọi người, dân làng, thầy cô, bạn bè rất quý mến. Ngôi nhà của gia đình Khánh nằm dưới chân một quả đồi, cơn bão số 10 vừa qua có bị sạt một mảng đồi đất đá đầy sau nhà nhưng may mắn ngôi nhà của gia đình ko bị cuốn trôi. Có lẽ tài sản lớn nhất của gia đình ông Dung bây giờ chính là người con trai, Phan Kim Khánh.”
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41675875
VN học được TQ cách ‘dùng Đảng trị quốc’?
TS. Phạm Quý ThọGửi cho BBC từ Hà Nội
Trong kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc 19, Chủ tịch Tập Cận Bình đọc diễn văn hôm khai mạc 18/10, nêu tham vọng biến nước này thành siêu cường hàng đầu thế giới vào năm 2050.
Ông Tập nhấn mạnh Đảng vẫn dựa vào nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê Nin, ‘dùng Đảng trị quốc’, trong đó có kinh tế thị trường.
Việt Nam hết sức quan tâm, và là nước đầu tiên chúc mừng sự thành công của Đại hội 19.
Nhưng liệu Đảng cộng sản Việt Nam có thể học gì từ Trung Quốc?
Các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã vào những năm 80-90 của thế kỷ trước.
Liệu Việt Nam có mô hình phát triển?
Câu hỏi lớn cho TBT Trọng: Đột phá hay sa lầy?
Khi Trung Quốc đứng trên bờ vực sụp đổ của chế độ do những di sản của Mao Trạch Đông để lại như ‘Cải cách ruộng đất, Đại nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa…’ cố Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình đã chọn con đường cải cách mở cửa thực dụng ‘mèo đỏ, mèo trắng không quan trọng miễn bắt được chuột’.
Trong suốt 40 năm Trung Quốc thay đổi từ một nước nông nghiệp nghèo nhất thế giới thành nền kinh tế đứng thứ hai với tổng thu nhập quốc nội (GDP) năm 2015 là 12.000 tỷ đô la Mỹ (USD), mức GDP/ đầu người tăng 69 bậc, đứng hàng thứ 64 trên thế giới.
Cũng trong thời gian này khoảng 650 triệu dân thoát đói nghèo, chiếm 80% số người thoát nghèo trên toàn thế giới…
Riêng trong 5 năm Tập Cận Bình nắm quyền, từ 2012, tỷ lệ tăng GDP trung bình năm có giảm, nhưng vẫn giữ mức trên 6,5%; tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,13% năm còn 3,95%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5.060 lên 8.260 USD. Nền kinh tế Trung Quốc có thể sớm lớn hơn kinh tế Mỹ 40% nếu tính dựa trên “sức mua tương đương”. Đến năm 2049, nó có thể lớn gấp ba lần…
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã giải phóng năng lực bị dồn nén lâu ngày nhờ kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã giải phóng năng lực bị dồn nén lâu ngày nhờ kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Thị trường vốn tham lam và Trung Quốc ‘hấp dẫn’ trong mắt các nhà tư bản để kiếm lợi nhuận, và Trung Quốc nhanh chóng trở thành ‘công xưởng’ của thế giới.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tự đánh giá mình không phải bằng các chuẩn mực Phương Tây về quản trị dân chủ tự do, mà bằng truyền thống Pháp gia, Khổng giáo của Trung Quốc, dựa trên một chính quyền trung ương mạnh mẽ, duy trì tính chính danh bằng việc tuân theo các tiêu chuẩn trọng dụng nhân tài và trách nhiệm giải trình.
Đảng này tuyên bố xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Một trong những đặc trưng là Đảng luôn tìm cách thích nghi, sửa sai… để lãnh đạo kinh tế thị trường.
Với lý thuyết thực dụng của Đặng Tiểu Bình, Đảng CS đã có những cải tổ chính trị nhất định, như cho các doanh nhân kết nạp vào đảng (Đảng bỏ nguyên tắc bóc lột sức lao động), cho phép đảng viên làm giàu, áp dụng nhiệm kỳ và hạn chế tuổi đối với lãnh đạo đảng ở các cấp…
Để thực thi những cải cách Đảng áp dụng kỷ luật thép, không khoan nhượng bất cứ sự chống đối nào.
Dưới thời Mao hàng trục triệu người chết đói và hàng trăm nghìn cán bộ đảng phải về nông thôn cải tạo, trong đó có cả Đặng Tiểu Bình và cha của Tập Cận Bình.
Dưới thời Đặng ‘Thảm họa Thiên An Môn năm 1989′, trong đó hàng nghìn sinh viên và những người đòi dân chủ đã chết thảm dưới xích của xe tăng’ đã làm cả thế giới kinh hoàng.
Gần đây hàng chục triệu học viên ‘Pháp luân công’ – lực lượng được coi là đối trọng với Đảng CS đã bị đàn áp và giải tán.
Gần đây, nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba, người được giải thưởng Nôbel hòa bình, thời gian trong tù bị ung thư, tuy nhiên yêu cầu đi nước ngoài điều trị không được Đảng cho phép. Ông đã chết ngày 13/7/2017.
Để duy trì sự lãnh đạo, Đảng đã có kiểu sử dụng cán bộ đặc biệt với Ban tổ chức các cấp theo kiểu hình chóp nhiều cấp: cơ sở (chi bộ), trung gian (đảng ủy, huyện ủy, tỉnh ủy, khu ủy), cao cấp (ban chấp hành trung ương).
