Hai giải pháp tình thế cho vấn đề biển Đông

Cac Bai Khac

No sub-categories

Hai giải pháp tình thế cho vấn đề biển Đông
Tiến sĩ Trần Dương, Singapore – Tác giả gửi tới Dân Luận

Toàn cảnh

Cũng giống như rất nhiều nhân sĩ, trí thức Việt Nam khác đang công tác ở trong nước hay ở nước ngoài, tác giả bài viết này đã không còn niềm tin rằng đội ngũ lãnh đạo Việt Nam hiện tại có thể tìm ra lối thoát hợp lý cho vấn đề biển Đông, dù rằng trong bộ máy chính trị cao cấp vẫn còn đây đó một vài gương mặt đủ tâm và đủ tầm, hay ở các cấp đoàn thể cơ sở vẫn còn không ít những tấm gương yêu nước và cống hiến vì nhân dân. Vì thế, xin xem các phân tích trong bài này không phải là tài liệu “hiến kế” mà chỉ là quan điểm của một cá nhân trước tình hình đất nước.

Trong rất nhiều yếu tố liên quan đến vấn đề biển Đông được nhắc tới gần đây, như vấn đề nội xâm – ngoại xâm của bản thân Việt Nam, sự đoàn kết và vai trò của ASEAN, chính sách ngoại giao của Nhật Bản và Ấn Độ trong vai trò kìm hãm đà bành trướng của Trung Quốc, và chiến lược quốc tế của Hoa Kỳ, tác giả không đánh giá cao vai trò của Nhật Bản và Ấn Độ khi xét đến yếu tố hiệu quả trong chiến lược ngắn hạn và trung hạn mà Việt Nam có khả năng thực hiện. Lý do là bởi Ấn Độ, dù có không ít cá nhân kiệt xuất, nhưng lại rất yếu về sự đoàn kết nhất trí ở tầm quốc gia để thực hiện các mục tiêu chiến lược. Điều này thể hiện rõ ở tình trạng Ấn Độ luôn bại trận khi đối đầu quân sự với Trung Quốc trong các cuộc đụng độ ở biên giới giữa hai quốc gia. Còn Nhật Bản với xu hướng chính trị và văn hóa thiếu cởi mở trong vài thập niên gần đây cũng đang phải tự giải quyết các vấn đề cơ bản liên quan đến chất lượng bộ máy chính trị, cải tổ bộ máy quốc phòng và cải cách kinh tế.

Hai giải pháp được diễn giải dưới đây chỉ được xếp vào hạng giải pháp tình thế, chứ không đủ để là chiến lược ngắn hạn cho Việt Nam, vốn liên quan đến rất nhiều yếu tố ngoài quốc phòng, ví dụ như tình trạng hai nền tảng phúc lợi xã hội cơ bản của quốc gia là y tế và giáo dục đang ngày càng xuống cấp trầm trọng. Hai đề xuất này được thiết kế dựa trên tiêu chí hiệu quả trong 5 năm đến 10 năm tới và mô hình hợp tác hai bên cùng có lợi (win-win). Sự hợp tác chiến lược ở đây được giả thiết theo chiến lược hiện có và chiến lược tiềm năng trong 5 năm tới mà các quốc gia được đề cập đang hoặc sẽ theo đuổi.

Singapore thực dụng

Khi nhắc đến vấn đề hợp tác trong khu vực Đông Nam Á trước bài toán nóng biển Đông, Việt Nam luôn có tư duy một chiều là phải thông qua tổ chức ASEAN. Trong khi có thể biện giải Việt Nam vốn xa lạ và thiếu niềm tin với Philippine, việc không đánh giá đúng mức lợi ích liên đới cũng như sự hợp tác thiếu chặt chẽ về quốc phòng của ASEAN đã khiến cho Việt Nam thất bại trong việc tìm kiếm một hậu thuẫn vững chắc trong khu vực.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn có một lá bài dường như đang bị lãng quên cho bài toán quốc phòng trên biển. Đó là đảo Phú Quốc.

Quốc gia nào trong khu vực sẵn sàng nhận lá bài này để mạo hiểm trở thành đồng minh quân sự của Việt Nam. Đó là Singapore.

Cho tới hiện tại, Singapore là một quốc gia đang thành công về phát triển kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ. Dù có rất ít tài nguyên thiên nhiên, Singapore vẫn vươn lên nhờ không ngừng nâng cao chất lượng quản lý và thu hút nguồn lực con người là nhân tài ở các quốc gia Đông Á (Hàn Quốc, Đài Loan), Đông Nam Á (Việt Nam, Malaysia, Indonesia) và Nam Á (Ấn Độ). Với những thành công đó, Singapore xác định một mục tiêu chiến lược cho quốc gia của họ là trở thành một quốc gia có đủ trí tuệ và năng lực để dẫn dắt châu Á trong tương lai. Thế nhưng, trở ngại lớn nhất của đảo quốc này là ở quy mô lãnh thổ của họ. Vì thế, và cũng để tự đảm bảo và tăng cường an ninh quốc phòng, Singapore luôn muốn mở rộng tài nguyên đất (land) và có thêm nhiều cơ sở quân sự đặt rải rác (dispersed) và không tập trung (de-centralized) ở xung quanh lãnh thổ của họ. Họ đã hợp tác và thuê nhiều cơ sở quân sự đặt tại các nước như Úc và New Zealand để tổ chức huấn luyện quân đội cũng như là cơ sở dự phòng trong trường hợp Singapore bị bao vây cô lập khi có chiến tranh xảy ra.