Cán bộ muốn thăng tiến hãy leo lên từ chi bộ. Tập Cận Bình cũng phải mất 30 năm ‘rèn luyện, phấn đấu’ để có ‘kinh nghiệm’ trở thành lãnh tụ của Đảng. Tự coi tầng lớp tinh hoa, Đảng luôn chứng tỏ tính chính danh bằng nhiều cách và dưới nhiều hình thức, mà không cần thông qua bầu cử dân chủ theo kiểu phương Tây.
Kinh tế thị trường là sản phẩm của nhân loại, nhưng bắt đầu từ phương Tây, thậm chí tư tưởng chủ nghĩa cộng sản cũng bắt nguồn từ đó, khi phát triển nó đòi hỏi hệ thống chính trị đa nguyên, đang đảng và mô hình dân chủ tương ứng với các chuẩn mực phổ quát.
Đảng cộng sản Trung Quốc không coi như vậy, khi cho rằng phương Tây luôn muốn áp đặt mô hình chính trị kiểu này cho Trung Quốc. Các nước phương Tây không hiểu văn hóa, văn minh vốn tồn tại 5000 năm tại đất nước này, và rằng phương Tây nên tôn trọng sự khác biệt, không nên ‘giao giảng và xuất khẩu’ dân chủ tư sản sang Trung Quốc.
Bộ máy tuyên truyền của Đảng trước Đại hội 19 còn lưu ý rằng các nước theo mô hình dân chủ phương Tây đang lâm vào ‘khủng hoảng và hỗn loạn’ trong khi “nền dân chủ Trung Quốc” cho thấy hệ thống này đang là “tiêu chuẩn cho sự phát triển và tiến bộ’.
Đảng CS Trung Quốc cho rằng sự liên hệ giữa chính quyền và xã hội là rất khác so với phương Tây.
Đảng thích có nhiều thẩm quyền, nhiều trách nhiệm đối với người dân hơn, quan tâm đến cuộc sống của dân, đồng thời đòi hỏi ở họ phải sự trung thành, sự phục tùng, sẻ chia quyền lực với chế độ.
Trong khi đó, những phẩm chất của thị trường – không sẻ chia mà là tích luỹ, cạnh tranh và ngờ vực quyền lực.
Ở Trung Quốc có tám tổ chức gọi là đảng không cộng sản ‘được phép’ thành lập và nằm dưới sự kiểm soát của Đảng cộng sản, và họ ‘hợp tác tốt’ với Đảng.
Ở đây cũng có một xã hội dân sự mạnh mẽ kiểu Trung Quốc, đó là các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp do Đảng quản lý và trả lương, họ gắn bó mật thiết, và là một phần trong chính trị. Và đó được giải thích là do khác biệt về văn hóa.
Cuối cùng, kinh tế thị trường thay đổi cách phân bổ nguồn lực, đang làm các vấn đề kinh tế, xã hội của Trung Quốc trở nên trầm trọng, mức tăng trưởng chung đang chững lại trong lúc nợ nần thì đang gia tăng, môi trường ô nhiễm nặng nề, tắc nghẽn đô thị, phân hóa giàu nghèo, đặc biệt tham nhũng kinh tế và tha hóa quyền lực, nhiều đảng viên giàu có trốn ra nước ngoài mang theo hàng trăm tỷ USD.
Đảng đang tuyên truyền sức mạnh bề mặt, xử lý nội bộ nhiều vấn đề, nhất là về tổ chức cán bộ. Đảng đang dựng lên ‘Vạn lý tường lửa’ kiểm soát internet để che giấu sự khác nhau ý thức hệ và về tương lai ‘siêu cường’ của Trung Quốc.
Đảng tập trung cao độ quyền lực chống lại tha hóa quyền lực dưới khẩu hiệu ‘nhốt hổ vào lồng’ trong chiến dịch chống tham nhũng.
Trung Quốc muốn vượt qua thách thức, muốn trở thành ‘siêu cường’ phải có lãnh tụ.
Mới đây, ngày 19/10/2017, trên báo đã công khai lời của quan chức cao cấp dự Đại hội 19 rằng lãnh tụ Tập Cận Bình đã “phá tan một âm mưu đoạt quyền”, ca ngợi đó là ‘nỗ lực cứu đảng’ và ám chỉ rằng những người tham gia ‘âm mưu’ bao gồm Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch và Tôn Chính Tài.
Nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng cách xử lý các vấn đề kinh tế và chính trị của Trung Quốc, không sớm thì muộn, sẽ ra một cuộc khủng hoảng. Đảng cộng sản Trung Quốc không cho như vậy, vì Đảng đã vượt qua được nhiều cuộc khủng hoảng trong quá trình lãnh đạo, kể cả nạn đói khủng khiếp trong thời Mao đến cuộc đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ năm 1989.
Trung Quốc muốn vượt qua thách thức, muốn trở thành ‘siêu cường’ phải có lãnh tụ. Lãnh tụ đó, được tôn vinh là ‘nòng cốt’ hay ‘hạt nhân’, phải có tư tưởng.
Tập Cận Bình đã giành được danh hiệu ‘lãnh đạo nòng cốt’ sau Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Việt Nam có chế độ chính trị tương đồng với Trung Quốc, cũng độc đảng CS lãnh đạo đất nước, cũng ‘dò đá qua sông’ trong cải cách, nhưng thường sau khoảng 5 – 10 năm chậm hơn. Trong khoảng gần một thập kỷ, tính từ 2008, khủng khoảng kinh tế, Đảng có vẻ không ‘kiểm soát’ được chính phủ, khi Ban chấp hành trung ương với số phiếu chưa đủ để kỷ luật người đứng đầu chính phủ vì quản lý kinh tế yếu kém, theo đề nghị của Bộ chính trị tại Hội nghị trung ương 6 khóa 11.
Từ đầu khóa 12, đầu năm 2016, từ các Hội nghị trung ương 4, 5 và 6 gần đây, Đảng đang nỗ lực tự chỉnh đốn kết hợp với chống tham nhũng với chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’.
Một số ít lãnh đạo đảng cấp cao, cấp trung bị kỷ luật, mất chức, một số lãnh đạo của ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, như Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn hóa chất… bị kết án, một số ‘nguyên lãnh đạo’ bị ‘cắt nguyên’ khi đã về hưu…
Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng Đảng CS Việt Nam không thể ‘thống nhất’ tập trung quyền lực cho cá nhân nào đó, do họ không hội tụ đủ các phẩm chất và uy tín để có đột phá trong cải cách, rằng có thể có ‘dàn xếp’ trong giới lãnh đạo cao cấp, và vì vậy chiến dịch chống tham nhũng có thể có điểm dừng, vùng cấm…
Việt Nam là nước nghèo, tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế không lớn, nên chăng tìm phương thức cải cách khác biệt. Trong bối cảnh hiện nay, trong đó có căng thẳng trên biển Đông, những nỗ lực của Việt Nam cân bằng quan hệ với các nước lớn để thoát khỏi ‘lời nguyền địa lý’ có thể cần ‘cân nhắc’ đột phá thoát khỏi ‘lời nguyền thể chế’ để đưa dân tộc Việt hướng tới thịnh vượng.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tiến sỹ Phạm Quý Thọ, Học viện Chính sách & Phát triển, Hà Nội.
http://www.bbc.com/vietnamese/forum-41720395
Bộ Chính trị VN điều động cán bộ ở Sóc Trăng
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân hôm 24/10 nói với Quốc hội rằng Bộ Chính trị đồng ý để ông Phan Văn Sáu thôi giữ chức Tổng Thanh tra Chính phủ để giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng.
Cùng ngày cũng trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ với ông Phan Văn Sáu.
Trước đó, báo chí Việt Nam đưa tin ông Phan Văn Sáu nộp đơn xin thôi nhiệm vụ Tổng Thanh tra vì lý do sức khỏe, gia đình.
Hiện tại, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng là ông Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, từng đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trong nhiệm kỳ trước.
Nhiều khả năng ông Nguyễn Văn Thể sẽ được điều ra Hà Nội cho chức Bộ trưởng Giao thông.
Điểm khá đặc biệt tại Sóc Trăng hiện nay là Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn cũng đang là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, và giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh.
‘Việt Nam là cứ bám víu quá mức vào cái bằng’
Đà Nẵng: ‘Giờ ai làm cũng thế’
Ông Trương Quang Nghĩa đã được Bộ Chính trị thuyên chuyển từ Bộ trưởng Giao thông về làm Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng sau việc kỷ luật lãnh đạo thành phố này.
Mặc dù Bộ Chính trị đã quyết, nhưng theo quy trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn trình ra Quốc hội xin phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Giao thông, Tổng Thanh tra Chính phủ.
Ngày 25/10, Quốc hội Việt Nam chính thức bỏ phiếu và thông qua nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu tên nhân sự giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ.
Sau đó, các đoàn Quốc hội sẽ thảo luận về hai nhân vật mới này.
Đến ngày 26/10, Quốc hội Việt Nam sẽ bỏ phiếu kín phê chuẩn nhân sự mới nắm giữ Bộ Giao thông vận tải và Thanh tra Chính phủ.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41736521
Việt Nam: Bóng đá nữ và nam ‘bị chênh lệch’
Tiền vệ Nguyễn Thị Tuyết Dung nói bóng đá nữ được đầu tư ít hơn và “thèm” cảm giác được người hâm mộ ra sân cổ vũ nhiều như bóng đá nam.
Tiền vệ mang áo số 7 của CLB Phong Phú Hà Nam và Tuyển Bóng đá Nữ Quốc gia Việt Nam theo sự nghiệp bóng đá khi 13 tuổi.
“Trong bóng đá thì sự khó khăn với nữ bao giờ cũng gấp đôi so với nam. Bản thân tôi cũng như tất cả các bạn phải có niềm đam mê để có thể vượt qua được những khó khăn. Đặc biệt là về thời tiết ở Việt Nam. Nắng hay mưa thì chúng tôi cũng đều ra sân.
“Đôi khi tập luyện chúng tôi cũng thi đấu với cả đội nam, và khi đá với nam thì rèn được thêm về thể lực cho chính mình. Và chính về chênh về thể lực nên mình cải thiện được thể lực của mình rất nhiều.