Singapore đã từng đặt vấn đề thuê đảo Phú Quốc của Việt Nam để xây dựng các cơ sở kinh tế và các trung tâm tài chính thương mại. Việt Nam đã từ chối vì tổng hợp của những lý do sau: lo ngại mất lợi ích kinh tế từ nguồn lợi đảo Phú Quốc, lo ngại về quốc phòng vì thiếu tự tin và cả thiếu lòng tin vào đối tác (do mất năng lực đánh giá và phân tích lợi ích chiến lược), và cuối cùng, đã bị tư nhân cùng quan chức thâu tóm hết tài nguyên đất trên hòn đảo này.

Tác giả muốn đưa ra đề xuất hợp tác dựa trên lá bài Phú Quốc này cho đông đảo nhân sĩ, trí thức Việt Nam cùng phân tích và đánh giá lại: Liệu đây có thể trở thành một “ngọc bích thành” “nam hữu” [1] với mô hình 1/3 quân sự và 2/3 kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật mà cả hai quốc gia Việt Nam và Singapore đều đạt được lợi ích chiến lược hay không?

Hoa Kỳ mất phương hướng

Việt Nam đã phân vân không biết xử lý ra sao với quân cảng Cam Ranh khi Nga đáo hạn hợp đồng thuê cơ sở hải quân chiến lược này, và dường như còn dại dột muốn phi quân sự hóa nó trong khi căng thẳng ở biển Đông đang không ngừng leo thang!? Với những lý do về lịch sử (cựu thù), những khác biệt về quan điểm chính trị – ý thức hệ và về nhân quyền, và những hệ quả tai hại do chính sách tuyên truyền một chiều của mình, Việt Nam cũng không thành công khi thương thảo để cho Hoa Kỳ thuê quân cảng Cam Ranh.

Tuy vậy, lý do cho thất bại trong hợp tác này cũng không phải chỉ từ phía Việt Nam. Bởi vì chính Hoa Kỳ cũng đang mất phương hướng. Sau những thất bại ở Afganistan và Iraq, Hoa Kỳ cũng đang đánh mất vai trò chủ đạo của mình trên trường quốc tế. Dưới thời tổng thống Obama, Hoa Kỳ trở nên thụ động và bị động trước vấn đề Crimea, trong khi phân tán các mối quan tâm về ngoại giao và quân sự sang các nước châu Phi và Trung Đông. Hoa Kỳ đang xoay trục, nhưng thế giới cũng không rõ Hoa Kỳ đang và sẽ xoay trục tới đâu nữa. Cách đây 5 năm, Hoa Kỳ xác định kẻ thù lớn nhất của họ trong thế kỷ 21 là các phần tử Hồi giáo cực đoan, và vì thế, họ đặt lợi ích chiến lược vào Indonesia khi nhắc tới Đông Nam Á. Nhưng tình hình quốc tế phức tạp hiện tại dường như chứng minh rằng Hoa Kỳ đang đi sai đường.

Có lẽ để có được một sự hợp tác tin cậy với Hoa Kỳ, Việt Nam không chỉ phải tự đổi mới bản thân, mà còn phải cùng chung tay giúp Hoa Kỳ xây dựng chiến lược quốc tế cho họ, ví dụ như đánh giá những ảnh hưởng của dã tâm bành trướng của Trung Quốc và những tham vọng của Nga. Một mặt, Việt Nam cần phải cân nhắc những thay đổi có thể có của Hoa Kỳ như tổng thống Obama sẽ hết nhiệm kỳ vào 2016, nhưng mặt khác, cũng phải luôn hiểu rằng Hoa Kỳ luôn mong muốn những giá trị cốt lõi của quốc gia họ, như nhân quyền, tiến bộ xã hội v.v…, được truyền bá và phổ biến rộng khắp trên thế giới. Đây cũng chính là cơ sở để hai quốc gia thiết kế và xây dựng mối quan hệ đồng minh chiến lược thực sự. Và cũng hy vọng, quân cảng Cam Ranh sẽ trở thành một “kim thành tráng” “bắc hữu” đủ để khiến Trung Quốc phải kiêng dè.

Lời kết

Tác giả luôn hiểu rằng những đề xuất trên đây sẽ vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối cả về tính hợp lý lẫn tính khả thi. Tuy vậy, tác giả hy vọng những đề xuất ngắn gọn và có phần sơ sài ở trên có thể gợi mở ra những hướng suy nghĩ mới để tìm ra những giải pháp chi tiết và tối ưu hơn cho vấn đề biển Đông.

Singapore, 14/05/2014

[1] Sấm Trạng Trình http://vi.wikisource.org/wiki/S%E1%BA%A5m_Tr%E1%BA%A1ng_Tr%C3%ACnh