Vào CLB Phong Phú Hà Nam năm 2006 ‘
Cầu thủ xuất sắc nhất tại Giải U19 năm 2011
Vào đội tuyển Quốc gia từ 2011
Cầu thủ xuất sắc nhất 2014
Quả bóng vàng Việt Nam 2014
“Để đi tới ngày hôm nay, cá nhân tôi đã đi qua rất nhiều thử thách,” Tuyết Dung nói.
Nữ cầu thủ 23 tuổi mô tả trong bóng đá vẫn có “sự chênh lệch nhất định giữa nam và nữ”.
Bóng đá nữ: Bao giờ mới hết “phận con ghẻ”?
“Nam thì được đầu tư nhiều hơn nữ, tức là nhiều các khoản đầu tư hay tài trợ cho bóng đá nam hơn so với bóng đá nữ.
“Khi tôi đi xem một trận bóng đá nam thi đấu với rất đông người hâm mộ cổ vũ hết sức nhiệt tình thì bản thân tôi thèm cái cảm giác được cổ vũ mạnh như vậy.
“Và vì vậy cũng mong là nếu đội nữ đá thì cũng có được sự cổ vũ nhiệt tình như vậy,” Tuyết Dung nói.
Tiền vệ tuyển Việt Nam cho rằng với nữ thì bóng đá không thể như bóng đá nam vì cầu thủ nam ngoài 30 vẫn có thể còn thi đấu được.
“Năm nay tôi 23 tuổi và tôi cố gắng có thể thi đấu được tốt thêm 4-5 năm nữa, tức là cho hai kỳ Sea Games nữa, đặc biệt là Sea Games 2021 được tổ chức ở Việt Nam.
“Khi kết thúc con đường bóng đá trên sân thì tôi muốn tiếp tục gắn bó với bóng đá qua vai trò của người huấn luyện viên.
Tiền vệ tuyển Việt Nam cho biết thời điểm 2015 khi huấn luyện viên tuyển quốc gia là người Nhật đã “không trọng dụng thì cảm thấy rất buồn”.
“Bố mẹ xem truyền hình không thấy tôi ra sân và đã gọi điện để động viên, mọi người trong toàn đội 26 người cũng động viên và với nỗ lực cá nhân thì cuối cùng HLV Norimatsu Takashi cũng đã để tên tôi vào đội hình chính thức. Và kể từ khi đó tôi đã vui và ghi được những bàn thắng và dấu ấn nhất định.
Tuyết Dung nói với BBC rằng 2014 lần đầu tiên cảm thấy mình đã đạt được mục tiêu mà mình đã đề ra cho bản thân khi được trao danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam.
“Từ đó thấy mình càng phải cố gắng phấn đấu để tiếp tục chứ không thể cho như thế đã là hoàn thiện rồi.
“Và điều đó có nghĩa là tôi phải cố gắng hơn nữa để làm sao chinh phục được các giải thưởng cao quý hơn nữa,” Tuyết Dung nói.
Mục tiêu cá nhân của cầu thủ mang áo số 7 này là làm sao để Tuyển Bóng đá Nữ Việt Nam có thể tham gia được World Cup trong khi “tôi phải đạt được những thành tích riêng cho mình cho những năm tới đây”.
Sự ủng hộ của gia đình, theo Tuyết Dung, là rất quan trọng bất kể đó là thi đấu trong hay ngoài nước.
“Trước trận đấu bao giờ bố mẹ tôi cũng gọi điện động viên tôi thi đấu hết mình vì màu áo câu lạc bộ hay vì tổ quốc.
“Bản thân tôi khi ra sân bao giờ cũng nghĩ tới thành viên trong gia đình và người hâm mộ nước nhà và đó là cảm giác rất hưng phấn.
“Những cảm giác buồn nhất là khi tưởng chạm tay được vào cúp mà rồi lại để tuột mất, rất tiếc nuối,” Tuyết Dung nói về thất bại vào năm 2016 đấu giải Sea Games khi trọng tài không công nhận quả phạt đền và Việt Nam phải đá lại và thua Thái Lan.
“Lời khuyên của tôi cho những bạn nào muốn theo con đường bóng đá là nếu nơi bạn sống không có câu lạc bộ thì bạn hãy tìm các nơi lân cận.
“Khi đã theo đuổi nó thì phải theo đuổi đến cùng và định ra được con đường mình sẽ đi,” Tuyết Dung nói với BBC.
http://www.bbc.com/vietnamese/sport-41731838
Phản ứng của những người phản biện và bất đồng chính kiến
về sự đàn áp hiện nay
Sau hàng loạt những nhà hoạt động xã hội, những nhà bất đồng chính kiến ôn hòa bị bắt, ngày 23 tháng 10. 2017, tại phiên khai mạc của kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại lên tiếng nói rằng cần xử lý nghiêm khắc những ai lợi dụng quyền tự do dân chủ để kích động lật đổ, đưa tin sai lạc.
Những người hoạt động phản biện, bất đồng chính kiến, có suy nghĩ như thế nào về đợt trấn áp đang diễn ra ở Việt Nam?
Sẽ có sự lắng xuống trong các hoạt động đấu tranh
Phản ứng lại tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Tạo, một nhà báo sống tại Nha Trang lên tiếng:
“Tôi thấy khôi hài vì chế độ này do Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sáng ra. Nhà nước ban đầu mang tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dân chủ là một nội dung trong tiêu đề của nhà nước này. Bây giờ thì người ta sửa tên nước, không có chữ dân chủ nữa, nhưng mà tất cả các nhà lãnh đạo nhà nước Việt Nam không ai phủ nhận Hồ Chí Minh sáng lập nhà nước này, và vẫn tôn thờ Hồ Chí Minh.”
Được biết rằng chính phủ mà ông Hồ Chí Minh thành lập vào năm 1945 là một chính phủ có nhiều đảng phái tham gia.
Trong sự vận động thực tiễn của việc tranh đấu, thì có sự sàng lọc ra, đâu là vàng đâu là thau.
-Ông Võ Văn Tạo.
Ông Võ Văn Tạo là một người rất tích cực trong việc dùng trang Facebook của ông để phát biểu chính kiến, trong đó có rất nhiều những chỉ trích đối với các chính sách của nhà nước mà ông cho là sai lầm.
Đứng trước sự đàn áp của nhà cầm quyền, ông Võ Văn Tạo nhận xét về phản ứng của giới bất đồng chính kiến:
“Cái đó cũng làm xôn xao trong cộng đồng anh chị em tranh đấu cho một nước Việt Nam tiến bộ, đặc biệt cho các trí thức phản biện. Quan sát trên mạng thì thấy có nhiều người nói tình hình bây giờ có vẻ như chùn. Tôi nghĩ họ có lý một phần nào đó thôi. Trong sự vận động thực tiễn của việc tranh đấu, thì có sự sàng lọc ra, đâu là vàng đâu là thau. Có những người vẫn giữ được cái kiên cường, có những người họ chùn. Đạt được một đất nước ngày càng tiến bộ, thì chuyện bắt bớ tù đày khó tránh khỏi.”
Hai người thường xuyên tham gia các hoạt động dân sự tại Hà Nội, cũng như hay phát biểu trên mạng xã hội là ông Lã Việt Dũng và ông Nguyễn Đình Hà, đều cho rằng phong trào sẽ lắng xuống, hoặc chuyển sang dạng hoạt động khác, nhưng không chấm dứt.
“Khó khăn hơn thì là do nhận định của mỗi người, còn riêng cá nhân tôi, và một số anh em tôi quen biết thì vẫn tiếp tục lên tiếng. Tất nhiên việc lên tiếng phải tránh việc xúc phạm nhục mạ một cách vô căn cứ.”
“Từ trạng thái hoạt động nhộn nhịp có nhiều bề nổi, chuyển sang trạng thái làm sao bảo toàn được lực lượng, làm sao để tránh thiệt hại vô ích cho phong trào. Còn nếu nói sự trấn áp đó có làm cho những người trong phong trào sợ hay không, thì tôi thấy rằng sự trấn áp của chính quyền thì bao nhiêu năm nay vẫn vậy, nhưng thời đại ngày nay là thời đại internet, sức ép lên Việt Nam rất là nhiều, tôi nhận thấy sự sợ hãi ngày càng ít đi.”
Ông Lã Việt Dũng, một kỹ sư tin học, là thành viên của đội bóng đá No-U, xuất thân từ phong trào chống sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông. Đội bóng này thường xuyên thực hiện các chuyến đi cứu trợ nhân đạo cho các vùng bị thiên tai.
Ông Nguyễn Đình Hà, tốt nghiệp ngành luật tại Hà Nội, gần đây có bị cơ quan an ninh thẩm vấn vì những bài viết và phát biểu của ông với các cơ quan truyền thông nước ngoài.
Phong trào tiếp tục lớn mạnh
Một nhà hoạt động xã hội sống ở Nghệ An là Linh mục Đặng Hữu Nam, nói rằng những hoạt động vì dân chủ, dân quyền, và dân sinh sẽ tiếp tục lớn mạnh.
“Trong thời điểm này, nếu nhà cầm quyền ráo riết bách hại những người lên tiếng, những người bất đồng chính kiến, những người dùng mạng xã hội,…. Chúng ta sẽ thấy có một thời gian lắng xuống trong các hoạt động của người dân, hoạt động vì nhân quyền hay bất đồng chính kiến. Nhưng chắc chắn rằng đó chính là hạt giống để nẩy sinh những con người biết đấu tranh hơn nữa. Và phong trào đó sẽ lớn mạnh.”
Ông lấy ví dụ cách đây vài năm, nhà cầm quyền đã bỏ tù 14 thanh niên Công giáo vì những hoạt động dân quyền, nhưng sau đó đã có nhiều người khác tiếp tục đấu tranh.
Linh Mục Đặng Hữu Nam là người giúp đỡ nhiều ngư dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh đấu tranh đòi nhà máy Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung phải bồi thường cho dân chúng.
Chính quyền này không phải chỉ đối phó với những người như chúng tôi, những người thường xuyên lên tiếng đâu, mà còn đối phó với nhiều người dân khác nữa.
-Ông Lã Việt Dũng.
Ông nói tiếp về vụ biểu tình gần đây nhất nổ ra tại Hà Tĩnh:
“Ngày thứ bảy vừa qua đã có hàng ngàn người dân đã biểu tình yêu cầu trả tự do cho chị Trần Thị Xuân, tuyên bố rằng chị Trần Thị Xuân vô tội vì chẳng có cái gì mà vi phạm pháp luật ở đây cả.”
Chị Trần Thị Xuân sống tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nơi bị thảm họa Formosa gây thiệt hại nặng nề. Chị Xuân đã thành lập một quĩ giúp đỡ người nghèo bằng cách thu lượm và bán phế liệu. Chị bị bắt ngày 17 tháng 10, mà theo lời người thân là bị bắt một cách bí mật, rồi sau đó chính quyền mới công bố một thông cáo báo chí về việc bắt bớ này.
Sáng ngày 21 tháng 10, hàng ngàn người đã kéo đến Ủy ban nhân dân xã Lộc Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đòi trả tự do cho chị Trần Thị Xuân.
Nói về sự phản kháng trước những việc làm không đúng của chính quyền, kỹ sư Lã Việt Dũng nói tiếp:
“Chính quyền này không phải chỉ đối phó với những người như chúng tôi, những người thường xuyên lên tiếng đâu, mà còn đối phó với nhiều người dân khác nữa, vì người dân ý thực được quyền lên tiếng của họ đối với cái xấu, cái sai của chính phủ thì chẳng có gì là sai cả, chẳng có vấn đề gì phải xấu hổ cả.”
Trong một lần trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, một nhà nghiên cứu kinh tế ở Hà Nội có đưa ra hai vụ việc ở Đồng Nai, và Đà Nẵng, tại Đồng Nai, dân chúng lên tiếng đòi cách chức đại biểu quốc hội của bà Phan Thị Mỹ Thanh vì những sai phạm có thể liên quan đến tham nhũng, tại Đà Nẵng người dân đòi điều tra một doanh nhân có thể có liên quan đến các sai phạm của các quan chức lãnh đạo thành phố này. Ông Lê Đăng Doanh nói tiếp:
“Tôi nghĩ rằng đó là những dấu hiệu đáng mừng, vì người dân bây giờ đã lên tiếng, và đã bày tỏ rất rõ ràng chính kiến của mình.”
Kết thúc buổi nói chuyện với chúng tôi, Linh mục Đặng Hữu Nam nói rằng những việc làm như của chị Trần Thị Xuân đáng lẽ phải được nhà nước khuyến khích, và ông nhắc lại lời Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã nói trong chuyến viếng thăm Việt Nam vào năm 2016, rằng sở dĩ nước Mỹ hùng mạnh như ngày nay là vì hằng ngày Chính phủ Mỹ lắng nghe những lời chỉ trích.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/reaction-opponent-crackdown-10232017141755.html
Các bị cáo trong vụ VN Pharma nói lời cuối
Các bị cáo trong vụ xử công ty VN Pharma nhập thuốc ung thư giả vào chiều ngày 24 tháng 10 được Hội đồng Xét xử cho phép nói lời cuối cùng.
Bị cáo Nguyễn Văn Hùng, cựu giám đốc VN Pharma, thừa nhận đã làm sai, tự cho rằng bản thân đã luôn thành khẩn khai báo từ khi xét xử sơ thẩm và xin nhận cả trách nhiệm về việc làm sai của cấp dưới.
Trong sự xúc động và khóc nức nở khi trình bày, cựu giám đốc VN Pharma Nguyễn Văn Hùng xin sự khoan hồng của pháp luật và xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo cấp dưới của mình.
Hội đồng xét xử cho biết, do tính chất phức tạp của vụ án, tòa sẽ nghị án dài ngày và tuyên án vào sáng 30 tháng 10.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng, cựu chủ tịch VN Pharma và Võ Mạnh Cường, Giám đốc Công ty Thương mại Hàng hải Quốc tế H&C, nhận lệnh bị bắt tạm giam trong chiều 23 tháng 10, ngay tại phòng lưu phạm.
Theo lệnh này, hai bị cáo bị bắt giam trong thời hạn 90 ngày để “phục vụ công tác điều tra, xét xử”.
Bị cáo Hùng và Cường bị bắt giam ngày 19 tháng 9 năm 2014 và được tại ngoại ngày 17 tháng 3 năm 2017.
Đây là vụ án được nhiều người Việt Nam chú ý vì cơ quan chức năng thuộc ngành y tế của chính phủ Hà Nội để lọt việc nhập vào trong nước hơn 9.000 hộp thuốc đặc trị ung thư giả H Capita.
Số dự án kinh tế nhà nước thua lỗ nhiều
Một đại biểu quốc hội nói trước Quốc hội vào sáng ngày 24/10 là có đến 40 dự án kinh tế của nhà nước thua lỗ, chứ không phải là 12 dự án như thông tin được đưa ra trước đó.
Thông báo của ông Hồ Đức Phớc, đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An và là Tổng kiểm toán nhà nước cho rằng nền kinh tế Việt Nam có rủi ro và không có tính bền vững vì không có sức mạnh nội lực. Ông Phớc lấy dẫn chứng là tổng sản lượng quốc dân trong quí ba năm nay tăng lên, nhưng đó là do hai doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là Samsung và Forrmosa.
Ông Tổng kiểm toán nhà nước cũng dự báo rằng năm 2017 sẽ là năm thứ ba liên tiếp mà ngân sách nhà nước sẽ thiếu hụt.
Ông Hồ Đức Phớc không nêu tên các dự án bị thua lỗ, nhưng mạng báo Pháp Luật có nêu tên các tập đoàn kinh tế đang bị nợ nần chồng chất khó giải quyết, đó là Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tổng công ty lương thực miền Nam, Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone.
Tất cả những công ty và tập đoàn kinh tế này đều là của nhà nước, và trong báo cáo của Chính phủ Việt Nam gửi Quốc Hội ngày 24 tháng 10, có thừa nhận rằng hiệu quả của các doanh nghiệp này thấp so với số vốn mà nhà nước đầu tư vào. Báo cáo của chính phủ cũng nhấn mạnh rằng một trong những nguyên nhân làm cho các doanh nghiệp nhà nước này làm ăn không tốt là do sự quản lý không công khai minh bạch, trách nhiệm của người quản lý không rõ ràng, không khuyến khích được người lao động làm việc tốt.
Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và lấy doanh nghiệp nhà nước làm lực lượng chủ đạo; mặc dù gần đây có thừa nhận vai trò lớn lao của thành phần kinh tế tư nhân.
Chính sách kinh tế như thế bị giới chuyên gia cho là không thể nào giúp Việt Nam phát triển hiệu quả.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/fail-state-run-projects-10242017090638.html
Phó Bí thư Đồng Nai khiếu nại kết luận của đảng
Phó Bí thư Đồng Nai, bà Phan Thị Mỹ Thanh xác nhận đã làm đơn khiếu nại kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về các sai phạm của bà và chịu hình thức cảnh cáo.
Đây là thông tin được bà Thanh nói với báo giới bên hành lang Quốc hội vào sáng ngày 24/10.
Bà Thanh cho biết hiện đơn khiếu nại đang được các cơ quan chức năng xem xét. Bà giải thích rằng đơn khiếu nại là do muốn làm rõ một số vấn đề chứ không phải do không phục kết luận của cơ quan chức năng.
Cũng theo bà Thanh, nội dung đơn khiếu nại mang tính tổng quát và thể hiện trách nhiệm với người dân. Bà phân tích rằng trong công việc đã làm là có sai, đã sai thì thẳng thắn nhận lỗi và sửa lỗi để cầu thị. Bà này cho biết có 4 cử tri có ý kiến liên quan đến tư cách đại biểu Quốc hội của bà. Bà nhận định rằng đó là quyền của người dân và thể hiện tinh thần trách nhiệm với công việc chung.
Khi được hỏi liệu bà có xin lỗi các cử tri vì những sai sót hay không, bà Thanh nói rằng câu hỏi này khó trả lời.
Trước đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật bà Thanh bằng hình thức cảnh cáo do những sai phạm bà mắc phải khi còn giữ chức Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư huyện ủy Nhơn Trạch. Trong thời gian này bà Thanh đã tham gia điều hành công ty TNHH Cường Hưng do chồng bà sáng lập. Đây được cho là vi phạm luật phòng chống tham nhũng.
Ngoài ra, bà Thanh còn ký một loạt các giấy tờ sai quy định, trong đó có những văn bản liên quan đến công ty Cường Hưng. Bà bị kết luận vi phạm quy định về những điều Đảng viên không được làm và kê khai tài sản không trung thực.
Vì sao Việt Nam bị EU ‘rút thẻ vàng’ đối với hải sản?
Trong thông cáo báo chí ngày 23/10, Liên hiệp châu Âu (EU) cho biết đã chính thức rút “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam, đồng thời cảnh báo có thể cấm nhập các mặt hàng hải sản từ Việt Nam, nếu Hà Nội không “làm nhiều hơn” để giải quyết tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU).
Thông cáo dẫn lời Ủy viên EU phụ trách các vấn đề về Môi trường, Hàng hải và Thủy sản của EU, ông Karmenu Vella, nói:
“Với hành động này ngày hôm nay, chúng tôi thể hiện cam kết mạnh mẽ chống lại tình trạng đánh bắt trái phép trên toàn cầu. Chúng tôi không thể bỏ qua các tác động do hoạt động bất hợp pháp của tàu cá Việt Nam gây ra đối với hệ sinh thái biển ở Thái Bình Dương. Chúng tôi yêu cầu nhà chức trách Việt Nam đẩy mạnh cuộc chiến để chúng tôi có thể nhanh chóng đảo ngược quyết định này”.
Theo thông cáo của EU, hình thức cảnh cáo “thẻ vàng” là một trong các bước quy định trong bộ quy tắc áp dụng cho quy trình giải quyết tình trạng đánh bắt hải sản lậu được EU thông qua năm 2010. “Thẻ vàng” không đi kèm các biện pháp trừng phạt, nhằm để cho quốc gia bị cảnh cáo có thời gian “khắc phục tình hình”. “Thẻ xanh” sẽ được ban hành nếu vấn đề được giải quyết. Ngược lại, “thẻ đỏ” sẽ được đưa ra kèm theo một loạt biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm thương mại đối với các mặt hàng hải sản của quốc gia đó.
EU ước tính trong một năm, có từ 11 triệu đến 26 triệu tấn cá Việt Nam là đánh bắt bất hợp pháp, trị giá từ 8 tỷ – 19 tỷ euro.
“Là nhà nhập khẩu cá lớn nhất thế giới, EU không muốn gặp rắc rối khi nhận các sản phẩm này vào thị trường của mình”, thông cáo nói.
EU cho biết kể từ năm 2012, EU đã có các cuộc đối thoại không chính thức với Việt Nam trước khi đưa ra quyết định rút “thẻ vàng”, nhưng Hà Nội đã không có hành động hiệu quả trong việc thể hiện cam kết chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp.
Ủy viên Karmenu Vella cho biết EU đang hỗ trợ cho Hà Nội về mặt kỹ thuật để ngăn chặn tình trạng này. Việt Nam có 6 tháng để khắc phục tình hình và EU sẽ ban hành “thẻ xanh” hay “thẻ đỏ” tùy theo hành động từ phía Việt Nam.
Chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp là một phần trong cam kết của EU nhằm đảm bảo sử dụng bền vững biển và tài nguyên đã được nêu trong chương trình nghị sự Quản lý Đại dương Quốc tế của EU.
Hồi cuối tháng trước, tại một hội nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), báo Tuổi Trẻ dẫn lời Trưởng hiệp hội cho biết “thẻ vàng” của EU “thực sự là một thiệt hại nặng nề đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU, và tiếp theo là ở nhiều thị trường quan trọng khác như Mỹ”.
https://www.voatiengviet.com/a/vi-sao-viet-nam-bi-eu-rut-the-vang-doi-voi-hai-san/4084057.html
Du khách Anh bị tài xế taxi ‘bắt cóc’ ở Hà nội trở về an toàn
Một thanh niên người Scotland bị một tài xế taxi ở Hà nội ‘bắt cóc’ vừa được tìm thấy. Gia đình của Connor Leslie thở phào nhẹ nhõm khi nhận được tin con mình vẫn an toàn sau hơn 20 giờ mất tích, không liên lạc được với người bạn đồng hành và gia đình ở bên Scotland. Tin Connor Leslie mất tích loan truyền rộng rãi trên mạng internet và báo chí ở Anh, đặt ra một số nghi vấn về sự an toàn của khách du lịch tại Việt Nam.
Trong lần đầu tới thăm Việt Nam, và đêm đầu tiên nhóm bạn rủ nhau đi tham quan Hà nội, Connor Leslie và các bạn gọi taxi trở về căn hộ thuê bên Hồ Tây vào khoảng 2 giờ 30 sáng thứ Bảy 21/10. Tới nơi, một cuộc cãi cọ về cước xe nổ ra giữa hai bên, nhận thấy tình hình không ổn, mấy người bạn đã nhanh chân nhảy ra khỏi xe. Tài xế phóng đi trước khi Leslie kịp xuống xe. Thế là anh thanh niên 23 tuổi vừa chân ướt chân ráo đến Việt Nam, bị mất tích trong suốt 22 giờ, gây nhiều lo lắng cho các bạn đồng hành và gia đình ở Scotland.
Thân nhân và bạn bè của Leslie thông báo anh mất tích qua Facebook. Nhóm bạn cùng đi lập tức báo cáo với cảnh sát địa phương, trong khi gia đình Connor ở Scotland lo lắng chờ tin.
Chính phủ Scotland lập tức lên kế hoạch “truy tìm quốc tế” để kiếm công dân của mình. Khuya 22/10, gia đình Connor Leslie báo tin cảnh sát Việt Nam đã tìm thấy Leslie, mặc dù chưa có thông tin anh đang ở đâu và tình trạng ra sao. Báo Sunday Post hôm Chủ nhật tường trình rằng mặc dù Leslie đã được “tìm thấy an toàn”, giới hữu trách ở Hà Nội vẫn chưa cho anh liên lạc với gia đình.
Ross, anh của Leslie kể lại phản ứng của bà mẹ khi nghe tin con mất tích:
“Bạn của Connor, Matt, gọi tôi vào khoảng 10 g đêm thứ Sáu và kể cho tôi nghe những gì xảy ra. Chờ càng lâu, tôi càng lo lắng. Chúng tôi hy vọng là Connor sẽ trở về, nhưng đến 6 giờ sáng thứ Bảy vẫn chưa thấy tăm tích em tôi, tôi đành phải báo cho mẹ tôi biết. Bà bật khóc, và ngày thứ Bảy trôi qua mà vẫn chưa được tin, thì chúng tôi bắt đầu hốt hoảng.”
Ross và người cha đang đặt vé bay sang Việt Nam tìm Connor thì anh lò dò trở về khách sạn, nói rằng tài xế taxi đã lấy điện thoại cầm tay của anh, nhưng không lấy tiền của anh, anh được thả ở một nơi cách đó độ 20 dặm. Báo The Scottish Sun cho hay tài xế đang bị cảnh sát thẩm vấn.
Connor không nói một chữ tiếng Việt, nên anh bắt đầu đi bộ trở ngược lại thành phố. Anh chỉ biết căn hộ thuê ở cạnh một cái hồ lớn, và cuồi cùng mò về đến nơi. Anh đi bộ cả đêm và ngày gần 20 tiếng đồng hồ.
Bộ Ngoại Giao Scotland trước đó khuyến cáo rằng trong khi Việt Nam vẫn là một nước “nói chung an toàn”, du khách vẫn có nguy cơ trở thành nạn nhân bị tấn công.
Ngành du lịch Việt Nam trong năm nay đã phát triển mạnh. Theo các số liệu củ Cục thống kê Việt Nam, lượng du khách nước ngoài trong nửa năm đầu tăng hơn 30%, đa số du khách đến từ châu Á. Riêng du khách Trung Quốc ‘tăng gấp đôi’.
Tính chung 9 tháng năm 2017 ước lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 9.448.331 lượt khách, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2016.
https://www.voatiengviet.com/a/du-khach-anh-bi-tai-xe-bat-coc-o-hanoi-tro-ve-an-toan/4082849.html